Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Về nâng cấp lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2015-2020

Văn Thu Bích

Trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được phát triển; nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân được nâng cao, nhiều lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo ở nước ta được khôi phục, tổ chức khá phong phú và đa dạng. Do đó, việc tham gia lễ hội của các tầng lớp nhân dân đã trở thành một nhu cầu chính đáng, một món ăn tinh thần không thể thiếu; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ.
Lễ hội Quán Thế Âm là một lễ hội mang đậm tính chất văn hóa dân gian và nghi lễ Phật giáo, được diễn ra hằng năm vào ngày Vía Phật Bà Quán Thế Âm 19/2 âm lịch, tại chùa Quán Thế Âm nằm trong quần thể di tích và danh thắng Ngũ Hành Sơn. Chùa Quán Thế Âm tọa lạc dưới ngọn Kim Sơn, một trong năm ngọn núi của Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố Đà Nẵng năm ngọn núi Ngũ Hành có nhiều hang động kỳ bí, huyền ảo với những cảnh sắc phong phú, đa dạng làm cho những ngọn núi có những sắc thái đặc thù truyền thuyết, mang vẻ linh thiêng. Cùng với hệ thống đình chùa cổ và các di tích cổ, khu du lịch và danh thắng Ngũ Hành Sơn đã trở thành một “vùng đất thiêng” theo truyền thuyết.
Chùa Quán Thế Âm được xây dựng vào năm 1956 khi Hòa thượng Thích Pháp Nhãn phát hiện ra động Quan Âm sau chùa. Trong động có thạch nhũ mang hình dáng tượng Phật Bà Quan Âm hoàn chỉnh, cao lớn bằng người thật với tư thế an nhiên, đứng trên mình con rồng uốn khúc. Lễ hội Quán Thế Âm do chùa Quán Thế Âm tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960; sau nhiều năm gián đoạn, đến năm 1991 mới được tổ chức lại. Ban đầu chỉ mang tính lễ hội tôn giáo tại chùa cơ sở, những năm về sau phát triển dần có sự tham gia của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo và có thêm phần hội do UBND quận Ngũ Hành Sơn và UBND phường Hòa Hải tổ chức. Từ đó, hằng năm đến ngày Vía Phật bà Quan Thế Âm, hàng vạn đồng bào phật tử và du khách tấp nập kéo nhau về chiêm bái, tham quan; lễ hội từng bước trở thành lễ hội thường niên truyền thống tín ngưỡng Phật giáo.
Việc tổ chức lễ hội đã có nhiều giá trị to lớn đối với đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư cũng như đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Lễ hội đã mang lại một diện mạo mới trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Hoạt động của lễ hội tạo ra cơ hội gặp gỡ, giao lưu, xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các thành phần dân cư, đồng thời tạo ra sự cân bằng giữa đời sống thực và thế giới tâm linh, đáp ứng nhu cầu của đông đảo đạo hữu gần xa.
Xét về giá trị kinh tế, lễ hội đã thu hút đông khách thập phương đến tham dự. Việc phát triển lễ hội để thu hút khách du lịch nằm trong chiến lược phát triển của thành phố Đà Nẵng. Với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đà Nẵng đang định hướng trở thành trung tâm du lịch gắn với tổng thể du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó có du lịch văn hóa tâm linh. Trong tiến trình phát triển, lễ hội là kênh thông tin quan trọng để quảng bá hình ảnh thành phố.
Nhiều năm qua, lễ hội đã dành được sự chỉ đạo, đầu tư của các cấp lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, so với tiềm năng, giá trị lịch sử văn hóa vốn có cũng như sự chỉ đạo của thành phố, quan tâm của du khách trong và ngoài nước thì quy mô lễ hội chưa có tầm vóc tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Mặt khác, việc triển khai tổ chức lễ hội đã và đang gặp phải những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến hiệu quả của lễ hội nói riêng và đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố nói chung.
Lễ hội Quán Thế Âm tuy đã tổ chức hàng chục năm nay nhưng vẫn còn ở tầm địa phương, phần lễ mang tính tôn giáo nhưng vẫn chưa có quy cũ. Phần lễ do tôn giáo đảm nhiệm song chưa thu hút được tăng, ni, phật tử tham gia mang tính tự giác nên hằng năm phải thông qua Ban Tôn giáo thành phố để vận động. Phần hội tuy có sự hỗ trợ lớn từ UBND thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng nhưng các hoạt động đều mang tính đơn điệu, các hoạt động thuần túy dân gian ở cấp thấp, chưa có sự đổi mới.
Vì vậy, việc nâng cấp Lễ hội Quán Thế Âm là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.
1.      THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG LỄ HỘI THỜI GIAN QUA

1.1. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
- Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong những năm qua đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Lễ hội đã hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước; trong đó, chịu trách nhiệm tổ chức chính là các chức sắc tôn giáo; đồng thời đã phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo trong tổ chức của nhân dân.
- Lễ hội Quán Thế Âm được đánh giá là một lễ hội tôn giáo được tổ chức ở quy mô lớn ở khu vực miền Trung; được đầu tư tổ chức trang trọng, công phu thu hút được nhiều tăng, ni, phật tử trong và ngoài nước về dự, để lại dấu ấn tốt đẹp cho du khách gần xa.
- Các hoạt động của lễ hội đã góp phần quảng bá được hình ảnh của thành phố Đà Nẵng cùng với Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
- Hoạt động của lễ hội đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn thành phố và trong khu vực.
- Công tác tổ chức lễ hội đã đi vào nề nếp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà chùa và chính quyền địa phương. UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch, kịch bản, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá. Công tác an ninh trật tự, lễ tân, hậu cần, vệ sinh môi trường, hoạt động lễ hội do UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp các ban, ngành chức năng của thành phố, quận thuộc Đà Nẵng đảm nhận.
- Cơ sở vật chất tại khu vực diễn ra lễ hội ngày càng được đầu tư nâng cấp. Trình độ tổ chức và quản lý lễ hội tại địa phương đã từng bước được nâng lên. Công tác tuyên truyền được đổi mới với nhiều hình thức phong phú như thông tin về lễ hội lên website, tuyên truyền quảng bá lễ hội gắn với quảng bá tiềm năng du lịch thành phố…
- Nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo du khách như: Lễ Khai kinh, Thượng kỳ, Thượng phan, Lễ Tế Xuân cầu Quốc thái - Dân an, Lễ Rước ánh sáng, Lễ Rước Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm… Các nghi lễ theo nghi thức Phật giáo được thực hiện trang trọng đã để lại dấu ấn tốt đẹp đối với hàng vạn đồng bào phật tử, du khách đến chiêm bái và tham quan.
- Là một lễ hội tôn giáo tâm linh nhưng đã được dư luận xã hội đánh giá là một lễ hội ít xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, đốt vàng mã, lên đồng bói toán... Lễ hội đã góp phần vào việc tuyên truyền giáo dục nếp sống văn hóa - văn minh đô thị cho các các tầng lớp nhân dân khi tham gia lễ hội.
- Ban Tổ chức Lễ hội đã đầu tư, nghiên cứu và tổ chức thường xuyên nhiều hoạt động phần hội phong phú đa dạng, sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp đồng bộ giữa quận và các ngành chức năng của thành phố. Đặc biệt là các chương trình khai mạc, bế mạc có sự tham gia của các đơn vị văn hóa chuyên nghiệp trong và ngoài thành phố. Các hoạt động như: Hội thi sáng tác đá nghệ thuật, Triển lãm nghệ thuật điêu khắc đá và tranh du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, thư pháp, thiền trà, hát hò khoan đối đáp, giao lưu thơ nhạc, ẩm thực, hội hoa đăng, thiên đăng. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động thể thao truyền thống như: giải đua thuyền, hội thi kéo co, đẩy gậy, đô vật… Các hoạt động đã được tổ chức chu đáo, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo nên ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.
- Lễ hội đã mang lại nguồn thu lớn, tăng thu nhập cho nhân dân địa phương, đóng góp nhất định trong việc tu bổ, tôn tạo chùa Quán Thế Âm cũng như công tác tổ chức lễ hội những năm tiếp theo.

1.2. NHỮNG MẶT HẠN CHẾ
- Trong việc tiến hành các phần lễ theo nghi thức tôn giáo, sự phối hợp tổ chức chưa chặt chẽ, chưa tạo được sự đồng tình hưởng ứng cao, mang tính tự giác của Ban Đại diện Phật giáo quận Ngũ Hành Sơn và Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng; hằng năm phải thông qua Ban Tôn giáo thành phố để đôn đốc, làm cho công tác tổ chức, điều hành lễ hội gặp một số khó khăn, hiệu quả chưa cao.
- Chưa triển khai công tác xã hội hóa, vận động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho tổ chức lễ hội chưa được đầu tư đúng mức; chưa có cơ chế cụ thể cho các tổ chức và cá nhân tham gia tài trợ. Công tác tài trợ chưa thực sự góp phần làm cho nội dung chương trình lễ hội phong phú, hấp dẫn mà chỉ chú trọng đến việc quảng cáo thương hiệu của cá nhân doanh nghiệp.
- Việc tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, giá trị của quần thể danh thắng trong hoạt động lễ hội chưa được chú trọng. Thông tin cụ thể về lễ hội chưa được tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo du khách, đặc biệt là du khách ở các địa phương khác. Công tác trang trí không gian lễ hội còn sơ sài, chưa hấp dẫn, sinh động.
- Kịch bản lễ hội tuy đã có phần chuyên nghiệp hơn nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, còn nhiều bất cập, không mới lạ, thiếu hấp dẫn, nhiều nội dung hoạt động lễ hội chưa phù hợp.
- Do chưa có quy chế tổ chức lễ hội độc lập nên công tác quản lý và tổ chức lễ hội chưa khoa học và đồng bộ. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn còn nhiều hạn chế trong việc phân công cụ thể chức năng, nhiệm vụ và lực lượng giám sát, xử lý những đối tượng bán hàng rong, chim, cá phục vụ khách có nhu cầu phóng sinh, các điểm giữ xe tự ý nâng giá vé sai quy định, người bán hàng rong chèo kéo khách.
- Các hoạt động văn hóa truyền thống còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của du khách. Các hoạt động văn hóa mới chưa được đầu tư thích đáng. Một số hoạt động văn hóa lần đầu tiên đưa vào tổ chức nên còn lúng túng, bị động, hiệu quả không cao.
- Không gian lễ hội hạn hẹp nên có hiện tượng quá tải về lượng khách tham gia, dẫn đến tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông. Sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm đơn điệu, nghèo nàn về mẫu mã, chưa có sản phẩm đặc trưng địa phương nên chưa hấp dẫn du khách.

2. NHỮNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Qua thực tế diễn biến hoạt động của Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn thời gian qua, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội trong giai đoạn tiếp theo, cần chú trọng các giải pháp sau:

2.1. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội
Lễ hội là hoạt động đa ngành, do vậy cần nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể các cấp về trách nhiệm đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

2.1.2. Nguồn kinh phí tổ chức; cách quản lý, sử dụng
- Nguồn kinh phí tổ chức lễ hội phải dựa vào nhiều nguồn khác nhau như: nguồn từ ngân sách thành phố; nguồn từ tài trợ của các tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp, nguồn đóng góp, cúng dường của phật tử thập phương…
- Nguồn ngân sách chỉ dành cho việc đầu tư trùng tu, tôn tạo khu di tích danh thắng, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các hoạt động sự nghiệp văn hoá, chương trình phát triển du lịch trên địa bàn hoặc hỗ trợ cho kinh phí tổ chức công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tổ chức các hoạt động lễ hội thông qua sự đóng góp, tài trợ của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp du lịch - thương mại (được hưởng lợi từ lễ hội); các hoạt động dịch vụ trong khuôn viên lễ hội; hoặc một phần tiền từ công đức…
- Tăng cường các giải pháp về nguồn thu; thực hiện minh bạch hóa tài chính; quản lý và sử dụng nguồn công đức, dịch vụ đúng mục đích, hiệu quả cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích. Di tích được khang trang thì lễ hội mới có cơ sở vật chất đáp ứng và thu hút đông đảo du khách.

2.1.3. Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh
- Thông qua các hoạt động lễ hội, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh trong lễ hội. Làm cho nét đẹp của lễ hội để lại ấn tượng tốt đối với đạo hữu, các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa; đề ra các giải pháp ngăn chặn các tệ nạn: bán các loại ấn phẩm mê tín dị đoan, sách không có nguồn gốc xuất bản, bói toán, xin xăm, đốt vàng mã tại lễ hội, các hoạt động lợi dụng tuyên truyền đạo trái phép. Khuyến khích các hoạt động văn hóa có nội dung nhân văn, có giá trị giáo dục cao, phù hợp với truyền thống văn hóa của địa phương và dân tộc.
- Cần có những chính sách hỗ trợ, biểu dương và khuyến khích những điển hình cá nhân, tập thể thực hiện tốt quy chế tổ chức lễ hội.

2.1.4. Xây dựng cơ sở vật chất
- Cần xây dựng chiến lược nâng cấp cơ sở vật chất của lễ hội gắn với việc phát triển Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, tạo ra sự phát triển đồng bộ và hài hòa với các phân khu chức năng trong Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu lễ hội danh thắng Ngũ Hành Sơn như: Khu hành lễ, Khu làng hành hương, Khu công viên tượng...
- Phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống lưu trú, khu vệ sinh công cộng, bãi đậu xe… để tạo điều kiện cho khách lưu trú trong dịp lễ hội.
- Nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm, tương xứng với sự phát triển lễ hội thời gian tới.

2.1.5. Phát triển nhân lực
- Chú trọng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ tham gia các hoạt động lễ hội. Cần xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên trách có tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là đội ngũ viết kịch bản lễ hội. Nếu chưa xây dựng kịp thời thì cần có sự liên kết với các cơ quan chuyên môn, chuyên gia trung ương hỗ trợ viết kịch bản.
- Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế quản lý khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng và phát triển lễ hội lâu dài.
- Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có những hiểu biết cụ thể về lễ hội, đặc biệt là xây dựng các truyền thuyết liên quan đến lễ hội và khu danh thắng nhằm tuyên truyền quảng bá thông tin quan trọng, hấp dẫn, thuyết phục du khách.

2.1.6. Tuyên truyền, quảng bá
- Chú trọng công tác quảng bá hình ảnh lễ hội đến các địa phương khác, đặc biệt là các địa phương có du khách sùng bái đạo Phật như: Huế, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh…Việc quảng bá phải theo hướng chuyên nghiệp hóa. Khi năng lực cán bộ địa phương chưa đủ thì phương án hiệu quả nhất hiện nay là cần sự hỗ trợ của các công ty tổ chức sự kiện.
- Với đặc thù là lễ hội tôn giáo, lễ hội cần được quảng bá qua hệ thống các kênh thông tin truyền thống của Phật giáo trong cả nước nhằm thu hút sự quan tâm của các du khách sùng bái đạo Phật. Cần lập một website riêng quảng bá hình ảnh lễ hội.
- Xây dựng tài liệu, ấn phẩm giới thiệu lễ hội; tổ chức kinh doanh các sản phẩm lưu niệm của di tích, khuyến khích tư nhân tham gia khai thác các sản phẩm du lịch và văn hóa tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và lễ hội; thiết lập các cụm panô cổ động, áp phích về lễ hội; hoàn thành hệ thống sơ đồ, bảng chỉ dẫn các hoạt động diễn ra tại khu vực lễ hội nhằm tạo sự thoải mái, thuận lợi cho du khách.
- Vận động cuộc thi sáng tác các loại hình văn hóa nghệ thuật (thơ, ca, nhạc, họa, điêu khắc, kịch, múa…) lấy cảm hứng từ đạo Phật để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa mang màu sắc Phật giáo cũng như khai thác các mảng truyền thuyết, triết lý và cảnh trí liên quan đến truyền thuyết Phật bà Quan Thế Âm để du khách được thực tế thưởng ngoạn…
- Xây dựng, thống nhất logo, con dấu, nội dung các áp phích, huy hiệu của Ban Tổ chức lễ hội nhằm tạo ra hình ảnh truyền thống để quảng bá cho lễ hội.
- Thời gian đầu, cần tập trung giới thiệu, công bố kế hoạch, lịch lễ hội định kỳ hằng năm qua các kênh khác nhau như: tổ chức họp báo; in tập gấp, tờ rơi, áp-phích phát hành đến các hãng lữ hành, các đơn vị hoạt động du lịch, các khu, điểm du lịch, các hội chợ, các hoạt động du lịch - văn hóa, các văn phòng đại diện trong và ngoài nước; đưa lịch lễ hội lên các website của thành phố, các doanh nghiệp du lịch.
- Chú trọng đến việc tuyên truyền, cổ động trực quan trên đường phố, khu danh thắng và đoạn đường có khách tham quan. Vận động các khách sạn trên địa bàn hưởng ứng treo các khẩu hiệu, băng rôn có thông tin về lễ hội.
- Tại chùa Quán Thế Âm cần dựng bia ghi lại truyền thuyết về Đức Phật Quan Thế Âm nhằm thu hút sự quan tâm và ngưỡng mộ của du khách khi đến tham quan, vãn cảnh.
- Cần có những thiết kế trang trí sinh động, đặc biệt là trang trí phụ trợ cho các trò chơi dân gian; tạo ra các mô típ trang trí hoành tráng, mang đậm yếu tố truyền thống và yếu tố Phật giáo; đảm bảo khâu âm thanh, ánh sáng giúp lễ hội sinh động, hấp dẫn về đêm.

2.1.7. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm
- Xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, tập trung vào công tác bảo vệ lãnh đạo, nhân dân tham gia lễ hội; củng cố đội an ninh trật tự tham gia công tác tổ chức lễ hội; tăng cường phối hợp với an ninh phường, quận và thành phố dưới sự chỉ đạo của Công an thành phố; rà soát các đối tượng xấu để có các biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh trật tự lễ hội; chống tăng giá, ép giá các dịch vụ giữ xe; phòng, chống cướp giật, trộm cắp cổ vật, tài sản của nhà nước, công dân.
- Có kế hoạch phòng, chống cháy nổ trong suốt quá trình diễn ra lễ hội cũng như những ngày thường nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa vật thể của lễ hội.
- Quy hoạch hàng quán dịch vụ, khu bán hàng lưu niệm, khu ẩm thực chay... hợp lý để đảm bảo, tạo cho người dân tăng thu nhập nhưng phải tuyên truyền giáo dục xây dựng tác phong lịch thiệp, văn hóa trong hoạt động dịch vụ và giao tiếp ứng xử với du khách, đảm bảo tính chất thiêng của lễ hội. Đưa những người bán hàng rong vào trong một khu vực nhất định để dễ quản lý, tránh những hoạt động tiêu cực và phản văn hóa.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh: vệ sinh nguồn nước, xử lý rác thải, đặt trạm sơ cứu tại chùa; tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm.

2.1.8. Công tác xã hội hóa
- Xã hội hóa lễ hội theo hướng: Nhà nước hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch; hướng dẫn kỹ năng quản lý và kỹ năng thực hành cho người dân; tu bổ, tôn tạo di tích tiêu biểu; tuyên truyền, tập huấn cho người dân địa phương tham gia các hoạt động lễ hội; nghiên cứu và hướng dẫn người dân sản xuất sản phẩm lưu niệm theo hướng chuyên nghiệp hóa, có giá trị thẩm mỹ cao, mang đặc trưng lễ hội; hỗ trợ phục dựng, nâng cấp lễ hội; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Vai trò của người dân: đóng góp trí tuệ, sức lực và vật lực; chấp hành nghiêm chỉnh sự điều hành của Ban Tổ chức lễ hội; bố trí lực lượng thực hiện kịch bản lễ hội; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; đẩy lùi các hoạt động mê tín dị đoan, phản văn hóa; giữ gìn vệ sinh môi trường, trang trí nhà cửa, hàng quán…
- Huy động sự tài trợ của các nguồn lực xã hội tham gia tổ chức lễ hội. Xây dựng cơ chế minh bạch cho hoạt động tài trợ. Căn cứ theo mức đầu tư của nhà tài trợ cần có những phân mức quyền lợi cụ thể. Ngoài khen thưởng, cần xây dựng cơ chế xử phạt, phê bình đối với đơn vị tài trợ vi phạm, tránh tình trạng thiếu quản lý công tác tài trợ.
- Tạo điều kiện để người dân trên địa bàn tham gia tổ chức lễ hội, phát triển đội ngũ tình nguyện viên (phật tử, sinh viên, nhân dân địa phương…), đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn du khách tham gia các hoạt động diễn ra tại lễ hội.
- Học tập kinh nghiệm mô hình quản lý di sản văn hóa của Hội An nhằm tạo cho người dân trên địa bàn hưởng ứng, tham gia lễ hội; đồng thời là người hưởng lợi trực tiếp từ di sản văn hóa để người dân có ý thức trách nhiệm đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển lễ hội. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất các sản phẩm, hàng lưu niệm quảng bá hình ảnh lễ hội.

3. Các nội dung lễ hội
3.1. Phần lễ
- Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn là lễ hội tôn giáo nên phần lễ phải đảm bảo theo nghi thức Phật giáo nhưng cần có sự thay đổi để tạo ra sự hấp dẫn. Tuy nhiên, sự thay đổi đó không làm mất đi tính chất truyền thống, đặc thù; đảm bảo sự tôn nghiêm và phản ánh được đặc trưng văn hóa của địa phương.
- Xây dựng nghi lễ đúng mục đích, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, mang đậm yếu tố tâm linh, tạo được tình cảm tín ngưỡng và ấn tượng sâu sắc. Phát triển những nghi lễ đặc trưng, lược bỏ những thủ tục rườm rà, phi tín ngưỡng.
- Có những biện pháp thu hút những người có uy tín và năng lực thuyết giảng giáo lý Phật giáo nhằm thu hút sự quan tâm của du khách. Khai thác niềm tin tín ngưỡng nhưng không quá sa đà, dẫn đến hiện tượng mê tín dị đoan.
- Chú trọng đến việc trang phục hành lễ, trang bị đạo cụ cho phần lễ, nghiên cứu cấu trúc chương trình lễ hội thông qua các nghi trình nghi lễ cúng bái.

3.2. Phần hội
- Nội dung phần hội mang đậm tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, gồm các hoạt động văn hóa dân gian xen lẫn các hoạt động văn hóa hiện đại để đáp ứng được tâm lý tiếp nhận đa dạng của du khách.
- Phần hội phải có những hoạt động giới thiệu về truyền thuyết, phật tích của Bồ tát Quán Thế Âm liên quan đến nguồn gốc, lịch sử Lễ hội. Khôi phục và tổ chức các trò chơi dân gian đặc trưng. Tuy nhiên, đây là lễ hội tôn giáo nên việc khai thác phần hội phải mang màu sắc tâm linh Phật giáo. Việc tổ chức các trò chơi dân gian cần đảm bảo sinh động, hấp dẫn, kèm theo hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng và đạo cụ. Nơi tổ chức trò chơi phải rộng rãi, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho du khách tham gia trò chơi, đồng thời tăng kinh phí và đổi mới hình thức trao giải thêm phần trang trọng.
- Tổ chức lễ hội theo hướng chú trọng đến vai trò của du khách. Qua đó, tạo ra sự hào hứng cho du khách, làm cho họ trở thành chủ thể của lễ hội chứ không đơn thuần là khách thể và sẽ giảm được gánh nặng tổ chức, đồng thời tạo ra không khí gần gũi, vui vẻ.
- Tổ chức kết hợp các hoạt động của lễ hội với hoạt động văn hóa, thể thao của quận Ngũ Hành Sơn, tạo thêm tính chất hoành tráng, thu hút sự quan tâm của du khách, đồng thời tiết kiệm kinh phí tổ chức.


Việc nâng cấp lễ hội đúng hướng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố, góp phần phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích; đồng thời cũng là biện pháp gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tốt đẹp vốn có của lễ hội.

Không có nhận xét nào: