Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Răng đen hạt huyền

Nguyễn Phước Tương


Răng đen hạt huyền
  
Dưới thời phong kiến nước ta trước đây, giới phụ nữ có tập tục dân gian truyền thống  làm cho hàm tăng của mình có màu đen bóng mà họ không gọi là sơn răng mà là nhuộm răng. Đó là một nghệ thuật trang điểm nhằm tôn thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ bất cứ họ là người lao động chân tay hay là người lao động trí óc. Bởi vậy, thời còn nhỏ tôi đã thấy thân mẫu tôi, một nhà giáo, cũng nhuộm hàm răng đen hạt huyền như vậy. Và cứ mỗi lần thân mẫu tôi nhuộm răng thì cả nhà nhộn nhịp...
Ngày xưa, việc nhuộm răng ở các thiếu nữ là một việc làm theo phong tục dân gian truyền thống và cũng theo lễ nghi của gia đình, vì vậy ở các cô gái trưởng thành không bao giờ để hàm răng trắng. Cho nên các cô gái mon men đến tuổi lấy chồng hay sớm hơn nữa đã bắt đầu lo đến việc nhuộm răng.
Mẹ em cấm đoán em chi
Để em sắm sửa em đi lấy chồng.
Lấy chồng cho đặng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen.
 Theo phong tục dân gian, các cô gái thường tiến hành việc nhuộm răng đen cho mình vào đầu năm mới, trong tháng giêng tháng hai, là thời gian nông nhàn, rỗi rãi và vào thời kỳ cơ thể sạch sẽ, kiêng kỵ khi đang có kinh nguyệt vì họ cho rằng nhuộm răng vào thời đó là không hay, thường không đạt kết quả. Chẳng những thế, họ còn chú ý khi ra đường tránh gặp phải những phụ nữ đang hành kinh và cả những phụ nữ có chồng mà chưa có con. Ngoài ra, họ cũng còn cố  tránh nhìn thấy màu đỏ của lửa, màu vàng của ánh sáng mặt trời vì cho rằng những điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến màu đen của hàm răng mình.
Vì vậy, trong thời gian nhuộm răng thường kéo dài trong nửa tháng, các cô gái chỉ ở  trong buồng kín, phải tránh việc vào bếp hay đi ra ngoài trời và chỉ khi có việc rất cần thiết thì mới ra ngoài vào ban đêm mà thôi. Thậm chí, các cô gái trong thời kỳ nhuộm răng cũng không được soi gương để nhìn hàm răng của mình vì cho rằng đó là điều tối kỵ có thể làm hỏng việc nhuộm răng và chỉ được phép ngắm nhìn hàm răng đen lánh đẹp đẽ của mình một cách hài lòng sau khi đã hoàn thành việc nhuộm răng kéo dài nửa tháng.
Việc nhuộm răng đen có người dễ thành công, nhưng cũng có người hàm răng chóng phai màu buộc phải nhuộm lại. Việc nhuộm răng có thể gây ít nhiều khó chịu cho người nhuộm răng bởi vì thuốc nhuộm răng có thể làm phồng rộp môi hay sưng lợi, gây khó khăn cho việc ăn uống. Tuy nhiên, các cô gái vẫn chịu thương chịu khó, vượt qua những trở ngại đó để có được hàm răng đen hạt huyền có sức hấp dẫn các chàng trai đến tuổi cập kê.
Về phía mình, các chàng trai thời ấy, khi gặp người yêu ở đầu làng, cuối xóm thì luôn luôn muốn được ngắm nhìn người con gái với hàm răng đen hạt huyền xinh đẹp.
* Em về mua thuốc nhuộm răng,
Mua khăn chít lại cho bằng duyên anh.
* Răng đen ai khéo nhuộm cho mình
Để duyên mình thắm, để tình anh yêu.
* Nhớ hàng tre thẳng đọt măng,
Nhớ cô em gái hàm răng đen huyền.
* Năm quan mua lấy miệng cười,
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.
Do vậy, những chàng trai thường yêu thích những cô gái có hàm răng đen hạt huyền đi đôi với đôi má hồng điểm thêm má lúm đồng tiền.
* Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
 Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua.
* Những người má đỏ hồng hồng,
Răng đen nhưng nhức được chồng nâng niu.
Đối với những cô gái nhà nghèo phải lao động vất vả suốt ngày ngoài đồng từ sáng tinh mơ, về nhà khi đã lên đèn thì buồn phiền trong việc trang điểm hàm răng đen cho mình:
Suốt mùa những bữa cơm đèn,
Lấy chi má phấn răng đen hỡi chàng!
Dư luận dân gian thời xưa thường ngạc nhiên khi thấy các cô gái có hàm răng đen hạt huyền xinh đẹp mà chậm có chồng:
* Răng em đen nhưng nhức, má em đỏ hồng hồng.
Sao em cao số muộn chồng rứa em?

* Răng đen nhưng nhức hột dưa,
Miệng cười tủm tỉm mà chưa có chồng.
Chưa chồng anh kiếm chồng cho,
Chưa con anh kiếm con cho mà bồng.
Việc làm cho hàm răng trắng trở nên có màu đen tuyền lấp lánh ở những người phụ nữ Việt Nam không phải là do ăn trầu mà do họ chủ động nhuộm đen hàm răng của mình. Đó là một nghệ thuật trang điểm dân gian khá công phu nhờ các loại thuốc nhuộm phức hợp truyền thống phối hợp với nhau, được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác trong giới phụ nữ ở nước ta trước đây.
Nghệ thuật nhuộm răng cũng như nghệ thuật sơn mài, trước tiên người phụ nữ phải làm cho bề mặt hàm răng của mình thật sạch trong hai ba ngày bằng cách sử dụng các vỏ cau khô để đánh răng, que tăm đập dập một đầu để xỉa răng hay sử dụng than bột chà xát hàm răng nhiều lần trong một ngày trong nhiều ngày liền và sau đó nhai chanh lát rồi súc miệng nhiều lần bằng rượu nếp, rượu gạo pha với nước chanh.
Nghệ thuật nhuộm răng có nhiều cách thức tùy theo từng vùng, nhưng bao giờ cũng được tiến hành theo hai giai đoạn: giai đoạn đầu là giai đoạn nhuộm phủ với thuốc nhuộm lót và giai đoạn sau là giai đoạn nhuộm màu với thuốc nhuộm chính.
Thuốc nhuộm răng đen có thể tự pha chế theo kinh nghiệm được kế thừa từ gia đình hoặc cũng có thể mua từ những người thợ thủ công chuyên nghiệp chuyên sản xuất thuốc nhuộm răng đen.
Ở nông thôn, người phụ nữ tự pha chế thuốc nhuộm lót một cách đơn giản từ cánh kiến đỏ đem ngâm trong nước chanh và rượu gạo thành một dung dịch màu đỏ sậm và thuốc nhuộm chính từ phèn đen (tức sunphát sắt thô), chất chát từ hạt cau hay vỏ cây được làm thơm bằng cách ngâm với quế chi, đinh hương và đại hồi thành một dung dịch màu đen và thơm.
Ở đô thị, nhất là ở Kinh đô Huế xưa, việc pha chế thuốc nhuộm răng có phần phức tạp hơn như tôi thấy thân mẫu tôi thường làm. Thuốc nhuộm lót là một chế phẩm phức hợp gồm cánh kiến đỏ ngâm trong nước chanh và rượu trắng, cho thêm gạo nếp dẻo rồi đem nấu chín, đánh nhuyễn thành hồ có màu đỏ cánh gián. Thuốc nhuộm chính là một chế phẩm phức hợp, gồm hắc phàn (phèn đen - sunphát sắt thô) thanh phàn (phèn xanh tức sunphát đồng thô) và các thảo dược gồm vỏ lựu, hạt cau (chứa chất chát), ngũ bội tử (chứa loại nhựa dính) đinh hương, đại hồi (có mùi thơm) và rượu trắng cho vào gạo nếp dẻo rồi đem nấu chín, đánh nhuyễn thành hồ có màu đen.
Để nhuộm răng, sau khi đã làm sạch hàm răng như đã nói ở trên, trước tiên người ta phết thuốc nhuộm lót trên lá chuối được làm mềm bằng cách hơ qua lửa, rồi đắp lên hàm răng vào buổi tối và làm nhiều đợt như vậy cho đến khi các răng trở nên có màu đỏ cánh gián. Tiếp đó, người ta dùng thuốc nhuộm chính đắp lên hàm răng nhiều lần trong ngày và trong nhiều ngày liền cho đến khi các răng trở thành có màu đen bóng. Sau cùng, người nhuộm răng phải súc miệng vài lần bằng nước mắm ngon hảo hạng để loại trừ các mảnh thuốc nhuộm còn bám trên răng.
Trong những ngày nhuộm răng thường người phụ nữ chỉ ăn cháo hay ăn bún và nuốt chửng không được nhai, tránh ăn thịt và những thứ thức ăn dai cứng; người ta cũng khuyên không nên nhai nhiều và nên uống nước ấm để bảo vệ cho các lớp thuốc nhuộm khi còn chưa bám thật chắc vào răng.
Để làm cho các lớp thuốc nhuộm cố định vào răng cho chắc hơn, sau khi nhuộm răng, người ta còn phải dùng một dung dịch hỗn hợp gọi là thuốc xỉa để bôi lên răng. Chẳng hạn như ở kinh đô Huế xưa, người ta thường dùng hai loại thuốc xỉa nổi tiếng, gọi là cổ xí táncổ xí cao.
Thuốc xỉa cổ xí tán gồm các thành phần hắc phàn, thanh phàn và các thảo dược gồm cam thảo, binh lang (hạt cau), tế tân, bạch chỉ, tam lăng, nhũ hương, đem nghiền nhỏ thành bột mịn rồi chấm vào chiếc tăm tre đập dập một đầu để xỉa, tô lên răng nhiều lần cho thật đều.
Thuốc xỉa cổ xí cao gồm những thành phần đã nêu lên ở trên còn cho thêm các thảo dược gồm sinh địa, tật lê, cánh kiến đỏ, một dược, đương quy cho vào nước đem đun sôi rồi cô đặc lại thành cao. Dùng loại thuốc xỉa này để xỉa và tô lên các răng nhiều lần cho thật đều.
Trong các loại thuốc xỉa đó, hắc phàn và thanh phàn có tác dụng làm ổn định các thuốc nhuộm; binh lang, vỏ lựu chứa chất chát có tác dụng làm sẫm màu, khử trùng; bạch chỉ chữa hôi miệng; tế tân chữa đau nhức răng; một dược làm giảm đau; sinh địa, và đương quy ức chế sự nhân lên của vi khuẩn; tật lê chữa loét lợi, miệng; bạch chỉ làm giảm đau và ức chế vi khuẩn.v.v...
Những phụ nữ biết cách giữ gìn thì hàm răng đen có thể kéo dài đến mười năm thậm chí đến hai mươi năm. Về lâu dài, trên hàm răng đen có thể xuất hiện những vết vàng nhạt đây đó mà người ta gọi là răng cải mã, làm hàm răng đen không còn đẹp nữa, buộc lòng người ta phải nhuộm lại răng.
Nhuộm răng đen hạt huyền không chỉ là một nghệ thuật dân gian làm đẹp cho người phụ nữ trước đây mà nó còn có tác dụng bảo vệ cho hàm răng ít bị hư hỏng là nhờ các loại thuốc nhuộm răng đã lấp kín những lỗ hổng nhỏ li ti trên bề mặt các răng, ngăn ngừa được sự tấn công của các loài vi khuẩn có mặt trong xoang miệng hay từ bên ngoài xâm nhập vào miệng.

Ngày xưa, những cô gái để lộ hàm răng đen hạt huyền xinh đẹp của mình giữa đôi môi hồng đã làm rung động tâm hồn và xao xuyến trái tim của biết bao chàng trai.
Răng đen nhoẽn miệng em cười
Dẫu trời nóng nực cũng nguôi cơn nồng!
Tập tục dân gian nhuộm răng đen hạt huyền, một nghệ thuật truyền thống làm đẹp cho người phụ nữ nước ta dưới thời phong kiến đã mất dần sau cách mạng tháng 8.1945, nhưng những người phụ nữ lớn tuổi vẫn gìn giữ hàm răng đen hạt huyền của mình cho đến trọn đời.
Ngày nay, tập tục dân gian nhuộm răng đen hạt huyền của người phụ nữ nước ta đã lùi vào dĩ vãng vang bóng một thời. Nhưng cho đến nay, chúng ta biết được tập tục nhuộm răng đen truyền thống đó là nhờ sự lưu giữ của kho tàng văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc./.


Tài liệu tham khảo

1. Hội Văn nghệ Dân gian Đất Quảng. Ca dao, dân ca Đất Quảng. Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006.
2. Nguyễn Đổng Chi. Địa chí văn hóa dân gian Nghệ An. Nhà xuất bản Nghệ An, 1995.
3. Pierre Huard et Maurice Durand. Connaissance du Vietnam. 1954.
4. Allert Sallet. Les laquages des dents et les tinctures dentaires chez les Annamites. Bulletin des Amis du Vieux Hué N015,192B.


Không có nhận xét nào: