Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Tín ngưỡng thờ cúng cây cối của cư dân Đà Nẵng

Đinh Thị Trang


Thờ cúng cây cối là một loại hình tín ngưỡng đã xuất hiện từ xa xưa, phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và tồn tại đến ngày nay. Đó là biểu hiện của sự gắn bó mật thiết giữa con người với sinh thái tự nhiên. Ở Việt Nam, phần lớn cư dân sống bằng nghề nông nghiệp nên công việc của họ phải phụ thuộc vào hai yếu tố đất nước, vì thế, hai yếu tố này được thờ tự dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh thần đất thần nước là những vị thần của các hiện tượng tự nhiên liên quan đến nông nghiệp, thì cây cối cũng là một dạng thần được thờ tự từ xa xưa ở nhiều làng quê Việt.
1. Tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cúng cây cối
Ở mỗi quốc gia, mỗi vùng miền trên thế giới, tín ngưỡng thờ cúng cây cối đã hiện diện từ lâu đời. Tùy theo mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi vùng lãnh thổ mà ý nghĩa của việc thờ cúng cây cối có những nội dung khác nhau và cũng có những loại cây mà người ta tôn sùng khác nhau. Trong tín ngưỡng của các dân tộc, ta thấy sự hiện diện cây sồi của người Celtes, cây da của người Đức cổ, cây tần bì của người Scandinavie, cây ô-liu của người phương Đông theo Hồi giáo, cây tùng rụng lá và bạch dương ở Xibia… Đây là các loài cây có kích thước và tuổi thọ xuất chúng. Người ta cho rằng, các thần linh, thần và linh hồn đều theo gốc, rễ, thân và lá của các cây để lên xuống theo con đường nối giữa đất với trời.1
Từ những cây cổ thụ đó, người Mintira ở bán đảo Mã Lai tin vào những “gantu kaiu” tức “ma cây” hay “quỷ cây” cư ngụ trong các loại cây khác nhau và làm cho người ta mắc bệnh. Còn người Dayak ở Bornéo (Indonesia) thì quan niệm không được chặt cây cối vì có ma ở trong đó. Đặc biệt, trong tín ngưỡng của một số bộ tộc Mã Lai trên đảo Sumatra cho rằng, những cây cổ là nhà ở hay đúng hơn là cái vỏ vật chất của các ma rừng, họ thường đặt một số lễ vật ở các gốc cây và cho rằng ma sống ở đó. Người Talein ở Miến Điện trước khi chặt một cây nào đó, họ thường cầu xin “kuluk” - tức hồn hay ma của nó sống trong đó. Ở Thái Lan, trước khi chặt cây để làm thuyền, họ mang bánh và cơm cúng cho cây vì cho rằng, những nữ thần hay những bà mẹ của cây đó sẽ biến thành những vị thần tốt, bảo hộ cho những con thuyền được làm từ cây này, giúp đỡ những người sống hành nghề trên sông nước. Tại một số bộ tộc ở châu Phi, khi người tiều phu đốn một số cây nào đó, họ rất sợ cơn giận của con quỷ sống trong đó. Nhưng người tiều phu thoát khỏi nỗi sợ hãi ấy bằng cách dâng cúng những lễ vật cho vị thần cư ngụ trong cây. Có người hỏi anh ta rằng, cây không biết ăn, anh ta cúng để làm gì? Anh đáp: “Đúng là cây không phải là bái vật, bái vật là ma và không thể nhìn thấy nó, nhưng nó đã nhập vào cây này. Tất nhiên nó không thể ăn những thức ăn thô thiển của ta, nhưng phần hồn của nó cảm thấy thích thú vì nó để lại phần thân thể mà ta có thể nhìn thấy”.2 Như vậy, việc thần thánh hóa cây cối hết sức phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, và có thể việc thần thánh hóa này cũng mang tính chất thuần túy vật linh như vậy.
Còn ở Việt Nam, trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường đã nhắc đến cây si, họ xem cây si như một loại cây cội nguồn của tộc người họ. Người Dao thì thờ cây đa, cây sấu. Họ có lễ mở cửa rừng với bàn thờ thần cây sau những ngày Tết. Còn đối với người Việt từ xa xưa đã thờ thần cây, điều này được thể hiện khá rõ qua câu chuyện “Mộc tinh” được ghi trong Lĩnh Nam chích quái. Người Việt còn thờ Mẫu Thượng Ngàn và thờ cây đa, cây gạo ở mọi làng quê, đình chùa, miếu mạo. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đối với người Việt, cây cối là loại sinh thể đặc biệt, có đời sống trực giác tâm linh y như con người, có năng lượng phát ra và tương tác được với năng lượng của con người. Mặt khác, cây cối còn được coi là nơi trú ngụ của các vị thần linh hay ma quỷ.3 Vì thế, trong dân gian có câu: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”; hay “Cây thị có ma, cây đa có thần”; “Ở cho phải phải phân phân / Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”. Như vậy, trước những cây cổ thụ to lớn, con người có phần sợ hãi và cho rằng có ma quỷ trú ngụ nên họ đã thờ phụng, để không bị quấy phá mà được che chở.
Tại sao con người lại thờ cúng cây cối? Theo E.B. Tylor, ở nhiều tộc người khác nhau trên thế giới có hiện tượng thờ cúng ma cây, vì nó có mối liên hệ mật thiết với lý thuyết vật linh nguyên thủy về tự nhiên. Điều đó được thấy rõ ở một giai đoạn mà tư tưởng của con người, khi người ta xem từng loại cây như một thực thể riêng biệt, có ý thức và do đó người ta thờ cúng nó. Nhưng một điều hết sức khó khăn là phải xác định như thế nào khi xem một cây nào đó có được coi là có một cuộc sống và linh hồn giống như một con người, gắn bó mật thiết với người đó không, hay đó chỉ là nơi ở của một con ma bên ngoài, giống như một bái vật, mà cây chỉ là thân thể của nó. Nhưng tính chất rõ ràng ấy lại là một sự xác nhận khác nữa cho những ý niệm về linh hồn nằm trong đối tượng và về ma cư ngụ chỉ là những biến thể của cùng một ý tưởng vật linh cơ bản mà thôi.4
E.B. Tylor còn cho rằng, sự thờ cúng cây cối của cư dân Nam Á có liên quan đến đạo Phật? Ngay cả hiện nay, những vùng còn ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo, tín ngưỡng thờ cây với nội dung hoàn toàn xác định về lý thuyết lẫn thực tiễn. Trong triết học Phật giáo, người ta không coi cây thuộc vào những thực thể có cảm giác, được phú cho lý trí, nhưng cũng đi đến việc thừa nhận sự tồn tại của các thần cây. Chính bản thân của Đức Phật trong thời gian hóa kiếp của mình, Ngài đã từng bốn mươi ba lần làm thần cây. Truyền thuyết kể rằng, trong một lần như vậy, có một thầy Bàlamôn thường cầu nguyện cái cây (cây bồ đề) có Phật sống trong đó. Sau khi đã hóa thân, Phật trách thầy Bàlamôn kia sao lại cầu nguyện với một thực thể không có linh hồn, chẳng biết gì và chẳng thấy gì hết. Nhưng ngày nay, hầu như trong các ngôi chùa hay ở bất kỳ một nơi nào đó, cây bồ đề vẫn được người ta tôn vinh và cầu nguyện trước nó.
Cũng từ sự liên quan giữa tín ngưỡng thờ cúng cây cối với Phật giáo thì ở nước ta, điều này thể hiện khá rõ qua truyện "Man Nương" được ghi trong Lĩnh Nam chích quái, quyển sách được viết bằng chữ Hán vào thời Trần. Theo sách này, thời Hiến đế nhà Hán, có vị sư Già La Đồ Lê từ Tây phương tới và trụ trì trong một ngôi chùa bên sông Bình Giang (nay là Thiên Đức Giang). Vị sư này có phép thuật nên mọi người kính phục và họ kéo nhau đến học đạo. Thời ấy, có người con gái tên Man Nương, cha mẹ đều qua đời, mộ đạo nhưng bị tật nói lắp nên nàng đến chùa chỉ lo việc bếp núc. Vào một đêm trăng, khi Man Nương nấu thức ăn đã chín mà các sư đồ tụng kinh chưa xong, nàng mệt nên nằm tựa ở cửa bếp không ngờ ngủ quên. Sư Già La Đồ Lê bước qua người nàng, từ đó nàng mang thai rồi hạ sinh một bé gái. Sau đó, nàng đem con trả lại cho sư. Sư bèn đem bé gái đặt vào một hốc cây phù dung nằm ở ven sông nhờ giữ giúp. Khi Man Nương ngoài chín mươi, cây phù dung bật gốc trôi ra bến sông trước cửa chùa, cứ quanh quẩn ở đấy không trôi đi. Dân làng định bổ làm củi nhưng rìu nào chặt vào cũng đều bị gãy bèn đưa hơn 300 người trong làng ra kéo cây gỗ lên mà không chuyển. Gặp lúc Man Nương xuống bến rửa tay, thử kéo thì cây chuyển động và bà đã kéo lên bờ để tạc bốn pho tượng Phật. Khi xẻ cây gỗ đến chỗ đặt đứa con thì thấy đã hóa thành tảng đá rắn chắc. Họ dùng rìu đập nhưng tảng đá không vỡ bèn vứt xuống sông thì có luồng sáng phát ra. Dân làng bèn nhờ Man Nương vớt lên, rước vào điện thờ, đặt vào bên trong tượng Phật, tượng Phật tự nhiên trông như mạ vàng. Từ đó, người ta gọi tảng đá là Thạch Quang Phật, còn Man Nương gọi là Man Nương Phật Mẫu.5
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cây cối là biểu tượng của sự sống trong tiến hóa liên tục, trong sự vươn lên về phía trời, cây gợi nhớ toàn bộ hàm nghĩa biểu trưng của chiều thẳng đứng. Mặt khác, nó cũng được dùng để biểu thị tính tuần hoàn của vũ trụ, đó là cái chết và sự tái sinh; đặc biệt lá cây gợi ý niệm về sự tuần hoàn bởi cây cối hàng năm trút lá rồi lại mọc lá mới. Do đó, cây cối là một hình ảnh biểu trưng về một bản thể vượt lên trên nó, chính cái bản thể ấy mới có thể trở thành đối tượng của sự thờ bái.6
Tuy có nhiều cách giải thích về hiện tượng, hình thức thờ cúng cây cối, đó là tùy theo văn hóa của từng dân tộc, tôn giáo khác nhau. Nhưng cho dù bắt nguồn từ cơ sở nào chăng nữa thì tín ngưỡng thờ cúng cây cối phần lớn liên quan đến việc con người chưa có khả năng giải thích hết được thế giới tự nhiên xung quanh và họ sợ hãi khi cuộc sống gặp điều kiện trở ngại, khó khăn.
2. Tín ngưỡng thờ cúng cây cối ở Đà Nẵng
Đà Nẵng là vùng đất nằm ở trung độ của đất nước, nơi đây có lưu dân người Việt đến tụ cư, sinh sống vào khoảng thế kỷ XIV, nhất là sau cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm với công chúa Huyền Trân của Đại Việt. Vua Chiêm là Chế Mân đã dâng hai châu Ô, Lý (Rý) làm sính lễ. Sau đó, vua Trần Anh Tông đã đổi châu Ô thành Thuận châu và châu Lý thành Hóa châu. Từ đó, những đợt di dân của người Việt vào vùng đất Đà Nẵng diễn ra liên tục và tùy theo từng thời điểm lịch sử khác nhau. Điển hình như: cuộc di dân của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ theo chính sách của cha con Hồ Quý Ly đầu thế kỷ XV; di dân theo cuộc viễn chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471; di dân từ miền Bắc vào sau khi Nguyễn Hoàng trấn thủ xứ Thuận Quảng năm 1558; di dân từ Quy Nhơn, từ miền Nam ra dưới thời Nguyễn Huệ và thời kỳ đầu vương triều nhà Nguyễn khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX; di dân từ miền Bắc vào Nam trong những năm 1954 - 1955; di dân từ Huế vào trong thập niên 60 của thế kỷ XX; và di dân từ miền Bắc vào sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng năm 1975.
Từ những đợt di dân này, người Việt đến định cư tại Đà Nẵng ngày càng nhiều. Trên hành trang thiên di của những lớp cư dân này, ngoài những gì cần thiết cho cuộc sống nơi vùng đất mới thì họ còn đem theo vốn văn hóa truyền thống của mình ở quê hương cũ. Bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần Thành hoàng,… thì thờ cúng cây cối cũng là một trong những niềm tin của họ về sự chở che, cứu giúp họ vượt qua những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Trong một lần du hành đến Đà Nẵng vào cuối thế kỷ XVIII, J. Barrow - người Anh, đã nhận xét về tín ngưỡng thờ cúng cây cối của cư dân nơi đây: “Thực vậy, cây cối đã là một loại đền miếu đầu tiên được dành cho các thần linh. Đối với con người khi mới thoát khỏi trạng thái tự nhiên nguyên sơ, những đối tượng to lớn nhất hiện ra trước mắt họ tỏ ra là những vật được chú ý đến nhất đáng để thờ phụng. Như vậy là dưới đồng bằng có những cây cổ thụ đáng được tôn thờ, thì trên núi là những tảng đá, rắn chắc trên đỉnh cao”.7
Nếu như ở các quốc gia văn minh thời cổ đại, người ta thờ các vị thần trong những đền miếu nguy nga và việc thờ cúng đó đã được chấp nhận một cách phổ biến bởi các giáo đồ thời bấy giờ, thì ở Đà Nẵng, mãi cho đến thế kỷ XVIII, cư dân có những quan niệm khác, họ lấy làm mãn nguyện khi được thờ phụng các vị thần ở mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Bên những gốc cây cổ thụ hoặc trên cành cây, người ta có thể dùng một cái tráp bằng gỗ nhỏ hoặc những giỏ đan bằng dây liễu gai, bên trong thờ cúng một vị thần nào đó. J. Barrow cho rằng, lòng mộ đạo đơn độc của cư dân Đà Nẵng không đòi hỏi một không gian cần thiết cho việc thờ cúng như việc thờ cúng của một giáo đoàn. Ở đây, một vị thần linh mà họ thờ phụng nhằm phù hộ, che chở cho họ có thể được họ đặt ở bất kỳ góc nào của ngôi nhà hoặc đem theo trong túi. Ông miêu tả: “Bên rìa một lùm cây nhỏ gần vịnh Turon, người ta đã treo hoặc đặt cố định vào giữa các cành những hộp nhỏ bằng gỗ hoặc những giỏ đan bằng dây liễu gai, một số chứa những hình ảnh tượng làm bằng các vật liệu khác nhau, một số khác mang những tờ giấy vẽ hoặc thếp vàng cắt ra thành những hình thù khác nhau, những tấm gỗ nhỏ trên viết những chữ Hán, và nhiều chỉ dẫn khác ghi về các thần linh được cúng tế”.8 Những hình ảnh mà J. Barrow đã nhìn thấy và ghi lại phần nào giống như E.B. Tylor khi ông nói đến hình thức thờ cúng cây cối cũng như những mối liên hệ của nó ở một số tộc người trên thế giới: “Xét về mục đích tôn giáo thì không có một sự khác nhau thật sự nào giữa một cây thiêng và một cánh rừng thiêng cả. Cây có thể để dùng làm một cái bệ hay một cái bàn thờ, vừa thuận tiện, vừa lịch sự để bày những lễ vật lên cúng cho một thực thể ma. Thực thể này có thể là ma cây hay một vị thần địa phương nào đó sống trong đó, và cũng giống như người, nó có chỗ ở và một mảnh đất quanh chỗ ở. Bóng râm của một cây đơn độc… là những nơi mà như chính tự nhiên dành để thờ… Cuối cùng, cây chỉ có thể là một vật thiêng được thần thánh che chở hoặc gắn với thần thánh, hoặc đó cũng là một hình ảnh tượng trưng của thần thánh”.9
Cho đến nay, đã hơn 700 năm trôi qua, dưới tác động của thời gian, bom đạn chiến tranh cũng như quá trình đô thị hóa đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên mảnh đất Đà Nẵng, những cây cổ thụ được người dân thờ phụng riêng lẻ hay nằm trong các di tích phần nhiều cũng mất đi. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng hiện nay còn khá nhiều ngôi miếu liên quan đến tín ngưỡng thờ cây, hay những cây cổ thụ nằm riêng lẻ đã tồn tại lâu dài trong lịch sử, được người dân thờ cúng như: miếu Cây Đa ở tổ 15, phường Hòa Quý; miếu Cây Xoài ở tổ 26, làng Đông Trà, Hòa Hải; miếu Bồ Đề ở Hòa Hải, miếu Ông Mốc ở làng Đông Trà, Hòa Hải; miếu Ông Gốc ở làng cổ Nam Ô,...
Liên quan đến việc thờ cúng cây cối ở các di tích trên, kèm theo nó là những truyền thuyết dân gian mà đến nay vẫn được người dân trong vùng lưu truyền lại:
- Miếu Cây Đa (tổ 15, Bình Kỳ, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn): Nguyên trước đây nơi này có một cây đa cổ thụ mọc riêng lẻ, nhưng vào một năm mà đến giờ không ai còn nhớ, trời hạn hán, cây cỏ cũng không sống nổi, lúa ngoài ruộng thiếu nước nên bị chết hết. Dân làng rơi vào cảnh đói khát. Giữa cảnh đói ăn, thiếu nước như thế, tự nhiên cây đa trong làng lại ra rất nhiều hoa và cho trái trĩu cành. Người dân nhờ quả của cây đa mà thoát khỏi nạn đói. Nhân dân trong vùng cho rằng, thần cây đa thương bà con đói khổ nên đã ra tay cứu giúp. Vì thế, dân làng nhớ ơn nên đã lập một ngôi miếu nhỏ ở dưới gốc đa để thờ cúng. Hằng năm, cứ vào ngày 25 tháng 12 âm lịch, nhân dân trong làng lại tề tựu đông đủ về miếu tổ chức cúng thần cây đa. Đến ngày mùng 10 tháng ba âm lịch, người dân lại tổ chức lễ tế Xuân tại miếu nhằm cầu mong thần cây đa che chở, độ trì cho nhân dân trong làng bình yên, công việc làm ăn gặp nhiều may mắn.
- Miếu Ông Mốc (tổ 27, làng Đông Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn): Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây cũng là một hình thức thờ cây. Ông Mốc thực tế là một cột mốc được làm bằng gỗ dùng để phân chia địa giới hành chính giữa hai làng Khái Đông và Trà Khê với nhau. Theo thời gian, người ta thêm thắt vào đó những câu chuyện huyễn hoặc về sự linh ứng của cây cột mốc này và tôn xưng nó bằng danh từ tôn kính Ông Mốc. Người ta đã biến cây cột mốc trở thành một chốn linh thiêng, là nơi đến để cúng vái của nhiều người dân trong thôn xóm. Và tại nơi này, người ta đã dựng lên ngôi miếu để thờ ông. Miếu Ông Mốc hiện tọa lạc trên một gò đất cao, quay mặt về hướng bắc.
Kiến trúc miếu như hình một chiếc ấn có bốn cửa mở ra bốn hướng. Trong miếu không có bàn thờ mà đặt một lư hương với hai cây đèn, một lọ hoa. Vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch, khi người dân Hòa Hải tiến hành tổ chức lễ cúng xóm ở miếu Cây Xoài và miếu Bà gần đó thì các cụ lớn tuổi ở hai xóm phải đem lễ vật ra cúng xin phép Ông và rước Ông về miếu dự lễ. Còn hàng tháng, vào ngày mồng một và ngày rằm, người dân trong làng đến thắp nhang nhằm cầu xin cho con cháu trong gia đình ăn no, ngủ kỹ, mau lớn, dễ nuôi. Trong trường hợp đau ốm thường xuyên khó nuôi, người dân mang tên con “bán” cho Ông Mốc để ông nuôi giúp, sau một giáp (12 năm) lại sắm lễ vật bằng hương hoa, trà nước xin được chuộc về.
Sự thờ cúng Ông Mốc được J. Barrow nhận xét: “Người Nam Hà cực kỳ mê tín, và cũng như người Trung Quốc, việc thờ cúng của họ được thực hiện rất thường xuyên với quan niệm là để ngăn ngừa tội lỗi trong tâm tưởng hơn là hy vọng đạt được một điều tốt lành trong thực tế. Nói cách khác người ta sợ ma quỷ ác độc hơn là những thánh thần tôn kính. Ở nhiều nơi trong nước, họ dựng lên những cọc tiêu hay cột gỗ, không chỉ nhằm mục đích đánh dấu nơi xảy ra một tai họa lớn của đông người hay của cá nhân như một cuộc thất trận, một vụ giết người hay những sự cố bất hạnh khác, mà còn được coi như để làm dịu đi cơn giận dữ của những hung thần được coi là có ảnh hưởng đến việc xảy ra tai họa. Vì vậy, một khi trẻ sơ sinh chết đi, cha mẹ của nó cho là đã làm phật ý một quỷ thần ác độc nào đó, và họ đã gắng sức làm cho vị thần kia nguôi giận bằng những đồ cúng lễ như cơm gạo, dầu ăn, trà uống, tiền bạc hoặc bất cứ thứ gì mà họ nghĩ ra và cho là thích hợp nhất đối với vị thần nóng giận. Từ những tình cảm như vậy, người ta có thể dám hy vọng rằng tục lệ khủng khiếp giết trẻ sơ sinh không nằm trong số những phong tục tệ hại mà họ đã giữ lại của người Trung Quốc”.10
Còn nhà thơ Tú Quỳ trong bài Phú về Ông Mốc đã viết: “Biển hóa nên cồn / Đất chôn vững gốc / Sừng sững cột đồng nơi viễn tái gió thổi chi xiêu / Trày trạy trụ đá chốn trung lưu sóng xao chẳng trốc / Nước hai dòng chống chỏi, đòi phen giông tố dập bèo trôi / Làng bốn phía xa trông, ngợi tiếng anh linh mà rởn ốc / Tưởng nguyên ủy xưa / Cội cả trời sinh / Chồi non đất mọc / Xảy gặp thợ rừng xun búa nặng, ngọn ngành đà không bóng sum sê / Lần theo lái củi cột bè xuôi, bùn lấm lại từng phen lăn lóc / Rường cột cả không đương nhà Đức Thánh, bỏ giữa trời mấy độ phong sương / Cỏ cây còi thường dựa mả Ông Sư, đứng trên đất một cây giới mộc / Thần tế độ có ở đâu vậy, khốn thay gỗ mục cũng nên tài / Quỷ du hồn tới đó ăn chi, lạ thế cây khô mà có lộc / Phút nghe sở tại đạp đồng ngang / Sắm sửa bộ hành xuôi đò dọc / Thuốc truyền vạn ứng, danh kia chi nhượng THẦY VÀNG / Cho khắp bốn phương, hiệu ấy gọi rằng “ÔNG MỐC” / Kẻ vái lâm râm / Người quỳ lúc ngúc / Sấp ngửa đôi keo / Ít nhiều một vốc / Bệnh cấm khẩu giảo nha bất trị, miếng bã trầu là vị hồi sinh / Chứng phong lao cổ lại nan y, nắm vỏ chuối là thang bạt độc / Bổ tì phế tâm can chi cũng đó, một dề rêu hơn thuốc Bắc thuốc Nam / Chẳng sâm nhung trầm quế mà làm chi, một nắm rắc có tiền trăm bạc chục / Phải chi đặng một năm mười hai tháng cũng “mốc”, tiệm khách Ngô nhà thầy thuốc thất thế đói xo cò! / Phải chi đặng một tháng ba mươi ngày cũng “mốc”, lão bán quán mụ chèo đò ăn nhờ no óc nóc / Nào hay! / Thuốc dậy đồn vang / Hiệu không cơm cục / Mốc chẳng phải Bồng lai Tiên trục, Mốc có đâu diệu tế ngàn phương / Mốc chẳng qua lâm lạc cội tàn, linh chi đặng xác phàm một gốc / Du hoặc ấy do ai tác dũng, dựng một lời bởi các ông Hào / Linh nghiệm gì thiết cuộc tu trai, dối bày chúng vì ba Tướng gộc / Có có không không ghét cho đời ngoa lại truyền ngoa! / Hư hư thiệt thiệt thương những kẻ ngốc ơi quá ngốc”.11
- Miếu Ông Gốc (làng Nam Ô và Xuân Dương, quận Liên Chiểu): Đây là một ngôi miếu cổ liên quan đến tín ngưỡng thờ “một gốc cây” mà theo lưu truyền của cư dân làng Nam Ô và Xuân Dương thì sông Cu Đê12 (còn được gọi là sông Trường Định) bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn. Khi chảy đến Cầu Sập, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) thì hai chi lưu Bắc và Nam của nó đã hợp lưu với nhau tạo thành sông Cu Đê. Từ đây, sông chảy theo hướng tây đông, qua huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu, rồi đổ ra biển Đông tại cửa biển Nam Ô thuộc hai phường Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam cách chân đèo Hải Vân khoảng 5 km. Xưa kia, cửa sông Cu Đê “ăn” đến chân của núi Xuân Dương và núi Gành Nam Ô, chia cửa sông này thành hai dòng “hiền và dữ”, ghe thuyền ra vào theo dòng “hiền” lặng sóng. Sau một cơn bão, nhiều gốc cổ thụ từ trên núi đã xuôi dòng nước lũ trôi xuống, trong đó một gốc lớn nhất mắc vào bờ chắn ngang cửa sông lấn cả dòng “hiền”, làm cản trở ghe thuyền vào ra. Người dân trong làng cùng nhau khiêng khúc gỗ ấy đi mà không được, có người đem rìu ra chặt thì chặt vào chân mình. Biết là cây thiêng nên các cụ bô lão trong làng đã mang hương hoa ra cúng bái. Hơn năm sau, một cơn lụt lớn đã cuốn cây cổ thụ ấy trôi ra biển, trả lại dòng hiền cho dân làng. Bởi vậy mà người dân đã lập miếu ở cửa sông ấy gọi là miếu Ông Gốc.
Ngày nay, trước miếu Ông Gốc là nhà cửa của người dân mọc lên san sát, miếu có chiều cao chưa đầy 01 m và đã xuống cấp nhưng không được trùng tu lại nên vẫn giữ nguyên được kiến trúc như xưa. Miếu Ông Gốc tuy không được tế lễ linh đình như các ngôi miếu khác trên địa bàn quận Liên Chiểu nhưng vẫn được người dân hương hỏa vào những ngày rằm, mùng một và được thỉnh hương hàng năm. Trong văn tế của làng Nam Ô thì ông có thần hiệu là “Hải môn Ông Gốc chi thần”.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn hiện diện nhiều cây cổ thụ, một số cây người ta lập những cái khóm nhỏ để thờ, một số cây nằm trong khuôn viên miếu thờ như cây Găng nằm ở ngã ba đường vào làng Nam Ô (quận Liên Chiểu); cây đa cổ thụ bao bọc ngôi miếu Bà ở tổ 26, thôn Thị An, phường Hòa Quý; miếu Tam Vị ở tổ 2, làng Sơn Thủy; miếu Cây Xoài ở tổ 26, thôn Đông Trà; miếu Bồ Đề ở tổ 19, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn); và nhiều cây cổ thụ khác ở các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố. Tại những cây cổ thụ này, người dân luôn tin rằng, cây là nơi ngự trị của thần linh dân dã và các linh hồn bơ vơ không nơi nương tựa. Cây nào càng già cỗi, tán to, rậm rạp thì càng gắn bó nhiều với thần linh. Vào những ngày rằm, ngày mồng một, người dân thắp hương để tỏ lòng tôn kính các vị thần linh hoặc cầu cho những linh hồn bơ vơ về nương nhờ lộc Phật, không đi lang thang quấy nhiễu dân làng. Thậm chí người ta không dám chặt nhánh hay rễ cũng như thân cây, không để cho trẻ con leo trèo, phá phách cây, vì như thế sợ sẽ làm thần nổi giận. Mỗi khi trong làng, con cái bị đau ốm, người ta thường mang hương, hoa, bánh, trái ra gốc cây cúng để cầu xin thần giúp đỡ cho mau hết bệnh. Như vậy, việc thờ cúng cây cối trong các cộng đồng cư dân ở Đà Nẵng luôn là biểu tượng đẹp với hầu hết các ý nghĩa chuẩn mực: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, huyền bí, vừa mang hơi thở của cuộc sống, vừa mang đậm yếu tố tâm linh.
3. Thay lời kết
Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng cây cối là một loại hình tín ngưỡng rất độc đáo ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có thành phố Đà Nẵng (Việt Nam). Nó xuất phát từ lòng tin là xung quanh đời sống hiện thực của con người, có một thế giới vô hình tồn tại và hiện diện ở khắp mọi nơi, trong đó có thần, ma của cây cối. Ở đó các thần linh đang theo dõi và phù trợ cho thế giới của người sống.
Trên mảnh đất Đà Nẵng, tín ngưỡng thờ cúng cây cối là một bộ phận trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân. Đối với những cây cổ thụ lâu năm, người ta như cảm nhận được sự tồn tại của một lực lượng siêu nhiên đã chi phối, khống chế đời sống tinh thần của họ. Do đó, cho dù bắt nguồn từ cơ sở nào chăng nữa thì tín ngưỡng thờ cúng cây cối đều liên quan đến việc chưa giải thích hết được giới tự nhiên xung quanh con người và sự sợ hãi khi cuộc sống của họ gặp điều kiện trở ngại, khó khăn. Thần cây đã nằm ngoài giới hạn hiểu biết của họ. Thông qua sự thờ cúng, đã giúp họ thông quan với các thực thể, các sức mạnh siêu nhiên. Tất cả những niềm tin, sự thực hành và tình cảm tín ngưỡng của họ dành cho cây cối đều được sản sinh và tồn tại trong một môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa kể từ khi họ đặt chân đến vùng đất này.
Chú thích
1, 6 Jean Chevalier - Alain Gheerbrant, Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, (Đà Nẵng: Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, 2002), 141-142, 141.
2, 4, 9 E.B. Tylor, Văn hóa nguyên thủy, (Hà Nội: Văn hóa Nghệ thuật, 2000), 789-790, 788-789, 794.
3 Ngọc Hà, Tín ngưỡng, phong tục và những kiêng kỵ trong dân gian, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2011), 20.
5 Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, (Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ - Hồng Bàng, 2013), 85-86.
7, 8, 10 J. Barrow (2008), Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793), (Hà Nội: Thế giới, 2008), 103-104, 103, 104-105.
11 Thy Hảo Trương Duy Hy, Thơ văn Tú Quỳ, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2008), 123-127.
12 Toàn bộ chiều dài của sông tính từ xã Hòa Bắc tới biển là 38 km, trong đó tới hơn 30 km tại địa phận huyện Hòa Vang. Trên địa bàn quận Liên Chiểu, sông Cu Đê còn nhận một số chi lưu nhỏ ở hữu ngạn.

                                Tài liệu tham khảo
1. Toan Ánh. 2005. Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam (quyển Thượng, quyển Hạ). Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ.
2. J. Barrow. 2008. Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793). Hà Nội: Thế giới.
3. Jean Chevalier - Alain Gheerbrant. 2002. Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới. Đà Nẵng: Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du.
4. Nguyễn Đăng Duy. 2001. Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.
5. Ngọc Hà. 2011. Tín ngưỡng, phong tục và những kiêng kỵ trong dân gian. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.
6. Đỗ Trinh Huệ. 2006. Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L. Cadiere. Huế: Thuận Hóa.
7. Thy Hảo Trương Duy Hy. 2008. Thơ văn Tú Quỳ. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.
8. E.B. Tylor. 2000. Văn hóa Nguyên thủy. Hà Nội: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
9. Trần Thế Pháp. 2013. Lĩnh Nam chích quái. Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ - Hồng Bàng.
10. Tạ Chí Đại Trường. 2006. Thần người và đất Việt. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.
11. X.A. Tôcarev. 1994. Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
12. Sigmund Freud. 2001. Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo - Vật tổ và cấm kỵ. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội.
13. Nguyễn Minh San. 1998. Diện mạo tín ngưỡng Việt Nam. Hà Nội: Văn hóa Dân tộc.
14. Phòng Văn hóa - Thông tin quận Ngũ Hành Sơn. 2008. Di sản Văn hóa quận Ngũ Hành Sơn. Đà Nẵng.
14. Bảo tàng Đà Nẵng. 2009. Đà Nẵng - Di tích và danh thắng. Đà Nẵng: Đà Nẵng.

16. Vũ Văn Mẫu. 1980. Trên đường Nam tiến (Phần I: Cuộc Nam tiến trên đất Chiêm Thành). Sài Gòn.

Không có nhận xét nào: