Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Trò chuyện quanh bộ bài chòi


Trương Đình Quang
 
 
Trò chuyện
quanh bộ bài chòi
 
 
   Bạch huê và nhứt nọc
   Trong dân gian, trò chơi bài chòi dùng bài tới [[1]], hay bài trùng [[2]]. Bộ bài gồm có 30 con bài nhiều loại, mỗi loại có 3 con trùng nhau. Tên và mặt mũi con bài trùng khá lạ. Có những tên như Nhứt nọc (Nọc thược), Nhì nghèo, Ông ầm, Tứ cẳng, Tám miểng, Sáu ghe,v.v...
   Con baigf được làm bằng hồ giấy pha vôi, chiều dài độ 6,7cm, chiều rộng độ 1,5cm. Mặt con bài khong ghi chữ như con tổ tôm, mà chỉ là những hình vẽ rất thô sơ, như lối văn tự tượng hình. Ví dụ: con bài Tám miểng (miểng có lẽ thổ ngữ có nghĩa là mảnh), vẽ 8 mảnh đen, xếp thành 2 cối đối mặt, con bài Ông ầm vẽ 1 cái mặt vằn vện, như mặt quỷ ngay ở giữa,...Ngày nay, có chữ Việt ở đầu con bài: Sáu tiền, rún, xơ, đấu, v.v...
   Đáng chú ý hơn cả là trong bộ, có 2 con bài Bạch huê (còn có tên là Liễu) và Nhứt nọc (còn có tên là Họ trò, Nhứt trò, Nọc thược).
   Con bài Bạch huê ở câu hô tuy dân dã, nhưng cũng pha chút văn chương bác học:
                        Hoa phi đào, phi cúc
                        Sắc phi lục, phi hồng
                        Trơ như đá, vững như đồng
                        Ai xô không nagx, gió lừng không xao
                        Mỉa mai cụm liễu, cửa đào
                        Ong vô muốn đậu, bướm vào muốn bu
                        Bốn mùa, xuân hạ đông thu
                        Khi búp, khji nở, khi xù, khi trương
                        Chúa xuân ngó thấy mỉm cười
                        Sắc hay vươn vấn mấy người tài danh
                        Có bông, có cuóng, không vành
                        Ở trong có nụ, bốn cành có tua
                        Nhà dân cho chí nhà vua
                        Ai ai có của, cũng mua để dành
                        Tử tôn do thử nhị sanh
                        Bạch huê mỹ hiệu, xin phành ra coi.
Có lúc thì liều lĩnh, trắng trợn:
                        Xu xoa chị bán mấy đồng
                        Chị ngồi chị để lộ cái mồng của chị ra
                        Con quạ hắn tưởng bánh đa
                        Hắn đớp một miếng, chị la hướ trời !
Anh hiệu kết thúc câu hô con bài: lá...l...
Câu hô con bài Nhứt nọc đứng đắn:
                        Đi đâu mang sách (trắp) đi hoài
                        Cử nhân chẳng thấy (mà) tú tài cũng không.
                                                                                    (Nhứt trò)
Có lúc lăng nhăng, ba xạo:
                        Con cu ăn lúa, ăn mè
                        Ăn chi của chị (mà) chị đè cu tôi.
                                                                                    (Nọc thược)
Có lúc, đố tục giảng thanh, xô bồ, cười cợt:
                        Năng cường, năng nhược
                        Năng khuất, năng sanh
                        Nó (là) vốn thiệt cục gân
                        Ngồi gần con gái, trân trân chẳng xìu.
                                                                                    (Nọc đượng)
   Anh hiệu kết thúc câu hô con bài: con...c...
   Có người nghiên cứu nghĩ đến yoni và linga, và (có thể là), một kiểu bài của dân tộc Chăm, ghi bằng văn tự hình tượng hay lối vẽ ước lệ của họ, và phản ánh tục thờ sinh thực khí.
 
   Mối quan hệ giữa bài tổ tôm với bài chòi (Từ đây, tôi dùng tên bài chòi thay cho các tên bài tới, bài trùng) [[3]]
   Có người nhận xét rằng, bộ bài chỏi bắt nguồn từ bài ttổ tôm. Căn cứ của ý nghĩ ấy, là hiện tượng các con bài trong bộ bài chòi, cũng có đủ từ 1 đến 9, có những tên gọi nhứt, nhì, tam, tứ v.v,..., và có thể xếp theo như các pho văn, vạn, sách của tổ tôm, mà có thể là chứng minh cho sự “nho hóa” bài chòi, có thể do tình hình nho hóa của ngữ vựng và dụng tâm tham khảo tổ tôm, để chỉnh lý bài chòi của các nhà nho bình dân chăng?
   Thử so sánh pho sách của tổ tôm và pho mà nhiều người cho là tương ứng bài chòi. Tổ tôm có Nhất sách, Nhị sách, Tam sách, Tứ sách, Ngũ sách, Lục sách, Thất sách, Bát sách, Cửu sách. Bài chòi có Nhứt nọc, Nhì nghèo, Ba gà, Tứ tượng, Ngũ nhặt, Sáu bường, Bảy thưa, Tám nức, Cửu điều.
   Thật khó mà nghĩ rằng, những con bài Nhứt nọc, Nhì nghèo, Ba gà v.v...lộn xộn đủ tứ ấy lại có thể là sự “dân gian hóa” những con “sách” rất chặt chẽ trên kia. Ở pho văn, pho vạn, cũng có tình trạng như thế. Do nguyên nhân gì, mà con “chi chi” của tổ tôm lại biến thành con “bạch huê” của bài chòi. Như thế, có lẽ, ta nên nghĩ đến một quá trình nho hóa của bài chòi hơn là quá trình dân gian hóa tổ tôm. Sự biến chuyển của bài chòi đến gần tổ tôm, cũng có thể do sự giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Chiêm Thành từ xa xưa. Có hiện tượng gọi một số con bài tổ tôm theo tên bài chòi như Cửu vạn  Chùa, Bát vạnBát bồng v.v...; nhưng tuyệt nhiên, không hề có hiện tượng gọi những con bài chòi bằng tên bài tổ tôm. Và, cách xếp bài chòi theo 3 hàng văn, vạn, sách như tổ tôm có ở Quảng Nam lại rất ít thấy ở Bình Định. Và, cách xếp ấy, cũng chỉ xảy ra trong cách chơi của tầng lớp trên, chứ không thấy trong dân gian. Điều ấy cũng góp thêm chứng minh cho luận điểm “bài chòi bị nho hóa” và góp phần “xét lại” luận điểm “bài tổ tôm được dân gian hóa”.


[1] Trò chơi bài chòi, Huỳnh Đình Kết, Văn hóa dân gian Thừa Thiên – Huế, tháng 11/1995, tr. 91.
[2] Hội bài chòi ở Quảng Bình, Nguyễn Tú, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 1/2006, Hội VNDGVN, Tr.120. Lịch sử ca kịch và âm nhạc bài chòi, Hoàng Lê, Sở VHTT tỉnh Bình Định.
[3] Vào dịp trao đổi ý kiến về bài chòi với Mịch Quang, nhà nghiên cứu văn hóa và kịch hát dân tộc.

Không có nhận xét nào: