Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Hò trên sông nước


Văn Thu Bích


Hò trên sông nước
xứ Quảng


   Vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng, trải dài từ Nam Ô đến Thanh Khê, từ Sơn Trà đến cửa Đại, Chu Lai, Kỳ Hà... có những vịnh lớn nhỏ rãi rác dọc theo bờ biển. Các con sông từ thượng nguồn chia thành nhiều nhánh, chảy xuôi về hợp thành những dòng sông lớn chảy ra biển cả, như : Sông Trường Định, sông Túy Loan, sông Hàn, sông Yên, sông Tiên, sông Trường Giang, sông Thu Bồn. Các cửa sông là nơi tụ họp chợ búa, trên bến dưới thuyền, tấp nập vào ra, xuôi ngược, kẻ mua người bán đủ các thứ lâm thủy sản, thổ sản, cá mắm từ các nơi khác chở tới để cùng trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền. Nhiều làn điệu hò sông nước xứ Quảng cũng được ra đời từ nơi đây và còn vang vọng cho đến ngày nay :

                        Ai về nhắn với bạn nguồn
            Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên

   Những câu hò trên sông nước xứ Quảng gồm có Hò chèo thuyền đò dọc, Hò chèo thuyền trên sông lớn, Hò trên chuyến đò ngang, Hò đua ghe.

  Hò chèo thuyền đò dọc, Hò chèo thuyền trên sông lớn có giai điệu đằm thắm, mượt mà, khoan thai, ngân vang trữ tình, thấm đẫm hơi thở của hương đồng gió nội, sông nước hữu tình, thấm đượm ngữ điệu thô tháp, mộc mạc khá đặc trưng của xứ Quảng, của bà con nông thôn chân chất...tất cả được hiện rõ qua các điệu hò chèo thuyền đối đáp qua lại giữa các đôi trai gái trên những chuyến thuyền hàng ngược xuôi theo dòng Trừơng Giang, Thu Bồn hoặc trên sông nước Hàn Giang, Trường Định..

   Làn điệu hò chèo thuyền đò ngang xứ Quảng cũng thật trữ tình, thơ mộng, tiết tấu dàn trải thể hiện mái chèo lướt nhẹ trên dòng nước êm trôi chất chứa bao nỗi niềm của cô gái lái đò hằng ngày giữ vững tay lái, chèo thuyền đưa khách sang sông, đôi lúc buồn tình cô cũng tỏ bày cùng bạn tri âm qua những thanh âm ngân nga, từ câu hò thắm đượm ân tình:

            - Em chèo thuyền trên sông Cái, em ngó lại quê mình
            Chim trên cành còn đủ cặp, huống chi mình lẻ đôi
            Vì đâu mà đây với đó hai nơi
Chuyến đò ngang bằng chiếc đũa
Không một lời nhắn đưa
Cây đa bến cũ, con đò xưa.
Người thương có nghĩa thì nắng với mưa em vẫn chờ.
           
            Rồi đáp lại lời nhắn gửi thiết tha ấy, chàng trai xứ Quảng từng gắn bó với nghề sông nước cũng thốt lên câu hát thề nguyền, thể hiện tấm lòng nồng thắm thủy chung:

                        - À ơi !
                        Sông cạn lời nguyền không cạn
                        Núi lỡ, non mòn, nghiã bạn không quên
                        Sông sâu sớm xuống chiều lên
                        Dặn ai, ai nhớ đừng quên nghĩa tình!                                                                          Khoan hố hợi là hò khoan

            Trước đây, trên các dòng sông thuộc vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng thường diễn ra cuộc hò giữa hai nhóm thanh niên nam nữ khi chèo thuyền chở khách hoặc chở hàng ngược xuôi trên sông, tình cờ gặp nhau hò qua lại, đối đáp vui vẻ, có thể chèo thuyền chiếc trước, chiếc sau hoặc cùng đi song song. Có khi người hát không phải là người chèo mà là khách trên hai chiếc thuyền chia thành hai phe hát đối đáp với nhau. lối hát này rất được yêu thích và khá phổ biến trước đây.

Nữ :
À ơi!
Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng
Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!

Nam :
À ơi!
Thương cha nhớ mẹ thì thương
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng
            Khoan hố hợi là hò khoan

Làn điệu hò trên sông nước đôi khi chỉ với hai câu thơ lục bát, song thất lục bát, nhưng nội dung rất phong phú, thể hiện nỗi lòng của các cô gái chèo thuyền nơi thôn dã mộc mạc chân chất với lời chê trách những chàng trai ham mê nơi phố thị mà quên đi miền quê nghèo nàn có bao cô gái luôn thủy chung, hiền lành. Âm điệu buồn man mác của câu hò làm cho người nghe cảm nhận được tâm tư tình cảm thầm kín sâu sắc của cô gái quê.

Nữ:
Sông tôi chẳng có bóng thuyền
Mong gì hứng gió những miền biển khơi
Tủi lòng sông lắm thuyền ơi
Đừng chê thôn nhỏ ham nơi phố phường


NamÀ ơi!
            Lời nguyền dưới nước trên trăng
            Không ai thương nhớ cho bằng đôi ta
            Đường đi xa lắm ai ơi
            Nước non ngàn dặm, bể trời mênh mông
                        Khoan hố hợi là hò khoan

Riêng điệu hò đua ghe lại có hai làn diệu với hai loại tiết tấu tương phản nhau : Điệu hò mái lơi và hò mái nhặt.
Hò mái lơi được hát lên khi ghe mới rời bến, lúc này ghe lướt chậm với nhịp lơi nhẹ, các bạn chèo còn thư thả chuẩn bị vào cuộc đua ghe, giai điệu êm ả, tiết tấu khoan thai; còn điệu hò mái nhặt là hò khi ghe sắp tới đích, nhịp chèo mạnh mẽ hơn, tiết tấu dồn dập, sôi nổi hơn khắc họa khí thế thi đua và tính chất hào hứng của ngày hội đua ghe.
            Thời trước, khi hệ thống tàu bè chưa phát triển, thì vào những đêm trăng thanh gió mát, dọc theo hai bên triền sông, đan chen cùng những lũy tre xanh là những bãi dâu xanh biếc, những nương bắp bạt ngàn, ẩn hiện bên trong là những cây đa, bến nước, đậm đà sắc thái, phong vị quê hương. Trên các dòng sông êm ả những chiếc thuyền lặng lẽ ngược xuôi, lên xuống, đi về qua các vùng miền của đất nước. Giữa không gian thơ mộng đó, biết bao bạn chèo và khách quá gaing tức cảnh sinh tình, cất lên giọng hò ngân vang trên sông nước, đối đáp qua lại giúp bạn chèo quên đi mệt nhọc và tỉnh táo, vượt qua cơn buồn ngủ, gắng sức đưa thuyền lướt sóng trên dòng nước mênh mông.
Khác với các điệu hò trên cạn ở xứ Quảng có tính chất hào hứng, dứt khoát, giai diệu đơn giản dễ hát dễ nhớ, thiên về tiết tấu, khắc họa đậm nét nhịp điệu lao động, tạo thêm sự hứng khởi, phấn chấn cho người tham gia lao động như hò ba lý, hò giã gạo, hò giã vôi, hò đạp chè... thì phần lớn làn điệu của các điệu hò khoan trên sông nước lại mang tính chất trữ tình, man mác, tiết tấu khoan thai theo nhịp điệu êm ả của dòng nước chảy xuôi, của tiếng sóng lăn tăn vỗ nhẹ mạn thuyền.
Những điệu hò trên sông nước của miền đất này đã có từ thời xa xưa. Mặc cho đất trời, thời gian có những đổi thay, song nét đẹp dung dị, sâu sắc của thể loại âm nhạc dân gian này vẫn còn sống mãi trong ký ức người dân xứ Quảng và còn được lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay.

Không có nhận xét nào: