Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Cẩm Lệ - một góc nhìn văn nghệ dân gian



       Võ Văn Hòe

        PHẦN I

          I. VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUẬN CẨM LỆ
1. Có hay không văn hóa văn nghệ dân gian Cẩm Lệ ?
          Nhiều người (trong đó có các nhà hoạt động văn hóa tại địa phương) cho rằng Cẩm Lệ làm gì có đặc trưng riêng của sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian. Nếu có chăng cũng là mượn của Hòa Vang. Điều này không gì sai, nhưng phải nhìn nhận rằng trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian Hòa Vang có phần riêng có của Cẩm Lệ.
          Văn hóa dân gian ra đời, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa tại các cộng đồng dân cư của người lao động mà cộng đồng có tính quyết định là không gian dân gian làng / xóm. Ở đó văn hóa, văn nghệ dân gian nảy sinh và phát triển và đi theo cùng đời sống tinh thần của người dân, Theo đó, các thành tố văn hóa dân gian hẳn phải có tính riêng có của mỗi làng / xóm như dân gian người Việt thường nói chiêng làng nào làng ấy đánh / Thánh làng nào làng ấy thờ là biểu hiện tính riêng có của văn hóa văn nghệ dân gian, tức là đặc trưng dân gian của làng ấy.
          W. J. Thom (người Anh) đưa ra thuật ngữ văn hóa dân gian năm 1846, thuật ngữ này chỉ sinh hoạt phong tục, tập quán, các nghi thức, tính ngưỡng dân gian, ca dao, tục ngữ, sự mê tín, dị đoan,…của người thời trước. Ở Việt Nam thuật ngữ folklore sử dụng đã lâu và được hiểu theo nhiều cách lúc thì văn học bình dân, văn hóa dân gian, lúc thì văn học dân gian nay các nhà nghiên cứu thường gọi văn hóa dân gian.
          Hiện nay ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu tổ chức sưu tầm, điều tra, ghi chép, nghiên cứu văn hóa dân gian trên các lĩnh vực:
          - Ngữ văn dân gian, bao gồm thể loại: loại tự sự, thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, ngụ ngôn, vè, sử thi, truyện thơ,…; loại trữ tình: ca dao, dân ca, hò hát,…; loại bao gồm: thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian,…
          - Nghệ thuật dân gian bao gồm: nghệ thuật tạo hình như kiến trúc, hội họa, trang trí,…; nghệ thuật biểu diễn: âm nhạc dân gian, múa, sân khấu dân gian,…
          - Tri thức dân gian bao gồm: tri thức về môi trường tự nhiên như địa lý, thời tiết, khí hậu,…; tri thức dân gian về con người, bản thân, về y học; tri thức ứng xử giữa cá nhân với cộng đồng, xã hội,…; tri thức trong lao động sản xuất như kỹ thuật và công cụ sản xuất,…
          - Tín ngưỡng dân gian, phong tục và lễ hội.
          - Trò chơi dân gian.
          Văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt cộng đồng dân cư của người dân lao động. Theo đó khi nhận thức hoặc giải thích các hiện tượng của văn hóa dân gian phải đặt chúng vào môi trường sinh hoạt của nó, tức gắn với sinh hoạt của cộng đồng dân cư nhất định, trong đó cộng đồng làng / xóm có tính quyết định và góp phần quan trọng cho sinh hoạt văn hóa văn nghệ làng xóm còn phải kể đến cộng đồng tộc họ.
          Văn hóa trong đó có văn hóa dân gian là sản phẩm của cộng đồng, sau khi hình thành ổn định trong cộng đồng dân cư, đến lượt nó tác động trở lại cộng đồng với tư cách là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển xã hội.
          Theo cách hiểu như vậy, liệu quận Cẩm Lệ xưa nay có nảy sinh hoạt động văn hóa văn nghệ tại vùng đất này không ?
          Theo chân những người đi trước, ngược về quá khứ, ta tìm gặp ông cha ta ngày trước có tổ chức các sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian ngay trên làng xóm mà họ sinh ra, lớn lên, trưởng thành và xây dựng, và con người nơi đây đã tạo nên nét đặc trưng riêng có của họ thông qua con đường truyền miệng.
          Cho đến nay mà nói văn hóa truyền miệng làng xóm luôn vượt trội so với văn hóa đô thị, văn hóa truyền miệng mạnh hơn văn hóa bác học thành văn, ta xem tình cảm nặng hơn lý trí, chủ nghĩa yêu nước trở thành hệ ý thức Việt Nam và đó cũng chính là giá trị văn hóa Việt Nam. Cộng đồng cư dân Cẩm Lệ nằm trong dòng chảy đó, văn nghệ dân gian được giữ gìn, phát huy và phát triển.
          Trước hết xem ở Cẩm Lệ - một số vấn đề văn hóa tiêu biểu có không (ở đây chúng tôi khảo sát một phần dưới góc độ văn hóa văn nghệ dân gian phi vật thể của Cẩm Lệ nhìn từ quá khứ). Trong các thể loại của văn học dân gian, ở Cẩm Lệ thể hiện gần hết các thể loại, loại hình mà văn hóa dân gian hiện đang được nghiên cứu. Ta gặp trên vùng đất Cẩm Lệ các loại thể: tục ngữ, ca dao, đồng dao, hò (hò khoan đối đáp), vè, chuyện kể dân gian (giai thoại, truyền thuyết, sự tích,…). Trong chuyên đề này chúng tôi chỉ đề cập đến một số ít trong nhiều thể loại văn hóa văn nghệ dân gian mà người dân Cẩm Lệ đã sáng tạo nên trong tiến trình phát triển của mình và trong các thể loại đề cập đến, chúng tôi đưa ra một số ví dụ để chứng minh rằng, tại Cẩm Lệ có cái riêng có của họ.
          1.1.Tục ngữ
Nếu chịu khó điền dã sưu tầm chúng ta sẽ bắt gặp nhiều câu tục ngữ nảy sinh trong lao động sản xuất tại các làng / xóm trên địa bàn quận Cẩm Lệ ngày nay:
- Mít Hoà An mấy làng biết tiếng 1.
     - Khen thay con gái Hoà An,
     Sáng đi bán mít, chiều sàng gạo thơm.
          Thì đấy là trong lao động sản xuất như một lời khen ngợi con người trên vùng đất ấy.
1.2. Ca dao
Về tình yêu quê hương đất nước
Ca dao tại Cẩm Lệ, qua điều tra, sưu tầm ghi chép lại được chúng tôi khẳng định rằng các làng xóm đã từng có sinh hoạt văn nghệ dân gian, đấy là sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cộng đồng làng xóm còn ảnh hưởng đến con người đương đại ngày nay, lấy ca dao làm phương tiện trao đổi giao lưu, ngợi ca nhân nghĩa, tình người. Không chỉ trong sinh hoạt thường ngày như lao động, quan hệ xã hội, tình yêu đôi lứa mà ngay cả trong hai cuộc kháng chiến ca dao vẫn thể hiện hiện tinh thần đấu tranh giữ nước và dựng nước của người Cẩm Lệ, thể hiện tính nhân văn sâu sắc.
- Nước sông Hàn chảy qua cầu Cẩm lệ
Anh thương em về thưa với mẹ cha
Hai ta cùng đất Quảng Đà
Cùng nguồn nước chảy hai ta gội đầu.

-Ai từng dời gót Hà Thân
Ghé lên Chợ Huyện [1] bước sang Chợ Cồn [2]
Nơi đây Cẩm Lệ tiếng đồn
Mùi thơm thuốc lá đất còn ngàn muôn…

Về tinh thần chống giặc ngoại xâm  
- Anh đi lánh nạn Trung Lương [3]
Cho tui nhắn gửi người thương Cồn Dầu [4]
Nước nhà nguy biến đã lâu
Ai thương Tổ quốc quay đầu về đây
Về đây chung sức giết Tây
Diệt tề, đánh nguỵ, dựng xây xóm làng.

-Đây đất mẹ, đây lời non nước
Nặng nghĩa tình sau trước một lòng
Đã sản sinh ra bao lớp anh hùng
Chẳng quản phụ với dòng sữa mẹ
Đà Nẵng, Sơn Trà, Miếu Bông, Cẩm Lệ
Chuyện trăm năm còn kể trận mù u [5].
Về lao động nghề nghiệp
-Em là con gái Tân An [6]
Buôn tần, bán tảo [7] chợ tan chưa về.
          Về quan hệ xã hội
- Cậu ơi! Tui ở với cậu mợ
Tiết tháng năm tui đi đập đất gieo
Về để cái dồ ngoài sân
Mợ chạy ra nghiêng tai nói nhỏ:
“Con vô mần giấc trưa!”

-Nam: Con kia, mi đừng nói lừng khừng
Xung điên bắt rắn bỏ quần mi phải khai
Nữ: Bụng đàn bà, dạ con nít
Thấy rắn phải la làng
Rắn không phải rắn
Nó vàng vàng như chú lươn.
Nam: Giống lươn là giống hay trườn
Lấy rổ phân úp lại bốn cẳng giường tau chần lên [8].

- Đêm khuya nghe gà gáy ó…o…
Giựt mình thức dậy, tui mò tui vô
Động giường thức dậy mợ la,
Mợ gọi: thằng Xứng, chớ mày đi mô ? [9]
Tui nói: đi vô lấy gạo nấu cơm
Có ái ống không biết cái ô ở chỗ nào
Mơ màng giấc điệp chiêm bao
Mợ nói: ô đây, ống đó con lấy nhào đi mà ra
Đêm khuya tui ở cà rà
Mợ xung điên nắm ống, mợ cà muốn bể ô [10].

- Nam: Giương cung bắn xỉ con cò
Thường ngày thường tới thường mò cá tôm
Nữ: Hữu nhãn vô châu thầy thấy đâu thầy bắn,
Ra tận chiến trường trắng trợn mắt mây.
Nam: Hữu nhãn vô châu thầy cũng thấy mờ mờ,
Dù bắn không trúng, thầy rờ thầy đâm [11].

- Nữ: Quý chi một quấu một quào [12]
Rúc qua, rúc lại cái rào tan hoang.
Nam: Bù chao chẳng phải bù chao
Chàng làng không phải chàng làng
Con chim ni khôn toan khó liệu
Có người ở cận thân thích điểu [13] tau mới hỏi thăm
Ờ, ờ nghĩ lại mà nhằm
Con chim ni cắn cặt [14] mọi năm trên giàn
Phá bầu, phá bí tan hoang
Bữa nay ngộ gặp, tau bắn càng mũi tên [15].

- Nam: Đời chừ trai muốn làm đàn bà không
                                muốn làm đàn ông
          Tui đi tuốt ra Huế rèn cái dao cho tinh thần
          Rèn về hớt trớt cục gân
          Hớt hai trái ứ, ra thân đàn bà
          Hớt rồi quăng trái ngõ ba
          Mấy chị em gái lượm mà bỏ khăn
          Bỏ rồi thích chí nhăn răng cười khì
          Nhà tôi có một cối đâm
          Đem về mà giã, mà cầm cho sướng tay
          Khen cho cái loại thậm hay
          Để dưới đất hắn nhỏ, cầm trên tay, lớn thình.
-Nữ:
          Giống chi[16], một năm ba đồng sáu giác chừng mô!
          Tốn hao chi đó bạn hớt bộ đồ cho oan ?
          Tử tôn ai nói thiệt lời
          Ngày sau nấm lở, mộ tàn ai vun
          Anh hùng có chứng nói cuồng
          Gia bần, trí đoản [17] hết khuôn anh hùng
          Nói ra không sợ chị em cười
          Một năm ba đồng sáu giác không có,
                                      xin người, người cho
          Bạn về đắp chiếu ngủ co
          Để lo đàng hương khói chớ lo chi mà hớt đồ
          Hớt rồi không biết quăng mô
          Quăng đường thiên lý lộ, chó tha vô nhớp nhà.[18]
         
Tình yêu đôi lứa

- Chim chi đầu đỏ mỏ vàng
Bay ngang Cẩm Lệ hỏi chàng bớt chưa ?
Hai hàng nước mắt như mưa
Tay giở chiếc chiếu tay đưa bình dầu
Chàng ơi ngồi dậy xức dầu
Ăn cơm uống nước đừng có phiền rầu, hư thân !

- Cũng vì chàng mà thiếp bị đòn roi
Không tin giở áo ra coi dấu lằn.

-Đưa em cho tới Hà Khê [19]
Bắt tay em lại, chữ đề ba câu
Câu thương, câu đợi, câu chờ
Duyên đôi ta ngộ gặp, làm lơ sao đành
Chim kêu dưới suối, trên gành
Ta không bỏ bạn, bạn đừng liệu bề bỏ ta.

- Giả đò đi chợ Miếu Bông [20],
Ghé vô thăm bạn, bạn không có nhà!

- Giã đò xách giỏ hái dưa
Xăm xăm nước tới hói Dừa gặp nhau [21]

-Lạy trời đừng nắng, đừng mưa
Âm u gió mát thiếp đưa chàng về
Chàng về tới đất Hố Quê [22]
Xây lưng trở lại ủ ê gan vàng
Đêm nằm thờ thở than than
Trông trời mau sáng lên đất Nghi An [23] gặp mình
Duyên ba sinh, nợ ba sinh
Trời đâu xuôi khiến hai đứa mình xa nhau.

Về tình yêu đôi lứa

- Chim chi đầu đỏ mỏ vàng
Bay ngang Cẩm Lệ hỏi chàng bớt chưa ?
Hai hàng nước mắt như mưa
Tay giở chiếc chiếu tay đưa bình dầu
Chàng ơi ngồi dậy xức dầu
Ăn cơm uống nước đừng có phiền rầu, hư thân !

-Đưa em cho tới Hà Khê
Bắt tay em lại, chữ đề ba câu
Câu thương, câu đợi, câu chờ
Duyên đôi ta ngộ gặp, làm lơ sao đành
Chim kêu dưới suối, trên gành
Ta không bỏ bạn, bạn đừng liệu bề bỏ ta.



- Nước sông Hàn chảy ngang cầu Cẩm Lệ
Anh thương em, để về thưa với mẹ cha
Hai ta cùng đất Quảng Đà
Cùng dòng nước chảy hai ta gội đầu.
1.3. Vè
Vè là một thể loại văn học dân gian, được diễn xướng trong cộng đồng thông qua các nghệ nhân trong làng xã. Vè theo chân các nghệ nhân dân gian đi nói vè tại các tụ điểm đông người. Dần về sau, vè cùng với cặp sênh (sinh tiền) gõ nhịp, đưa lời, đôi khi các nghệ nhân khéo léo đưa làn điệu vào vè để nói vè có hơi thở của “văn nghệ”, và biến một cuộc nói vè có phần hấp dẫn hơn trước đám đông người qua lại. Nói vè trở thành một loại hình diễn xướng dân gian rất hấp dẫn và phát triển tại đất Cẩm Lệ một thời. Vè được sử dụng thể hiện nhiều mục đích khác nhau trong sinh hoạt văn hoá làng xã chính đó, khi nói đến đất Quảng Nam ngoài kho tàng ca dao dân ca chưa mưa đà thấm, người ta còn biết đến thể loại vè. Cẩm Lệ không ngoài không gian văn hóa đó. Đây là một trong những thể loại tạo nên đặc trưng riêng của người Quảng Nam, gần như đã mang tính trội của người Quảng, trong đó hẳn nhiên có vùng Hoà Vang, Cẩm Lệ nữa.

-Kể từ Tây lại cửa Hàn[24]
Lệnh trên đại Pháp dọn đường đi chơi
Chơi đà đủ thứ khắp nơi
Dẫn lên Tây béo[25], đi chơi Phước Tường[26]
Tai nghe ông Hãn có một cái vườn
Ảnh[27] ham hoa lợi tìm đường hỏi thăm
Hương Ích khi ấy đương nằm
Lão Hãn kêu hỏi:" Vườn nầy vườn ai ?
Vườn nầy tổ phụ lưu lai
Ông mua tui bán, không ai dám giành
Tứ phía rày bởi rẫy tranh
Truy tô nhập lại mấy anh trong làng[28]
Lão Hãn nghĩ thế cũng an
Dẫn vùng kho bạc[29], dẫn sang vườn Bành
Dẫn qua hố Sỹ, hố Lê[30]
Dẫn lên mả Lạc, dẫn về vườn Niên
Kho bạc ỷ thế ỷ quyền
Mời làng tới hỏi, bộ biên[31] đất nào
Hương Ích mở miệng thưa vào
Ông mua tui bán ngang rào sắp lên
Cai Huệ đứng lại một bên
Lão Hãn kêu hỏi:" Hai tên dân nào ?
"Tui là con cháu lý, hào làng ni[32]
"Tui đây vốn thiệt cu ly
"Làm cho ông Hãn vậy thì đã lâu
"Hai đứa tui vốn thiệt mần màu
"Về Hàn lấy đậu, tỉa đâu mọc liền
Hai đứa bay làm lụng cho chuyên
Vườn ông xinh tốt, bạc tiền phát cho
Hai đứa bay làm lụng biết lo
Vườn ông cỏ sạch, ông cho bạc hoài
Kho bạc rày biểu Huệ coi
Cu li đôi tháng trong ngoài cho chuyên
Vườn Niên rày đã đà yên
Dọn thẳng gò Mạch, dọn xuyên gò Vàng
Tưởng là dọn chững[33] không an
Hay mô ông dọn gò Sàng, hố Tre
Tưởng là ông dọn đàng đi xe
Hay mô ông dọn ông be cái hồ[34]
Hai anh em mình nhắm địa đồ
Dọn thẳng rẫy Hoách, dọn vào hang Giơi
Tưởng là dọn đàng đi chơi
Hay mô ông dọn kiếm nơi lập vườn
Hồi đầu lấy rẫy ông Hương
Sau lấy rẫy Thủ Chánh, lập vườn hố Giông
Việc làm rày đã mênh mông
Bắt đó dọn thẳng dinh Ông[35] một đàng
Dọn thẳng rẫy Thủ Chánh, dọn hồ binh linh
Trong làng mới rõ sự tình
Làm cho Thái tộc[36] làng mình tính sao
Thằng Tây đã dọn đàng bao[37]
Chờ cho chủ nhật biết làm sao đặng nhờ
Thằng Tây thừa bữa tri cơ[38]
Chờ cho chủ nhật, đào bờ trồng cây
Làng mình truyền hết dân bay
Tự lớn chí nhỏ, bay lên đứng đầy rẫy tranh
Bây lên cứ việc bây giành
Cu li đào hục[39], bức dây xanh[40] trói liền
Kho bạc ỷ thế, ỷ quyền
Về Hàn phúc sự chiều liền cò[41] lên
Cò lên làng đứng hai bên
Cò kia vô giấy, dẫn lên trên đồn
"Làng bay quá ngữ, lộng ngôn
"Việc chi còn đó, dại khôn có tòa
Việc nầy ai sử đầu ra[42]
Cò kia vô giấy dẫn qua bên nầy
Ông Hương, ông Thủ, ông Xã, ông Thầy
Lạy quan đại Pháp việc nầy không gian
Cấm lớn, cấm nhỏ vốn thiệt của làng
Năm ba cái cấm[43], thuế quy nộp thường (liền)
Cấm lớn, cấm nhỏ cũng nhường cho ông
Hố Sung cho chí hố Giông
Làng tui cũng nhượng cho ông cả rồi
Chỉ còn một chút ngôi gò Đình
Để khi tế tự âm linh, thổ thần.[44]

-Đất Nghi An là nơi quê quán
Đất Đông Phước [45] là đất ngoại tông
Chẳng phải quê mẹ mà chẳng phải quê ông
Thường ngày xách nón băng đồng hồi gia
Quê người ta xứ sở người ta
Mình vô danh vọng, bôn ba hại mình
Người sao có chứng binh linh
Nghĩ ra đáo lý không tình nghĩa chi
Người người không biết chữ thị phi [46]
Chê đây, lấy đó hơn chi nơi nào
Bạn ở làm chi tác lớn tuổi cao
Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục [47]
Không kiếm nơi nào cho xong
Người sao có chứng hai lòng
Muốn thương bên nớ cùng tròng  bên tê
Người đời có chứng dâm mê
Chữ  ô danh nan thục [48] họ chê, họ cuời
Cầm vàng trên tay không biết vàng mười hay vàng năm
Hằn chi họ nói có nhằm
Ai đời thấy rể ăn nằm cùng bà gia
Chầu rày lậu tiếng về nhà
Chữ ô danh nan thục biết cái mặt chàng dại khôn.

Và còn nhiều bài vè khác như vè Ô danh nan thục, vè địa giới, vè ghẹo gái, vè bà Em, vè con Xáng, vè Ba Ngôn, vè lấy trai, vè ông Phú, vè bán bia,…

1.4. Về hò khoan đối đáp
Cùng với hành trang của người xứ Quảng trên con đường Nam tiến, khai phá giang sơn, họ “gánh theo tên làng tên đất” đi theo cùng với bước chân từ những ngày đầu mở đất. Những điệu hò là niềm vui, là nỗi lòng, là nguồn động viên họ trong lao động quên mình trước những khó khăn thử thách. Hò khoan đối đáp của Cẩm Lệ xuất hiện trên cơ sở đất đai, sông núi, tình người và mối giao lưu với các tộc người bản địa để từ đó tìm được môi trường diễn xướng, phổ biến và rất được ưa thích ở xứ Quảng.
Để hát được, bạn hát thường tập trung trên sân một nhà bạn hát nào đó, hoặc dưới luỹ tre làng trong lúc xay, giã gạo dưới ánh trăng tròn. Đôi khi trên các chiếc ghe neo đậu cửa sông,... vào những đêm trăng sáng cũng có thể hát được. Để được hát hò khoan đối đáp, đôi khi các bạn hát vượt một quãng đường dài sang làng khác để hát tìm vui, kết tình nam nữ... Thanh niên trai tráng vùng đồng bằng thường lội bộ từ Đông Phước, Nghi An xuống tận Hố Quê (Khuê Trung) để hát đối đáp với nhau [49]. Theo dấu chân của họ, ngày nay ta còn tìm thấy được con đường đi hát hò khoan ngày xưa: Lạy trời đừng nắng đừng mưa/ Âm u gió mát thiếp đưa chàng về/ Chàng về tới đất Hố Quê/ Xây lưng trở lại ủ ê gan vàng…, điều đó cho hay rằng trước kia, các làng trong cùng một vùng thường lên xuống thăm chơi và hát hò khoan huê tình. Hoặc đi ra phía ngoài lại gặp các bạn hát hò khoan từ Tân An, Đông Phước, An Khê hát với nhau: Đưa em cho tới Hà Khê/ Nắm tay em lại chữ đề ba câu/ Câu thương, câu đợi, câu chờ/ Duyên đôi ta ngộ gặp làm lơ sao đành! Hoặc trai thanh nữ tú tổng Bình Thái hát hò khoan với các chàng lực điền bên Phong Lệ của tổng Thanh An, đã được các cô ngộ nghĩnh đùa vui hài hước: Hớt cái l. quăng chũm xuống sông/ Để trai Phong Lệ hết phương rình mò.
Điều đó cho biết rằng con đường đi hát của các bậc tiền nhân xưa không chỉ quanh quẩn trong mỗi làng mà họ đã mở rộng không gian cho những lần hò hát. Ngày trước, một làng không phải nhiều, chỉ chừng đắc bách nhơn nên thanh niên nam nữ cũng ít. Lại thêm trong làng phần lớn là định cư của một đến hai, hoặc ba tộc họ lớn nên việc hát với nhau xưa kia không được khuyến khích mà phải đi tìm bạn hát ở những làng lân cận. Chính đó, có thể nói rằng hát hò khoan tại Cẩm Lệ là một sự tìm kiếm người tâm đầu ý hợp để làm quen. Phương tiện để hát thường là những công việc lao động hằng ngày như giã gạo, giã vôi, leo dốc, chèo thuyền, kéo lưới... bứt đậu, xâu thuốc, xắt sắn, xắt khoai,…đôi khi không có công việc trong những ngày nông nhàn, thanh niên  nam nữ tập trung lại dùng trấu để giã mà hát với nhau.
          Danh xưng Bình Khuê Cẩm gắn liền với hiện tượng văn nghệ dân gian làng xã, ra đời sau năm 1945 tại ba làng Bình Thới, Khuê Trung, Cẩm Lệ. Không phải ngẫu nhiên mà dân ba làng tại đây ghép tên xứ sở mình để có danh xưng Bình Khuê Cẩm. Tại vùng đất ba xã thị thành này, các nghệ nhân lập một đội hát bộ, bài chòi, lấy tên ba làng Bình – Khuê – Cẩm đặt tên cho đội hát, từ đó danh xưng Bình Khuê Cẩm ra đời. Điều đó cho hay rằng tại vùng đất này từ trước đã có cái riêng có của họ hòa chung trong không gian văn hóa dân gian đất Quảng.


1 Hoà An: một làng thuộc xã Hoà Phát nay thuộc Phường Hoà An, quận Cẩm Lệ, Tp Đà Nẵng.
[1] Chợ huyện: tức Chợ Mới (chợ Hoà Thuận) xưa kia chợ Hòa Thuận tục gọi là chợ huyện (thuộc huyện Hoà Vang).
[2] Chợ Cồn: tên một chợ, xưa thuộc huyện Hoà Vang; nay thuộc quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng. Cũng có xóm Tân An tại Khuê Trung – Hòa Cường
[3] Trung Lương: thôn Trung Lương trước thuộc xã Hòa Xuân, 2005 đến nay là khu dân cư thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.
[4] Cồn Dầu: tên làng thuộc xã Hoà Xuân, huyện Hoà Vang, 2005 đến nay là khu dân cư thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.
[5] Trận mù u: Tương truyền năm 1858, khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, Ông Ích Khiêm đã dùng trái mù u rải trên mặt đường tại phòng tuyến Liên Trì, giặc Pháp đi giày đinh dẫm phải ngã lăn lóc. Là bài thơ dài, có khổ đã được dân gian hóa.
[6] Tân An: thuộc làng An Hải, nay  quận Sơn Trà,  Tp Đà Nẵng. Cũng có xã/làng Tân An trước thuộc xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, nay là khu dân cư thuộc phường An Khê,  quận Thanh Khê, Tp ĐN.
[7] Tần, tảo: hai loại rau xanh sống ở nước. Ở đây chỉ sự cần cù làm ăn, buôn bán.
[8] Trong dịp hát đối đáp nhau chàng trai lên Lương, cô gái tên Khai, hát tại Đông Phước xã.
[9] Thằng Xứng: tức ông Châu Xứng, người làng Đông Phước, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, ĐN)
[10] Ghi tại làng Đông Phước, tương truyền do Châu Xứng đọc.
[11] Xỉ con cò: vận dụng phương thức nói lái trong tiếng Việt.
[12] Quào: đọc chệch âm của cái cào cỏ, (phương ngữ gọi bù quào, bù cào).
[13] Điểu: giống chim điểu.
[14] Cặt: vòi nhuỵ bông bí.
[15] Bài do ông Trọng Hào, còn gọi là Trọng Quào hát với bà Hoạch. Chim thường cắn bông bí là chim chắt hoạch.
[16] Giống chi: (phương ngữ): Bao nhiêu lắm. Bao lăm lắm. Có chi đâu.
[17] Gia bần trí đoản: nghĩa đen là nhà nghèo trí ngắn.
[18] Bài do ông Phó Tân hát trong một lần hát đối đáp tại Hố Quê (nay là phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Tp Đà Nẵng).
[19] Hà Khê: Xuân Hà, Thanh Khê nay thuộc quận Thanh Khê, Tp Đà Nẵng.
[20] Miếu Bông: nay thuộc xã Hoà Phước, huyện Hoà Vang, Tp Đà Nẵng.
[21] Hói Dừa: tại làng Bình Thái, phía tây bãi La Hường thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, giáp làng Phong Bắc, nơi nước từ mương Hương Mãng đổ ra sông Cẩm Lệ, trước khi ra sông nước tụ lại tại hói Dừa. Hói Dừa có thể đọc trại từ Dứa, bởi chung quanh hói Dừa có rất nhiều cây dứa mọc thành bụi, lùm mà không có dừa mọc tại đây.
[22]  Hố Quê: hay Quá Quê thuộc làng Hóa Khuê Trung Tây, nay là phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
[23]  Nghi An: (xã) làng, là thôn Nghi An thuộc xã Hòa Phát huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; nay là khu dân cư Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ.
[24] Hàn: Hàn, Thái Phiên, Đà Nẵng. Chỉ Tp Đà Nẵng ngày nay.
[25] Tây béo: sân bay Đà Nẵng ngày nay.
[26] Phước Tường: thôn Phước Tường xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, Tp ĐN. Trước 1945 một phần thuộc xã Hòa Nhơn, Hòa Vang.
[27] Ảnh: chỉ tay chủ đồn điền Pháp.
[28] Đóng góp cho các ông có chức sắc trong làng.
[29] Vùng đất mà kho bạc của Pháp đã mua rồi.
[30] Sỹ,Lê: tên các con hố ở núi Phước Tường.
[31] Bộ biên: trích lục, giấy tờ lý lịch đất.
[32] Lý trưởng, hào trưởng trong làng.
[33] Chững: chừng ấy (đó).
[34] Hồ sen, nay  thuộc thôn Nghi An (gần nhà thờ Thái Phiên) xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang.
[35] Dinh Ông: nơi thờ Thành hoàng bổn xứ làng Ngi An. Dinh phối thờ cọp/hổ.
[36] Tộc Thái, (tộc của Thái Phiên, Thái Thị Bôi) ở thôn Nghi An, xã Hòa Phát.
[37]  Tức bao quanh.
[38] Thừa dụng bữa nghỉ ngày chủ nhật không có quan nào can thiệp.
[39] Đào hục: đào hố, đào lỗ.
[40] Dây xanh: một loại dây leo rất dẻo dùng làm dây cột, quấn rất chặc. Người dân thường dùng đi củi, đi tranh, đi bổi, đi lá... trên núi Phước Tường, dùng dây xanh cột, bó lại.
[41]: cảnh sát.
[42] Sử đầu: vẻ chuyện, sử chuyện ra.(phương ngôn).
[43] Cấm: quãng đất rộng dưới chân đồi, gò.
[44] Tên đất và người trong bài vè đều ở làng Nghi An, Hòa Phát, Hòa Vang.
[45] Nghi An: làng, nay là thôn Nghi An ; Đông Phước: làng, nay là thôn Đông Phước, hai thôn trên thuộc xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, Tp Đà Nẵng.
[46] Thị phi: phải trái, không biết chuyện đứng sai.
[47] Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục: thà chịu chết chứ khôngchịu nhục.
[48] Ô danh nan thục: thục: chuôc lại. Ý rằng  danh tánh bị làm xấu đi thì khó mà chuộc được, rửa được.
[49] Xưa kia và ngày nay quan hệ hôn nhân giữa các làng Đông Phước, Nghi An, Hố Quê là bằng chứng cho thấy trong quá khứ thanh niên nam nữ có quan hệ quen biết nhau.

Không có nhận xét nào: