Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Cẩm Lệ - một góc nhìn văn nghệ dân gian

Võ Văn Hòe

PHẦN II


1.5. Về Chuyện kể dân gian

          Chuyện kể dân gian vùng Cẩm Lệ không có đủ các loại thể, song qua nhiều câu chuyện cho chúng ta ngày nay biết được con người Cẩm Lệ không phải không ứng tác những câu chuyện dân gian gắn với đời sống thường ngày. Chuyện kể dân gian với hiện thực lịch sử, xã hội tại vùng đất này mà nó nảy sinh phản ảnh bản chất tâm lý của con người trên vùng đất ấy. Một số thể loại có mặt tại vùng Cẩm Lệ như truyền thuyết có : Sự tích cây thuốc lá ; giai thoại có [1]: Thiếu niên đăng cao khoa, Chú rớt rồi, Tôi là sinh đồ, Đãi tiệc các quan, Hết mía mới hết đường, Một cuộc chia làng, Mừng đón tân quan, Câu đối viếng chồng,... thể hiện bản lĩnh và tư duy của người Cẩm Lệ là thế nào trong đời sống tinh thần của người dân làng xã.

          1.5. Về lễ hội dân gian
*Lễ hội  Mục đồng làng Phong Lệ (nông nghiệp)
Lịch sử hình thành vùng đất Phong Lệ đến nay đã trên 600 năm. [2] Người Phong Lệ là những cư dân vốn xuất thân là người làm ruộng, vì thế với những kinh nghiệm và ngành nghề sản xuất nông nghiệp luôn là nghề chính (nông vi bản), chủ yếu của nhân dân. Do đó, người làng Phong Lệ khi đã có mảnh ruộng, thửa vườn, với công cụ con trâu, cái cày, cộng với sự khai thác, xây dựng, cải tạo sông nước, đê đập, phân, giống cây trồng, vật nuôi… họ đã gắn bó với ruộng đồng, vườn tược, bốn mùa nông tang cày cấy, được xem là yếu tố quyết định sự tồn tại, sinh thành của cộng đồng người dân tại đây.
Trong quá trình phát triển làng xã cho đến ngày nay, làng Phong Lệ không khác những làng quê khác, là sớm hình thành những thiết chế, cơ sở vật chất gắn với đời sống, sinh hoạt và văn hoá tinh thần, tín ngưỡng tâm linh, đấy là những xóm thôn, nhà ở, đình làng, nhà thờ, lăng miễu, từ thô sơ đến kỹ thuật xây dựng đạt tới độ nghệ thuật ở một vài công trình còn được gìn giữ tôn tạo. Gắn với những gì ra đời từ bước chân đầu tiên của lưu dân đến vùng đất mới này là những phong tục, tập quán được hình thành; giềng mối gắn kết giữa các họ hàng, dòng tộc; giữa con người với thiên nhiên; giữa cái vô hình với thế giới hữu hình là sự thờ cúng tổ tiên, thần linh (dẫu thần linh là sự mơ ước, ngưỡng vọng trong tâm tưởng). Nhưng chính những phong tục tập quán như các vị cao niên còn sống và chứng kiến ngày nay đều coi là lễ nghi thiêng liêng thuần Việt. Trong đó Lễ hội Mục đồng, có khi dân làng gọi là Lễ Rước Mục đồng, hoặc hát Mục đồng là sáng tạo dân gian trong một không gian làng xã mà đối tượng đứng ra lo liệu là giới chăn trâu, có các chức sắc phụ giúp và dân của làng, không phân biệt đẳng cấp, giàu sang, nghèo hèn, ông chủ hay người làm thuê, đều chia sẻ cùng nhau sự náo nức vui tươi. Một nét đẹp văn hoá giàu màu sắc đóng góp vào kho tàng văn hoá văn nghệ dân gian dân tộc, làm nên sự đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc vùng, miền.
Phong Lệ xưa còn là một trong những làng quê được coi là nơi nổi tiếng hiếu học và giàu lòng yêu nước, có nhiều nho sĩ, sĩ phu ra ứng thí đỗ đạt và làm quan văn, võ cương trực, không khuất phục, lòn cúi trước kẻ thù và các lực lượng cường hào phong kiến. Như trường hợp họ Ông, một họ tộc gốc Chăm là tộc họ lớn của người Chăm, có mặt sớm  (người bản địa) ở đất Cẩm Lệ xưa. Ông Ích Khiêm là người ở làng Phong Lệ vốn xuất thân từ “giới” chăn trâu, nhưng lớn lên chịu khó học hành, lại vinh hiển qua đường khoa bảng cùng với lòng yêu quê hương tha thiết đã gội nhuần tư chất là một Ông Ích Khiêm dũng tướng can trường nghĩa khí [3], rồi liệt sĩ Ông Ích Đường [4], là những nhân vật đã đi vào sử sách về sự dũng cảm hy sinh, xả thân vì nước vì dân, coi cái chết nhẹ như lông hồng, đã để lại tấm gương trung liệt cho con cháu trong làng và cho đất nước.
Dòng sông Yên xuôi xuống đến đoạn Cầu Đỏ, chiếc cầu trên quốc lộ 1A, rồi từ đó là sông Cẩm Lệ chia tách hai làng làm đôi là Phong Lệ Nam và Phong Lệ Bắc, nơi có lăng mộ Ông Ích Khiêm và mộ phần dòng họ Ông cùng mộ các chư phái tộc yên nghỉ.
          Ngày nay, khi đi ngang qua vùng đất Quảng, đến làng Phong Lệ (nay là Phong Nam) thuộc xã Hòa Châu, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng nếu lắng nghe quá khứ thì quá khứ vẫn còn vọng đến hôm nay âm hưởng thiết tha về một thời kỳ giới chăn trâu có dịp làm chủ làng mình, hội mình. "Nhất Phong Lệ Mục đồng /Nhì Giáng Đông đấu vật" là một tập tục lâu đời tồn tại trong nhân dân ở đây và đã trở thành niềm tự hào của họ - một niềm tự hào chính đáng về một phong tục Lễ hội giàu sức sống nhân văn bền chặt ở làng quê yên bình này.

          * Lễ hội hạ điền làng Lỗ Giáng
          Ở làng Lỗ Giáng ngày xưa có các lễ hội diễn ra ở đình làng như: Lễ hội Thần Nông, còn gọi là lễ hội xuống đồng, thường tổ chức vào ngày mùng 1 tháng 10 âm lịch, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu. Sau ba hồi trống lệnh, các hộ nông dân mang xôi gà đến đền thờ Thần Nông để cúng. Giữa lễ cúng, vị chủ bái vẫn khăn áo chỉnh tề đi đến vạt ruộng rộng 4 m2 đã được cày sâu bừa kỹ, cùng với năm bó mạ, vị chủ lễ bước xuống ruộng và cấy năm bó mạ, sao cho sau khi cấy xong 4 m2 ruộng mạ vẫn còn thừa mới tốt. Cấy như thế tượng trưng cho việc mở đầu vụ mùa mới. Trong lễ hạ điền, dân làng tụ họp bàn chuyện làm ăn, cụ thể như cấy giống lúa gì để mùa tới đạt năng suất cao, nhà nào thừa mạ, thiếu mạ đều được bàn bạc giúp đỡ và mua đổi ngay tại đình làng. Đến tối dân làng tổ chức vui chơi, lúc này sân đình sáng rực ánh đèn lồng, đuốc, rộn rã tiếng kèn, tiếng trống và một tràng pháo khai mạc đêm vui. Các cụ phụ lão, thanh niên nam nữ trong làng đều tề tựu đông đủ, cùng hát hò khoan, kéo co, đẩy cây…cuộc vui mang tính chất khuyến khích về nông nghiệp và cho đến gần sáng thì dứt [5].

          * Lễ hội đua ghe làng Cẩm Lệ (ngư nghiệp)
Xuôi về làng Cẩm Lệ xưa, ở đó ta gặp lễ hội đua ghe vào dịp cuối năm âm lịch mà các thành tố « sái », « phong » dân gian trong lễ hội là cái riêng có của hội đua ghe làng Cẩm Lệ. Đây là một tục lệ lâu đời gắn liền với vùng đất vừa có sông, vừa có gò đồi, ruộng đồng, phản ánh sinh hoạt nghề nông, vừa là nghề sông nước.[6].
Hội đua ghe trên sông Cẩm Lệ là một trong những lễ hội có tiếng tạo nên ấn tượng lâu dài trong nhân dân Cẩm Lệ. Huyện lỵ Hòa Vang một thời đóng tại Hóa Khuê Trung Tây, vì thế mà hội đua ghe tổ chức trên sông Cẩm Lệ có khả năng ảnh hưởng đi xa. Lệ đua, năm đua nhỏ hoặc đua vừa gọi là năm Sái. Sái chỉ có lễ nhẹ vào 25 tháng 1 âm lịch, có tổ chức đua nhưng không quy mô, không phát thưởng trọng thể. Hai năm Sái cũng là hai năm vòng một để tuyển chọn và luyện tay nghề, phát triển đội mạnh, phát hiện những tay đua trẻ có tài, kịp bồi dưỡng theo dõi, nâng đỡ để vào đua chính thức chọn đội hoặc tay đua xuất sắc nhất lập đội tuyển của huyện.

          Đua Sái đi liền hai năm liên tục, sau đó dồn lực lượng cho năm Phong, năm Phong tổ chức đua quy mô, có phát thưởng trọng thể, huyện chủ trì hội lễ. Năm Phong, đội đua nhiều, tay đua mới lạ, nhiều xã trong huyện cử đội đến tham gia. Năm Phong quy tụ chừng 15 đội.

Trước khi đua, lễ tổ chức theo nghi thức cổ truyền tại miếu Bà và có đọc bài văn tế. Nghi thức hành lễ giống như lễ tại đình làng trong tế xuân và tế thu hằng năm của làng Cẩm Lệ. Lễ bắt đầu từ tờ mờ sáng ngày 25 tháng giêng. Sau lễ là hội đua, có năm quy tụ: Cẩm Chánh, Cẩm Bắc, Cẩm Nam, Cẩm Bình, Bình Thái, Phong Lệ, Nam Ô...cử đội về tham dự. Dân từ các nơi đổ về xem rất đông, tạo cho lễ hội đua ghe thêm náo nhiệt.      
Hội đua ghe tại làng Cẩm Lệ đăng cai trước 1945 là lễ hội lớn, là sinh hoạt hội hè có giá trị về mặt văn hóa tinh thần của nhân dân. Hội đua ghe còn là nơi phát huy tính tập thể, học tập kỹ thuật đua chèo, là nơi những tay đua giỏi nổi tiếng truyền "miếng" lại cho những tay trẻ mới vào nghề.

          Hội đua ghe ở Cẩm Lệ còn là tinh thần coi trọng nghề nghiệp trên sông nước, đồng thời cũng là dịp nhân dân chăm sóc bờ sông, sửa đắp những đoạn lở, bồi. Đua ghe còn phát huy tính độc lập tự chủ trong lễ hội, rèn luyện thủy quân.
         
II. NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA LỊCH SỬ KHÁC
LIÊN QUAN ĐẾN CẨM LỆ

1. Về giáo dục
          Ngay sau khi thành lập huyện Hoà Vang không lâu, do nhu cầu học tập, trao dồi chữ nghĩa thánh hiền nên người Hòa Vang cũng đã kịp thời mở trường cho con em học tập. Tuy có rất nhiều khó khăn, song trên địa bàn rộng lớn này đã có trường học. Bấy giờ trường mở ra để dạy chữ Nho, đào tạo tầng lớp trí thức Nho học, tuyển chọn người tài đức phục vụ trong hệ thống chính quyền phong kiến. Tuy nhiên, con em nhân dân là sĩ tử, sinh đồ và con em nhân dân nghèo khó, thuộc tầng lớp bần cố nông đến trường rất thấp, tỉ lệ đi học từ 5 – 10 %. Trường học, ngày ấy là “Trường huyện nằm ở phía Tây huyện lỵ, thuộc xã Hóa Trung Tây, được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 5. Đến năm Tự Đức thứ 11, quân Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, binh lính đóng ở bến Cẩm Lệ, trường phải dời đến phía nam đại đồn Nghi An thuộc địa phận xã Đông Phước” [7]. Đấy là trường học đầu tiên của huyện chuyên về dạy chữ nho.
          Trên địa bàn quận Cẩm Lệ nay, hưởng ứng phong trào Duy Tân còn có các trường làng mở ra nhằm bước đầu dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân trong huyện, nhất là thanh niên. Trường làng Hoà An do cụ tú Xước, tú Điền, cụ khoá Ngoạn, thầy giáo Nguyễn Như Thức vận động thành lập. Tại xã Tân Hạnh, do nhu cầu con em nhân dân muốn học chữ nên ông Nguyễn Ngọc Cầu đã không ngại khó khăn bỏ công vận động thành lập được một trường làng, cùng với thầy giáo Phan Hạng vừa chiêu sinh vừa giảng dạy.
Từ năm 1922, trường làng Lỗ Giáng được Đốc học Quảng Nam đề xuất thành trường công thuộc tổng An Lưu, đến năm 1926, trên toàn bộ vùng Hoà Vang thời ấy chỉ có 3 trường được Đốc học Quảng Nam đồng ý cho phát triển thành trường công lập, dạy theo chương trình của Pháp, đội ngũ quản lý nhà trường do Đốc học bổ nhiệm. Từ đây vai trò các nhà hão tâm, các nhà nho quan tâm đến tân học đã không còn đóng vai trò quyết định phương thức phát triển của các trường làng nữa. Thời kỳ này các trường làng nhìn chung đều giảng dạy lịch sử, địa lý địa phương, các môn thủ công đan tre, đan lát, nghề mộc,…

          2. Về hương ước, khoán ước
Cũng như nhiều làng quê khác trên cả nước, làng Lỗ Giáng cũng lập bản hương ước riêng của làng. Bản hương ước này được lập vào đời vua Duy Tân (1907-1915), với mục đích giữ gìn an ninh, trật tự trong làng xóm và tạo mối đoàn kết, tương thân, tương trợ lẫn nhau. Hương ước có các khoản sau, đại ý như sau:

     - Tiết giảm chi tiêu, phù phiếm, xa xỉ trong việc cúng tế ma chay, cưới hỏi tiệc tùng.

     - Lập quỹ tuần sương để trợ giúp đội tuần sương có điều kiện tuần tra canh gác, bảo vệ mùa màng ngoài đồng, trật tự an ninh trong thôn xóm.

     - Lập quỹ công cho vay nhẹ lãi để nông dân có vốn sản xuất, giúp nhân dân khi bị thiên tai, hoả hoạn, hạn hán mất mùa đói kém xảy ra.

     - Nghiêm cấm trộm cắp, cờ bạc, rượu chè bê tha, cấm hút thuốc phiện, mại dâm, bài trừ mê tín dị đoan, đồng bóng, bói toán, đốt vàng mã.

     - Nhà có đám tang dân làng tự nguyện đến giúp đỡ mai táng mà không đòi hỏi ăn uống hay trả công.

     - Không được đánh lộn, la chửi, mọi xích mích trong cộng đồng dân cư do hương chức của làng giải quyết.

     - Không được thả trâu, bò đến ăn bờ ruộng lúa, hoa màu, không được bắt cá cạn, đơm đó bờ ruộng.   

     - Không được trồng hoa màu trên mồ mả hoặc cuốc xén phần đất sát mồ mả để canh tác.

     - Khu dân cư nhà vườn ở gần nhau thì trồng cây cao không quá 3m, làm ảnh hưởng đến việc canh tác của phần đất nhà bên cạnh. Hương ước còn quy định cắm sào đúng ranh giới, hễ cây ngả về vườn khác phải chặt bỏ.

     - Cấm tảo hôn, cha mẹ, gia đình không được ép buộc con cháu lập gia đình trước tuổi thành niên. Hôn nhân giảm xuống còn 3 lễ thay vì 6 lễ như xưa.

     - Đường công hương (đường làng) được mở rộng cho tiện việc chuyên chở đi lại, không được tự tiện làm máng sòng tát nước, trổ nước ngang qua đường công hương làm xói lở gây trở ngại giao thông. Hàng năm, sau mùa mưa lụt hoặc gần Tết Nguyên đán, làng huy động dân cư tu bổ đường sá.

     - Tái thiết đình làng và nhà thờ tiền hiền.

          3. Về phân hóa cục bộ tín ngưỡng dân gian
Mấy năm trở lại đây trong tín ngưỡng dân gian xuất hiện hiện tượng “cúng đường”, tức cúng tại các ngã ba, ngã tư đường phố. Hướng phát triển như thế trong tổ dân phố có hợp lý không (?) có hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng các thành tố của tín ngưỡng dân gian. Hiện nay tại các đô thị (lấy cứ liệu đô thị Đà nẵng, trong đó có Cẩm Lệ), các thành tố dân gian đang trong quá trình vỡ ra, những gì còn lưu giữ được đang vận động tổ chức cơ cấu lại các thành tố dân gian thì mới có thể là người đi cùng năm tháng đời người trong cộng đồng dân cư, nếu không sẽ trở thành người đưa đường trong tiến trình phát triển của cư dân đô thị. Một khi hiện tượng ấy xảy ra tại các đô thị, chắc chắn văn hóa văn nghệ dân gian không là sinh hoạt mang dấu ấn đặc trưng địa phương là bản sắc vùng miền hay khu vực nữa. Trong những năm trở lại đây, thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Cẩm Lệ nói riêng tiếp nhận nguồn nhân lực từ các vùng nông thôn đổ về thành phố, trong hành trang của họ mang theo vào thành phố, có các thành tố văn hóa dân gian nông nghiệp, mà khi thực hành, một số có tác dụng níu kéo tiến trình đô thị, hình thành lối sống thị dân. Đây là giai đoạn dùng dằng, đã bắt đầu có phân hóa cục bộ các lễ tục dân gian, dễ nhìn thấy là tổ dân phố tách ra từ xóm trước đây để tổ chức các lễ cúng tại ngã ba, ngã tư đường vào dịp cuối năm, mà họ không tập trung về miếu xóm như trước. Đấy là sự phân hóa nhỏ lẻ hơn nữa để ứng dụng các thành tố trong tín ngưỡng dân gian vào cuộc sống. Đấy là vấn đề cần được quan tâm trong xây dựng và phát triển văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng trên địa bàn thành phố và các quận huyện, trong đó quận Cẩm Lệ không là ngoại lệ. Các quận huyện cũng cần được nghiên cứu làm rõ sự thể hiện tín ngưỡng dân gian này của người dân tại các tổ dân phố theo hình thức phân hóa dần từng nhóm dân cư ?

          4. Về giao thoa văn hóa Việt – Chăm
          Xưa kia Cẩm Lệ là vùng đất của người Chăm, sau khi người Chăm rút dần vào Nam, người Việt từng bước tiến vào Nam khai phá đất đai, định cư sinh sống. Trước đó, thời nhà Hồ đã lần lượt có sự di dân vào Nam và từ năm 1471 việc đi vào phương Nam đã được chủ trương mở cõi của triều Lê khởi xướng, động viên.
          Trên địa bàn của quận Cẩm Lệ hiện nay, chúng ta đã phát hiện các di tích Chăm, chứng tỏ người Chăm có mặt tại vùng đất này từ rất sớm và hình thành nên một nền văn hóa rực rỡ trong lịch sử phát triển của họ. Đó là các di tích tại chùa An Sơn (phường Hòa An), tại đây còn có giếng nước, các trụ cột bằng đá sa thạch, đôn, bàn,... nay vẫn được nhà chùa tiếp tục sử dụng.
          Dọc theo phía Đông chân núi Phước Tường vào đến khe Sứ thuộc địa bàn làng Đông Phước (phường Hòa Phát), có di tích của người Chăm, cư dân Việt tại đây gọi cây Quắn, có 4 trụ đá ong khắc đẽo vuông vắn được trồng xuống đất bền chặt. Các nhà khảo cổ chưa khảo sát kỹ di tích này. Họ đưa ra các ức đoán: có thể tại cây Quắn là nơi người Chăm dùng làm điểm khai thác đá, đẽo gọt, chuyên chở vào Phong Lệ, hoặc ra An Sơn xây dựng các đền tháp mà những trụ còn lại trong quá trình khai thác chưa sử dụng đến, rồi thôi, họ không chuyển đi nơi khác. Tại làng Đông Phước người dân cho rằng 4 trụ đá là dấu hiệu người Chăm đánh dấu nơi chôn kho báu. Người dân ức đoán rằng vào thời điểm nào đó nhất định trong ngày, khi mặt trời chiếu đỉnh các trụ đá ấy xuống đất đúng vào điểm nào, người ta đào nơi đó chắc có vàng Hời. Lại cũng có chuyện tương truyền rằng hễ ai leo lên ngồi hoặc đứng trên đầu các trụ đá ấy, bỗng nhiên dính cứng vào đá, không sao có thể bước xuống được. Người già trong làng phải có lễ xin lực lượng siêu nhiên nào đó giúp cho thì mới có thể.
          Rồi lại vào đến làng Phong Bắc 1 (phường Hòa Thọ Đông) mới đây đã phát lộ và khai quật di tích Chăm. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật. Tại địa điểm khai quật được cho đây là khu đền tháp lớn nhất của người Chăm đã gặp từ trước tới nay.
          Và rồi xuống Hóa Khuê Ttrung ta còn gặp di tích giếng vuông của người Chăm tại Nghĩa Trủng Hòa Vang. V.v...
          Điều đó chứng tỏ rằng một vòng cung theo không gian văn hóa dân gian quận Cẩm Lệ hiện nay, người Chăm đã để lại dấu ấn văn hóa của họ, chứng tỏ rằng trong quá trình cộng cư đã có sự giao thoa tiếp biến văn hóa giữa người Việt với người Chăm tại vùng văn hóa dân gian này. Trong tín ngưỡng dân gian, người Việt đã tiếp nhận nữ thần Po Inư Nagar (Thiên Y A Na, Bà Chúa Ngọc) và đã phối thờ cúng kính theo cách của người Việt. Trong phát triển nông nghiệp, người Việt tại Cẩm Lệ đã làm theo cách của người Chăm trổ nước từ trong các con hố ra để tưới tiêu hoa màu. Đường dẫn nước từ cao xuống thấp chạy ngoằm ngoèo trên mặt đất gò là cách mà người Chăm đã thực hiện. Dân các làng Đông Phước, Nghi An (phường Hòa Phát), làng Đồng Môn, Thạch Nham (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cũng thực hiện cách như vậy lấy nước tưới tiêu cho hoa màu trên các miếng đất khô. V.v...
          Ngược lại người Chăm đã Việt hóa theo văn hóa người Việt, họ Ông tại làng Phong Lệ (Đà Ly, Đồng Bé) đã phát triển như người Việt, trở thành người Việt gốc Chăm. Hoặc họ Chế tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cũng đã tiếp biến thành người Việt gốc Chăm, văn hóa Việt được họ sử dụng như thói quen thường có hằng ngày, đến nay khó phân biệt đâu Chăm, đâu Việt.
          Sự giao thoa như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến đời sống văn hóa văn nghệ dân gian Cẩm Lệ.
* Trong phát triển kinh tế
Vào khai phá đất đai Đàng Trong, người Cẩm Lệ cũng như người Việt đất Quảng đã không dùng cái cày chìa vôi của người Việt Bắc bộ nữa. Taị sao vậy? Đặt vấn đề để thấy rằng do đất đai, thổ nhưỡng nên phải sử dụng loại cày khác, thích hợp mới có thể khai thác đất đai, làm lợi cho nông nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi mới khai hoang vỡ hóa vùng đất phương Nam. Từ chiếc cày chìa vôi, người nhà nông của ta đã phối hợp, chọn lựa các bộ phận phù hợp với môi trường để chế tạo ra cái cày mang dáng vẻ riêng cuả vùng miền đất Quảng. Đây là sự giao thoa trong công cụ sản xuất nông nghiệp với người tiền trú. Vào đến vùng Quảng Nam, Đà Nẵng, cày người Việt dần biến đổi phù hợp với đất đai tại đây. Đế cày bằng, lướt được trên đất, trạnh cày cong úp đất được kín đều. Về kích thước có thể tham khảo cái cày đỏi bằng gỗ của ông Nguyễn Thiên Triết, 62 tuổi tại thôn Hòa Khương Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng như sau:
                    - Chuôi cày đến cuối bắp cày  =  185cm
                    - Náng cày dài                         =    53cm
                    - Lỗ con ban cách náng cày    =   18cm
                    - Bắp cày                                 =  143cm
                    - Đỏi cày                                 =  135cm
                    - Lưỡi cày                               =    17cm
                    - Trạnh cày                             =    26cm
                    - Thân cày
                    - Cán cày
Ảnh hưởng qua lại giữa cày người Việt miền Trung và người Chăm bản địa tại đây trong các thế kỷ đầu vào sản xuất nông nghiệp có thể thấy theo cách mô tả của Ngô Đức Thịnh: "Nếu chúng ta có dịp đi từ đồng bằng Bắc bộ tới Nghệ Tĩnh, chúng ta vẫn gặp chiếc cày chìa vôi quen thuộc,... Nhưng từ Quảng Bình trở vào, đặc biệt rõ ràng là từ Thừa Thiên chúng ta đã bắt đầu gặp dáng vẻ của chiếc cày khu V nổi tiếng. Ngày nay cày thuộc loại hình Chàm - khu V dùng phổ biến ở vùng khu V cũ cho tới Nam bộ, từ vùng đồng bằng tới cư dân làm ruộng ở Tây nguyên, như Việt, Chàm, Hrê,...".
Ảnh hưởng, giao thoa, tiếp biến nhau giữa cày người Việt miền Trung và người Chăm có thể thấy qua sự phát triển của cày. Để phù hợp với các loại đất, kể cả đất đồi gò, cái cày tùy từng vùng, đế cày mở rộng, dài đến 0,5 mét và được đẽo liền với thân cày tạo với đế cày một góc 450. Thân cày thường đẽo trực tiếp đến tay nắm, tức cán cày đến chuôi cày cong như dấu ngã (~) dựng đứng. Bắp cày nối trực tiếp đến hai thanh chuyền hai bên hông trâu đến ách cày. Như thế có thể thấy rằng, cày của người Chăm thể hiện rõ trong cái cày của người Việt miền Trung và cả Nam bộ. Điều này cả vùng Hòa Vang cũng trong trường hợp đó. Để cày và lật được đất trong khâu cày lật, úp đất, chiếc cày người Việt miền Trung phần diệp cày mở rộng, tạo nên tai cày nghiêng, giúp cho đất cày lên có thể lật úp lại được dễ dàng khi lưỡi cày đưa đất lên. [[8]] Qua đó, cho chúng ta ngày nay thấy được để cày xới đất đai, giúp người nhà nông lật đất cày sâu, gieo trồng thuận lợi, chiếc cày phải phù hợp, theo đó cày người Việt miền Trung ra đời có ảnh hưởng yếu tố của người Chăm bản địa. Người Việt vào miền Trung từ thời nhà Lý (muộn nhất cũng từ năm 1471), khai phá đất đai, hẳn đã sử dụng cày người Chăm để cày và sau đó xảy ra sự tiếp biến các yếu tố phù hợp bắt đầu được quan sát, mỗi thời kỳ một ít, mỗi vùng miền thay đổi một yếu tố, để hoàn chỉnh thành cái cày như hiện nay nhiều vùng nông nghiệp tại miền Trung đang sử dụng. Theo quá trình tiếp biến này, người vùng Cẩm Lệ không thể không ảnh hưởng đến các loại công cụ sản xuất nông nghiệp của mình.

* Trong tín ngưỡng dân gian
Ví như tục cúng đất tại làng Đông Phước, phường Hòa Phát, bài văn cúng đất được khấn hệ thống các thần, ma trong đó có các thần ma người Chăm, như sau:
- Thần thổ địa của người Hoa: Đương kiểng thổ địa Phước đức chánh thần;
- Thần đất trấn giữ ngũ/tứ phương viên trạch: Đông cương Giáp Ất Mộc Thanh đế thần quan; Tây phương Canh Tân Kim Bạch đế thần quan; Nam phương Bính Đinh Hoả Xích đế thần quan; Bắc phương thần quan; Trung ương Mồ Kỷ Thổ Hoàng đế thần quan [[9]].
- Thần đất trấn giữ long mạch (theo phong thuỷ): Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, Châu tước, Châu trận Đằng xà Huyền võ thần quan.
- Thần đất là Bà Chủ Ngung/Ngu trấn giữ viên trạch nhà đang ở: Chủ Ngung/Ngu Đào Lương Ban, Ma/Man nương Nguyễn Thị Thúc. (Danh xưng theo tên chữ là Thiên Y A Na, danh xưng theo dân gian là Diễn Ngọc Phi Chúa Ngọc [[10]], đây và vị nữ thần người Chăm mà người Việt miền Trung tiếp biến vào trong tín ngưỡng dân gian của mình).
- Các vị là hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, trong đó có các ma của người Chăm: Ngũ phương Thổ Công, Thổ Chủ, Thổ Phủ, Thổ Kỳ, Thổ Ôn, Thổ Quỷ, Thổ Khí, Thổ Lạc, Thổ Lồi, Thổ Mạnh, Thổ Trọng, Thổ Thúc, Thổ Quý, Thổ Hầu, Thổ Bá, Thổ Khảm, Thổ Khanh, Thổ Phụ, Thổ Mẫu, Thổ Tử, Thổ Tôn, Thổ Hôn, Thổ Tế [[11]] v.v...
Tại các đình làng trên địa bàn quận cẩm Lệ, phía trước hậu tẩm người ta xây một mô hình trông ảnh hưởng linga và yoni của người Chăm và thường gọi là Bàn Hội đồng, trên đó hoặc không đặt gì cả như ở đình Bồ Bản, Dương Lâm và có thể đặt các đồ minh khí thờ tự như cách của người Việt.
  Nhìn lại hệ thống các giá trị tinh thần cốt lõi và đặc sắc của Cẩm Lệ (chưa phải là đầy đủ) song đó được thể hiện phong phú và đa dạng các di sản văn hóa vùng miền. Thế nên, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa chính là phương thức tốt nhất, lâu bền nhất để xây dựng, củng cố một nền tảng tinh thần xã hội vững chắc, tạo điểm tựa cho sự vận động và phát triển.
Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, các di sản văn hóa (cả hai mặt) giữ vai trò là tài nguyên vô giá. Để phát triển kinh tế cũng phải dựa trên những di sản quý báu đó. Tuy nhiên bảo tồn di sản không hề đồng nghĩa với việc đóng khung trong di sản. Chủ trương kế thừa, giữ gìn và phát huy và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền không hề đồng nghĩa với bảo thủ, tự cô lập, đóng kín, khư khư bám lấy cái cũ, kiểu như "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn". Giữ gìn và kế thừa truyền thống ngàn đời về lòng nhân ái, bao dung, trọng đạo lý, thương người như thể thương thân như "nhiễu điều phủ lấy giá gương.." như "bầu ơi thương lấy bí cùng..." như "công cha như núi Thái Sơn..." và kế thừa không chỉ nội dung mà còn cả hình thức trong tất cả các loại hình nghệ thuật: văn, thơ, nhạc, họa, kiến trúc, mỹ thuật, tuồng chèo,... đến các loại hình dân ca, dân vũ dân dã nơi làng quê xóm kiểng: bài chòi, các làn điệu dân ca, làn điệu đồng dao cho trẻ em,…chính đó đã làm cho dân tộc ta là một trong số các dân tộc có bản sắc văn hóa đặc trưng trên cơ sở sự riêng có của vùng miền. Bảo tồn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa trong tiến trình vận động và phát triển của văn hóa không phải những giá trị tạm thời nay còn mai một, song nó cũng không phải là cái không bao giờ thay đổi được và không cần sửa đổi. Ta có nếp sống tinh tế, kín đáo trong giao tiếp được giữ lại cho đời sau kế tục, cách ứng xử thông minh, ta giản dị trong lối sống, thanh thoát mà gợi cảm trong chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam... những nét đẹp bản chất của truyền thống ấy phải được kế thừa. Và, tiến trình phát triển văn hóa, kế thừa, đổi mới là quy luật khách quan để tồn tại của dân tộc Việt Nam ta. Cẩm Lệ cũng không ngoài nhận định đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm.
Tôi nghĩ, quận Cẩm Lệ trong tiến trình phát triển để tiến về phía trước giàu đẹp hơn, hẳn không ngoài mục tiêu phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên cơ sở thực tiễn của quận Cẩm Lệ./. 

                    Cẩm Lệ, ngày 16/4/2015



[1] Giai thoại: theo Từ điển văn học, NXB Thế giới, 2004, giai thoại là một thể loại chuyện kể truyền miệng, lưu truyền chủ yếu trong giới nhà văn và lớp công chúng ưa thích thơ văn, nhất là những người có hiểu biết Hán học và văn chương chữ Hán. Thuật ngữ giai thoại được mượn từ Trung Hoa (thoại: truyện kể; giai: hay, đẹp, thú vị). Mỗi giai thoại là một truyện kể ngắn gọn, lý thú, xoay quanh những nhân vật có thực, thường là những danh nhân… Giai thoại văn học thường không phân giới rõ rệt với truyền thuyết, truyền kỳ; có những mảng giai thoại xuất hiện thời kỳ sau lại gần với tiếu lâm. Tuy vậy giai thoại vẫn mang tính độc lập như một thể loại độc đáo; nó thuộc về văn chương bác học, gắn với sinh hoạt văn học thành văn, nhưng lại tồn tại dưới dạng truyền miệng, tức là dạng thức tồn tại của các truyện kể dân gian.
[2] Trước kia Phong Lệ là xã hiệu rộng lớn bao gồm cả một vùng đất từ Đà Sơn vào đến Trà Kiệu và từ giáp Non Nước lên đến chân núi Chúa. Xem: Địa chí văn hóa dân gian làng Phong Lệ, Võ Văn Hòe, NXB Thanh Niên, 2011. Ở đây chúng tôi nói Phong Lệ, chủ yếu là Phong Lệ Bắc sau khi đã tách Phong Lệ thành hai làng vào thời Thành Thái.
[3] 1884 – 1932.
[4] 1890 – 1908. Chí sĩ Lê Bá Trinh, người làng Hải Châu là con rể của Ông Tán Thiện (Ông Ích Thiện), là anh rể Ông Ích Đường.
[5] Tham khảo bài Lễ hội hạ điền làng Lỗ Giáng, Hồ Tấn Tuấn.
[6] Các sách "Thủy kinh chú", "Giao Châu di vật chí" viết rằng "Người Việt thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền", song chưa có sách nào ghi tục đua thuyền ngày Tết của nhân dân Việt Nam có từ bao giờ. Tác phẩm đề cập đến việc đua thuyền ở Việt Nam sớm nhất là cuốn "Đại Việt sử ký toàn thư", sách nầy chép : Ngày 15 tháng 7 năm Ất dậu (985), nhân sinh nhật của vua Lê Đại Hành, nhà vua sai người làm thuyền, bên trên là núi Giả Sơn rồi tổ chức lễ đua thuyền trên sông Hoàng Long, thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Kể từ đó đua thuyền trở thành lệ hằng năm.
[7] Theo Hoà Vang phổ chí, Tú tài Trần Nhật Tỉnh tăng bổ theo Di thảo của Mảnh Trai, Trần Hy Tăng tiên sinh. Cháu ngọai là Đỗ Thúc Trầm sao lại. Người dịch : Hanh Phủ Nguyễn Đình Thảng.
[8] Theo Ngô Đức Thịnh trong Dụng cụ nông nghiệp cổ truyền Việt Nam, cày Chàm - khu V, về phương diện cấu trúc cày khu V giống với cày Trung Quốc: chân đế phát triển, náng cày nằm gần phần lưỡi. Tuy nhiên cày Chàm -  khu V khác với cày Trung Quốc là diệp cày phát triển thành phần tai cày liền với đế cày, bắp cày dài, đóng thảng vào ách cày hai trâu" Những đặc điểm này của  cày Chàm - khu V lại gần với cày Khơme , Xiêm,...cày Chàm - khu V không phải là sáng tạo của người Việt mà là sáng tạo của người Chàm, người Việt sau thế kỷ thứ X, di cư vào phía Nam đã tiếp nhận cày Chàm, phù hợp với điều kiện đất đai khu vực ấy.
[9] Cũng có thể là các vị thần trông coi tám hướng người Chăm thể hiện tám Dikpala, tức Hộ thế bát phương trong thần thoại Ấn Độ mà người Chăm đã tiếp biến, đến lượt người Việt miền Trung tiếp tục giao thoa và đặt tên theo danh xưng của người Việt. Các vị thần đó là : Yama, thần của sự công bằng, của thế giới người chết trông coi phương nam ; Nirrti, vị thần của sự khổ ải, bệnh hoạn, chết chóc, vị thần này trấn giữ hướng tây nam; vị thần Varuna, thần của sự hiểu biết trấn giữ hướng tây; vị thần Vayu là thần gió, thần của thần Gandharva, vị này trấn giữ hướng tây bắc; thần Kubera là thần tài lộc trấn giữ chính hướng bắc; thần Isana, thần tiêu biểu của sự tinh khiết, vị trấn giữ hướng đông bắc; Indra, thần biểu hiện cho quyền uy, sự cam đảm, vị này trấn giữ hướng đông; thần Agni, thần của sự hiến tế, trấn giữ hướng đông nam.
[10] Chúa Ngọc: có lẽ các vua triều Nguyễn sức cho dân phía Nam đèo Hải Vân trở vào đến Bình Thuận thờ cúng vị thần này, xem là vị thần chúa tể phương Nam mà nhà Nguyễn lập điện thờ tại núi Ngọc Trản (điện Hòn Chén), tỉnh Thừa Thiên nên dân gian gọi chệch thành Bà Chúa Ngọc? Khảo tra thêm: Thiên Y A Na/Mẹ Xứ Sở/Bà Chúa Ngọc được tiếp biến vào hệ thống thần linh người Việt thời vua Lê Thánh Tông mở đất. Trong sách Việt điện u linh (1329), truyện Ứng thiên hoá dục Nguyên trung Hậu thổ địa kỳ nguyên quân chép về vị nữ thần được cho là “tinh của đại địa Nam quốc”, khi chết nhập vào cây ở chốn mây nước, phù trợ vua Lê Thánh Tông trong việc bình Chiêm (1069). Sau khi thắng trận được nhà vua rước thần về thờ tại làng An Lãng, kinh đô Thăng Long. Đây là sự tiếp biến thần Chăm vào hệ thống thần linh người Việt có niên đại sớm nhất.
[11] Bài văn do ông Võ Văn Xuân, tại làng Đông Phước, xã Hoà Phát, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam lưu giữ và cung cấp.

Không có nhận xét nào: