Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Truyện cổ dân gian Việt Nam với vấn đề dựng nước và giữ nước


Bùi Văn Tiếng
1. Truyện cổ dân gian Việt Nam có nhiều truyện chủ yếu phản ánh quá trình dựng nước của người Việt. Truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh kể về cuộc chạy đua giành công chúa Mỵ Nương của hai vị thần Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, thực chất là sự thể hiện tư duy địa - chính trị của người Việt cổ. Giữa Sơn-Tinh-miền-núi và Thủy-Tinh-miền-biển, người Việt thời đại Hùng Vương sẽ chọn địa bàn nào để làm trung tâm chính trị của nước Văn Lang? Câu trả lời là chọn địa bàn miền núi với lợi thế thiên về phòng thủ của núi rừng - sự lựa chọn này kéo dài đến đời nhà Đinh và nhà Tiền Lê. Với tư duy địa - chính trị như vậy nên sự thiên vị của vua Hùng dành cho nhân vật Sơn Tinh khi ra đề thi cũng là điều dễ hiểu. Đương nhiên người Việt cổ không hoàn toàn quay lưng với biển: Thủy-Tinh-miền-biển vẫn được quyền ứng thí, vẫn có khả năng trở thành phương án được lựa chọn làm phò mã, tức trên danh nghĩa vẫn được bình đẳng về cơ hội với Sơn-Tinh-miền-núi.
Thậm chí đảo hoang ngoài khơi xa vẫn nằm trong tầm nhìn lẫn tầm với của vua Hùng, và qua truyện Sự tích quả dưa hấu có thể thấy nhà vua từng hạ lệnh đày Mai An Tiêm ra một hoang đảo - là nơi mà nói theo ngôn ngữ ngoại giao bây giờ là thuộc chủ quyền của nước Văn Lang trên biển. Cũng qua truyện Sự tích quả dưa hấu, có thể thấy tư duy trọng nông của người Việt cổ thể hiện trong chi tiết nghệ thuật Mai An Tiêm trồng dưa hấu trên đảo thay vì đánh bắt cá dưới biển để mưu sinh. Tuy nhiên cũng có thể tiếp cận chi tiết nghệ thuật này theo một cách nhìn khác: giữa không gian sống là biển cả mênh mông, Mai An Tiêm không thể không bị tác động và đã trở thành nhân vật đầu tiên của thế giới nghệ thuật truyện cổ dân gian Việt Nam có tư duy hướng biển: Mai An Tiêm chính là người có công đưa quả dưa hấu vào thị trường kinh tế biển.
Sự tích Trầu CauSự tích Táo quân là hai truyện đề cao quan niệm hôn nhân một vợ một chồng nhằm góp phần xác định mô hình gia đình làm giềng mối cho kỷ cương xã hội đương thời. Thật ra thì chưa thấy có truyện cổ dân gian nào không đề cao quan niệm hôn nhân một vợ một chồng, nhưng điểm độc đáo của Sự tích Trầu CauSự tích Táo quân là sự kết-nối-tay-ba-sau-cái-chết: ở Sự tích Trầu Cau, sau khi chết người em hóa thành hòn đá vôi, người anh hóa thành cây cau và người vợ hóa thành dây trầu hòa quyện cùng nhau trong miệng người ăn trầu; còn ở Sự tích Táo quân, sau khi chết người vợ, người chồng trước và người chồng sau đã trở thành ba vị thần táo ngồi bên nhau trong góc bếp mọi nhà.       
2. Lại cũng có nhiều truyện cổ dân gian Việt Nam chủ yếu phản ánh quá trình giữ nước như truyện kể về người anh hùng làng Gióng, hay truyện kể về thiên tình sử Mỵ Châu - Trọng Thuỷ... Nếu như hình ảnh con rồng bay trên không lúc ban đêm và có khả năng phun lửa rất phổ biến trong nhiều truyện cổ dân gian của vương quốc Anh và các nước Bắc Âu thì lần đầu tiên và duy nhất trong truyện cổ dân gian Việt Nam xuất hiện con ngựa sắt có khả năng phun lửa của người anh hùng làng Gióng. Chi tiết nghệ thuật độc đáo này thể hiện quan niệm của người Việt về sự đồng hành giữa sức mạnh của lòng yêu nước với sức mạnh của vũ khí hiện đại, bởi làm thế nào người anh hùng làng Gióng có thể rượt đuổi giặc thù phương Bắc trên đồng đất quê hương bằng đôi chân trần trụi, cho dù đó là đôi chân to lớn của người khổng lồ? và làm thế nào có thể rượt đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nếu hỏa lực không đủ mạnh, nếu con ngựa sắt không đủ lửa để phun ra?
Cũng thể hiện quan niệm của người Việt về sự đồng hành giữa sức mạnh của lòng yêu nước với sức mạnh của vũ khí hiện đại - chiếc nỏ thần, nhưng truyện kể về thiên tình sử Mỵ Châu - Trọng Thuỷ lại đi theo một hướng khác: tổng kết kinh nghiệm thất bại - chứ không phải kinh nghiệm chiến thắng - trong chiến tranh vệ quốc. Kinh nghiệm thất bại như một thông điệp để đời của thiên tình sử Mỵ Châu - Trọng Thuỷ là đừng bao giờ mang “Trái tim nhầm chỗ để trên đầu - Nỏ thần vô ý trao tay giặc” (thơ Tố Hữu), bởi với một kẻ thù xâm lược thâm độc và xảo quyệt luôn nói một đường làm một nẻo như vậy mà mất cảnh giác, mà không bảo vệ được bí mật quốc gia, mà không giữ kín được bí mật quân sự thì cũng đồng nghĩa với việc sớm đưa đất nước rơi vào tay ngoại bang, sớm đưa dân tộc vào cảnh đời nô lệ.    
3. Nhưng phân tích kỹ nhiều truyện cổ dân gian Việt Nam thuộc đề tài này, có thể thấy có sự đan xen giữa hai quá trình dựng nước và giữ nước, trong dựng nước có giữ nước và trong giữ nước có dựng nước. Thánh Gióng là chuyện đánh giặc giữ nước, mà cũng là chuyện dùng người tài, chuyện nhân cách (cách Gióng vào cõi nhân gian đã phi thường, cách Gióng rời cõi nhân gian càng phi thường hơn). Sơn Tinh - Thuỷ Tinh là chuyện tình tay ba, chuyện ông vua thiên vị, mà cũng là chuyện đắp đê chống lụt - ở đây hiểu thiên tai là một loại kẻ thù cần phải chống như địch họa (có khi hai loại kẻ thù này đến cùng lúc: “Lụt bắc lụt nam máu đầm biên giới - Tay chống trời tay giữ nước căng gân” - thơ Tố Hữu). Mỵ Châu - Trọng Thủy là chuyện xây thành và chế tạo vũ khí hiện đại, là chuyện cảnh giác với hoạt động gián điệp, mà cũng là chuyện hôn nhân có yếu tố nước ngoài và tình yêu không biên giới…
Truyện Sự tích Hồ Gươm thể hiện mối quan hệ giữa giữ nước và dựng nước theo một nhãn quan khác. Truyện kể rằng đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần để giết giặc và trong tay Lê Lợi, thanh gươm thần tung hoành khắp các trận địa làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía, phải cam chịu thất bại mà rút khỏi nước ta. Như vậy Sự tích Hồ Gươm cũng nằm trong mạch truyện cổ dân gian thể hiện quan niệm của người Việt về sự đồng hành giữa sức mạnh của lòng yêu nước với sức mạnh của vũ khí hiện đại. Nhưng Sự tích Hồ Gươm còn đi xa hơn truyện kể về người anh hùng làng Gióng và truyện kể về thiên tình sử Mỵ Châu - Trọng Thuỷ thông qua chi tiết nghệ thuật rùa vàng đòi Lê Lợi trả lại gươm thần cho Long Vương ngay giữa hồ Tả Vọng - nay đổi tên là Hồ Gươm hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm. Chi tiết nghệ thuật trả lại gươm thần sau khi chiến thắng kẻ thù xâm lược chứng tỏ người Việt thiện chiến chứ không hiếu chiến đồng thời chứng tỏ cái cần hơn trong xây dựng hòa bình không phải là vũ khí hiện đại mà chính là lòng dân. Thì chẳng phải quân Minh xâm lược nước ta hàng chục năm trời là do trong thời bình, nhà Hồ đã không xây dựng được thế trận lòng dân - một yếu tố sống còn như Hồ Nguyên Trừng con trai Hồ Quý Ly từng lo ngại: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi đó sao? Tất nhiên trả lại gươm thần không có nghĩa là thời bình không đòi hỏi phải mài sắc ý thức cảnh giác, không đòi hỏi phải thường xuyên luyện tập thập bát ban võ nghệ, và từ sau ngày Lê Lợi hoàn kiếm năm xưa, người Việt dẫu rất mong muốn được sống hòa hiếu bình yên, cũng nhiều lần buộc phải mượn lại gươm thần và tuốt gươm ra khỏi vỏ…   
                              Viết tại Học viện Quốc phòng, tháng 10 năm 2012