Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Chuông chùa trên địa bàn quận Liên Chiểu


Nguyễn Thị Lan Anh
Nguyễn Hoàng Thân



Chuông chùa trên địa bàn
quận Liên Chiểu




Trong bài viết “Di sản văn hóa Hán Nôm Đà Nẵng - nghiên cứu và giảng dạy” đăng trên Tạp chí Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng, số 9 + 10 năm 2010 (in lại trong Tam thập, nhà xuất bản Đà Nẵng, 2010), chúng tôi có đề cập chuông chùa Đà Nẵng và đề xuất những hướng nghiên cứu liên quan. Bài viết này được hình thành từ sự gợi mở nêu trên. Qua đây, chúng tôi giới thiệu sâu kĩ thêm về chuông chùa trên địa bàn Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
1. Phân bố về thời gian và không gian
            Toàn quận có 12 ngôi chùa đang sinh hoạt thì có 10 ngôi chùa có chuông. Trong đó chùa nào cũng có ít nhất là một chiếc Đại hồng chung, có chùa còn có thêm gia trì chung, như chùa Nam Hải có tới 4 chung gia trì, chùa Hải Vân Sơn, chùa Ba Sơn, chùa Tịnh Quang có 2 chung gia trì và các ngôi chùa khác hầu như đều có 1 chiếc chung gia trì.
            Để tính sự phân bố chuông trên địa bàn quận Liên Chiểu, trước hết cần xem xét về sự  phân bố các ngôi chùa trên địa bàn quận.          Là một quận có ít chùa nhất so với các quận, huyện khác trong thành phố, mà lại phân bố không đều trên các vùng dân cư theo địa lý hành chính, trong đó:
            Phường Hòa Minh có 5 ngôi chùa: chùa Quang Minh, chùa Phước Lộc, chùa Hải Vân Sơn, chùa Tịnh Quang, chùa Bồ Đề Thiền Viện.
            Phường Hòa Khánh Bắc có 1 ngôi: chùa Đà Sơn
            Phường Hòa Khánh Nam có 1 ngôi: chùa Minh Phước
            Phường Hòa Hiệp Bắc có 2 ngôi: chùa Kim Quang, chùa Nam Hải.
            Phường Hòa Hiệp Nam có 2 ngôi: chùa Ba Sơn, chùa Nam Thành.
            Như vậy, tính theo sự phân bố về không gian giữa các ngôi chùa có chuông trên địa bàn quận ta thấy phường Hòa Minh có nhiều chuông nhất, số lượng bằng chuông phường Hòa Khánh và Hòa Hiệp cộng lại, điều này chứng tỏ người dân phường Hòa Minh rất đông người sùng đạo Phật, đó chính là lý do nhiều ngôi chùa được xây dựng tập trung nơi đây. Hiện phường Hòa Minh có thêm chùa Phước Lộc trùng tu lại cách đây không lâu, và chùa đang phát tâm vận động Phật tử hỉ cúng để đúc chuông, không lâu trong tương lai trên địa bàn quận Liên Chiểu sẽ có thêm chuông chùa Phước lộc.
            Cũng qua quá trình điền dã, trực tiếp phỏng vấn các trụ trì, người trông nom chính tại các chùa và qua tìm hiểu văn tự khắc trên chuông, chúng ta thấy rằng niên đại đúc chuông của từng ngôi chùa là khác nhau. Trên địa bàn quận Liên Chiểu, chuông có niên đại sớm nhất và cũng là một trong hai chiếc chuông cổ nhất thành phố Đà Nẵng là chuông chùa Đà Sơn được đúc vào cuối niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16 năm 1755, đây chính là tài liệu ghi lại nhờ văn khắc chữ Hán trên thân chuông “景 興 拾 六 年 冬 季 月 榖 日 鑄/Cảnh Hưng thập lục niên đông quý nguyệt cốc nhật chú”. Chuông có niên đại sớm thứ hai là chuông chùa Nam Hải, đây cũng chính là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại quận Liên Chiểu, theo lời văn khắc trên chuông: “ / Phật đà ứng thế nhị thiên ngũ bách niên”, như vậy chuông chùa Nam Hải được đúc vào khoảng năm 1956.
            Ngoài ra, cũng từ tài liệu dịch ra từ văn khắc bằng chữ Hán Nôm trên thân chuông, thì chuông chùa Kim Quang được đúc năm 1965, chuông chùa Hải Vân Sơn đúc năm 1966, chuông chùa Nam Thành đúc năm 1964, chuông chùa Quang Minh và chuông chùa Ba Sơn được đúc vào năm 1976, chuông chùa Minh Phước và chuông chùa Tịnh Quang được đúc năm 1972 và chùa có chuông đúc niên đại muộn nhất trong quận là chuông chùa Bồ Đề Thiền Viện đúc năm 1997.
            So với cả nước và thành phố Đà Nẵng, ngoài chuông chùa Đà Sơn thì niên đại chuông chùa quận Liên Chiểu rất muộn bởi nhiều lý do khác nhau: trước thế kỷ XIV (trước năm 1306) quận Liên Chiểu vẫn thuộc vùng đất của Chăm Pa, vì vậy khi đó nơi đây tồn tại Phật giáo Chăm Pa. Sau này, với vị trí là cửa ngõ của thành phố, nơi khởi đầu của sự giao tranh Nam tiến của người Đại Việt, vùng Liên Chiểu có sự di dân của các vùng từ Huế vào, người Đại Việt vào trong này muộn, chùa xuất hiện muộn nên chuông cũng ra đời muộn (hầu hết chuông chùa quận Liên Chiểu đều có niên đại cùng với niên đại thành lập chùa, nếu có chênh lệch thì cũng không đáng kể). Đạo Phật hoằng dương tại nơi này cũng muộn, tính cả thành phố Đà Nẵng có 2 quả chuông có niên đại lâu nhất là chuông chùa Đà Sơn (quận Liên Chiểu) và chuông chùa An Long (quận Hải Châu), trong đó chuông chùa Đà Sơn có niên đại lâu hơn tới nay trên 350 năm. Về đời sống kinh tế người dân còn gặp nhiều khó khăn, từ xưa tới nay, trong thành phố ngoài quận Thanh Khê và quận Hải Châu có kinh tế phát triển, Liên Chiểu chỉ là quận ngoại vi, khi xưa người Việt mới vào lập nghiệp dân cư thưa thớt, nên chùa chiền ít, ngày nay, dân số tăng, nhu cầu xây dựng chùa ngày cũng vì đó mà tăng lên.
            Nhìn vào sự phân bố về thời gian của từng chiếc chuông để thấy niên đại hình thành và kỹ thuật đúc chuông cùng thời với nó, những chiếc chuông có niên đại muộn thường to hơn, dày hơn, chuông có bề mặt mịn hơn do kỹ thuật đúc đồng ngày càng hiện đại hơn.
2. Kích cỡ và hoa văn
2.1. Kích cỡ   
            Từ việc đi điền dã trực tiếp tại các ngôi chùa, khảo sát từng chiếc đại hồng chung, đo đạc, phỏng vấn các vị trú trì, người trông nom quản lý chùa, dịch nghĩa các văn tự khắc trên chuông và ghi chép, chúng tôi đã tập hợp bảng số liệu về kích cỡ chuông chùa quận Liên Chiểu.
            Do cách đo đạc thủ công nên số liệu có thể không chính xác tuyệt đối từng mm, nhưng sự chênh lệch không đáng kể.


BẢNG SỐ LIỆU VỀ KÍCH CỠ CHUÔNG CHÙA QUẬN LIÊN CHIỂU

TT
Chuông Chùa
Chiều cao
(cm)
Chu vi đáy
(cm)
Chu vi gần đai
(cm)
Cân nặng
(kg)
(~)
1
Ba Sơn
127
184
155
160
2
Bồ Đề Thiền Viện
172
297
245
650
3
Đà Sơn
147
211
180
450
4
Hải Vân Sơn
114
193
160
200
5
Kim Quang
114
173
145
160
6
Minh Phước
123
193
160
250
7
Nam Hải
138
198
154
200
8
Nam Thành
122
184
157
160
9
Quang Minh
140
228
192
400
10
Tịnh Quang
140
228
192
500
            Để có được bảng số liệu trên, chúng tôi trực tiếp dùng thước đo đạc từng chiếc chuông. Chiều cao được tính từ đỉnh quai chuông xuống tới miệng chuông, chu vi đáy là độ rộng gần miệng chuông. Chu vi gần đai chuông là chu vi nhỏ nhất trên thân chuông, đây là điểm gắn với quai chuông. Riêng về trọng lượng chuông thì có nhiều bất cập. Có một số chuông, chỉ số cân nặng được khắc chính xác trực tiếp trên thân chuông, như chuông chùa Đà Sơn có ghi: “ /Hồng chung trọng tứ bách ngũ thập cân” có nghĩa chuông này nặng 450 cân, hay chuông Ba Sơn có ghi: “一百六十箕卢/nhất bách lục thập kilô” tức chuông nặng 160 kg. Việc cân nặng của chuông phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể khi đúc chuông kinh tế dân làng dư giả, đồng nhiều chuông sẽ đúc to hơn, hay mỗi chuông có độ dày mỏng khác nhau, chuông càng dày thì càng nặng và càng mỏng thì càng nhẹ. Có chuông không ghi rõ cân nặng như chuông chùa Tịnh Quang mà số liệu trên được trích “Ngày 19/06 Nhâm Tý (1972) thầy Tịnh giác đã chú nguyện Đại hồng chung nặng trên 500 cân, dưới sự chứng minh của hòa thượng Thích Tôn Thắng”[1]. Các chuông còn lại phần lớn lấy tư liệu từ việc phỏng vấn các trú trì và người trông nom trong chùa, tuy rằng số liệu này chỉ ở dạng tương đối vì thật sự ít ai đem chuông ra cân, chỉ nghe tương truyền lại mà thôi.
            Nhìn vào bảng số liệu, chuông chùa Bồ Đề Thiện Viện là có kích cỡ lớn nhất, chuông chùa này to hơn hẳn mấy chuông chùa khác trong khu vực, lý do một phần do chuông mới đúc cách đây không lâu, chuông có niên đại muộn nhất trong quận, lúc bấy giờ kinh tế đã phát triển hơn trước, người dân có đủ kinh phí để thu mua đồng về đóng chiếc chuông có cỡ lớn như vậy.
            Chuông to thứ hai là chuông chùa Tịnh Quang, tuy rằng kích thước của chuông này ngang bằng chuông Quang Minh nhưng cũng có thể chuông được đúc dày hơn nên trọng lượng lớn hơn. Hầu hết các quả chuông còn lại trong quận có kích thước ngang ngang nhau, số đo có chênh lệnh, ngoài trừ chuông Đà Sơn thì các chuông còn lại có dáng dấp tựa tựa nhau, thiết kế theo mẫu chuông chùa thời Nguyễn, cân nặng tuy có chênh lệch nhưng chủ yếu vẫn là do độ dày mỏng của chiếc chuông đó thế nào.
2.2. Hoa văn
            Hoa văn in hay khắc trên các đồ vật xưa nay vẫn là một dẫn liệu khá quan trọng giúp chúng ta nghiên cứu chuyên sâu hơn về giá trị của hiện vật cần nghiên cứu, đơn giản khi các nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật về họa tiết hoa văn của một đồ vật nào đó, ví dụ như hình chạm rồng chẳng hạn, nhìn vào cách vẽ hay khắc hình dáng của rồng, người ta có thể đoán được đó là rồng thời Nguyễn hay rồng thời Lê… Chuông chùa cũng vậy, dựa vào hình dáng, họa tiết của hoa văn khắc trên chuông mà các nhà nghiên cứu có thể biết rõ hơn về lịch sử cũng như giá trị văn hóa của từng chiếc chuông.
            Quá trình tìm hiểu về mười chiếc chuông trên địa bàn quận Liên Chiểu cho thấy: đa phần các đại hồng chung có hoa văn trang trí rất đơn giản song nhìn vào bố cục chung của chiếc chuông lại thấy rất thanh thoát và hài hòa, mỗi chiếc chuông có một lối trang trí riêng, có phần thì giống với các chiếc chuông khác trong khu vực song cũng có chỗ tạo nên điểm riêng cho từng chiếc chuông.
*Về hình dáng chung
            Đa phần chuông trên địa bàn quận Liên Chiểu có dáng hơi bầu bầu, miệng loe, cách tạo dáng chuông rất đẹp, mà các nhà nghiên cứu chuông cho rằng đó chính là dáng chung của chuông thời Nguyễn lúc bấy giờ. Đối sánh với chuông cổ người Việt như hai quả chuông cổ nhất Việt Nam là chuông Thanh Mai (Hà Tây cũ) và chuông Nhật Tảo (Từ Liêm – Hà Nội), thấy rằng hình dáng chuông cổ Việt Nam có dạng trên to dưới nhỏ giống chiếc nơm bắt cá của người Việt, hoàn toàn khác với hình dáng của những chiếc chuông quận Liên Chiểu. Khi tìm hiểu chuông chùa quận Liên Chiểu, chuông chùa Đà Sơn có dáng khác nhất so với các quả chuông trong khu vực. Theo miêu tả của nhà nghiên cứu Lê Xuân Thông: “Dáng chuông xuôi thẳng, thành choãi, vai gấp đột ngột, miệng gãy góc và loe rộng. Vì vậy, khi nhìn vào, chúng ta có cảm giác khô cứng và có phần mất cân đối về tỷ lệ giữa chiều cao với độ rộng trung bình của thân chuông, và nhất là giữa độ cao quai và thân”[2], nhìn hình dáng tổng thể thấy chuông Đà Sơn có thể đã bị ảnh hưởng bởi dáng dấp của văn hóa Chăm (nền văn hóa mang tín ngưỡng phồn thực sâu sắc).
*Về quai chuông
            Khi nhìn vào quai chuông của những chiếc chuông quận Liên Chiểu mọi người sẽ dễ lầm tưởng đó là hình ảnh của hai con rồng đấu lưng vào nhau. Nhưng thực chất trong bài kệ Khai Hồng Chung[3] có nêu: “Bồ lao nhất chuyển hướng chung thinh/ Phạm sát kình chùy chấn địa minh/ Lục thú tài văn phiền não tức/ Tam đồ sạ thính khổ toan đình/ Nam mô Siêu Thập Địa Bồ tát” (Con Bồ lao mỗi khi chuyển mình, dẫn theo tiếng chuông. Tiếng chày cá kình ở cửa chùa làm chấn động cõi u minh. Sáu nẻo luân hồi vừa nghe được thì phiền não dứt. Ba nẻo ác chợt nghe thì khổ đau dừng lại. Như vậy chính xác thì con vật được đúc trên quai chuông là hai con Bồ lao. Theo truyền thuyết dân gian, rồng có 9 con: Bị hí, Li vẫn, Bồ lao, Bệ ngạn, Thao thiết, Công phúc, Nhai xế, Toan nghê, Tiêu đồ, Tù ngưu, Trào phong, Phụ hí. Bồ lao là con thứ ba của rồng, là linh vật thích âm thanh lớn, tiếng kêu của nó rất to, vang rất xa, thường được đúc trên quai chuông với mong muốn chiếc chuông được đúc có âm thanh như ý muốn. Tất cả quai chuông ở quận Liên Chiểu đều hình con bồ lao 2 đầu, 4 chân bám vào chuông, mặt ngoảnh về hai hướng, miệng ngậm ngọc, tuy rằng việc trang trí quai chuông ở các chùa khác nhau trong quận cũng có chút khác biệt, có nơi trang trí bằng cạp bồ lao lớn, nơi nhỏ, có con có vẻ hiền dịu mềm mại nhưng cũng có con hình thù dữ dằn hơn. Riêng con bồ lao trên quai chuông chùa Bồ Đề Thiền Viện có vẻ to nhất, ngoài ra trên đấu lưng của con bồ lao có trang trí thêm trụ hình hoa sen trong Phật giáo.
*Về thân chuông
            Hầu hết chuông trên địa bàn quận Liên Chiểu đều trang trí hoa văn và bố trí văn tự giống nhau, duy chỉ có chuông chùa Đà Sơn có khác một chút về cách bố trí trên thân chuông.
            Phía trên cùng gần quai chuông thường là đường diềm chạy quanh chừng 5 – 7cm, được trang trí khác nhau, có chuông khắc hình bánh xe pháp luân như chuông chùa Bồ Đề Thiền Viện; chuông để trống như chuông chùa Nam Thành, chuông chùa Đà Sơn, chuông chùa Nam Hải; chuông trang trí hoa sen như chuông chùa Minh Phước; chuông trang trí lá bồ đề như chuông chùa Ba Sơn; chuông khắc chữ như chuông chùa Nam Hải, chuông chùa Tịnh Quang, chuông chùa Kim Quang, chuông chùa Quang Minh. Tiếp xuống cũng là một đường diềm trang trí hoa văn, thường thì người ta khắc hình hoa sen hay lá bồ đề biểu trưng cho Phật giáo.
            Phía giữa thân chuông chính là phần chính, hầu hết các chuông đều chia thành 8 ô lớn, 4 ô trên và 4 ô dưới. Để tiện cho việc miêu tả chúng tôi tạm gọi 4 ô phía trên là A1, A2, A3, A4 và 4 ô  phía dưới là B1, B2, B3, B4. Riêng chuông chùa Đà Sơn chỉ gồm 4 ô chính (đây cũng chính là nét cá biệt để nhận dạng chuông chùa thời Nguyễn và thời tiền Nguyễn).
            Các ô ở vị trí A1, A2, A3, A4 các chuông chùa thường dành để khắc 4 chữ Hán lớn về chuông chùa của mình như: Kim Quang Tự Chung, Bồ Đề Thiền Viện… Còn với các ô B1, B2, B3, B4 các chuông thường khắc những bài minh văn bằng chữ Hán, đôi khi có cả chữ Phạn hay chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Và ở giữa các ô lớn thường là một đường chỉ nổi chạy quanh thân chuông rộng chừng 10cm khắc hình bình bầu trong đồ Bát bửu hay hình chữ Vạn trong Phật giáo.
            Phía dưới gần miệng chuông thường được trang trí bằng những dải hoa văn hình hoa cúc dây – biểu trưng của sự trường tồn và tuổi thọ.
*Về núm chuông
            Hầu hết tất cả các chuông trên địa bàn quận Liên Chiểu đều có 4 núm,  4 núm chuông tương ứng với 4 mặt Đông - Tây - Nam - Bắc, và cũng được quy định cách đánh của 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, mùa nào đánh vào núm chuông quy định của mùa đó, núm chuông được chạm dạng hình mặt trời. Duy chỉ có núm chuông chùa Quang Minh được chạm bằng hình vòng thái cực lưỡng nghi âm – dương. Và cũng chỉ có chuông chùa Đà Sơn là duy nhất có tới 8 núm chuông, ngoài 4 núm chính dùng để đánh chuông thì còn có thêm 4 núm nhỏ bên trên cũng có thể chỉ làm họa tiết trang trí thêm cho chuông ngôi chùa này.
            Xung quanh 4 núm chuông là mô típ trang trí phổ biến: “lưỡng long triều nhật”, hình ảnh của hai con rồng chầu mặt trời lửa (biểu tượng của núm chuông). Ngoài ra, còn phổ biến với hình chạm tứ linh “long – lân – quy – phụng vây quanh mặt trời”, tứ linh trong tâm thức người Việt cổ mang sự giàu sang, phú quý, phúc thọ. Long thể hiện sự nhanh nhẹn, uyển chuyển; Ly mạnh mẽ, kiên định; Quy biểu trưng cho lâu dài, trường tồn; Phụng là sự giàu sang, phú quý. Hình ảnh rồng, rùa, phượng, lân chạm với mây, gió uyển chuyển nhẹ nhàng, hư ảo tinh tế và đẹp mắt nhưng tạo khí thiêng từ những con vật linh thiêng này. Riêng chuông chùa Nam Hải, đường hoa văn dưới cùng gần miệng chuông là 8 biểu tượng của Bát quái: Càn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, Chấn, Ly, Đoài. Vừa có ý nghĩa chỉ 8 phương hướng, vừa bao hàm tổng thể cả vũ trụ.
*Về miệng chuông
            Miệng chuông trên tất cả chuông chùa trên địa bàn quận Liên Chiểu đều đúc loe ra. Cách trang trí hoa văn có khác nhau, có chuông thì trang trí cầu kì, có chuông thì trang trí đơn giản, nhưng lại có chuông bỏ trống, không trang trí.
            Một số mô típ chủ yếu được trang trí như: hình vân mây, hình sóng nước hay hình hoa sen. Với miệng chuông chùa Đà Sơn, Kim Quang, Quang Minh người đúc sử dụng họa tiết hình hoa sen. Hoa sen là loài hoa biểu trưng của Phật giáo, loài hoa mọc lên từ bùn mà sắc hương thanh tao, bất nhiễm, sạch sẽ, đẹp dịu dàng và cũng là nơi khi Phật sinh ra, 7 bước đi của Ngài trên 7 bông sen. Đó là hình ảnh thiêng liêng của Phật giáo. Trên miệng chuông chùa Hải Vân Sơn, Tịnh Quang, Bồ Đề Thiền Viện là đường diềm hình vân mây và sóng nước, dáng to khỏe, nối tiếp nhau xung quanh miệng chuông, tạo thế chắc chắn cho miệng chuông, vừa mang tính thẩm mỹ nhưng vừa mang ý nghĩa luân hồi của con người, hết kiếp này cho tới kiếp khác nối tiếp nhau. Còn với chùa Minh Phước, Nam Thành, Ba Sơn, Nam Hải ưa lối đơn giản, không cầu kì, bỏ trống, không trang trí gì cả.

3. Văn tự và nội dung văn chuông
            Trải hàng ngàn năm lịch sử, người Việt Nam đã sử dụng chữ Hán và chữ Nôm để sáng tác trước thuật, để ghi chép các công văn, tài liệu và khắc trên bia đá, chuông đồng, biển gỗ, v.v.. và cùng nhiều loại tư liệu thành văn khác, ngày nay chúng ta gọi chung là di sản Hán Nôm.
            Văn khắc là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa thành văn nói chung và di sản Hán Nôm nói riêng, là hiện tượng văn hoá được nảy sinh từ đời sống xã hội, là nét đặc thù và là một trong những hình thức thông tin thời kỳ cổ đại và trung cổ. Văn khắc xuất hiện từ khá sớm, truyền thống sáng tạo văn khắc ở các nước sử dụng chữ tượng hình (chữ khối vuông) bắt đầu từ Trung Quốc, sau đó được lan truyền sang các nước như Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Văn tự khắc trên thân chuông là nguồn sử liệu quan trọng, thường mỗi quả chuông chùa có những bài văn khắc mà nội dung đôi khi không nhất thiết chỉ để thuyết giảng Phật pháp. Nó còn là một tác phẩm văn học và là một nguồn sử liệu quý giá.
            Quận Liên Chiểu có tổng cộng 10 chiếc Đại hồng chung tại mười chùa khác nhau. Xét về mặt giá trị, có thể nói chuông chùa Đà Sơn mang trên mình nhiều giá trị nhất, không chỉ có giá trị về lịch sử mà văn tự Hán Nôm được khắc trên thân chuông là nguồn tài liệu vô cùng quý giá. Tuy vậy, 10 chiếc Đại Hồng chung nhưng chiếc nào cũng có những bài văn minh bằng chữ Hán cả, đôi khi có chữ Phạn và chữ Nôm. Mỗi bài văn chuông mang một ý nghĩa riêng, tạo giá trị riêng cho từng chiếc chuông, Nhờ đó mà các nhà nghiên cứu có thể thẩm định được niên đại đúc chuông, hay những thông tin khác liên quan tới ngôi chùa và chiếc chuông đó. Để rõ hơn cho công trình nghiên cứu của mình, chúng tôi trình bày nguyên văn từng văn tự khắc trên từng quả chuông trên địa bàn quận Liên Chiểu, có thêm phần phiên âm, dịch nghĩa và phụ chú.
            Từ những văn tự khắc trên chuông chùa trên địa bàn quận Liên Chiểu để thấy, đó chính là những cứ liệu lịch sử chính xác nhất liên quan tới chiếc chuông hay ngôi chùa mà có chiếc chuông đó.
            Về nội dung minh văn trên thân chuông chùa quận Liên Chiểu, nhìn chung, so với các quận huyện khác trong thành phố Đà Nẵng cũng như trên cả nước có phần đơn giản. Tính trong số mười chiếc chuông trong quận thì chỉ duy nhất chuông chùa Đà Sơn nội dung khắc trên thân chuông là đầy đủ hơn cả. Nhìn vào nội dung minh văn được trình bày phần trên, chúng ta thấy đa phần chuông trên địa bàn quận Liên Chiểu đều có khắc bài “Minh chung” và “Văn chung”, năm đúc chuông, ngoài ra có thêm 4 chữ Hán cỡ lớn thể hiện triết lý Phật pháp hay mang tên chuông và chùa đó: Pháp luân thường chuyển, Ba Sơn tự chung, Bồ Đề Thiền Viện… riêng chùa Nam Hải có thêm biểu tượng của Bát quái, chuông chùa Đà Sơn khắc rõ nguồn gốc xuất xứ, ý nghĩa tiếng chuông, cũng như cân nặng hay năm đúc chuông. Cũng bởi lý do đó mà duy nhất chuông chùa Đà Sơn được thành phố công nhận di sản văn hóa và cũng là chiếc chuông có giá trị nhất thành phố Đà Nẵng.
            Văn tự khắc trên chuông gồm nhiều loại chữ viết, đa phần là chữ Hán, có một số chuông khắc thêm chữ Nôm như chuông chùa Minh Phước hay có chữ Phạn như chuông chùa Quang Minh hay chuông chùa Nam Hải.             Nhìn chung, tuy rằng số lượng văn tự khắc trên thân chuông chùa quận Liên Chiểu không nhiều nhưng với những gì chúng ta có được thì đó cũng là những sản phẩm văn hóa đáng quý của dân tộc, thể hiện trình độ văn minh khắc chữ trên đồng của dân tộc ta.
***
            Có thể nói, chuông chùa trên địa bàn quận Liên Chiểu tuy rằng không nhiều, văn tự khắc trên chuông còn ít so với những chiếc chuông khác trong thành phố và cả nước, nhưng không phải vì thế mà chuông chùa quận Liên Chiểu không mang giá trị gì cả. Cái quý giá mà nó có được chính là nét văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân quận Liên Chiểu, với những Tăng ni Phật tử, với những ai mộ đạo và tôn thờ Phật.
 


[1] Thành hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng, Kỉ yếu Đại hội Phật giáo quận Liên Chiểu khóa IV - nhiệm kì 2011 - 2016, tr.61.
[2] Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng (2012), Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, tr.92.
[3] Thích Hoàn Quan (2010), Nghi lễ và bách sự nhật dụng, Nxb. Đồng Nai, tr.87.

Không có nhận xét nào: