Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Giá trị văn hóa Hòa Vang trong hai cuộc kháng chiến


Võ Văn Hòe


Giá trị văn hóa Hòa Vang
trong hai cuộc kháng chiến


Ngay khi thực dân Pháp đặt chân lên đất Đà Nẵng ngày 1 / 9 / 1858, người dân Hòa Vang với truyền thống giữ nước và dựng nước đã phát huy nội lực của mình, bám sát nhiệm vụ chính trị đánh giặc giữ làng, giữ vững nền độc lập dân tộc. Trong ý thức đó, vai trò của văn hóa luôn là động lực thôi thúc ngưởi dân Hòa Vang đứng lên cầm vũ khí đánh đuổi giặc ngoại xâm. Quân triều đình lùi về phía sau, lập phòng tuyến Hòa Vang để chặn địch, toàn bộ xóm làng chung quanh huyện lỵ Hòa Vang như Nại Hiên, Thạc Gián, Thạch Thang, Định Hải, Bình Thuận, Khuê Đông, Mỹ Thị, Cẩm Lệ… đều trở thành tiền tuyến. Nhân dân đã nhất tề đứng lên chặn bước tiến của quân xâm lược. Ý thức đánh giặc cứu nước thời bấy giờ cũng là lối sống cần phải thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh mới của người dân Hòa Vang, vì làng xóm thân yêu, vì sự tồn vong của dân tộc chính là truyền thống văn hóa, là bộ phận không thể thiếu của người Hòa Vang trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Và chính lối sống với ý thức đến sự tồn vong của dân tộc là bộ phận không thể thiếu của văn hóa, thời đó đã tạo ra và hình thành nên ở con người Hòa Vang luôn cảnh giác để bảo vệ đất nước, người dân nhắn nhủ nhau: Tai nghe súng nổ cái đùng / Tàu Tây đã tới vũng Thùng bữa quan. Rõ ràng đây là ý thức cộng đồng nhắc nhau chuẩn bị kháng chiến chống kể thù, là ý thức chủ toàn của người dân trong huyện.
 Mỗi thời đại đều tạo ra những lối sống nhất định. Trong thời kỳ bị thực dân Pháp thống trị, nhân dân Việt Nam chịu gông cùm nô lệ và các chính sách đồng hoá của thực dân nên những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc có phần bị mai một, lai căng. Để chống lại sự lai căng đó, nội lực văn hóa luôn là động lực thôi thúc người Hòa Vang phải chiến đấu để giữ cho được chủ quyền dân tộc. Nhân dân các xã của huyện Hòa Vang đã tích cực thực hiện vườn không nhà trống làm cho giặc tuy có chiếm được một vài xóm làng nhưng không lấy đâu ra nước uống, lương thực. Đến nỗi viên chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha là Rigault De Genouilly không làm sao yên ổn, báo về chính quốc: “Đất đai của chúng tôi chiếm được thì dân đều bỏ đi cả, trừ vài nhà tranh của người đánh cá. Tôi chưa hề thấy một con gà”… Còn những xóm làng đang ở xa mặt trận thì luôn luôn sẵn sàng đánh giặc. “Nhân dân tuy sống trong tình trạng bị đe dọa nhưng lúc nào cũng phấn khởi chờ ngày đánh đuổi chúng ta”. Đấy chính là văn hóa giữ nước. Những giá trị văn hóa đó được hun đúc cả ngàn năm văn hiến. Và người Hòa Vang, đã chiến đấu ngoan cường, đẩy lùi được tàu to súng lớn của thực dân Pháp, để đến năm 1860, vùng đất Hòa Vang rộng lớn không còn bóng dáng thực dân.
Nhưng sau đó, thực dân Pháp từng bước tiến hành xâm lược Việt Nam.

1. Một lối sống mới, quan niệm tiến bộ đã hình thành và phát triển
Từ ngày 3 tháng 2 năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn thể người dân Việt Nam hưởng ứng đường lối kháng chiến chống Pháp, giành độc lập tự do cho dân tộc. Tại huyện Hòa Vang, ngay sau khi thành lập chi bộ Phổ Lỗ Sỹ rồi sau đó ít lâu chi bộ Trung Nghĩa - Phú Lộc ra đời. Dưới ánh sáng của Đảng, soi đường cho cách mạng đi tới, sau khi thành lập chi bộ Trung Nghĩa – Phú Lộc, các cơ sở quần chúng cách mạng sẵn có tại đây từ trước (hội nhà Vàng, hội truyền bá quốc ngữ, hội Đá banh) được củng cố lại và xây dựng thêm các tổ chức mới như hội Nông Dân phản đế, Thanh Niên phản đế, Phụ Nữ phản đế. Các tổ chức quần chúng cách mạng từ vùng Trung Nghĩa – Phú Lộc lan mạnh ra các xã Hòa An, Hòa Mỹ, Đa Phước, Quan Nam, Hưởng Phước…và nhiều xã khác ở tây bắc Hòa Vang. Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ đã lan rộng ảnh hưởng của Đảng trong vùng tây nam của huyện. Không chỉ có thế, các tổ chức cơ sở Đảng đã gây hiệu ứng tích cực đến vùng Đông, phía bờ đông sông Hàn (trước thuộc huyện Diên Phước). Có các chi bộ Đảng Phổ Lỗ Sỹ và ở Trung Nghĩa – Phú Lộc dấy lên phong trào cách mạng ở vùng tây nam, tây bắc Hòa Vang phát triển rất sôi nổi, quần chúng rất tin tưởng, hưởng ứng các chủ trương của Đảng Cộng sản. Các Chi bộ Đảng lo sắm các phương tiện ấn loát như bản đá, giấy sáp, mực in cho cơ quan Đảng [1]. Đấy cũng chính là văn hóa Đảng khơi dậy trong quần chúng nhân dân ý thức về cuộc sống của mình, và họ đã thay đổi lối sống, thực hiện lối sống mới, quan niệm mới tiến bộ hơn tham gia vào quá trình kháng chiến do Đảng lãnh đạo. 
Cách mạng tháng Tám thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, với chế độ mới đã tạo ra một lối sống mới, ở đó con người được giải phóng khỏi ách nô lệ, trả lại cho nhân dân một cuộc sống tự do, có văn hoá, có điều kiện hướng toàn bộ tâm lực của mình vào một lý tưởng cao đẹp, xây dựng cuộc sống mới trên cơ sở một trình độ văn hoá mới, cao hơn.

2. Văn hóa trong xây dựng chính quyền, xây dựng đất nước (9 / 1945 – 12 / 1946)
Ngay trong năm đầu giành được độc lập, nhân dân huyện Hòa Vang cùng với nhân dân cả nước vừa xây dựng chính quyền nhân dân, vừa xây dựng lại quê hương sau 15 năm (và hơn thế) đấu tranh giành được độc lập tự do. Cuộc vận động xây dựng đời sống mới được phát động rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Các phong trào lúc bấy giờ được phát động: Hũ gạo cứu đói, Lá lành đùm lá rách,…thể hiện truyền thống tương thân tương ái quý báu và tinh thần quyết tâm vươn lên của dân tộc. Đồng thời trên khắp các xã thôn của huyện đều phát động phong trào xoá bỏ những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin; bài trừ các tệ nạn xã hội: rượu chè, cờ bạc. Đời sống văn hóa mới từng bước thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, đẩy lùi những quan niệm cũ ra khỏi sinh hoạt văn hóa trong cuộc sống người dân. 
Bấy giờ, cùng với xây dựng chính quyền nhân dân vững mạnh, Huyện uỷ, Uỷ ban Nhân dân huyện cũng bắt đầu tổ chức một Nông nghiệp đoàn tại vùng Hậu Vực – Đông Bích. Đây là một hình thức hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Quy mô Nông nghiệp đoàn này khá lớn, cán bộ có trình độ được huyện phân công phụ trách Ban quản trị. Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể quần chúng vận động bà con giúp đỡ lẫn nhau. Tất cả mọi nhà, mọi người đều thực hiện lời kêu gọi tiết kiệm của Hồ Chủ tịch, đóng góp vào hũ gạo cứu quốc, hũ gạo nuôi quân. Nhân dân Hoà Vang đã góp sức cùng nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng dành dụm được hơn 100 tấn thóc, gạo gửi ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc, góp phần thực hiện chủ trương diệt giặc đói của Chính phủ. Trong những thành quả đó có vai trò của văn hóa dân gian làm động lực. Ca dao, hò, vè lần lượt được người dân sáng tác ra đời đáp ứng yêu cầu tăng gia sản xuất: Phận em là gái thuyền quyên/ Biết làm sao cho xứng chữ bình quyền với người ta/ Em phải náu nương theo với mẹ già/ Em phải nhập vào hàng ngũ với chị em ta cho bằng mình/ Em phải tăng gia sản xuất trong gia đình/ Mặc lòng súng đạn, hy sinh không cần gì.

Tinh thần cách mạng của nhân dân được thể hiện mạnh mẽ trong cuộc vận động gây Quỹ độc lập, hưởng ứng Tuần lễ vàng, Tuần lễ đồng của Chính phủ và Hồ Chủ tịch đề ra. Có thể nói, từ những gia đình khá giả đến những nông dân nghèo khổ nhất đều cố gắng góp phần nhỏ của mình cho đất nước. Ai có vàng thì góp vàng, không có vàng thì góp đồng. Nhiều đồng bào góp cả mâm thau, nồi đồng, đồ thờ bằng đồng. Các mẹ các chị hiến cả đồ trang sức như xuyến, vòng, kiềng, nhẫn, hoa tai,…vào Quỹ độc lập. Thực hiện phong trào Ngày đồng tâm, mỗi gia đình có một hũ gạo cứu đói. Hưởng ứng phong trào gây quỹ Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động [2].  Cùng với phong trào được phát động, trong nhân dân thể hiện tinh thần văn hóa cao, ủng hộ chủ trương qua việc truyền nhau những câu hò, câu vè vừa mới được sáng tạo ra trong làng, động viên bà con thực hiện lời kêu gọi của Đảng: Một nồi đồng đúc mười viên đạn,/ / Trăm viên đạn giết vạn thằng Tây/ Ai ơi có biết có hay/ Đồng kia đúc đạn, thằng Tây đi đời.
Cùng với việc vận động nhân dân góp sức xây dựng, kiến thiết nước nhà độc lập, chính quyền và Mặt trận vận động, hướng dẫn nhân dân tăng gia sản xuất. Trên cơ sở ruộng đất công được phân chia lại, mọi người phấn khởi, hăng hái sản xuất. Người có trâu bò giúp người không có, ngưòi có sức lao động giúp đỡ gia đình neo đơn. Đặc biệt, những ruộng bỏ hoang hoá trước đây được bà con sử dụng trồng nhiều hoa màu, tăng thêm thu nhập. Nhờ tăng gia sản xuất, giúp đỡ lẫn nhau, cuộc sống của nhân dân được cải thiện. Đó là điều kiện quan trọng để thực hiện nếp sống mới trong nhân dân. Làng xóm tin yêu, người người phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, cùng nhau tăng gia sản xuất cùng nhau kháng chiến giữ nền độc lập mà trước đây, lớp người đi trước đã không tiếc máu xương để giữ gìn và củng cố.
Uỷ ban Nhân dân và Mặt trận huyện đã gắn liền công tác văn hoá, giáo dục với cuộc vận động xây dựng đời sống mới. Đồng bào Hoà Vang sôi nổi hưởng ứng phong trào diệt giặc dốt. Trẻ, già, trai, gái đều tham gia các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hoá. Ngày nay mở hội bình dân/ Chống nạn mù chữ, chuyên cần thi đua/ Đồng bào đừng tính hơn thua/ Giấy mực có mắc, ráng mua học hành/ Thời kỳ đất nước chiến tranh/ Cấp trên đưa xuống học hành cho nhanh/ Mời cô, mời chị, mời anh/ Thi đua học tập, mắt mù sáng ra…
Tại các chợ, thanh niên thành lập các cổng chợ dốt, giăng dây hỏi chữ, kiểm tra đọc chữ. Ai đọc được các dòng chữ ghi trên bảng thì được vào chợ bình thường, ai không đọc được thì phải trở về hoặc đi vào chợ dốt. Đến chỗ giăng dây, ai không đọc được chữ thì quay về không đi được chợ. Bài vè phản ảnh, có đoạn:…Nhiều người kêu khó, cằn nhằn/ Tốn ba đồng bạc coi bằng bạc trăm/ Nghĩ ra mình quá ngu si/ Bữa mô có giăng dây hỏi chữ, ta thì trốn đi/ Bình dân mở mấy năm ni/ Bởi mình nhác học phân bì gay go/ Chữ em-mờ rồi lại chữ o 2/ Lại thêm dấu nặng, tài chi mà không ra/ Nông thôn quý chị, quý bà/ Ráng công mà học kẻo mà thất danh.

Nhiều biện pháp, hình thức phong phú, sáng tạo được đề xuất, và thực hiện để tất cả mọi người đều được học tập. Thanh niên có học thức được huy động đi dạy học ban đêm. Thanh niên, phụ nữ vừa là thầy giáo, vừa là cán bộ đi vận động từng nhà, các em thiếu nhi đi cổ động. Thôn xóm về đêm ánh đèn ở các lớp học toả sáng, tất cả dấy lên một không khí học tập. Để khắc phục khó khăn, thiếu thốn, nhất là thiếu giấy, nhiều nơi có sáng kiến dùng đất sét, dùng than làm phấn, sử dụng cả bút tre, viết chữ lên tấm bảng bằng mo cau, lá chuối để học. Đấy chính là văn hóa.
Trong thời gian từ tháng 9. 1945 – 12.1946, phong trào học tập văn hoá và xây dựng nếp sống mới thực sự là một cuộc vận động chính trị rộng lớn lúc bấy giờ tại huyện Hòa Vang. Thông qua các phong trào, tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân. Tuy sau Cách mạng tháng Tám 1945, cuộc sống của người dân còn thiếu thốn, gian khổ nhưng đã bắt đầu có cảnh thanh bình, đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa người với người, trong mọi nhà, mọi thôn xóm.
Từ năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Thi đua yêu nước và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Phong trào thi đua đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, trí tuệ và năng lực sáng tạo vốn có của mọi người Việt Nam lên một tầm cao mới. Điều đó trở thành một nét đẹp của văn hoá Việt Nam, đồng thời tạo nên một động lực tinh thần to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
            Trong cuộc kháng chiến, nếp sống lành mạnh, tốt đẹp và có văn hoá vẫn được tiếp tục xây dựng và phát triển khắp mọi nơi. Đặc biệt là ở những vùng giải phóng. Những giá trị tinh thần mới đã bắt đầu, hình thành trong cộng đồng dân cư. Một luồng tư tưởng mới bắt đầu xuất hiện, quét sạch những quan niệm hèn yếu, hẹp hòi, chủ nghĩa các nhân. Một lẽ sống mới trong hòa bình độc lập bùng lên, lan rộng mau chóng, lôi cuốn mọi người đến với một ý thức mới, hợp với tinh thần cách mạng. Đấy là độc lập, tự do, hạnh phúc.

3. Văn hóa với toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 7/1954)
Ngày 19 / 12 / 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các cơ quan, chuyển ra vùng căn cứ. Cán bộ văn hóa và thông tin huyện Hòa Vang quán triệt tinh thần chỉ đạo: Mọi hoạt động văn hóa lúc này nhằm vào khẩu hiệu Yêu nước và căm thù giặc và cuộc chiến tranh này giúp ta cách mạng hóa văn hóa, lấy Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch: Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ làm nội dung kêu gọi các tầng lớp nhân dân kháng chiến kiến quốc, tạo niềm tin trong nhân dân.
Đảng bộ và chính quyền huyện Hòa Vang đã có sáng kiến vận động nhân dân lập xã ước nhằm sửa đổi những phong tục tập quán lạc hậu. Một số công tác xã hội khác cũng được chính quyền và các đoàn thể chăm lo. Ở vùng hậu phương kháng chiến, các gia đình quân nhân gặp khó khăn đều được đùm bọc, giúp đỡ. Các hội mẹ binh sĩ đón thương binh không nơi nương tựa về nuôi dưỡng. Phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách, nhân dân các xã thành lập các hội tương tế, cứu tế giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. Mỗi bữa, từng gia đình bớt một ít gạo góp vào hũ gạo kháng chiến để nuôi quân đánh giặc.
Lối sống mới được xây dựng trong thời gian này là sự kế thừa từ trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc: lòng yêu nước, đức hy sinh, được phát huy cao độ với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng là một pháo đài. Mỗi cá nhân đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để xung phong ra mặt trận, góp phần vào chiến thắng của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Con người sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn của chiến tranh. Ở hậu phương, người dân ra sức sản xuất để chi viện cho tiền tuyến, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm được đưa ra chiến trường, hàng ngàn dân công luôn sẵn sàng ra mặt trận đã minh chứng cho tinh thần đoàn kết, hy sinh vì nghĩa cả của dân tộc Việt Nam trong thời gian này. Đấy là truyền thống văn hóa của dân tộc khi đất nước có giặc mọi người tham gia đánh giặc. Vào giai đoạn này văn hóa phục vụ kháng chiến. Cuộc kháng chiến đã quy tụ tinh thần và nghị lực của nhân dân Hòa Vang, với truyền thống văn hóa giữ gìn từng tấc đất của quê hương đã thúc giục tư tưởng kháng chiến kiến quốc trở thành quyết liệt. Bấy giờ văn hóa phải phục vụ công nông binh, theo đó, thực hiện chủ trương của Đảng "Văn hóa hóa kháng chiến", nhiều chiến sĩ Vệ quốc Đoàn trên ba lô có đàn măngđôlin hoặc ghita, dừng chân ở đâu là biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân, dạy đàn, dạy hát cho thanh thiếu nhi ở đó. Các đội văn nghệ, tuyên truyền của tỉnh, huyện, xã tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân, động viên toàn dân tham gia kháng chiến kiến quốc. Hoạt động sáng tác phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc được đông đảo văn nghệ sĩ ở Quảng Nam hưởng ứng sôi nổi, qua đó có nhiều tác phẩm văn nghệ có giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao, còn sống mãi với nhân dân Quảng Nam nói chung và người dân Hòa Vang nói riêng. Các đội văn nghệ tuyên truyền của huyện, kịp thời động viên chiến sỹ chiến đấu, giành thắng lợi trên chiến trường. 

4. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh ở khắp các địa phương
Văn nghệ quần chúng ở vùng nông thôn huyện Hòa Vang phát triển rộng khắp với phong trào toàn dân ca hát, thanh thiếu nhi biểu diễn văn nghệ trong các đêm sinh hoạt đoàn, hội. Những người nông dân, chăn trâu cắt cỏ là thành phần bị coi là thấp cổ, bé họng, hạng bần cùng của xã hội thì nay đã trở thành người làm chủ và họ đã thể hiện khả năng sáng tạo nghệ thuật phong phú. Họ sáng tác về đời sống nông thôn, về ruộng đất, về sản xuất, về phê phán thói hư tật xấu; trong đó đáng kể là mảng đề tài về kháng chiến, chống thực dân đế quốc,… bằng nhiều thể loại ca dao, hò, vè, kịch, truyện ngắn,.... Ta gặp trong phong trào văn nghệ quần chúng các bài vè: Phụ nữ vùng lên, Đi làm nghĩa vụ, Thi đua đánh giặc, Thắng Nhật đuổi Tây, …hoặc các bài ca dao kháng chiến: Em là con gái Hòa Vang/ Bảo vệ quân em ghét, Vệ quốc đoàn em thương/ Anh ơi, gió bụi ngàn phương,/ Về đây hẹn buổi lên đường lập công.
            Người dân bình thường vừa kháng chiến vừa tham gia phong trào văn nghệ quần chúng, họ vừa thưởng thức văn nghệ, đồng thời họ sáng tác nên những câu ca dao, câu vè, những vở tuồng đồ, ca hát và diễn xướng ngay trên sân nhà, sân đình hoặc trên một miếng đất trống, phục vụ kháng chiến, nâng cao tinh thần kháng chiến trong nhân dân. Phong trào sáng tác thơ ca, ca dao, hò, vè trong nhân dân rất sôi nổi. Đảng, Chính phủ có chủ trương gì, liền sau đó phong trào văn nghệ quần chúng có ca dao, hò, vè tuyên truyền cho chủ trương đó: vè bình dân học vụ, vè binh vận, địch vận, thanh vận,…Những sáng tác dân gian như thế còn thô sơ, mộc mạc nhưng phản ảnh chân thật đời sống văn hóa các làng quê hướng về cách mạng, động viên bà con tham gia kháng chiến, kêu gọi chồng con quay về với nhân dân, với xóm làng.

5. Báo chí, xuất bản phát triển mạnh
            Tháng Tám 1945, tại Quảng Nam, Ty Thông tin phát hành tờ Tin Tức, cùng thời có tờ của Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc mang tên Hừng Đông ra đời tại Hội An. Tại Đà Nẵng cũng phát hành tờ Tin và lần lượt tờ báo Giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng ra đời. Năm 1964, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Đà, Đà Nẵng có tờ báo riêng mang tên Cờ Giải Phóng. Đầu tháng 11/ 1967, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhập lại thành Đặc khu Quảng Đà, từ đây Đặc khu có 2 tờ báo Cờ giải phóng  và tờ Giải phóng phát hành đều đặn đến ngày 29 / 3 / 1975. Các tờ báo qua các thời kỳ tuyên truyền đường lối của trương của Đảng trong kháng chiến kiến quốc, văn hóa hóa kháng chiến, kêu gọi tập hợp quần chúng nhân dân hướng về cuộc kháng chiến. Điều lớn nhất là đã xây dựng tờ báo của tỉnh, cập nhật thông tin đến với dân quân, báo có mặt kịp thời trong các chiến dịch lớn, báo chí đi vào quần chúng, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trên tinh thần đó, dân quân Hòa Vang phấn khởi đón nhận và chuyền tay nhau đọc báo, những mẫu tin chính xác, những bài xã luận, phóng sự, tường thuật hay bài tổng kết một phong trào đều được quân dân của huyện đọc, nắm được chủ trương của Đảng và những thắng lợi của cách mạng trên khắp các chiến trường, làm nức lòng cán bộ chiến sỹ, và nhân dân trong huyện. Báo chí cách mạng được đưa về vùng sâu vùng xa, vùng ven, vào sâu trong đô thị của huyện, tận một số xã thuộc bờ tây sông Hàn huyện Hòa Vang và các xã phía bờ đông được tham gia đọc báo, nắm được thông tin kháng chiến của huyện, tỉnh.
            Trong kháng chiến chống Mỹ, tờ báo Tu thư  đã công khai giới thiệu thơ văn yêu nước của các tác giả trong nước, những bài ca dao, bài thơ, vè của quần chúng đề cao đạo nghĩa truyền thống, tinh thần uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào tự tôn dân tộc. Hội Liên hiệp học sinh, sinh viên ở Đà Nẵng ra tờ báo Quyết chiến, Quyết thắng chuyền tay trong giới học sinh, sinh viên, báo lên án, tố cáo tội ác của giặc, đưa tin thắng lợi của Mặt trận Dân tộc giải phóng, phản đối chiến tranh, hô hào tham gia chống Mỹ và tay sai... Sinh viên Quảng Đà ra tờ báo Đất Sống, chống đối chiến tranh xâm lược, chống quân dịch, phản đối đàn áp Phật giáo, kêu gọi hòa bình, lên án chính sách trụy lạc hóa thanh thiếu niên,... Những tờ báo trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cùng với Đội Tuyên truyền xung phong, các mạng lưới thông tin tuyên truyền ở thành phố, huyện, xã trực tiếp phổ biến chủ trương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho các vùng trong tỉnh, huyện đã có tác động cổ vũ, động viên quân dân huyện Hòa Vang tham gia chiến đấu, nêu cao tinh thần kháng chiến của quân và dân; vạch trần chiến tranh phi nghĩa, kêu gọi hòa bình, chống chiến tranh, nêu cao ý chí giải phóng quê nhà.

6. Văn học nghệ thuật cách mạng hình thành và phát triển
 Trong kháng chiến chống Pháp đã từng bước hình thành nên đội ngũ văn nghệ sỹ được rèn luyện, trưởng thành trong kháng chiến. Họ đã đem văn hóa văn nghệ vào kháng chiến, nhiều vở kịch được hình thành phục vụ cách mạng: Con heo kháng chiến, Chữa bệnh thực dân.
Nhiều ca khúc, tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, còn sống mãi với thời gian: Đoàn Vệ quốc quân, Mùa đông binh sĩ (Phan Huỳnh Điểu),
Tiểu thuyết có Con trâu của Nguyễn Văn Bổng phản ảnh chân thật người nông dân tại các làng quê kháng chiến và đời sống của người nông dân vừa kháng chiến vừa tăng gia sản xuất cũng được khắc họa đậm nét. Tập bút ký Bát cơm cụ Hồ của Nguyễn Thành Long,…đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa văn nghệ tại huyện Hòa Vang, theo đó người Hòa Vang đã không ngừng nâng cao ý chí cách mạng, nâng cao lòng yêu nước.
Những bài thơ của Khương Hữu Dụng, tập diễn ca Từ đêm mưới chín là một tráng ca về cuộc chiến đấu của nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, hẳn đã có sức lay động đến cuộc chiến đấu của người dân Hòa Vang. Một luồng văn hóa văn nghệ đã thổi vào cuộc kháng chiến kiến quốc của nhân dân, động viên và thôi thúc quân dân lên đường kháng chiến, đi theo tiếng gọi quê hương. …Ải Vân quan ngậm hờn / Nam Yên buồn cô quạnh/ Tây – Bắc Hòa Vang máu ngập đồng…/…Xuất phát từ Cô Hôn / Giữa một đêm mưa lớn/ Tiến bước theo mưa dồn/ Trong lòng nghe máu rộn/ Đến bìa làng/ Bịp trở canh/ Khe Răm hơ áo ướt…

Lưu Trùng Dương với Tập thơ người lính, Tập truyện thơ Như hòn Non Nước. Ông sáng tác nhiều thơ ca địch vận, đã đi vào thơ ca dân gian, trong đó có nhiều khổ thơ, câu thơ trở thành ca dao kháng chiến như bài thơ Hòa Vang lòng rộng đất nghèo của nhà thơ Lưu Trùng Dương đã trở thành vè và có khổ thơ trở thành ca dao kháng chiến. Hoặc đã trở thành dân ca hồi nào không rõ: … Sông tôi chẳng có bóng thuyền/ Mong gì hướng gió những miền khơi xa/ Tủi lòng sông lắm thuyền ơi/ Đừng chê thôn nhỏ ham nơi phố phường.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tháng 10.1964, Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam được thành lập. Lúc này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có đến 3 Đoàn Văn công giải phóng của Quảng Nam, Quảng Đà và Đoàn Văn công miền núi Quảng Đà.
            Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt ấy, nhiều cán bộ tuyên truyền vừa là nhà văn, nhà báo vừa là chiến sĩ, tay cầm bút, cầm súng vừa chiến đấu, vừa sáng tác. Trên khắp nẻo đường kháng chiến, nhiều anh chị em diễn viên Đoàn Văn công giải phóng Quảng Nam, Đoàn Tuồng Quảng Nam, Nhà in Giải phóng, Điện ảnh Quảng Đà đã tổ chức biểu diễn phục vụ quân dân, nêu cao tinh thần lạc quan đánh Mỹ. Người Hòa Vang cũng trong tinh thần đó có sự cổ vũ động viên của văn hóa văn nghệ kháng chiến, quyết tâm kháng chiến đến cùng.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt ấy, nhiều cán bộ tuyên truyền vừa là nhà văn, nhà báo vừa là chiến sĩ, tay cầm bút, cầm súng vừa chiến đấu, vừa sáng tác phục vụ kháng chiến và động viên nhân dân tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống mới phù hợp với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Văn hóa văn nghệ đã góp một phần quan trọng, là động lực của thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau 21 năm gian khó.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hòa Vang đã trải qua nhiều chặng đường hy sinh gian khổ mất mát do địch đánh phá rất ác liệt, nhưng chính  đó, cũng đã làm sáng ngời phẩm chất anh hùng của mình. Trên đà thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, văn hóa văn nghệ đã góp một phần quan trọng, đáp ứng nhiệm vụ phục vụ kháng chiến và đời sống tinh thần của nhân dân.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trong đó Hòa Vang là một trong những chiến trường trọng điểm, là nơi mà những bước chân xâm lược đầu tiên của lính Mỹ đặt chân lên Phú Lộc (Hòa Minh). Hòa Vang là một điểm son của lòng yêu nước, là cuộc đụng đầu lịch sử quyết liệt nhất giữa dân tộc ta và đế quốc xâm lược, hiếu chiến nhất, ngoan cố nhất, có tiềm lực kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất. Cùng với cả dân tộc, trên mặt trận văn hóa, văn nghệ của quần chúng nhân dân Hòa Vang được phát huy, nhiều thể loại ca dao, hò, vè kháng chiến đến các truyện ngắn, ký, tiểu thuyết ra đời kịp thời phục phụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương,... Các văn nghệ sĩ Khu V, Quảng Nam  – những chiến sĩ trến mặt trận văn hóa tư tưởng – đã có nhiều sáng tác với nhiểu thể loại phục vụ kháng chiến. Họ đã thổi vào cuộc kháng chiến những khúc tráng ca hào hùng, oanh liệt, kịp thời giữ vững tinh thần quân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy căn go thử thách.
Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, trong khói lửa, bom đạn ác liệt của chiến tranh, nền văn hóa Việt Nam vẫn không ngừng phát triển, văn hóa của người Hòa Vang vẫn tiếp tục phát huy truyền thống thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là giữ nước và dựng nước. Các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của huyện đã tỏ rõ tinh thần dũng cảm, kiên cường, sáng tạo, góp một phần nhỏ vào Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976 của Đảng đã khẳng định: “Với những thành tựu đạt được chủ yếu trong việc phản ánh hai cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, văn hóa, nghệ thuật nước ta xứng đáng vào hàng ngũ những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay”.
Quán triệt tư tưởng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: văn hóa là một mặt trận, [3] trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Đảng rất quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa, coi xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt thì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển.
Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trở thành yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Huyện Hòa Vang lại càng cấp bách hơn nữa, bởi huyện phần lớn là nông nghiệp nông thôn, văn hóa mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp. Để giữ được đặc trưng văn hóa riêng, huyện đã từng bước phát huy: Liên hoan văn hóa dân tộc Cơ tu, Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên,... các đội thông tin tuyên truyền cổ động đang hoạt động, đem lại hiệu ứng cao trong xã hội, nhưng nền văn hóa tiên tiến cần phải cấp bách xây dựng, nhất là các thiết chế văn hóa cần có để nội hàm văn hóa tiên tiến có điều kiện để phát huy, phát triển.
Khái niệm tiên tiến của nền văn hóa có nội hàm rộng lớn và bao quát, vừa mang ý nghĩa truyền thống, vừa mang ý nghĩa hiện đại. Nền văn hóa tiên tiến Việt Nam có những đặc trưng được cô đúc từ lịch sử mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách mạng của dân tộc ta kết hợp với tinh hoa của thời đại. Đó là: “yêu nước; tiến bộ (những gì là tiến bộ của dân tộc, của thời đại, của loài người); có nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nhân văn: tất cả vì con người ...; tiên tiến không chỉ trong nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện hiện đại để chuyển tải nội dung”. [4]
Xây dựng các đặc trưng văn hóa của huyện không tách rời bản sắc dân tộc. Do đó , huyện Hòa Vang xem văn hóa là động lực của sự phát triển, bởi bản sắc riêng có là cốt lõi, cái đặc thù, lâu nay đã định hình nên tính  riêng của văn hóa mang yếu tố nông nghiệp, cái còn lại của thành phố Đà Nẵng và đó là sự độc đáo của văn hóa huyện Hòa Vang.
Bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc được hình thành, bảo tồn và phát huy trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc mình. Huyện Hòa Vang cũng cần giữ gìn đặc trưng văn hóa của mình, như đã và đang giữ, bởi nhờ những đặc trưng đó đã nuôi dưỡng tinh thần yêu nước qua hai cuộc kháng chiến (và trước đó trong lần đầu đánh thực dân Pháp năm 1858). Đặc trưng văn hóa của của huyện không ngừng vận động để phát triển, luôn tiếp thu, bổ sung những yếu tố mới làm phong phú thêm những đặc trưng đó; đồng thời gạn lọc, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không thích hợp ra khỏi bản giá trị văn hóa Hòa Vang. Huyện cũng cần vừa giữ gìn nhưng đồng thời xem yếu tố tiên tiến trong văn hóa của huyện là vấn đề cần được xem xét để phát triển, tức là phải quan tâm đến yếu tố hiện đại trong phát triển văn hóa của huyện. Thì đấy là quá trình biện chứng của sự phát triển.
Trải qua hai cuộc kháng chiến cam go, quyết liệt, cái mất cái còn, các thành tố cấu thành nền văn hóa huyện Hòa Vang luôn đứng trước những thử thách quyết liệt. Hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ luôn tìm mọi cách áp đặt vào người dân của huyện các thành tố văn hóa ngoại lai để dễ bề thống trị. Nhưng thật đáng tự hào, những giá trị văn hóa của huyện vẫn có sức bền vững, có sức đề kháng (nếu không chúng ta còn đâu là người Hòa Vang nữa) Những giá trị ấy, đến nay vẫn tồn tại và đang tỏa sáng, trở thành nền tảng tinh thần của huyện Hòa Vang đương đại.
Ngày nay, những cuộc xâm lăng văn hóa vẫn tiếp diễn ngày càng mạnh và tinh vi hơn trong một thế giới phẳng. Khi kinh tế phát triển mang tính chất quốc tế thì văn hóa ngoại lai theo đó tìm cách tràn vào nước ta, đe dọa sự tồn tại của bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay dưới góc nhìn của văn hóa, văn nghệ dân gian, thì văn hóa Hòa Vang đang đứng trước sự dùng dằng, phân vân giữa các thành tố văn hóa dân gian với các thành tố văn hóa văn minh đô thị (chúng ta là đô thị), bởi khi văn hóa huyện Hòa Vang hình thành văn hóa văn minh đô thị thì các thành tố văn hóa văn minh nông nghiệp sẽ như thế nào trong bối cảnh đô thị hóa /  nông thôn mới. Đây chính là sự dùng dằng, lưỡng lự trong tâm thức của người dân nông nghiệp.
Tăng trưởng kinh tế luôn là mục tiêu chiến lược của huyện Hòa Vang, nhưng chủ thể kinh tế lại là con người, mà thước đo trình độ con người lại là văn hóa. Vì vậy công nghiệp hóa hiện đại hóa để phát triển không thể không tính đến con người. Cho nên phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, từng bước đẩy lùi những thành tố không phù hợp của văn minh thôn làng ra khỏi đời sống văn hóa văn minh đô thị. Giữ gìn những giá trị văn hóa như đã từng giữ gìn, phát huy, phát triển trong hai cuộc kháng chiến để phát triển kinh tế. Nếu phát triển kinh tế mà không chú ý tới phát triển văn hóa thì dễ dẫn đến tình trạng đánh mất những giá trị đặc trưng văn hóa của huyện.
Huyện tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Để làm sáng tỏ phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với các đặc trưng của con người Việt Nam thì việc tìm ra ranh giới giữa tinh hoa văn hóa của huyện Hòa Vang và các yếu tố lạc hậu trong văn hóa truyền thống là cần thiết để có kế sách phù hợp.
Cái riêng đặc trưng văn hóa của huyện có tính bền vững, truyền từ đời này sang đời khác, sống mãi với người dân. Nhưng cũng do hạn chế của từng thời kỳ lịch sử, văn hóa trong quá khứ cũng chứa đựng những yếu tố lạc hậu trở thành lực cản của sự phát triển văn hóa của huyện. Có một điều cần nhận thấy: đặc trưng văn hóa của Hòa Vang có sức bền vững thì mặt trái của văn hóa quá khứ cũng có sức bền vững của nó. Cho nên xây dựng và phát triển văn hóa, con người của huyện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là rất cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay của huyện.
Kinh tế và văn hóa tác động qua lại lẫn nhau nhằm thúc đẩy xã hội phát triển. Mục tiêu mà Đảng đề ra là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là mục tiêu kết hợp các nhân tố kinh tế, xã hội và văn hóa trong quá trình phát triển. Huyện sẽ không thể xây dựng một xã hội văn minh với nền kinh tế lạc hậu, thấp kém và ngược lại có được một nền kinh tế phát triển nhưng thiếu văn minh thì không phải là một xã hội tiến bộ. Theo đó, để phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế phải phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, đào tạo, bồi dưỡng họ và sử dụng đội ngũ cán bộ đúng lĩnh vực chuyên môn, trọng dụng người có đức có tài trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để phát triển văn hóa của huyện.
                                                                       
Tài liệu tham khảo
- Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang 1928 – 1954 (tập 1), NXB Đà Nẵng 1985.
- Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang 1954 – 1975 (tập 2), Sở VH&TT QN – ĐN, 1990.
- Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930 – 1975), NXB Chính trị quốc gia, 2006.
- Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết và một số chủ trương của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khóa XI, Ban Tuyên giáo Trung ương, NXB Chính trị quốc gia, 2014.


[1] Xem: Lịch sử Đảng bộ Hòa Vang (1928 – 1975), NXB Đà Nẵng.
[2] Theo số liệu lúc bấy giờ, đồng bào tỉnh Quảng Nam đã góp được 20 kg vàng và hàng chục tấn đồng vào công cuộc kiến thiết đất nước. (Xem: Lịch sử Quảng Nam – Đà Nẵng (1930 – 1975) NXB Chính trị quốc gia.
2  Để thực hiện chủ trương Bình dân học vụ sau CMT8-1945, tại các địa phương ở t. QN có tổ chức giăng dây ngang đường để hỏi chữ quốc ngữ, nếu ai không đọc được mẫu tự, hoặc chữ thì không cho đi tiếp. Đây là biện pháp phải học cho biết chữ, bởi mù chữ là một trong ba loại nạn: nạn ngoại xâm, nạn đói, nạn dốt. Chữ em-mờ: Mẫu tự m (một trong 24 chữ cái tiếng Việt).
[3] Thư Bác Hồ gửi các họa sỹ nhân Đại hội năm 1951.
[4] Nguyễn Đức Bình, Ra sức phấn đấu vì một nền văn hoá  tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Báo Nhân dân.


1 nhận xét:

wadleighzacharias nói...

JH Marriott Tunica Casino to close permanently
JH Marriott Tunica Casino is being forced 상주 출장샵 to close by 대전광역 출장안마 the end of 계룡 출장안마 the 서울특별 출장안마 year, the 전라북도 출장안마 Tunica Indian Community announced Monday. The resort will be closed