Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Giao thoa văn hóa Việt - Chăm nhìn từ thành ngữ

Võ  Văn  Hòe

            Thành ngữ là một cụm từ có sẵn, là một đoạn câu mà trong quá trình sử dụng tương đối có kết cấu cố định và bền vững nhưng chưa thể đưa ra hay thông báo một ý nghĩa hoàn chỉnh như tục ngữ mà nhằm thông báo một quan niệm nào đó dưới hình thức một đoạn câu có sẵn mang tính chất sinh động, hấp dẫn khi biểu đạt cho người khác. Và vì mới chỉ là thông báo một quan niệm và chưa hoàn chỉnh về ngữ nghĩa nên trước sau thành ngữ cũng được các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu và xem chúng tương đương như từ. Tuy nhiên trong lời ăn tiếng nói hằng ngày đoạn ngữ được chọn lựa và sử dụng vào hoàn cảnh nói năng, phù hợp với hoạt động thực tiễn nên lời ăn tiếng nói cô đọng đó được sử dụng thường ngày và trở thành thành ngữ lưu hành trong nhân dân.
            Trong quá trình sinh sống cộng cư với người Chăm tại miền Trung, người Việt đã đưa vào trong vốn thành ngữ của mình những quan niệm trong cuộc sống đời thường liên quan đến tự nhiên, xã hội, con người mà người Chăm đã đúc kết được. Ngược lại, người Chăm đã tiếp biến giá trị thành ngữ của người Việt miền Trung nhằm thể hiện quan niệm về cuộc sống, phương thức ứng xử với tự nhiên, xã hội vào trong lời ăn tiếng nói của mình.
            Qua so sánh, đối chiếu 863 thành ngữ trong sách “Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố” của Inrasara với thành ngữ miền Trung trong các tác phẩm sưu tầm của các tác giả miền Trung (bổ sung tác phẩm, số câu vào chỗ này), cho thấy có sự giao thoa nhau về quan niệm. Tìm sự tương đồng và dị biệt lời ăn tiếng nói giữa các vùng/miền đã được con người đặt ra từ rất sớm. Khi hình thành giai cấp, con người đã ý thức về riêng tư, của ta của người, của mình của họ,...Để có khái niệm về sự tương đồng và dị biệt trong thành ngữ của người Việt miền Trung và người Chăm, thực tiến phải kinh qua quá trình nhận thức về sự vật và hiện tượng có cùng chung thuộc tính, từ đó mới có thể đưa ra quan niệm về nó một cách tương đối được. Không trùng lắp hoàn toàn ý niệm, nhưng xét về mặt nghĩa có có sự gặp nhau trong quan niệm dân gian về một vấn đề, sự vật nào đó được đưa ra trong hoàn cảnh nói năng nào đó, nhằm hướng ý thức con người đến với sự vật, hiện tượng và tính chất, đánh giá về nó. Người Việt miền Trung và người Chăm có cùng môi trường địa lý, cùng sống đan xen nhau thì chắc chắn có sự trao đổi nhau, ảnh hưởng nhau qua lại trong hấu hết các hoạt động liên quan đến con người đã xảy ra trong lịch sử.
 Trong khảo sát, đối chiếu thành ngữ để tìm xem sự tương đồng, giao thoa nhau cùng lời ăn tiếng nói người Việt miền Trung với người Chăm, chúng tôi không phân thành từng nhóm vấn đề mà so sánh những yếu tố trong thành ngữ có sự tương đồng hoặc giao thoa nhau để đi đến thống nhất rằng, đã có sự gặp nhau trong lời ăn tiếng nói người Việt miền Trung và người Chăm trong lịch sử phát triển, đã tham gia vào tiến trình nâng cao giá trị thành ngữ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
            Sau đây là một số thành ngữ có sự tương đồng, hoặc giao thoa nhau (dòng trên: thành ngữ Việt; dòng dưới: thành ngữ Chăm):
- Đầu tắt mặt tối.
                        -  Akauk trun taika tagok.
                        Đầu xuống chân lên.

                        - Đầu đội vai mang
                        - Akauk đwa bira anaung.
Đầu đội vai gánh.

- Đất khách quê người.
- Ata palei karei angan.
Xa làng khác tên.

- Chửi mèo mắng chó.
- Ataung asuw ataung mưyaw.
Đánh chó đánh mèo.

- Khố rách áo ôm.
- Asuw kaih klaih iku.
Chó ghẻ đứt đuôi.

- Con đàng cháu đồng.
- Anưk tacauw yơng rup
Con cháu quanh mình.

- Hết lòng hết dạ.
- Abih tung abih hâti.
Hết lòng hết dạ.

- Bán sống bán chết.
- Alah mưtai alah diip.
Biếng chết biếng sống.

- Của ngon vật lạ.
- Ahar crih bauh bingi.
Bánh lạ quả ngon.

- Nước đổ đầu vịt.
Nước đổ là môn.
- Ia mưta biya.
Nước mắt cá sấu.

- Hỉ mũi chưa sạch
- Wak ia idung ka o hacih.
Vắt mũi chưa sạch.

                        - Cơm bưng nước rót.
                        - Wak xalau raw dwơh.
                        Lau mâm rửa đũa.

- Bó chân bó tay.
- Ikak takia ikak tangin.
Cột tay cột chân.

- Thắt lưng buộc bụng.
- Ikak tian ralan hwa.
Bụng buộc lê lết.

- Ngón ngắn ngón dài.
- Inư kađieng inư canuw.
Ngón út ngón cái.
                       
- Đuổi như đuổi tà.
- Ew yuw urang ew bhut.
Réo như réo tà.

- La trời la đất.
- Rw lingik ew tathik.
Kêu trời kêu biển.

- Kêu trời không thấu.
- Ew lingik lingik o hamit.
Kêu trời trời không nghe.

- Chưa chết đã hôi.
- O ka mưtai blauh bbuw bruk.
Chưa chết đã bốc mùi thối.

- Chân cứng đá mềm.
- Kajap tangin khơng takai.
Chân cứng tay vững.

- Gần kề miệng lỗ.
- Kajaik tamưr labang mưtai.
Gần kề hố chết.

- Trời đánh thánh đâm.
- Katal klak kamak blah.
Trời đánh thánh vật.

- Ngứa mồm ngứa miệng.
- Katơl cabbwai katơl dahah.
Ngứa mồm ngứa lưỡi.

- Bạt núi ngăn sông.
- Kalcơk bơk banơk
San núi đắp đập.

- Da bọc xương.
- Kalik đung talang.
Da bọc xương.

- Ngậm đắng nuốt cay.
- Kaik lithun kaik liya.
Cắn hành cắn gừng.

- Tai vách mạch rừng.
- Kaung paga hu tangi.
Hàng rào có tai.

- Đứt ruột đứt gan.
- Klaih tung klaih hâti.
Đứt ruột đứt gan.

- Hết lòng hết dạ.
- Klauh tung klauh hâti.
Hết lòng hết dạ.

- Nửa đường đứt gánh.
- Klauh yaut mưtưh nwơc.
Sút gùi nửa chừng.

- Ba đầu sáu tay.
- Kluw gah tangin, tajuh gah takai.
Ba tay bảy chân.

- Giữ mồ giữ mả
- Khik kut khik tathat.
Giữ kut giữ tathat.

- Giữ mồm giữ miệng
- Khik cabbwai khik dalah.
Giữ mồm giữ lưỡi.

- Ép nợ ép duyên.
- Khing aip khing tatơk.
Lấp ép lấy đè.

- Câm miệng hến.
- Khup khauw kamauw nhai.
Câm miệng hến.

- Làm tới đâu hay tới đó.
- Ngap tơl halei thuw tơl nan.
Làm tới đâu hay tới đấy.

- Làm vương làm tướng
- Ngap patau ngap bia.
Làm vua làm hoàng hậu.

- Làm chơi xơi thiệt
- Ngap mư-in bbơng biak.
Làm chơi xơi thiệt.

- Làm bộ làm tịch.
- Ngap mưnuh ngap mưnưng.
Làm bộ làm tịch.

- Làm như ăn cướp.
- Ngap yuw urang pauh blah.
Làm như ăn cướp.

- Giả đui giả điếc.
- Ngap langauh ngap taglauh.
Giả điếc giả đui.

- Giả điên giả dại.
- Ngap hanrwai ngap taba.
Giả điên giả dại.

- Thâm căn cố đế.
- Cak kơng cak languw.
Thâm căn cố đế.

- Hoa hòe hoa sói.
- Cih bingu cih hala.
Vẽ hoa vẽ văn.

- Cầu được ước thấy
Cầu tất ứng nguyện tất thành.
- Caung patwah dwah jamauw.
Cầu được ước thấy.

- Chim trời cá nước.
- Ciim di glai.
Chim trong rừng.

- Đắt như vàng.
- Chet yuw jru.
Đắt như vàng.

- Khôn từ trong trứng
- Jak mưng dalam tian amaik.
Khôn từ trong lòng mẹ.

- Kẻ cắp bà già gặp nhau
- Jađak gauk jađun.
Jađak gặp jađun.

- Sức cùng lực kiệt.
- Jauh jauw mat.
Què quặt chân tay rệu rã tinh thần.

- Nên vợ thành chồng.
- jiơng hadiip jiơng pathang
Nên vợ nên chồng.

- Nên cơm nên cháo.
- Jiơng ia jiơng lisei.
Nên nước nên cơm.

- Nên công nên chuyện
- Jiơng bruk jiơng kadha.
Nên công nên chuyện.

- Nên của nên cải
Nên cửa nên nhà.
Nên gia nên thất.
- Jiơng bbơng jiơng angwei.
Nên của nên cải.

- Như hình với bóng.
- Jwak sa takai.
Đạp dấu chân.

- Ganh ăn ghét ở.
Ghét ăn tức ở.
- Jhak hâti pađiak mưta.
Xấu bụng nóng mắt.

- Ba chân bốn cẳng.
- Takai kluw takai ppak.
Chân ba chân bốn.

- Tiến thoái lưỡng nan.
- Tagok gauk yuw kadun gauk paraik.
Tiến thì đụng áchlui thì chạm càng.

- Bấm bụng bấm gan.
- Tatơk tung tatơk tian.
Nén bụng nén dạ.

- Chín nẫu ruột gan.
- Tathak tung tathak hâti.
Chín bụng chín gan.

- Thẳng ruột ngựa
- Tâpk đak raung.
Thẳng cong lưng.

- Vui như mở hội.
- Tapơh tung tapơh hâti.
Nức lòng nức dạ.

- Mất hồn mất vía.
- Tapơh prưn tapơh yawa.
Bay hồn bay vía.

- Thâm sơn cùng cốc.
- Tachauk cơk kawơk glai.
Xó núi khuất rừng.

- Bấm bụng bấm gan
- Tatơk tung tatơk tian.
Đè bụng đè dạ.

- Qua ngày đoạn tháng.
- Tappa harei tappa bilan.
Qua ngày qua tháng.

- Sa cơ thất thế.
- Tablait tangin tachaur takai.
Trật tay sẩy chân.

- U mê ám chướng.
- Tadar  hatai tadar phik.
Bít dạ nghẽn mật.

- Thuận vợ thuận chồng.
- Hu hadiip hu pathang.
Đồng vợ đồng chồng.

- Nở mặt nở mày.
- Hu bbauk hu mưta.
Mở mặt mở mày.

- Ruộng sâu trâu nái.
- Hamu bhum kabaw wal.
Ruộng sở trâu chuồng.

(...)


            Trong số 863 thành ngữ người Chăm đã được Inrasara sưu tầm trong “Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố”, qua đối chiếu, thống kê, chúng tôi nhận được sự tương đồng nhau về mặt quan niệm (nào đó) trong cuộc sống là 245/863, tỉ lệ 28,38% giữa người Việt miền Trung và người Chăm. Điều đó cho thấy rằng, trong cùng điều kiện địa lý tự nhiên và phần nào có cùng quan niệm trong triết lý âm – dương, trên –  dưới, đực – cái có nhiều nét tương đồng giữa hai dân tộc Việt – Chăm không có sự cách biệt nhiều lắm. Người Chăm dùng lịch Chăm nhưng lại cũng có mười hai con giáp nên đã ảnh hưởng, giao lưu văn hóa dân gian của nhau, đã thể hiện trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của cư dân tại miền Trung Việt Nam. Người Việt miền Trung đến cộng cư với tiền trú phương Nam, họ mang theo nền văn hóa dân gian bản địa ra đi để rồi từ đó tiếp cận với thực tiễn vùng đất mới làm nảy sinh những thành tố văn hóa dân gian mới. Văn hóa dân gian người Việt kết hợp với yếu tố sẵn có tại địa bàn cư trú mới, hòa quyện nhau tạo nên một dạng thức văn hóa dân gian phong phú, từ đó góp phần và làm tăng giá trị và làm đậm đà nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Thành ngữ cũng xuất phát từ lời ăn tiếng nói của người dân cả Việt lẫn Chăm không ngừng được mở rộng, cung cấp khái niệm, làm phong phú nội hàm biểu đạt. Trong di sản văn hóa phi vật thể, thành ngữ người Việt miền Trung hay Chăm đều hiểu là sản phẩm tinh thần  có giá trị văn hóa lịch sử mà trải qua nhiều thế kỷ mới hình thành nên được và được lưu giữ bằng trí nhớ, lưu truyền bằng miệng trong dân gian và thường xuyên được sử dụng là công cụ trong giao tiếp. Ở đó phát huy chức năng giáo dục, phản ánh của thành ngữ như là một biện pháp thể hiện tư duy con người về hiện tượng tự nhiên, xã hội của người Việt tại vùng Trung bộ Việt Nam. Sự kết hợp, tương đồng hoặc giao thoa nhau giữa thành ngữ Việt – Chăm cho thấy đã tác động rất lớn và sâu sắc đến văn hóa dân gian miền Trung, tạo nên sự đa dạng và bền vững của lời ăn tiếng nói dân gian trên vùng đất mới.

Không có nhận xét nào: