Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Ông lò


Nguyễn Thị Pháp
Ông lò
Tôi nằm gọn lỏn trong khoang thuyền đánh một giấc dài từ chiều hôm cho đến sáng mới mở hé được cặp mắt. Giấc ngủ dài ngon lành dễ dàng đến với tôi không phải chỉ là do trẻ con dễ ngủ mà còn chính là vì chiếc khoang thuyền yên êm mái chèo ông tôi khua nhè nhẹ nhịp nhàng lại thêm cái gió hiu hiu từ hai triền sông thổi lại! Ai khó ngủ mấy, tôi đảm bảo nằm trong khoang thuyền để ông tôi chèo một lát là ngủ đờ ra ngay! Cái giấc ngủ qua của tôi thật thú vị nhưng chưa thú vị bằng khi hé mở mắt ra đã thấy làn khói mỏng từ “ông lò” để sau khoang thuyền đang rực đỏ. Nội tôi đang loay hoay bên ông lò để lo buổi sáng cho cả nhà (cả thuyền mới đúng chứ). Nghĩ đến thế là tôi chồm dậy ngay, thò ra khỏi khoang thuyền (thuyền nhỏ mái thấp lại chất đầy hàng gốm đất nên không thể đi lại trong thuyền thoải mái như ở nhà mà phải bò, phải khum người lại) đến bên nội âu yếm rồi đưa đôi mắt “xét nét” vào ông lò! Chả biết hôm nay “ông lò” cho món gì hả nội ?! “Thằng cha mày! Mở mắt ra là háu ăn!” Nội vừa nói vừa hấp háy mắt cười. Nụ cười hóm hém của nội làm ấm lòng tôi mỗi sớm mai. Tôi lật đật mở cái nồi đang giấu trong lòng ông lò : úi chu choa : xôi nếp đậu phộng thơm lừng bốc khói, còn cái nồi gì đang sôi  trên ông lò nữa đây: thịt ba chỉ kho mặn với dưa gang muối , mùi thơm đậm đà quá! Dạ dày tôi cồn cào dữ dội. Tôi vội vàng thò cả hai tay xuống sông vục nước cho vào mặt thật lẹ, vốc một vốc nước súc miệng qua loa nhổ toẹt xuống sông rồi quay trở lại ông lò. Nội lấy một cái bát sứ to “bới” cho tôi một bát đầy vun rồi bỏ lên đó năm bảy lát thịt kho mặn cả dưa muối kho đậm đà. Tôi vừa ngắm dòng sông lặng lờ buổi sáng vừa đánh một mạch hết veo liền mấy bát xôi đậu phộng kho thịt. Thỉnh thoảng tôi cũng thể hiện sự “thảo ăn” của mình nhả vài chút “mồi” trên sông nhữ lũ cá chạy theo trắng xóa cũng vui mắt .
Suốt dọc chiều dài xuôi ngược trên sông Thu Bồn năm bảy ngày liền ông lò là vật hỗ trợ đắc lực để duy trì sự sống cho cả ông cháu tôi! Chắc bạn đọc sẽ thắc mắc : “ông lò” là ai dzậy? “Ông lò” chỉ là một vật dụng làm từ đất sét mà ra. Ông lò là họ hàng của các bếp. Ông lò ra đời khi ngành gốm của ta phát triển. Vậy ông lò phải là tổ tiên của các bếp chứ! Chính vì vậy mà con người đã tôn vinh gọi bằng ông lò như “ông táo” chứ không gọi trỗng là “lò” vì “lò” chính là bếp.
“Ông lò” xuất thân từ đất sét được nhào nặn rối nắn thành ông lò. Nắn ra ông lò không phải là dễ, phải khéo tay lắm . Thoạt tiên phải nhồi một cục đất sét to cho thật dẽo, mịn rồi cán mỏng độ 3 phân, dùng nệp tre vẽ hình bầu dục. Lại nhồi đất cắt ra thành những thanh đất dài cả mét dày độ 7 phân, rồi dùng hai tay ép dựng những thanh đất dài lên hình bầu dục để tạo thành lò. Tiếp đến lấy 3 cục đất sét vuông vức độ bằng 1/3 cục gạch thẻ gắn một cục ở giữa, 2 cục gần đối xứng nhau lên thành lò ở đoạn đầu hẹp nhất , kiểu ông táo. Chỗ 3 cục đất sét được gắn này chính là chỗ để bắt nồi đun, nấu. Khi ông lò được nặn xong đem phơi khô rồi cho vào lò nung chín một ngày đêm. Khi lấy ra ông lò thay màu áo đất sét vàng bằng chiếc áo đỏ chói, gõ kêu bong bong là tốt. Ông lò ra đời được di chuyển khắp nơi. Ông lò là chiếc lò di động của người dân làng quê tôi thời ấy. Ông lò đi thuyền làm nhiệm vụ nấu ăn rất tiện lợi. Các than củi do ông lò đốt thành tro đều chứa hết vào bụng lò. Bụng lò không chỉ có chức năng chứa tro mà còn có chức năng ủ nóng thức ăn. Tro nóng của ông lò mà lùi khoai lang nướng chín thì tuyệt vời.
Sự ra đời của ông lò thật dung dị nhưng quá trình cống hiến thì không sao kể xiết. Càng cống hiến (càng được phục vụ nấu nướng nhiều) thì ông lò càng săn chắc, khỏe hơn vì được “nung nấu”, “ tôi luyện”.
Vậy đó, thuyền nội vượt trường giang bao nhiêu ngày, bao nhiêu chuyến, bao nhiêu năm ông lò vẫn dõi sát bám theo mà phục vụ. Nội già theo thời gian rồi phải từ giã trần đời, tôi lớn lên rồi phải xa nhà, xa thuyền, duy chỉ còn lại ông lò trên mui thuyền nằm chơ vơ lạnh lẽo. Sau đó chẳng biết ai đã mang ông lò về ngồi cạnh ông táo trong nhà. Thỉnh thoảng có dịp đình đám, nấu nướng nhiều ông lò mới được “ra tay” phục vụ. Không biết những lúc ngồi một mình bên ông táo, ông lò có buồn rồi ca câu “than ôi thời oanh liệt nay còn đâu?” không nhỉ!
Còn tôi mỗi lần trở lại quê nhà, tôi đều lén xuống bếp một mình, nhìn lên ông lò, ông vẫn ngạo nghễ chơ vơ bên ông táo, tôi bỗng nhớ da diết nội tôi, nhớ những chuyến xuôi thuyền với nội, nhớ ông lò giúp nội nuôi dưỡng tuổi thơ tôi . Tôi bất giác nhẩm thầm mấy dòng thơ của Bằng Việt viết về “Bếp lửa” mà tôi thấm thía nhất:
“Giờ cháu đã đi xa có khói trăm tàu,
  Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
  Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
  Sớm mai này bà  nhóm bếp lên chưa.”…..
Nội tôi không còn nữa, ông lò chẳng còn ai để nổi lửa những sớm mai. Quá khứ đã lùi dần nhưng dư âm của nó vẫn cháy mãi trong ký ức tuổi thơ tôi.

Không có nhận xét nào: