Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Giao thoa văn hóa Việt - Chăm nhìn từ ca dao


Võ  Văn  Hòe

Giao thoa văn hóa Việt - Chăm
nhìn từ ca dao


            Theo Dương Quảng Hàm trong “Việt Nam văn học sử yếu”, định nghĩa: ca dao (ca: hát; dao: bài hát không có chương khúc) là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình, phong tục của người bình dân. Bởi thế ca dao cũng gọi là phong dao (phong: phong tục) nữa.
            Ca dao, theo “Từ điền Tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ do Hoàng Phê chủ biên, định nghĩa ca dao là: 1. Thơ ca dân gian truyền miệng dưới hình thức những câu hát, không theo một điệu nhất định, 2. Thể loại văn vần, thường làm theo thể lục bát, có hình thức giống như ca dao cổ truyền [[1]]

            Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” [[2]], cho rằng ca dao còn gọi là phong dao. Ca là bài hát có điệu khúc, dao là bài hát không có điệu khúc.
            Trong tác phẩm “Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố Chăm”, tác giả Inrasara khảo luận về ca dao người Chăm, không đưa ra định nghĩa về ca dao người Chăm mà giải thích thuật ngữ ca dao: “Minh định ngữ nghĩa của thuật ngữ văn học Chăm và đối chiếu với thuật ngữ tiếng Việt là một điều khó khăn nhưng cần thiết. Khó khăn vì đây là một việc làm hoàn toàn mới mẻ trong khi tư liệu công cụ lại thiếu thốn. Cần thiết vì chẳng những nó giúp cho người đọc có căn bản tiếng phổ thông tìm được từ tiếng Chăm tương ứng mà còn giúp chúng ta một số tiêu chí để phân định các chủng loại văn học Chăm nói chung, và văn học dân gian Chăm nói riêng”. [[3]] Tuy nhiên, sau đó ở phần trình bày về ca dao, tác giả Inrasara phát biểu, rằng: “Nội dung thế sự trong ca dao Chăm bao gồm những nhận định về sinh hoạt thường ngày, về cảnh trí thiên nhiên và về cuộc sống nói chung. Nhiều câu ca dao Chăm còn nói lên được những tình cảm quan trọng giữa người với người” (in nghiêng do V.V.H. nhấn mạnh). Theo đó, ta có thể thấy sinh hoạt thường ngày chính là phong tục, tập quán, là thói quen thường ngày của con người trong sinh hoạt gia đình, làng xóm, xã hội, còn tình cảm trong quan hệ giữa người với người chính là tính tình của người bình dân. Theo quan niệm đó, xét ra ca dao người Việt và người Chăm có sự giao thoa tương đồng, tiếp biến nhau trong quá trình giao lưu, cho - nhận và phát triển.
            Từ những nhận định trên, chúng tôi khảo sát 42 đơn vị ca dao trong tác phẩm “Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố” của tác giả Inrasara (Sđd) và 10 câu ca dao Chăm trong tác phẩm “Nếp sống cổ truyền người Chăm, huyện Vân Canh tỉnh Bình Định” của tác giả Nguyễn Xuân Nhân, Đoàn Văn Téo [[4]], đối chiếu với 2.763 đơn vị ca dao trong tác phẩm “Ca dao, dân ca đất Quảng” [[5]], 80 đơn vị ca dao người Việt miền Trung về chiếc nón trong tác phẩm “Một số nghề, làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực vùng đất Khánh Hòa”[[6]], có thể nói rằng về thể ca dao lục bát của người Việt có ảnh hưởng, tiếp biến sang thơ lục bát, ca dao, trường ca/ariya người Chăm, thảng vẫn có trường hợp một tác phẩm không giao thoa nhau cả vần và nhịp điệu theo đặc trưng thể loại ca dao lục bát. Qua khảo sát cho thấy, ca dao người Việt miền Trung và người Chăm thường giao thoa, tiếp biến nhau trên cơ sở sự biến thể của thể loại. Trường hợp khảo sát trường ca Hbia tà lúi – kalipu của người Chăm ở Phú Yên với ca dao người Việt miền Trung cho thấy điều đó. Đấy là những ca dao lục bát biến thể, câu dài ngắn không giống nhau, gieo vần không theo luật định, về phân phối nhịp điệu có nhịp chẵn 2/2, nhưng cũng có chen xen nhịp 3/3.
Sau đây là bài ca dao biến thể của người Việt miền Trung:
            - Con nhà ai/ nho nhỏ/ mà to gan
            Thấy người ta/ đi lính mộ/ cũng xuống Hàn/ ký tên [[7]]
            Về nhà/ con khóc/ vợ rên
            Hương trên/xã dưới/ bốn bên/ xì xèo
            Vịn vai chàng/ nước mắt /chảy xuôi
            Ai làm/ nên nỗi/ đôi đứa tui/ thế này
            Bước chân/ xuống bến/ tàu Tây
            Chân tròi/ góc bể /biết rày /còn gặp không
            Dậm chân /đấm ngực /kêu trời
            Vợ chồng /gần gũi/ chưa mấy năm trời/ lại xa
            Xứ người/ đất lạ /xông pha
            Cái đời/ lính mộ/ khổ là /biết bao ![8]
Bài ca dao biến thể của người Chăm:
            - Mắm chẳng có/ trong chai
            Chân mang giày/, ta đi/ xuống ph
            Gạo chẳng có/ trong khương
            Mặc váy ngang/, ăn hàng/ giữa ch
            Cá chẳng có/ trong xoong
            Sớ mít thơm/ giấu nơi/ kẹt cửa.[[9]]
            Khảo sát thể ca dao người Việt miền Trung và ca dao người Chăm, cho thấy: về luật 6/8 của ca dao Việt, là:
                                    Câu 6 : b   b   t   t   b   b
                                    Câu 8 : b   b   t   t   b   b   t   b
            (Chữ nghiêng không nhất thiết phải theo đúng luật. Câu ca dao/lục bát người Việt tuân thủ theo luật: nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh).
            Chúng tôi khảo sát, đối chiếu 52 đơn vị ca dao trong hai tác phẩm đơn vị ca dao của người Việt miền Trung và người Chăm nêu trên, có thể rút ra nhận xét sau:
- Ca dao người Chăm không ảnh hưởng cách gieo vần như ca dao người Việt mà phương thức gieo vần như Nghiêm Thẩm đã nhận xét trong Tạp chí nguyệt san Quê Hương (số tháng 6–1962) và mười năm sau đó, nhạc sỹ Phạm Duy đã khảo sát trong sách “Đặc khảo về dân nhạc Việt Nam” xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn cũng đưa ra nhận xét như Nghiêm Thẩm: âm thứ sáu câu sáu vần với âm thứ câu tám, tức lục bát Chăm gieo vần lưng, chữ thứ sáu dòng lục hiệp với chữ thứ tư dòng bát. Chẳng hạn:
                        - Ciim đơm di dhan kluw pluh,
                        Ciim nau mưsuh klak dhan mưjwa. [[10]]

                        - Thei mai mưng deh theo o
                        Drơh phik kơu lo yaum sa urang
                        Ai đến từ đằng kia xa
                        Giồng người yêu ta riêng chỉ một người.
                                                            (Panwơc Paddit – ca dao)
            Điều này cũng đễ nhận thấy qua khảo sát ca dao người Việt, hiện tượng tương đồng này xuất hiện trong ca dao Việt:
                        Trèo lên cây bưởi hái hoa
                        Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
                                                            (ca dao)
            Nhưng khi chuyển ngữ sang lời ăn tiếng nói người Việt miền Trung thì lại tiếp nhận luật của ca dao lục bát người Việt, tuy nhiên cũng như người Việt miền Trung, chỉ chú trọng chữ thứ sáu mà thôi, còn các chữ ở vị trí nhất, tam, ngũ phối trí thanh tự do theo thao tác kết hợp:
                        (- Băm con chim/ đậu trên cành,
                        Chim đi /chiến đấu/ bỏ cành/ vắng hoang).[[11]]
            Và:
                        Cơk glaung glai cơng mưng nak,
                        Kuw maung mai wơk o bboh dhan phun.
                        (- Núi cao/ rừng lá /che ngang,
                        Ngoái nhìn /nào thấy/ bóng làng /ta đâu.)
            Hoặc:
                        - Thei thuw ka tian kuw lipa,
                        Nhjơm par di ia mưng thuw ka tian.
                        (-Lòng ta/ ai có/ thấu chăng,
                              b    b   b    t     t         b
                        Bèo dưới sông /mới hiểu /tâm tình này.) [[12]]
                           b     t       b       t       t        b     b     b
            - Câu chuyển ngữ trên là một biến thể [[13]] của ca dao lục bát mà ta thường gặp trong kho tàng ca dao người Việt miền Trung. Ca dao người Chăm và người Việt miền Trung thường gặp nhau trong lối ca dao biến thể này, đặc biệt trong ariya Bini Cam. Chẳng hạn sự biến thể như sau đây có thể tìm thấy rất nhiều trong kho tàng ca dao người Việt miền Trung và của người Chăm:
Của người Việt:
-Tay anh cầm/ cần câu trúc,/ lưỡi câu thau
 Muốn câu/ con cá biển/ chớ con cá đồng/ thiếu chi. 
- Đứng bên ni/ sông Hàn
Ngó qua bên tê /Hà Thân/ nước xanh/ như tàu lá
Đứng bên ni /Hà Thân
Ngó qua/ bên tê Hàn/ phố xá/ nghênh ngang
Từ ngày/ Tây lại/ Sứ sang
Đào sông/ Câu Nhí, /bòn vàng /Bồng Miêu
Dăn tấm lòng/ ai dỗ/ em đừng xiêu
Gắng công/ nuôi phụ mẫu /sớm chiều/ có ta ! [[14]]
Của người Chăm:
- Chăm – Bà ni /đâu xa
Cùng màu da, /cùng lòng máu
Chăm – Bà ni/ đâu khó
Cát lồi /chung hạt,/ nước chung nồi
Chăm lấy Bàni /được thôi
Ai rằng/ chẳng được /tội người /ấy mang.
...
- Lân Đất Cày toàn là pday chơ
Hmau jieh kagân ploh jieh chơtroh lô
Xoh hmau halươi ngăh lân nil
Chăm H’roi aĩh ngăh bưng lân nil
Chontrah thoah kah jieh kagân
Chuh, choh xưng lân soi aphuh
Hmau lân soi nà, pla kơtor aphươi
Kơtor, aphươi chăh chơ kôh êm
Kơtoi, aphơi lô chơkah bưng ploh
Ani, xoh lo mơpa tưng. [[15]]
Chuyển ngữ:
Vùng Đất Cày/ toàn rừng núi
Có sông/ Hà Thanh/ và nhiều/ khe suối
Chưa có ai/ khai phá/ đất cày
Người Chăm/ H’roi/ khai phá/ đất này
Phát dọn cây/ hai bên bờ/ sông Hà Thanh
Đốt, cuốc đất thành soi nà rộng lớn
Có đất thục rồi ta trồng bắp, mì
Báp, mì mọc lên tốt tươi
Bắp, mì thu hoạch ăn uống dư thừa
Bây giờ không sợ đói nữa.
- Pơlông Đất Cày – Vân Canh ari a ni
Pơđêh a nghinh thu lân
Chơai nao chơma lum pga kơjău boh ngon
Tum thun nao lơkao
Mơnih ađău đoh lum lân
Ơi ! Puchơ ra, pu chơ đăm
Dù naopơkăh juôi
P’lây Chăm ađău đoh nhớ hoài.[[16]]
Chuyển ngữ :
            Đất Cày - Vân Canh ngày nay
            Vẫn nắng-gió và khô hanh
Anh qua bao vườn cây trái ngọt
Mấy trăm năm rồi
Những người xưa không mất
Người xưa lẫn vào đất
Ơi con gái, con trai
Dù có đi mãi đâu
Cũng nhớ hoài hồn làng.
- Aw juk danuk dalam
Tamư bhum Bicam Ppo Harim Mưh
Rang ngap banơk ga cơk
Kal tada cơk Ppo ngap bimong
Rang ngap banơk gania
Kal tada cơk Ppo rơp bomong
Mưkal Kalaung jwa đei
Rak ni hu palei Ppo Harim Mưh di cơk.[[17]]
Chuyển ngữ :
Áo đen, ôi lũng sâu
Vào đất Ma Lâm thăm Po Harim Mưk
Người đắp đập ngang núi
San sườn núi, Ngài dựng ngọn tháp
Người đắp đập ngang sông
Phả núi bằng, Ngài xây ngọn tháp
Xưa đất Kalong vắng lạnh
Hôm nay núi có Po Harim
Xưa đất Kalong hiu quạnh
Hôm nay núi có xóm thôn.
-Caik tian mưyut thei biai
Tamuh di hatai ai saung adei
Caik tian mưyut saung dei
Calah nau halei, hatai pađik ruw
Caik tian mưyut thei thuw
Rabbah lo than kuw, biak duh hatai
Sa bbơng mưyut saung ai
Ngap yuw gilai dơng krưk tathik
Kak tian kuw bbơng nhjơm phik
Cang ppo lingik jai mai wơk taum [[18]]
Chuyển ngữ:
Yêu nhau chẳng kẻ vẽ bày
Lòng ta chớm nở tình này mà thôi
Yêu nhau mong được chung đôi
Tình sao xa cách mãi cho người thêm đau
Yêu thương ai hiểu cho nhau
Khổ tâm ta với mối sầu tương tư
Yêu nhau biết mấy cho va
Lênh đênh biển sóng em như cánh buồm
Ăn rau đắng, nén nỗi lòng
Gió xô xum họp, chỉ còn mong ơn trời.
Của người Chăm
            Wơy ia tanưh lahơm lahơm
              1    2   3-4    5-6      7-8
            Mưng Bal Canar wơk nau Harơk Kah
              1       2     3-4      5     6     7-8      9
            Tanran riya glai glaung lawah
              1-2    3-4    5     6-7        8
            Than ia rabbah ke tawak takai nai
               1   2    3-4     5   6-7     8-9   10

            Ca dao biến thể như vậy rất tự do trong âm tiết.
Những câu ca dao có lối biến thể như trình bày trên được thể hiện trong lời ăn tiếng nói dân gian Việt – Chăm, chúng ta có thể thấy sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau về thể loại giữa ca dao người Việt miền Trung với ca dao người Chăm.  
Khi chuyển ngữ từ Chăm sang Việt, câu ca dao theo phương thức gieo vần của ca dao người Việt, nhưng thỉnh thoảng vẫn có một vài nghệ nhân dân gian gieo vần ở chữ thứ sáu câu sáu với chữ thứ tư câu tám, thế nhưng trong khi tuyệt đại đa số ca dao lục bát Việt hiệp vần ở chữ thứ sáu thì lục bát Chăm không hề thay đổi gieo vần lưng.
Nội dung phản ánh trong ca dao người Việt và người Chăm cũng có sự gặp nhau trong phản ảnh môi trường, điều kiện lao động sản xuất, trong tình yêu quê hương đất nước, trong quan hệ xóm làng, trong các sự kiện lịch sử tại địa phương, trong tình yêu lứa đôi,... Về nội dung như thế cho chúng ta ngày nay biết được rằng, người Việt miền Trung và người Chăm xưa kia đã có sự giao thoa, tiếp biến hình thức ca dao và cả nội dung phản ánh. Qua khảo sát ca dao Chăm, điều cho chúng ta biết được phương thức gieo vần của ca dao người Chăm không giống cách gieo vần của ca da người Việt. Điều chắc chắn rằng khi câu ca dao có niêm luật đúng là thể loại sáu tám thường tuân thủ theo: nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh từ đồng bằng Bắc bộ đi dần vào Nam đã có sự lệch đi so với phương thức gieo vần như bản thân mà nó vốn có. Đó là sự biến thể của ca dao lục bát nhằm phù hợp với cơ sở thực tiễn của người Việt miền Trung khi giao thoa với người Chăm, Co, Ve, Cờ tu,... bản địa. VVH.



[1] Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2006.
[2] Từ điển thuật ngữ văn học, Chủ biên: Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, NXB. GD, 1992.
[3] Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố Chăm, Inrasara, NXB. VHDT, 2006. Tr. 16.
[4] Nếp sống cổ truyền người Chăm, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, Hội VNDG Việt Nam, NXB. LĐ. 2011.
[5] Ca da dân ca đất Quảng, Hội VNDG Việt Nam, NXB. ĐH QGHN. 2010.
[6] Một số nghề, làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực vùng đất Khánh Hòa, Hội VNDG Việt Nam, NXB Lao động, 2011.
[7] Lính mộ: lính đánh thuê thời thuộc Pháp, được mộ sang Châu Âu tham gia chiến tranh thế giới.
[8] Trong Ca dao, dân ca đất Quảng, Hội VNDG. Việt Nam. NXB. ĐHQG. 2010. Tr. 152.
[9] Trong: Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố Chăm, Inrasara, NXB. VHDT. 2006. Tr. 21.
[10] Nguồn: Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, Inrasara, NXB VHDT, 2006. Tr 18.
[11] Nguồn: Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, Inrasara. Sđd.
[12] Nguồn: Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, Inrasara. Sđd.
[13] Biến thể là thể văn có biến đổi đi. Thể này cũng là thể lục bát, nhưng thỉnh thoảng có chen vào một ít câu mà cách hiệp vần và luật bằng trắc khác thể lục bát truyền thống. Thể biến thể này người Việt thường dùng để viết truyện Nôm khuyết danh: Phạm Công Cúc Hoa,…người Chăm giao thoa với thể biến này thể hiện phần nhiều trong các truyện arija/trường ca.
[14] Trong Ca dao, dân ca đất Quảng, Hội VNDG. Việt Nam. NXB. ĐHQG. 2010.
[15] Nguồn: Nếp sống cổ truyền người Chăm, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, Hội VNDG Việt Nam, NXB. LĐ. 2011.

[16] Nguồn: Nếp sống cổ truyền người Chăm, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, Hội VNDG Việt Nam, NXB. LĐ. 2011.

[17] Nguồn: Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, Inrasara. Sđd.

[18] Nguồn: Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, Inrasara. Sđd. 

Không có nhận xét nào: