Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Đà Nẵng-Lịch sử hình thành và phát triển (Phần 1)


VÕ VĂN HÒE
Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng

          Từ những năm đầu thế kỷ XX trở lại đây, Đà Nẵng được nói đến trong nhiều tài liệu của Việt Nam và thế giới, song có một vấn đề đặt ra: Đà Nẵng có từ bao giờ ? Tên gọi của nó bắt nguồn từ đâu ? Vấn đề này đang trong tiến trình tìm hiểu và nghiên cứu. Đã có nhiều ý kiến phát biểu, song chưa có sự thống nhất nhận định sự xuất hiện của tên gọi Đà Nẵng.
          Trước năm 1975, thành phố Đà Nẵng được xem là lớn thứ 2 ở miền Nam , xếp sau thành phố Sài Gòn [1]. Nay là thành phố đứng thứ tư trong cả nước (sau thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng)[2].
Giới hạn: Đà Nẵng là thành phố nằm ở trung độ của cả nước, về tọa độ từ 1080 10’ 30” – 1080 20’ 30” kinh tuyến Đông, và 16 độ - 160 17’ 30” vĩ tuyến Bắc. Đà Nẵng cánh thành phố Huế 100 km về phía Bắc, cách thành phố Hội An 32 km về phía Nam, cách Hà Nội về phía Bắc 764 km và thành phố Hồ Chí Minh về phía Nam 964 km. Phía Bắc giáp vịnh Đà Nẵng, Tây và Tây Bắc giáp Tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Vùng ven nội thành có dãy núi Phước Tường, là rừng non, có độ cao từ 264m - 282m, kéo dài thành nhiều ngọn đồi từ tây Nam ra đến tây Bắc thành phố. Phía Đông giáp biển Đông nơi có dãy núi Sơn Chà (Trà), nhô ra biển tạo thành bán đảo, độ cao 693 m so với mực nước biển, rộng 4640 m2[3], 3 mặt giáp biển) gọi là Bán đảo Sơn  Chà. Dãy núi này được nối với đất liền bằng 1 dãy cát dài. Có chiều ngang trên 1 km, chạy dọc suốt cả phần phía Đông, tạo thành bán đảo Tiên Sa.
Diện tích: Sau năm 1954, Đà Nẵng vẫn là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương của chính quyền Sài Gòn, có diện tích 79,1km2, dân số 391.963 người [4], sông chiếm 201 ha, núi chiếm 4.804 ha, còn lại 4.403 ha là đất. Vì vùng đất nằm ven sông, ven biển, nên 2/3 diện tích bị cát phủ bề mặt, 1/3 còn lại là sông, núi và ít đất cát pha có thể cấy lúa, trồng hoa và rau được. Sau ngày 1.1.1997, diện tích có là 1.248,4 km2, trong đó khu vực nội thành là 205,78 km2.
          Dân số: vào đầu thế kỷ XX dân số của “nhượng địa” khoảng 10.000 người. Năm 1921 tăng lên 16.355, năm 1936: 25.000. Đến năm 1943 tăng tới 50.900 người. .Năm 1945 khoảng 30.000 người. Năm 1966 có 146.000 người, tới đầu năm 1975 đã lên con số khoảng trên một triệu người. Mật độ dân số 13.000 người/km2. Sau ngày 29/3/1975 và hiện nay khoảng 887.069 ngàn người (không kể khách vãn lai, số liệu đến 2.10.2009).
          Khí hậu: Thành phố Đà Nẵng được chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Do ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên lượng mưa trung bình hằng năm là 2000 mm. Những năm lũ lụt lượng mưa đổ xuống rất lớn. Hằng năm nhiệt độ chiếu nóng là tương đối lớn và nắng gắt. Trung bình hằng năm nhiệt độ đo được là 25 0C. Theo đó, có thể nhận thấy khí hậu Đà Nẵng có yếu tố phức tạp, mưa nắng thất thường.
          Đà Nẵng có một con sông lớn chạy ngang giữa lòng thành phố dài từ đoạn Ba ra An Trạch là sông Yên, đoạn chảy qua Cẩm Lệ đến Ngã ba sông (Sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Hàn), giáp với sông Cổ Cò chảy từ Hội An ra (nay không giao thông được), từ đó đổ vào sông Hàn. Sông Hàn là đoạn kéo dài của sông Cẩm Lệ. Một con sông dài trên 10 km chạy qua ba vùng đất có tên gọi khác nhau giữa lòng thành phố, chia thành phố ra làm 2 phần có tỷ lệ gần 1/3 (trong đó: phần 1 nằm về phía Nam giáp với huyện Điện Bàn, Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam). Diện tích sông rất lớn, chỗ rộng nhất đo được 1.200 m. Tốc độ nước chảy trung bình là 3m/s, mùa mưa mạnh nhất là từ 6-7m/s. Đoạn sông Hàn, độ sâu tàu thủy có trọng tải khoảng trên dưới một vạn tấn vào ra dễ dàng.
Về mạng lưới giao thông, thành phố Đà Nẵng có đường thủy, đường hàng không, đường sắt và đường bộ quốc lộ IA, nối liền Bắc Nam. Có 7 cây cầu lớn là cầu Nguyễn Văn Trỗi [5], Trần Thị Lý dài 512 m, rộng 18,3 m bắt qua sông Hàn chịu tải từ 6-10 tấn, cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn, cầu Thuận Phước, Cầu Cẩm Lệ, cầu Nam Ô. Ngoài ra có các cây cầu nhỏ: An Lợi trên đường đi lên Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà, cầu Hòa Phong bắt qua sông Yên, cầu Giăng bắt qua sông Túy Loan…cáạncay cầu lớn, nhỏ nối liền mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt trong địa bàn thành phố. Từ năm 2000 nối liền giữa khu vực bờ Tây và bờ Đông sông Hàn và khu vực Non Nước có thêm các cây cầu lớn, hiện đại bắt qua sông. Nối với Khu Non Nước còn có con đường bộ từ Sơn Chà đi Hội An. Đà Nẵng có bờ biển dài gần 50 km, từ Liên Chiểu, qua biển ngang Phú Lộc đến Non Nước [6].
          I. Lịch sử hình thành
          Các nhà nghiên cứu cho rằng, Đà Nẵng có từ thế kỷ XVI, XVII, đến thế kỷ XVIII thì Đà Nẵng trở thành địa danh chính thức có tên trong bản đồ Việt Nam được ghi chép vào sử sách.
Song cũng có những ý kiến cho rằng, Đà Nẵng có từ tiền bán thế kỷ XV trở về trước, khoảng trước năm 1470.
Lại có ý kiến khác nói rằng, Đà Nẵng đã có từ thế kỷ XIV, dẫn từ nguồn sử liệu sau:  Năm 1306, chấp thuận lời cầu hôn của vua Chiêm là Chế Mân, Trần Anh Tông đã gả Huyền Trân Công chúa cho Chế Mân để đổi lấy 2 châu:  Châu Ô và Châu Lý (Rý) làm sính lễ. "Đó là một cuộc hôn nhân đắt giá nhất trong lịch sử Chiêm quốc để đổi lấy một tấm nhan sắc huynh thành của Việt Tộc. Chiêm Thành đã mất đi những gì quý báu mà thiên nhiên đã giành cho, đó là cửa Tư Hiền và cửa Hàn hiểm yếu và những gì vàng son mà tổ tiên đã dày công đi lưu, đó là miền đất thiêng liêng Amaravati cùng cựu cố đô IndraPura".
          Sau cuộc hôn nhân trên, Trần Anh Tông đổi Châu Ô thành Thuận Châu (tức vùng thuộc quận Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Điền, Hương Trà của Bình Trị Thiên ngày nay) và Châu Lý làm Hóa Châu (tức vùng thuộc các quận Phú Vang, Phú Lộc của Bình Trị Thiên và Hòa Vang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam – Đà Nẵng ngày nay). Đà Nẵng thuộc Hóa Châu, và theo Châu Ô, Châu Lý nhập vào lãnh thổ Việt Nam [7].
          Từ đó có bài ca: "Nước non ngàn dăm ra đi...
Nợ tình chi ?
Mượn màu son phấn,
Đền nợ Ô, Lý..."
        (Bài ca Hòa bình)
Từ sau cuộc hôn nhân đó, người Việt bắt đầu di cư vào Nam lập nghiệp, sinh sống, mở rộng thêm đất đai về phương Nam. Có thể bắt đầu bằng việc hình thành các làng quê tại vùng phía Nam núi Hải Vân. Ngay từ thời nhà Hồ Khai Đại, người Việt đã có mặt trên miền biên viễn xa xôi này, khai phá nên một vùng rộng lớn lấy tên là Đà Ly xã. Trong gia phả họ Phan tại Đà Sơn ghi: “Đà Sơn, Đà Ly nhị xã Phan tộc phổ chí” có chép lại thời kỳ đầu khai phá nên đất này: Bản phổ chí được viết bằng chữ Hán, gồm 24 trang khổ 15 x 30. Ở trang đầu có ghi dòng chữ lớn: Đà Sơn, Đà Ly nhị xã Phan tộc phổ chí (Phổ chí của tộc Phan hai làng Đà Sơn và Đà Ly). Dòng đầu của phổ chí cho thấy phổ chí này được viết vào năm 1806 [8].
Ngày mười bốn tháng tư năm Bính Dần, niên hiệu Gia Long năm thứ năm[9].
Ông Phan Tấn Nguyên, là cháu tự tôn của phái trưởng tộc Phan làng Đà Sơn [10]. Ông Phan Hữu Nga, là cháu tự tôn của phái thứ tộc Phan làng Đà Ly[11].
Cùng các ông trong tộc Phan.
Nhơn vì
Nhân ngày lễ kỵ Tiên công cao cao tổ, cùng nhóm họp lại để làm việc truy lục tộc phổ.
Nhớ lại, thuỷ tổ chúng ta là vua Lạc sinh ra tộc chúng ta. Thời thượng cổ sinh sống tại động Thanh Lam[12], hiệu là bộ Việt Thường[13], thời trung  cổ dời vào Lâm Châu (nay là đất Lâm Bình[14]), thời cận cổ lại dời vào Đà Bàn (nay là đất Bình Định), đổi hiệu là nước Chiêm Thành, bao trùm cả Thanh Hà (nay là đất Thanh Hoa), về nam tới động Thạch Bi (nay là đất Thuận Thành[15]), tiếp nối các đời làm chủ đất nước, gồm 68 thế kỷ (đất cũ thổ âm gọi là “dung anh”). Các thế hệ đều dùng chữ khoa đẩu[16] để biên chép.
Đến lúc ông hậu chúa chúng ta đi sứ triều cống Trung Hoa, thấy tận mắt nền văn minh Trung Hoa đã thâm nhập vào các lân bang của chúng ta là hai bộ Giao Chỉ và Tượng Quận, nhà nhà kinh sử, xứ xứ cày bừa, không như tập tục lạc hậu của nước ta chỉ biết đốn cây, gieo lúa, đốt núi trồng ngô.
Chúa lấy làm khoái mộ, nhơn đó mời vài mươi “tú sĩ’’ (người tài giỏi) Trung Hoa đưa về bày dạy cho dân trong nước ta. Hậu chúa già, giao cho con trai cả làm Phó chúa, sai tú sĩ Trịnh Giác Mật theo giúp Phó chúa tại dinh riêng Đà Giang. Khi nghe tin Hậu chúa chết, ngụy Mật bèn giết Phó chúa, tự lập làm vua nước Đà Giang.
Tiên công chúng ta là em ruột hậu chúa, nghe tin ngụy Mật bên trong thì có mấy mươi tú sĩ hò hét ủng hộ, bên ngoài thì có lính Ngô, lính Tàu ô trấn giữ các cửa biển, tiên công ta liệu sức không thể chống lại được, bèn uỷ quyền cho ông Bí, động trưởng động Thượng Thành (nay là đồn Quy Nhơn) giữ nước, còn Tiên công mang quốc ấn và các giấy tờ sổ sách của tộc chạy sang đất Giao Chỉ, tìm đến vua nhà Trần, xin binh tướng về diệt Mật.[17]
Vua nhà Trần gả (cho tiên công) một quốc nữ [18] và khuyên tiên công ở lại, rồi sai tướng đi đánh bắt ngụy Mật thu hồi đất Đà Giang.
Trong nước, các tướng họp với các ông châu trưởng, động trưởng tôn lập ông Bí động trưởng làm quốc chúa. (Ông chúa Bí) cầu hôn nhà Trần, khi ông chúa Bí đi làm rể, viên tướng Sạ Đẩu chiếm ngôi quốc chúa, cử binh đánh Trần, tranh đất Đà Giang.
Vua Trần tức giận, cử binh đánh bắt được Sạ Đẩu [19].
Quan binh nhà Trần đến nước ta, thấy phong tục nước ta lạc hậu, trở về tâu vua, vua Trần khuyên Tiên công ta và Bí chúa nên theo phép rể của nhà vua mà lãnh quan tước trở về bàn với các ông thổ trưởng, tù trưởng thuận hiệp Chiêm Thành và Giao Chỉ thành một nước để cùng tiến hoá đợi đến lúc giàu mạnh sẽ chia ra tự chủ.[20]
Tiên công ta tự nghĩ rằng nước ta chúa đã chết, tướng làm phản, đất hẹp, dân nghèo, thế khó tự chủ, nên nghe theo lời vua nhà Trần.Vua Trần phong cho Tiên công chúng ta chức Đô chỉ huy kinh lược chiêu dụ xử trí sứ coi trong mười ba châu.[21]
Ông lãnh chỉ đi chiêu dụ, quan dân các châu động đều quy thuận.Ông trở về xin (vua Trần) cấp trâu bò, dụng cụ làm nông đồng thời xin một số dân Giao Chỉ đã thuần thục nghề nông và biết một ít chữ nghĩa. Vua nhà Trần cho ông trông coi các xứ, thiết lập trang trại chia nhau để ở, dạy cho thổ dân chúng ta học hành và cày cấy. Ông đổi các chức châu trưởng, tù trưởng thành chức lệnh doãn quan, đặt các chức động trưởng, lại trưởng thành các chức cai trại, tri thâu.  Mỗi trại dựng kho để chứa lúa dùng vào việc chi cấp cho quan và dân và chứa các thứ lúa giống, nông cụ.
Đến năm thứ hai niên hiệu Trùng Quang[22], ước hơn nửa số dân trong xứ đã tiến hoá, công thân thỉnh phân Hoá Châu từ động Trà Ngâm Aỉ Vân (nay là làng Câu Đê[23]), phía nam đến động Trà Khúc (nay là phủ Tư Nghĩa[24]) lập một huyện Đà Bàn (chỉ của vua sửa lại là huyện Điện Bàn[25], nay bao quát toàn bộ dinh Quảng Nam), chia số  ruộng đất ra làm hai tổng, thượng và hạ, mỗi tổng cai trị mười xã, mỗi xã trông coi vài mươi trại. Về dân số thì dân Giao Chỉ và dân địa phương cùng chung một ngạch tịch, về ruộng đất thì phân ra các loại công điền, tư điền và đều chia ra để canh tác. Trong số dân địa phương, có người còn chấp mê tập tục cũ, không thuận theo sự khai hoá ấy thì chia ra ở riêng thôn sách có các phu trưởng kiểm tra, quản lý, nêu ra cách đối đãi coi mọi người như nhau. Vua nhà Trần gia khen rằng: Mở mang, khai khẩn đất đai, không phụ chức trách chỉ huy, giáo hoá nhân dân thành nề nếp xứng đáng với quyền nghi xử trí, ban tước “ Thành hoàng tướng quân thuận quốc công”, cấp cho trang trại ruộng đất từ động Trà Ngâm cho đến các động Lầu Cấu (nay là làng Quan Quê), Nội Đồng (nay là làng Đà Ly), Trà Na (nay là làng Đà Sơn), Nô Cố (nay là ba làng La Bông, La Châu, Phú Sơn), Đồng Quan (nay là làng Cẩm Toại), Phủ Thượng (nay là làng Tích Phú)[26] cai quản 50 trại, thu nhận lúa thóc để chi dùng cho gia quyến, truyền cho con cháu muôn đời hưởng lộc. Để đền đáp ân huệ của vua, ông mang các thứ sản vật quý để cống tạ, và xin được nghỉ vì tuổi già.
Vua giao cho hai con của ông lãnh chức tước của cha, kinh lược các châu động trại, toàn quyền xử lý các việc  địa phương, kế tục được các việc của cha thì sẽ được trọng thưởng. Hai người con nhận lãnh chỉ của vua. Tiếp đến, Tiên công chúng ta về dựng tư phủ tại trại Trà Na làng Đà Sơn, cử các ông cai trại Kiều Lệnh giữ chức xã trưởng, cựu động trưởng Đỗ Tuyết giữ chức tri thâu, ông Nguyễn Đăng làm khán thủ  lo việc trong phủ.[27]
Ông con trai trưởng (Công Chánh) dựng công phủ tại làng Đà Câu (nay đổi thành Lạc Câu), ông con trai thứ (Công Nhâm) dựng công phủ tại trại Nội Đồng (nay là làng Đà Ly) đặt huyện nha tại trại Kỳ La (nay là đất Đà Ly).
Đến khi nghe viên tướng họ Hồ dời đổi  ngôi nhà Trần[28], Tiên công gọi hai con về, nói: hai con là cháu ngoại nhà Trần, nhà Trần đã bị suy yếu, dời đổi, hai con ắt nguy, hãy sớm lo liệu cách nào để khỏi gặp hoạ.
Ông con trưởng lập tức xin từ chức, lấy cớ về nuôi cha mẹ, để tránh nạn. Gia quyến thì vẫn ở chỗ cũ là dinh phủ Đà Câu, còn ông về hầu hạ cha, Ông con trai thứ thâu hết giấy tờ sổ sách đến yết kiến quan nhà Hồ, nói dối là chào mừng chính quyền mới và vâng lĩnh công việc triều Hồ để tránh hiềm nghi.
Viên quan nhà Hồ thiết đãi yến tiệc rồi giao cho ông nhận số lưu dân Giao Chỉ, tha dòng tôn thất nhà Trần, dân phản nhà Ngô chia ở các trại để khẩn ruộng. Ông nghĩ đến tộc Trần là tộc mẹ, ông bằng lòng nhận lời, về xuất lúa trong kho, cho làm nhà để ở, mỗi bếp cấp năm, bảy mẫu ruộng để quản nghiệp[29].
Năm thứ hai niên hiệu Hồ Khai Đại[30], nguyên từ trước ông đã đặt mỗi xã kiêm quản vài mươi trại, nay thừa lệnh phân cho dân đến ở, dân Trần, dân Ngô cùng dân tứ phương đến ở ngày một nhiều, một vị xã trưởng khó lòng châu tất việc quản lý, ông xin cho được phép tuỳ ruộng đất mỗi trại rộng hay hẹp, hộ khẩu nhiều hay ít mà đổi trại thành xã hoặc thôn, phường, ấp, và đều đặt các ông xã trưởng cai trị để dễ kiềm phòng. Quan nhà Hồ chấp thuận. Ông bèn đổi trại thành tổng xã rồi đổi các trại Nội Đồng, Kỳ La, La Hồng thành Đà Ly xã, đặt ông động trưởng cai trại Phùng Văn Mươi làm xã trưởng, ông cựu động trưởng Ung Văn Lào làm tri thâu, trông coi công việc của xã ( phần ông trông coi hết các tổng xã, giấy tờ tuy còn nhưng không biên vào tộc phổ).
Năm thứ ba niên hiệu Khai Đại[31], tháng tư ngày mười bốn, Tiên công qua đời, ông về cư tang. Năm thứ tư, tháng giêng ngày mùng bảy, tiếp gặp tang mẹ, ông để gia quyến ở lại phủ đệ Đà Ly, còn ông và ông anh về ở phủ đệ của Tiên công cho đến cuối đời.
Lúc bấy giờ trong tộc nghĩ rằng tộc ta nguyên thuộc cùng một gốc, nay rải rác ở tứ phương mỗi người một ngả, không có phổ chí thì đời sau thất truyền, sợ đến nỗi quên mất cái nghĩa bà con, bèn cùng kê các đời từ thượng cổ, trung cổ cho đến cận cổ đều viết bằng chữ khoa đẩu.[32]
Kể từ thời Tiên công ta về với nhà Trần, triều Trần nghi dân ta có dạng chữ riêng, sợ sinh ra có tiếng nói và sách vở khác biệt , nên nghiêm cấm việc học chữ Chiêm [33]. Vì thế tuy phổ chí cũ vẫn còn, nhưng nay không biết chữ nên không phân biệt rõ được danh tích của người xưa, chỉ cùng lặng lẽ ghi lại những lời truyền miệng của liệt vị tiên tổ, trình bày sơ lược sự việc, lưu chiếu tại Lạc Câu, Trà Sơn, Trà Kiệu, Bảo An, An Hoà, Bàn Lãnh, Câu Nhí, Phú Sơn, Câu Đê, Tích Phú, Quan Quê, Hoá Quê ở các vị tộc trưởng tộc Phan cùng gốc chúng ta.
Hôm nay không họp mặt hết được nên không thể tra cứu tường tận để biên chép đầy đủ, bèn kính cẩn tạm đặt Tiên công ta làm vị cao tổ đời thứ nhất và tuỳ theo thứ tự các đời sau mà liệt kê tiếp theo, để cho con cháu sau này y theo thể thức đó mà biên chép nối theo, lưu truyền mãi muôn đời về sau không dứt.
Nay cung kính biên chép.
Kê:
Đời thứ nhất; cụ ông cao tổ, khai lập huyện Điện Bàn, (triều) Trần phong tước Thành hoàng Thuận quốc công, tên huý là Phan Công Thiên. (Hàng năm, mùng 6 tháng giêng lễ sinh, mười bốn tháng tư lễ kỵ). Mộ chôn trong làng, xứ đất Nhiêu Trà Na, đất thổ Phan Địch.
.. .. ..
Đời thứ ba: cụ ông cao tổ, triều Lê phong tước Thuận Hoá hầu, tên huý là Phan Công Minh ( Mùng bốn tháng hai lễ sinh, mùng tám tháng mười hai lễ kỵ). Mộ tại xứ Bàu Môn Thượng, đất gò.
.. ..
Ông thưở nhỏ chí không phục nhà Hồ, thường tuyển chọn người tinh nhuệ văn võ cấp lúa gạo để dạy cho lớp trai tráng các xứ từ Điện Bàn vào Nam, người khoẻ thì học võ, người yếu thì học văn, thiếu niên từ bảy, tám tuổi đến mười bảy, mười tám tuổi thành đạt rất nhiều.
Em ông trách ông phí công, phí của. Ông nói: Chúng ta là nòi giống Chiêm, là cháu ngoại nhà Trần, nhờ nhà Trần mà diệt được giặc Mật, giặc Đẩu, rửa được mối hận của nước nhà không dám quên ơn đức (nhờ đó mà khỏi) cam chịu mười ba châu này là bãi đất trống không chủ. Đất đai của chúng ta, nhân dân của chúng ta không phải nhờ giặc Hồ mà có,  mà chúng lại dám chiếm đoạt, phá huỷ động tháp của tổ quốc ta, dày xéo lăng tẩm tổ tiên bên ngoại ta, lẽ nào ta lại đành lòng ngồi yên mà nhìn vậy sao ?
Ta đây chờ cho binh lính giỏi, lương thực đủ, ta quyết thừa cơ thu phục đất cũ.
Tiếp đến, nghe tin vua Lê[34] khởi nghĩa. Ông nói: dòng giống họ Lê gốc người động Thanh Lam[35], cùng một nòi giống Chiêm của ta, ông bèn xuất tiền của, kêu gọi các châu huyện chuẩn bị lương tiền, cùng các loại lương tiền cùng các loại thực phẩm để cống hiến cho binh lính nhà Lê.
Vua Lê trọng tạ. Đến lúc nhà Lê dựng đựoc cơ nghiệp, phong cho ông tước hầu”.
Có một cách nghĩ thông thường rằng cư dân miền Trung Việt Nam hiện nay là hậu duệ của những người Việt từ các tỉnh phía bắc di dân vào trong khi cư dân Chiêm Thành bị đẩy lùi dần về phía nam. Nhưng bản phổ chí cho thấy cư dân của miền Trung Việt Nam không phải chỉ là “thuần Việt”. Một số người Chiêm Thành hay “thổ dân” đã ở lại, cộng cư, pha trộn với những người mới đến.
Một số nhà nghiên cứu thừa nhận giả thuyết rằng có nhiều tiểu quốc với các vị vua của từng tiểu quốc cùng tồn tại đồng thời ở Champa. Nhưng câu hỏi : “Những vị vua này là ai ?” vẫn còn là một ẩn số.[36]
          Bản phổ chí nói rằng tổ tiên của tộc thuộc “Chiêm chủng” và đã từng là “chúa”của nước Chiêm Thành. Quê hương khởi thuỷ của họ là vùng Thanh Hoá, sau đó đi dần vào phía nam cho đến lúc định cư sau cùng ở Đà Bàn. Điều này được viết theo ký ức và không phù hợp với các điều trong sử sách đã viết về lịch sử cư dân Chiêm Thành, tuy vậy ký ức ấy có thể phản ảnh một thực tế nào đó trong lịch sử. Có thể có nhiều nhóm “người Chiêm Thành” khác nhau, trong đó các nhóm sống ở bắc Champa có nguồn gốc khác với các nhóm phía nam Champa. Trong quá trình lịch sử, các nhóm phía bắc có thể đã hội nhập mạnh mẽ hơn, và gần như đồng hoá, vào một cộng đồng người Việt nói chung, trong khi đó các nhóm phía nam tiếp tục còn duy trì một số nét khác biệt và con cháu họ là những người Chăm ở các tỉnh miền nam Việt Nam hiện nay.
Phổ chí có nhắc lời một vị tổ đời thứ ba nói rằng ông ta “cùng chủng Chiêm” với vua Lê. Ý tưởng lạ này cũng đáng chú ý. Hiện nay, nguồn gốc tộc người của Lê Lợi vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ và có ý kiến cho rằng Lê Lợi thuộc tộc Mường. Lam Sơn, quê hương của Lê Lợi, được dân địa phương gọi theo âm cổ là “làng Cham”. [37]
          Liệu có mối quan hệ nào giữa tộc người Mường và nhóm ngươì Chàm ở vùng bắc Champa ?[38]
Dù cho có bao nhiêu nhóm tộc ngưòi đã sống ở Champa và dù cho văn hoá của các nhóm này có khác nhau bao nhiêu thì tất cả cũng đã hoà trộn và hình thành một văn hoá chung, ở đó khó mà phân biệt được đâu là Chiêm, đâu là Việt, đâu là những yếu tố khác. Và tất cả đã làm nên một cộng đồng cư dân với những đặc trưng văn hoá phong phú tại miền Trung Việt Nam.[39]
Theo đó có thể biết rằng, người Việt đã định cư tại vùng Đà Nẵng từ rất sớm và lần lượt lập nên các làng bộ ổn định lâu dài. Địa danh Đà Nẵng được tìm thấy đầu tiên là 1 trong 66 địa danh (có thể có điều tra thiếu sót) được chép trong “Ô Châu cận lục” của nhà Nho Dương Văn An viết năm 1553. Như vậy Đà Nẵng đã là địa danh có từ những năm sau cuộc hôn nhân của Huyền Trân Công Chúa.
Người Việt thời bấy giờ chưa tiến sâu xuống phía Đông giáp biển, bởi tại vùng đất sau mang địa danh Đà Nẵng vào thời kỳ này là vùng nước mênh mông, bùn lầy và đầy cát trắng. Con sông Hàn như ngày nay ta biết trước kia còn có một nhánh nữa chảy ra phía Thanh Khê, Thanh Bình. Theo tài liệu “Đà Nẵng ngày xưa” của tác giả Lê Văn Tất người sinh sống tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang qua khảo sát nhiều địa điểm tại thành phố Đà Nẵng, cùng với nghiên cứu địa danh viết bằng tự dạng Hán cổ, Đà Nẵng trước kia là vùng sông nước mênh mông, sông biển liền nhau. Hải Châu là hòn cù lao nằm chơi vơi trong đám nước. Hải Châu đã chia nước sông Hàn ra làm hai nhánh, nhánh bên hữu là giòng sông ngày nay, đoạn có cây cầu sông Hàn băng qua. Nhánh bên tả rộng hơn, chảy băng qua trung tâm thành phố rồi đổ ra bãi biển Thanh Khê, Hà Khê, Thanh Bình theo hình rẽ quạt. Cửa vào nhánh sông này (có thể) từ đường Thái Phiên (ngày nay) vào đến Tượng đài 2 tháng 9. Chính nhánh sông này đã chứng minh căn nguyên cho địa danh Đà Nẵng về sau.
Nhiều thế kỷ trôi qua, nhánh sông bên tả bị phù sa bồi lấp dần dần giống như sông Cổ Cò, một phần khác thì bị vùng đất liền và núi Phước Tường mang đất, cát sạt lở vào đây chài lấp cùng với những trận mưa dầm, lũ lụt. Vùng đất chài lấp thường tốt hơn vùng đất bồi lấp nên những đám ruộng, vườn khoai, những xóm dân cư cũng mọc lên sớm hơn theo tiến độ thiên nhiên tạo tác. Đến khi phù sa lấp kín cửa vào thì nước sông Hàn cũng không còn chảy vào đây, để lại một khu đất rộng lớn mênh mông, ngổn ngang cồn, đồi, gò bãi toàn cát. Cùng với những ao, bàu mương, vũng nước lớn nhỏ do phù sao bỏ lại trở nên lởm chởm, tạo thành các đồi cụm, gò bãi. Bấy giờ Hải Châu đã hết cô lập, phía Tây và Nam  đã nối liền được với khu cát bồi. Chính tự dạng chữ Hải Châu bằng chữ Hán (              ) đã xác nhận nó là hòn đảo nhỏ như một cù lao.
Khu đất vàng, rộng lớn gồ ghề trông xấu xí ấy bị người nhà nông chê, đang bỏ hoang nhưng đã mang tên Đà Nẵng [40].
Và từ đây địa danh Đà Nẵng ra đời cùng lúc với các làng xã chung quanh. Có thể từ năm 1400 nhà Hồ đến 1490 vua Lê Thánh Tông lập bản đồ lần cuối nhưng không thuộc địa danh hành chính  mà thuộc địa danh theo xứ đất, vùng đất. Xứ đất  [41] rộng lớn có thể quan trọng nhưng chưa hình thành tổ chức làng xã. Các quan chức địa bộ có chức năng cai quản thời bấy giờ xét thấy cần một cái tên cho vùng đất này, lập đường ranh giới, xác định vị trí với các làng xã khác chung quanh, địa danh đó phải căn cứ trên cơ sở thực tiễn, phản ánh sinh động các yếu tố tự nhiên, từ đó hai chữ Đà Nẵng ra đời! Từ đây lần lượt một vài nhóm cư dân Đại Việt bắt đầu di cư vào vùng đất này khẩn hoang lập làng, sống cộng cư với người Chăm như bản “Đà Sơn, Đà Ly nhị xã Phan tộc phổ chí đã ghi chép lại. Sau các họ Nguyễn, Kiều, Đỗ…tiếp tục di cư vào. Ban đầu cư trú trên một vùng đất đồi gò rộng lớn Đà Sơn, Khánh Sơn, Hoà Sơn, Hoà Hiệp, …băng xuống vùng trũng Đà Na lập nên làng Phước Thuận, vào phía Nam lập làng Đà Ly (về sau là làng Phong Lệ) nay được xem là những vùng đầu tiên của Đà Nẵng có cư dân người Việt đến định cư sinh sống. Theo đó trên danh nghĩa từ năm 1306, đất Đà Nẵng được sáp nhập vào Đại Việt mặc dầu bấy giờ người Việt chưa thiết lập chính quyền làng xã quy cũ.
Năm 1402, thời nhà Hồ cương giới phía Nam của nước Đại Việt được mở rộng đến vùng Chiêm Động, Cổ Luỹ (thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay). Sau khi sáp nhập, Hồ Quý Ly chia thành các châu Thăn, Hoa, Tư, Nghĩa và bắt đầu tổ chức di cư người Việt vào định cư.
Đến thời Lê Thánh Tông, khi vùng đất Vijaya sáp nhập vào Đại Việt, nhà vua cho đổi thành phủ Hoài Nhơn (Bình Định ngày nay) thì các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, Thuận châu và Hoá châu thực hiện chủ trương di dân lập ấp theo chủ trương mở rộng phương Nam dưới triều Lê. Chính quyền làng xã được thành lập và củng cố. Kế là đổi hai châu Thuận châu và Hoá châu thành Thừa Tuyên Thuận Hoá gồm 2 phủ và 8 huyện; đồng thời cho lập đạo Thừa Tuyên Quảng Nam từ đất Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa cũ đến Hoài Nhơn gồm 3 phủ 9 huyện [42]. Trên cơ sở sáp nhập, hình thành làng xã ngày càng quy cũ, ổn định cuộc sống nhân dân, tiến hành khai hoang vở hoá, tiếp tục di dân vào khẩn hoiang lập thêm các làng mới.
Đến sau năm 1471, sau chiến thắng của vua Lê Thánh Tông, Đà Nẵng là một đơn vị hành chính có tổ chức, từ đây Đà Nẵng tiếp tục phát triển, nhận thêm nhiều cư dân mới từ phía Bắc, phần lớn là dân cư Bắc Trùn bộ vào định cư. Trong “Ô châu cận lục” của Dương Văn An chép năm 1553 Quảng Nam có 66 làng. Tuy nhiên theo gia phả của các dòng họ vào vùng đất này định cư đã không thấy chép trong “Ô châu cận lục” như các làng Đà Sơn, An Hải, Mỹ Khê, Nại Hiên…là các làng xã có tầm quan trọng trong lịch sử hình thành nên Đà Nẵng. 
II. Tên gọi Đà Nẵng theo người Pháp, người Trung Hoa, các nhà nghiên cứu người Việt [43]
 Tên gọi Đà Nẵng có từ rất sớm, tuy nhiên đến nay có nhiều giả thiết giải thích nguồn gốc ra đời của địa danh “Đà Nẵng”
Cũng có giả thiết cho rằng Đà Nẵng ngoài tên gọi Đà Nẵng từ dạng tự Hán cổ nêu trên, người Pháp gọi Đà Nẵng bằng nhiều tên khác như: Turon, Touron, Port De Kean.
          Còn người Trung Hoa gọi là Hiện Cảng, Hàn Cảng, Hàn Cảnh, Hiện Cảnh. Người Chàm gọi là Hangdanak, Darak.
      Vậy thì tên Đà Nẵng có từ bao giờ, nó có trước tên Hàn hay sau ?
Vấn đề này không thấy tài liệu nào nói rõ, chỉ có 1 tài liệu xưa nhất là quyển địa chí "Ô Châu Cận Lục" của hai tác giả là sinh đồ thời nhà Mạc viết năm Ẩt Mão (1553), sau được tiến sĩ Nho học Dương Văn An đề tựa và xuất bản năm 1555 có ghi địa danh "Đà Nẵng". Khi viết về đền thờ Tùng Giang chi vận tướng quân chi thần, thờ Nguyễn Phục đỗ Tiến sĩ khoa kỷ dậu, làm chuyển vận sứ của vua Lê Thánh Tông khi chở thuyền lương vào đánh Chiêm Thành, vì chậm trễ nên bị "giết oan" tại cửa bểTư Khách (tức Tư Dung, thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay) được dựng đền thờ tại đó, có ghi: "Đền ở cửa bể Tư khách huyện Tư Vinh còn một đền ở cửa bể Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam" [44].
          Theo Võ Văn Dật, trong "Lịch sử Đà Nẵng", luận văn Cao học năm 1974 tại Viện Đại học Huế ức đoán rằng, tên Đà Nẵng có thể có trước năm 1470
          Theo các nhà sử học sau khi nghiên cứu và đi đến kết luận là, tên gọi Đà Nẵng không phải là tiếng Việt thuần túy, nói một cách rõ ràng hơn, địa danh Đà Nẵng không có nguồn gốc từ tiếng Việt, mà bắt nguồn từ tiếng Chăm.
          Ông Thái Văn Kiểm viết như sau:
          "Còn danh xưng Đà Nẵng lại có một nguồn gốc Chiêm Thành."Đà" là sông, "Nẵng" là lớn. Vậy "Đà Nẵng" có nghĩa là sông lớn.
          Người Trung Hoa đọc là Tu-Nâng"[45].
          Linh mục Phan Phát Huồn cũng nói rằng, Đà Nẵng là tên Chiêm của địa phương, mà người Việt gọi là cửa Hàn, người Pháp gọi là Tourane [46].
          Còn ông Lam Giang giải thích như sau: Nguyên tiếng Chăm "Hangdanak" là bờ biển buôn bán. Còn "Danak" hay "Darak", tiếng Chăm có nghĩa là "sông lớn", tức sông Hàn, "mà sông lớn thì cố nhiên việc thủy vận tiện lợi, buôn bán phồn thịnh" [47].
          Trên các bản đồ cổ thời Lê - Mạc và Trịnh - Nguyễn vào khoảng năm 1471, tức từ thời Lê Thánh Tông vào đánh Chiêm Thành đến năm 1604, năm Nguyễn Hoàng đổi Phủ Tư Nghĩa ra làm Quảng Nghĩa. Cũng ghi tên Đà -Nẵng. Ngoài ra chúng ta còn thấy tên Đà Nẵng xuất hiện thường trên các bản đồ xứ Quảng như trong "An Nam hình thắng toàn đồ" (A.3034) có ghi tên "Đà Nẵng môn" (chữ Đà viết nhầm là huyệt tựa dạng giống Đà). Theo Nguyễn Văn Xuân, Trong bài viết dưới đầu đề "Tên Đà Nẵng có từ đâu ?", thì bản đồ này do 1 người không rành sông núi miền Nam vẽ, nên có vài chỗ nhầm ngộ nghĩnh như: Đầm Trà Nhiêu trước, đến cửa Đà Nẵng rồi mới tới cửa Đại Chiêm (Cửa Đại ngày nay). Đầm Trà Nhiêu lại đối diện với chùa Non Nước. Các bản đồ về sau, Đà Nẵng càng chính xác và có chi tiết rõ hơn. Sử nhà Nguyễn cũng thường ghi tên Đà Nẵng.
          Trong ca dao cổ ta cũng gặp tên Đà Nẵng, như trong một bài ca đi biển, gọi là "Hải môn ca":
                   "... Vượt bễ Chanh chày lại đến Cu Đê (Thủy Tú)
                          Đà Nẵng cửa đặt tuần ty.
                          Đại Chiêm cửa ấy phỏng đi một  ngày".
          Bài này có thể có vào thời nhà Mạc, khoảng từ năm 1527 - 1529. Trong cổ tích cũng có một số chuyện có liên quan đến Đà Nẵng như chuyện "Chùa Song Nghĩa, tục gọi là chùa Ông Đá" ở Bình Định - Nghĩa Bình ngày nay.
          Để có cơ sở giải thích cho câu hỏi "tên Đà Nẵng có trước hay tên Hàn có trước ?", vấn đề đặt ra  là ta phải tìm hiểu nguồn gốc của tên Hàn [48].
          Nhưng có một điều ta thấy, trong thực tế không thể thiếu được đối với người Việt khi đến vùng đất Đà Nẵng ngày nay cư trú là, điều đầu tiên họ phải biết tên gọi địa phương ở đây là gì, để từ đó , họ có thể đặt cho nó cái tên mới theo ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc có thể phiên âm ra tiếng Việt để gọi. Muốn vậy, thông thường, trước tiên là những người Việt đến cư trú đầu tiên ở đây phải hỏi những người dân gốc (bản xứ) sống ở đây 1 câu đơn giản là "Đây gọi là gì ?". Khi ấy, nếu người được hỏi là người Chàm, thì câu trả lời là "Đarak" hay "Đanak". Từ đó, việc hóa thành "Đà Nẵng".
Nếu người được hỏi là người Tàu Hải Nam, thì câu trả lời là "Hành Cảng", hay "Hàn Cảng". Từ đó, họ biến thành "Hiện Cảng" là tên gọi chỉ Đà Nẵng của người Tàu Hải Nam.
Nếu người Tàu Phúc Kiến và người Triều Châu, thì câu trả lời đó là "Hian Càng".
Nếu là người Quảng Đông thì câu trả lời là "Hin Coong".
Nếu là người Quan Thoại, thì câu trả lời là "Hin Cong". Từ đó Việt hóa và rút gọn thành "Hàn" theo nghĩa  "Hành Cảng" hoặc "Hàn Cảng" của người Tàu Hải Nam. Vậy ta đặt câu hỏi tại sao lúc này ở Đà Nẵng có nhiều người Tàu ở các tỉnh đến cư ngụ làm ăn sinh sống hoặc buôn bán như nói trên đều có tên gọi Đà Nẵng khác nhau, nhưng tên gọi "Hàn" lại mang nguồn gốc Tàu Hải Nam, mà không mang nguồn gốc các tỉnh khác ?.
Trong sử sách không có tư liệu nào nói đến cụ thể, nhưng trong thực tế thì ta thấy có 1 điều hiển nhiên là ở các tỉnh miền Trung từ Bình Trị Thiên đến Nghĩa Bình ngày nay, trong số người Tàu đến làm ăn sinh sống, thì đa số là người Hải Nam, đó không phải chỉ có mới đây mà là 1 sự tiếp nối có nguồn gốc từ thuở xa xưa.
So với các tỉnh khác của Trung Quốc, thì Hải Nam có điều kiện đến Việt Nam - vùng Quảng Nam và Đà Nẵng hơn, là vì: Nơi đây gần Hải Nam, giao thông đi lại dễ dàng và là mảnh đất "có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc bảo đảm đời sống hằng ngày của dân chúng: Sông ngòi chằng chịt, biển cả bao quanh, là môi trường hoạt động của Ngư nghiệp và thủy vận; rừng núi không xa, là nơi đem lại nguồn lợi cho dân chúng sống bằng nghề khai thác hải sản, ruộng đồng phì nhiêu, xung quanh là nguồn sống của nông dân... Thêm vào đó, câu thơ "Đổi cảnh sinh tình" của Lê Thánh Tông, còn hé lộ cho ta thấy 1 khía cạnh sinh hoạt của vùng Đà Nẵng lúc bấy giờ, đó là hình thức ngoại thương, dù ít, dù nhiều cũng đã xuất hiện tại đây qua việc thiên biên của nước Lộ Hạc (?) để đến Vịnh Đà Nẵng để đình bạc, có thể để buôn bán, nhưng cũng có thể chỉ là sự tạm dừng bến nghỉ ngơi lấy sức tiếp tục trước khi hành trình đến nơi đô hội Hội An" [49].
Với sự có mặt đông đảo người Tàu Hải Nam, nên khi mới đặt chân đến vùng đất này người Việt dễ dàng gặp họ trước tiên và qua họ, người Việt biết được "Hành Cảng", "Hàn Cảng" của địa danh "Hiện Cảng".
Một vấn đề nữa đặt ra để giải thích cho cặn kẽ tại sao từ "Hành Cảng", "Hàn Cảng" bị Việt hóa chỉ còn có "Hàn" ?.
Sau đây xin ghi lại những ý cơ bản của ông Võ Văn Dật lập luận như sau:
- Một là, khi người Tàu Hải Nam phát âm 2 tiếng "Hàn Cảng" thì chữ "Hàn" được nhấn mạnh hơn chữ "Cảng", do đó, người Việt có thể chỉ chú ý nhiều đến chữ "Hàn" hơn là chữ "Cảng".
- Hai là, hơn bất cứ dân tộc nào hết, người Việt Nam có 1khiếu thêm, bớt âm rất nhạy bén, qua ca dao, tục ngữ đã chứng minh điều đó. Nên chữ "Hàn Cảng" được rút gọn còn có chữ "Hàn".
Vậy thì, qua đây người ta cũng có thể đặt ra 1 câu hỏi nữa là, ngày xưa không hiếm người Việt biết chữ Hán, biết người Tàu gọi Đà Nẵng là "Hành Cảng", "Hàn Cảng", họ biết mặt chữ 2 tiếng đó sao không phát âm theo giọng Việt của "Hiện Cảng" ?.
Chúng ta biết rằng, những người Việt đầu tiên đến đây là những người nghèo khổ, đói rách, có thể nói, họ là những thành phần bần cùng hóa trong xã hội, bị tù đày, họ không thể sống được ở quê hương của mình, nên buộc phải bỏ xứ ra đi tìm nơi khai hoang vỡ hóa, lập nghiệp làm ăn sinh sống "Dân phiêu bạc thì làm gì họ có học mà biết chữ Hán, biết mặt chữ "Hiện Cảng" như thế nào ?"... đến khi xuất hiện hàng ngũ trí thức vào những năm sau này, thì ngôn ngữ địa phương đó đã trở thành thông dụng, phổ biến; họ biết chữ "Hành Cảng", "Hàn Cảng" là "Hiện Cảng", nhưng lúc này tiếng "Hàn" đã đi vào trong tâm trí, ký ức và trở thành tập quán tên gọi quen thuộc của người dân ở đây, đã đi vào "Lịch sử" thì việc sửa đổi không cần thiết và hữu ích gì nữa.
Vậy "Hàn" là tên địa danh thông dụng nhất của địa phương trong suốt thời kỳ Pháp thuộc trở về trước; nó là tên Việt thuần túy của Đà Nẵng lai Chiêm khi người Việt Nam nghe người Tàu Hải Nam phát âm 2 tiếng "Hiện Cảng" ra "Hàn Cảng", "Hành Cảng, rồi mô phỏng và Việt hóa thành "Hàn".
Vậy tên gọi "Đà Nẵng" có trước hay "Hàn" có trước ? .
Việc đặt tên cho địa phương là điều tất yếu trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, nhưng những yếu tố nào để đặt được tên gọi cho 1 địa phương, đó là hoàn toàn phụ thuộc vào người bản xứ về mọi phương diện: Đặc điểm, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn hóa vv...
Câu hỏi đặt ra là "tên Đà Nẵng có trước hay tên Hàn có trước ?". Điều này trong truyền thuyết ngôn ngữ Việt Nam nói chung, Quảng Nam và Đà Nẵng nói riêng, trong sử sách cũng như tư liệu chưa thấy ai nói rõ. Cho nên, việc nghiên cứu về thời gian tên gọi "Đà Nẵng" và "Hàn" là một vấn đề hết sức nan giải trong điều kiện tư liệu hiện nay. Song, cũng nhờ một số ít các sử sách cũ ghi lại cho ta thấy rằng, tại Quảng Nam trong đó có Đà Nẵng, trong khi chưa thấp thoáng bóng người Việt thì đã có mặt người Chiêm và người Tàu [50].
Người Tàu đã có thời kỳ làm chủ đất Quảng Nam từ khi nước Chiêm chưa được thành lập, Việt Nam đang trong thời Bắc Thuộc.
Vào khoảng 1306, vùng Bắc Quảng Nam và Đà Nẵng đang còn hết sức xa lạ với người Việt, nhưng không còn xa lạ gì đối với các thương nhân và các nhà hằng hải Trung Hoa. Các sản vật quý như vàng Lư Dung [51], Quế, Yến sào, vv... của vùng này đã hấp dẫn con buôn Trung Hoa mạnh mẽ, thôi thúc họ phải lặn lội, phiêu lưu trên biển cả để thường xuyên tìm đến nơi đây khai phá và định cư. Vì thế, nên phải tìm cách mách bảo cho nhau con đường, địa điểm, tên gọi...
Người Tàu đã biết có Đại Chiêm qua tên gọi Lư Dung, thì chắc chắn là cũng biết có Đà Nẵng mà họ đặt tên là "Hiện Cảng", người Chiêm gọi là "Danak".
Như vậy, tên gọi "Đà Nẵng" là nguồn gốc của tiếng Chiêm (Chăm), còn tên gọi "Hàn" là nguồn gốc của tiếng Tàu Hải Nam [52].


[1] Báo Quân đội Nhân Dân số ra ngày 29/3/1976 tr.7
[2] Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12.1976)
[3] Lịch sử Đà Nẵng của Võ Văn Dật ghi là 4604 m2
[4] Sơ đồ thành phố Đà Nẵng sau năm 1975. Bản đố tỷ lệ 1/50.000, ghi diện tích Đà Nẵng 93 km2.
[5] Thời Pháp thuộc có tên là cầu Delas, sau gọi là cầu Trịnh Minh Thế, Nguyễn Hoàn. Từ sau ngày 29/3/1975 đến nay đổi thành Nguyễn Văn Trỗi.
[6] Binh yếu địa chí thành phố Đà Nẵng còn gọi  là Tourane.T/L: 2/1 - CTLK.
[7] Xem: "Ô Châu Cận Lục" của Dương Văn An, bản Việt ngũ của Bùi Lương, Văn hóa Á Châu xuất bản. Sài Gòn năm 1961 - xem Lịch sử Đà Nẵng, luận văn Cao học của Võ Văn Dật, Viện Đại học Huế, 1974. Tr.43.
[8] Căn cứ vào loại giấy, dạng chữ viết, nội dung văn bản và sau khi tham khảo ý kiến của một số nhà chuyên môn, chúng tôi tin rằng niên đại này là đúng.
[9] 1806
[10] Đà Sơn: tên một làng ở nam đèo Hải Vân, phía Bắc núi Phước Lý. Làng Đà Sơn nay là khu dân cư Đà Sơn thuộc phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
[11] Đà Ly: tên một làng dọc bên triền núi Phong Lệ (núi Đất), cách làng Đà Sơn chừng 15km về phía nam. Đà Sơn và Đà Ly là hai trong số địa danh có ghi trong bản đồ thế kỷ 17 (in trong tập: Hồng Đức Bản Đồ, Sài Gòn 1962, tr.149)
[12] Căn cứ vào cách nói ở một chỗ khác trong phổ chí, Thanh Lam được hiểu là vùng Lam Son, Thanh Hoá. (Xem chú thích 28,29)
[13] Sách Thuỷ Kinh Chú, Cựu Đường Thư, Địa Lý Chí cho biết Việt Thường ở vào miền quận Cửu Đúc (tức miền Hà Tĩnh). Văn hiến thông khảo cho rằng Việt Thường xưa là tương đương với nước Lâm ấp, sau là Chiêm Thành. Minh sửĐai Minh Nhất Thống Chí cũng cho r ằng Việt Thường là đất Lâm ấp (Nguyễn Trãi Toàn Tập, tr 563). Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Kỷ Hồng Bàng) thì trong nước Văn Lang của các vua Hùng có một bộ tên là bộ Việt Thường. Phương Đình Địa Dư Chí cho rằng các tỉnh Nghệ An, Quảng Nghĩa đều là đất Việt Thường xưa (tr 135,156). Đại Nam Nhất Thống Chí (tỉnh Quảng Nam) viết: “Quảng Nam xưa là đất Việt Thường Thị”(tr 291)
[14] Lâm Bình: nguyên là đất châu Địa Lý của Chiêm Thành, nay là phần đất tỉnh Quảng Bình. Năm 1069, Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính. Năm 1075, Lý Nhân Tông đổi Địa Lý ra châu Lâm Bình.
[15] Theo Phủ Biên Tạp Lục : “Năm Đinh Sửu (1697), (chúa Nguyễn) sai tướng đi đánh Chiêm Thành. Vua nước ấy xin hàng phục, hàng năm nộp cống phú. Nhân lấy đất từ Phan Rí, Phan Rang trở về tây đặt làm hai huyện An Phước và Hoà Đa phủ Bình Thuận, đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, phong cho con vua cũ nước ấy làm cai cơ, tước hầu” (tr.64)
[16] Theo truyền thuyết được chép trong Nghệ Văn Chí của Hán Thư thì vào cuối đời Hán Vũ Đế (140-67 tr C.N.), Lỗ Cung Vương phá nhà Khổng Tử để mở rộng cung thất mà được mấy chục thiên Thượng Thư, Lễ Ký, Luận Ngữ, Hiếu Kinh dấu ở trong vách và đều chép bằng thứ chữ cổ. Lỗ Cung Vương thấy hình thể các chữ cổ ấy ngoằn ngoèo, bèn cho là hình những con nòng nọc, do đó mà có danh từ khoa đẩu văn.(Nguyễn Văn Dương, Lược sử chữ Hán). Theo cách viết ở một đoạn sau của phổ chí này, thì khoa đẩu được hiểu là dùng để chỉ chữ Chiêm, một loại chữ cũng có dạng ngoằn ngoèo.( Xem Chú thích 10 và 27)
[17] Một số sách về lịch sử Champa có chép là: Năm 315, vua Champa có một cố vấn người Trung Hoa. Khi vua Champa chết, vị cố vấn này tiếm ngôi.(Nguyễn Văn Siêu, tr.182; Dohamide, tr.31, Phan Huy Lê (1983), tr.292, 293), Maspero, tr 56-58). Tên gọi Trịnh Giác Mật và Đà Giang có nhắc đến trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ở một sự ki ện xảy ra năm 1280 và không có liên quan gì đến Champa.
[18] Có thể hiểu là một người con gái trong hoàng tộc
[19] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép việc Sạ Đẩu là chúa nước Chiêm Thành, bị giết trong một trận giao tranh với quân Việt do vua Lý Thánh Tông chỉ huy vào năm 1044. Dường như đối với các tác giả phổ chí này, các vua đời Trần và trước đời Trần đều được gọi chung là “Trần Chúa
[20] Phổ chí nhắc đến hai trường hợp làm rể vua Việt. Trong sử Việt, có nhắc đến  trường hợp vua Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm là Chế Mân vào năm 1306, với món sính lễ vua Chăm dâng cho vua Trần là phần đất Ô, Lý, nay là vùng Quảng Trị, Thừa Thiên, và Đà Nẵng.
[21] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép một số trường hợp các quan, tướng của Chiêm Thành lánh nạn sang Đại Việt, được vua Việt phong quan tước và giao trông coi các vùng giáp ranh vói Chiêm Thành, như trường hợp con trai của vua Chăm Chế A Nan năm 1352, trường hợp tướng Chiêm Thành Chế Ba Điệt năm 1397, và trường hợp hai con trai của Chế Bồng Nga năm 1390, 1402.
[22] Trùng Quang là niên hiệu của vua Trần Quý Khoáng(1409-1413). Chỗ này có sự nhầm lẫn , không thống nhất với chi tiết ở đoạn sau, nói rằng Phan Tiên công qua đời năm Hồ Khai Đại thứ ba, 1405.
[23] Câu Đê: tên làng ở chân núi phía nam đèo Hải Vân.
[24] Thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.
[25] Địa danh Điện Bàn xuất hiện trong Dư Địa Chí (của Nguyễn Trãi, thế kỷ XV ?) là tên gọi một huyện cực nam của Đại Việt thời bây giờ, nay là phần đất từ đèo Hải Vân (Đà Nẵng) đến khoảng sông Thu Bồn (Quảng Nam)
[26] Các địa danh này hiện thuộc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
[27] Các ông Phan Công Thiên, Kiều Lệnh, Đỗ Tuyết, Nguyễn Đăng được nhân dân làng Đà Sơn xem là tiền hiền của làng, cúng tế hàng năm. Tại nhà thờ làng hiện còn giữ các sắc phong của các vua Nguyễn cho các vị tiền hiền này.
[28] Hồ Quý Ly phế nhà Trần vào năm 1400.
[29] Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, cuộc tiến quân của nhà Hồ vào vùng Quảng Nam xảy ra vào năm 1402, thu thêm được đất của Chiêm Thành, lập ra các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Người Chiêm Thành có số đi, số ở lại. Năm 1403, nhà Hồ đem những người không có ruộng mà có của dời đến Thăng Hoa, biên chế thành quân ngũ. Quan lại ở các lộ, phủ, châu, huyện xem đất cho họ ở.
[30] Khai Đại là niên hiệu của Hồ Hán Thương, bắt đầu từ 1403.
[31] Tức năm 1405
[32] Xem chú thích 10.
[33] Đai Việt Sử Ký Toàn Thư có chép: “(Đời vua Trần,1374) xuống chiếu cho quân và dân không được mặc áo, chải đầu theo người phương Bắc và bắt chước tiếng nói các nước Chiêm, Lào”. Dư Địa Chí cũng có chép việc này.
[34] Lê Lợi bắt đầu cuộc khởi nghĩa vào năm 1418 tại Lam Sơn, Thanh Hoá. Sau 20 năm kháng chiến chống Minh, Lê Lợi giành thắng lợi và lên ngôi vua năm 1428.
[35] Xem chú thích 6
[36] Keith W. Taylor, The Early Kingdoms, in Nicolas Tarling (ed.) The Cambridge History of Southeast Asia, Vol I, Cambridge University Press, 1994, tr 157.
[37] -Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Khởi Nghĩa Lam Son, Nxb KHXH, 1977, tr 121,157
   -Vũ Ngọc Khánh, Lê Lợi, con người và sự nghiệp, Nxb Thanh Hoá, 1985, tr 22, 50, 51
[38] Các kết quả nghiên cứu công bố gần đây của ngành ngôn ngữ học lịch sử cũng cung cấp một số chứng cứ cho mối quan hệ này. (Xem: Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiéng Việt)
[39] Tác  giả xin chân thành cám ơn bà con tộc Phan ở hai làng Đà Sơn, Đà Ly và nhiều địa phương khác đã giúp đỡ, phối hợp trong việc khảo sát, nghiên cứu bản phổ chí độc đáo này. Xem: Võ Văn Thắng: Văn hóa dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng (Tác giả - tác phẩm), Nhà xuất bản Đà Nẵng 2007.
[40] Theo hình vị chữ Hán mà giải nghĩa thì chữ Đà (         ) bộ thủy , có nghĩa là nhánh sông hoặc sông nhánh cũng giống như sông Đà Giang là sông nhánh của sông Trường Giang (ở Tứ Xuyên, Trung Quốc). Còn chứ Nẵng bộ nhựt (         ) có nghía là xưa kia hoặc ngày xưa. Theo Từ điển Hán - Việt hiện hành của nhiều tác giả mà giải nghĩa hai chữ Đà Nắng có nghĩa là: Ngày xưa là nhánh sông. Hoặc nơi đây xưa kia là nhánh sông bị bồi lấp. hay nói cho rõ nghĩa hơn là: Đà Nẵng là khu đất mới nằm trên nhánh sông bên tả của dòng sông Hàn, thời xa xưa bị phù sa bồi lấp và chài lấp mà tạo ra.
[41] Cùng với xứ đất Đà Nẵng là xứ Cồn Trạm, xứ Trèm Trẹm, xứ Rẫy Cu, xứ Bàu Lác, xứ Đà Nẵng…
[42] Từ  phía Nam sông Thu Bồn đến hết tỉnh Bình Định.
[43] Trước khi có tên gọi Đà Nẵng như hiện nay, trong dân gian người Việt thời bấy giờ gọi các vùng là xứ đất, như các địa danh sau đây: Tại tả ngạn sông Hàn thì có: Xứ Bàu lác, nằm trong địa phận phường Thạc Gián. Vùng này xưa có nhiều đầm lầy, có nhiều cá lác (trong miền Nam gọi cá phát lác). Sau  trồng sen, nên cũng còn có tên gọi là xứ Bàu sen. Xứ rẫy cu: Thuộc các phường Bình Thuận, Hòa Thuận bây giờ. Trước đây là vùng hoang vắng, ít người ở, nhiều lùm bụi, là nơi cư trú của loài cu (chim đất) nên gọi là xứ Rẫy cu. Xứ Giếng Bộng: Thuộc phuờng Nại Hiên Tây ngày nay. Ngày xưa nơi đây có giếng nước ngọt cung cấp nước cho dân trong vùng, lâu ngày giếng bị lở, nên gọi là giếng Bộng. Xứ Trèm trẹm, hay còn gọi là xứ Trẹm, gọi tắt là Trẹm thuộc vùng Thiệu Bình, Thạch Thang (đầu đường Bạch Đằng, Trần Phú ngày nay). Xứ Đà Nẵng là Hải Châu, vùng trung tâm thành phố ngày nay. Hữu ngạn sông Hàn là xứ Bà Thân (tức làng An Hải).
[44]  Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, bản Việt ngữ của Bùi Lương. Văn hóa Á Châu xuất bản. Sài Gòn 1961 tr.73 - xem Võ Văn Dật: Lịch sử Đà Nẵng.
[45]  Từ FaiFô - Tourane đến  Hane - Cohe - Nha Trang. Sđd, 1961.
[46]  Phan Phát Huồn: Việt Nam giáo sử. Sài Gòn 1965. Q1 trang 26.
[47]  Lam Giang: Trần Quý Cáp và Tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX. Đông Á xuất bản. Sài Gòn.1971 trang 89-90
[48] Như trên đã nói, năm 1306, biên giới phía Nam Việt Nam đã mở mang đến Bắc Quảng Nam ngày nay nhưng không thể khẳng định được vào thời kỳ nào thì những bước chân khai phá đầu tiên của người Việt đặt chân lên vùng đất Đà Nẵng, do đó, việc xác định thời gian tên gọi Hàn là vấn đề rất khó.
[49]  Võ Văn Dật: Lịch sử  Đà Nẵng. 1974 tr.40.
[50]  Đại Nam nhất thống chí - phần Quảng Nam.Tr.5.
     Việt sử xứ Đàng Trong. Phan Khoang, Sài gòn.1970.tr.15-54.
[51] Lư Dung là vùng Quảng Nam ngày nay, cửa Lư Dung tức là cửa Đại Chiêm còn gọi Cửa Đại.
[52]  Báo Quảng Nam - Đà Nẵng số ra ngày 29/3/1976 tr.7

Không có nhận xét nào: