Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Cồng chiêng Tây nguyên-Tây trường sơn trong xu thế hội nhập

Văn Thu Bích


                  Nghệ thuật cồng chiêng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của các tộc người thiểu số từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Cồng chiêng Tây nguyên cũng như cồng chiêng các tộc người thiểu số sống trên phía Tây dãy Trường Sơn chỉ có ý nghĩa đích thực khi sống trong chính không gian (môi trường) vốn có từ lâu đời, nơi mà ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa chưa hề chạm tới. Đây là yếu tố địa văn hóa mà theo giáo sư Trần Quốc Vượng là không thể tách rời được với loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này.    
               Nghệ thuật cồng chiêng, trong đời sống tinh thần của các tộc người thiểu số Tây Nguyên - Tây Trường Sơn.
                  Từ xa xưa cồng chiêng là những nhạc cụ thiêng, chỉ được diễn tấu trong các nghi lễ, nghi thức cúng tế, tiếng chiêng là ngôn ngữ được con người sử dụng để thông quan với thế giới siêu nhiên, thần linh, vì thế không được đánh chiêng trong các sinh hoạt vui chơi. Tuy nhiên, ngày nay cồng chiêng không chỉ hiện diện trong các sinh hoạt lễ hội dân gian mà còn có mặt trong các lễ thức đơn giản hoặc trong một số lễ hội đương đại với sự tham gia tích cực của các dạng thức hoạt động văn hóa sinh động.
                  Trong đời sống tinh thần của các tộc người thiểu số, cồng chiêng đi theo suốt vòng đời của con người, từ lễ thổi tai khi mới chào đời vài tháng tuổi đến lễ trưởng thành khi đã bước qua tuổi dậy thì, từ lễ cưới cho đến khi nằm xuống trở về với cát bụi đều có tiếng chiêng tiễn đưa đến nhà mồ, rồi tiếng chiêng lại ngân nga trong lễ Bỏ mã dẫn dắt linh hồn về với ông bà tổ tiên.
                  Tiếng chiêng chỉ trổi lên trong những thời khắc linh thiêng, quan trọng của đời người, tiếng chiêng thúc giục bao trai làng mạnh mẽ chiến đấu chống quân thù hoặc đệm theo các điệu múa dân gian trong các lễ hội đâm trâu mừng chiến thắng, mừng lúa mới và có lúc lại trầm lắng hòa cùng giọng kể khan của già làng khắc họa những câu chuyện đậm tính huyền thoại từ kho tàng sử thi quý báu.
          Như vậy, chiêng không chỉ là nhạc cụ đơn thuần trong hệ thống nhạc cụ truyền thống của các dân tộc mà chính là biểu tượng, là linh hồn và sức mạnh của mỗi dân tộc dù trong thời bình hay thời chiến.
          Chỉ riêng tại vùng cao Quảng Nam - Đà Nẵng nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn, trong thời gian chưa chia tách địa giới, hằng năm cũng đã tổ chức thường xuyên lễ hội các dân tộc thiểu số miền núi. Vào dịp này, dàn cồng chiêng của các tộc người Cơ tu, Xê đăng, Cor, Cadong đã trình diễn nhiều điệu cồng chiêng và múa dân gian truyền thống đặc sắc, tuy không gian văn hóa cồng chiêng vùng đất này không quy mô như không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, song nó vẫn có bản sắc riêng cần được quan tâm nghiên cứu.
                             
           Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Tây Trường Sơn trong xu thế hội nhập.
           Ngày nay không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Tây Trường Sơn, dưới góc độ tự nhiên, văn hóa, xã hội và trước những thách thức trong xu thế hội nhập. Những tác động của nhiều yếu tố văn hóa đa phương, đa dân tộc, không gian truyền thống “Làng gắn với rừng” bị phá vỡ do quá trình tái định cư vì các công  trình thủy điện được thiết lập, các làng định canh định cư theo mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế vườn. Hậu quả là nhiều làng, bản, nhà gươl biến mất, cồng chiêng thiếu vắng. GS Ngô Đức Thịnh đã từng nói rằng: Nhà gươl là đặc trưng của vùng Trường Sơn ”, thế mà thậm chí có vùng dân tộc không còn nhà gươl để tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của cộng đồng. Đáng buồn là có đồng bào do thiếu nhận thức, có tiền chỉ muốn mua sắm xe máy, tivi… mà không mua cồng chiêng, bởi với họ cồng chiêng không còn là một thứ tài sản quý giá. Trước thực trạng này, ngành văn hóa cũng đã tiến hành sưu tầm, thống kê và tập hợp lại một cách hệ thống cồng chiêng trong tổng thể không gian văn hóa cồng chiêng, từ đó mới có thể giới thiệu, quảng bá cồng chiêng như một sản phẩm văn hóa du lịch thực thụ. Cụ thể, từ năm 2008, Sở VH,TT&DL thành phố Đà Nẵng đã thực hiện công trình về văn hóa của người Cơ Tu vùng cao Hòa Bắc và Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam đã tiến hành triển khai đề tài sưu tầm nghiên cứu về không gian văn hóa cồng chiêng của các tộc người thiểu số Quảng Nam.
                  Trong năm 2007, nhiều hội thảo khoa học về âm nhạc dân tộc trong phạm vi quốc gia và quốc tế đã được tổ chức như hội thảo chuyên đề Thống kê về di sản âm nhạc dân tộc do Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức tai Hà Nội, hội thảo khoa học không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Daklak, hội thảo Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng các tộc người thiểu số Quảng Nam tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Qua các cuộc hội thảo, chúng tôi nhận thấy một vấn đề chung đã được đề cập đến là :“Làm thế nào để bảo tồn và phát huy cồng chiêng, một loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian đặc sắc trong không gian văn hóa cồng chiêng các tộc người thiểu số trong thời kỳ hội nhập? “ .
                  Cũng có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề vai trò của cồng chiêng trong đời sống đương đại, bởi vì ngày nay cồng chiêng đã dần dần thoát khỏi môi trường của các nghi lễ đậm tính thiêng, đậm màu sắc huyền thoại, để hòa nhập với các sinh hoạt đời thường và các bài chiêng đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, các dàn chiêng chính là những nhạc cụ dân gian đích thực. Cồng chiêng đang trên đường nghệ thuật hóa, vì thế cần được quan tâm đúng mức để có phương thức bảo vệ thật hữu hiệu tài sản vô giá này của nhân loại. Cần nỗ lực ngăn cản không để tình trạng chảy máu cồng chiêng tiếp diễn, không nên ứng xử thô bạo với cồng chiêng, một bộ phận quan trọng trong không gian văn hóa cồng chiêng nước Việt, các cơ quan chức năng cần có biện pháp không để xảy ra việc kinh doanh thu lợi nhuận từ việc lấy cồng chiêng phục vụ cho nhu cầu vật chất bằng cách đem cồng chiêng nung chảy thành những khối đồng vô tri vô giác, một thứ kim loại có giá trị hàng hóa cao nhưng vĩnh viễn đã bị tước đi giá trị văn hóa tinh thần vốn có. Quảng Nam có làng nghề đúc đồng Phước Kiều, được vang tiếng trong cả nước. Vào cuối tháng 11/ 2007 tại Bản Đôn, trong khuôn khổ festival Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, quy trình đúc đồng được các nghệ nhân làng nghề Phước Kiều thực hiện khá độc đáo, thu hút nhiều người xem, trong đó có GS Trần Văn Khê, GS Tô Ngọc Thanh cùng một số nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài...
                  Có một vấn đề khá quan trọng nữa cũng được nêu ra trong các hội thảo, đó là việc hiện đại hóa, khoa học hóa cồng chiêng bằng việc sửa chiêng và lên dây theo hàng âm phương Tây, làm mất đi bản sắc tự nhiên của cồng chiêng đã có từ ngàn xưa. Tại festival “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên 2007”, các nhà nghiên cứu văn hóa kỳ cựu của đất nước buộc phải lên tiếng trước hiện tượng giao hưởng hóa cồng chiêng trong chương trình biểu diễn khai mạc giới thiệu cồng chiêng các tộc người Tây nguyên trước đông đảo công chúng trong và ngoài nước qua sóng truyền hình trực tiếp của VTV. Từ đó thiết tưởng các địa phương khác nên rút kinh nghiệm, thận trọng hơn để tránh lập lại con đường cải biên quảng bá đáng phê phán đã xảy ra ngay trên mảnh đất được mệnh danh là xứ sở của cồng chiêng.
               Bảo tồn và phát huy nghệ thuật cồng chiêng của các dân tộc thiểu số vùng cao Tây Nguyên - Tây Trường Sơn.

                  Hơn nữa, để việc lưu giữ - phát huy cồng chiêng các dân tộc thiểu số vùng cao Tây Nguyên - Tây Trường Sơn thực sự trở thành chiến lược hữu hiệu, nên chăng hằng năm, chúng ta thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan - hội thảo về văn hóa cồng chiêng trên phạm vi toàn quốc để lắng nghe và cập nhật nhiều thông tin hơn trong quá trình bảo tồn - phát huy di sản văn hóa quý giá này, đồng thời nghiên cứu thấu đáo hơn về khía cạnh văn hóa nghệ thuật cũng như bản sắc dân tộc của nó. Ngoài ra chúng ta cũng nên nhận thức rằng văn hóa cồng chiêng của các tộc người thiểu số ở vùng cao Tây Trường Sơn là một bộ phận trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Bởi lẽ các tộc người này có địa bàn cư trú tiếp giáp về thiên nhiên và có mối quan hệ đồng tộc.
                  Có lẽ chính vì thấy rõ vai trò quan trọng của loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian độc đáo này, cho nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Học viện âm nhạc Huế, trong đó cồng chiêng Tây Nguyên trở thành một bộ môn chính thức được đưa vào chương trình nghiên cứu - đào tạo nhằm chú trọng gìn giữ và phát huy giá trị bên cạnh Nhã nhạc cung đình Huế. 
                  Với bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một vài suy nghĩ về việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật cồng chiêng các tộc người thiểu số ở vùng cao miền Trung nói riêng và cộng đồng các tộc người đang sống trên dải đất Việt Nam nói chung. Mong rằng các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu và hoạt động văn hóa sẽ sớm có hành động thiết thực thể hiện rõ hơn tinh thần trách nhiệm đối với nghệ thuật cồng chiêng, di sản văn hóa của nhân loại để cho cồng chiêng mãi mãi là dấu ấn đậm nét của quá khứ còn được lưu giữ trân trọng, không chỉ trong tâm thức đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên - Tây Trường Sơn mà còn ngân vang rộn rã hơn trong không gian thực, đầy sống động của các nghi lễ, lễ hội dân gian từ các làng buôn xa xôi và được giới thiệu sâu rộng đến công chúng cả trong những lễ hội hiện đại với vai trò kết nối quá khứ với hiện tại, thể hiện được tinh thần cộng cảm sâu sắc mãi trường tồn với thời gian của các tộc người thiểu số vùng cao miền Trung.

          Hỡi làng buôn, hỡi núi rừng hùng vĩ
                              Hãy trổi lên giai điệu của cồng chiêng
                              Cùng ngợi ca sự no ấm lành yên

                              Của mảnh đất thần linh từng che chở.

Không có nhận xét nào: