Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Giao thoa văn hóa Việt - Chăm nhìn từ tục ngữ

Võ Văn Hòe

Tục là thói quen xã hội được lặp đi lặp lại lâu đời và phổ biến trong cộng đồng, được mọi người công nhận, ngữ là lời nói.
Tục ngữ là loại hình gắn với lời ăn tiếng nói hằng ngày của con người. Trong tục ngữ có câu có vần (vần lưng, vần vòng), nhịp (nhịp hai), có hình ảnh (dụng cụ trong nông nghiệp, con người,…), mặc dầu chúng tồn tại trong câu nói ngắn gọn
Tục ngữ là những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm  trí khôn trong lao động sản xuất mà con người đạt hiệu quả trong giáo dục khi phổ biến trong cộng đồng. Đây cũng là chức năng của tục ngữ. Tục ngữ người Chăm cũng vậy, đúc kết kinh nghiệm sống của người Chăm về tự nhiên, xã hội, trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng. Trong sinh hoạt thường ngày tục ngữ dùng để nói, chuyển tải thông tin đến người nghe, do đó tục ngữ thường ngắn chỉ là một đoạn ngữ nên giá trị thông báo của tục ngữ là rất lớn. Điều này do ngôn ngữ tạo nên, khi tín hiệu xuất hiện ngắn, gọn, súc tích và hoàn chỉnh một thông báo, theo đó giá trị biểu đạt về nghĩa (chỉ một nghĩa) của thông báo sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Ví dụ, nói: gần mực thì đen gần đèn thì sáng, giá trị sẽ được nâng lên thành nhiều trường ngữ nghĩa khác nhau.
Và vì sự giản lược của tục ngữ, nên trong lời ăn tiếng nói thường ngày, con người sử dụng chúng như một tín hiệu để răn dạy, truyền kinh nghiệm cho người đời sau bất cứ trong hoàn cảnh nào, trong thời gian và không gian phù hợp. Tuy nhiên đặc điểm dễ nhìn nhận rằng, do tính giản lược thành đoạn ngữ nên quá trình sử dụng tục ngữ đôi khi mất đi ngữ cảnh làm cho tục ngữ khó hiểu, khó giải mã một câu tục ngữ khi ngữ cảnh đã được giấu kín chỉ còn là sự vận dụng. Tục ngữ người Việt và người Chăm cũng được sử dụng như vậy.
Đến nay việc sưu tầm, ghi chép lại kho tàng tục ngữ được các nhà nghiên cứu sưu, tầm văn học dân gian ghi chép lại với số lượng đáng kể. Tục ngữ Việt hay Chăm cũng vậy. Tuy nhiên đối với phần văn học dân gian người Chăm, về tục ngữ, câu đố, ca dao,…ít được chú ý sưu tầm, nghiên cứu. Trong sách “Văn học Chăm”, tác giả Inrasara cho rằng: “…Từ một thế kỷ nay, người Chăm và văn hóa – văn minh Chămpa đã được các học giả trong và ngoài nước chú ý nghiên cứu. Một số lượng đáng kể các bài viết, các chuyên khảo hay các công trình có tỉnh tổng hợp về văn minh Chămpa đã ra đời. Nhưng văn học Chăm nói chung đã không tìm được chỗ đứng xứng đáng với tầm vóc của nó. Tục ngữ, câu đố, ca dao,…lại càng ít được chú ý hơn”.
Tục ngữ Chăm chia thành ba nhóm:
- Một là: xuất phát từ người lao động và do nhân dân lao động Chăm sáng tạo nên từ những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, trong đấu tranh với tự nhiên, địch họa hoặc trong ứng xử xã hội.
- Hai là: những câu tục ngữ có nguồn gốc từ những thể loại khác, nhiều câu tục ngữ Chăm có nguồn gốc từ những tác phẩm trường ca cổ nổi tiếng, như: Ariya/trường ca Glơng Anak, Pauh Catwai, Dauh Toylơy...
- Ba là: đặc biệt có một bộ phận tục ngữ Chăm chịu ảnh hưởng sâu sắc tục ngữ người Việt.
Điều này chứng tỏ khi dân tộc Chăm cùng chung sống trong đại gia đình dân tộc Việt, người Chăm đã tiếp biến hoặc người Việt chuyển dịch về mặt nghĩa, một số câu tục ngữ của người Việt – Chăm sang lời ăn tiếng nói của mình để làm phong phú thêm lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân và đồng thời gia nhập vào kho tàng tục ngữ người Việt – Chăm làm cho tục ngữ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm phong phú.
Qua khảo sát, đối chiếu 366 câu tục ngữ người Chăm trong tác phẩm “Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố Chăm” [[1]] của tác giả Inrasara, với kho tàng tục ngữ người Việt và 135 đơn vị tục ngữ người Việt miền Trung, 107 đơn vị tục ngữ Thùa Thiên – Huế trong tác phẩm “Đặc khảo văn học dân gian Thừa Thiên – Huế” [[2]]  Lịch sử Việt Nam trong tục ngữ ca dao [[3]], so sánh, đối chiếu về ngữ nghĩa, hình ảnh, chúng tôi rút ra được sự tương đồng, giao lưu, tiếp biến giữa tục ngữ người Việt và người Chăm. Điều này biểu hiện những kinh nghiệm có được trải qua một thời gian dài, thông qua lao động và các hoạt động, quan hệ thực tiễn khác, người Việt miền Trung và người Chăm đã góp phần làm tăng thêm giá trị kho tàng tục ngữ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Những câu tục ngữ quen thuộc của người Việt:
- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
- Có công mài sắt, có ngày nên kim
Đã chuyển thành tục ngữ người Chăm:
- Kuhria bruk pak khaul ita, kaywa Debita mưng jiơng.
- Hu prưn thah pathei, hu harei jiơng sa
Có một số câu tục ngữ rất gần gũi trong cách nhìn, cách nhận thức đời sống, như người Việt có câu:
- Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Thì người Chăm cũng có câu:
- Ngap Krưn saung urang siam bbak siam
Ngap Krưn saung urang blơk bbak blơk
- Làm quen với người tốt hóa tốt.
Làm quen với người xấu hóa xấu.
Người Việt có:
- Gần mực thì đen/Gần đèn thì sáng
- Ở bầu thì tròn/Ở ống thì dài.
Hoặc:
- Gieo cây nào gặt cây ấy/Gieo gió gặt bão.
Thì người Chăm có:
- Pala tangơy paik tangơy
Pala rabai paik rabai.
- Trồng ngô thì bẻ ngô, trồng đậu thì hái đậu.
Sự gặp gỡ này khó quyết đoán được rằng, người Chăm tiếp biến từ tục ngữ người Việt hay ngược lại. Mà có thể nhìn nhận rằng, đây là tư duy, nhận thức thực tiễn chung của những con người có cùng một lối nhìn, cùng sinh sống, giao thoa và ảnh hưởng văn hóa của nhau; đồng thời cùng tồn tại trên vùng đất có các điều kiện tự nhiên về môi trường địa lý giống nhau.
Trong quan hệ sinh hoạt gia đình, hình thành lối sống, nếp sống, của người phụ nữ, hoặc con cái trong nhà, người Việt có câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm qua quan sát hằng ngày mới có:
- Ngó vô bếp lửa lem hem
Con chị thế nớ, con em thế nào.
Người Chăm có câu:
- Takrư thơu ka  amaik glơng di anưk
Takrư thơu ka pa glơng di halun
Muốn biết chủ hãy nhìn vào tôi tớ
Muốn hiểu người mẹ hãy xem xét bầy con.
Điều này cho biết rằng, nhiều kinh nghiệm được đúc kết thông qua thực tiễn luôn là bài học sinh động, có giá trị giáo dục nền nếp, lối sống cho con cháu đời sau. Hoặc chúng ta có thể tìm hiểu sự giao thoa, tiếp biến sau đây theo cách nghĩ của người Việt:
- Cái nết đánh chết cái đẹp.
Người Chăm lại có:
- Siam binai kamưlai dauk dalam
Jhak binaihâti yơu mưh
Đẹp người nhưng tâm lại là tâm quỷ
Thân hình xấu xí nhưng được quý ở tấm lòng vàng.
Người Việt có câu tục ngữ theo ý nghĩa này:
- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
            Theo cách nghĩ như vậy, bài học đạo đức luôn được đề cao, người Việt miền Trung thường có thái độ dứt khoát, “ăn cục nói hòn”, “ăn to nói lớn”, ăn sóng nói gió” thì vẫn có thái độ “ăn ngay nói thẳng” nghĩa là trực tính theo cách của người miền Trung. Ta có câu tục ngữ của người Việt:
            - Ăn ngay nói thẳng.
thì người Chăm trong hoàn cảnh như trên, có câu mang tinh thần ngữ nghĩa như câu tục ngữ người xứ Quảng:
            - Bbơng twei tapak, hwak twei haniim.
            Ăn theo đường ngay, nói (ăn cơm) theo nẻo phúc.
hoặc người Việt có:
            - Ở hiền gặp lành.
người Chăm có sự tương đồng về nghĩa:
            - Bbơng twei patauk, dauk twei gila.
            Ăn theo tính khờ, ở theo nết dại.
Trong giao lưu, tiếp biến nhau giữa người Việt miền Trung và người Chăm, ta còn gặp quan niệm cưới vợ gả chồng có giao thoa nhau, mặc dầu người Chăm đến nay vẫn còn giữ quan hệ mẫu hệ trong hôn nhân gia đình, nhưng qua câu tục ngữ cho biết phần nào sự giao thoa, tiếp biến không chỉ trong lao động sản xuất mà cả trong đấu tranh lựa chọn vợ chồng. Điều này người Chăm thể hiện quan niệm như người Việt, qua câu:
Người Việt có câu biểu hiện thái độ trong hôn nhân:
- Rào thưa hơn bỏ trống.
            - Lấy vợ chọn tông
            Lấy chồng chọn giống.
người Chăm cũng thể hiện quan niệm theo cách lựa chọn này:
            - Kajap paga ywa talei.
            Rào chắc nhờ dây.
            - Nưyah khing kamei, rwah phun pajaih.
            Nếu có lấy vợ thì hãy lựa giống dòng.
Trong ý thức nhớ về nguồn cội, có thể là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi từ đó dòng tộc phát tích ra đi, nơi hình thành cội nguồn dân tộc, người Việt có câu tục ngữ thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”:
- Uống nước nhớ nguồn.
- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
người Chăm cũng có câu tục ngữ thể hiện tinh thần này:
            - Ia hu halơu, kayơu hu agha
            Nước có nguồn cây có cội.
            - Mưnhum ia dơr haluw
            Uống nước nhớ nguồn.
            - Bbơng bauh kaydu dơr munwis pala
            Ăn trái nhớ kẻ trồng (cây).
            Tương đồng về mặt ngữ nghĩa “cây có cội, nước có nguồn”, ta tìm thấy ở kho tàng tục ngữ người Chăm, câu:
            - Amaik pak halei, anưk pạ nan.
            Mẹ đâu con đấy.
hoặc:
            - Adat kayuw phun hâpk jruh tak nan.
            Lệ của lá là gốc ở đâu thì rụng ở đấy.
Nghĩa này trong tục ngữ người Việt, có câu:
            - Lá rụng về cội.
            - Cây có cội nước có nguồn.
            Tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em Việt Nam đã hình thành lâu đời trong lịch sử dân tộc, điều này thể hiện và được phản ảnh trong tục ngữ người Việt và người Chăm,…Người Việt có câu:
            - Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
            Người trong một nước phải thương nhau cùng.
hoặc:
            - Bầu ơi thương lấy bí cùng,
            Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
hay:
            - Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.
thì người Chăm lại có:
            - Anưk sa paran yơu adei saai sa tian
            Con dân một nước như anh em một nhà.
            Trong quan hệ tha nhân, bạn bè, láng giềng, hoặc quan hệ kẻ trên, người dưới, bài học răn dạy thực hiện mối quan hệ giữa người với người luôn được đề cao và xuất hiện trong hoàn cảnh nói năng với bà con hàng xóm láng giềng, người Việt có câu nhắc nhở:
            - Vuốt mặt chừa mũi.
thì người Chăm trong trường hợp tương đồng cũng có loại tục ngữ này trong lời ăn tiếng nói của họ:
            - Papai bbauh gauk mưta
            Rửa mặt chạm mắt.
            Răn dạy con cái trong quan hệ gia đình, dòng tộc, người Việt thường mượn câu tục ngữ sau đây, thông báo một tín hiệu nhằm nhắc nhở các thành viên chú ý đến tôn ti trật tự trong gia đình, dòng tộc, hoặc biểu hiện thái độ, tính tình, tính cách và suy rộng ra cả trong quan hệ xã hội cũng phải biết trước sau, trên dưới, thứ bậc mà mình cần ứng xử cho đúng:
            - Bàn tay có ngón ngắn ngón dài.
thì người Chăm lại có:
            - Palak tangin hu inư chađieng, inư canơu
            Bàn tay có ngón út, ngón cái.
            Điều này cho biết có sự giao thoa, tiếp biến nhau trong mối quan hệ qua lại trên địa bàn cư trú và xuất phát từ sự răn dạy đạo đức chung của con người trong nền tảng văn hóa dân gian Đông Nam Á.
            Trong cuộc sống, thường có điều hay lẽ phải, nhưng không ít những thói hư tật xấu, những buồn phiền bu bám, đeo đuổi theo mỗi con người. Thời gian thăng hoa hay vui tươi hạnh phúc thường tồn cùng năm tháng đời người nhưng thường ngứt đoạn. Sự thăng hoa không liên tục, không kéo dài nhưng ngược lại (có thể) trong cuộc sống, nỗi buồn, điều phiền muộn thường ngự trị tâm hồn mỗi người dai dẳng và thường xuyên. Con người ta cảm thấy giàu có, sung sướng và hạnh phúc là rất ít trong một đời người, nhưng lại đón nhận khổ đau trong bệnh tật, túng thiếu với cơm, áo, gạo, tiền là điều thường xuyên cả một đời người. Lại thêm, trong cuộc sống nỗi phiền muộn còn thể hiện thái độ sống, đôi khi thể hiện sự hèn hạ. Người Việt có câu tục ngữ:
            - Vào lùn ra cúi.
làm cho ta liên tưởng đến câu thơ nguyễn Du: “Vào lùn ra cúi công hầu mà chi” đã trở thành dân gian hóa, và trong trường hợp biểu hiện thái độ, lối sống chỉ biết lùn cúi, người Chăm cũng có câu phản ảnh thái độ như thế:
            - Tamư kuk tabiak jwak
            Vào lùn ra cúi.
Hoặc phê phán thái độ thờ ơ, bỏ bê công việc, thể hiện nhân sinh quan trong cuộc sống, trong công việc chung của tập thể, gia đình hay dòng tộc, người Việt thông qua cuộc sống thực tiễn có câu tục ngữ, rằng:
            - Không có chó bắt mèo ăn cứt.
thì trong kho tàng tục ngữ người Chăm, giao thoa với nghĩa này, có câu:
            - O hu asơu mưk mưyaw bbơng aih
            Không có chó bắt mèo ăn cứt.
            Trong lao động sản xuất, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh của mỗi người trong cộng đồng gia đình, làng xóm hay trong một tập thể, trường hợp gặp phải khó khăn, nghèo ngặt, các thành viên thường giúp đỡ nhau theo quan niệm: nhiễu điều phủ lấy giá gương,…nhưng để giữ được cuộc sống lâu dài thì phải vận động nhau phát huy cá tính sáng tạo trong lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất nuôi sống bản thân mình. Người Việt có câu tục ngữ nhắc nhở và khẳng định:
            - Có làm có ăn.
            - Không làm không ăn.
hoặc:
            - Ai làm nấy ăn.
thì người Chăm lại có:
            - Hu ngap ka mưng hu si bbơng
            Có làm mới có ăn.
            Trong quan hệ gia đình dòng tộc, người Việt có câu:
            - Một người làm quan cả họ được nhờ.
thì người Chăm cũng có câu tục ngữ tương đồng về mặt nghĩa biểu đạt:
            - Gơp ngap kwan patian hu si nhơ
            Bà con làm quan họ hàng được nhờ.
            Chúng ta có thể tìm thấy sự tương quan về mặt ý nghĩa của những câu tục ngữ răn dạy, đúc rút kinh nghiệm qua nhiều thời kỳ lịch sử của hai dân tộc Việt – Chăm để có thể tìm thấy quá trình giao lưu, tiếp biến giữa nhau, làm phong phú kho tàng tục ngữ Việt Nam:
            Người Việt có câu tục ngữ răn dạy con người:
            - Khôn cho người ta vái, dại cho người ta thương.
Người Chăm cũng có sự tương đồng:
            - Jak patruh urang taka, gila bbơng asar.
            Khôn cho người vái, dại cho người thương.
hoặc, người Việt có câu:
            - Dao có mài mới sắt.
            - Mài sắt nên kim.
            - Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài,
            Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi.
thì người Chăm lại có:
            - Ajaung halwơk kaywa thah, munwis dah kaywa mưgru
            Rìu có mài mới sắc, người có học mới khôn.
Qua khảo sát và đối chiếu về nghĩa, vần, nhịp điệu tục ngữ giữa người Việt miền Trung và người Chăm, chúng ta còn gặp nhiều câu tục ngữ có sự tương đồng hoặc giao thoa thiếp biến lẫn nhau trong quá trình thể hiện trí khôn của con người, cộng đồng trong sinh sống và phát triển. Ta gặp các câu tục ngữ sau đây giao thoa nhau giữa người Việt với người người Chăm (trình bày: câu trên người Việt, câu dưới người Chăm):
           
            - Máu chảy ruột mềm.
            -Darah thei tanhjauh thei pađik.
            Máu ai đổ nấy xót.

            - Bứt dây động rừng.
            - Ruc haraik mưgei rom
            Bứt dây động rừng.

            - Khó người khó ta.
            - Kan urang kan drei
            Khó người khó ta.

            - Dễ người dễ ta.
            - Bbwơn urang bbwơn drei
            Dễ người dễ ta.

 - Giận chấy đốt áo.
            - Ginaung di katuw cuh aw.
            Giận chấy đốt áo.

             - Trèo cao té nặng.
             - Caung glaung laik bier.
            Ước cao rơi thấp.

            - Giấu đầu lòi đuôi.
            - Ppadơp akauk bblauw iku.
            Giấu đầu lòi đuôi.

            - Ít xít ra nhiều.
            - Takik rik ka ralo.
            Ít xít cho nhiều.

            - Xuống sông mới biết sông sâu.
            Thức đêm mới biết đêm dài.
            - Nau dalam ia mưng thuw ia dalam.
            Đi trong nước mới biết nước sâu.

            - Tiền đẻ ra tiền.
            - Jien mưnưk tabiak jien.
            Tiền đẻ ra tiền.

            - Của không ngon đông con cũng hết.
            - Pabah bbơng jalơh cơr.
            Miệng ăn lở núi lở non.

            - Ai chửi nấy nghe.
            Ai dại nấy chết.
            Ai biết nấy khôn.
             Ai làm nấy hưởng.
            - Thei pwơc urang nan pơng.
            Ai chửi thì nấy nghe.

            - Nói trước bước không khỏi.
            - Đom dahluw sauw bboh.
            Nói trước thì chỉ chó thấy được.

            - Nói có sách mách có chứng.
            - Đom hu tapuk, duk hu tal.
            Nói có sách, so có kinh.

            - Nói thật mất lòng.
            -Panwơc tâpk trak tian.

            - Cha nào con nấy.
            Thầy nào trò nấy.
            - Amư halei anưk nan.
            Cha nào con nấy.

            - Ác lai ác báo.
            - Ia pabah drei taprah nhjơp drei.
            Nước miếng mình lại văng trúng mình.

            - Cười người hôm trước hôm sau người cười.
            - Klau ka urang, bboh drei.
            Cười cho người, thấy hiện nơi mình.

            - Nồi nào vung nấy.
            - Gauk halei tuk nan.
            Nồi nào vung nấy.

            - Mía sâu có đốt nhà dột có nơi.
            - Tabuw bruk hu tuk.
            Mía sâu có đốt.

            - Ở hiền gặp lành.
            - Dauk nhjơp bboh nhjơp.
            Ăn ở thành thật thì gặp những điều hay.

            - Của ai người ấy giữ.
            Duyên ai phận nấy.
            - Drơp thei mai ka thei.
            Của ai về với người nấy.

            - Phần ai nấy hưởng.
            - Nok thei thei tok.
            Phần ai nấy hưởng.

            - Giống nào cây nấy.
            Thầy nào trò nấy.
            Cha nào con nấy.
            - Pajaih halei phun nan.
            Giống nào cây nấy.

            - Thuốc đắng giả tật.
            - Khing ka diip bbơng bbrai.
            Muốn sống thì uống thuốc đắng.

            - Chết rày sống mai.
            - Diip harei ni, mưtai harei paguh.
            Sống bữa nay, chết bữa mai.

            - Sống ngày nào hay ngày nấy.
            - Diip harei halei thuw harei nan.
            Sống ngày nào hay ngày nấy.

            - Người chết hết nợ.
            - Mưtaiklauh thraiy.
            Chết hết nợ.

            - Chết trước được mồ mả.
            - Mưtai dahluw luc hadei.
            Chết trước thì khỏi chết sau.

            -Đánh chó hổ mặt chủ nhà.
            - Ataung asuw mưluw ppo.
            Đánh chó thì hổ chủ.

            - Vừa mắt ta mới ra mắt người.
            - Gap urang gap drei.
            Vừa ta vừa mình.

            - Đèn nhà ai nấy sáng.
            - Sang thei thei thuw.
            Nhà ai nấy biết.

            - Hồn ai nấy giữ.
            Chuyện ai nấy biết.
            Việc ai nấy lo.
            - Yaut thei thei guy.
            Gùi ai nấy mang.

            - Suy bụng ta ra bụng người.
            - Xanưng tung urang tung drei.
            Nghĩ bung ta, so bụng người.

            - Có ta có mình.
            - Hu urang hu drei.
            Có mình có ta.

            - Cháy như lửa rơm.
            - Apwei pong padơm drah.
            Lửa rơm mau tắt.

            - Thùng rỗng kêu to.
            - Ia mưtưh ia tabblak.
            Nước lưng thùng thì thường sóng sánh.

            - Có mới nới cũ.
            - Bobh biruw wơr klak.
            Thấy mới quên cũ.

            - Lạc ngõ theo trâu, lạc nhà theo chó.
            - Mưhu ia twei kabaw, wơr jalan nau twei asuw.
            Khát nước theo trâu, quên đường theo chó.

            - Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.
            - Kuhria bruk pak khaul ita, kaywa Debita mưng jiơng.
            Tính chuyện bởi chúng ta, thành chuyện bởi thượng đế.

            -Trời kêu ai nấy dạ.
            - Ppo ppadauk pak halei thuw pak nan.
            Trời định đâu hay đấy.

            - Rồng đi vết hãy còn.
            - Ikan klah kakah dauk gơm.
            Cá sẩy nhưng vảy còn lưu.    (v.v...)  VVH.

            - Con sâu làm rầu nồi canh.
            - Ikan bruk ngap mưluk ikan siam.
            Một con cá thối làm rối cá lành.
            Một con cá ươn làm thối luôn cả rổ cá.




[1] Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, Inrasara, Nxb. VHDT, 2008.
[2] Đặc khảo văn học dân gian Thừa Thiên – Huế, Hội VNDG Việt Nam, Lê Văn Chưởng, Nxb. VHTT. 2012.
[3] Lịch sử Việt Nam trong tục ngữ, ca dao, Hội VNDG Việt Nam, Nguyễn Nghĩa Dân, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2010.

Không có nhận xét nào: