Võ Văn Hòe
Trước khi ghi chép
về các điệu múa dân gian có giao thoa nhau giữa người Việt - người Chăm, thiết
tưởng cũng cần ghi chép sơ lược về tục thờ Đạo Mẫu ở Việt Nam có ảnh hưởng đến
tín ngưỡng thờ Mẫu/ thờ Nữ Thần/thờ Bà của người Việt miền Trung và người Việt
Nam bộ.
Trong tín ngưỡng người
Việt có thờ nữ thần, thờ mẫu thần, trong đó hiện tượng thờ mẫu tam phủ, tứ phủ là phổ biến
và có nguồn gốc văn hoá - xã hội rất xa xưa . Trong tín ngưỡng dân gian này một
bộ phận người Việt và bộ phận các dân tộc ít người xem trọng thần linh nữ tính. Qua ghi chép của các nhà nghiên cứu
chuyên về đạo Mẫu, cho biết giữa thờ nữ thần, mẫu thần, mẫu tam phủ - tứ phủ
không hoàn toàn đồng nhất.
Thờ Mẫu ở Việt Nam là một tín ngưỡng
bản địa, trong đó có pha tạp ảnh hưởng của Đạo giáo, tôn thờ Mẫu (Mẹ) và lấy
Mẫu làm đối tượng thờ kính. Mẫu thể hiện quyền năng tối thượng, trong đó bao
hàm sự sinh sôi nảy nở, che chở cho con người trong cuộc sống hiện tại. Như thế,
về mặt này xét thấy tôn thờ người Mẹ, và qua người Mẹ, thể hiện ước vọng thoát
khỏi những định kiến, sự ràng buộc của xã hội phong kiến lấy Nho
giáo làm triết lý nhân sinh. Trong hệ thống tín ngưỡng đạo Mẫu, Phủ Giầy tỉnh
Nam Định được xem là một trong những địa phương phát triển Đạo Mẫu lớn nhất
nước. Tín ngưỡng Đạo Mẫu là một trong những giá trị văn hóa có sức sống dẻo
dai, thu hút và phổ biến trong đời sống tinh thần của một bộ phận cộng đồng dân
cư. Mẫu giúp dân, làm cho dân vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ngày càng
vươn lên tốt đẹp hơn, Đạo Mẫu còn ghi công những anh hùng, liệt sỹ có công với
đất nước, quê hương. Không chỉ thế, Đạo Mẫu còn sáng tạo ra lối diễn xướng độc
đáo, mang sắc thái dân gian sâu sắc, hấp dẫn và cuốn hút mà không có loại hình tín
ngưỡng nào làm được như vậy.
Nghiên cứu thờ Mẫu người Việt, có thể
nhận biết người Pháp khi đến Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu loại hình tín
ngưỡng dân gian Nữ thần, Mẫu thần này từ sớm. Các ông Parmenties, Maspero,
Durand, Simond là những người đặt nền móng và sau đó đến các nhà nghiên cứu
người Việt tiếp tục làm rõ thêm loại hình tín ngưỡng này trong đời sống tín ngưỡng
dân gian. Đạo mẫu đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm đến tín
ngưỡng này, nhiều công trình nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn rộ lên vào những
năm 1990 của thể kỷ XX.
Xét quá
trình phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu về mặt lịch đại thì thờ Mẫu của người
Việt, hình thành và phát triển trên cái nền thờ Nữ thần và Mẫu thần của tín
ngưỡng dân gian bản địa, (trung tâm tại Phủ Giầy, tỉnh Nam Định), trong đó Mẫu
Liễu Hạnh được xem là một trong "tứ bất tử" của đạo thờ Mẫu tại Việt
Nam. Mặc dầu xuất hiện sau nhưng chiếm vị trí quan trọng, gần như là vị trí
trung tâm của Đạo mẫu tại tỉnh Nam Định. Sau đó, trong quá trình phát triển, Đạo
Mẫu tiếp thu các thành tố từ Đạo giáo của Trung Hoa dần phát triển, phối hợp bản địa và ngoại lai đạt
đến đạo thờ Mẫu Tam phủ,
Tứ phủ. Quá trình
như vậy đến thế kỷ thứ XVII - XVIII, theo chân những lưu dân vào Nam khi thờ
Mẫu Tam phủ, Tứ phủ đã được định hình và phát triển ở Bắc bộ thì đến lượt nó vào
Nam dần lược bỏ một số thành tố để chỉ thể hiện tục thờ Nữ thần, Mẫu thần ở
niền Nam.
Trong quá trình cộng cư tại phía Nam,
xét về mặt đồng đại, thì tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã giao thoa, tiếp
biến với tục thờ Mẫu của người
Chăm, càng vào Nam lại giao thoa, tiếp biến với cư dân Khmer, chính đó đã
tạo nên tại miền Nam các dạng thức thờ Mẫu địa phương, có sự khác nhau trong thể
hiện tục thờ cúng ở ba miền: Bắc, Trung và Nam bộ.
1/ Trước hết có thể thấy đạo thờ Mẫu
tại miền Bắc Việt Nam bắt nguồn từ
rất xa trong lịch sử phát triển tín ngưỡng dân gian của tục thờ cúng này. Các
nhà nghiên cứu cho rằng đạo Mẫu xuất hiện từ thời tiền sử và liên tực phát
triển trong môi trường dân gian. Sang thời phong kiến thế kỷ thứ XV (hoặc trước
đó), tục thờ Mẫu chen vào cung đình và được cung đình các triều đại chấp nhận
là tín ngưỡng chủ yếu trong đời sống người dân đương thời, bên cạnh tục thờ
cúng tổ tiên, ông bà mình. Thời kỳ này Nhà nước phong kiến bắt đầu xem xét và
ra sắc phong thần với danh xưng là Thánh Mẫu, Quốc Mẫu, hoặc Vương Mẫu như
xuống sắc phong thần và sức dân thờ các vị: Tứ Vị Thánh Nương (xem Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, SG,
1961), Ỷ Lan nguyên phi, Mẹ Thánh Gióng. Thời kỳ này cũng là lúc
xuất hiện Mẫu Liễu Hạnh, tạo thành hệ thống "tứ bất tử"; đồng thời
đan xen các thành tố tín ngưỡng dân gian của Đạo giáo du nhập từ Trung Hoa vào
tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đồng bằng Bắc bộ, trở thành hệ thống thần
linh của đạo Mẫu.
Đạo Mẫu
Tứ phủ, theo GS Ngô Đức Thịnh "Hệ
thống thần linh khá đa dạng, hình thành một thứ điện thần với các Phủ và các
hàng. hàng Mẫu là cao nhất, gồm Tứ Vị Thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải,
Mẫu Thượng Ngàn). Tiếp đến là Hàng Quan, gồm 10 vị Quan nhưng đại diện là Ngũ
Vị Quan Lớn. Sau Hàng Quan là Hàng Chầu, gồm 12 vị Chầu Bà, nhưng tiêu biểu là
Tứ Vị Chầu Bà. Dưới Hàng Chầu là hàng các Ông Hoàng, gồm 10 Ông Hoàng, nhưng
hiện diện là Ngũ Vị Ông Hoàng. Tiếp nối làng Hàng Cô và Hàng Cậu. Có 12 cô và
10 Cậu, nhưng khi giáng đồng thì thường ít hơn. Ngoài ra trong điện thần Mẫu Tứ
phủ còn phải kể tới Thần Ngũ Hổ và Thần Lốt (Rắn), các vị thần này cũng có khi
giáng đồng. Cũng có khi ta còn thấy sự hiện diện của Ngọc Hoàng hay Phất Bà
Quan Âm trong điện thần Tứ phủ, tuy nhiên, đó là ảnh hưởng của Đạo giáo hay
Phật giáo đối với Đạo Mẫu mà thôi. Các vị thần linh này không giáng đồng".
Trong đợt
tập huấn: "Nâng cao chất lượng sưu
tầm văn hóa dân gian" tại thành phố Đà Nẵng (tháng 6/2012), GS.TSKH. Tô
Ngọc Thanh cho biết: các vị thần linh trong Đạo Mẫu Tứ phủ, gồm: Thiên
Phủ, cai quản miền trời rộng bao la, vị thần này biểu trưng là màu đỏ; Địa phủ, cai quản miền đất rộng mênh
mông, bao gồm các dạng địa hình, vị thần này biểu trưng là màu vàng; Thoải phủ, cai quản miền thuỷ/nước,
sông, biển khơi, vị thần này biểu trưng là màu trắng; Thượng Ngàn phủ, cai quản miền rừng núi, vị thần này biểu trưng là
màu xanh. Bốn vị thần này đứng ở hàng cao nhất, (xếp sau vua cha Ngọc Hoàng). Tứ
phủ phối hợp nhau cai quản bốn miền trong trời đất.
Theo đó, Thiên phủ là thần cai quản bầu
trời, tạo ra mây, mưa, sấm, chớp, giông bão,... Mẫu Thượng Thiên đến Mẫu Liễu
Hạnh vị thần cao nhất được thờ cúng trong Đạo Mẫu, Liễu Hạnh thường mặc áo màu
đỏ, được đặt thờ ở vị trí trung tâm, hai bên là Mẫu Thoải (áo màu trắng) và Mẫu
Thượng Ngàn (áo màu xanh). Mẫu Thượng Ngàn trông coi miền rừng núi
Có thể nhận ra:
Mẫu Thượng Thiên (Thiên phủ - Mẫu Đệ
Nhất), cai quản miền trời. Mẫu Thượng Thiên trong quan niệm dân gian có tứ
pháp: Pháp vân, Pháp vũ, Pháp điện, Pháp
lôi, là tứ vị thần tạo ra mây mưa, giông bão ảnh hưởng trực tiếp đến nghề
ngũ cốc/nông nghiệp.
Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu Đệ Nhị), cai quản
miền rừng núi, gồm động, thực vật trên rừng. Vị thần này liên quan đến các dân
tộc thiểu số vùng miền núi. Nơi thờ tự chủ yếu tại Suối Mỡ, tỉnh Bắc Giang và
tại Bắc Lệ, tỉnh Lạng Sơn.
Mẫu Thuỷ (Thoải phủ - Mẫu Đệ Tam), cai
quản miền sông biển. Thần Mẫu Thoải gắn với đời sống nghề biển của người Việt.
Mẫu địa (Địa phủ - Mẫu Đệ Tứ), cai quan
miền đất, liên quan đến đời sống các loài sinh vật.
Đến cuối thế kỷ thứ XV, đầu thế kỷ XVI,
từ tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ kết hợp sự xuất hiện của Mẫu Liễu Hạnh, từ đó
hình thành nên Đạo Mẫu của người Việt đồng bằng Bắc bộ. Và từ đây xuất hiện Tam
Toà Thánh Mẫu, trong đó Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thần trung tâm, được xem là
hoá thân của Mẫu Thượng Thiên.
2/ Thứ đến có thể thấy tín ngưỡng dân
gian thờ Mẫu tại miền Trung Việt Nam
bắt nguồn từ các lưu dân vào Nam sinh sống. Trên đường vào phương Nam, người
Việt miền Trung mang theo tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng không có mặt của Mẫu Tam
phủ, Tứ phủ mà sau nhiều thế kỷ giao thoa, biến đổi, tại miền Trung Việt Nam
chỉ thờ Nữ thần và Mẫu thần. Theo đó các vị nữ thần được cư dân miền Trung Việt
Nam thờ cúng theo phương thức dân gian là các thần: Tứ Vị Thánh Nương, Bà Ngũ hành, Thiên Y A Na Diễn phi Chúa Ngọc, Bà Po
Inư Nagar.
Cư dân
người Việt vào miền Trung, gặp sự đan xen tín ngưỡng bản địa, từ đó hình thành
nên hệ thống thờ Mẫu đơn giản, không có Tam Toà Thánh Mẫu, không có Tam Phủ, Tứ
phủ, ở đây dân gian thờ các vị nữ thần, hẳn trong đó có các vị thần bản địa
cũng được phối thờ trong các đình, miễu, lăng, đền, tháp.
Cư dân
ven biển miền Trung thờ nữ thần Thiên Y A Na và các hoá thân của Bà, xem là tín
ngưỡng tích hợp với tín ngưỡng bản địa, người Việt miền Trung xem Thiên Y A Na/
Bà Chúa Ngọc là vị thần nhân danh Mẹ Xử Sở của người Chăm có ảnh hưởng đến đời
sống cư dân Việt miền Trung. Do vậy tiếp tục thờ cúng theo cách của người Việt.
Bà được phối thờ trong các đình làng, miễu xóm, dinh, lăng Phối thờ không chỉ trong
đất liền của miền nông nghiệp mà còn trên các đảo của vùng biển đảo (lăng thờ Bà
tại đảo An Hải, thuộc huyện đảo Lý Sơn (cù lao Ré [[1]]), tỉnh Quảng Ngãi có phối thờ
hai con của Bà là cậu Quý, cậu Tài). Đến nay không phải tất cả các đình, miễu
(phần nhiều là các miễu) có thần tướng của Bà. Bà là danh xưng thuần Việt gần
gũi trong đời sống thường ngày của người dân. Do cuộc sống thời kỳ đầu khai phá
có khó khăn nên có địa phương chia ra "tam niên nhứt lệ" cúng lớn một
lần, hoặc gọi năm "sái", năm "phong" [[2]] để tập trung tiền của và nhân
lực vào việc thờ cúng cho được chu đáo. Trong lễ cúng Bà có lễ dâng mâm, lễ này giống lễ vía Thiên Y
Thành Mẫu tại tháp Bà Nha Trang, hoặc cũng giống với thờ Mẫu thần tại Nam bộ,
đặc biệt hầu đồng múa bóng. Đây chính là sự dịch chuyển hình thức cúng của
người Việt miền Trung vào Nam bộ. Tiết mục bóng dưng mâm vàng, cư dân ven biển
miền Trung dưng mâm, có 5 mâm: mâm bông (gồm hoa, quả), mâm trầu rượu (phù lang
tửu), mâm xôi chè (tư thịnh), mâm gạo muối (diêm mễ), mâm giấy binh, gấy đất.
Vị đồng tử (xác đồng) có trách nhiệm
đội các mâm vào dâng lễ cúng Bà. Điều có phần giống với lễ dâng tại Tháp Bà Po
Nagar Nha Trang, bưng mâm do các bóng
đội dâng gọi là lễ bóng dưng mâm vàng.
Một số hoá thân của nữ thần Thiên Y A
Na/Bà Chúa Ngọc. Từ đèo Hải Vân trở vào có thể tìm gặp các miễu thờ Bà Bô Bô,
bà Phường Chào (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam); Bà Giàng Chào (xã
Điện Dương, Quảng Nam); Bà Thu Bồn (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam);
miễu Bà Chợ Được (Thăng Bình, Quảng Nam); miễu Bà Giàng Lồi (tại xã Cẩm Thanh,
thành phố Hội An); miễu Bà Cổ Giàng (tại xã Cẩm Hà, thành phố Hội An),... Tại
làng Khuê Trung có miễu thờ Bà Giàng Lồi/Chúa Lồi; tại làng Quá Giáng (nay
thuộc xã Hoà Phước, huyện Hoà vang) có miễu thờ Bà Giàng Phi/Hồng Phi Phu nhân;
tại làng Nam Thọ (nay thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng có miễu thờ Bà Giàng Rân, Bà
Giàng Què, tại làng An Hải thờ Bà Thân, Bà Đa; thôn An Lợi xã Hoà Ninh, huyện
Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng có miễu Bà thờ Bà Nà xứ,... và nhiều miễu Bà phân
bố đậm dần từ phía Nam Hải Vân vào đến Bình Thuận thường có miễu thờ Bà Ngũ
Hành Tiên Nương, Bà Thuỷ, Bà Hoả. Ngày vía các Bà đều có tổ chức hát bội, đua
thuyền, rước cộ hầu Bà thay cho hầu đồng múa bóng nhằm ca ngợi công đức các Bà
và cầu xin tài lộc, cuộc sống được yên vui (vào thời hiện tại).
3/ Thứ ba có thể thấy tín ngưỡng dân
gian thờ Mẫu tại Nam bộ Việt Nam, bắt nguồn từ các lưu dân từ
miền Trung mang tín ngưỡng thờ Mẫu vào phương Nam. Tục thờ Mẫu dần bỏ hình thức
Tam Toà Thánh Mẫu, Tam phủ, Tứ phủ. Vào đồng bằng sông Cửu Long, môi trường
sinh sống, trong đó hai yếu tố quan trọng là đất - nước làm nảy sinh cây lúa
nước và một số cây trái phù hợp với đồng bằng sông Cửu Long, theo đó cư dân
Việt tại đây tiếp tục coi cây lúa nước có linh hồn nên xem là vị thần linh mang
thuộc tính nữ: đó là Mẹ nước, Mẹ đất, Mẹ lúa,.. là Cửu Thiên Huyền Nữ, là Địa
phủ, Thuỷ phủ. Bên cạnh thờ các Bà, cư dân tại đồng Bằng sông Cửu Long còn thờ
các vị Ngũ Hành Nương Nương, Bà Thuỷ, Bà Hoả, phần nào đó giống như cách thờ các
Bà tại miền Trung. (Miền Trung cũng thờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, thờ Bà Ngũ Hành,
Bà Hoả, Bà Thuỷ). Vào Nam, cư dân thiết lập các điện thờ Mẫu của mình tại các vùng
cư trú, nên dường như điện thờ Mẫu có nhiều nơi tại đồng bằng Nam bộ. Không có
các trung tâm thờ lớn nhưng thờ Mẫu có nhiều nơi và cùng với Thánh Mẫu Thiên
Hậu (của người Hoa) cũng được thờ nhiều nơi. Vào ngày vía Bà có múa, hát, bóng
hầu.
Bà Chúa Xứ núi Sam thờ tại Châu Đốc,
tỉnh An Giang; bà Linh Sơn Thánh Mẫu tại Tây Ninh, thờ trên núi Bà Đen; Bà Chúa
xứ núi Sam, người Việt Nam bộ đã thêu dệt chung quanh Bà câu chuyện về sự hiển
linh, cứu độ của Bà để thấy gần gũi, dễ thờ cúng như Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Trong cúng tế các Bà có múa rổi (Đồng Nai), múa bóng (Nha Trang), múa hầu đồng
(Thừa Thiên – Huế),...
Như vậy, tục thờ Mẫu của người Việt ở
Nam bộ trên cơ sở ký ức thờ Mẫu tại đồng bằng Bắc bộ mang vào, cư dân tại đây
vừa phát huy tín ngưỡng dân gian của mình vừa giao thoa, tiếp thu các tín
ngưỡng của cư dân bản địa Chăm, Khơ me,
tạo nên hiện tượng hỗn dung, tích hợp văn hóa tín ngưỡng của các tộc
người, không loại trừ giao thoa tín ngưỡng dân gian với các tộc người Co, Ve,
Sơ Đăng, Cờ tu,... bản địa. Về sau, có các thành tố tín ngưỡng người Hoa (với
Thiên Hậu Thánh Mẫu) lưu hành trong dân gian nhưng đồng thời cũng vừa giữ được
những nét truyền thống cơ bản của dân tộc. Tục thờ Mẫu ở Trung bộ, dần vào Nam
bộ là một sự tiếp nối của tục thờ Mẫu truyền thống từ đồng bằng Bắc bộ. Thông
qua tín ngưỡng dân gian này, tục thờ Bà thể hiện ước mơ của con người mong muốn
vạn vật, sinh linh được sinh sôi nảy nở, hầu đem lại cho con người nơi đây một
cuộc sống no ấm cho không chỉ cho họ thời hiện tại mà còn cầu mong cho con cháu
họ trong tương lai (nhưng ít). Đồng thời, thể hiện đức tin của con người vào sự
linh thiêng, phù hộ độ trì của các vị Mẫu thần, các Bà để con người được bình
yên trong cuộc sống. Tục thờ Mẫu/Bà cũng thể hiện sự biết ơn, ăn quả nhớ kẻ
trồng cây (nhất là với nữ thần Cửu Thiên Huyền Nữ), là tâm lý uống nước nhớ
nguồn của người Việt Nam nói chung trên vùng đất mới phương Nam. Thờ Bà, lễ
phẩm, múa hát dâng cúng Bà hằng năm mong cho sức khỏe được bền, tài lộc thường
xuyên và gặp nhiều may mắn thì nhớ ơn những người đã phù hộ độ trì cho mình.
Đây chính là giá trị tinh thần, giá trị đạo đức và giá trị truyền thống Việt
Nam. Và để thể hiện sự biết ơn các Mẫu/Bà, người dân Việt miền Trung và miền
Nam thường có ca (chầu văn), múa (múa dân gian dâng cúng thần), nhạc (các làn
điệu nhạc lễ) dâng Mẫu/Bà làm cho cuộc sống đẹp thêm, thăng hoa trong lao động
sản xuất, phát triển lâu dài trên vùng đất quê hương.
Như
thế về mặt văn hoá mà xét, thờ Mẫu/Bà có nhiều giá trị văn hoá, trước hết từ
các Mẫu/Mẹ, người Việt hay người tiền trú tại miền Trung, miền Nam đều thêu
dệt, tạo nên nhiều câu chuyện cổ, nhiều truyền thuyết chung quanh các Bà. Trong
lễ cúng tế luôn có ca, múa, nhạc, với hình thức diễn xướng dân gian, trong đó
múa dân gian chiếm ưu thế dâng hiến đến thần. Cùng với các gia trị văn hoá đó,
việc trang trí các đến, điện thờ, các tranh vẽ theo tưởng tượng của người thời
nay làm cho hình tướng các thần Mẫu/Mẹ/Bà thêm sinh động. Trong lễ cúng tế có
hầu đồng, múa bóng, đây là hình thức lên đồng phối hợp với hát chầu văn. Từ
hình thức lên đồng, làm nảy sinh điệu hát văn độc đáo và các điệu múa bóng dâng
hoa, dâng mâm,... phong phú, lung linh nhiều màu sắc văn hoá. Múa dân gian hầu
thần là điệu múa bản địa thực hiện tôn giáo tín ngưỡng mang giá trị không chỉ
trong quá khứ mà cả trong hiện đại, cho con người hiện đại ngày nay, theo đó,
hầu đồng múa bóng đặt tín ngưỡng thờ Bà ở miền Trung và Nam bộ Việt Nam vào vị
trí là một trong những loại hình tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Việt.
Tóm lại, tín ngưỡng thờ Mẫu tại Nam
trung bộ và Nam
bộ là sự chuyển tiếp thờ Đạo Mẫu từ Bắc vào nhưng đã có sự chuyển hóa cho phù
hợp tại địa bàn cư trú mới. Trong tư duy của những lưu dân vào Nam vẫn mong
muốn có sự an lành, có được cuộc sống no đầy để trụ vững và phát triển. Đó là
ước vọng cho mỗi đời người, trong khi trên hai bàn tay hữu hạn, họ có khó khăn,
có những bức bách cần khắc phục để duy trì cuộc sống ở thời hiện tại. Đây là
niềm tin gởi đến các “Bà”, gởi vào sự linh thiêng của các Nữ Thần, mong có sự
phù hộ của “Bà” cho lớp con cháu sau họ tiếp tục trường tồn để được bình an, bớt đi những rủi
ro, bệnh tật. Đây chính là giá trị văn hóa, nhân văn tồn tại trong dân gian và
cũng là giá trị đạo đức gắn liền với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của
người Việt./.
[1] Ré: là phương ngữ địa
phương, tiếp biến tên gọi từ người Chăm. Tại huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng
Ngãi có nhiều cây ré mọc tự nhiên đầy trên các đảo. Cây ré còn gọi là cây hột ré, cây thảo đậu khấu là loại cây dược liệu, thân thảo, cao 1,50 - 2m, cũng
có cây chỉ cao 0,6 - 0,8m cùng họ với cây gừng (Zingiberaceae), cây nghệ,
riềng, ngải, lá màu xanh láng, trông giống lá riềng, nghệ. Hoa nở vào tháng
Mười Hai sang mùa Xuân, hoa kết thành chuỗi dài, các cánh hoa màu trắng đục,
đến phả màu hồng lợt rồi ngả sang tím trước khi tàn. Thân, lá, quả có mùi thơm.
Theo đó người dân cù lao khi đặt chân lên vùng đảo này đặt tên là Cù Lao Ré. (Người
Việt gọi Hòn, người Chăm gọi Cù Lao. (Trong
tiếng Hán không có chứ Ré, cư dân Việt đến đây mượn chữ Lý ghi âm Ré nên gọi Cù
Lao Ré. Từ đó xuất hiện tên gọi Lý+ Sơn=Lý Sơn. Hiện nay cây ré thất truyền,
chỉ mọc hoang nơi chân các đảo hoặc người dân mang về nhà trồng làm cây kiểng. Tư
liệu điền dã ngày 23/5/2013 tại huyện đảo Lý Sơn).
hoa màu trắng đục
phả hồng

chuyển sang màu tím trước khi tàn

[2] Tục đua ghe tại sông Cẩm Lệ thời trước
cũng chia thành “sái” và “phong” trong lễ hội đua. Lễ tập trung vào tín ngưỡng
Bà Thủy. Xem Văn hóa xứ Quảng một góc
nhìn, Võ Văn Hòe, Hồ Tấn Tuấn, Lưu Anh Rô, NXB Đà Nẵng 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét