Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Điệu hò kéo lưới của cư dân miền biển Đà Nẵng


Văn Võ



Điệu hò kéo lưới
của cư dân miền biển Đà Nẵng


Vùng duyên hải Đà Nẵng, dọc theo bờ biển từ Nam Ô đến Thanh Khê, từ Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn có nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian khá đặc trưng của ngư dân như: Lễ hội Cầu Ngư, Hò chèo thuyền, Hò đua thuyền... trong đó điệu Hò kéo lưới (còn gọi là Hố giựt chì), rất gắn bó với cư dân miền biển Đà Nẵng từ xưa tới nay.

Trong dân gian miền biển Đà Nẵng có câu ca dao:

Ra đi sóng biển mịt mù
Trời cho lưới nặng, dô hò (ta) kéo lên

Câu hát này khắc họa tâm trạng của ngư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên biển cả, làm ăn vất vả, nhọc nhằn lênh đênh giữa biển cả mênh mông suốt ngày này qua tháng nọ, ra khơi mịt mù không biết thả lưới nơi nào dể bắt được nhiều cá, ngoài việc cầu mong cho may mắn, họ còn vận dụng kinh nghiệm nghề nghiệp để tìm luồng nước mà thả lưới bủa vây đánh bắt cá, tôm, cua, mực...
Ngày xưa vì điều kiện thuyền bè còn thô sơ, chưa hiện đại, nên chỉ đánh bắt gần bờ, thường thì họ lên thuyền ra đi vào buổi chiều, mang theo các ngư cụ chuyên dụng và chút ít lương thực, chuyến đi phải đối phó với nhiều thử thách gian lao giữa nghìn trùng sóng nước, mưa gió bão bùng, nhất là vùng biển Đà Nẵng hàng trăm năm nay, năm nào cũng có vài cơn bão ghé qua, thế nhưng vì cuộc mưu sinh của gia đình, những người cha, người anh phải ra khơi vào lộng, ở nhà chỉ là những phụ nữ chân yếu tay mềm, trót phó thác số phận cho người chồng ngư phủ với công việc rủi nhiều may ít, đến nỗi dân gian đã đúc kết nên câu ca dao chua xót:

“ Lấy chồng nghề ruộng em theo,
Chồng làm nghề biển hồn treo cột buồm ”

Vì vậy, những người vợ người mẹ ở nhà, ngày đêm luôn khấn nguyện cho người thân của mình khỏe mạnh, may mắn, vượt qua sóng to gió cả, mưa bão, giông tố để đem về tôm cá đầy thuyền.
Khi ra khơi, họ thường có nhiều thuyền bạn với các bạn chài đi cùng để hỗ trợ nhau, cùng thả lưới bao vây đàn cá, mỗi nhóm đánh bắt có 3,4 chiếc thuyền hoặc ít nhất 2 chiếc thuyền, mỗi chiếc có bạn chài nắm giữ một đầu lưới cùng kéo chèo vào bờ, vì lưới có buộc chì ở dưới đáy nên lưới nặng trĩu xuống sát đáy biển cạn, trong lòng lưới chứa đầy cá tôm, hải sản... cứ tiến dần vào bờ theo hình vòng cung nối hai chiếc thuyền.
Đến rạng sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng, người nhà của ngư dân cùng với bạn hàng cá kéo nhau ra bờ biển ngóng đợi thuyền về. Khi nhìn thấy thuyền nhấp nhô tiến vào từ ngoài khơi xa, người chủ lưới cất cao tiếng hò, báo hiệu cho những người đang ngồi trên bờ:
Hò hố...giàn nậu vô !
Nghe câu hò gọi, những người trong bờ nhanh nhẹn chạy nhanh ra mép biển, chuẩn bị đón thuyền vào và hát xô
Hò hỡi hò lơ
Trong số đó, có hai thanh niên khỏe mạnh, chạy vội ra biển, bơi nhanh đón 2 đầu dây mành lưới từ hai chiếc thuyền kéo vào bờ, bên trong lòng lưới cá tôm vùng vẫy nặng trĩu, tốp người tự chia làm hai hàng dọc, theo chân hai thanh niên chạy xuống biển, ngập người trong dòng nước mặn, hai tay nắm chặt dây mành vừa kéo lưới vừa hát xô nhịp nhàng.

Lúc này, lưới hãy còn ở xa bờ nên những người đón thuyền còn kể và xô trong nhịp điệu buông lơi, thong thả : Người kể hò mở đầu đầy khí thế : Hố hò lơ, ngay lập tức, người xô đáp lại : Là hò hỡi lơ.

Đoạn I
Kể :  Ra đi (mà) sóng biển
Xô:  Là hò hỡi lơ
Kể :  Sóng biển mịt mùng
Kể : Sóng biển mịt mùng
Xô : Là hò hỡi lơ
Xô:  Là hò hỡi lơ
Kể : Dô hò (ta) kéo lên
Xô:  Là hò hỡi lơ

Khi thuyền đã tiến vào gần bờ hơn thì tiết tấu kể và xô dồn dập hơn, khắc họa nhịp điệu khẩn trương hơn, chắc khỏe thôi thúc mọi người chuẩn bị đón mẻ lưới mới về, người kể cất giọng vào hò cao hơn : Hỡi lơ hò lơ, người xô cũng hưởng ứng mạnh mẻ hơn : Là hỡi hò lơ  ; người xô có thay đổi vị trí lời xô và chuyển lên âm vực cao hơn : Là hỡi hò lơ ( khác với đoạn I : Là hò hỡi lơ).

Đoạn II
Kể : Hỡi lơ hò lơ
Xô : Là hỡi hò  lơ
Kể : Ra đi( mà ) sóng biển
Xô : Là hỡi hò lơ
Kể : Sóng biển mịt mùng
Xô : Là hỡi hò  lơ
Kể : Trời cho ( mà) lưới nặng
Xô : Là hỡi hò lơ
Kể : Dô hò ta kéo lên
Xô : Là hỡi hò  lơ

Khi lưới sắp áp sát vào bờ, sóng xô mạnh hơn, thuyền và lưới trôi giạt bềnh bồng khó điều khiển, mọi người mạnh tay ra sức kéo lưới nhanh vào bờ lên cạn để tránh sóng nước đập vào làm cá nhảy ra ngoài. Lúc này người kể cất giọng như nói, thật dứt khoát, rõ ràn : Rị hố rị ! , Những người xô ngay lập tức hô to như khẳng định động tác : Hố rị ( Rị: tiếng Quảng nghĩa là níu kéo, giữ lại)
Vẫn với nội dung câu hát lục bát ban đầu, song lời kể đã được tách từng 2 từ một, hô lên thật dõng dạt và lời xô cũng chỉ có 2 từ :

Đoạn III
Kể : Ra đi                                            Xô: Hố rị
Kể : Sóng biển                                    Xô: Hố rị
Kể :  Mịt mù                                         Xô: Hố rị
Kể : Trời cho                           Xô: Hố rị
Kể : Lưới nặng                                    Xô: Hố rị
Kể : Dô hò                                           Xô: Hố rị
Kể : Kéo lên!                           Xô: Hố rị

Vào đoạn cuối thì cả hai hàng người đều chân chạy nhanh trên cát kéo lưới, tay nắm dây mành vừa kể và xô : Rị, rị, rị, rị, rị... tiếng rị cuối cùng kéo dài. Mọi người đều dồn hết sức lực nhanh chân kéo lưới lên cạn, ra khỏi mặt nước, cá bị mắc trong lưới quẩy đạp khó khăn nên không thể thoát ra ngoài, buộc phải phơi mình trên cát chờ chủ lưới cho phép bạn hàng cùng nhau hốt cá từ trong lưới ra chia phần để gánh đi bán ở các chợ gần xa, và có khi người nhà chủ lưới chọn cá ngon đem về nhà nấu nướng...
Nhìn chung, ngoài timnhs chất sôi nổi hào hứng thì đặc điểm thấy rõ là lời kể cả 3 đoạn trong điệu hò kéo lưới đều giống nhau về lời ca, tuy tiết tấu và số từ có khác nhau :
Ra đi sóng biển mịt mù
Trời cho lưới nặng, dô hò ( ta) kéo lên
   Trong khi đó lời xô ở mỗi đoạn đều nhất quán theo một dạng từ đầu đến cuối ( đoạn I : Là hò hỡi lơ, đoạn II :Là hỡi hò  lơ, đoạn III : Hố rị )
   Chính vì tính đơn giản trong cấu trúc cũng như lời ca mà làn điệu hò kéo lưới dễ hát, dễ nhớ đến nỗi hầu hết  dân chài đều thuộc lòng và khá phổ biến trong các buổi sinh hoạt hội hè trên khắp vùng biển này, cũng như được tái hiện khá sôi nỗi trong các chương trình văn nghệ có chủ đề về Biển  ở Đà Nẵng.

Không có nhận xét nào: