Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Điệu hò kéo lưới của cư dân miền biển Đà Nẵng


Văn Võ



Điệu hò kéo lưới
của cư dân miền biển Đà Nẵng


Vùng duyên hải Đà Nẵng, dọc theo bờ biển từ Nam Ô đến Thanh Khê, từ Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn có nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian khá đặc trưng của ngư dân như: Lễ hội Cầu Ngư, Hò chèo thuyền, Hò đua thuyền... trong đó điệu Hò kéo lưới (còn gọi là Hố giựt chì), rất gắn bó với cư dân miền biển Đà Nẵng từ xưa tới nay.

Trong dân gian miền biển Đà Nẵng có câu ca dao:

Ra đi sóng biển mịt mù
Trời cho lưới nặng, dô hò (ta) kéo lên

Câu hát này khắc họa tâm trạng của ngư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên biển cả, làm ăn vất vả, nhọc nhằn lênh đênh giữa biển cả mênh mông suốt ngày này qua tháng nọ, ra khơi mịt mù không biết thả lưới nơi nào dể bắt được nhiều cá, ngoài việc cầu mong cho may mắn, họ còn vận dụng kinh nghiệm nghề nghiệp để tìm luồng nước mà thả lưới bủa vây đánh bắt cá, tôm, cua, mực...
Ngày xưa vì điều kiện thuyền bè còn thô sơ, chưa hiện đại, nên chỉ đánh bắt gần bờ, thường thì họ lên thuyền ra đi vào buổi chiều, mang theo các ngư cụ chuyên dụng và chút ít lương thực, chuyến đi phải đối phó với nhiều thử thách gian lao giữa nghìn trùng sóng nước, mưa gió bão bùng, nhất là vùng biển Đà Nẵng hàng trăm năm nay, năm nào cũng có vài cơn bão ghé qua, thế nhưng vì cuộc mưu sinh của gia đình, những người cha, người anh phải ra khơi vào lộng, ở nhà chỉ là những phụ nữ chân yếu tay mềm, trót phó thác số phận cho người chồng ngư phủ với công việc rủi nhiều may ít, đến nỗi dân gian đã đúc kết nên câu ca dao chua xót:

“ Lấy chồng nghề ruộng em theo,
Chồng làm nghề biển hồn treo cột buồm ”

Vì vậy, những người vợ người mẹ ở nhà, ngày đêm luôn khấn nguyện cho người thân của mình khỏe mạnh, may mắn, vượt qua sóng to gió cả, mưa bão, giông tố để đem về tôm cá đầy thuyền.
Khi ra khơi, họ thường có nhiều thuyền bạn với các bạn chài đi cùng để hỗ trợ nhau, cùng thả lưới bao vây đàn cá, mỗi nhóm đánh bắt có 3,4 chiếc thuyền hoặc ít nhất 2 chiếc thuyền, mỗi chiếc có bạn chài nắm giữ một đầu lưới cùng kéo chèo vào bờ, vì lưới có buộc chì ở dưới đáy nên lưới nặng trĩu xuống sát đáy biển cạn, trong lòng lưới chứa đầy cá tôm, hải sản... cứ tiến dần vào bờ theo hình vòng cung nối hai chiếc thuyền.
Đến rạng sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng, người nhà của ngư dân cùng với bạn hàng cá kéo nhau ra bờ biển ngóng đợi thuyền về. Khi nhìn thấy thuyền nhấp nhô tiến vào từ ngoài khơi xa, người chủ lưới cất cao tiếng hò, báo hiệu cho những người đang ngồi trên bờ:
Hò hố...giàn nậu vô !
Nghe câu hò gọi, những người trong bờ nhanh nhẹn chạy nhanh ra mép biển, chuẩn bị đón thuyền vào và hát xô
Hò hỡi hò lơ
Trong số đó, có hai thanh niên khỏe mạnh, chạy vội ra biển, bơi nhanh đón 2 đầu dây mành lưới từ hai chiếc thuyền kéo vào bờ, bên trong lòng lưới cá tôm vùng vẫy nặng trĩu, tốp người tự chia làm hai hàng dọc, theo chân hai thanh niên chạy xuống biển, ngập người trong dòng nước mặn, hai tay nắm chặt dây mành vừa kéo lưới vừa hát xô nhịp nhàng.

Lúc này, lưới hãy còn ở xa bờ nên những người đón thuyền còn kể và xô trong nhịp điệu buông lơi, thong thả : Người kể hò mở đầu đầy khí thế : Hố hò lơ, ngay lập tức, người xô đáp lại : Là hò hỡi lơ.

Đoạn I
Kể :  Ra đi (mà) sóng biển
Xô:  Là hò hỡi lơ
Kể :  Sóng biển mịt mùng
Kể : Sóng biển mịt mùng
Xô : Là hò hỡi lơ
Xô:  Là hò hỡi lơ
Kể : Dô hò (ta) kéo lên
Xô:  Là hò hỡi lơ

Khi thuyền đã tiến vào gần bờ hơn thì tiết tấu kể và xô dồn dập hơn, khắc họa nhịp điệu khẩn trương hơn, chắc khỏe thôi thúc mọi người chuẩn bị đón mẻ lưới mới về, người kể cất giọng vào hò cao hơn : Hỡi lơ hò lơ, người xô cũng hưởng ứng mạnh mẻ hơn : Là hỡi hò lơ  ; người xô có thay đổi vị trí lời xô và chuyển lên âm vực cao hơn : Là hỡi hò lơ ( khác với đoạn I : Là hò hỡi lơ).

Đoạn II
Kể : Hỡi lơ hò lơ
Xô : Là hỡi hò  lơ
Kể : Ra đi( mà ) sóng biển
Xô : Là hỡi hò lơ
Kể : Sóng biển mịt mùng
Xô : Là hỡi hò  lơ
Kể : Trời cho ( mà) lưới nặng
Xô : Là hỡi hò lơ
Kể : Dô hò ta kéo lên
Xô : Là hỡi hò  lơ

Khi lưới sắp áp sát vào bờ, sóng xô mạnh hơn, thuyền và lưới trôi giạt bềnh bồng khó điều khiển, mọi người mạnh tay ra sức kéo lưới nhanh vào bờ lên cạn để tránh sóng nước đập vào làm cá nhảy ra ngoài. Lúc này người kể cất giọng như nói, thật dứt khoát, rõ ràn : Rị hố rị ! , Những người xô ngay lập tức hô to như khẳng định động tác : Hố rị ( Rị: tiếng Quảng nghĩa là níu kéo, giữ lại)
Vẫn với nội dung câu hát lục bát ban đầu, song lời kể đã được tách từng 2 từ một, hô lên thật dõng dạt và lời xô cũng chỉ có 2 từ :

Đoạn III
Kể : Ra đi                                            Xô: Hố rị
Kể : Sóng biển                                    Xô: Hố rị
Kể :  Mịt mù                                         Xô: Hố rị
Kể : Trời cho                           Xô: Hố rị
Kể : Lưới nặng                                    Xô: Hố rị
Kể : Dô hò                                           Xô: Hố rị
Kể : Kéo lên!                           Xô: Hố rị

Vào đoạn cuối thì cả hai hàng người đều chân chạy nhanh trên cát kéo lưới, tay nắm dây mành vừa kể và xô : Rị, rị, rị, rị, rị... tiếng rị cuối cùng kéo dài. Mọi người đều dồn hết sức lực nhanh chân kéo lưới lên cạn, ra khỏi mặt nước, cá bị mắc trong lưới quẩy đạp khó khăn nên không thể thoát ra ngoài, buộc phải phơi mình trên cát chờ chủ lưới cho phép bạn hàng cùng nhau hốt cá từ trong lưới ra chia phần để gánh đi bán ở các chợ gần xa, và có khi người nhà chủ lưới chọn cá ngon đem về nhà nấu nướng...
Nhìn chung, ngoài timnhs chất sôi nổi hào hứng thì đặc điểm thấy rõ là lời kể cả 3 đoạn trong điệu hò kéo lưới đều giống nhau về lời ca, tuy tiết tấu và số từ có khác nhau :
Ra đi sóng biển mịt mù
Trời cho lưới nặng, dô hò ( ta) kéo lên
   Trong khi đó lời xô ở mỗi đoạn đều nhất quán theo một dạng từ đầu đến cuối ( đoạn I : Là hò hỡi lơ, đoạn II :Là hỡi hò  lơ, đoạn III : Hố rị )
   Chính vì tính đơn giản trong cấu trúc cũng như lời ca mà làn điệu hò kéo lưới dễ hát, dễ nhớ đến nỗi hầu hết  dân chài đều thuộc lòng và khá phổ biến trong các buổi sinh hoạt hội hè trên khắp vùng biển này, cũng như được tái hiện khá sôi nỗi trong các chương trình văn nghệ có chủ đề về Biển  ở Đà Nẵng.

Hò trên sông nước


Văn Thu Bích


Hò trên sông nước
xứ Quảng


   Vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng, trải dài từ Nam Ô đến Thanh Khê, từ Sơn Trà đến cửa Đại, Chu Lai, Kỳ Hà... có những vịnh lớn nhỏ rãi rác dọc theo bờ biển. Các con sông từ thượng nguồn chia thành nhiều nhánh, chảy xuôi về hợp thành những dòng sông lớn chảy ra biển cả, như : Sông Trường Định, sông Túy Loan, sông Hàn, sông Yên, sông Tiên, sông Trường Giang, sông Thu Bồn. Các cửa sông là nơi tụ họp chợ búa, trên bến dưới thuyền, tấp nập vào ra, xuôi ngược, kẻ mua người bán đủ các thứ lâm thủy sản, thổ sản, cá mắm từ các nơi khác chở tới để cùng trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền. Nhiều làn điệu hò sông nước xứ Quảng cũng được ra đời từ nơi đây và còn vang vọng cho đến ngày nay :

                        Ai về nhắn với bạn nguồn
            Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên

   Những câu hò trên sông nước xứ Quảng gồm có Hò chèo thuyền đò dọc, Hò chèo thuyền trên sông lớn, Hò trên chuyến đò ngang, Hò đua ghe.

  Hò chèo thuyền đò dọc, Hò chèo thuyền trên sông lớn có giai điệu đằm thắm, mượt mà, khoan thai, ngân vang trữ tình, thấm đẫm hơi thở của hương đồng gió nội, sông nước hữu tình, thấm đượm ngữ điệu thô tháp, mộc mạc khá đặc trưng của xứ Quảng, của bà con nông thôn chân chất...tất cả được hiện rõ qua các điệu hò chèo thuyền đối đáp qua lại giữa các đôi trai gái trên những chuyến thuyền hàng ngược xuôi theo dòng Trừơng Giang, Thu Bồn hoặc trên sông nước Hàn Giang, Trường Định..

   Làn điệu hò chèo thuyền đò ngang xứ Quảng cũng thật trữ tình, thơ mộng, tiết tấu dàn trải thể hiện mái chèo lướt nhẹ trên dòng nước êm trôi chất chứa bao nỗi niềm của cô gái lái đò hằng ngày giữ vững tay lái, chèo thuyền đưa khách sang sông, đôi lúc buồn tình cô cũng tỏ bày cùng bạn tri âm qua những thanh âm ngân nga, từ câu hò thắm đượm ân tình:

            - Em chèo thuyền trên sông Cái, em ngó lại quê mình
            Chim trên cành còn đủ cặp, huống chi mình lẻ đôi
            Vì đâu mà đây với đó hai nơi
Chuyến đò ngang bằng chiếc đũa
Không một lời nhắn đưa
Cây đa bến cũ, con đò xưa.
Người thương có nghĩa thì nắng với mưa em vẫn chờ.
           
            Rồi đáp lại lời nhắn gửi thiết tha ấy, chàng trai xứ Quảng từng gắn bó với nghề sông nước cũng thốt lên câu hát thề nguyền, thể hiện tấm lòng nồng thắm thủy chung:

                        - À ơi !
                        Sông cạn lời nguyền không cạn
                        Núi lỡ, non mòn, nghiã bạn không quên
                        Sông sâu sớm xuống chiều lên
                        Dặn ai, ai nhớ đừng quên nghĩa tình!                                                                          Khoan hố hợi là hò khoan

            Trước đây, trên các dòng sông thuộc vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng thường diễn ra cuộc hò giữa hai nhóm thanh niên nam nữ khi chèo thuyền chở khách hoặc chở hàng ngược xuôi trên sông, tình cờ gặp nhau hò qua lại, đối đáp vui vẻ, có thể chèo thuyền chiếc trước, chiếc sau hoặc cùng đi song song. Có khi người hát không phải là người chèo mà là khách trên hai chiếc thuyền chia thành hai phe hát đối đáp với nhau. lối hát này rất được yêu thích và khá phổ biến trước đây.

Nữ :
À ơi!
Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng
Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!

Nam :
À ơi!
Thương cha nhớ mẹ thì thương
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng
            Khoan hố hợi là hò khoan

Làn điệu hò trên sông nước đôi khi chỉ với hai câu thơ lục bát, song thất lục bát, nhưng nội dung rất phong phú, thể hiện nỗi lòng của các cô gái chèo thuyền nơi thôn dã mộc mạc chân chất với lời chê trách những chàng trai ham mê nơi phố thị mà quên đi miền quê nghèo nàn có bao cô gái luôn thủy chung, hiền lành. Âm điệu buồn man mác của câu hò làm cho người nghe cảm nhận được tâm tư tình cảm thầm kín sâu sắc của cô gái quê.

Nữ:
Sông tôi chẳng có bóng thuyền
Mong gì hứng gió những miền biển khơi
Tủi lòng sông lắm thuyền ơi
Đừng chê thôn nhỏ ham nơi phố phường


NamÀ ơi!
            Lời nguyền dưới nước trên trăng
            Không ai thương nhớ cho bằng đôi ta
            Đường đi xa lắm ai ơi
            Nước non ngàn dặm, bể trời mênh mông
                        Khoan hố hợi là hò khoan

Riêng điệu hò đua ghe lại có hai làn diệu với hai loại tiết tấu tương phản nhau : Điệu hò mái lơi và hò mái nhặt.
Hò mái lơi được hát lên khi ghe mới rời bến, lúc này ghe lướt chậm với nhịp lơi nhẹ, các bạn chèo còn thư thả chuẩn bị vào cuộc đua ghe, giai điệu êm ả, tiết tấu khoan thai; còn điệu hò mái nhặt là hò khi ghe sắp tới đích, nhịp chèo mạnh mẽ hơn, tiết tấu dồn dập, sôi nổi hơn khắc họa khí thế thi đua và tính chất hào hứng của ngày hội đua ghe.
            Thời trước, khi hệ thống tàu bè chưa phát triển, thì vào những đêm trăng thanh gió mát, dọc theo hai bên triền sông, đan chen cùng những lũy tre xanh là những bãi dâu xanh biếc, những nương bắp bạt ngàn, ẩn hiện bên trong là những cây đa, bến nước, đậm đà sắc thái, phong vị quê hương. Trên các dòng sông êm ả những chiếc thuyền lặng lẽ ngược xuôi, lên xuống, đi về qua các vùng miền của đất nước. Giữa không gian thơ mộng đó, biết bao bạn chèo và khách quá gaing tức cảnh sinh tình, cất lên giọng hò ngân vang trên sông nước, đối đáp qua lại giúp bạn chèo quên đi mệt nhọc và tỉnh táo, vượt qua cơn buồn ngủ, gắng sức đưa thuyền lướt sóng trên dòng nước mênh mông.
Khác với các điệu hò trên cạn ở xứ Quảng có tính chất hào hứng, dứt khoát, giai diệu đơn giản dễ hát dễ nhớ, thiên về tiết tấu, khắc họa đậm nét nhịp điệu lao động, tạo thêm sự hứng khởi, phấn chấn cho người tham gia lao động như hò ba lý, hò giã gạo, hò giã vôi, hò đạp chè... thì phần lớn làn điệu của các điệu hò khoan trên sông nước lại mang tính chất trữ tình, man mác, tiết tấu khoan thai theo nhịp điệu êm ả của dòng nước chảy xuôi, của tiếng sóng lăn tăn vỗ nhẹ mạn thuyền.
Những điệu hò trên sông nước của miền đất này đã có từ thời xa xưa. Mặc cho đất trời, thời gian có những đổi thay, song nét đẹp dung dị, sâu sắc của thể loại âm nhạc dân gian này vẫn còn sống mãi trong ký ức người dân xứ Quảng và còn được lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay.

Hương vị Tết quê


Lương Thị Hồng Đào


Hương vị tết quê


Những ngày cuối năm, kẻ tha hương nghe lòng xốn xang nỗi nhớ quê, dù lo nghĩ bề bộn chồng chất họ cũng cố thu xếp về. Những chuyến tàu xe đầy ắp đón bao đứa con xa kịp về tết quê bỏ lại sau lưng cái xôn xao, náo nhiệt nơi chốn thị thành.
     Dù ở bất cứ nơi đâu, cái hương vị quen thuộc, ngây ngất của tết quê là mùa hương nếp mới. Xóm thôn náo nức xay giã giàn sàng, gói bánh chưng, bánh tét, bánh tài, bánh ú, …Ôi chao! Đủ các thứ bánh đón tết mừng xuân. Nhà nhà ai đấy bộn bề nào lá, nào nếp, nào lạt, thịt mỡ, nhụy ngon cố khéo lên cho chiếc bánh xưa của tiền nhân tròn hơn, vuông hơn, xinh xắn hơn. Nồi bánh bắc lên, con trẻ vui đùa quanh bếp lửa, hí hửng rạng rỡ trên từng khuôn mặt. Người ngồi thêm lửa trông nồi bánh đón xuân, họ như quên đi bao lo toan nhọc nhằn một năm vất vả. Có nhà nấu sớm bánh đã vớt treo quanh dàn bếp. Tối đến lại, âm thanh của nhịp chày, chả lụa, chày đóng bánh khô, bánh nổ, rồi tiếng lao xao, lách cách chùi rửa xoong nồi, người dân quê như thức trọn thâu canh cho ngày tết cận kề.
     Phiên chợ tết quê náo nức với bao âm thanh rộn rã. Kẻ gánh người gồng, nhanh mua kịp bán, tiếng cò ke eo sèo, mặc cả hòa trong tiếng gà vịt láo nháo, tiếng lợn eng éc. Đủ vị, đủ thứ, không thiếu thứ gì, người người tay xách nách mang, có người như muốn gánh cả chợ về nhà. Ai cũng muốn có đủ để chẳng thua đủ ba ngày tết. Một góc chợ xa, rực vàng mai và vạn thọ, hai thứ hoa dân dã đậm hương vị tết quê. Nghèo rớt mồng tơi cũng cố chọn nhành mai vàng để vơi đi cái cực đeo đuổi và trên bàn thờ tổ tiên một bình vạn thọ rực thắm đón xuân. Gian chợ quần áo mới đông người chen lấn, họ ngắm nghía dài ngắn, vây chật… Cả năm lam lũ cố chọn cho con bộ áo mới vừa vặn ngày tết, người khoe với làng xóm họ hàng.
     Đêm giao thừa, con trẻ xúng xính áo mới lạy kính tổ tiên, cả nhà quây quần chúc tết. Chúc năm mới phát tài, đắc lộc, công thành danh toại, vạn sự an khang. Sáng mùng một các cụ cao niên, áo dài khăn đóng, tề chỉnh xông đất chúc tết mọi nhà an lành năm mới. Hết giờ xông đất, ai nấy yên tâm “ có thờ có thiêng, có biêng có lành”, ấy là lúc mọi người vui chơi thoải mái. Tết đến là dịp để mọi người thăm hỏi “ phải trái ” với nhau, sui gia, họ hàng, bạn bè, trai gái gặp nhau chuyện trò rôm rả sau một năm đầu tắt mặt tối. Lời đầu năm từ cửa miệng phải ý đẹp lời hay, câu chúc thấu tình đạt lí, tránh nói điều khiếm nhã, xằng bậy, càng quấy làm mất vui ngày Tết.
      Tết là dịp lễ chùa đầu năm của người dân quê. Già trẻ, trai gái nô nức như ngày hội. Chùa làng là nơi gắn bó với họ như một đại gia đình, nơi họ đã gửi niềm tin yêu thành kính. Ngày thường có người tất bật, có khi đi ngang cổng chùa nhưng tâm trí mải lo chuyện miếng cơm manh áo. Ngày Tết là thời khắc sâu lắng để họ thành tâm cầu nguyện, mong ước nhũng điều tốt lành năm mới. Lời ước nguyện bên mái chùa là niềm động viên an ủi với người dân quê, giúp họ quên đi bao nỗi nhọc nhằn lao khổ. Chùa quê còn là nơi đùm bọc thương yêu đậm tình làng nghĩa xóm. Bao bực tức, xích mích, giận dỗi ngày thường bỗng nhiên hôm tết lễ chùa, ai cũng rộng lòng tha thứ, hoan hỉ, mọi buồn phiền ưu tư tan biến để nghe lòng thanh thản vô tư.
       Tết quê thấm đậm tình quê dạt dào, lai láng, người xa quê dạ nhớ  khó quên !

Lời chúc Tết


Đỗ Nguyên Bá


 Lời chúc tết  



 “Một năm bắt đầu từ mùa xuân…”, vì thế trong ngày đầu năm người ta dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, bà con, người thân. Và điều làm cho ngày Tết có ý nghĩa, khiến cho ai cũng đẹp lòng, vui tươi, phấn khởi là LỜI CHÚC TẾT.
       Phải có lời chúc Tết mới thành ngày Tết, mới là không khí mùa xuân, mới khác biệt với ngày thường.
       Nhưng không phải ai cũng thấu hiểu hết nét đẹp truyền thống văn hóa ấy.
       Đêm trừ tịch, cả nhà quây quần. Khi giao thừa đến, bước vào giây phút đầu tiên thiêng liêng của năm mới, mọi người đều đứng lên, vui vẻ chúc mừng nhau bằng lời chúc Tết.
       Không phải lời chúc Tết thế nào cũng được, tùy hoàn cảnh, trường hợp, tâm tư tình cảm mà áp dụng, sử dụng mỗi lời chúc Tết cho thích hợp, nếu không sẽ thành vô duyên, kệch cỡm, sáo rỗng.
       Lời chúc Tết là lời chào đầu năm, là lời cầu mong được hạnh phúc, thành công, vui vẻ, sức khỏe, hưởng những điều tốt đẹp nhất mà họ mong mỏi.
       Kèm theo lời chúc, không chỉ là lời nói mà còn là nét mặt tươi vui, rạng rỡ. Điều quan trọng là nó phải xuất phát từ tình cảm của người chúc và điều cầu mong, mơ ước của người được chúc.
       Xã hội có nhiều thay đổi, lời chúc Tết cũng đổi thay, sàng lọc cho phù hợp.
       Lời chúc Tết phải chân thành, tình cảm, mang tính văn hóa và thẩm mĩ cao
       Lời chúc đầu năm thường không thể thiếu “chúc sức khỏe”. Sức khỏe là vốn quí nhất của mỗi người, là vàng mười của cuộc sống, cho nên lời chúc ấy ai nghe cũng hợp lòng.
       Hạnh phúc là niềm mơ ước, phấn đấu của mọi người, bao hàm rất nhiều mặt từ hạnh phúc vật chất đến hạnh phúc tinh thần, chúc nhau cũng rất xác đáng.
       Thành đạt là điều mong mỏi của mỗi chúng ta trong học tập, công việc, kinh doanh…Để tạo ra mội cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần hữu ích thúc đẩy xã hội tiến lên.
       Tóm lại, Tết là ngày rất đặc biệt. Lời chúc Tết cũng là lời đặc biệt, không chỉ về vật chất hữu thể mà còn văn hóa vô thể. Mỗi chúng ta, ai cũng đều mong cho mọi người quanh ta hạnh phúc, sống vui tươi, lành mạnh, thành đạt để tạo ra một đời sông văn hóa vững bền. 

Giao thoa văn hóa Việt - Chăm nhìn từ đồng dao


Võ  Văn  Hòe

Giao thoa văn hóa Việt - Chăm
nhìn từ đồng dao (同谣)


Đồng dao theo Dương Quảng Hàm trong sách "Việt Nam văn học sử yếu", định nghĩa: "đồng dao là các bài hát của trẻ con" (đồng dao). Trong Tạp chí Văn học số 4/1974, GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh trong bài "Đồng dao với cuộc sống dân tộc Thái ở Tây Bắc", đã viết rằng, "Trong môi trường sinh hoạt mỗi bài đồng dao là một thể kết hợp văn hóa - văn nghệ dân gian. Thông thường nó gồm ba yếu tố: trò chơi, lời ca văn vẻ, làn điệu âm nhạc. Cũng có một số bài có hai yếu tố, và lời ca là âm nhạc. Mỗi yếu tố hợp thành đã đóng vai trò của một thành viên không thể cắt rời của thể kết hợp đó". [[1]]. Trong sách "Văn học Chăm" tác giả Inrasara cho rằng: "Đồng dao Chăm là những bài thơ có vần điệu được trẻ con Chăm hát truyền khẩu cho nhau qua nhiều thế hệ". [[2]] Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên định nghĩa đồng dao: "là lời hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường kèm một trò chơi nhất định". [[3]]
Hiện tại xét về mặt đồng đại, đồng dao không còn được các em  tập trung tổ chức hát, chơi trò chơi đi kèm, thường xuyên tại các trường học, thôn làng, nên việc sưu tầm ghi chép lại thể loại văn học này trên một địa bàn cư trú cụ thể gặp khó khăn không ít. Tuy nhiên, thảng vẫn còn nhưng các em chỉ đọc đồng dao để nghe với nhau, hoặc được tổ chức dàn dựng đưa lên sân khấu hoặc truyền hình, hoặc tổ chức trong các trường Tiểu học với chủ đề chung "Trường học thân thiện", theo đó đồng dao mất tính xác thực như nó đã vốn có cả về từ ngữ lẫn trò chơi và nhịp điệu đi kèm.
Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát đồng dao người Việt, người Việt miền Trung và người Chăm để tìm nét tương đồng hoặc có giao thoa nhau trong tiến trình giao lưu, tiếp biến văn hóa dân gian khu vực miền Trung Việt Nam. Thực hiện lát cắt trên quan điểm đồng đại để tìm hiểu trong một giai đoạn diễn biến từ khi người Việt đặt chân vào phương nam, muộn nhất từ năm 1471 đến đầu thế kỷ XX làm đối tượng cho nghiên cứu, đối sánh để tìm hiểu sự tương đồng, giao thoa trong đồng dao của trẻ em người Việt - Chăm.
Qua khảo sát, xem xét 20 đơn vị đồng dao trẻ em người Chăm trong sách: "Văn học Chăm" của tác giả Inrasara, đối chiếu với 16 đơn vị đồng dao sách "Văn hóa dân gian Hòa Vang" [[4]], "Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng" (tập 1/1983), một số đơn vị  đồng dao trẻ em ở Khánh Hòa (mạng internet), và 713 đơn vị đồng dao trong sách “Đồng dao người Việt” [[5]] cho thấy các bài đồng dao trẻ em người Việt có thể loại kết hợp mỗi câu 2 tiếng, 3, 4, 5, 6, 7 và có câu lục bát 6/8. Qua đối chiếu với ca dao trẻ em Chăm rất ít bài đồng dao có câu 3, 4 tiếng (có 2/20), ít tìm thấy thể đồng dao 2 tiếng, 3, 4, 5, 6, 7 tiếng mà tập trung phần nhiều là các bài đồng dao hỗn hợp, có bài câu 3 tiếng lẫn với câu 4, 5 tiếng, do đó bài đồng dao của trẻ em Chăm câu có số tiếng không bằng nhau. Ngược lại trong đồng dao trẻ em người Việt miền Trung cơ cấu câu 2 tiếng đến 3, 4, 5, 6, 7, và câu lục bát 6/8 vẫn có và chiếm tỉ lệ lớn. Tuy nhiên vẫn có trường hợp đan xen câu 3 tiếng đến 4 tiếng, có khi 2 tiếng trong một bài như đồng dao trẻ em Chăm. Ví dụ bài đồng dao sau đây của trẻ em người Việt, mỗi câu 3 tiếng, nhưng vẫn phá vở tiết tấu để thể hiện thanh điệu, ngữ điệu và nhịp trong biểu hiện gắn với trò chơi cùng với lời càng lúc càng nhanh dần:
-Đúc cây dừa
                        Chừa cây nạng
                        Cây lồng ống
                        Cây bí đao
                        Cây nào cao
                        Cây nào thấp
                        Cây nào rập
                        Cây nào rà
                        Mồng tơi, bí đỏ
                        Quan văn, quan võ
                        Ăn cắp trứng gà
                        Bọ xa, bọ xít
                        Bò ra tay này
                        Mà gầy tay nọ
                        Mà bỏ tay ni !
bài đồng dao trẻ em Chăm thể 3 tiếng:
                        -Kwik kwik
                        Kwik dik cabbak
                        kơu lauk gilaung
                        Kwik hu kaung
                        Kơu hu krah
                        Kwik hu brah
                        Kơu hu jien...
                        Kwik Kwik
                        Kwik leo cổng
                        Tao chui rào
                        Kwik có còng
                        Tao có nhẫn
                        Kwik có gạo
                        Tao có tiền...
Bài đồng dao trẻ em Việt thể 4 tiếng:
-Ru ru kiến kiến
Con kiến ở nhà
Con gà bươi bếp
Con rệp thắp hương
Chàn hương bới tóc
Cá nóc cầm chèo
Co mèo tát nước
Con vạc đi ăn
Mụ vằn đi chợ
Mua mật mua mỡ
Về cho kiến ăn
Làm nhà năm căn
Cho con kiến ở
Kiến không thèm ở
Kiến bỏ kiến đi.
            Bài đồng dao của người Chăm thể 4 tiếng/câu:
                        -Bluk bluk blu blu
                        Gà chú một đôi
                        Bồ câu một giỏ
                        Phát rừng làm rẫy
                        Rẫy chú trồng đậu
                        Đậu chú xanh xanh
                        Cà chú lớp lớp
                        Cơm nước no bụng.
                        (Bluk bluk blu blu
                        Mưnuk cei sa yơu
                        Katrơu cei sa habai
                        Jah glai ngap puh
                        Puh cei pala ritak
                        Ritak cei vei vei
                        Traung cei dak dak
                        Cei hwak trei tung).
            Bài sau đây của trẻ em người Chăm là tổng hợp câu có số tiếng không bằng nhau:
                        Japlwai lội nước [[6]]
                        Con chồn lội bẫy
                        Nắm lấy cẳng
                        Quảng vào cột
                        Ông Dơm Sơng [7]
                        Đứng trước mặt mẹ Japlwai.
(Japlwai lwai ia
                        Mưja hwa gaiy
                        Pan di laiy
                        Cabauh di gơng
                        Ong Dơm Sơng
                        Ânk maik Japlwai.)
            Bài đồng dao trẻ em Việt miền Trung có số tiếng 4, 5, 7 đan xen nhau, tương đồng với đồng dao trẻ em Chăm:
-Đàn dê lên rừng
Thấy hang hổ xám
Thì dừng lại ngay
Hổ xám có nhà không?
Hổ xám còn rình mồi!
Hổ xám rình mồi chi?
Rình mồi bắt đàn dê đầu đàn!
Dê đầu đàn húc lại?
Hổ xám rình bắt dê con!
Dê con chạy nhanh
Cả đàn che chở [[8]].
Theo đó, cho thấy rằng thể đồng dao trẻ em Chăm là thể loại hỗn hợp câu 2, 3, 4, đến 5 tiếng đan xen nhau trong một bài đồng dao, do đó phối thanh không đồng đều và đôi khi không đối thanh, mà thường thể hiện nội dung là chủ yếu của bài đồng dao. Điều này thấy có sự giống nhau không điển hình giữa đồng dao trẻ em người Việt miền Trung và đồng dao trẻ em Chăm.
            Có thể nhận thấy trong đồng dao trẻ em Chăm và trẻ em Việt miền Trung vẫn có sự tương đồng nhau trong thể 4 tiếng, có đan xen 3 tiếng/câu, khi ấy vấn đề nhịp điệu vẫn được xem là có sự tương đồng nhau và cả vần lưng cũng được thể hiện. Đồng dao trẻ em Việt có nhịp 2/2, 2/4, 3/3,… thì đồng dao trẻ em Chăm vẫn có các loại nhịp như vậy.
            Ví dụ: nhịp 2/3, 3/3 đan xen nhau:
                        - Ppok jaung / Đaung đak
                        Cadak mưhlei
                        Lisei hwak / Ia mưhum
                        Tum rideh / Tâtih ai bilan
Pôk jong / cong thẳng
                        Bắn bông / cơm ăn ước uống
                        Tum xe tròn / Hệt quầng trăng
                        Cá dưới sông / Cọp trong rừng …
           
                        Hoặc nhịp 3/3:

                        - Japlwai lwai ia / Mựa hwa gaiy
                        Pan di laiy / Cabauh di gơng
                        Ong Dơm Xơng / Anak maik Japlwai
                        Japlôi lội nước / Chồn kéo ghe
                        Nắm lấy cẳng / Quảng vào cột
                        Ông Dơm Sơng / Trước mặt mẹ Japlôi.
                        (…)
            Một số bài đồng dao trẻ em Chăm và trẻ em Việt miền Trung tuy về thể đồng dao có khác nhau, nội dung thể hiện khác nhau trong sử dụng lời ăn tiếng nói, nhưng tựu trung phản ảnh các sinh hoạt thường ngày của trẻ em nên vẫn có sự tương đồng nhau trong cách thể hiện trò chơi, như các sự vật và hiện tượng chung quanh các em trong nhà, xóm, làng được phản ảnh, hoặc đọc lời đồng dao cho nhau nghe trong những giờ vui chơi.
Ví dụ bài đồng dao sau đây của trẻ em Chăm có cách thể hiện đối đáp giống với trẻ em Việt như bài Rồng rắn lên cây (chỉ giống hình thức đối đáp nhau mà thôi, còn nội dung phản ánh lại khác):
            Cò ơi sao mày ốm nhom? Do tôm không nổi
            Tôm ơi sao mày không nổi? Bởi cỏ quá nhiều
            Cỏ ơi sao lại mọc nhiều? Trâu chẳng chịu ăn
            Trâu ơi sao chẳng chịu ăn? Thằng cọc không mở
            Cọc ơi sao mày không mở? Thằng Sứt không chăn
            Sứt ơi sao mày không chăn? Bởi đau bụng
            Bụng ơi sao lại kêu đau? Do cơm sống
            Cơm ơi sao mi lại sống? Bởi củi mục
            Củi ơi sao mi ướt mục? Mưa phùn dầm dề
             Mưa nhé sao mãi dầm dề? Lũ nhái kêu la
            Nhái ơi sao bay kêu la? Bởi trời sinh ra ta đã vậy.
            (Akauk hagait hư lavang? Hadang o dong
            Hadang hagait o dong? Harơk ralo
            Harơk hagait hư ralo? Kbaw o talaih
            Kabaw hagait o bbơng? Jamơng o talaih
            Jamơng hagait Jabbaih o glơng
            Jabbaih hagait o glơng? Tian pađik
            Tian hagait hư paik? Lisei mưtah
            Lisei hâgit hư mưtah? Nhjuh bauk
            Nhjuh hagait hư bauk? Hận tâthiy
            Hận hagait hư tâthiy? Kiep cadu
            Kiep hagait hư cadu? Ywa lingik padauk kơu yơu nan.)
            Bài đồng dao sau đây của trẻ em Việt miền Trung có hình thức trò chơi hỏi đáp tương đồng nhau:
-Rồng rắn lên cây
Cây có bóng mát
Có bà chủ nhà không?
Không!
Có bà chủ nhà không?
Không!
Có bà chủ nhà không?
Có!
Cho xin tí lửa?
Lửa tắt!
Cho xin cái quạt?
Quạt chưa mua!
Cho xin cái đảy?
Cái đảy đựng trầu!
Cho xin cái đầu?
Đầu cứng!
Cho xin khúc giữa?
Giữa xương!
Cho xin cái đuôi?
Đuôi mềm! Bắt được cái đuôi thì ăn! [[9]]
            Trong điều kiện sưu tầm số lượng đồng dao trẻ em người Việt miền Trung và trẻ em Chăm còn lại không nhiều, chúng tôi khảo sát 20 đơn vị đồng dao như vậy chưa nói lên được sự giao thoa, tiếp biến lẫn nhau, do đó vẫn chưa phong phú trong cách thể hiện tìm ra nét tương đồng mang tính phổ biến được. Trong đồng dao trẻ em Việt và trẻ em Chăm môi trường tự nhiên, các loài thú luôn là chủ đề phản ảnh, ngợi khen hoặc phê phán, bởi đây là môi trường mà các em thường xuyên tiếp xúc khi còn nhỏ. Chính vì vậy trong đồng dao của các em thường phản ảnh thiên nhiên, con người ở mức độ tiếp cận nhẹ nhàng, chưa sâu sắc, chưa mang tính triết lý hay tư duy lô gích về sự vật và hiện tượng thiên nhiên, con người một cách đầy đủ các thuộc tính vốn có. Tuy nhiên, qua đây cho thấy có yếu tố tương đồng dễ nhìn thấy trong đồng dao trẻ em người Việt miền Trung và trẻ em người Chăm.
            Về vần điệu có thể nhìn thấy các em bỏ vần lưng, cho dễ đọc, dễ nhớ. Ví dụ bài đồng dao trẻ em Chăm:
            -(Akauk hagait hư lavang? Hadang o dong
            Hadang hagait o dong? Harơk ralo
            Harơk hagait hư ralo? Kbaw o talaih)
            Cò ơi sao mày ốm nhom? Do tôm không nổi
            Tôm ơi sao mày không nổi? Bởi cỏ quá nhiều
            Cỏ ơi sao lại mọc nhiều? Trâu chẳng chịu ăn
            Trâu ơi sao chẳng chịu ăn? Thằng cọc không mở
            (...)

            Hoặc sự tương đồng về vần có thể gặp trong một số bài gieo vần lưng. Bài đồng dao trẻ em Chăm:
Mưnuk cei yơu
Katrơu  cei sa bai
Jah glai pala ritak
Ritak cei veivei.
Bài đồng dao trẻ em Việt:
-Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái
Con  gái có duyên
Đồng tiền có l
Bán t thiệt ngon
Bán bèo thiệt béo
Cái kéo thợ may
Cái cày làm ruộng
Cái xuổng đắp b
Cái l thả cá
Cái ná bắn chim
Cây kim may áo
Cái giáo đi săn
Cái khăn bịt đầu
Cái cầu đi ch
Có v đàn ông
Có chồng con gái
Có tráiu
Có khu bà già [[10]]
Có cha con nít.
            Kiểu vần này tạo thành nhịp đôi cho cả bài đồng dao, tương thích với trò chơi có bước đi của trẻ em, hoặc có thể huơ tay lên làm dấu hiệu biểu tượng, vừa hát đồng dao vừa nhảy, vỗ tay làm cho cuộc chơi phối hợp bài bản, trò diễn, nhịp điệu thể hiện được chức năng của đồng dao thêm sinh động, vui tươi theo kiểu vần chân.
Cim cak cak
Padai bak jak
Lac bak lii
Hận klơm ni.
            Đồng dao trẻ em người Việt miền Trung và người Chăm thường thể hiện chức năng giúp các em nhận biết sự vật và hiện tượng xảy ra trong tự nhiên, xã hội và cuộc sống chung quanh. Nội dung giúp nhận biết thường đơn giản về một sự vật hoặc hiện tượng nào đó, mối quan hệ với bạn bè, anh chị em trong gia đình và đôi khi quan hệ với xã hội nhưng vẫn với tinh thần nhẹ nhàng, đơn giản phổ biến. Đây là nét chung thường gặp trong đồng dao trẻ em người Việt - Chăm. Thí dụ nhận biết:
-Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái
Con  gái có duyên
Đồng tiền có l
Bán t thiệt ngon
Bán bèo thiệt béo
Cái kéo thợ may
Cái cày làm ruộng
Cái xuổng đắp b
Cái l thả cá
Cái ná bắn chim (...)
hoặc bài đồng dao trẻ em Chăm, thể hiện sự nhận biết:
                        -Cim cauh ritaung
                        Cim jhaung ikan
                        Cim rwak tian
                        Cim jauh angwa
                        Cang ai ka
                        Tamư sang swowr
                        Đa bhiw savah
                        Mưk ba pơr
                        Ngauk hala padai
                        Cim nau mai
                        Cim vaiy cabbwơc
                        Jalan ia đwơc
                        (...)
                        Chim bói cá
                        Ăn cá lòng tong
                        Chim đi sông
                        Chim duỗi cẳng
                        Vô nhà táng [[11]]
                        Rời tổ lìa cành
                        Nhớ chờ anh
                        E lũ ó
                        Thộp cổ mang đi
                        Trên cánh đồng
                        Chim qua lại
                        Méo mỏ chim
                        (...)

                        - Công bằng làng Chung Mỹ
                        Rành lệ làng Bàu Trúc
                        Hữu Đức hay thơ văn
                        Khó khăn làng Vụ Bổn
                        Chộn rộn xứ Văn Lâm
                        Ngang tàng làng Phất Thế
                        Khốn khó vùng Labơk
                        Vô lo dân Hiếu Thiện
                        Lắm chuyện người Nghĩa Lập
                        Đỗ dồn dập về Thành Tín
                        Thâu gọn ở Caklaing.[[12]]

            Trên, chính là tạo diều kiện cho trẻ em nhận biết những đặc điểm tự nhiên, loài vật, xã hội con người và nhận biết các phong tục, tập quán liên quan đến đời sống người dân. VVH./.


[1] Đồng dao với cuộc sống dân tộc Thái ở Tây Bắc, Tô Ngọc Thanh, Tạp chí Văn học, số 4/1974.
[2] Văn học Chăm, Inrasara, Nxb. Văn hóa dân tộc, 12/2004.
[3] Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), Nxb Đà Nẵng & Trung tâm từ điển học, in lần thứ 12,  tr. 342, 2006.
[4] Văn hóa dân gian Hòa Vang, Hội n nghệ dân gian Việt Nam, Võ Văn Hòe, Nxb. Dân Trí, 2012.
[5] Đồng dao người Việt (sưu tầm, tuyển chọn, bình giải), Hội n nghệ dân gian Việt Nam, Triều Nguyên, Nxb.Lao Động, 2011.
[6] Jăpwai: tên riêng, Ja được đặt trước tên con trai cũng như Mư được đặt trước tên con gái. Dẫn Theo Inrasara trong Văn học Chăm.
[7] Dơm Sơng: tên nhân vật trong truyền thuyết Chăm, như Đam San của đồng bào Tây nguyên. Dẫn Theo Inrasara trong Văn học Chăm, Nxb. VHDT. 12/2004.
[8] Đồng dao được đọc cùng với trò chơi Đàn dê lên rừng.
[9] Đồng dao được chuyển thành trò chơi Rồng rắn lên cây.
[10] Khu: (phương ngữ xứ Quảng)  là cái đít.
[11] sang swơc: nhà táng đem đốt với thi hài trong ngày đám tang của người Chăm Balamôn.
[12] Là  làng Mỹ Nghiệp.