Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Giao thoa văn hóa Việt - Chăm nhìn từ thơ ca dân gian

Võ Văn Hòe

Thơ ca dân gian mang tính nguyên hợp, hình thành từ trong môi trường lao động, trong quan hệ xã hội, trong quan niệm tâm linh. Thơ ca dân gian có nhiều điểm tương đồng với dân ca nên thường thể hiện gắn với âm nhạc và múa dân gian. Người Chăm cũng có hò hát và múa dân gian. Bởi xét cho cùng thơ là loại hình văn học bao gồm nhiều thể loại: thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, hoặc thơ Đường luật, thơ ngũ ngôn,…; ca là ca lời thơ thành những làn điệu mang cung bậc khác nhau. Do đó, thơ ca dân gian thường được diễn xướng trong môi trường dân gian. Vậy, thơ ca dân gian là những bài thơ do quần chúng bình dân sáng tạo nên và được ca lên bằng những làn điệu với nhiều cung bậc khác nhau, biểu hiện tình cảm của tầng lớp bình dân. Với cách hiểu này, chúng tôi khảo sát thơ ca dân gian dưới góc nhìn văn học, phần âm nhạc dân gian, tức phần ca, chúng tôi tách ra khảo sát trong các làn điệu dân ca ở một phần riêng vào dịp khác. Ví dụ:
   Lời thơ dân gian:
                        - Trèo lên dốc ngược nhọc nhằn
                        Mưa tuôn nắng cháy, vững bền vượt lên.
               Lời ca/hò dân gian:
                        - Khoan ơ khoan. Khoan hò khoan
                        Trèo lên/ khoan hò khoan /dốc ngược/ khoan hò khoan/ nhọc nhằn /khoan hò khoan
                        Mưa tuôn /khoan hò khoan /nắng cháy /khoan hò khoan/ vững bền/ khoan hò khoan /vượt lên /khoan hò khoan /là hố.
            Hoặc, lời thơ dân gian (biến thể):
                        - Con nghé xe
                        Mình chằm ngược cho gắt
                        Bắt ngược cho hay
                        Lên bằng mà nghỉ con hè ?
            Lời ca dân gian:
                        - Con nghé xe
                        Mình chằm ngược cho gắt
                        Bắt ngược cho hay
                        Lô lô chằm lô
                        Lên bằng mà nghỉ con hè ?
Trong bài viết ngắn so sánh có hay không có sự giao thoa thơ ca dân gian Việt – Chăm này, chúng tôi chỉ khảo sát phần thơ dân gian, nhằm tìm hiểu xem thơ dân gian người Chăm có sự tương đồng với thể thơ dân gian của người Việt ?
Lâu nay các nhà nghiên cứu văn hóa đã đưa ra nghi vấn rằng, liệu chúng ta có giao thoa với văn hoá Chăm trong nghệ thuật thơ ca dân gian, đặc biệt là trong âm nhạc và thơ lục bát. Trong “Đôi lời mở đầu” cuộc Hội thảo “Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển Tây Nam bộ”, GS.TSKH.Tô Ngọc Thanh đã nhắc lại nhận định của cố GS. Trần Quốc Vượng, rằng “tổ chức lãnh thổ của người Chăm nhìn từ núi xuống là: đền tháp – trung tâm tâm linh; thành quách – trung tâm quyền lực; cảng thị – trung tâm giao thương. Ông cũng lưu ý rằng tuy có chung một mô hình tổ chức lãnh thổ nhưng do điều kiện địa lý cụ thể của từng đơn vị xã hội mà ông gọi là mandala (các tiểu vương quốc) sẽ có những sắc thái khác nhau. Như vậy, có thể phải xem văn hoá Chăm trên vùng đất này thông qua những biểu hiện cụ thể của văn hoá từng mandala”.
“Và từ đó tìm hiểu những dáng vẻ, độ nông sâu khác nhau của mối quan hệ giao lưu văn hoá Chăm – Việt trong khuôn khổ sắc thái văn hoá từng mandala, tức là nhìn nhận vấn đề một cách định lượng. Nhờ đó, khắc phục dần lối nói chung chung rằng ở vùng đất này đã diễn ra sự giao lưu văn hoá…Lâu nay phổ biến một nhận xét rằng sắc thái âm điệu chơi vơi, man mác của hò mái nhì, hò mái đẩy là kết quả tiếp biến từ văn hoá âm nhạc Chăm. Tuy nhiên cho đến nay chưa ai chứng minh được rằng cái sắc thái ấy ảnh hưởng cụ thể từ thang âm nào của bài nào, thể loại nào trong âm nhạc cổ truyền Chăm”[[1]]. Với cách hiểu như vậy, loại hình thơ ca dân gian, trong đó thể loại thơ lục bát của người Việt có ảnh hưởng từ người Chăm và ngược lại người Chăm có mượn loại thể này ?.
Nhiều ý kiến cho rằng thể thơ lục bát của người Việt có ảnh hưởng thơ lục bát người Chăm. Trong bài viết đăng trên ấn phẩm Diệu Âm [[2]], tác giả Võ Long Tê có bài “Quan điểm lịch sử và thẩm mỹ về thể thơ lục bát" đặt vấn đề, rằng: thể lục bát có phải là một thể thơ tiêu biểu cho thi pháp Việt Nam hay không? Và bài viết tìm về nguồn gốc thể lục bát. “Các học giả không đồng ý kiến về nguồn gốc thể lục bát. Có người chủ trương thể lục bát xuất xứ từ thi pháp Trung Hoa, có người nhận xét đó là một thể thơ chung cho nhiều dân tộc ở Đông Nam Á, nhưng phần nhiều đều quả quyết đó là một thành tích sáng tạo của dân tộc Việt”. Và bài viết cho rằng những người chủ trương thể thơ lục bát là một thi điệu Trung Hoa chưa từng nêu ra một thi phẩm nào của Trung Hoa làm bằng chứng mà chỉ viện dẫn mấy câu trong Kinh dịch và Tống sử [[3]]. Có ý kiến cho rằng câu trong Kinh dịch gượng ép mà thành thể lục bát “theo lối cú điệu xưa nó tách rời ra thành từng câu chứ không đọc liền một hơi như lối đọc lục bát [[4]].
Người Trung Hoa lấy làm ngạc nhiên trước thể thơ lục bát của Việt Nam, điều này đã được Nguyễn Huy Ánh viết trong tập Nhật trình Bắc sứ bằng tiếng Hán. Theo lời Phạm Đình Toái trong bài tựa sách dịch thiên Nguyệt Lãnh trong Kinh Lễ nói rằng “người Trung Hoa tới chơi nước ta lấy đọc thì không ai không khen phục” [[5]]. Như thế, để biết rằng người Việt đã sáng tạo ra thể thơ lục bát được xem là thể thơ dân tộc thì đã rõ.
Tuy nhiên khi người Việt miền Trung vào phương Nam nắng gió khai mở thêm đất đai, định cư lập nghiệp lâu dài, liệu rằng loại thơ lục bát thể hiện trong ca dao có ảnh hưởng sang người Chăm, hay người Chăm đã giao thoa với người Việt thể loại thơ này? Đây là vấn đề nhiều nhà nghiên cứu đã nêu ra! Thể thơ lục bát và thi pháp người Việt, người Chăm, người Thái Lan ở vùng Đông Nam Á có gặp nhau để giao thoa không?
Người Việt đã sáng tạo ra thể thơ lục bát như đã chứng minh ở trên, tuy nhiên cũng cần xem xét trong phạm vi vùng Đông Nam Á với văn hoá Sa Huỳnh, Đông Sơn, Óc Eo, có ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ, câu thơ lục bát của người Việt giao thoa thế nào trong bối cảnh Đông Nam Á. Ngoài người Việt thì người Chăm, người Thái họ cũng dùng thể thơ lục bát. Nghiêm Thẩm trong Tạp chí nguyệt san Quê Hương [[6]] có bài: Sự tồn tại của bản chất Anh-đô-nê-diêng trong nền văn hoá Việt Nam, viết rằng các nhà sử học Thái Lan cho rằng họ cũng có thể thơ lục bát. Và cũng trong bài viết này về thơ lục bát của người Chăm, Nghiêm Thẩm cho rằng “Nếu ta nghiên cứu về văn chương Chàm, ta thấy người Chàm rất ưa dùng thể lục bát. Nhưng trong lục bát Chàm, chữ cuối câu sáu vần với chữ thứ tư câu tám. Nhưng hiện nay văn chương Chàm chưa được khảo cứu tường tận nên ta không biết rõ là người Chàm lấy thể thơ lục bát của người Việt Nam hay là người Việt Nam đã lấy thơ của người Chàm”. Vấn đề sự giao thoa, ảnh hưởng thể thơ lục bát Việt – Chăm hay Chăm – Việt, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, ngôn ngữ, văn học có đưa ra nhận định ngược chiều nhau, tuy nhiên căn cứ vào các công trình biên khảo của các học giả Nghiêm Thẩm, Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Duy, Vũ Lang,…và sự so sánh đối chiếu của chúng tôi, cho biết, câu thơ lục bát của người Chăm gieo vần tại chữ thứ tư trong câu tám.
            - Thây thâu ca chang câu ca,
            Ddâm pât tì la mưng thâu cá trang [[7]]
Dịch: -Nỗi lòng ai biết cho không,
            Rau mọc giữa dòng trong dạ ai hay?

Trong cuốn “Đặc khảo về dân nhạc Việt Nam” xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn, Nhạc sỹ Phạm Duy cho rằng người Chăm cũng có thể thơ lục bát và được lồng các làn điệu vào để trở thành dân ca và Phạm Duy đã công bố một bài dân ca theo thể thơ lục bát người Chăm, phương thức gieo vần ở chữ thứ sáu câu lục vần với chữ thứ tư câu bát, giống với cách gieo vần của người Việt cổ [[8]]
- Thây mai mưng đêh thay ô,
            Drơh phik kaau lô yom tha ưrang,
            Chek tian mưng asit dih đang
            Mai hu ka urang oan lô lingik! [[9]]
Dịch: - Ai đến từ đàng kia, ai đó,       
Đẹp lòng ta hình như một người.
Mà ta đã mến yêu từ khi còn ẵm ngửa,
            Nay đã thuộc về người khác rồi, tiếc quá trời ơi !

Ngôn ngữ Chăm là loại hình ngôn ngữ đa âm tiết, khác với đơn âm của người Việt nên ca dao Chăm khác với ca dao Việt, tuy nhiên, thảng trong lời ăn tiếng nói dân gian vẫn có trường hợp giao thoa, tương đồng nhau trong cách gieo vần giữa cặp lục bát Chăm với cặp lục bát Việt:

            Cặp lục bát Chăm:     
- Mai baik dei brei pha crong
                        Tangin dei tapong kauk luk mưnhưk
                        Bbuk ai tarung yuw harơk
                        Tangin dei pơk nhjwơh yuw tathi
                        (Về đi em cho đùi gác
                        Bàn tay em vuốt, đầu xức dầu thơm
                        Tóc anh bù rối như rơm
                        Tay em vuốt thì mượt như lược chải).

            Cặp lục bát Việt:
                        - Tò vò mà nuôi con nhện
                        Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi
                        Tò vò ngồi khóc tỉ ti
                        Nhện ơi nhện hỡi, nhện đi đường nào ?

            Đặc điểm khác nhau giữa câu ca dao lục bát người Việt với người Chăm về phân phối vần, trong ariya Chăm, vần trắc (t) tồn tại khá bình đẳng với vần bằng (b), sự phân phối chen kẽ nhau, nghĩa là một câu hiệp vần bằng, liền sau đó là câu hiệp vần trắc. Đối chiếu bài ca dao Việt « Tò vò » nêu trên với bài ca dao Chăm sau đây, ta thấy có sự tương đồng về phương thức hiệp vần.
                        -Limưn tơl Ba Lai Bal  Huh
            Bal giơh ginuh bhap illimo
            Bal đwa danuh khak bilo
            Xanak ginrơh ralo halei jang o bboh.

            Gần đây, trong Tạp chí Champaka, số 1 năm 1999, có in bài Trường ca Chăm Bà-ni (Ariya Cam Bini) của nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, ông Fatimah là thành viên của chương trình Thế giới Mã Lai – Đông Dương, giới thiệu 118 câu thơ lục bát, gieo vần giống như cách gieo vần câu thơ lục bát của người Việt xưa [[10]]. Còn trong trường ca Hbia tà lúi – kalipu của người Chăm ở Phú Yên, chúng tôi thấy trong trường ca/ariya này có số câu dài ngắn khác nhau (câu dài nhất 23 từ, sau khi đã chuyển ngữ sang tiếng Việt), theo đó, lại không tìm thấy ảnh hưởng câu ca dao lục bát của người Việt. [[11]] Tuy nhiên, nếu chỉ đếm số lượng tiếng câu lục và câu bát trong ariya Chăm (sau khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, nghĩa là đã trở thành ca dao dịch) để so sánh, đối chiếu sự giao thoa Việt – Chăm, thì không rút ra được sự giao thoa hay tương đồng. Mặt khác cũng cần xét đến, rằng tiếng Chăm là ngôn ngữ đa âm tiết, lại cho thấy khác với lục bát Việt. Điều này xét câu ca dao Chăm trong hai trường hợp như các nhà nghiên cứu đã thực hiện để có sự so sánh:

+ Bằng cách đếm âm tiết, không tùy thuộc vào lượng chữ, ta thấy câu lục sáu âm tiết, câu bát tám âm tiết (trong câu, có một hình vị, chứa hai âm tiết). Ví dụ:
Câu ca dao:
            -Cam  saung  Bini  ke  kan
                1       2        3-4    5    6
            Mu  sa  karan  ia  sa  bilauk  
              1    2     3-4    5   6    7-8
Câu châm ngôn Pauh Catwai
- Tabur  xanưng  twei  đơy
                1-2       3-4         5       6
            Wak  Pauh  Catwai  twei  bauh  akhar
                1       2       3-4        5       6       7-8 
                                           
Cách đếm âm tiết này theo lời ăn tiếng nói Chăm có mặt trong thể loại trữ tình như Ariya Cam Bini, Ariya Xah Pakei, hoặc những câu châm ngôn như Pauh Catwai, Muk Thruh Palei và có mặt trong hầu hết các sáng tác dân gian người Chăm.
+ Bằng cách đếm theo lượng trọng âm, ta thấy có hiện tượng đọc lướt, nén chữ hay nuốt âm là một trong những thuộc tính của ngôn ngữ đa âm tiết. Do đó trong các sử thi như Akayet Dewa Mưno, Akayet Um Mưrup, Akayet Inra Patra hay các bài ca mang tính triết lý, thể loại ariya chỉ được tính theo lượng trọng âm của từ đa âm tiết, một số hư từ cũng bị lượt bớt, không tính từng âm tiết như trường hợp đầu. Ví dụ :
- Akayet  si  panưh  twơr  tabiak
                1-2     3      4         5         6
Ppadong  nưm  ka  ratwơk  Rija  Dewa  Mưno
             1             2     3       4          5        6        7-8
                                                        (Akayet Dewa Mưno)
-Glơng  anak  linhaiy  likuk  jang  o  hu
   1        0-2      0-3       0-4      5     0   6
Bhian  drap  ngap  ralo  pioh  hapak  khing  ka  thraung
   1         2        3     0-4     5      0-6        7       0        8
                                              (Ariya Glơng Anak)

Như thế, cho dù dùng phương pháp đếm âm tiết hay đếm trọng âm trong câu ca dao lục bát, ta vẫn thấy có sự tương đồng, giao thoa nhau giữa câu ca dao người Việt và người Chăm.

Trong bài viết: «Bước Tiến trong nghiên cứu văn minh Chăm – văn học Chăm » của Nguyễn Đức Hiệp (Sydney Australia) khi bàn về Văn học dân gian Chăm của Inrasara, trong tác phẩm Văn học Chăm – khái luận, phát biểu rằng: thể thơ Ariya/trường ca tương tự như thơ lục bát Việt Nam và Inrasara cho thấy qua đối chiếu và phân tích sơ bộ, lục bát Việt và ariya Chăm có rất nhiều điểm giống nhau. Trong đó, phần giống nhất là nhịp điệu của câu thơ. Thể thơ ariya thể hiện trong các tác phẩm trữ tình của người Chăm có phần tương tự như các tác phẩm Bích Câu kỳ ngộ, Lục Vân Tiên hay Truyện Kiều của người Việt.[[12]]

Như vậy, rong quá trình giao lưu, các mối quan hệ qua lại nhau được thiết lập, người Việt miền Trung đã có sự trao truyền thơ ca dân gian từ Việt sang Chăm (lấy ca dao lục bát để khảo sát), phần nhiều tìm thấy trong ca dao đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Mặt khác, chúng ta còn tìm thấy thể thơ lục bát biến thể có sự gặp nhau giữa văn học dân gian Việt – Chăm trong quá trình phát triển./.


[1] GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trong Đôi lời nói đầu của tác phẩm Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển Tây Nam bộ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện nghiên cứu văn hoá, Sở Văn hoá Thông tin Quảng Ngãi, Hội Văn học nghệ thuật Kiên Giang, NXB.Từ điển bách khoa, Hn, 2008. Tr.13.
[2] Diệu Âm, Đặc san của chùa Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, NXB. Đà Nẵng 4-2011.
[3] Trong Kinh dịch: Lục tam: hành chương khả trinh/Hoặc tòng vương sự vô thành hữu chung. (Hào sáu ba: ngậm vẻ sáng đẹp có thể chính bền/Kẻ theo việc nhà vua, không nên công cũng được trọn vẹn. Theo Bửu Cầm: Ca dao, nền tảng văn học dân tộc. Nội san Viện khảo cố, số 2, Sài Gòn, tháng 3-1956, bản in roneo. Trong Tống sử: Đế vị Thái Xác hữu công/Sử chi tông sự Triết tông miếu đường. (Vua bảo rằng Thái Xác có công/. Cho được thờ chung ở miếu vua Triết tông. Theo Lam Giang: Khảo luận luật thơ. Tân Việt, Sài Gòn, 1958.
[4] Thử tìm cái đẹp trong ca dao, Sơn Tùng, Tiểu thuyết Thứ bảy, loại mới, số 10, Hà Nội, 4.6.1949.
[5] Đại Nam quốc sử diễn ca, Hoàng Xuân Hãn, Trường Thi xuất bản lần ba, Sài Gòn 1956.
[6] Tạp chí Quê Hương, Sài Gòn, tháng 6-1962.
[7] Ảnh hưởng văn hoá Chàm qua Việt Nam, in trong Văn hoá nguyệt san, số 25, Sài Gòn tháng 10-1957, dịch theo thể lục bát: Nỗi lòng ai biết cho đây/Rau kia dưới nước dạ này thấu chăng.
[8] Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Đào Duy Anh, NXB Thế giới ở trang 22-23, cho rằng: người Việt xưa có lẽ là một chi nhánh của chủng tộc Indonesien, sống rải rác thời thái cổ thuộc vùng Đông Nam Á, từ miền A Xam phía bắc Ấn Độ, qua miền Hoa Nam đến quần đảo Nam Dương, hiện nay vẫn còn di tích nền văn hoá cổ.
[9] Nhạc Chàm còn lại, Phạm Duy trong Tạp chí nguyệt san Vạn Hạnh, số 4, Sài Gòn tháng 9-1965, tr. 74, 79. Dịch: Kìa ai đi đến từ xa/Thật giống lòng ta như thể một người/Thầm yêu từ thuở ấy thời/Cho kẻ khác rồi tiếc quá trời ơi! Dẫn Theo Diệu Âm. In lại trong cuốn Đặc khảo về dân nhạc Việt Nam, Sài Gòn, 1972.
[10] Xem: Xứ Chăm và văn hoá Chăm Việt, bài viết của Trần Thục Hiền.
[11] Xem: Trường ca Hbia tà lúi – kalipu, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Ka Sô Liễng, sưu tầm, biên dịch, giới thiệu, NXB. Văn hóa dân tộc, 2011, phần dịch sang tiếng Việt từ trang 419 – 740.
[12] Đến nay mà nói, chưa có công trình nghiên cứu văn học nào khảo sát chứng minh và đưa ra đầy đủ sự giao thoa qua lại giữa thể thơ lục bát người Việt với người Chăm một cách cụ thể và rõ ràng.

Tản mạn văn hóa ẩm thực đất Quảng qua thư tịch xưa

Nguyễn Hoàng Thân

Sách Nho gia có viết: “ , = Thực sắc tính giả, ẩm thực nam nữ nhân chi đại dục tồn yên = Chuyện ăn uống, nam nữ là một trong những ham muốn lớn nhất, là bản tính của con người”. Ẩm thực là biểu hiện của sự tận dụng môi trường tự nhiên và chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội. Ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định hình nền văn hóa của một dân tộc và là tiêu chí để nhận diện bản sắc văn hóa cũng như đánh giá trình độ phát triển của mỗi dân tộc. Đó chính là văn hóa ẩm thực. Và, văn hóa ẩm thực Việt Nam khởi nguồn và hòa trong dòng chảy văn hóa Việt Nam và từ lâu đã được đặt thành vấn đề học thuật[1]. Đặc biệt, trong tình hình đời sống vật chất ngày càng nâng cao và xu thế giao lưu hội nhập toàn cầu như ngày nay, văn hóa ẩm thực Việt Nam càng được chú ý sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu, khai thác (tiêu biểu nhất là trong lĩnh vực dịch vụ ẩm thực hay thương mại du lịch)[2].
Văn hóa ẩm thực đất Quảng là một nét trong tổng thể của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Văn hóa ẩm thực đất Quảng được hình thành bởi cư dân bản địa và in dấu ấn của văn hóa ẩm thực người Việt khi những lưu dân trên con đường Nam tiến đã mang theo. Đồng thời văn hóa ẩm thực đất Quảng còn tiếp biến văn hóa ẩm thực nước ngoài trong suốt một thời gian dài giao lưu quốc tế. Do vậy văn hóa ẩm thực đất Quảng có những nét chung với văn hóa ẩm thực Việt Nam và cũng có những nét riêng độc đáo, đặc sắc.
Ẩm thực gắn liền với lịch sử hình thành loài người. Cho nên ẩm thực cũng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Tương tự, ẩm thực đất Quảng được phản ánh trong kho tàng truyền miệng và thư tịch thành văn với các khoảng thời gian gần xa, cổ kim khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ lượm nhặt và giới thiệu tản mạn về những ghi chép ẩm thực đất Quảng trong một số thư tịch xưa. Ở đây, chúng tôi mới chỉ dừng lại khảo sát đối với 3 tài liệu Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí. Vì thế bài viết nặng tính trích dẫn, song giúp cho mọi người có thêm một góc nhìn về ẩm thực đất Quảng trong một thời kỳ lịch sử nhất định.
1. Về nền tảng ẩm thực đất Quảng
Khi bàn đến ẩm thực hay văn hóa ẩm thực của một địa phương hay của một dân tộc người ta không thể không chú ý đến hệ nền tảng ẩm thực tương ứng của nó. Đó chính là nền tảng địa lý tự nhiên, kinh tế chính trị, văn hóa xã hội… Một số thư tịch xưa đều cho thấy đất Quảng có nền tảng ẩm thực rất vững chắc và phong phú.
Quảng Nam nguyên thuộc cựu sơn hà
Tài phú vô như thử xứ đa [3]
Hai câu thơ trên trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ý ca ngợi đối với vùng đất xứ Quảng. Ngoài ra, sách này còn chép: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam, ví xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa vóc đoạn lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt, đều sản xuất ở đấy. Ba phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Gia Định thì thóc gạo không xiết kể, khách Bắc buôn bán quen khen bao không ngớt. Các xứ Hòn Lãnh, Thu Bồn, Phường Tây thuộc về hai phủ Thăng, Điện sản voi, như trâu ngựa, nhà dân đều có chăn nuôi. Quy Nhơn và Quảng Ngãi cũng có. Các xứ Cò Đen, Kẻ Dã phủ Quy Nhơn thì sản xuất ngựa, ngựa sinh ở trong hang núi thành đàn hàng trăm hàng nghìn con, có con cao tới 2 thước rưỡi và 3 thước trở lên. Người địa phương tập dạy cho thồ chở hàng hóa sang phủ Phú Yên. Cho đến đàn bà buôn bán đi chợ hay đi xa cũng cưỡi ngựa là thường.” [4]
Đất Quảng từ thời trước đã là vùng đất có nhiều lúa gạo. Điều này được thể hiện trong Ô châu cận lục: “Đất đai liền với phương nam, cương giới ở ngoài châu Ô. Nhiều thóc giàu có, đạp lúa dùng trâu, xe tiện vận chuyển đường bộ, thuyền tiện đi lại dưới sông. Mạc Xuyên vườn trồng lắm sa nhân.” [5]
Hoặc “Còn từ Quảng Nam về thì các hàng không món gì không có, các nước phiên không kịp được. Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy đường bộ, đi thuyền đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều đến tụ tập ở đấy để mua về nước. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc không hết được (…) Tục ở Quảng Nam gọi 100 cân là 1 tạ, cau thì 3 quan 1 tạ, hồ tiêu thì 12 quan 1 tạ, đậu khấu 5 quan, tô mộc (gỗ vang) 6 quan, hạt sa nhân 12 quan, thảo quả 10 quan, ô mộc (gỗ mun) 6 quan, hồng mộc 1 quan, hoa lê mộc (gỗ trắc) 1 quan 2 tiền, tê giác 500 quan, yến sào 50 quan, gân hươu 15 quan, vây cá 40 quan, tôm khô 6 quan, rau biển 6 quan, ốc hương 12 quan, đồi mồi 180 quan, ngà voi 40 quan, ba la ma 12 quan, đường phèn 4 quan, đường trắng 2 quan, còn các thứ hoạt thạch, sắt, phấn kẽm, hải sâm và mấy trăm vị thuốc nam không thể kể xiết. Đến như kỳ nam hương thì 120 quan 1 lạng, vàng thì 180 quan 1 hốt, tơ lụa thì 3 quan 5 tiền 1 tấm. Còn nhục quế, trầm hương, trân châu rất tốt, giá cao hạ nhiều ít không nhất định.”[6]
Xứ Quảng không chỉ đất đai “phì nhiêu nhất thiên hạ” (chữ dùng của Lê Quý Đôn), lương thực “nhiều thóc giàu có” (chữ dùng của Dương Văn An) mà còn có rất nhiều chợ quán - vừa là trung tâm mậu dịch vừa là yếu tố nền tảng trong ẩm thực. Theo Đại Nam nhất thống chí, chúng tôi thấy có đến 33 chợ: Chợ Hội An, chợ Thanh Chiêm, chợ Vĩnh Điện, chợ Xuân Đài, chợ Cẩm Lũ, chợ An Phú Tây, chợ Phong Thử, chợ Trà Nha, chợ Đông Ba, chợ Bình Long, chợ Câu Nhi, chợ Hải Châu, chợ Phù Nam, chợ An Thái, chợ Hà Điền, chợ Ái Nghĩa, chợ Phiếm Ái, chợ Cẩm Lệ, chợ Phượng Châu, chợ Thi Lai, chợ Trà Nhiêu, chợ La Đáp, chợ Bàn Thạch, chợ Thu Bồn, chợ Phúc Sơn, chợ Tân Yên, chợ Bình Sơn, chợ Hà Lam, chợ Việt An, chợ Chiên Đàn, chợ Khánh Thọ, chợ Tam Kỳ, chợ Thanh Khê [7]. Và, “đàn bà buôn bán đi chợ (…) cũng cưỡi ngựa là thường” như ở trên đã trích dẫn.
2. Về cơ cấu ẩm thực đất Quảng
Từ nền tảng nói trên, chúng ta có thể hình dung sự đa dạng, phong phú của ẩm thực đất Quảng. Song, 3 tài liệu này cũng chỉ giới thiệu sơ lược một vài thứ trong cơ cấu của ẩm thực đất Quảng. Dưới đây là một số tư liệu mà chúng tôi đã tìm thấy.
2.1. Thức ăn
+ Thức ăn có nguồn gốc thực vật
- Lúa gạo: Lúa: có hai loại, tẻ và nếp, các huyện sản xuất ít lúa, hàng năm thường nhờ ở gạo Gia Định [8].
- Rau củ quả:
Nam trân: tục gọi là quả lòn bon, đầu đời Minh Mệnh ban cho tên là Nam trân, nguồn Ô Da và nguồn Thu Bồn đều có, tháng 8, tháng 9 quả chín, sắc trắng, vỏ mỏng, vị ngọt và thơm, có lệ thượng tiến để dùng vào việc tế tự. Năm Minh Mệnh thứ 17 khắc hình tượng vào Nhân đỉnh [9]. Đây là một điều rất đáng tự hào của vùng đất xứ Quảng.
Xoài: chữ Hán là yêm la, lại có tên là đại mông, có lệ thượng tiến [10].
Các loại chuối đều có cả, tên gọi đều khác với bốn trấn: chuối bụt gọi là chuối nanh lợn, rất ngọt và thơm; chuối hột gọi là chuối sứ; có thứ gọi là chuối bà hương, giống chuối tiêu, vị hơi chua; có thứ gọi là chuối thanh tiêu…[11]
+ Thức ăn có nguồn gốc động vật:
- Thủy hải sản:
Cá trôi: hoàn ngư, sống ở các khe, hàng năm nước lũ mùa thu, nước xuống đến đâu cá theo đến đấy, người ta chài được có hàng ngàn[12].
Cá gáy: lý ngư, sông ngòi các nơi đều có, nước lũ mùa thu, người ta chài lưới được nhiều[13].
Cá vảnh: vịnh ngư, sản ở vũng Trà Sơn, sắc trắng, làm mắm rất ngon, có lệ thượng tiến[14].
Cua đá: sản ở ruộng bùn xã Hóa Khê trang tây, huyện Hòa Vang, người phải khơi xuống mấy thước mới lấy được, có công dụng chữa chứng đau mắt[15].
Hàu: Con hàu sản sinh ở cửa biển Hải Vân [16].
- Thịt gia cầm gia súc:
Chim mía: giá tước, hằng năm tháng 3 lúa chín, giống chim này đậu từng đàn trên cây mía, ăn thóc, người địa phương nhân đêm chăng lưới bắt được nhiều, vị rất thơm và ngon[17].
Chim vàng anh: hoang anh, các huyện đều có [18].
Chim nhung: tần cát liễu, ven núi đều có [19].
Đặc biệt, ở vùng biển đất Quảng còn có món Yến sào, là một trong số món ăn bát trân quý hiếm. Yến sào: sản ở đảo Đại Chiêm (cù lao Chàm), có yến hộ để đi lấy, đồng niên phải nộp 80 lạng [20].
Ngoài ra có món côn trùng cũng hết sức độc đáo và được ghi vào Đại Nam nhất thống chí. Đó là chá thiền tử: sản ở nguồn Cu Đê, huyện Hòa Vang, tức là con ve ve, sau khi lột xác rất béo, xào ăn vị ngọt và thơm [21].
+ Thức ăn có nguồn gốc khoáng vật:
Muối: sản ở hai huyện Hòa Vang và Lễ Dương, có thuế, mỗi phương nộp thay bằng tiền là 3 tiền [22].
+ Một số thực liệu làm gia vị hoặc làm thuốc
Quế: có thuế, nguồn Thu Bồn huyện Quế Sơn mỗi năm nộp một thanh quế vào hạng thượng thượng, nặng 8 lạng. Nguồn Chiên Đàn thuộc huyện Hà Đông mỗi năm phải nộp 3 thanh quế thượng thượng hạng [23].
Đường cát: sản ở huyện Diên Phước, có hộ chuyên nghiệp; lại có hạng đường phèn, đường hoa mơ, đường đen, mật thô [24].
Mạch môn đông: mọc nhiều ở núi huyện Duy Xuyên, người ta đào lấy củ nấu thành cao để chữa bệnh ho [25].
Mật ong: nguồn Chiên Đàn hằng năm nộp thuế 20 cân, nguồn Ô Da nộp 128 cân [26].
Trong số thức ăn kể trên, bánh đậu xanh được nhắc đến tương đối sớm và chi tiết, như là một đặc sản của địa phương. Bánh đậu xanh: sản ở phố Hội An là ngon nhất [27].
2.2. Đồ uống
Chè nam: ngon nhất là chè nguồn Thu Bồn, huyện Quế Sơn, thứ đến chè huyện Hà Đông [28].
2.3. Đồ hút
Thuốc lá: sản ở Hoa Viên là tốt nhất, thứ đến thuốc ở Xuân Phương và Cẩm Lệ [29].
2.4. Trầu cau
Ở đất Quảng nguyên liệu cau thật là phong phú, mọc tự nhiên hoặc được trồng ở nhiều nơi. Nếu như vận dụng lý luận trong Trầu câu Việt điện thư vào tình hình thực tiễn ở xứ Quảng thì chúng ta sẽ thấy một sự chiêm nghiệm/phát hiện thật đặc biệt và đầy triết lý. Lùi về trước đó, Phủ biên tạp lục đã chép: “Ở chân núi Ải Vân cùng các xứ phường Lạc, phường Giá, phường Rây thuộc Quảng Nam, cau mọc thành rừng, quả già da sém, người địa phương lấy hạt chứa cao như gò, tàu Bắc mua chở về Quảng Đông bán ăn thay chè.” [30]
Bên cạnh đó, xứ Quảng cũng hết sức nổi tiếng về Kỳ nam. Phủ biên tạp lục ghi chép hết sức tỉ mỉ: “Kỳ nam hương xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất; xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai. Hương ấy là do ở ruột cây gió kết thành. Gió có ba loại: gió lưỡi trâu thì thành khổ trầm, gió niệt thì thành trầm hương, gió bầu thì thành kỳ nam hương. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân cây nhiều u bướu, thì biết ngay là có hương, chặt mổ để lấy. Họ Nguyễn trước đặt đội Am sơn, hằng năm cứ tháng 2 thì đi tìm kiếm, tháng 6 trở về, số được nhiều ít không nhất định,, lấy sắc sáp trắng là tốt nhất, sắc xanh đầu vịt là thứ hai, sắc sáp xanh là kém nữa, sắc sắp vàng lại kém nữa, sắc như vằn hổ thì kém nhất; lấy chát mềm như phấn đông có thể cắt thành miếng là hạng tốt nhất, bền rắn là hạng xấu. Tục ngữ nói: “nhất bạch, nhị thanh, tam hoàng, tứ hắc”. Muốn phân biệt trầm hương với kỳ nam thì lấy hình chất khí vị mà phân biêtj. Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng, kỳ nam thì mềm nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay, chua, ngọt, đắng; đốt trầm hương thì khói khết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài. Trầm hương chỉ có thể giáng khí. Kỳ nam có thể chữa bệnh trúng phong, đàm suyễn, cấm khẩu mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà khí uế khí, nên trong chỗ hành dịch hành quân không thể không dùng (…) Trầm hương cay đắng, tính ôn, các gỗ đều nổi, chỉ tràm hương là chìm, cho nên hay hạ khí mà sa đờm rãi, hay giáng khí mà cũng hay thăng khí, hương khí vào tì, cho nên hay trị được các khí mà điều hòa, sắc đen thể thơm, cho nên vào mạch môn hữu thận, ấm tinh tráng dương, hành khí chứ không thương khí, ôn trung không trợ hỏa, trị lòng bụng xói đau, cấm khẩu, độc lỵ, uất kết, tà khí, sợ gió lạnh, bệnh tê, bệnh lị. Sắc đen mà chìm xuống nước là tốt; thơm ngọt thì tính bình, cay thì nóng.” [31]
3. Dùng gạo để định trong việc lễ và nghĩa vụ
Gạo là thức ăn chính của con người. Cho nên nó cực kì gần gũi và thường trực trong cuộc sống. Những hoạt động đóng góp chung của cộng đồng hay trách nhiệm nghĩa vụ của mọi người thường đều quy ra gạo. Phủ biên tạp lục nhiều lần có chép tình hình này ở đất Quảng chúng ta. Như:
“Dinh Quảng Nam cai trưng trường tô ruộng kho Tân An, mỗi năm cứ tháng 3 thì các quan thuộc có lễ thường tân, cai bạ ký lục mỗi người gạo 8 bao, cau khô 40 vò, rượu và mật đều 40 chĩnh, thay tiền 24 quan; cai án tri bạ mỗi người gạo 7 bao, tiền 24 quan; câu kê mỗi người gạo 5 bao, tiền 16 quan; cai hợp trở xuống không có mật, mỗi người gạo 3 bao, tiền 8 quan; thủ hợp mõi người gạo 2 bao, tiền 4 quan, ty lại mỗi người gạo 3 bao, tiền 6 quan. Một lễ ấy cũng được gạo 182 bao, tiền 462 quan. Đến kỳ tháng 6 lại có lễ thường tân, ký lục gạo 20 bao, cau khô 100 vò, rượu và mật đều 100 chĩnh, thay tiền 60 quan, hồng hoa 2 bao, thay tiền 10 quan, cộng tiền 70 quan; cai án, tri bạ gạo 14 bao, các lễ thay tiền 58 quan; tướng thần, ty lại, câu kê đều gạo 10 bao, các lễ thay tiền 33 quan; cai hợp gạo 6 bao, câu khô và rượu thay tiền 6 quan, ty lại cộng gạo 10 bao, rượu 50 chĩnh, thay tiền 10 quan. Một lễ ấy cũng được gạo 254 bao, tiền 739 quan. Quan Lại bộ cai trưng cũng có lễ, cau khô, rượu, mật, thay tiền 30 quan.” [32]
“Như năm Kỷ Sửu, tri phủ Thăng Hoa nộp tiền 1 quan 5 tiền, gạo 15 bát, tri huyện huấn đạo mỗi người 1 quan 1 tiền, gạo 15 bát, cai phủ 1 quan 7 tiền, gạo 15 bát, ký phủ 1 quan, gạo 15 bát, ký huyện, ký thuộc cai tổng, cai man mỗi người 8 tiền, gạo mỗi người 12 bát, cai quan, chính ty trưởng, mỗi người 1 quan 3 tiền, gạo 15 bát, ty quan 1 quan 2 tiền, gạo 15 bát, thủ hợp, cai thuộc, mỗi người 9 tiền, gạo 13 bát, thủ lăng đội trưởng, từ đường thứ đội trưởng, mỗi người 1 quan, gạo 15 bát (…)” [33]
“Lệ thuế trường thường tân. Chính hộ, hạng quan tráng, mỗi người gạo 7 thưng, hạng quân, hạng mới về, mỗi người 6 thưng, hạng dân hạng lão mỗi người 5 thưng, hạng bất cụ, mỗi người 5 thưng, thứ đội trưởng bản phủ và thứ đội trưởng đình việc, tướng thần cũ và tướng thần đình việc, lĩnh cũ và lính ưu cũ, mỗi người 6 thưng, xã trưởng cũ và xã trưởng đình việc, duyện lại cũ và duyện lại đình việc, hạng cố hạng nhất, mỗi người 5 thưng, hạng cố hạng nhì mỗi người 4 thưng, hạng cố hạng ba mỗi người 3 thưng, con cháu quan viên và sinh đồ cũ, mỗi người 5 thưng.” [34]
“Lệ thuế trường tiết liệu (tết). Chính hộ, hạng quan viên tráng, mỗi người nộp gạo 7 thưng, hạng quân, hạng mới về, mỗi người 6 thưng, hạng cố hạng nhất, mỗi người 5 thưng, hạng cố hạng nhì, mỗi người 4 thưng, hạng cố hạng ba, mỗi người 3 thưng, hạng dân, hạng lão, mỗi người 5 thưng, tướng thần cũ và tướng thần đình việc, mỗi người 6 thưng, bất cụ, mỗi người 4 thưng, con cháu quan viên, mỗi người 5 thưng, lĩnh cũ, lính ưu cũ, mỗi người 6 thưng, dân đinh mỗi người 5 thưng, xã trưởng cũ và xã trưởng đình việc, mỗi người 5 thưng, thứ đội trưởng bản phủ cũ và thứ đội trưởng đình việc, mỗi người 6 thưng. Các hạng gạo lệ nộp thay mỗi thưng 30 đồng, gạo cước mỗi người 18 đồng, gạo cánh trắng mỗi người một thưng, tiền gạo cánh 6 đồng.” [35]



[1] Xem thêm Nguyễn Hoàng Thân, Bài giảng Văn hóa ẩm thực Việt Nam, ĐHSP - ĐHĐN, 2007.
[2] Trần Quốc Vượng cho rằng “(…) có một di sản văn hóa ẩm thực Việt Nam mà thế hệ đương đại chúng ta cần sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, phát huy tinh hoa, giữ gìn truyền thống. Tìm hiểu bản sắc ăn uống Việt Nam cũng là, cũng góp phần tìm hiểu bản sắc văn hóa đậm đà tính dân tộc Việt Nam, tính dân gian Việt Nam (Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, tr.374)
[3] Phủ biên tạp lục, tr.405
[4] Phủ biên tạp lục, tr. 433
[5] Ô châu cận lục, tr.48-49
[6] Phủ biên tạp lục, tr.294-295
[7] Cụ thể các chợ như sau:
Chợ Hội An: ở xã Hội An về phía đông huyện Diên Phước tục gọi phố Hội An, phía nam liền sông cái, trên bờ hai bên phố ngói liên tiếp chừng 2 dặm, bến sông thuyền ghe tấp nập đi lại như mắc cửi, có nhiều khách buôn người Thanh trú ngụ. Có 4 bang là Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam, buôn bán tấp nập, làm nơi đô hội lớn xưa nay. Lại ở phía nam sông là đầm Trà Nhiêu, chỗ thuyền buôn các nước dừng đậu.
Chợ Thanh Chiêm: ở xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, tục gọi chợ Củi.
Chợ Vĩnh Điện: ở xã La Qua về phía nam sông Vĩnh Điện thuộc huyện Diên Phước, năm Minh Mệnh thứ 14 dời lập tỉnh thành ở đây mới mở chợ.
Chợ Xuân Đài: ở bãi Xuân Đài, huyện Diên Phước.
Chợ Cẩm Lũ: ở xã Cẩm Lũ, huyện Diên Phước, có tên nữa là chợ Điện Châu.
Chợ An Phú Tây: ở địa phận huyện Diên Phước có tên nữa là chợ Điện Châu.
Chợ Phong Thử: ở xã Phong Thử, huyện Diên Phước.
Chợ Trà Nha: ở phía đông huyện Diên Phước, cũng có tên là chợ Lỗ Hương.
Chợ Đông Ba: ở xã Đông Ba, huyện Diên Phước.
Chợ Bình Long: ở xã Bất Nhị, huyện Diên Phước.
Chợ Câu Nhi: ở xã Câu Nhi, huyện Diên Phước, nay bỏ.
Chợ Hải Châu: ở huyện Hòa Vang, tục gọi chợ Hàn.
Chợ Phù Nam: ở xã Phù Nam, huyện Hòa Vang, tục gọi chợ Phường Lạc.
Chợ An Thái: ở xã An Thái, huyện Hòa Vang.
Chợ Hà Điền: ở xã Hà Điền, huyện Hòa Vang.
Chợ Ái Nghĩa: ở xã Ái Nghĩa, huyện Hòa Vang, gần phía tây có chợ Phiếm Ái.
Chợ Cẩm Lệ: ở xã Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, có hai đường rẽ, đường phía đông đến cửa biển Đà Nẵng, đường phía tây đến nguồn Lỗ Đông.
Chợ Phượng Châu: ở phía đông huyện Duy Xuyên, tục gọi chợ Chùa.
Chợ Thi Lai: ở xã Thi Lai, huyện Duy Xuyên.
Chợ Trà Nhiêu: ở bãi Trà Nhiêu, huyện Duy Xuyên.
Chợ La Đáp: ở huyện Quế Sơn, phía bắc gần sông, thuyền buôn tụ họp.
Chợ Bàn Thạch: ở xã Bàn Thạch huyện Duy Xuyên.
Chợ Thu Bồn: ở huyện Quế Sơn, tục gọi chợ Phường Tây.
Chợ Phúc Sơn: ở xã Phước Sơn, huyện Quế Sơn.
Chợ Tân Yên: ở huyện Quế Sơn, tục gọi chợ Hoa Viên.
Chợ Bình Sơn: ở huyện Lễ Dương, tục gọi chợ Ma Phụ.
Chợ Hà Lam: ở xã Hà Lam, huyện Lễ Dương.
Chợ Việt An: ở xã Việt An, huyện Lễ Dương.
Chợ Chiên Đàn: ở xã Chiên Đàn, huyện Hà Đông.
Chợ Khánh Thọ: ở xã Khánh Thọ, huyện Hà Đông.
Chợ Tam Kỳ: ở huyện Hà Đông, tục gọi chợ Man.
Chợ Thanh Khê: ở huyện Hòa Vang liên tiếp với quán Hà Khê, có đường rẽ về phía đông đến sông Đà Nẵng. (Đại Nam nhất thống chí, tr.439-441)
[8] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[9] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[10] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[11] Phủ biên tạp lục, tr.415
[12] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[13] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[14] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[15] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[16] Ô châu cận lục, tr.33
[17] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[18] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[19] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[20] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[21] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[22] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[23] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[24] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[25] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[26] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[27] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[28] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[29] Đại Nam nhất thống chí, tr.462-467
[30] Phủ biên tạp lục, tr.415
[31] Phủ biên tạp lục, tr. 425-426
[32] Phủ biên tạp lục, tr.433-434
[33] Phủ biên tạp lục, tr. 189
[34] Phủ biên tạp lục, tr. 206-207
[35] Phủ biên tạp lục, tr.207