Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Nhìn lại một chặng đường

Võ Văn Hòe

Mới đó mà đã 5 năm trôi qua của nhiệm kỳ II (2007-2013), trong 5 năm ấy, toàn thể hội viên đã không ngừng phát huy năng lực chuyên môn nghiệp vụ vì sự yêu thích vốn văn hóa văn nghệ dân gian cổ truyền của người dân xứ Quảng.

Trong 5 năm, Hội đón nhận không ít khó khăn và thuận lợi. 5 năm quả là ngắn ngủi với một quá trình hình thành và phát triển của nền văn hóa văn nghệ dân gian Quảng Nam, Đà Nẵng. Trong suốt chặng đường phát triển của mình, Hội luôn thể hiện chức năng, nhiệm vụ đầy tinh thần nhân văn cao cả được nêu thành tôn chỉ, mục đích của Hội ghi trong Điều lệ Hội là sưu tầm, nghiên cứu, giữ gìn, phát huy, phát triển, truyền dạy và quảng bá vồn văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng đến với các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tôn chỉ của một gia tài mà nếu tỉnh táo ngắm nhìn ta sẽ thấy nhiều mảng màu đa dạng, phong phú, hàm chứa nhiều cái đẹp, cái cao thượng, cái bi hài của người xứ Quảng mà Hội chưa thể nào khai thác hết được.

Đội ngũ hội viên, 5 năm của nhiệm kỳ đã khai thác vốn văn hóa truyền thống địa phương mà cha ông người Quảng để lại có hơn 600 năm lịch sử, việc làm được nhìn lại vẫn chưa nhiều. Như cây non mới lớn, có thuận lợi về tư tưởng tình cảm do được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố đối với loại hình văn học dân gian này, nên Hội đã phát huy chức năng của mình bám sâu vào lòng đất, cành nhánh nay đã sum suê đang đơm hoa và kết trái. Nhiều hội viên đã từng trải trong quá trình nghiên cứu vốn văn hóa dân gian quê nhà, vươn lên khẳng định và giữ lấy chỗ đứng của mình đều đã có công trình sưu tầm, nghiên cứu nhằm quảng bá vốn văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng và không chỉ có thế mà còn mở rộng phạm vi ghi chép sưu tầm trong không gian văn hóa dân gian miền Trung. Hiện nay, Hội và mỗi hội viên đang trong tiến trình vươn lên để có những mảng màu tươi sáng hơn, đẹp hơn như bản thân vốn có của văn hóa văn nghệ dân gian vùng đất chưa mưa đà thấm.

Tất cả thành viên của Hội mong muốn phải làm sống lại những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương Đà Nẵng, để khẳng định rằng nơi đây là địa linh nhân kiệt. Đất linh thiêng nên đất sinh ra con người đầy bản lĩnh không chỉ trong xây dựng mà còn thể hiện trong chiến đấu giữ đất, giữ làng; là nhân kiệt nên con người Đà Nẵng đã vượt qua những thử thách tạo nên những kỳ tích trong hai cuộc kháng chiến giữ nước và hiện nay tập trung ý chí và nghị lực xây dựng một thành phố văn minh hiện đại, giàu đẹp và thân thiện. Tiền nhân đã ra công khai phá tài bồi, nay Hội ra sức khai thác vốn quý, có trong nhân gian, đặt đúng vị trí của dân gian, làm cho những người yêu thích vốn văn học quý giá này biết rằng, đất Quảng không chỉ là nơi đầu sóng ngọn gió đánh Pháp đầu tiên và đánh Mỹ đầu tiên mà còn là nơi có một gia tài văn học dân gian đồ sộ, phong phú, đa dạng đang trong quá trình khai thác, phát huy, góp một phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngay đầu nhiệm kỳ II (2007-2013), Hội đã triển khai thực hiện phương hướng, nhiệm vụ do Đại hội lần thứ II đề ra, trước hết đối với tập thể Hội có các thành quả:

- Hội đã tiếp tục thực hiện ba đề tài trong Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng: Tập tục lễ hội , Nghề và làng nghề truyền thống và Ẩm thực đất Quảng. Liền sau đó xuất bản Văn hóa dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, tác giả tác phẩm phục vụ nhu cầu tìm hiểu tri thức văn hóa dân gian địa phương của bạn đọc trong và ngoài thành phố. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, Hội đã kịp thời tập hợp bài vở xuất bản tập Văn hóa dân gian Đà Nẵng- cổ truyền và đương đại góp phần kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại của thành phố; đồng thời qua tác phẩm, tạo nên không khí sinh hoạt chuyên môn, nâng cao năng lực sưu tầm nghiên cứu của hội viên. Đặc biệt trong 5 năm qua,  bằng sự nổ lực của Hội nhằm quảng bá vốn văn hóa văn nghệ dân gian địa phương, đã thực hiện 6 ấn phẩm Văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng, tạo diễn đàn (tuy một năm được một lần) cho Hội viên trao đổi chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời có cơ sở để giao lưu với các hội bạn trên khắp mọi miền đất nước.

Trên là những thành quả Hội đạt được, còn về phía hội viên có 21/40 hội viên (trong đó 2 hội viên hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực phim ảnh) đã tạo nên diện mạo sinh hoạt Hội và khẳng định chất lượng của Hội ngày càng được nâng cao. Có thể kể đến các công trình, tác phẩm: 

            - Về tác phẩm phim văn nghệ dân gian, có: Phóng sự Hành trình theo chân Bác (Đặng Quốc Phồn); Hoạt động của Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng (Trịnh Tuấn Khanh, Đặng Dợm); Phim nghệ thuật: Giai điệu miền Trung (Trịnh Tuấn Khanh); Các phim chân dung của các nhà nghiên cứu: Trần Hồng (Trung tâm THVN tại ĐN và Trịnh Tuấn Khanh); Võ Văn Hòe (VFS, Truyền hình HTV TP. HCM và Thu Trang), Trương Đình Quang (Trung tâm THVN tại ĐN) và một số phim phản ảnh các loại hình lễ hội trên địa bàn trong và ngoài thành phố: Lễ hội Ka tê Ninh Thuận (Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Thiện Tâm, Đặng Dợm, Đỗ Vinh); Lễ hội Phong Lệ mục đồng (Nguyễn Thiện Tâm); và phim miêu tả các hoạt động văn hóa: Hát sắc bùa (Trung tâm THVN tại ĐN); Người Ve nơi đại ngàn (Trịnh Tuấn Khanh, Đỗ Vinh); Nét đẹp dân gian Chăm (Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Thanh Minh); Nghệ nhân dân gian – báu vật văn hóa sống (Trịnh Tuấn Khanh); Hương sắc bản làng (Trịnh Tuấn Khanh),… tất cả đã thể hiện sinh động sự cố gắng của các hội viên trong sưu tầm, nghiên cứu phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

            - Về tác phẩm sách văn nghệ dân gian thể hiện các đề tài nghiên cứu sưu tầm, ghi chép văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng, có: Văn hóa dân gian Hòa Vang (Võ Văn Hòe); Địa danh thành phố Đà Nẵng (Võ Văn Hòe); Văn hóa xứ Quảng Một góc nhìn (Lưu Anh Rô-viết chung); Tiếng địa phương trong ca dao, dân ca đất Quảng (Đinh Thị Hựu); Hò khoan xứ Quảng (Đinh Thị Hựu); Đình Đà Nẵng (Hồ Tấn Tuấn); Âm nhạc Chăm – những giá trị đặc trưng (Văn Thu Bích); Dân gian bia miệng lưu truyền (Lê Hoàng Vinh); Quanh lũy tre làng (Lê Hoàng Vinh chung với Lê Anh Dũng); Sắc bùa xứ Quảng (Phạm Hữu Bốn); Chuyện kể dân gian xứ Quảng (Phạm Hữu Bốn); Lễ hội – văn hóa dân gian đất Quảng (Lê Duy Anh); Hò đưa linh (Trần Hồng); Giao thoa âm nhạc dân gian Việt – Chăm (Trần Hồng); Ca nhạc kịch bài chòi (Trương Đình Quang); Bài chòi xứ Quảng (Trương Đình Quang, chung với Đinh Thị Hựu); Một số nghề, làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực vùng đất Khánh Hòa (Ngô Văn Ban); Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam (Ngô Văn Ban); Hồn quê xứ Vạn (Võ Khoa Châu); Vạn Ninh- đất và người (Võ Khoa Châu); Câu đối dân gian và câu đối Hán-Nôn (Phan Thế Tập); Trong vườn văn học dân gian (Phan Thị Miều); Bảo tồn và phát huy lễ hội của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh (Võ Văn Hoàng); Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam bộ (Võ Văn Hoàng); Quanh Lũy tre làng (Lê Anh Dũng, chung với Lê Hoàng Vinh); Hát bả trạo hò đưa linh (Trương Duy Hy, chung với Trương Đình Quang), Văn hóa Đà Nẵng từ những mảnh ghép (Chi hội VNDG Trường ĐHSP ĐN, Nguyễn Hoàng Thân chủ biên),… Cùng với các tác phẩm đã xuất bản phục vụ bạn đọc trong nhiệm kỳ II, còn có các đề tài được sự tài trợ của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam: Văn hóa dân gian Việt – Chăm nhìn trong mối quan hệ (Võ Văn Hòe Trần Hồng, Hồ Tấn Tuấn) và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng: Vè đấu tranh ở Đà Nẵng (Đinh Thị Hựu),… đã tập trung hình thành nên diện mạo của Hội trong 5 năm qua mà Hội chúng ta có được như hôm nay là rất quan trọng và có ý nghĩa phát triển.

            Ngoài những tác phẩm in thành sách, trong 5 năm qua, hội viên của Hội đã viết nhiều bài báo, nhiều bài tham luận đọc trong các cuộc hội thảo, tọa đàm trong nhiều lĩnh vực văn hóa – lịch sử nhằm tôn vinh, phát huy và phát triển văn hóa địa phương.

Nay, Hội có nhiều tác phẩm ở dạng bản thảo của các hội viên đã được trình bày bằng vi tính kỹ lưỡng nhưng tiếc là chưa công bố được do không có tiền ấn loát: Ông Tổng trong việc tang trên địa bàn Đà Nẵng (Hoàng Thị Mai Sa); Gốm Thanh Hà – Hội An (Phạm Thị Tú Trinh); Lấp lánh Vạn Ninh (Võ Khoa Châu); Đường về Tiên Phước hôm nay (Võ Khoa Châu); Nhà nông Tiên Phước qua câu hát dân gian (Võ Khoa Châu); Hái lượm và săn bắt của người dân Khánh Hòa xưa (Ngô Văn Ban); Tìm hiểu về một loại hình vè: Vè các lái (Ngô Văn ban); Người Quảng Nam, Đà Nẵng cười qua ngôn từ và tục ngữ, ca dao địa phương có từ “cười” (Ngô Văn Ban); Vè đấu tranh ở Đà Nẵng (Đinh Thị Hựu); Bác Hồ trong ca dao, hò vè Đà Nẵng (Võ Văn Hòe); Địa danh thành phố Đà Nẵng (Tập 2 - Võ Văn Hòe); Văn hóa dân gian Việt – Chăm nhìn trong mối quan hệ (Võ Văn Hòe, Trần Hồng, Hồ Tấn Tuấn); Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đinh Thị Trang); Văn hóa ẩm thực đất Quảng (Võ Khoa Châu),…

            5 năm qua, Hội phối hợp với Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng nghiên cứu sưu tầm, ghi chép văn nghệ dân gian cho hơn 100 hội viên và cộng tác viên. Lớp tập huấn do các GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, GS.TS Nguyễn Xuân Kính, PGS.TS Trần Xuân Đức, TS Lê Hồng Lý, TS. Trần Hữu Sơn,…báo cáo nhiều chuyên đề thiết thực, giúp cho hội viên hình thành năng lực tư duy nghiên cứu độc lập các vấn đề do văn hóa văn nghệ dân gian đặt ra.

            Trong 5 năm qua, rõ ràng Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng đã khắc phục khó khăn, thách thức về sức khỏe, tuổi tác, mặc dầu không có tiền, không có các máy móc, phương tiện bổ trợ, song vì yêu mến vốn văn học cổ truyền đất Quảng mà mỗi hội viên đều tự lực, phát huy khả năng, tích lũy qua thực tiễn điền dã để ghi chép, nghiên cứu. Các hội viên luôn năng nổ, lặng lẽ hoạt động trên bề nổi cả bề sâu của quá trình nghiên cứu để khẳng định sự có mặt của mình trên diễn đàn văn nghệ dân gian, vai trò và sự tồn tại rất cần thiết của Hội văn nghệ dân gian thành phố trong khai thác, truyền bá vốn văn hóa văn nghệ dân gian địa phương. Qua các công trình đã công bố, văn hóa văn nghệ dân gian như là chất xúc tác cho văn học đương đại trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa Đà Nẵng và hội nhập quốc tế. Hội đã tác động không nhỏ đến việc tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong mỗi hội viên liên quan đến nghề nghiệp, trong việc hướng dẫn mở rộng phạm vi đề tài nghiên cứu, các công trình được nâng dần lên có chất lượng hơn, chuyển từ nghiên cứu nghiệp dư sang chuyên nghiệp, có tay nghề.

            Những thành quả nêu trên tuy còn mỏng và khiêm tốn, nhưng đó là sự cố gắng của Hội và hội viên trong 5 năm qua của nhiệm kỳ II. Hội có sự đoàn kết toàn thể hội viên, hội viên tin tưởng vào sự phát triển bền vững của văn hóa, văn học nghệ thuật thành phố. Hưởng ứng Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tất cả hội viên có lối sống trong sáng, lành mạnh, sống có nhân cách đẹp, luôn vươn lên đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Hội. Hội và hội viên tiếp tục khẳng định vai trò, chức năng của văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng xưa nay cùng với văn học đương đại là kho tàng đa dạng, phong phú, mãi mãi được lưu truyền trong nhân dân.

            Nhìn lại 5 năm của nhiệm kỳ II để thấy được những thành quả hội viên gặt hái được, để cùng hướng về phía trước với nhiệm kỳ III, phấn đấu xây dựng Hội vững mạnh toàn diện về sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá và truyền dạy vốn văn hóa văn nghệ dân gian người Quảng đến với các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hội tiếp tục tập hợp đội ngũ, hình thành tập thể vững mạnh về chất lượng và số lượng. Trong chuyên môn nghiệp vụ, cố gắng đưa ra các luận chứng có tính khoa học trong phát triển văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng để thông qua tác phẩm, các đề tài nghiên cứu, đề án của các tác giả, tập thể Hội làm cơ sở cho bước phát triển nghiên cứu chuyên sâu về vai trò của văn hóa văn nghệ dân gian cổ truyền đối với con người Đà Nẵng đương đại như thế nào! Văn hóa dân gian đã ảnh hưởng thế nào đến đời sống văn học đương đại của Đà Nẵng. Đấy là những vấn đề Hội đặt ra cho những năm tiếp sau. Hội và Chi hội văn nghệ dân gian Việt Nam tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư tinh thần sáng tạo vào các công trình văn hóa, lời ăn tiếng nói, nghệ thuật dân gian, lối sống, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa dân gian,… với nhiều phương pháp và cách tiếp cận khác nhau nhằm làm phong phú tài sản văn văn hóa văn nghệ dân gian cha ông người Quảng đã để lại cho chúng ta hôm nay. Từ đó có thể chỉ ra được trong thực tiễn tính thống nhất trong đa dạng văn hóa trong cộng đồng dân cư, làm cơ sở cho giao lưu văn hóa trong và ngoài nước.

            Thực lòng mà nói, những vấn đề trình bày trên đây chưa đủ nói lên tất cả những đóng góp của hội viên đã khai thác, quảng bá vốn văn hóa văn nghệ dân gian của cha ông để lại dưới nhiều cách tiếp cận và phương thức thể hiện khác nhau. Có thể bằng phim ảnh, bằng sách báo hoặc bằng ghi âm lưu trữ, tất cả họ - hội viên - đã thực hiện trong nhiệm kỳ II với tinh thần đầy tâm huyết và sáng tạo.


            Hơn 600 năm qua, tại vùng đất chưa mưa đà thấm này, cha ông người Quảng đã để lại một gia tài văn hóa văn nghệ dân gian rất phong phú, đa dạng, phản ảnh nhiều mặt của cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, hội viên của Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng chưa tài nào khai thác hết. Như tảng băng trôi trong nhân dân, cả bề nổi lẫn mặt chìm, thời gian quay gót trôi đi không lui lại được, những người cao tuổi am hiểu vốn văn hóa văn nghệ dân gian đã dần mai một, ra đi mang cả vốn quý đi cùng, thì lúc ấy Hội ta mất đi cơ sở để sưu tầm nghiên cứu, phát huy, phát triển. Do vậy, Hội văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng tha thiết kêu gọi những ai quan tâm đến lĩnh vực chuyên ngành dân gian lý thú này hoặc là chúng ta giữ gìn, phát huy, phát triển vốn văn hóa dân gian được ít nhiều, hoặc là chúng ta để vốn ấy trôi đi trong hối tiếc ?

Không có nhận xét nào: