Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Về sự kế thừa trong văn hóa nghệ thuật

Trần Đình Sanh

Sự kế thừa được trình bày sau đây, xin được lạm bàn về hình thức nghệ thuật cổ truyền mang tính dân gian cùng tồn tại đồng hành với văn hóa nghệ thuật đương đại.

            Có thể khẳng định rằng trong hợp quần nhân loại dù một tộc người được cho là có số lượng ít nhân khẩu, dù với trình độ thế nào cũng đều sáng tạo ra hình thức nghệ thuật mang đặc trưng riêng có của họ - cái mà ngày nay các nhà nghiên cứu gọi là bản sắc văn hóa dân tộc. Chiếc đàn bầu của người Kinh, đàn Tơ-rưng của các dân tộc lâu đời ở Tây Nguyên,… và ngay cả những công cụ nhạc khí nghệ thuật mới nhìn tưởng chừng không phân biệt được, nhưng thực ra khi thể hiện nghệ thuật thì mỗi nhạc cụ đều có đặc trưng riêng của nó, như trống của dân tộc Kinh sử dụng trong các dịp lễ hội khác với trống của dân tộc Chăm. Cũng vậy, chiêng và cồng của các dân tộc Tây Nguyên rất khác chiêng và cồng của dân tộc Mường. Các mẫu hình thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên rất khác với mẫu hình thổ cẩm của đồng bào Thái, đồng bào Dao vùng Tây Bắc,…
            Các hình thức nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương, hát ví, hát dặm, hát ru, hát hội,… vẫn là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn con người. Kế thừa các loại hình, loại thể này để xây dựng nền văn hóa nghệ thuật dân tộc hiện đại là vấn đề phức tạp và rất khó khăn. Ví như trong lĩnh vực sân khấu chèo chẳng hạn. Theo Trần Việt Ngữ: “Khi nhà hát chèo Trung ương kiên trì thí nghiệm hát Trưng Trắc (đề tài lịch sử), Xơ Kumtơla (truyện cổ Ấn Độ) đến Cô gái và anh đô vật (đề tài đương đại) mà vẫn chưa lôi kéo khán giả đông đảo thì đoàn chèo Hà Nội cũng thử thách hát Bên dòng Như Nguyệt (đề tài lịch sử) đến Hương đồng gió nội (đề tài đương đại) mà khách xem vẫn chưa tỏ ý mặn mà. Đoàn chèo Hà Sơn Bình hết sức nóng lòng khi thấy số người xem ngày càng sút kém, qua các vở dàn dựng nghiêm túc, khai thác đề tài mới: Sau tường thành, Tiếng hát bên non Tản,…” [[1]] Trong lĩnh vực sáng tạo, kế thừa giá trị nghệ thuật truyền thống của tuồng cũng rất công phu, phức tạp. Ý kiến sau đây một phần chỉ ra sự phức tạp công phu đó: “Chúng ta đều hiểu nghệ thuật đồng nghĩa với sáng tạo, nếu không sáng tạo thì dậm chân tại chỗ. Người xem mới đòi hỏi sân khấu tuồng phải có những hình thức mới về mặt tạo hình, về màu sắc, về tiết tấu, về cách xử lý không gian và thời gian trên sân khấu. Nhưng cái mới ở đây phải trên cơ sở cái truyền thống, phải là tuồng chứ không phải là kịch, là chèo,… tức là không gieo vừng ra ngô” [[2]].
            Điều đó cũng khó khăn tương tự như đối với việc kế thừa các hình thức nghệ thuật khác, trong các loại hình khác như kiến trúc, hội hoa, điêu khắc, âm nhạc, văn chương,… Nhưng đó là một thử thách phải vượt qua vì không kế thừa và phát triển các hình thức nghệ thuật độc đáo này chúng ta không thể xây dựng được một nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc.
            Trong nghiên cứu vấn đề kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật dân tộc không thể không đề cập đến những giá trị nghệ thuật gắn liền với tôn giáo và lễ hội.
            Đối với những giá trị nghệ thuật gắn liền với tôn giáo, đây là vấn đề khó và phức tạp. Có thể nói lịch sử văn hóa nghệ thuật nhân loại từ xưa đến nay có nhiều liên hệ với tôn giáo. Một mặt, các quan niệm tôn giáo ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động sáng tạo nghệ thuật của nghệ sỹ. Mặt khác, nhiều biểu hiện của nghệ thuật cũng đã thâm nhập vào mọi cấp độ ý thức tôn giáo như nghệ thuật biểu diễn sân khấu trong Ki tô giáo, nghệ thuật trang trí trong Phật giáo hay như nghệ thuật tạc tượng trong Ki tô giáo, Phật giáo,…
            Về mặt giá trị, vấn đề giá trị của tồn tại nhân loại, khúc xạ vào tôn giáo và nghệ thuật, thông qua ý thức vô tư, tôn giáo và nghệ thuật có những xu hướng rất khác nhau. Mọi tôn giáo đều truyền bá tư tưởng phụng sự vô tư cho thần thánh, khơi gợi mọi sự đồng cảm, sự tham gia với thế giới thần linh. Nghệ thuật cũng hướng tới lòng trắc ẩn, đồng cảm cũng là một cách tham gia của con người vào sự thực tại ấy một cách vô tư. Nhưng ý thức vô tư trong nghệ thuật là nhằm mục đích khẳng định sự thực tại của nhân loại như một thực thể, một thế giới có thật, là kết quả tất yếu của lịch sử tự nhiên. Cho nên, nếu nghệ thuật hướng tới mục đích sự hoàn thiện, hướng tới cái cao cả và hướng tới khám phá bí mật của chính con người, thì tôn giáo hướng tới thần bí hóa chính sự cao cả của con người và thần bí hóa những bí mật ấy quy cái quyền khám phá ấy cho các thần linh.
            Như vậy, cả nghệ thuật và tôn giáo cùng đều liên hệ tới con người. Nghệ thuật có xu hướng khám phá bí mật của sự tồn tại trần thế của con người trong tính toàn diện phức tạp của nó. Lịch sử đã chứng minh, nghệ thuật chân chính không ngừng xây dựng hình tượng con người hoàn thiện một cách cụ thể, lịch sử. Nhờ vậy, nó tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, giúp vào việc nhân tính hóa các quan hệ xã hội. Tôn giáo có xu hướng giải thích tính nhân bản của nghệ thuật, nhưng nó quy sự phát sinh, phát triển nhân tính của con người lại đã được phản ảnh trong sự giải thích của tôn giáo. Nghệ thuật không ngừng phát triển nội dung và hình thức phản ánh. Còn tôn giáo thì cố khuôn sự phát triển ấy của nghệ thuật sao cho phù hợp được với thế giới quan tôn giáo.
            Vì vậy, là nghệ thuật, nghệ thuật trong tôn giáo luôn luôn mang trong mình một cái gì lớn lao hơn ý nghĩa tôn giáo. Chúng phản ánh những mặt cốt yếu của tồn tại một lịch sử, một dân tộc, một đất nước. Những hình tượng nghệ thuật có giá trị cao bao giờ cũng đa nghĩa, đa chức năng, vì chúng phản ánh thế giới một cách toàn diện.
            Tác phẩm nghệ thuật còn đem lại cho con người cảm giác hạnh phúc. Nghệ sỹ với tư cách là một tài năng sáng tạo độc đáo đã phát hiện cuộc sống với hình thức cảm xúc thẩm mỹ về sự phong phú của đời sống thực tế, khiến con người khi thưởng thức nghệ thuật tôn giáo đã quay về thế giới thực tại, giúp họ hiểu và cảm thụ sâu sắc hơn về thế giới thực tại. Những tượng Phật vẫn thể hiện khát vọng của nghệ sỹ muốn tái hiện con người và cuộc sống thực. Hình tượng Đức Mẹ vẫn là bài ca về tình mẫu tử. Điều này khiến cho các hình tượng như các vị La Hán, Quan Âm Thị Kính, Thánh Mẫu, Đức Mẹ Maria,… của tôn giáo thâm nhập vào hoạt động của các nghệ sỹ tài năng sẽ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, gần gũi con người, giàu chất nhân sinh và đậm đà tính nhân bản. Bởi vậy, những giá trị nghệ thuật của tôn giáo vẫn luôn khơi dậy trong các thế hệ niềm khát vọng cháy bỏng của chính cuộc sống con người. Dấu ấn của thời đại trong các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo sẽ giúp các thế hệ hiểu hơn cuộc sống của cha ông. Tính nhân loại, tính dân tộc hòa quyện trong những giá trị ấy là một trong những cái vốn, cái tiềm năng để các thế hệ nối tiếp nhau vận dụng và sáng tạo. Huy Cận đã dạt dào xúc động trước các vị La Hán chùa Tây Phương, Nguyễn Tư Nghiêm với những con rồng truyền thống đã làm cho “người xem thấy trong tranh ấy xôn xao âm điệu đình làng, thấy bảng lảng một đám mây như từ nghệ thuật Đông Sơn, Đinh, Lý, Trần, Lê tụ về,… Thấy toát lên từ tác phẩm của ông một sức lay động dân tộc mà không nệ cổ, hiện đại mà không lại căng” [[3]].
            Đối với những giá trị nghệ thuật gắn liền với lễ hội, đây là những giá trị văn hóa tiêu biểu của lễ hội cổ truyền đáp ứng những nhu cầu muôn thưở của con người tất cả các thời đại. Thứ nhất, lễ hội bao giờ cũng là một cộng đồng người biểu dương những giá trị văn hóa và sức mạnh của cộng đồng, tạo nên tính cố kết của cộng đồng. Những lễ hội như: Đền Hùng, Kiếp Bạc,… mang tính cố kết cộng đồng cả dân tộc, trở thành truyền thống ăn sâu vào tâm linh con người Việt Nam. Thứ hai, tất cả mọi lễ hội đều mang trong nó bản chất hướng về cội nguồn. Đó là cội nguồn tự nhiên mà con người là một bộ phận cội nguồn của dân tộc, của đất nước, của làng bản, của tổ tiên,… Nhu cầu hướng về cội nguồn là nhu cầu vĩnh hằng của con người mọi thời đại. Chính vì vậy, lễ hội mang tính nhân bản sâu sắc. Thứ ba, trong lễ hội con người gắn bó với nhau, chan hòa nhau, cho nên lễ hội bao giờ cũng tiềm ẩn tính dân chủ. Đến với lễ hội là tự nguyện, là thành kính, là sự giao cảm với thiên nhiên và văn hóa của cộng đồng.
            Cũng có nhiều nhà nghiên cứu nói tới lễ hội cổ truyền như là thời điểm mạnh, là cái mốc giữa sự diệt vong và tái sinh, là cuộc đời thứ hai bên cạnh cuộc sống hiện hữu. Đó là trạng thái thăng hoa từ đời sống hiện thực, là đời sống tâm linh bên cạnh đời sống vật chất và tinh thần [[4]].
            Vấn đề cần quan tâm nhất là lễ hội như bảo tàng sống của nền văn hóa văn nghệ dân gian. Các làn điệu dân ca thống nhất giữa ca nhạc và vũ đạo, các công cụ nghệ thuật từ nhạc cụ đến y phục, đến dụng cụ trang hoàng lễ tế,... được huy động và tập hợp thành những hệ thống, thành những bài bản để thực thi kịch bản lễ hội. Bởi vậy, có thể tìm thấy trong lễ hội những giá trị đích thực của văn hóa dân tộc, từ đó để nghiên cứu về văn hóa dân tộc và kế thừa trong sáng tạo.

            Quá trình xây dựng nền văn hóa nghệ thuật mới đã và sẽ diễn ra rất phong phú trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng không thể không đề cập đến một vấn đề có tính quy luật là kế thừa những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc để nhằm xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật dân tộc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từ đó làm cho truyền thống văn hóa dân tộc tiếp tục được nâng cao, phát triển.
            Sáng tạo ra truyền thống là sự nghiệp của cả cộng đồng, của nhiều thế hệ, nhưng ở thời điểm nào cũng vậy, ở dân tộc nào cũng vậy, trong vấn đề này các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa đã để lại những dấu ấn sâu đậm, rõ nét, tạo thành các nấc thang cho các thế hệ tiếp tục sáng tạo, nối tiếp đi lên.



[1] Tìm về bản chất của văn hóa, T/c Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. HN, 1993. Tr 444.
[2] Tlđd. Tr 461.
[3] Từ hình tượng con rồng suy nghĩ về sự tiếp nối truyền thống và hiện đại, Trương Duy Bích, T/cVăn nghệ dân gian, 1/1986.
[4] Xem: Lễ hội truyền thống trong đời sống hiện đại, Ngô Đức Thịnh, NXB. VHNT, Hn, 1993. Tr 289.

Không có nhận xét nào: