Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Trong không gian văn hóa Hà Giang

Cẩm Lệ

Trong cuộc hành trình có đến hàng trăm cây số trên vùng không gian văn hóa dân gian Hà Giang, một vùng núi đá. Đây quả là một cuộc ngao du lộng gió mà thú vị không lường. Theo quốc lộ 14C - là con đường Hạnh Phúc - từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên Đồng Văn để được nghe những câu chuyện hấp dẫn bất ngờ.
Hà Giang, vùng đất địa đầu cực Bắc của Việt Nam, nơi có những ngọn núi cao lưng trời và nhiều sông suối. Phía Bắc tỉnh Hà Giang giáp Trung quốc dài 274 km, phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, tây giáp Yên Bái và Lào Cai, phía nam giáp với Tuyên Quang. Từ trên cao nhìn xuống, Hà Giang chia làm ba khu vực:
 Khu núi cao phía bắc giáp chí tuyến bắc, núi khu vực nầy có độ dốc rất lớn, có dãy như dựng đứng, các thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều do cấu tạo đá vôi dễ bị xói mòn. Khí hậu vùng rẻo cao mang tính chất của ôn đới chia làm hai mùa mưa và khô ứng với tiết đông và xuân của trời đất. Chuyến đi nầy chúng tôi quyết một phen lên Lũng Cú, bước chân xuống Đồng Văn tìm vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ, mềm mại mà khô xốp như những tầng đá chẻ tai bèo. Lên một lần cho biết. Đồng Văn là một huyện vùng cao của Hà Giang, là một huyện biên giới. Đây là miền biên viễn xa xôi, độ cao cách nước biển 1000 mét, cao nguyên chỉ toàn là núi đá. Từ Hà Giang lên Đồng Văn phải mất 146 km theo đường quốc lộ 4C, nhưng hãy đi thì biết, giao thông rất khó khăn, rằng xa vạn dặm. Huyện có 19 xã thì có 9 xã giáp đường biên giới với Trung Hoa. Mùa đông có lúc xuống đến 10 C, mùa hè nóng nhất chỉ 240 C. Bầu trời quanh năm mưa và mù nên nơi đây người Mông thường nói: Thấy nhau trong tầm mắt / Gặp nhau mất nửa ngày / hoặc: Đất không ba bước bằng / Trời không ba ngày nắng
mới thấy hết được vùng cực Bắc nầy như thế nào rồi. Đồng Văn có điểm cực Bắc là Lũng Cú. Người ta nói rằng nếu chưa lên Lũng Cú là chưa đến Đồng Văn, bởi Lũng Cú là “nóc nhà” của Việt Nam, nơi mà: Cúi mặt sát đất / Ngẩng mặt đụng trời.
Bạn hãy lên Lũng Cú một lần sẽ rõ! Đồng Văn nổi tiếng trái ngon: đào, mận, lê, táo, hồng... cây dược liệu thì có: tam thất, thục địa, hồi, quế... Đồng Văn còn nổi tiếng về phong cảnh đẹp, núi non hùng vỹ, hang động nên thơ, những thảm hoa rừng đủ màu sắc rung rinh dưới nắng và còn những thảm ruộng bậc thang không thua Mù Căng Chải của Yên Bái là mấy... Chính nơi đây đã tạo nguồn cảm hứng cho các nghệ sỹ sáng tác nên những tác phẩm hội hoạ, nhiếp ảnh có một không hai trên thế giới về thiên nhiên và hơn thế cả con người trên vùng đất địa đầu nầy nữa.
            Lên Đồng Văn - Lũng Cú là thử lòng can đảm của bạn chút thôi, bởi đèo cao, vực thẳm. Không gì vui hơn khi bạn có được những ngày đắm mình với thiên nhiên hùng vỹ, trong không gian dân gian sâu lắng, sống bên những con người còn nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy niềm tin yêu và hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn hãy thả hồn thưởng thức tiếng khèn cao vút và trầm hùng, tiếng sáo trong veo cao như núi và trầm như đáy sông Lô. Biết đâu tất cả sẽ làm bạn ngẩn ngơ khi phải chia tay với Đồng Văn - Lũng Cú.
            Tôi đến Đồng Văn - Quản Bạ, bỏ lại phương Nam, miền Trung cái nóng oi nồng của xứ sở quanh năm nắng nóng, mưa dầm mà níu áo đồng đội tìm cách lang thanh bao núi, bao rừng nhẹ gánh như không. Tại Quản Bạ một buổi sáng sương giăng lành lạnh, chạy một hơi qua bao đèo núi lên đồng Văn không phải qua ngã Mã Pí Lèng nên không lên được Mèo Vạc. Đấy là nơi hiểm trở nhất của Hà Giang!
            Anh Triệu Minh ở Hà Giang, kể chuyện:
            -Anh vượt cả ngàn cây số đến đây để leo ngược lên Cổng Trời, lên Lũng Cú vào một ngày hè như thế nầy thì tuyệt lắm. Tôi sẽ đi cùng anh trong chuyến nầy đây! Quê tôi tận Tuyên Quang, thấy Hà Giang đẹp nên lên và ở lại nơi đây, có thế mới gặp anh tại chốn xa xôi nầy. Ta hãy thử lòng can đảm nhau thôi!
            Vậy đấy, ba năm trước, từ thành phố biển nắng gió, mưa nhiều tôi níu áo bạn bè lang thang dọc miền biên giới Đông Bắc rồi lên Việt Bắc, nhìn xem phong cảnh thiên nhiên nơi đây còn đẹp hơn tranh. Cứ gọi là những chuyến đi thực tế, là những cuộc du ngoạn dài ngày, triền miên trên vùng núi đá vôi biên giới. Đi đến đâu gặp gì tôi viết nấy! Ở Lạng Sơn với mấy cô con gái lang thang tại chợ Kỳ Lừa lại viết Đi chơi chợ Kỳ Lừa, rồi có Đêm Cao bằng, Chiều biên giới. Đến Cao Bằng gặp cô nàng bán nước với ngô rang lại có Gặp em... Lần này lang thang lên Bắc Cạn, đi thuyền trên hồ Ba Bể lại có Chiều Ba Bể. Và nay, lên tận Hà Giang ai rũ đi chơi nhấm nháp chút rượu dân gian nấu với men lá cây rừng thì uống. Vô tư! Đi trên một lớp đèo miền Tây bắc nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm, nhìn xuống cả mấy nghìn thước là mất thở như chơi. Dòng sông Nho Quế dưới xa uốn lượn như một dải lụa giữa hai vách núi cheo leo, một bên là sườn dựng đứng, một bên là bờ vực thẳm sâu đến ngợp người. Đường qua đất Thục chắc chi bằng! Tây du ký có sánh được không ? Phong cảnh ở đây đẹp đến mỏi mắt, lịm người, núi non biên giới có nơi đâu sánh được với nơi này. Đã có lần tôi đến vùng ba biên giới ở Kon Tum giữa Việt Nam-Lào-Campuchia nhưng không thể có núi non trùng điệp như thế này được. Nơi đây-Hà Giang-những quả đồi hoang vắng, nở nang chờ đợi như những hình ngực đàn bà hoang sơ, tê dại, mở ra thoáng đãng như đón nhận một cơn giông, tưởng như tất cả đất trời xanh tươi, nẩy nở vẫn tươi trong và nguyên vẹn phơi trần dưới ánh nắng chói chang của Đồng Văn, Quản Bạ. Từ con đường móc ngược cheo leo treo trên núi nhìn xuống thung sâu, đôi khi thấy cả những tấm ruộng bậc thang trải từng cấp trên đồi. Tại Đồng Văn, đi qua những dãy nhà dài dáng dấp kiến trúc Việt, Hoa nét tạo hình dân gian, đan xen nhau trong từng chi tiết, những viên ngói thủ công mới tuyệt làm sao, có ngói ống nằm trên mái như những vảy cá đều tăm tắp. Nhìn đấy, bạn đã có cảm tưởng sự hoà nhập của văn hoá Nam - Bắc ở đây rồi. Lại dạo quanh một vòng nơi chợ Đồng Văn, đây là chợ lớn nhất cao nguyên Đồng Văn - Quản Bạ đấy - một anh bạn Hà Giang bảo thế - Đan xen với những hàng cột đá dài ngã sang màu xám xỉn thời gian là những phụ nữ H’Mông với xiêm y sặc sỡ, đặc trưng của cao nguyên Tây bắc. Những lò rèn cho ra đời các loại dụng cụ thô sơ nhưng hiệu quả cho lao động làm ăn, lửa lò hừng lên đã trăm năm rồi làm cho những cột đá trở màu. Thêm, khói nấu những nồi thắng cố cuộn cuộn, quyện lẫn vòng vèo trong các dãy nhà chợ đã góp phần làm cho buổi chợ Đồng Văn thâm trầm sắc màu biên giới. Chuyện vãn với một cụ già trong chợ, được biết chợ lập nên do người H’Mông và người Pháp, và thời gian chợ mọc lên đến nay đã lâu lắm không còn ai nhớ. Nhưng người ta còn nhớ vào một ngày Tết nguyên đán năm 1923, lửa đã cướp đi ngôi chợ vùng cao Đồng Văn ngay trong những ngày xuân tươi đẹp. Vậy đấy, rồi người ta lại xây dựng lại chợ, các thổ ty người H’Mông, người Tày sang Tứ Xuyên bên Trung Quốc mời thợ về giúp nhau làm chợ. Chợ Đồng Văn lại đông đúc thâm trầm trong hình chữ U kín đáo.
            Lần nầy có đến Khâu Vai được không để chuyện vãn về phiên chợ H’Mông. Ai đã trèo lên Mã Pi Lèng hoặc băng qua Cổng Trời với ngọn nắng xiên ngang mới biết cánh đây gần 60 năm, cả ngàn thanh niên các dân tộc Hà Giang chẻ đá làm đường. Tháng 9 năm 1959, một con đường Hạnh Phúc được mở ra xa có đến trên 180 km đường núi đá tai mèo, nối liên Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc. Để có con đường người H’Mông nơi đây kể rằng mồ hôi của ngàn thanh niên xung phong lên đào đá làm đường đã đổ xuống nơi này để có con đường ngoạn mục thế chứ đâu phải chuyện dễ.  Và họ đã treo một con đường dài mấy trăm cây số trên sườn núi dựng. Từ đồng bằng lên đây đi trên con đường treo ngược mới hay không có đường đèo nào ngoạn mục dài hơn và đẹp hơn con đường Hạnh Phúc từ Thị xã Hà Giang lên cao nguyên Đồng Văn – Quản Bạ. Đi một lần trên con đường Hạnh Phúc ấy mới thật là sung sướng! Ở đây, cả một ngày mới nhận ra được ngày trông thoáng đãng, thiên nhiên đẹp mà bình lặng đâu ngờ, yên tĩnh đến run người. Rồi đêm, tôi có cảm giác hiểm nguy ở sát bên người, không chỉ đèo heo hút gió mà còn sự hoang vắng cũng có thể làm cho người ta tê dại. Nhưng bạn ơi! Để tìm đến vẻ đẹp hùng vĩ run người, đến hiểm nguy tê cứng của đêm nơi đây phải mất cả ngàn cây số đường xa mới có được. Đâu, bạn dễ tìm, cho dù ở Đà Nẵng có leo lên đến tận đỉnh Bà Nà cao 1482 mét vẫn không thể tìm ra đôi ba lần mất thở khi xe của bạn ngoặc qua một cái cua mà bờ vực như nằm ngay trước mũi giày của bạn. Tôi không cường điệu chút nào. Nhưng bịa có, thật có! Hãy đến mà xem!
            Những cô gái H’mông phơi những chiếc váy dệt bằng thổ cẩm từ đôi tay khéo léo ở cái làng bé tẹo trên lưng chừng núi, mây chập chùng vắt từng mảng vô tư. Chả phải thực nữa rồi mà siêu thực tế! Ai đã một lần nhìn chiếc váy Mông phơi trên đá tai bèo đen xỉn, xoè ra như một chiếc hoa dã quỳ phơi dưới nắng ở Tây nguyên? Thảo nào mà bướm không vỗ cánh bay theo! Và từ cái váy chao ôi là truyền thuyết. Có một loài hoa Tam giác mạch mọc đan xen trên đá cao nguyên, hoa Tam giác mạch bừng nở trong ánh nắng sau một vài trận mưa đổ xuống, màu hoa lung linh hồng đào chụm lại như đỉnh nón, ở giữa là một hạt mạch. Hoa Tam giác mạch là loài hoa xem là đặc biệt của cao nguyên đá Đồng Văn. Và vì loài hoa này nên bạn nhìn ra trên trang phục của người phụ nữ Lô Lô, chen giữa hoa văn hình vuông, hình tròn, hình ngôi sao, bạn nhận ra rồi lại có hình tam giác. Phải chăng hoa văn là biểu tượng tượng trưng của loài hoa Tam giác mạch. Cô gái Lô Lô đi chợ kể cho tôi - một khách lạ đường xa - nghe một hơi như vậy trên đoạn đường hai bên toàn là đá tai mèo đen xĩn chụm đầu lại như thì thào chuyện của gái trai. Và bạn đã một lần nhìn đắm đuối những cô gái H’Mông đi chợ Khâu Vai, váy rung rinh úp mở, để trần đôi chân trắng như hai cái ức của con cừu thoáng ẩn, thoáng hiện trong đám cỏ giăng quanh thì thích, phải bén gót men theo và mắt của bạn để yên ở đấy lâu đến chừng nào không? Chỉ mấy ngày thôi mà tôi đã từ Quản Bạ, chui qua Cổng Trời nhìn xuống thung lũng Yên Minh chìm dưới những đám mây mờ ảo và bắt gặp được một thoáng bồi hồi như thế. Chỉ một ít thôi cho bao điều vừa mới...! Một cô gái trong đoàn chắc miệng:
            - Ôi, như một biển trời chứ đất đai đâu nữa!
            Tôi cười:
            - Đất hay đá ?
            Nàng che miệng mỉm cười trong gió Đồng Văn:
            - Ờ, mà đá chứ anh!
            Đúng là đá vôi đen, khô khấp.
Giữa buổi, chúng tôi đứng trên một rẻo cao (đã chót vót đâu, Mã Pi Lèng mới là điểm cao chót vót), không thấy đất đâu chỉ toàn là đá. Đá, đá và đá! Một cao nguyên Đồng Văn toàn đá, điệp trùng, (Đồng Văn trước đây bao gồm: Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc) lô nhô như tai mèo, lởm chởm như mảnh chai, khô cằn kiệt nước như...đá.  Lại cô gái đứng bên tôi giả vờ ngơ ngác:
- Đồng Văn, Mèo Vạc phải không anh ?
- Đúng rồi, mà sao ?
- Ôi, đá chứ sao, đá đen hút tầm nhìn, trông lâu choáng ngợp và nín thở phải không anh!
Đứng ở Cổng Trời nhìn thung lũng Yên Minh không thể không nghĩ rằng khi mùa mưa về thì nước sẽ chạy đi đâu cho yên ổn. Dòng Nho Quế của sông Thao (sông Lô) ầm ào là thế vẫn không gánh hết nước thượng nguồn đổ xuống để đến nỗi lũ tràn qua các xóm thôn yên lành mà một đời người sinh ra trên đá và chết cũng nằm trên đá phải hứng chịu. Đoạn đường chúng tôi qua lũ phá nát một khúc chưa sửa được, năm nay lũ đã sắp về. Biết sao!
Anh Triệu Minh nói:
- Người H’mông - Dao sinh ra trên đá, suốt đời vật lộn trên đá để tồn tại. Trước đây, thời phong kiến cũ, họ thuộc nằm lòng loại cây (kể cả cây ngón) mà tên của nó rất hay: Anh túc - hoa Anh túc - vào tháng 3 hoa nở, cả Đồng Văn nầy như một tấm lụa tím hồng mượt mà, đẹp lắm. Dân rẻo cao gọi chúng là cây thuốc phiện. Trái của nó khi chín lại ngã sang màu đà lì lợm mà đẹp không ngờ như quả trứng vịt cắm trên chiếc đũa đong đưa trong gió. Vậy mà nguy anh ạ! Cứ nhìn vào đá thì rõ, người Mông, Dao phải bụm từng bụm đất bỏ vào hốc đá rồi trồng vào đấy một cây. Cây gì đây! Xã hội từ trước tới nay chưa bao giờ công nhận cây thuốc phiện là một cây nghiêm túc. Thời trước cách mạng Tháng Tám 1945, Vương Mèo cai quản một vùng rộng lớn của cao nguyên Đồng Văn, có dạo Vương Mèo còn có ảnh hưởng đến tất cả vùng Tây Bắc. Những mâu thuẫn chung quanh các dòng họ, và nhùng nhằng quyền lợi trên màu khói thuốc phiện mà dấy lên giữa các bản làng như trong Chuyện Tây Bắc của Tô Hoài đã kể. Nay thì khác, theo cơ cấu chuyển đổi cây trồng con vật nuôi, người M’mông đã cắm cây ngô vào đấy. Nhưng anh ạ, ngô cũng chỉ một mùa do nắng không quá ba ngày, đất bằng không quá ba bước chân, thế là thiếu nắng nên chỉ được một mùa ngô trong năm, năng suất lại không cao thì làm sao đủ cho người nơi đây qua 12 tháng. Diện tích đất đai canh tác ở đây có đến tám mươi, chín mươi phần trăm là đá – là đá tai mèo – anh thấy không. Những miếng ruộng bậc thang thì năng suất đấy, nhưng diện tích đâu nhiều. Khí hậu có nơi đâu khắt nghiệt như nơi này, hạn hán kéo dài 7 tháng trong năm không hứng được giọt mưa. Cho nên hốc đá cũng mọc được ngô. Khó là chỗ đó. Để có được món đặc sản mèn mén đủ chất từ bột ngô phải ăn với đậu tương, nên đậu tương phải được trồng xen cho có chất, chỉ ngô thôi lại thiếu. Khó là chỗ đó! Lần nầy lên tận Đồng Văn - Lũng Cú mới biết rằng người H’mông vật lộn với cuộc sống cùng với những bụm đất là thế nào! Khó là chỗ đó!
Nhưng nay đã khác rồi anh ạ. Chuyện tôi kể anh nghe là chuyện của ngày xưa đấy, của những ngày trước Cách mạng tháng Tám đấy anh.

Ngày tôi cùng bạn bè lên Lũng Cú đường cái đã dẫn xe chạy đến chân ngọn núi, nghe đâu trước đây phải đi bộ cả mấy ngày đường. Ngước cổ nhìn lên Lũng Cú, lá cờ Tổ quốc 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em phấp phới tung bay trên đỉnh đầu Tổ quốc, trong gió biên thuỳ. Phải leo lên 282 bậc tam cấp mới lên đến chân cột cờ. Một công trình to lớn! Lên đến đây mới nghe được câu chuyện: Lũng Cú hay Long Cư chính là đất của rồng, nơi rồng ở. Vào một ngày kia bỗng dưng rồng bay về trời, tuy vậy mà rồng vẫn còn ngoái lại thương người dưới trần thiếu nước để dùng nên rồng để lại đôi mắt của mình. Về sau hai con mắt của rồng chính là hai cái hồ nước long lanh hình bán nguyệt một tại bản Thèn Phả của người H’Mông và một nữa tại Lô Lô Chải của người Lô Lô. Từ thuở có hai hồ nước, lạ lùng thay trời dù có hạn hán đến mấy nhưng hai hồ nước vẫn long lanh không bao giờ cạn được.
Đi từ Hà Giang, hẹn nhau lên Quản Bạ lót lòng bữa sáng, gặp các anh Quản Bạ, các anh bảo rằng: từ Hà Giang lên Quản Bạ đã thấm vào đâu, chỉ là món tráng miệng thôi mà. Tôi thầm nghĩ: Thật là nhẹ gánh như không! Cô gái Mông công tác tại Uỷ ban nhân dân huyện Quản Bạ đưa mắt sang tôi:
- Quê em là thế, nó là điểm đỉnh. Người H’mông là thế như đất đai sông núi, không có chuyện trung bình, lưng chừng hay dùng dằng gì cả. Hoặc là điểm đỉnh như Mã Pí Lèng vời vợi với mây trời, hoặc là trầm sâu như dòng Nho Quế anh ạ. Không có chuyện giữa chừng. Nơi em sôi nổi, nhiệt tình, thiết tha, khát vọng và trọn vẹn. Em mời anh ly rượu ngô men lá, không có chuyện giữa chừng. Anh có hiểu không?
Mời rượu mà như thế, làm sao không uống cạn chén cho được!
Quản Bạ chào đón chúng tôi tử tế quá chừng, không chỉ con người mà thiên nhiên cũng đón chúng tôi cả ngàn cây số đường dài. Ôi, tuyệt vời là núi nàng Tiên ngay bên ngoài thị trấn một khúc đường. Chà, một cặp vú hay đồi hay cặp núi, thật lạ, dựng đứng như một cặp thanh nữ, gọi mời và thách thức. Tôi, người mới đến lần đầu mà tất cả núi sông đã trở thành kỷ niệm như là của tôi mà trời cho tất cả, giành phần bí hiểm cho khám phá của Tiên bịn rịn trần gian mà gởi lại, cho mời mọc một thiên đường, cho những trang bút ký nầy lung linh huyền ảo. Ai mà chẳng dữ dội, quằn quại, tha thiết, va đập trăm năm cho dục vọng trữ tình lai láng như dòng sông Lô lênh láng, như sông Thao bất tận đến chẳng thể cạn dòng và như dòng sông Nho Quế thấm sâu vào những số phận người Mông trên cao nguyên Đồng Văn, Quản Bạ.
Có lên được Mèo Vạc không? Ai hỏi từ phía sau xe vọng lên. Đúng anh tài Thắng của Hà Giang bảo:
- Lên Mèo Vạc ! Thử một chuyến xem nào! Lên mà đi chợ chứ mấy anh. Chợ bây giờ họp phiên vào ngày chủ nhật.
Cô gái ngồi cạnh tôi lên tiếng:
- Không lên Mèo Vạc được đâu, trời chiều rồi.
Tôi chen vào cho có chuyện:
- Nhưng em hãy ngửa cổ lên mà nhìn Lũng Cú, nhìn lên Mã Pí Lèng – là cái mũi ngựa đó em – và nhìn lên Mèo Vạc, không có cái gì là trung bình hết, cao vút, trầm sâu, không có cái gì nửa chừng đâu em, phải là điểm đỉnh. Phải lên, lên nữa lên cho đến tận cùng của cao nguyên nầy thôi. Cô gái Mông đã nói thế với em ở Quản Bạ, quên rồi sao. Anh nhắc lại này: không có chuyên lừng khừng, người Mông nói thế. Cố lên thôi! Mệt đứt hơi, mất thở phải không ?. Kệ nó! Phải lên cực điểm và xuống tận cùng như dòng Nho Quế - sông Thao, trầm sâu và bình lặng. Từ 2000 mét này, em hãy nhìn xuống dòng sông Nho Quế như một đường kẽ uốn lượn qua núi đồi trùng điệp. Đẹp chứ ! Có vậy, anh và em và mọi người mới đứng ở Đồng Văn, Quản Bạ nầy được chứ.
Cô gái dùng dằng:
- Vâng, em đã ngửa cổ và nhìn lên Lũng Cú, phải mất 282 bậc đá mới lên tận đây, là xao động trước cảnh trời mây non nước và trong cái tình em đã nhóm lên. Anh không thấy sao! 282 bậc đá mà em dừng lại những ba lần giữa gió.
- Và, từ độ cao mây gió nầy, em hãy nhìn quanh, có nhận ra không thấp thoáng trong lưng núi là những mái nhà Mông lơ lửng, đơn côi. Em, hãy trả lời anh đi này như có người đã nói rằng: sao người ta lại phiêu lưu còn hơn cả đùa giỡn nữa, ai lại lên tận trên mây mà ở, yêu đương và sinh con đẻ cái, nối nghiệp vào đời. Em hãy nói đi!
Cô gái ngúng ngoảy nhìn xa về thung lũng Yên Minh:
- Em có biết đâu anh. Hãy cứ cho như thế là chuyện của người Mông vậy!
Rẽ mây đến với Cổng Trời, tôi hỏi anh Triệu Minh về phiên chợ Khâu Vai, anh bảo:
- Phiên chợ bây giờ không còn như xưa nữa, chợ truyền thống chưa bị lãng quên nhưng những gì của phiên chợ trước đây đã được thay đổi cả, đã khác. Không còn nơi người ta bán xôi vàng, không còn nơi bán mèng méng, cũng không còn ngửi được mùi khói vây quanh một lùm cây khi người Mông đến chợ nấu ăn món thắng cố. Còn chăng chỉ là chiếc ô cô vợ mang theo - hay đôi tình nhân, có thể - đôi khi có dắt theo con ngựa hoặc đi bộ, đàn ông thời nay đi chợ không cầm khèn theo nữa. Chợ bây giờ là thế. Nhưng anh Cẩm Lệ ơi, vẫn còn những chiếc váy H,Mông rung rinh úp mở, nhưng lại vắng rồi các đôi trai gái say nhè, con trai thổi khèn lò cò nhảy trên bãi cỏ, con gái cầm dù quay vòng đi quanh líu lo hát những khúc dân ca H’mông dìu dặc mênh mang len vào núi rừng dừng lại, rồi họ dìu nhau vào một góc đá tai mèo nào đó tiếp tục cuộc tình và say mê đến tối.
Tôi chắc lưỡi ra vẻ tiếc, anh tiếp:
- Thời hiện đại mà, người ta bỏ dần tục cũ.
- Còn món ăn thắng cố là sao?
- Đây là đặc sản của người Mông. Tôi không chuyện trò cùng anh về món ăn dân dã này vì cả tôi là người Tày nhé và anh là Kinh đều không có loại thức ăn như thế. Vâng, đấy là món mà người Mông nấu thịt trâu, hay ngựa, bò, dê trong chảo. Họ lóc thịt ra kể cả gan, tim, phổi, cật, ruột để nguyên vậy cho tất cả vào chảo thêm gia vị bằng muối và rau lá thảo quả có sẵn trên rừng, nấu sôi lên cho chín. Xong, người ta dùng một cái muỗng bằng gỗ trắc mọc trên núi đá vôi múc vào bát, cứ vậy, họ vui vẻ húp, nóng môi vẫn húp mới ngon và uống với rượu ngô men lá.  Phải uống rượu bằng bát và để thưởng thức món nầy, người Mông ngồi bệt xuống đất mà tìm lý thú dân gian để lại. Họ xì xập. Họ rưng rưng. Họ la đà say. Họ hát. Đôi khi họ ôm nhau mà hát hết cả phiên chợ mới thôi. Anh biết nhé, như vậy là điểm đỉnh, trầm sâu và cao vút, không có chuyện lưng chừng, không có chuyện một nửa. Uống say, phải say và say thì nằm chợ, nằm đường, cột ngựa vào bìa rừng rồi ngủ. Vợ cầm ô che cho mà ngủ. Tỉnh ra họ lại dắt nhau về. Đấy, trầm sâu và cực điểm anh hiểu không. Vui chứ! Tôi kể thế là chuyện xưa anh nhé.
Và nhiều chuyện nữa được nghe trên cao nguyên đá Đồng Văn, Quản Bạ, chuyện về lễ xuống đồng, về múa khèn, về phiên chợ Khâu Vai trên Mèo Vạc. Hay nghe:
Chợ ở Khâu Vau – Mèo Vạc mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Chuyện rằng: ngày xưa có một đôi trai gái thuộc hai bộ lạc yêu nhau. Người con gái rất xinh đẹp, bộ lạc của cô không muốn cô lấy chồng sang bộ lạc khác; còn bộ lạc bên chàng trai lại muốn cô về làm dâu bộ lạc của mình. Chính vì vậy mà hiềm khích giữa hai bộ lạc xảy ra. Mối thù của hai bộ lạc càng nhân lên khi tình yêu của họ càng thắm thiết. Một ngày kia, khi người con trai đang ngồi với người yêu của mình trên núi thì nhìn thấy cảnh tượng hai bộ lạc đang đánh nhau rất quyết liệt ở dưới. Họ biết tình yêu của họ là nguyên nhân chính. Để tránh đổ máu giữa hai bộ lạc, hai người đau đớn quyết định chia tay nhau và hẹn sẽ gặp nhau mỗi năm một lần đúng vào ngày ấy. Nơi gặp nhau vẫn là nơi họ thường hò hẹn - Khâu Vai. Dần sau đó, Khâu Vai trở thành nơi hò hẹn chung cho tất cả những đôi thanh niên nam nữ yêu nhau trong vùng.
Chợ Khâu Vai ban thời kỳ đầu không có người mua, người bán. Họ đến chợ chỉ để nhìn hình bóng mà lòng mình đã trao thương gửi nhớ. Nếu gặp lại người xưa thì trò chuyện cho thoả lòng nhớ mong; nếu chưa biết thì quen, kết bạn. Họ mang đến chợ thức ăn làm sẵn, khi đến bữa mời nhau cùng ăn gói cơm nếp, củ sắn, trái ngô, miếng bánh... tất cả đều là sản phẩm tự làm mang đi từ nhà. Những bữa ăn như vậy cho họ có thêm giờ phút hạnh phúc bên nhau. Là người ở xa, họ đến chợ từ chiều hôm trước để sáng hôm sau có mặt. Họ chờ ngày hai mươi bảy tháng ba âm lịch suốt một năm nên sáng sớm là lúc họ tìm nhau. Người tìm được bạn rồi thì trò chuyện với nhau. Người chưa tìm được bạn thì bồn chồn ngóng đợi, chờ mong. Những người đến chợ lần đầu tìm bạn lại nôn nao, hồi hộp, e dè. Khi có bạn rồi cũng là lúc … đến tối mịt mới chia tay. Và thật buồn cho những ai đến chợ mà không tìm được cho mình một người bạn tình nào cả, còn day dứt nào hơn.
Chừng mười lăm năm trở lại đây, do nhu cầu cuộc sống nên ngày họp chợ ngoài việc hẹn hò, tìm bạn, gặp gỡ người xưa, người ta còn mang cả hàng hoá đến bán ở chợ. Do vậy, nay bạn đến chợ Khâu Vai sẽ cảm nhận những hoài niệm về một địa danh, một kiểu họp chợ, một thời gắn liền với câu chuyện truyền đời đã đi vào huyền thoại H’mông.

Và thế cũng là chuyện xưa chép lại đấy bạn. Bây giờ Đồng Văn – Quản Bạ đã khác xưa rồi. Hãy đến mà xem!. 

Ngói âm dương

Nguyễn Thị Pháp

Sáng nào cũng vậy, khi tôi trở mình thức giấc, mở đôi mắt trong veo nhìn qua cửa sổ thì đã thấy cha và ông thức dậy từ bao giờ. Tôi nói từ bao giờ là vì đã thấy những giọt mồ hôi dài đang thi nhau chảy ướt cả tấm lưng trần đen nhẫy của người rồi. Cha và ông tôi làm công việc gì mà mỗi sáng sớm đã đẫm mồ hôi vậy ?
Họ đang làm đất sét để mẹ, bà đúc ngói âm dương đó! Chắc bạn đọc hơi lạ lẫm về công việc này. Đó là nghề truyền thống của người dân quê tôi tự bao đời. Đó là vùng quê  mà ngày nay được mệnh danh là “Phố cổ Hội An”. Một thành phố mà các mái nhà giữa phố đã rêu phong cổ kính, có những cây rêu xanh mọc ngoằn ngoèo. Du khách thấy mái lợp của nhà như thế thì ngạc nhiên thích thú, muốn khám phá. Các mái lợp của khu phố cổ này là “ngói âm dương”.
Vì sao gọi là “ngói âm dương”, cách làm ngói âm dương như thế nào và tác dụng của những ngôi nhà lợp ngói âm dương … là tất cả những điều trong ký ức tuổi thơ tôi hiểu và muốn gửi gắm đến bạn đọc.
Trước hết, là công đoạn làm ra đất sét để in ngói âm dương. Đất sét là đất thiên nhiên được lấy từ trong lòng đất sâu, đất dẻo, màu vàng rất đẹp. Người ta dung mai (một dụng cụ có lưỡi dài bằng sắt, bén) để xén từng cục đất vuông vức, to từ dưới lòng đất lên và mang về chất thành từng đống. Sau đó lại dung mai xén từng cục đất to ấy ra thành từng lát mỏng nhỏ như bánh tráng nướng được bẻ vụn, đoạn tưới nước đều vào đống đất sét vụn ấy rồi dùng hai chân ra sức đạp mạnh cho đất dẻo mịn ra. Cứ thế lớp đất này mịn thì lại bỏ lớp đất khác lên, tưới nước rồi dùng hai chân đạp đều mãi cho đến khi đất cao dần lên như ngọn nấm khổng lồ. Người ta làm đất rất khéo, không có khuôn mẫu nào mà ụ đất cứ tròn vo rất đẹp. Để cho ụ đất càng mịn hơn thì người làm đất thực hiện công đoạn cuối cùng là lấy dây cung cắt từng lát đất mỏng quanh ụ đất rồi lại vứt mạnh vào ụ đất, cứ thế, cứ thế ụ đất càng căng tròn, mịn màng cứ như đôi má phính trẻ con.
Lúc nhỏ thấy những ụ đất sét như thế này, lũ trẻ nhỏ chúng tôi chơi trò xòe bàn tay bé xíu của mình ra ấn mạnh vào ụ đất sét ấy để in lại rõ nét từng dấu vân tay bé xíu mà thích thú vô cùng.Trẻ con vô tư quá, đâu có biết rằng để có được những ụ đất như những cây nấm khổng lồ này, ông cha mình đã đạp, giẫm hì hục thót bụng, thót gan cả ngày. (Nói điều này tôi hình dung tới cái bụng nhiều múi của ông, cha lao động ngày ấy, tôi đâu biết đó là cái đẹp mà ngày nay các bạn tập Gym, tập thể hình hằng mong ước).
Sau công đoạn làm đất sét là công đoạn in đất thành ngói âm dương. Công việc này là của bà, của mẹ (nói chung là của phụ nữ). Bà, Mẹ lấy cái khuôn gỗ hình vuông mỗi cạnh độ 20cm, đáy khuôn bịt kín, chiều cao khuôn độ gần 10 li. Họ cắt một cục đất sét nặng độ 2 đến 3 kg, nhồi lại thành hình tròn  rồi vứt thật mạnh  vào cái khuôn đã có rải một  lớp cát mịn, thổ lại cái khuôn có đất sét ấy cho đất đều đầy khuôn, rồi dùng cung cắt sát mạnh vào mặt khuôn để bỏ lớp đất sét thừa. Sau đó đem cái khuôn có lớp đất sét vừa được in đó đổ ra sân phơi nắng. (Như vậy có nghĩa là trời mưa thì không in ngói được).
Tôi kể lể dài dòng chi tiết về công đoạn in ngói âm dương vì tôi hiểu đây là một việc làm thủ công tốn nhiều công và đầy nghệ thuật. Ngó thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được đâu. Phải quen tay, cẩn thận, bền bỉ. Người in ngói âm dương vừa dang nắng cả ngày, vừa phải cúi khom mình cả ngày, vất vả lắm! Thế mà có nhiều người in từ sáng sớm đến tối được cả năm sáu trăm viên, bằng những động tác lặp đi lặp lại như một cái máy thật là đáng phục.
Để có được 1 tấm ngói âm dương, phải còn các công đoạn tiếp theo nữa. Đó là phơi ngói, khi ngói được phơi “héo héo” (ngôn ngữ của người làm ngói) có nghĩa là hơi khô khô thì người ta xếp ngói lại từng tập độ mười tấm như học sinh xếp vở rồi cho chúng hơi so le ở hai đầu cự li độ 10 – 15 li, rồi để lên một khuôn gỗ dài độ 4,5 tấc, mặt lưng khuôn có độ cong cỡ 30 độ, dùng bàn là bằng gỗ gõ nhẹ lên khuôn cho đều rồi xếp thành từng hàng, từng hàng để cho đến khi chúng  khô hẳn (khoảng 4, 5 ngày). Khi hàng chục ngàn  viên ngói đất này đã khô cứng thì chúng được mang xếp ngay hàng thẳng lối vào một cái lò đất kín to bằng cái nhà 30 – 40 mét vuông bịt kín. Sau đó dùng gốc củi dương liễu khô đốt liên tục trong khoảng 30 – 40 tiếng đồng hồ sao cho những viên ngói có đất sét màu vàng ấy chuyển sang hồng. Nung ngói chín hồng cũng là một nghệ thuật “nấu nướng”. Không được nung quá lửa, ngói sẽ méo mó, bị chuyển sang màu xanh đen thì hỏng. Vậy phải nung sao cho độ nóng cao, thấp tùy từng thời điểm, thời gian bao lâu thì hạ lửa, rồi tắt lửa, đóng lò!. Nói chung là cả một vấn đề không phải chỉ có “quen tay” và phải có nghệ thuật cao nữa.!
Sau khi đóng lò (tắt hết lửa) phải để cho lò nguội đến 3 – 4 ngày mới mở lò. Mở lò ngói nung cũng hấp dẫn không kém như người ta chơi xổ số vậy! Một màu hồng tươi roi rói tỏa khắp gian lò, đó chính là sự thành công của lò ngói, những tấm ngói gõ kêu “boong, boong” là tốt. Lúc đó, những tiếng cười giòn tan của ông bà, của người lớn, trẻ con vang khắp xóm (chính là mừng sự được mùa). Còn ngược lại “ngói hỏng” màu xanh đen thì coi như cả sự nghiệp gian lao vất vả hàng tháng trời của tập thể lao động tan tành mây khói, phải dọn lò đem ra sông đổ.
Vất vả nọ chồng chất vất cả kia, gian lao này kéo theo gian lao khác mới có được tấm ngói đỏ âm dương.
Nhưng khi tấm ngói được lợp lên mái nhà thì cả là một niềm tự hào khôn xiết. Ngày xưa nhà có điều kiện lắm mới lợp được ngói âm dương. Ngói âm dương người ta thường lợp ở đình, chùa, miễu làng. Lợp ngói âm dương cũng hết sức công phu, rường nhà phải bằng những nẹp gỗ tốt, phải chừa nẹp đúng theo tỉ lệ yêu cầu của ngói. Khi lợp người ta xếp thành từng hàng ngói dày, đều. Cứ một hàng ngói lật ngửa, thì hàng tiếp theo song song phải úp, cứ lợp đều như vậy cho đến hết mái nhà. Cách lợp viên úp, viên ngửa như vậy nên người ta gọi là ngói âm dương!. Tên gọi của ngói có lẻ được mô phỏng từ cách lợp ngói này.
Công đoạn làm và lợp ngói âm dương quả thật là công phu, còn khi sử dụng ngôi nhà được lợp ngói âm dương này thì như thế nào?
Trước hết phải nói đến độ bền, như các bạn thấy đấy, những ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương đã thách thức cùng năm tháng. Chúng có phủ rêu phong theo thời gian mưa nắng nhưng những tấm ngói hãy còn nguyên vẹn! Ngôi nhà lợp ngói âm dương cũng sang và đẹp hơn nhiều, tác dụng của nó lại rất hữu ích cho sức khỏe, hợp thời tiết: mùa đông ấm, mùa hạ mát.

Thật khen cho người sáng tạo ra ngói âm dương. Họ đã lùi vào quá khứ nhưng những mái ngói rêu phong hãy còn theo cùng năm tháng và mãi là niềm ngưỡng mộ của những ai một lần ghé thăm phố cổ, ghi lại vài pô hình của mái nhà rêu phong có những hàng cây rêu mọc trên đấy. Ngói âm dương !

Chợ quê

Nguyễn Hữu Cảnh

Trong cộng đồng dân tộc Việt, có nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đáng trân trọng. Chợ là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống đó. Chợ hay chợ búa, là nơi mà mọi người đến để buôn bán, trao đổi hàng hóa. Tên chợ thường gắn liền với địa danh riêng của một địa phương như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Lệ Trạch, chợ Miếu Bông , chợ Túy Loan…Ngoài ra, chợ còn gắn liền với một mặt hàng buôn bán nào đó như chợ cá, chợ gốm, chợ vải ,chợ trâu hoặc lãng mạn như chợ tình. Có những chợ lớn nổi tiếng trong cả nước, bên cạnh đó, trên khắp mọi làng quê Việt Nam luôn tồn tại một loại chợ quen thuộc gần gũi đó là chợ quê.
            Quê tôi nằm ở vùng hạ lưu sông Hưng Yên, thấp trũng nên vào mùa mưa thường úng ngập, lũ lụt. Làng nhỏ bao bọc bởi bốn bề sông nước nên việc giao lưu hàng hóa ngày xưa gặp không ít khó khăn. Giao thông chủ yếu là phương tiện đường thủy. Vì vậy chợ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế gần như tự cung tự cấp của bà con quê tôi. Chợ quê tôi không chỉ là nơi sinh hoạt kinh tế, buôn bán trao đổi sản phẩm, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, đôi khi cả tâm linh nữa. Người dân quê tôi hiền lành chất phác, khung cảnh làng quê thanh bình êm ả. Ban ngày, mọi người hầu hết tập trung ra đồng tất bật chuyện đồng áng, chỉ khi chiều đến, không khí trở nên náo nhiệt sôi nổi hẳn lên. Chợ mọc lên ở trung tâm khu vực gần đường cái quan thuận tiện cho việc giao thông đường bộ cũng như đường thủy.
            Chợ An Thới nấp dưới bóng mát của lũy tre xanh,tọa lạc trên đất làng Yến Nê , xã Hòa Tiến. Chợ thưa thớt những túp lều tranh, các sạp hàng bằng tre nứa tạm bợ. Đó là nơi buôn bán của các chủ hàng khô, hàng tạp hóa, còn những mặt hàng khác bày luôn ra mặt cỏ vệ đường. Tuy không qui định nhưng người bán hàng cũng tự giác ngồi thành từng dãy , từng hàng chỉnh tề trật tự . Vào lối đi chính giữa chợ là các sạp bày bán các mặt hàng bách hóa thu nhỏ, nào kim chỉ, gương lược, hương đèn…hầu như thứ gì cũng có, kể cả quần áo may sẵn cũng bày bán la liệt cho dễ chọn.
            Phía sau khu hàng bách hóa là dãy hàng bày bán hoa quả, rau xanh, lương thực… Những sản phẩm này chủ yếu thu hoạch từ vườn nhà của bà con các vùng quê tôi. Họ trồng ra không phải để bán nhưng vì dùng không hết nên đem ra chợ trao đổi các nhu yếu phẩm khác cần thiết thế thôi . Người mua không hề bận tâm mặc cả, đắn đo lo sợ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người bán cũng chẳng biết nói thách là gì. Người mua, kẻ bán thật thà định lượng giá trị qui đổi sản phẩm đúng với công sức lao động mà mình làm ra, chẳng hề đôi co chèo kéo mà thân thiện chân tình …Còn nhớ năm hôm mươi ngày, mẹ tôi nhặt nhạnh, thu hoạch các sản phẩm từ vườn nhà như cắt các tàu lá chuối non bó lại gọn gàng, buồng chuối chát xanh, mớ rau, quả bầu , quả bí mẹ bỏ vào giỏ cẩn thận. Bắt con gà, con vịt xem chừng đã hết lớn mẹ đem ra chợ bán để trao đổi những thứ mà gia đình còn thiếu.
             Chợ quê phục vụ cho một bộ phận dân cư hẹp trong làng xã, tuy nhiên không gian chợ  đã bắt đầu hình thành các phường hội, sản phẩm của làng nghề truyền thống các địa phương. Gian hàng chiếu Cẩm Nê, nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, sợi lát mịn, sáng, mình chiếu dày, dùng bền,  hoa văn phong phú tinh xảo được các nghệ nhân trong làng làm ra sánh cùng với chiếu Bàn Thạch, Duy Vinh, Quảng Nam làm nên thương hiệu chiếu thời bấy giờ. Gian hàng sản phẩm làm từ tre nứa do các nghệ nhân làng Yến Nê  được bày bán trên lối đi vào chợ. Những nong nia, thúng mủng, rổ rá, đồ dùng  sinh hoạt lao động hằng ngày được các nghệ nhân tài hoa sáng tạo nhiều kiểu đan khác nhau rất bền đẹp.Bằng chất liệu tre nứa trong làng nhưng các nghệ nhân đã thổi hồn vào nó , tạo thành những sản phẩm gia dụng giàu tính thẩm mĩ. Những chiếc nón lá làng La Bông bày bán xếp chồng như ngọn tháp, cô thôn nữ duyên dáng mời chào, nụ cười tươi như hoa giữa chợ…
            Đất nước đang thời kỳ chiến tranh, nhưng gian hàng cá cũng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng quê tôi. Cá đồng đánh bắt từ sông ngòi địa phương, còn sống, bơi lội trong thau chậu. Cá biển được vận chuyển bằng đường thủy theo sông Cẩm Lệ lên. Để lo cho mùa đông tháng giá, mẹ tôi thường đổi lúa lấy cả thúng cá giò, cá cơm tươi ngon về làm mắm. Những vò mắm to được mẹ tôi buộc kỹ đậy nắp cẩn thận để trong nhà nâng niu như của quí, đúng ngày ,đúng tháng mới được mở ra. Những ngày mưa lũ, ngăn sông cách đò không đi chợ được, chỉ với mớ rau khoai, rau muống, chén mắm cá giò, mẹ tôi nấu nồi canh ngon, bữa ăn đạm bạc mà có chất tươi bổ dưỡng cho cả gia đình.
            Lũ trẻ chúng tôi rất thích theo mẹ đi chợ. Ngày ấy bánh kẹo không được phong phú như bây giờ. Thật sung sướng làm sao khi được mẹ mua cho dăm cây kẹo ú, mớ bánh tai heo hay vài cây kẹo nu ga, đôi khi là xâu quả bồ quân ngọt chát, những con tò he thích mắt…Viên kẹo ú có lớp bột mì trắng mịn bao bọc bên ngoài, tôi không dám nhai sợ mau hết, chỉ biết ngậm trong miệng bao giờ tan mới thôi !.. Ôi, niềm hạnh phúc tuổi thơ mỗi lần theo mẹ đi chợ biết bao giờ lặp lại !..
    Một tháng đôi lần khách phương xa đến chợ biểu diễn khí công ,võ thuật quảng cáo thuốc gia truyền, “kê đơn hoàn tán, thuốc dán, nhị thiên đường”. Bọn trẻ chúng tôi vòng trong, vòng ngoài xem tràn cả lối đi vào chợ. Chẳng biết từ khi nào chợ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng quê tôi. Nhà nào trong vùng có con thi đỗ đại học, dựng vợ gả chồng, tân gia , hiếu hỷ, từ chợ lan truyền khắp nơi trong vùng, niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia sẻ…Đôi khi một nghĩa cử đẹp, hành vi xấu cũng được bình phẩm khen chê, góp ý điều chỉnh. Chợ còn là nơi trai thanh gái lịch trong vùng quê tôi gặp nhau giao lưu trò chuyện vì thế mà bao cặp được nên vợ, nên chồng.
                      Chợ chiều hẹn chuyến đò ngang
                Trai làng cùng với gái làng sang sông
                      Ngập ngừng câu chuyện lông bông
                 Hôm sau thành vợ, thành chồng với nhau.
    Cuộc sống thanh bình của phiên chợ quê đôi khi bị xáo trộn, đó là lúc giặc càn lên đốt phá. Phiên chợ quê tan tác, các sạp hàng chỏng chơ đen sạm nhuộm màu khói súng, nhưng rồi chợ lại mọc lên cứng cáp vững chải hơn xưa…
            Ngày nay, theo xu hướng đổi mới của cơ chế thị trường, nhiều chợ ở nông thôn đã được trào lưu đô thị hóa làm thay đổi bộ mặt đáng kể. Cùng với đó là những thay đổi về cung cách bán buôn , hệ thống siêu thị bán lẻ mọc lên để đáp ứng sự văn minh chuyên nghiệp của việc buôn bán trao đổi hàng hóa.  Nhiều ngôi chợ hiện đại đã được xuất hiện. Tuy nhiên, không những vì thế mà vẻ đẹp của các chợ quê truyền thống bị lỗi thời hoặc mất đi, mặc dù vẫn chịu khá nhiều thách thức của lối sống hiện đại và cung cách làm ăn mới. Theo chúng tôi được biết, trên khắp cả nước không ít chợ quê đã được chính quyền địa phương chuyển dời vị trí, đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, với kinh phí hàng vài chục tỉ đồng nhưng vẫn không có người đến mua bán, đành để hoang phế, lãng phí. Thế mới biết vai trò của yếu tố văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của người dân là vô cùng quan trọng. Cũng có những chợ quê thiếu may mắn, do nằm trên vị trí đắc địa trong khu vực dân cư mà các cấp chính quyền phải xóa sổ để khai thác giá trị đất đai phù hợp với yêu cầu đổi mới. Như vậy, vấn đề đặt ra là sự lựa chọn giữa việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống với việc tăng nguồn thu ngân sách là điều khiến chúng ta quan tâm suy nghĩ ?!..
            Mặc dù có thay đổi thế nào đi chăng nữa, những phiên chợ quê một thời trong chiến tranh, hay những năm đầu thời kỳ hòa bình đổi mới, vẫn có sức ám ảnh sâu đậm trong tâm hồn người dân quê tôi. Những ai đi xa, nhớ về chợ quê trong lòng không khỏi bồi hồi cảm xúc, thức dậy bao tình cảm ngọt bùi ân nghĩa, tình cảm gia đình, quê hương hòa quyện trong những phiên chợ quê tha thiết giản dị mà sâu lắng mặn nồng !...

   Cuối cùng, năm khỉ đến, có một bài học sâu sắc từ … con khỉ:

Con khỉ hái một trái chanh
Ngỡ rằng trái chín trên cành thì ngon
Ruột chua loát vỏ bồ hòn
Cắn rồi liền nhả, lăn tròn trái chanh
Ê răng, khỉ mới dặn mình
Phải dò trong ruột, chớ  tin bề ngoài.

Hình ảnh con khỉ trong tục ngữ, ca dao người Việt

Ngô Văn Ban

Dựa vào tính cách của con khỉ là leo, bò, nhảy, đu thoăn thoắt trên cây, liến lắc, ưa chọc ghẹo, trững giỡn, phá phách, động đậy không yên .. nên dân gian mới đưa tiếng khỉ vào tiếng trách mắng những ai đó có hành động, tính cách giống khỉ: Khỉ! Con khỉ! Đồ khỉ! Đồ khỉ khọn! Rõ khỉ! Mẹ khỉ! Khỉ quá! Đồ khỉ già! Đồ khỉ mốc! Đồ khì cùi! Đồ khỉ gió! Ngoài ra khi trách ai chẳng làm được, làm nên việc gì, không có gì hết sau công việc thì cũng bị mắng: Nó có khỉ gì đâu? Nó chẳng có khỉ khô, khỉ mốc gì! Còn khi bị mắng đồ trơ như khỉ gỗ là người đó cứ trơ trơ ra, không phản ứng gì như con khỉ làm bằng gỗ, chỉ trơ mắt khỉ mà ngó. Nhưng khi nhảy nhót, liến lắc không yên thì cũng bị mắng đồ khỉ mắc phong! Làm trò khỉ, làm khỉ làm khọn gì đó? … Còn làm tuồng mặt khỉ nữa chứ!
Như thế từ khỉ hình như chỉ dùng để mắng chửi, thật là oan ức tội nghiệp cho loài có vú này. Con người lại còn coi từ khỉ là từ xấu, đem lại sự xui xẻo cho con người nên đầu năm Tết, ai cũng tránh từ khỉ này. Từ khỉ như vậy được coi là từ … độc địa, tuy con vật này được coi là thủy tổ của loài người.
Loài khỉ có tập tục sống từng bầy, từng đàn trong rừng, chuyên leo trèo, đu từ cây nọ sang cành kia, thoăn thoắt như khỉ leo cây. Tuy sống với con người không nhiều, không gần gũi con người như các loài gia súc khác, ngoài một số người bắt chúng để ăn nhậu, để làm thuốc, loài khỉ vẫn được con người mượn hình dáng, tính nết chúng để ví von, chỉ trích, phê phán một bộ phận người không tốt trong xã hội. Như chuyện khỉ leo cây, chẳng ai dạy khỉ leo cây cả. Nhưng con người được chỉ trích là kẻ dạy khỉ leo cây là kẻ đó đã dạy cho người khác những thói hư tật xấu  …
Loài khỉ cũng như loài vượn coi cây cành là nơi trú ẩn, sinh hoạt thường ngày của mình. Do đó, bày trò rung cây nhát khỉ là trò dọa không phải cách, không có tác dụng gì
Khỉ ít khi nằm, nếu không leo trèo, chuyền cành, nhảy nhót thì khỉ thường ngồi. Khỉ ngồi nhiều nên mông khỉ thành chai, ít lông mọc ở đó và có màu hơi đỏ, gọi khỉ đỏ đít là thế! Nên khỉ chê khỉ đỏ đít là chê kẻ khác xấu, kém thì mình chẳng tốt đẹp gì. Cũng như: Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm? Hay: Con chó chê khỉ lắm lông/ Khỉ lại chê chó ăn dong nằm dài.
Và cũng nói đến khỉ ngồi, ta lại nhớ đến đôi tượng khỉ và chó đặt ở hai đầu cầu chùa Cầu ở thành phố Hội An (Quảng Nam). Lúc đầu tượng làm bằng gỗ mít, sau này làm bằng đá với tư thế ngồi chầu với miếng vải điều phủ qua đầu, trước mặt có bát nhang. Người dân Hội An có câu: Hội An có bốn nàng tiên/ Hai nàng tuổi Tuất, hai nàng tuổi Thân. Hai con vật đó đặt ở hai đầu cầu, có người cho rằng cầu khởi công năm Tuất và hoàn thành vào năm Thân. Còn người Nhật cho rằng Chó và Khỉ, theo tín ngưỡng của họ, đó là những vật tổ linh thiêng, có vai trò khống chế kỳ diệu đối với con thủy quái gây ra động đất ở Nhật Bản. Về tượng khỉ đó, người Quảng Nam còn có câu: Chầu hầu như khỉ chùa Cầu.
Ở Nam Bộ, cảnh khỉ khọt trên bưng, dưới sông sấu lội trong rừng cọp um, hay: Chiều chiều én liệng trên trời/ Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây là cảnh thường thấy thường nghe của thuở đầu mở nước vùng sông nước này. Cũng có những nơi khỉ ho cò gáy thì thật là quái đản, vùng đất ít ai biết, đúng là nói về vùng đất xa xôi, hoang dã, vắng vẻ nào đó, ít người qua lại, là vùng đất không đủ điều kiện có thể sinh sống được.
Có người nuôi khỉ giữ nhà. Ngoài việc giữ nhà, nuôi khỉ ở phía trước nhà như làm cảnh, cho nó làm trò khỉ vui cửa vui nhà. Khi có ai đến nhà, khỉ báo động bằng tiếng khọt khẹt, nhảy nhót lung tung, và lẽ dĩ nhiên là con khỉ này phải được cột lại trên một cây nào đó trước nhà, chứ không phải như chó có thể thả rông. Nhưng có người không thích như thế, vì cũng như nuôi ong tay áo, áp rắn vào ngực, con khỉ nuôi trước nhà cứ lom khom nhìn vào nhà như cố tình xoi mói, rình rập gì đó, nuôi khỉ dòm nhà, như người đời thường nói. Tính khỉ là như thế, cũng như mình nuôi dưỡng, chứa chấp kẻ xấu trong nhà thì đồ vật quý giá gì ở đâu cũng được người đó biết chỗ hết, và có ngày sẽ bị …. bay mất. Do đó, cần biết rõ người khác hơn, như cầm khỉ một ngày biết khỉ múa. Và cũng lưu ý nhiều những kẻ bụng bí rợ, ăn như bão, làm như khỉ. Tuy thế, có lúc ta cũng gặp cảnh khinh khỉ lại mắc dộc già. Dộc là loài khỉ lớn con, lại hung dữ nữa. Tránh, sợ khỉ vì cái trò khỉ của nó thì lại gặp con khỉ dữ tợn hơn, như tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tránh hùm gặp hổ, chê khinh thứ này xấu xa, cuối cùng lại gặp thứ khác còn tệ hơn.
Con khỉ cũng được anh chàng mới lấy vợ ví von một cách rất tội nghiệp: Thân anh như trống mới bưng/ Vợ anh như khỉ trong rừng mới ra. Thân anh như cái trống mới bịt da trâu, còn mới, không biết trống đánh có vang không. Còn vợ anh như con khỉ trong rừng mới ra đồng bằng, như người con gái mới lấy chồng, xa nhà cha mẹ, rời quê ra thành thị còn rất nhiều bỡ ngỡ, lạ lùng. Cả chồng lẫn vợ mới lấy nhau còn xa lạ với cuộc sống, cần nhiều thời gian và nỗ lực. Hình ảnh con khỉ được ví von như thế cũng rất phù hợp và cũng thật tội nghiệp.
Tuy thế cũng có lúc: Nực cười con khỉ đeo hoa/ Con heo đội mão, con gà nhuộm răng. Đó là “mốt” rất quái dị mà một số giới trong xã hội học đòi. Dù khỉ có theo “mốt” gì thì khỉ lại là khỉ, cũng như mèo vẫn hoàn mèo.
   Người tuổi Thân cầm tinh con khỉ. Con khỉ trong trong bài Vè 12 con giáp được miêu tả: Tuổi Thân con khỉ ở lùm/ Trèo qua trèo lại, lọt ùm xuống sông. Người mang tuổi Thân có khi buồn, vì: Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi/ Anh đây thân phận ngậm ngùi tuổi Thân. Tuổi Thân hay tủi cho thân phận không lấy được người yêu vì tập tục coi tuổi trong hôn nhân xưa? Nhưng người tuổi Thân vẫn có điều an ủi nếu sinh vào giờ Dần: Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân/ Sinh vào giờ Dần vẫn sướng như tiên. Lại còn: Sinh đúng giờ Dần, vẫn cứ làm vua. Giờ Dần thao giờ âm lịch từ 3 giờ đến 5 giờ sáng, lúc bóng đêm từ từ lui dần, lúc đó cọp sau một đêm bắt mồi, giờ rút vào rừng sâu, hang động nghỉ ngơi … Và đó cũng là giờ đẹp nhất trong, xóa đi những tăm tối của cuộc đời để cuộc đời sáng sủa hơn … Thôi thì đừng tủi thân con khỉ ở lùm nữa.
   Cuối cùng, năm khỉ đến, có một bài học sâu sắc từ … con khỉ:

Con khỉ hái một trái chanh
Ngỡ rằng trái chín trên cành thì ngon
Ruột chua loát vỏ bồ hòn
Cắn rồi liền nhả, lăn tròn trái chanh
Ê răng, khỉ mới dặn mình
Phải dò trong ruột, chớ  tin bề ngoài.

Khỉ trong văn hóa dân gian Việt Nam

Bùi Văn Tiếng

1. Ông cha ta xưa có vẻ không mặn mà lắm với khỉ, bằng chứng là thế giới nghệ thuật của truyện cổ dân gian rất ít khỉ. Không những thế, tư duy suy nguyên còn hình dung khỉ như là hiện thân của cái xấu/cái ác bị trừng phạt. Sự tích con khỉ kể rằng: “Ngày xưa có một người con gái đi ở với một nhà trưởng giả. Nàng phải làm việc quần quật suốt ngày, lại bị chủ đối đãi rất tệ. Cái ăn cái mặc đã chả có gì mà thỉnh thoảng còn bị đánh đập chửi mắng. Vì thế, cô gái tuổi mới đôi mươi mà người cứ quắt lại, trông xấu xí bệ rạc hết chỗ nói” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi). Với bản tính tốt bụng thương người, nàng được đức Phật - trong vai cụ già nghèo khổ lang thang cơ nhỡ - giúp trở thành một cô gái xinh đẹp: “Phật bảo nàng lội xuống giếng, hễ thấy bông hoa nào đẹp mút lấy thì sẽ được như nguyện. Khi xuống nước, cô gái chỉ mút mấy bông hoa trắng. Tự nhiên lúc lên bờ, nàng trở nên trắng trẻo xinh xắn” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi).

2. Rồi theo một diễn biến vừa tương tự như trong cổ tích Cây khế vừa tương tự như trong cổ tích Cây tre trăm đốt, cả họ nhà trưởng giả đã bị trừng phạt về sự bạc ác của mình: “Khi cô gái quảy gánh nước trở về, cả họ nhà trưởng giả vô cùng kinh ngạc. Nàng xinh đẹp đến nỗi họ không thể nào nhận ra. Nghe cô gái kể chuyện, ai nấy cũng muốn cầu may một tý. Họ lập tức đổ xô cả ra bờ giếng mong gặp lại đức Phật để được trẻ lại và đẹp ra Phật cũng bảo họ lội xuống giếng và dặn họ y như dặn cô gái lần trước. Dưới giếng lúc đó đầy hoa đỏ và hoa trắng. Ai nấy đều cho màu đỏ là đẹp nên khi lội xuống giếng đều tìm hoa đỏ mút lấy mút để. Nhưng không ngờ lúc lên bờ, họ không phải trẻ lại mà già thêm ra: mặt mũi nhăn nheo, người trông quắt lại, lông lá mọc đầy người, đằng sau lưng là cả một cái đuôi” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi). Sự tích con khỉ còn kể về việc cả họ nhà trưởng giả sau khi hóa thân thành khỉ đã bị dân làng cô lập vĩnh viễn khỏi cộng đồng dân cư - cho nên mới có thành ngữ “Khỉ ho cò gáy” để chỉ những nơi hoang vắng, heo hút không có bóng người.
3. Trong ngôn ngữ thường nhật, người Việt hay dùng nhiều câu nói/cách nói dân gian liên quan đến khỉ - mà đa phần là hàm nghĩa chê trách. Chẳng hạn như hay nói “Đồ khỉ” hoặc “Khỉ gió” để mắng ai đó thiếu đứng đắn. Ngay nhà thơ Tú Xương bực mình vì thi mãi không đỗ cũng từng kéo khỉ vào thơ: “Thi ơi là thi/ Khỉ ơi là khỉ”. Rồi muốn ám chỉ những kẻ không có tài năng mà vẫn chiếm được vị trí cao trên quan trường/trong xã hội, người ta thường dùng câu “Khỉ ngồi bàn độc”… Đáng chú ý là người Việt xưa hay mượn một số câu nói/cách nói dân gian liên quan đến khỉ để nhắc nhở nhau về những điều nên tránh, chẳng hạn dùng câu “Nuôi ong tay áo/ Nuôi khỉ dòm nhà” hàm ý khuyên không nên trông chờ nhờ cậy không đúng người/không đúng đối tượng, hay dùng câu “Rung cây nhát khỉ” hàm ý khuyên không nên làm điều vô bổ không có hiệu quả, hoặc dùng câu “Hứa hươu hứa vượn” hàm ý khuyên không nên hứa suông, hứa cho qua chuyện…
4. Người tuổi Thân cầm tinh con khỉ - con giáp thứ chín trong mười hai con giáp. Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Cung Thông cho rằng chữ Thân chính là biến âm từ chữ Khỉ trong tiếng Việt cổ, dẫu rằng biến âm th - kh rất hiếm. Nhận định này thú vị nhưng có lẽ cần kiểm chứng thêm, chỉ biết là có nhiều câu ca dân gian mượn khỉ để mà thể hiện sự thương cảm với số phận được xem là vất vả của người tuổi Thân, chẳng hạn “Tuổi Thân con khỉ lao chao/  Nhảy qua nhảy lại té ào xuống mương”, hay “Tuổi Thân con khỉ ở lùm/ Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông”, hoặc “Tuổi Thân con khỉ ở lùm/ Cuốc không lo cuốc lo giùm cho ai”… Vất vả thế nên nhiều người tuổi Thân thường than thân: “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi/ Mà sao tôi lại ngậm ngùi tuổi Thân”. Và đến nay vẫn tồn tại một cách giải thích về ý nghĩa của hai tượng khỉ Chùa Cầu rằng đây là cách người Hội An ghi nhớ thời điểm khởi công - năm Thân, giống như hai tượng chó đặt ở đầu cầu bên kia là cách ghi nhớ thời điểm hoàn thành công trình kiến trúc được xem là biểu tượng của thành phố bên sông Hoài - năm Tuất. Cách giải thích này có thể không thuyết phục lắm về mặt khoa học nhưng lại thể hiện một kiểu tư duy dân gian luôn gắn con khỉ với tuổi Thân…

5. Thực ra khi xây dựng Chùa Cầu, người Nhật đã tạc tượng hai con khỉ và hai con chó nhằm trấn yểm thủy quái Namazu. Chó và khỉ đều được người Nhật - và không chỉ người Nhật - xem là linh vật. Cách đây gần 400 năm, người ta thấy một bức phù điêu ba con khỉ trên vách đền Toshogu ở Nikko. Nhà điêu khắc người Nhật Hidari Jingoro (1594-1634) đã thể hiện rất sống động hình ảnh một con khỉ lấy hai tay che mắt tên là mizaru - tiếng Nhật mizaru có nghĩa tôi không thấy điều xấu, một con khỉ nữa lấy hai tay bịt tai tên là kikazaru - tiếng Nhật kikazaru có nghĩa tôi không nghe điều xấu, và con khỉ thứ ba lấy hai tay bịt miệng tên là iwazaru - tiếng Nhật iwazaru có nghĩa tôi không nói điều xấu. Ý tưởng của Hidari Jingoro về bộ ba mizaru - kikazaru - iwazaru có nguồn gốc từ tượng thần Vajrakilaya ở Ấn Độ cách đây vài ngàn năm về trước - vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng. Có thể nói trong quá trình giao lưu văn hóa với các nước, nhất là với Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, người Việt ngày càng cảm thấy thân thiết hơn với khỉ, và không phải ngẫu nhiên mà ở Nam Bộ, những cây cầu dân dã bắc tạm qua sông rạch được gọi là cầu khỉ - tên gọi mang màu sắc dân gian này hoặc xuất phát từ cách hình dung chỉ có khỉ hay leo trèo mới có thể qua cầu được, hoặc bắt nguồn từ liên tưởng giữa dáng người lom khom khi qua cầu với dáng đi quen thuộc của khỉ. 

Đi đò dọc

Thanh Minh

Trước năm 1945, không chỉ ở quê tôi là làng Bảo An, mà ở một số địa phương ven sông Thu Bồn  đều có đò dọc chỡ khách đi xuôi, tức là đi Hội An, còn gọi là đi Phố. Đò dọc là phương tiện rẻ tiền nhất, mà cũng thuận lợi nhất, an toàn nhất. Hồi đó cũng đã có ô tô khách, nhưng loại xe nhỏ, ít chỗ ngồi, chạy từ La Tháp xuống thị trấn Nam Phước, nếu đón giữa đường, xe cũng đã chật ních, nên ở quê tôi, không mấy ai chọn phương tiện này. Đò dọc thường nhổ sào vào quãng bảy giờ tối. Vì từ các xóm ra bến chỉ hơn một cây số nên vào giờ ấy, ai nấy đều có mặt ở bến sông, nơi chiếc ghe đậu sẵn.
             Khách phần lớn là các ông bà có tiệm buôn ở chợ Bảo An, họ đi để mua sỉ háng hóa về bán lẻ lại. Một số đi công việc riêng như khám bệnh ở nhà thương Phố, đi lãnh thư bảo đảm ở Bưu điện, học sinh đi học,...
            Chủ đò dọc là ông bà Kiểm Lài, lúc này cũng đã dọn dẹp, lau chùi khoang ghe sạch sẽ. Nếu mùa đông là khoan được trải chiếu để khách nằm nghỉ. Mùa hè, mấy tấm ván láng bóng, vừa đặt mình xuống, khách đã nghe mát rợi.
            Đi đò dọc còn được tận hưởng cái thú trăng thanh gió mát về mùa hè nóng nực, được nghe những lời hò khoan ý vị giữa đêm khuya vang vang trên dòng sông rộng:
                            ...Hò ơ... ơ...
                            Gió nam thổi xuống lò vôi
Ai đồn với bạn ta có đôi (mà) bạn buồn ơ...ơ...
Kể từ ngày bước xuống ghe buôn,
Sóng bao nhiêu dợn, dạ chàng buồn bấy nhiêu... hò...ơ ơ...
Đi đò dọc thuận tiện, an toàn và thú vị như thế, tại sao lại có câu hát:
Trồng trầu thả lộn giây tiêu
Con đi đò dọc, mẹ liều con hư.
            Con đây là con gái. Ta hiểu câu hát này là lời người mẹ dặn dò, nhắc nhở con gái phải cảnh giác. Đi đò dọc có tiện lợi, có thú vui, nhưng cũng có những điều bất tiện cho các cô gái, nhất là các cô gái mới lớn còn ngây thơ, hồn nhiên giữa cuộc đời. Đó là đi đò dọc phải ngủ đêm suốt trong chuyến đi. Đò dọc thường được thiết kế hai khoang, một khoang dành cho nam, một khoang dành cho nữ, nhưng giữa hai khoang không có vách ngăn, chỉ là cao thấp hơn nhau độ vài mươi phân.
            Con gái tuổi ấy, thường đặt mình nằm xuống là ngủ say như chết. Nếu trong đám khách nam có một tay càn quấy nào đó lợi dụng tình thế ấy, giữa đêm khuya gây ra sự lộn xộn, không ai lường được, thì người gánh hậu quả phải là cô gái trẻ - khách đi đò.
            Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, câu ca dao này không thực tế. Không phải hễ cứ con gái đi đò dọc là con gái hư, mà còn tùy người, tùy trường hợp, tùy điều kiện. Và nói “mẹ liều con hư” chứng tỏ người mẹ không còn biện pháp gì ngăn chặn hay sao mà để “liều” cho con hư hỏng. Như vậy, câu ca dao:
                            Trồng trầu thả lộn giây tiêu,
                         Con đi đò dọc mẹ liều con hư.
Là một câu có ý nghĩa tiêu cực và không hợp lý.


Thơ lục bát-hành trình từ cổ truyền đến đương đại

Võ Văn Hòe

1. Thơ lục bát ?
            Thơ lục bát là loại thơ mà đơn vị nhỏ nhất là hai câu, một câu sáu tiếng và một câu tám tiếng. Thơ có thể dài mấy cũng được, nhưng kết thúc phải là câu tám chữ.
            Trong quyển Từ điển Thuật ngữ Văn học [[1]] định nghĩa: một thể câu thơ cách luật mà các thể thức được tập trung thể hiện trong một khổ gồm hai dòng với số tiếng cố định: dòng 6 tiếng (câu lục) và dòng 8 tiếng (câu bát)...vừa gieo vần chân, vừa theo vần lưng, tiếng cuối câu lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu câu bát, tiếng cuối câu bát gieo vần xuống tiếng cuối câu lục tiếp theo. Mô thức:
                                    Câu 6: b   b   t   t   b   b
                                    Câu 8: b   b   t   t   b   b   t   b
            (Chữ in nghiêng không nhất thiết phải theo đúng luật. Câu thơ lục bát người Việt tuân thủ theo luật: nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục, phân minh).
            Lục bát của người Việt là thể thơ do người Việt sáng tạo nên, theo đó, xưa nay các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng thơ lục bát là thể thơ dân tộc. Và là thể thơ dân tộc nên mang đậm phong vị ngôn ngữ dân tộc Việt. Trong lời nói thường ngày đã mang hơi hướm của loại thơ này. Cho nên thơ lục bát dễ nhớ và dễ thuộc do tiết tấu và vần điệu của thơ cho phép lắng vào lòng người một cách tự nhiên.
                        Câu thơ sau đây là một biểu hiện của sự hồn nhiên, sâu lắng:
                                    Bỗng như một sự vô tình
                                    Ru con, anh phải đi tìm lời ru
                                    Lời ru nép giữ trang thư
                                    Phôi phai nét chữ ngỡ như hững hờ
                                    Bao nhiêu buồn giận bâng quơ
Bao nhiêu thương nhớ bây giờ là đây....[[2]]
Hoặc như:
            ...Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
            Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh:
            Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
            Sè sè nắm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
            Rằng: “Sao trong tiết thanh minh,
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà ?”…[[3]]
Trong bài viết đăng trên ấn phẩm Diệu Âm [[4]], tác giả Võ Long Tê có bài “Quan điểm lịch sử và thẩm mỹ về thể thơ lục bát" đặt vấn đề, rằng: thể lục bát có phải là một thể thơ tiêu biểu cho thi pháp Việt Nam hay không? Và bài viết tìm về nguồn gốc thể lục bát. “Các học giả không đồng ý kiến về nguồn gốc thể lục bát. Có người chủ trương thể lục bát xuất xứ từ thi pháp Trung Hoa, có người nhận xét đó là một thể thơ chung cho nhiều dân tộc ở Đông Nam Á, nhưng phần nhiều đều quả quyết đó là một thành tích sáng tạo của dân tộc Việt”. Và bài viết cho rằng những người chủ trương thể thơ lục bát là một thi điệu Trung Hoa chưa từng nêu ra một thi phẩm nào của Trung Hoa làm bằng chứng mà chỉ viện dẫn mấy câu trong Kinh dịch và Tống sử [[5]]. Có ý kiến cho rằng câu trong Kinh dịch gượng ép mà thành thể lục bát “theo lối cú điệu xưa nó tách rời ra thành từng câu chứ không đọc liền một hơi như lối đọc lục bát” [[6]]. 
Người Trung Hoa lấy làm ngạc nhiên trước thể thơ lục bát của Việt Nam, điều này đã được Nguyễn Huy Ánh viết trong tập Nhật trình Bắc sứ bằng tiếng Hán. Theo lời Phạm Đình Toái trong bài tựa sách dịch thiên Nguyệt Lãnh trong Kinh Lễ nói rằng “người Trung Hoa tới chơi nước ta lấy đọc thì không ai không khen phục” [[7]]. Như thế, để biết rằng người Việt đã sáng tạo ra thể thơ lục bát được xem là thể thơ dân tộc thì đã rõ.
2/ Từ cổ truyền...
2.1. Thơ ca lục bát dân gian
Gắn liền với dân tộc Việt, thơ lục bát xuất thân từ ca dao, dân ca dân tộc, nên cũng gọi loại thể thơ lục bát cổ truyền là thơ ca dân gian.
Thơ ca dân gian mang tính nguyên hợp, hình thành từ trong môi trường lao động, trong quan hệ xã hội, quan niệm tâm linh. Thơ ca dân gian có nhiều điểm tương đồng với dân ca và thường thể hiện gắn với âm nhạc và múa dân gian. Văn học dân gian phần thơ ca, cuộc sống đời thường của người dân được phản ảnh trong những câu ca dao dưới hình thức thơ lục bát. Ở đó thơ mang đậm tâm tư tình cảm con người, những triết lý về cuộc nhân sinh. Và để thể hiện cung bật của thể loại thơ này vào quần chúng nhân dân, câu lục bát dần uyển chuyển tải đi các làn điệu dân ca: lời ru, hát lý, các điệu hò, mà ta thường nghe phảng phất trong cuộc sống. Điều đó đã gắn liền với đời sống lao động của người dân. Bởi xét cho cùng thơ là loại hình văn học bao gồm nhiều thể loại: thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, hoặc thơ Đường luật, thơ ngũ ngôn,…; ca là ca lời thơ thành những làn điệu mang cung bậc khác nhau. Do đó, thơ ca dân gian thường được diễn xướng trong môi trường dân gian. Thơ lục bát thời kỳ đầu của sự phát triển, hẳn đã tồn tại trong dân gian và bắt nguồn từ trong ca dao dân tộc Việt. Và vì trưởng thành trong môi trường dân gian nên ca dao lục bát là những bài thơ do quần chúng bình dân sáng tạo nên và được ca lên bằng những làn điệu với nhiều cung bậc khác nhau, biểu hiện tình cảm của tầng lớp bình dân. Với cách hiểu này, chúng tôi khảo sát thơ ca lục bát dưới góc nhìn văn học, phần âm nhạc dân gian, tức phần ca, chúng tôi tách ra khảo sát trong các làn điệu dân ca ở một dịp khác. Ví dụ:
   Lời thơ dân gian:
                        - Trèo lên dốc ngược nhọc nhằn
                        Mưa tuôn nắng cháy, vững bền vượt lên.
               Lời ca/hò dân gian:
                        - Khoan ơ khoan. Khoan hò khoan
                        Trèo lên / khoan hò khoan / dốc ngược / khoan hò khoan / nhọc nhằn / khoan hò khoan
                        Mưa tuôn / khoan hò khoan / nắng cháy / khoan hò khoan / vững bền / khoan hò khoan vượt lên / khoan hò khoan / là hố.
            Hoặc, lời thơ dân gian (biến thể):
                        - Con nghé xe
                        Mình chằm ngược cho gắt
                        Bắt ngược cho hay
                        Lên bằng mà nghỉ con hè ?
            Lời ca dân gian:
                        - Con nghé xe
                        Mình chằm ngược cho gắt
                        Bắt ngược cho hay
                        Lô lô chằm lô
                        Lên bằng mà nghỉ con hè ?
            Từ môi trường thơ ca dân gian, thơ lục bát thể hiện thành công nội dung và nghệ thuật, từ đó, thơ lục bát thoát ra môi trường dân gian, mang theo tâm tư tình cảm của người dân để khẳng định mình là một thể loại thơ lục bát, tồn tại với tư cách là một thể loại thơ có truyền thống dân tộc trên văn đàn đương đại.
2.2. Thơ lục bát chuyển tiếp
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn học cho rằng thơ lục bát trước khi trở thành thể loại tồn tại trong văn đàn đương đại, đã trải qua giai đoạn chuyển tiếp, được xếp vào giai đoạn thơ ca trung đại.
            Những câu thơ lục bát sau đây, thể hiện sự chuyển tiếp từ lục bát ca dao sang thời kỳ của các truyện nôm ra đời, được xem tồn tại giai đoạn trung đại trước khi phát triển thành thơ lục bát đương đại ngày nay. Câu thơ lục bát thời kỳ này thể hiện trong các tác phẩm: thơ thầy Thông Chánh, Phạm Công Cúc Hoa, truyện Phan Trần, Bích câu kỳ ngộ,… thời kỳ này về nghệ thuật vẫn còn mang tính chất quần chúng, phản ảnh hoạt động của họ  thông qua ngôn ngữ bình dân. Tuy nhiên không phải không có trau chuốt cho câu thơ nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển biểu đạt được tình cảm, đằm thắm, kết hợp giữa lãng mạng và hiện thực trong thơ. Đây là bước tiếp nối từ lục bát nôm lên thơ lục bát.
            Đoạn lục bát trong Bích câu kỳ ngộ: [[8]]
                                    Thành Tây có cảnh Bích câu
                        Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao
                                    Đua chen thu cúc, xuân đào
                        Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông
                                    Xanh xanh dãy liễu ngàn tông
                        Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều
                                    Một vùng non nước quỳnh giao
                        Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa,
                                    Triều Lê đương hội thái hòa,
                        Có Trần công tử, tên là Tú Uyên…

            Đoạn lục bát trong thơ thầy Thông Chánh:
                                    Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra,
                        Chép làm một bổn để mà coi chơi.
                                    Trà Vinh lắm kẻ kỳ tời,
                         Có thầy Thông Chánh, thiệt người khôn ngoan.
                                    Đêm nằm nát ruột, nát gan,
                        Ôm thù Biện lý chẳng an trong lòng.
                                    Chừng nào tỏ nỗi đục trong,
                        Giết quân Biện lý trong lòng mới thanh …[[9]]
            Trong số truyện thơ như vậy, đỉnh cao là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vào thời đó, Tố Như vẫn sử dụng lục bát ca dao trong thơ mà sau này có nhiều câu thơ trong Kiều đã bước khỏi trang sách trở về với ca dao như là sự đương nhiên phải vậy. Và có những câu đã ca dao hóa, lặng vào cuộc sống đời thường của người bình dân. Nhưng thơ lục bát trong Truyện Kiều là những sáng tạo vượt xa ca dao lục bát. Câu thơ có sáng tạo, ngoài niêm luật nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh, câu thơ đôi khi bỏ nhịp chẵn 2/2 mà tạo ra nhịp lẻ 1/5, 3/3, 4/4, 2/1/3, 3/3/2,…vậy mà người đọc vẫn thấy hay, đọc không vấp váp, nhất là câu thơ dù thế vẫn chuyển tải nỗi niềm đắm thắm, thiết tha, vẫn mượt mà theo cách riêng của thơ lục bát. 
Làn thu thủy / thấp xuân sơn,
Hoa ghe thua thắm / liễu hờn kém xanh.
            Một đôi / nghiêng nước / nghiên thành,
Sắc đành đòi một / tài đành họa hai.
            Thông minh / vốn sẵn / tính trời
.Pha nghề thi họa / đủ mùi ca ngâm.
Cung thương / làu bậc / ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt / Hồ cầm một trương [[10]]
3/ …Đến đương đại.
Trên văn đàn đương đại, thơ lục bát vẫn còn mang theo trên mỗi câu thơ chất dân gian lục bát. Đây là điều cho chúng ta ngày nay biết rằng, sự tiếp biến từ ca dao lục bát đến thơ lục bát đương đại – từ cổ truyền đến đương đại –  cơ bản vẫn không có sự thay đổi lớn, kể cả vỏ âm thanh, niêm luật và nội dung biểu đạt. Bởi lục bát chính là thể loại thơ ca dân tộc. Ngày nay, người làm thơ, không một thi sỹ nào không làm thơ lục bát.
                        Em giờ tóc gió thôi bay
            Phấn quỳnh đêm cũ sang ngày còn hương
                        Gót hài vang khúc Nghê Thường
            Nghiêng khoe vóc liễu màu sương chưa nhòa…
                        …Em giờ tóc gió buồn hiu
            Bồng bềnh sợi nắng dặt dìu hồn thơ
                        Nghe chăng dưới bến sông chờ
            Ai hong tóc rối, nhạt bờ môi xưa ? [[11]]
              Ở bất cứ thời điểm nào, vào giai đoạn nào của lịch sử dân tộc, thơ lục bát vẫn vang lên, bằng ký tự La-tinh, (chữ quốc ngữ, tiếng nước ta,…), không chỉ nhẹ nhàng, êm ái, lãng mạng đến nao lòng mà còn hào hùng trong những lần ra trận, hành quân giữ nước. Thơ lục bát đương đại ở đâu và lúc nào cũng mang đầy nhuệ khí, cái cần phải thể hiện nhuệ khí. Tâm hồn dân tộc đa dạng và phong phú biết chừng nào ! Khi cái biểu đạt được đưa vào thơ để thể hiện nội dung tư tưởng không làm cho người đọc cảm thấy trục trặc trong từng câu thơ, như thế là đã đạt đến cái cần biểu đạt, nghĩa là đã đạt hiệu quả nghệ thuật trong sáng tác của các nhà thơ.
                                    Thôi từ biệt nhé, Bến Tre
Những ngày chiến đấu say mê, hào hùng…
Đánh xe, phá ấp, công đồn
Rạch Dầu, Phú Túc mãi còn khắc sâu
            Giã từ đất ấm chiến hào
Con kinh “kháng chiến” nhịp cầu “đấu tranh”            
            Giã từ Minh Đức Kiên gan
Bốn lần giặc chiếm, bốn lần vùng lên
            Mặt trời đang xé bóng đêm
Bót tan rồi, lại sáng đèn chợ khuya.[[12]]

                                    …Tiếc rằng trước lúc chia ly
                        Con chưa được thấy dáng đi của Người
                                    Hẳn trong đôi mắt sáng ngời
                        Còn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam
                                    Con qua Cẩm Lệ, sông Hàn
                        Ngũ hành Sơn đứng mơ màng bóng cha
                                    Hỡi người những đất cùng hoa
                        Tấm thân bao cuộc xông pha trường kỳ...[[13]]
            Cho vài ví dụ nữa của Tản Đà, đinh hùng, ...chế lan viên.tố hữu...
            Hành trình từ cổ truyền đến đương đại, câu thơ lục bát dần vào phương Nam đã có sự cách tân, bắt đầu trong lục bát ca dao để biểu đạt cái có thể. Đến lượt câu thơ lục bát phải tự mềm dẻo, thay đổi hình thức để có thể chấp nhận được trong lòng người dân lao động, cả những nhà thơ đương đại. Vần, niêm luật đã được dịch chuyển, nới rộng biên độ câu chữ, nhịp điệu để thể hiện cái có thể. Nhưng câu thơ phải mềm mại, dễ đọc, đọc lại dễ nghe, câu thơ lục bát vẫn phải giữ lại trang bị của mình bằng yếu tố vần và nhịp – cái làm nên sự xô đẩy trong tiết tấu của thơ lục bát – làm cho ý trước không thể không xuất hiện ý liền kề trong một quan hệ ngữ đoạn, liên kết với ý dưới một cách có nghĩa, đằm thắm, chấp nhận được mà người đọc quên đi, hay không phát hiện ra gieo vần, bỏ luật không theo thể thức nhất tan ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh.
Câu thơ lục bát như thế đã là câu thơ hay của mọi thời đại.
            Khảo sát một câu thơ biến thể từ lục bát, điều có thể nhìn thấy rằng để tồn tại cùng với quá trình phát triển lịch sử – văn hóa dân tộc, vùng miền, thơ lục bát luôn có sự thích nghi, đôi khi lục bát tạo sự khác biệt để cùng năm tháng, đi theo các sự kiện lịch sử - văn hóa diễn ra trong một vùng cư trú. Trong trường hợp đó, câu thơ lục bát đã có sự thay đổi để trở thành người cùng đường với ca dao dân tộc trong văn đàn thi ca vùng miền. Để biến hóa, câu thơ lục bát tự dung nạp, hay cần phải tạo ra yếu tố ngôn ngữ dư (phá luật), trong câu thơ,đặc biệt tạo ra khả năng lựa chọn ngôn ngữ để biểu đạt mà không (đôi khi) phải giữ lại luật, thể hiện ở vần lưng – một cái vần khó chịu trong thơ lục bát. Để hiệp vần với câu lục, đến lượt câu bát không thể sử dụng phương thức kết hợp ngôn ngữ mà phải thực hiện thao tác lựa chọn. Chính đó câu lục bát, đôi khi phải tự phá vỡ niêm luật, tạo nên sự hy sinh về luật để đạt được khía cạnh biểu đạt, cái có thể biểu đạt khi cuộc sống của những người khai sơn phá thạch vào phương Nam sinh sống. Bấy giờ cuộc sống đang dập dồn lao nhanh về phía trước, thơ lục bát cần phải ghi lại và phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của con người, câu thơ theo đó phải thích ứng, phải tự cắt bỏ bớt niêm luật (khi cần thiết). Chính vì có khả năng dịch chuyển thanh, vần tại cái vần lưng khó chịu kia mà câu lục bát khi hành trình vào Nam thể hiện được tính hiện thực, cái cần hiện thực cụ thể để văn đàn đưa tay thường xuyên tiếp nhận “đi cùng năm tháng” với quần chúng nhân dân trong quá trình phát triển văn hóa – lịch sử của mình. Đấy là sự biến thể của thơ lục bát.
                        Tay anh cầm cần câu trắc, ống câu trúc
                                                lưỡi câu thau
                        Muốn câu con cá biển chớ con cá bàu thiếu chi.
Từ đó, câu thơ lục bát trên hành trình vào phương Nam luôn tìm được cách thể hiện riêng không chỉ làm hài lòng con người nơi đây mà còn giữ được cho mình một khả năng biểu đạt không bao giờ bị sử dụng đến cạn kiệt khả năng thích ứng để có thể sẽ phải lặp lại chính bản thân câu thơ lục bát hoặc do bị “cạn” nên dễ rơi vào vùng lõm của văn đàn, tức thì có nguy cơ bị bỏ quên ngay trên mảnh đất mà lục bát có thế mạnh. Chính chỗ đó, cho thấy rằng thơ lục bát bước vào thời đương đại đôi khi giống thể loại anh em – ca dao lục bát – biến tấu thành những câu dài ngắn khác nhau không tuân thủ niêm luật lục bát như bản thân lục bát vậy mà vẫn phục vụ được bao người, vẫn thấy hài lòng, vẫn có cái nhìn mềm mại, chan chứa tự tình dân tộc.
Đấy là biến thể, một cách thơ lục bát vừa tiếp biến từ ca dao lục bát, vừa tự đổi mình.
                                    ...Nắng mưa đã trải ngàn ngày
                        Đôi dòng sông hóa đôi tay chiến trường
                                    Thương sông thương tự ngọn nguồn
                        Thương em từ thưở đưa xuồng anh qua
                                    Dịu hiền như khúc dân ca
                        Thẳm sâu chung thủy như là đất quê
                                    Sáng như một ánh sao khuê
                        Tiễn anh đi, đón anh về tháng năm.[[14]]
            Tuy thơ lục bát đương đại, gieo vần có thể biến tấu nhưng ngôn ngữ vẫn hàm chứa lời ăn tiếng nói của người bình dân, điều đó cho hay rằng, dù cách tân, hiện đại đến thế nào, câu thơ lục bát vẫn gần gũi với người bình dân. Cho nên thơ lục bát vẫn tồn tại đi cùng dân tộc.
                                    ...Sang năm ra ở riêng rồi
                        Vợ tôi dệt lụa, tôi ngồi làm thơ.
                                    Lụa may áo, bán còn thừa
                        Tôi đem thay giấy viết thơ chung tình.
                                    Giăng câu này dưới mái gianh:
                        “Nhà cô thôn nữ, vợ anh học trò. [[15]]
Hoặc: Một đoạn thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính như lời nói thường mà đọng lại bao suy tư, hoài cảm:
                                    ...Trời mưa ướt áo làm gì ?
                        Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng
                                    Người ta pháo đỏ rượu hồng
                        Mà trên hồn chị một vòng hoa tang
                                    Lần đầu chị bước sang ngang
                        Tuổi son sông nước đò giang chưa tường
                                    Ở nhà em nhớ mẹ thương
                        Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ
                                    Mẹ ngồi bên cửi xe tơ
                        Thời thường nhắc: “chị mày giờ ra sao ?” [[16]]

            Hoặc bài thơ Thời trước cũng của Nguyễn Bính:
                                    Sáng trăng / sáng cả vườn chè,
                        Một gian nhà nhỏ / đi về có nhau
                                    Vì tằm / tôi phải / chạy dâu,
                        Vì chồng / tôi phải / qua cầu đắng cay. [[17]]
                                   
Hoặc bài thơ Chiều  của Xuân Diệu: [[18]]
                        Hôm nay trời nhẹ lên cao
            Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...
                        Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn,
            Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.
                        Phất phơ hồn của bông hường
            Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng
                        Nghe chừng gió nhớ qua sông
            E bên lau lách thuyền không vắng bờ
                        Không gian như có dây tơ
            Bước đi sẽ đứt / động hờ sẽ tiêu.
                        Êm êm / chiều ngẩn ngơ chiều
            Lòng không sao cả / hiu hiu khẽ buồn...



[1] Từ điển thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, NXB Giáo dục, 1992, tr. 131.
[2] Những bức thư không gửi, thơ Bùi Công Minh.
[3] Truyện Kiều bản 1866, Nguyễn Du. Theo bản Liễu Văn Đường – Nghệ An, Nguyễn Quảng Tuân, phiên âm, khảo dị, NXB Văn học & Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2004.
[4] Diệu Âm, Đặc san của chùa Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, NXB. Đà Nẵng 4-2011.
[5] Trong Kinh dịch: Lục tam: hành chương khả trinh / Hoặc tòng vương sự vô thành hữu chung. (Hào sáu ba: ngậm vẻ sáng đẹp có thể chính bền/Kẻ theo việc nhà vua, không nên công cũng được trọn vẹn. Theo Bửu Cầm: Ca dao, nền tảng văn học dân tộc. Nội san Viện khảo cố, số 2, Sài Gòn, tháng 3-1956, bản in roneo. Trong Tống sử: Đế vị Thái Xác hữu công/Sử chi tông sự Triết tông miếu đường. (Vua bảo rằng Thái Xác có công/. Cho được thờ chung ở miếu vua Triết tông. Theo Lam Giang: Khảo luận luật thơ. Tân Việt, Sài Gòn, 1958.
[6] Thử tìm cái đẹp trong ca dao, Sơn Tùng, Tiểu thuyết Thứ bảy, loại mới, số 10, Hà Nội, 4.6.1949.
[7] Đại Nam quốc sử diễn ca, Hoàng Xuân Hãn, Trường Thi xuất bản lần ba, Sài Gòn 1956.
[8] Bích câu kỳ ngộ, Thi Nham Đinh Gia Thuyết, đính chính chú thích, NXB Tân Việt, 1964.
[9] Thầy Thông Chánh bắn Biện lý Jaboin là ngày Chánh Chung (tức Quốc khánh Pháp ngày 14/7 thực tế ngày bắn là ngày 14/5 năm 1893.
[10] Truyện Kiều bản 1866, Nguyễn Du. Theo bản Liễu Văn Đường – Nghệ An, Nguyễn Quảng Tuân, phiên âm, khảo dị, NXB Văn học & Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2004.
[11] Theo màu tóc gió, thơ Nam Giang.
[12] Giã từ Bến Tre, thơ Giang Nam.
[13] Gởi lòng con đến cùng cha, thơ Thu Bồn (1935 – 2003).
[14] Trước nhà em sông Vu Gia, thơ Thanh Quế.
[15] Nhà cô thôn nữ, thơ Nguyễn Bính.
[16] Lỡ bước sang ngang, thơ Nguyễn Bính.
[17] Thời trước, thơ Nguyễn Bính.
[18] Chiều, thơ Xuân Diệu tặng Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà), in trong Thơ thơ năm 1938.