Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Lễ hội và sự biến đổi các thành tố văn hóa

           Võ  Văn  Hòe

            1. Khái niệm lễ hội
            Lễ hội là hình thái tín ngưỡng xuất hiện từ thời cổ đại, khi con người bất lực trong việc chế ngự sức mạnh của thiên nhiên.
Thuật ngữ lễ hội, lâu nay các nhà nghiên cứu có ý kiến khác nhau trên các phương tiện thông tin hay trong các cuộc hội thảo chuyên ngành.[[1]] Theo Từ điển tiếng Việt,  lễ hội là cuộc vui chung, có tổ chức, có các hoạt động lễ nghi mang tính văn hóa truyền thống [[2]].
Như thế lễ là niềm tin, là tín ngưỡng, hội là vui chơi, diễn xướng nghệ thuật (hay chưa đạt đến độ nghệ thuật). Lễ hội  là cuộc vui chung, theo đó có thể nhận biết cách gọi lễ hội, hội lễ, hội làng, theo chúng tôi nội hàm không có gì khác nhau, nếu có khác nhau là khác cách gọi theo từng địa phương hoặc quan niệm của mỗi nhà nghiên cứu về lễ hội. Do vậy, có thể sử dụng một trong những thuật ngữ nêu trên mà nội dung của nó không có gì thay đổi. Dù gọi là lễ hội, hội lễ, hội làng vẫn hiểu về một cuộc vui chung có tổ chức, có các hoạt động lễ nghi kèm theo, đây là sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng người tập trung vào một thời điểm nhất định trong không gian cũng được xác định cụ thể, ở đó cùng tiến hành các nghi, lễ thờ cúng Thần, Phật,…các nhân thần của cộng đồng cư dân vùng đất ấy. Đi kèm với các nghi, lễ là các cuộc vui chơi, ca hát và ăn uống.
Lễ hội ở ta thường diễn ra vào mùa xuân vì mùa xuân được mệnh danh là mùa của sự phát triển, mùa của hy vọng, theo đó con người có dịp suy nghĩ đến văn hóa tâm linh và bàn về nó khi tham gia lễ hội, đặc biệt là lễ hội tôn giáo và lễ hội mang yếu tố tín ngưỡng dân gian.
Tại Việt Nam hiện nay các nhà nghiên cứu và tổ chức lễ hội đã thống kê có 8.000 loại lễ hội lớn nhỏ khác nhau, phân bố trên các miền biển, miền đồng bằng và miền núi. Miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam gồn 17 tỉnh, thành phố [[3]].Các loại lễ hội đều diễn ra thường xuyên hằng năm vào các thời điểm thích hợp.

2. Đặc điểm/thuộc tính lễ hội
- Lễ hội có thừ thời cổ đại, đây là hình thức tín ngưỡng dân gian xuất hiện khi con người không giải thích được các hiện tượng tự nhiên, hay nói cách khác là con người bất lực trước các hiện tượng nắng, mưa, bão táp, cuồng phong, dịch bệnh,…đều tìm đến lực lượng siêu nhiên để tựa vào, cầu xin, mong ước. Những vị thần linh mà người dân ngưỡng vọng, sùng kính chính là những người có khả năng, có sức mạnh hơn người, lao động giỏi hơn, là những người có năng lực chiến thắng các thế lực thiên nhiên, từ đó người dân tín ngưỡng, kính vọng. Trong tín ngưỡng thường nhuốm màu thần bí, không thể giải thích được dưới cái nhìn của con mắt người thường.
- Lễ hội luôn hướng tới cái cao cả, cái đẹp, tức hướng tới chân – thiện – mỹ. Thông qua lễ hội, con người tìm đến cái phong phú trong đời sống thường ngày, ở đó thông qua năng lực dự báo nhờ vào linh tính của con người mà dự đoán về số phận con người trong cộng đồng. Dưới góc nhìn khác, là biểu biểu hiện cơ trời. Thực tế trong thực tiễn, trí tư duy trừu tượng lý tính của con người không giải thích được hết các hiện tượng tự nhiên, do đó con người tìm năng lực khác ngoài lý tính. Tuy nhiên không phải lúc nào và ở đâu, tư duy ngoài lý tính của con người cũng mang lại kết quả rõ ràng, đáp ứng những điều mong đợi.
- Lễ hội luôn mang tính thiêng. Tín ngưỡng trong lễ hội mang tính thần bí, còn các hình thức vui chơi đi kèm lại mang tính thế tục. Từ đó, chúng ta nhìn vào một lễ hội, ví dụ như lễ hội Phật giáo hay lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư chẳng hạn thì hai hiện tượng thần bíthế tục này luôn kết hợp được với nhau. Đây chính là hai hình thái văn hóa song song cùng có mặt trong một lễ hội mà xét cho cùng lại mang các yếu tố trái nghịch nhau, tức là giữa đạo và đời, giữa cái thiêng và cái tục; giữa duy lý với duy tình, giữa trí tuệ với tâm linh lại có thể tồn tại trong cùng một lễ hội. Những điều mà ta tưởng là trái nghịch nhau lại có thể cùng song song tồn tại, hòa vào nhau để nâng đỡ cho nhau tạo nên thế giao thoa mang yếu tố tâm linh [[4]] giữa người với người giữa người với Phật, với các vị Thần,…và vũ trụ mênh mông. Tại sao lại có hiện tượng như thế ? Trả lời vấn đề này không phải là chuyện dễ dàng! Khi ghép tâm linh vào văn hóa ta có văn hóa tâm linh, thì đây là văn hóa của một tộc người, trong đó gồm: tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, sự sáng tạo khoa học, kỹ thuật. Đây chính là lúc thăng hoa, lúc xuất thần, là lúc trí tuệ hưng phấn nhất để sáng tạo nên các giá trị văn hóa mà người ta thường nói chung là thời điểm thăng hoa của con người. Trong sự thăng hoa đó có một chút gì đó của tâm linh! Do đó, chúng ta không thể loại trừ văn hóa tâm linh ra khỏi đời sống trần tục của con người. Chúng ta có thể nhìn thấy rằng, giữa lễhội dường như có tính trái nghịch nhưng lại giao thoa, hòa nhịp nâng đỡ nhau cùng phát triển để có thể song song tồn tại trong một lễ hội.
Tại miền Trung có nhiều lễ hội diễn ra trong năm, nhưng tựu trung được xếp vào các loại hình: lễ hội tôn giáo, lễ hội đình làng, lễ hội nông nghiệp, lễ hội cầu ngư, lễ hội ngành nghề truyền thống,…Lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển gắn kết nghi thức dân gian thể hiện ý nghĩa ngày hội nghề nghiệp gắn với môi trường mưu sinh, đấy là biển đảo. Lễ hội Cầu ngư xã Hải Thanh (Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) được khôi phục, tổ chức đúng dịp Đại Lễ Phật Đản 2008 sau hơn 60 năm gián đoạn. Nhiều lễ hội được tổ chức trong chương trình du lịch như Hội vật làng Sình (Thừa Thiên – Huế). Đặc biệt lễ khao lề tế lính Hoàng Sa (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) được nâng cấp về tổ chức có ý nghĩa khong chỉ là thể hiện nghề đánh bắt hải sản trên biển mà cong thể hiện ý chí khẳng định chủ quyền lãnh thổ qua nghi lễ truyền thống mang màu sắc tâm linh tri ân các tiền nhân bảo vệ Tổ quốc.
Các lễ hội tôn giáo tại miền Trung trước đấy nặng về phần thực hiện các nghi lễ tôn giáo hơn là các hoạt động phần hội (từ khi có sự tham gia của chính quyền địa phương, hội gắn với lễ dần được chú ý, có lẽ do trái nghịch nhau chăng ?). Nhiều lễ hội tôn giáo được tổ chức thành công, không chỉ là ngày lễ của các tín đồ mà còn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của người dân, thể hiện rõ phương châm “văn hóa hóa tôn giáo”, từ đó ta có phong trào “tốt đời đẹp đạo”. Trong lễ hội như lễ hội Quán Thế Âm tại Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng dù cách diễn đạt thế nào vẫn hàm ý nghĩa, rằng sự có mặt và song song tồn của hoạt động hội cùng với các lễ chính là các hoạt động văn hóa trong lễ hội nói riêng đều là động lực của sự phát triển xã hội. Như những ngày này, lễ hội Quán Thế Âm tại Ngũ Hành Sơn/Non Nước là lễ hội lớn cấp quốc gia tại miền Trung, được đầu tư tổ chức trang trọng, công phu, thu hút đông đảo đạo hữu, cả người dân ngoài đạo cũng tham gia (vì có gắn với hoạt động hội), để lại dấu ấn tốt đẹp, trước hết cho sự giao tiếp trong mối quan hệ: giữa cái thiêng với cái tục; giữa duy lý với duy tình, giữa trí tuệ với tâm linh, giữa cầu tất ứng và nguyện tất thành. Do đó, trước đây kỷ niệm Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc – Vesak 2008 tổ chức tại Việt Nam, hoạt động hội cùng với lễ tín ngưỡng như diễu hành xe hoa, triễn lãm, phóng sinh, tọa đàm, hội thảo,… được tổ chức ở nhiều cơ sở tôn giáo và có sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân là rất được chú ý. Lễ hội văn hóa Phật giáo dân tộc những năm gần đây được tổ chức có phần hội song hành, thể hiện văn hóa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa trí tuệ và tâm linh đã hòa quyện lẫn nhau tạo nên sự giao thoa, tiếp biến, hình thành nên yếu tố văn hóa Phật giáo – dân tộc. Đấy là văn hóa, bởi theo Luật di sản văn hóa của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (Điều 4, khoản 1 sửa đổi năm 2009): “lễ hội là di sản tinh thần gắn với cộng đồng và cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng; không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”.
3. Những kết quả
Lễ hội không chỉ là lễ hội các tôn giáo mà là cho tất các các loại hình lễ hội ngày càng tuân thủ quản lý và đảm bảo các quy định của Nhà nước theo đúng mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Những năm trở lại đây, cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, trình độ tổ chức tại một số lễ hội được nâng lên. Những lễ hội lớn như lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội Cầu ngư, và lễ hội có quy mô làng xã tại thành phố Đà Nẵng được nâng tầm hơn. Trong đó hẳn có vấn đề giữ gìn trọn vẹn di sản văn hóa phi vật thể của các loại hình lễ hội, như lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, cầu ngư miền biển, đình làng miền đồng bằng, trọn vẹn cả về hình thức tổ chức nghi và lễ của lễ hội xưa nay và ý nghĩa của lễ hội phải được duy trì trong cộng đồng.
  Từ khi Nghị quyết Trung ương V khóa 8 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc được thực thi, trong khôi phục các lễ hội, việc tổ chức quản lý lễ hội cơ bản đã đáp ứng được tinh thần và quan điểm thực hiện về mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam. Có thể thấy trình độ tổ chức và quản lý lễ hội được nâng lên nhất là các lễ hội lớn như lễ hội Quán Thế Âm tại Nhũ Hành Sơn, nâng tầm lễ hội thành cấp quốc gia. Những năm trở lại đây phần hội vui chơi được chú trọng nhiều hơn, góp phần chấn hưng văn hoá, phù hợp với thuần phong mỹ tục và sự phát triển kinh tế địa phương.
Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tham gia lễ hội, về giá trị di sản văn hóa truyền thống, về công đức của đức Phật, của các Nhân thần đã góp phần xây dựng và nâng cao giá trị văn hóa, gắn văn hóa đạo Phật với văn hóa dân tộc.
Vai trò chỉ đạo của chính quyền cơ sở, các đoàn thể và vai trò chủ động của các nhà chùa, nhân dân nơi có lễ hội, sự sáng tạo của người tham gia lễ hội góp phần quảng bá đất nước và con người Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
4. Sự biến đổi của lễ hội
Từ sự phục hồi lễ hội trên dưới 15 năm trở lại đây, đã cho thấy sự biến đổi trong lễ hội, nhiều hình thức lễ hội được phục dựng. tái tạo và phục vụ (trong đó không loại trù yếu tố khai thác lễ hội) người dân. Tuy nhiên không phải nói “lễ hội truyền thống” là ở đó tái hiện lại các thành tố cổ truyền đầy đủ và trọn vẹn các di sản mà thời nay đã có sự đan xen giữa cổ truyền và đương đại nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau (cho du lịch, cho quảng bá hình ảnh,…)
Có thể thấy sự biến đổi lễ hội biểu hiện ở các mặt:
- Không chỉ miền trung châu, miền biển mà cả với miền núi các lễ hội mang yếu tố nương rẫy trong nông nghiệp và lễ hội theo một vòng đời người đã có sự biến đổi. Trong lễ hội tôn giáo cũng có sự biến đổi các thành tố cấu thành. Ngày nay người dân đi đến lễ hội với tinh thần và thái độ khác trước những năm trong chiến tranh. Đôi khi người tham gia chỉ là khách thể, có thái độ vô tư khi vào lễ hội, sự thành kính trong tín ngưỡng như đã vơi đi ít nhiều.
- Người dân dự lễ hội đông hơn, các phương tiện phục vụ lễ hội cũng dần thay đổi, hiện đại hơn, tiên tiến hơn. Về mặt tâm lý con người cũng viên mãn hơn, theo đó, việc dâng lễ cúng Phật cũng khác trước cả tinh thần và thái độ. Người tham dự lễ hội như đi xem hội chứ không phải đi lễ hội, nghĩa là người đi xem lễ hội không đóng vai trò tham gia, là chủ thể của lễ hội mà chỉ là người đi xem hội, thưởng thức và hưởng thụ từ lễ hội, (tức là hưởng thụ di sản văn hóa phi vật thể).
- Với lễ hội nông nghiệp như Lễ hội Phong Lệ Mục đồng, Giáng Đông đấu vật chẳng những bị biến đổi mà nay đã hoàn toàn thất truyền trong cộng đồng làng xã Phong Lệ xưa. Những sinh hoạt dân gian, các loại hình trò chơi tiêu khiển đã được khoác lên mình nó tính hiện đại, đã đẩy lùi một bộ phận người dân lam lũ với làng xã ra khỏi cuộc chơi. Bởi họ không thấy họ trong các trò chơi (trang phục, đạo cụ, âm nhạc,…)
- Hoặc, hội vây bắt cọp tại Tiên Phước, Hội xả trái lòn bon ở Đại Lộc,…không còn được tổ chức nữa, nghĩa là đã có sự biến đổi từ biểu tượng này sang biểu tượng khác đơn giản, phù hợp với cuộc sống đương đại hơn, trong đó không loại trừ các lễ hội tôn giáo. Trong sự biến đổi như vậy, yếu tố sáng tạo có vai trò phát huy và duy trì lễ hội làm cho lễ hội tương thích với thành tựu khoa học công nghệ mà nhân dân đang vận dụng, hưởng thụ, nhằm làm thay đổi cuộc sống cùng với các lễ hội theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp, một vòng đời người theo hướng hiện đại hơn.
- Về mặt thời gian của lễ hội, nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian có mặt tại Đà Nẵng đã có sự thay đổi về thời gian. Điều này do cuộc sống đương đại tác động vào các yếu tố tâm linh, làm cho quan niệm về các lực lượng siêu nhiên không còn can thiệp nhiều và sâu vào đời sống của nhân dân nên họ đã thay đổi thời gian cho phù hợp, tuỳ thuộc vào điều kiện làm ăn, sinh sống. Có thể người Đà Nẵng xưa kia xem vật đoán việc để bắt đầu hình thành lại niềm tin đã mất trong tâm thức, nay họ đã không thực hiện, thế nhưng cuộc sống vẫn cứ tiến lên không bị ràng buộc nào cản trở. Như vậy, về mặt thời gian, lễ hội Đà Nẵng có sự biến đổi căn bản.
- Hoặc sự biến đổi trong lời khấn cúng thần linh, trước đây trong lễ hội đâm trâu – hiến tế sinh trâu –  người Cơ tu có thành tố khóc kể, người khóc ngồi chống cằm quanh con trâu hiến tế khóc kể, lời than ai oán, trách trời, trách đất, thương cho thân phận nhỏ nhoi của mình, làm ăn quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ cơm, đủ áo…khóc kể trong tiếng trống điểm nhịp 1 – 2 – 1 âm âm ngân dài trong đêm vắng, ai oán thấu đến thần linh. Nay đã biến đổi, đôi khi không còn thành tố khóc kể nữa. Lời khấn tế giàng của đồng bào dân tộc miền núi Cơ tu xưa kia được già làng – chủ tế – đọc lên theo nhịp giống như lời hát than, hoặc mừng vui vậy, nhưng nay đã bỏ dần, chỉ còn khấn gọn đôi điều là được. Giàn cồng chiêng trước kia chỉ khởi lên để cúng giàng, thần linh, xong việc là cất đặt đâu đấy, quý trọng bởi là vật thiêng và tính thiêng của nó, nhưng nay cồng chiêng có thể mang ra đánh để vui chơi, múa hát nhảy các điệu da dắ, t’tung t’tung vẫn không sao. Lời khấn trong đám tang của bộ phận người Đà Nẵng theo đạo Phật khác với lời khấn của người Đà Nẵng theo đạo Thiên Chúa và khác so với người Đà Nẵng ảnh hưởng đạo Nho, hoặc bộ phận người dân không theo tôn giáo nào.
- Sự biến đổi lễ vật cúng Thần linh, cúng Phật, cúng Giàng cũng dễ nhận thấy tại các lễ hội vùng đồng bằng, miền biển và miền núi. Trước đây, lễ vật dâng tế hiến sinh cúng thần linh phải là những thứ được cho là tinh khiết, thanh sạch nhất, giá trị nhất và địa phương nhất, có như vậy mới biểu hiện sự kính trọng thần, phật. Nhưng ngày nay việc này đã có sự biến đổi, bởi giá trị các lễ vật đã được thay đổi, hệ giá trị của vật lễ thay đổi đã ảnh hưởng vào lễ hội làm biến đổi ít nhiều các thành tố trong lễ hội cổ truyền. Lễ hội ngày nay người ta dâng lên cho thần, thánh, không chỉ rượu trắng, mà có cả rượu ngoại nhập từ nước ngoài về, tỉnh khác đến, rượu đóng chai bán sẵn và cả các loại bia lon, bia chai…cũng được dùng làm lễ vật hiến thần. Đối với việc sắm sanh, dụng lễ vật cúng thần cũng có sự biến đổi khác trước, trong các lễ hội người miền núi Đà Nẵng, các món ăn cổ truyền chiếm tỉ lệ thấp, thay vào đó là các món ăn chế biến như người miền xuôi, còn người miền xuôi trong lễ hội lại chế biến các món ăn theo kiểu phương Tây, các món ăn cổ truyền, các loại bánh cổ truyền đã vắng mặt từ lâu. Có thể thấy, trên các bàn soạn lễ vật cúng thần, thánh các sản phẩm thổ nghi địa phương chiếm tỉ lệ thấp trong lễ hội.
- Trang phục trong lễ hội cộng đồng cũng khác trước, đã có sự biến đổi cho phù hợp với cuộc sống đương đại, điều này là không thể can thiệp. Đối với người miền núi phía Tây Đà Nẵng trong lễ hội cổ truyền của cộng đồng ngày càng thưa dần người đàn ông quấn khố, phụ nữ quấn xà lùng, váy như trước đây trong lễ hội cổ truyền. Vải dồ, vải tút được dệt công phu nổi lên những trang trí hoa văn của mỗi tộc người, nay đã thưa vắng dần trong lễ hội. Thay vào đó, y phục được sử dụng bằng những bộ áo quần may sẵn bán tại chợ, hoa văn của người miền xuôi hoặc các loại đường nét, bông hoa cầu kỳ theo kiểu in mực ảnh hưởng của nước ngoài. Một tấm tút, một tấm dồ dệt thành phẩm tốn nhiều thời gian và công của nhưng ít được sử dụng mà biến thành hàng hoá bán cho khách đến buôn làng thăm quan du lịch. Chính đó, lễ phục cổ truyền không được sử dụng nhiều trong lễ hội. Thanh niên ăn mặc theo kiểu Âu – Tây, quần jean, áo thun. “Bọn trẻ ngày nay bảo xấu hổ khi mặc khố, múa hát cồng chiêng, không muốn nghe khi già nói lý – hát lý…bảo lạc hậu…” [[5]].
- Đối với người miền xuôi, bộ áo dài khăn đóng chỉ dùng cho người già, người có tuổi, còn thanh niên mặc comple vecton, hoặc áo sơ mi quần Tây, Jean dự hội. Sự biến đổi trang phục phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá là không thể can thiệp được! Bởi sự tiện ích, thích nghi, đơn giản, gọn nhẹ và phù hợp của y phục luôn là lựa chọn ưu tiên của mọi người, kể cả những người đứng tuổi. Và, còn bởi vì người Đà Nẵng luôn hướng đến sự lựa chọn các yếu tố văn minh, hiện đại như trước đây đã từng vận động duy tân trong đời sống nhân dân [[6]].
- Một khía cạnh khác dễ nhìn thấy sự thay đổi các thành tố trong lễ hội đương truyền, đấy là các bài văn khấn cầu quốc thái dân an trong lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, bài văn  tế cúng thần đã được tinh gọn cho phù hợp và dùng tiếng Việt. Trước kia, bài văn viết bằng chữ Hán, (rất ít bản văn được viết bằng ký tự Nôm) trên loại giấy dó mỏng, khổ nhỏ, chỉ những người biết chữ Hán mới có thể am hiểu được bản văn. Trong lúc hành lễ, bài văn dài, đọc lên rất ít người tham gia lễ hội hiểu được nội dung. Trong dòng tộc tình hình cũng diễn ra như vậy, con cháu không hiểu được lịch sử cha ông mặc dầu vẫn kính cẩn nghiêng mình thán phục trong tiếng trống điểm chiêng rung. Tên các vị thần được nêu trong bài văn không phải ai nghe cũng hiểu được. Thì nay các bài văn tế đã pha trộn vừa Hán, vừa Nôm, vừa Việt, đôi khi thuần Việt. Ít dùng các điển tích xưa và có phần ngắn gọn hơn để khi hành lễ, những người tham gia, khách dự lễ có thể nghe và cảm nhận được nội dung của bài văn. Đấy là điều thuận lợi và dễ hiểu. Bởi cuộc sống đương đại của người Đà Nẵng luôn hướng về phía trước, họ luôn vươn lên cách tân, thay đổi các thành tố cũ bằng các thành tố mới cho phù hợp trong phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, vùng miền. Mặt khác, qua các bài văn trong buổi lễ, họ mong muốn phải thật sự hiểu được tinh thần lễ hội thế nào mới có cơ hội đóng góp ít nhiều vào giữ gìn, phát huy và phát triển đời sống tinh thần của cộng đồng được tốt hơn.
- Đối với các dân tộc miền núi lời khấn trong lúc hành lễ cúng giàng đã gọn hơn, lời khóc – hát  kể trong lễ hội hiến sinh trâu, đâm trâu – ăn trâu đã không còn thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ các thành tố như trước đây nữa. Đấy cũng là sự biến đổi. Các vị già làng các tộc người miền Tây đất Quảng thời đại ngày nay không chỉ là người duy trì đời sống tinh thần xưa, phát triển dòng tộc, mà còn vận động theo chiều hướng mới vừa thực hành luật tục của dân tộc mình, nhưng đồng thời là người nêu gương trong việc thực hành pháp luật. Hình thức điều chỉnh hành vi của cộng đồng tộc người trước đây dựa vào luật tục, thì nay luật pháp đã chi phối phần lớn các thành tố của luật tục theo hướng tiếp cận với quan niệm hiện đại hơn, phù hợp với cộng đồng dân tộc.
Có thể nhìn nhận rằng các loại hình lễ hội ở miền Trung có sự giao lưu tiếp nhận và tiếp biến của văn hoá ngoại lai, trong đó có văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ, văn hoá Chăm và văn hoá phương Tây.
5. Về quản lý lễ hội

Để quản lý tốt lễ hội, chú trọng giải pháp Nhà nước thông qua hệ thống văn bản như Nghị định 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo hay các quy định có liên quan tại Nghị định 11/2006/NĐ-CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ, Luật Di sản văn hóa, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan. Thực hiện phân cấp quản lý lễ hội phù hợp với quy mô, nội dung, tính chất lễ hội ở địa phương.
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, các tầng lớp nhân dân về thực hiện chống lãng phí, phiền nhiễu, mê tín dị đoan, kinh doanh vụ lợi trong lễ hội, về lợi ích cá nhân gắn với lợi ích cộng đồng trong việc tham gia các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa tại lễ hội.
- Tôn giáo, tín ngưỡng thường là nơi môi trường ẩn náu của một số người mất niềm tin, những khủng hoảng này thường tìm đến các hình thức xem vật đoán việc, xem bói, các hình thức mê tín dị đoan nếu không được chú ý đúng sẽ làm cho thuần phong mỹ tục của người dân và lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng có các “thành tố tà đạo” chen xen.
- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về lễ hội phù hợp với nội dung, tính chất, quy mô lễ hội. Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong tổ chức lễ hội, khuyến khích sự tham gia đóng góp về vật chất và những sáng tạo văn hóa, văn nghệ quần chúng vào hoạt động lễ hội. Khai thác và phát huy vốn văn hóa dân gian truyền thống của từng loại hình lễ hội, từng địa phương.
- Lồng ghép nếp sống văn minh trong lễ hội váo các nội dung của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa./.



[1] Những năm 20 và 30 của thế kỷ XX, trường Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội và chính quyền thuộc địa đã tổ chức thống kê các thần tích của các đền, chùa, đình, miếu ở Việt Nam và thống kê hương ước tại các làng. Chỉ riêng về hương ước đã cung cấp cho chính quyền thuộc địa về việc tạo ra khả năng cai trị của họ.
[2] Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2010. (tái bản lần thứ 3).
[3] Gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Dăklăk, Lâm Đồng.
[4] Tâm linh là một trong bốn thuộc tính của con người: 1/ con người sinh học, 2/ con người xã hội, 3/ con người tâm lý, 4/ con người tâm linh. Về mặt tâm linh con người có khả năng đoán biết một sự có sẽ xảy ra.
[5] Theo ông Alăng Phát, dân tộc Cơ tu, già làng thôn Sơn, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Dẫn theo Alăng Ngước, Tạp chí Đất Quảng đd.
[6] Xem: Nguyễn Vỹ, Tuấn, chàng trai nước Việt-chứng tích thời đại đầu thế kỷ XX.  Nhà xuất bản Văn học, 2006.

1 nhận xét:

Phương Anh nói...

Các bác có thể chia sẻ cho cháu được hiểu hơn về các thành tố chính của lễ hội truyền thống đó là Lễ và Hội được thể hiện như thế nào được không ạ?