Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Văn hóa biển trong tâm thức hội nhập của người xứ Quảng từ truyền thuyết dân gian

Tần Hoài Dạ Vũ

Văn hóa biển của người xứ Quảng có lẽ đã được phôi thai từ những truyền thuyết, mà “Sự tích Ngũ Hành Sơn” là một truyền thuyết tiêu biểu. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, khi nơi đây còn là một miền hoang địa, những bãi cát ngày đêm bốc hơi nóng hừng hực. Hơi mát của gió biển không thổi tan hết được chướng khí tụ mù mịt trên một vùng đất chưa hề có con người.
    Ngày kia, có một lão ngư dân bị đắm thuyền từ phương Bắc trôi dạt tới. Ông lão tự đi đốn cây, cắt tranh, dựng một túp lều con và sống thui thủi một mình trên bãi biển vắng.
    Một buổi sáng ấm áp, sóng gió bỗng cuộn lên. Lúc sau, có một con Rồng Vàng rẽ sóng tiến vào bờ. Rồng Vàng quằn quại hồi lâu, cát bụi bốc mù mịt, mây đen che kín bầu trời. Trong khoảng đất trời u ám ấy, bỗng có một tiếng thét lớn, rồi một làn ánh sáng lạ xuất hiện. Rồng Vàng đẻ ra một quả trứng rất lớn. Đẻ xong, Rồng lập tức quay về biển đông.
    Rùa Vàng hiện lên, bới cát ủ kín trứng rồng. Rùa Vàng gọi lão ngư dân sống trên bãi vắng tới, và dạy rằng:
  • Ta là thần Kim Quy. Ta muốn nhà người phải tận lực bảo vệ giọt máu này của Long quân!
Lão ngư  dân hỏi:
  • Già này sức cùng lực tận thì làm sao mà bảo vệ được?
Rùa Vàng bèn tháo chiếc móng chân của mình trao cho ông già và dặn rằng:
  • Ta giao cho ngươi khí giới của ta, những khi thật cần thiết, ngươi hãy đặt ngay nó vào tai, ta sẽ có cách giúp!
    Từ  đó, lão ngư dân hết lòng hết dạ bảo vệ  trứng rồng, cúc cung tận tụy, không hề dám lơ  là nửa buổi. Trứng rồng cứ theo ngày tháng lớn lên, dầu lão ngư dân có che đậy bằng cây lá, có không ngừng gánh cát đổ lên phủ kín trứng, cũng chẳng thấm vào đâu. Giữa bãi cát trắng, trứng cứ không ngừng cao lên, to ra, màu vỏ trứng lấp lánh năm sắc, trông tựa như một hòn ngọc khổng lồ, phản chiếu ánh dương quang.
    Ngày kia, có một đạo quân xa lạ tràn đến, đốt cháy túp lều nhỏ bé của lão ngư dân. Gươm đao tua tủa, chúng hăm hở kéo tới bên cạnh trứng rồng, tưởng chừng chỉ trong phút chốc chúng có thể ùa vào đập tan cái trứng khổng lồ kia. Nhờ có móng rùa của thần Kim Quy, ông cụ đã kịp thời bốc cát ném ra chung quanh. Lạ thay, những nắm cát nhỏ bé ấy, trong giây phút, cháy lên thành một vòng rào lửa, vây hãm bọn giặc hung ác. Chẳng còn tên nào sống sót để quay về.
    Sau đúng một ngàn ngày đêm, trứng rồng bỗng nứt ra. Một cô gái xinh đẹp tựa như tiên nga ra đời. Nàng lớn nhanh như thổi. Giữa một mảnh vỏ trứng, có một chiếc hang như được dành sẵn cho nàng. Trong chiếc hang thoáng mát kia, có hai cái vú đá không ngừng tuôn ra một dòng sữa trắng để nuôi nàng. Còn muôn chim thì đua nhau đến nhảy nhót hót ca giúp vui cho nàng, và tha bông vải đến dệt áo cho nàng mặc, tha sợi đay về dệt thảm cho nàng trải. Nàng Tiên ngày một lớn, ngày một đẹp khác thường.
    Một hôm, nàng nhặt những viên đá nhỏ có năm sắc lấp lánh vương vãi bên chân nàng ngồi, ném ra chung quanh. Lạ thay, mỗi viên sỏi ngũ sắc rơi xuống đều mọc lên một loài hoa lạ, có năm cánh. Về sau, những người dân từ phía Bắc đến, đã dùng loại hoa Tứ quý này để chữa bệnh thời khí và bệnh sốt rét.
    Vào một đêm trăng sáng, Nàng Tiên xinh đẹp tuyệt trần kia được Rùa Vàng hiện lên đưa đi mất.
    Còn lão ngư dân, trước khi trả lại móng rùa cho thần Kim Quy, đã được mách bảo cho tìm thấy một chiếc hang xinh đẹp, thoáng mát trong lòng một mảnh vỏ trứng rồng, trên nóc hang có ánh mặt trời soi dọi, trước hang có cây cỏ xanh tốt mọc đầy. Lão ngư dân dọn vào ở hẳn trong lòng hang. Về sau, chẳng ai còn biết tin gì về ông lão.
    Năm mảnh trứng rồng nứt ra cứ lớn mãi, lớn mãi lên, thành năm ngọn núi. Ngày nay, năm cụm núi ấy vẫn còn, và do đá núi có năm sắc lấp lánh nên người ta gọi là núi Ngũ Hành. Người dân vùng đất Tiên Sa này còn cho rằng khi Rồng Vàng ở cử, trong cơn quằn quại đã vô tình làm lở đất thành dòng sông Cẩm Lệ và sông Hàn ngày nay.(Văn nghệ Dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng, Tập 2, trang 58-60) (1).
    Từ  truyền thuyết này, có hai vấn đề để suy nghĩ.
    Thứ  nhất, là sự sáng tạo của dân gian xứ Quảng. Về “Sự tích núi Ngũ Hành”, trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” (Tập 1, trang 298), Nguyễn  Đổng Chi có ghi chép một chuyện có nội dung khác với truyền thuyết chúng tôi sưu tầm được, như đã kể trên. Nguyễn Đổng Chi cũng cho biết, còn có một dị bản nữa, cho rằng núi Ngũ Hành là năm ngón tay của Đức Phật đè lên mình Đại thánh. Năm ngón tay đó làm nên năm hòn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Truyền thuyết này rõ ràng là có ảnh hưởng từ “Tây du ký” của Trung Quốc. Còn với truyền thuyết của dân gian xứ Quảng, thì không thể phủ nhận tính sáng tạo trong cả nội dung và hình tượng văn học.
    Thứ  hai, với truyền thuyết “Sự tích Ngũ Hành Sơn”, nàng thiếu nữ xinh đẹp như cô tiên tượng trưng cho những con người sinh ra trên vùng đất này, và đó chính là con đẻ của Rồng Vàng, đến từ biển cả. Phải chăng, đây cũng là hình tượng phát sinh từ truyền thuyết về nguồn gốc của dân tộc Việt: con Rồng. Kể cả cái móng của thần Kim Quy. Và hình ảnh người thiếu nữ lớn nhanh như thổi rất giống với sự lớn mạnh của Thánh Gióng, kể cả việc bay về trời. Như vậy, rõ ràng dân gian xứ Quảng vừa dựa vào truyền thống văn hóa dân tộc, vừa có sự sáng tạo hình tượng mới, phù hợp với những con người đi mở đất, vốn giàu tinh thần khám phá. Và quan trọng hơn, hình tượng văn học ấy tạo nên tâm thế mới, gắn với biển, của những người con xứ Quảng.
    Đến hiện thực lịch sử.
     Chúng ta biết rằng, là một dân tộc sở hữu đến hơn ba ngàn cây số bờ biển, nhưng người Việt lại không sở hữu một năng lực đi biển xuất chúng, hay nói chính xác hơn chúng ta không  có truyền thống chinh phục biển.
     Nhìn lại suốt  chiều dài lịch sử, dễ dàng nhận ra rằng, người Việt là những nông dân lúa nước, chỉ chuyên tâm sống trên đất liền và luôn sợ biển, hoàn toàn không có những cuộc chinh phục biển một cách quy mô. Chính vì thế, ông cha chúng ta không có những tàu thuyền lớn; cũng không hề làm chủ những kinh nghiệm hàng hải đáng kể,  chứ chưa nói là lâu đời.
     Nhưng lịch sử bao giờ cũng có những bước đi lạ  lùng của nó. Không sống với biển, không làm chủ  mặt biển, nhưng dân tộc Việt lại là những người mở mang bờ cõi nhờ biển.
     Từ  sau bước chân vu quy của công chúa Huyền Trân, cuộc Nam tiến bắt đầu hình thành, tuy mỗi  thời  với mức độ rầm rộ hay nhỏ  lẻ khác nhau, và cũng có thể kéo dài trong suốt  nhiều năm tháng hay có khi chỉ vài đợt ngắn hạn rồi lại ngưng. Người Việt tiến về phương Nam bằng đường bộ, thông qua các cuộc chinh phạt, mở rộng công cuộc khẩn hoang bằng chính sách lập thôn ấp, làng xã mới, tận dụng lực lượng tù binh, những kẻ tội đồ và cả những nông dân “không có mảnh đất cắm dùi” ở phía Bắc, những người nuôi khát vọng tìm con đường sống bằng những cuộc di cư. Nhưng đáng nói hơn là người Việt đã tiến về phương Nam bằng đường biển.
     Với những ghe thuyền nhỏ, đi theo từng nhóm nhỏ, những kẻ phiêu bạt vì ước mong tạo dựng được cơ  ngơi trên vùng đất mới, đã men theo bờ biển, tiến dần về phương Nam.  Đi  theo lối này vừa dễ thực hiện, vừa bảo toàn được sinh mạng, vì lỡ có gặp gió bão thì cũng dễ tấp ngay được vào đất liền. Bằng con đường men theo bờ biển  đó,  khi gặp các cửa sông, những người đi tìm đất sống liền lần theo đó mà đi sâu vào nội địa. Rồi khi gặp được những địa điểm thuận lợi cho cuộc sống, nhận thấy vùng đất mới có thể sinh cơ lập nghiệp được, họ dừng lại  khẩn hoang, sinh sống và tạo dựng nên làng xã. Các gia phả của rất nhiều dòng họ từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào đều có ghi nhận điều đó. Ta hãy nhớ lại chuyến đi của Nguyễn Hoàng. Tuy trên danh nghĩa là vào trấn thủ đất Thuận Hóa, nhưng kỳ thực đó là cuộc trốn chạy nhằm thoát khỏi sự sát hại của Trịnh Kiểm, mà Nguyễn Hoàng đã được cậu ruột là Thái phó Nguyễn Ủ Dĩ (có sách viết là Kỷ) mách bảo, và cũng được Trạng Trình chỉ đường bằng tám chữ: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Đầu năm 1558, như sách Đại Nam thực lục tiền biên  ghi, bất chấp thời tiết giá rét, Nguyễn Hoàng dẫn con  em và những người thân tín giong buồm đi ngay, từ cửa  bể Nam Định. Chúng ta phải  hiểu là, Nguyễn Hoàng sở dĩ chọn đi đường biển vì sợ đi đường bộ dài ngày, dễ bị Trịnh Kiểm thay đổi ý kiến, cho  quân đuổi theo bắt lại. Vài ngày sau, Nguyễn Hoàng cập thuyền vào xứ Sa Khư (bãi Cồn Cỏ) ở làng Ái Tử, huyện Vũ Xương, nay thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Điềm “Trời cho nước”, mà Thái phó Nguyễn Ủ Dĩ suy nghiệm qua việc nhân dân Ái Tử dâng Nguyễn Hoàng 7 vò nước, khi ông cùng tùy tùng vừa  từ cửa Việt tiến vào, có thể chỉ là một thứ “tâm lý chiến” nhằm  chiêu dụ dân chúng vốn hay tin vào mệnh trời, mà cũng  để trấn an chính những người ra đi tìm đất sống. Vô tình, chuyến đi của Nguyễn Hoàng trở thành “kiểu mẫu” cho những cuộc di dân về sau, theo đường biển.
     Người Việt, trên đường Nam tiến, đã dựa vào các dòng sông để lập nghiệp. Đi dần từ cửa sông lên đến thượng nguồn, các thôn ấp, làng xã lần lượt ra đời. Điều này cũng dễ hiểu, vì phần lớn các nền văn hóa cổ của nhân loại cũng đều hình thành ở lưu vực các dòng sông lớn: văn hóa Ai Cập ở lưu vực sông Nile; văn hóa Lưỡng Hà ở lưu vực hai dòng sông Tigris và Euphrates; văn hóa Ấn Độ ở lưu vực sông Indus; văn hóa Trung Hoa ở lưu vực sông Hoàngg Hà. Còn văn hóa Hy - La cổ thì ở ven biển Địa Trung Hải.
     Xem thế biển, hay nói đúng hơn là văn hóa sông biển, đã là nguồn gốc hình thành và phát triển của rất nhiều dân tộc. Có nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa nước của người Việt Bắc bộ về cơ bản là “văn hóa sông nước; với ứng xử quay lưng lại biển”. Ven biển Trung bộ với bờ biển lồi ra, nước biển sâu, thuận tiện cho giao lưu đường biển; vì vậy, cư dân Champa xưa, cũng như cư dân Việt về sau, đều theo nghề đi biển. Do đó, văn hóa nước miền Trung là “văn hóa biển cả”. Chỉ khi tới Nam bộ, văn hóa nước của người Việt mới có đủ cả hai yếu tố “sông nước” và “biển cả”. Miền Đông Nam bộ đất cao, bờ biển vẫn lồi ra, nước biển vẫn sâu, văn hóa nước thiên về biển cả. Miền Tây Nam bộ là đồng bằng châu thổ sông Mê Kông mênh mông kênh rạch với nước trắng một màu len lõi khắp nơi, thì văn hóa thiên về sông nước (2).
     Như  vậy, tuy người Việt không sống chủ yếu bằng nghề  biển, trong quá khứ không có những đội chiến thuyền, thương thuyền lớn làm chủ mặt biển, nhưng người Việt, trên con đường mở cõi về phương Nam, đã biết dựa vào biển. Và trong lịch sử  phát triển của dân tộc, đã từng mở rộng giao lưu, thương mại với thế giới bên ngoài thông qua các hải cảng. Dưới thời các Chúa Nguyễn, Đàng Trong đã phát triển rực rỡ, mở rộng Tổ quốc đến tận Châu Đốc, Hà Tiên và các hải đảo Côn Lôn, Phú Quốc, cùng các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; mở ra thêm cho đất nước một diện tích lớn bằng một nửa diện tích quốc thổ. Ngay từ năm 1617, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã viết thư mời Công ty Đông Ấn của Hà Lan ở Malacca đến Hội An buôn bán. Đến năm 1651, Toàn quyền Hà Lan ở Batavia muốn giao hảo, buôn bán với xứ Đàng Trong, nên cử sứ giả Veriegen sang thương nghị và ký hiệp ước thương mại với chúa Nguyễn Phúc Tần.
     Công cuộc giao lưu, hội nhập của các Chúa Nguyễn quả  là bài học về cách ứng xử với biển cho các thế hệ về sau. Vì nhờ lòng hiếu khách và chính sách ngoại giao, thương mại khôn khéo ấy mà thương cảng Hội An và toàn bộ xứ Đàng Trong đã một thời phồn thịnh, phát triển vượt bậc, nhất là bảo vệ được chủ quyền đất nước, trong khi cũng vào thời điểm lịch sử đó, các nước Philippine, Indonesia, Malaysia, Macau… lần lượt rơi vào tay bảo hộ hoặc thuộc địa của các thế lực thực dân phương Tây. Chỉ tiếc rằng, sau đó đất nước ta cũng chịu chung cảnh ngộ, trở thành thuộc địa của Pháp, do sự hẹp hòi, thiếu hiểu biết của triều đình nhà Nguyễn. 
    Và hiện thực xã hội.
    Văn hóa nước miền Trung là “Văn hóa biển cả”, như các nhà nghiên cứu đã nhận định. Điều ấy rõ ràng đã được lịch sử chứng minh. Dẫu đấy có là “Tư duy văn hóa biển lấy đất liền làm trung tâm để tiếp cận với biển khơi”, như Bùi Văn Tiếng đã nhận xét (3), thì cũng không thể phủ nhận rằng, đối với người Việt Nam sinh trưởng ở miền Trung, văn hóa biển vẫn có dấu ấn đậm nét, và vẫn được thể hiện rõ hơn, bằng chứng là người Quảng Nam  - Quảng Ngãi đã từng tham gia “Đội Hoàng Sa” để bảo vệ biển trời Tổ quốc.
    Và  phải chăng, chính vì địa - văn hóa của miền Trung đã thể hiện tinh thần văn hóa biển cả (đất nhô ra biển, nước biển sâu, nhiều người sống bằng nghề đi biển), mà ngay từ xưa các đội ghe bầu của người xứ Quảng đã chuyên chở hàng hóa đi khắp nơi, ra Bắc vào Nam, kể cả sang các cảng biển Đông Nam Á. Cũng phải chăng, chính với địa - văn hóa ấy, mà tính cách của người miền Trung nói chung, của người Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng, là luôn cương cường, mạo hiểm, thích xông pha, khám phá. Trong chiến tranh, đó là tinh thần “đi đầu diệt giặc”, trong thời bình là hình ảnh của những đội tàu đánh cá xứ Quảng đi khắp các ngư trường Bắc Nam và ra tận khơi xa.
    Còn hiện thực đời sống hôm nay, thành phố Đà Nẵng đang muốn tiến ra biển cũng là một minh chứng sống động cho tư duy văn hóa biển; trong đó, khu đô thị “Vầng trăng khuyết” có thể coi là tiêu biểu. Nhưng đó cũng chỉ mới là cái nhìn ra biển từ đất liền. Còn mở rộng con đường tiến ra biển, đồng thời với việc kéo biển lại với mình, kéo thế giới lại với mình trong các lĩnh vực kinh tế – chính trị và du lịch mới là điều quan trọng, không chỉ có chính quyền mà mọi người dân Đà Nẵng hiện nay cũng cần phát huy, thực hiện.
    Ngày nay, chúng ta đang tiến ra biển trên con đường hội nhập. Nhưng điều quan trọng là hòa nhập mà không để hòa tan; trong đó, việc hội nhập văn hóa là quan trọng nhất, cần thiết nhất, nhưng làm sao để vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mới là điều hệ trọng, có tính sống còn. Vì văn hóa là linh hồn của dân tộc. Và đánh mất văn hóa dân tộc chính là khởi đầu của sự băng hoại, mất gốc, dẫn đến lệ thuộc. Chúng ta cần hướng ra biển, tiến ra biển, nhưng như đã nói, cũng cần kéo biển lại với ta, kéo thế giới lại gần ta. Bài học văn hóa biển, cho tới nay, nhất là trong tình hình hiện nay, vẫn là bài học lớn trong tâm thức hội nhập của dân tộc ta. 
    Trình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình 
này.
1.                  Truyền thuyết  “Sự tích Ngũ Hành Sơn”, chúng tôi sưu tầm được vào năm 1981, ghi chép từ ông Nguyễn Hải ở xã Hòa Hải, và ông Phan Phụng Nguyên, quê gốc làng Phong Thử, xã Điện Thọ, Điện Bàn, lúc truyền đạt cho chúng tôi ông đang sống ở Hội An. Chúng ta đều biết, trong việc tìm hiểu văn học dân  gian có 2 công đoạn rõ rệt: sưu tầm và nghiên cứu. Tác phẩm văn học dân gian là sáng tác của tập thể nhân dân rộng lớn, nhiều đời, nhưng người sưu tầm đã văn bản hóa tác phẩm ấy và công bố rộng rãi, thì không thể phủ nhận công lao của họ được. Với những ai chỉ làm việc nghiên cứu từ vốn tư liệu đã được công bố, thì sự liêm khiết trí năng buộc người nghiên cứu ấy phải ghi rõ xuất xứ của tư liệu, của ấn bản tham khảo. Không thể nhập nhằng cho rằng tác phẩm dân gian là của chung, nên cứ ghi chép lại từ công trình sưu tầm của người khác một cách … vô tư. Trường hợp “Sự tích Ngũ Hành Sơn” nêu trên là một ví dụ cụ thể: Nhiều năm sau khi cuốn “Văn nghệ dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng”, Tập 2, được xuất bản vào năm 1984, và tái bản vào đầu năm 1986, một GS ở Hà Nội đã sao chép nguyên văn, không sai một dấu phẩy, trong một cuốn sách bề thế, mà không hề ghi rõ xuất xứ. Buồn thay!.

  1. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Văn hóa nước của người Việt (trong cuốn “Văn hóa sông nước miền Trung”, Nxb Khoa học Xã hội , HN, 2006, tr 425-442.
Bùi Văn Tiếng: Tư duy văn hóa biển trong ca dao đất Quảng (trong cuốn “Văn hóa sông nước miền Trung”, sđd, tr 163-169)

Không có nhận xét nào: