Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội cầu ngư ở thành phố Đà Nẵng

Võ Văn Hòe

1. Vấn đề tên gọi
1.1.Căn cứ vào hình dạng [[1]]của đầu Cá Ông, ngư dân đã phân biệt ba loài Cá Ông chính: loại có đầu tròn gọi là Ông Chuông, Ngài Chuông; loại có đầu có mỏ dài như cá kìm gọi là Ông Kìm, Ngài Kìm và loại có kỳ cao trên lưng như cây phướn gọi là Ông Phướn, Ngài Phướn.
Do tín ngưỡng tâm linh về sự phù hộ của Thần, Phật, nên cộng đồng ngư dân làm nghề đánh cá biển thường gọi Cá Ông bằng nhiều danh xưng tôn kính khác nhau tùy theo các địa phương như Cá Ngài, Ông Nam Hải, Ông Lớn, Ông Cậu / cô, Ông Lộng, Ông Khơi, Ông Chuông, Ông Kìm, Ông Phướn, Ông Sứa v.v... và coi Cá Ông như một vị thần hộ mệnh giữa biển khơi đầy sóng gió và họ có nhiệm vụ thờ cúng khi Cá Ông lụy để đền ơn đáp nghĩa theo luật nhân quả của Nhà Phật và cầu mong Cá Ông phù hộ cho thuyền đánh cá của họ ra khơi vào lộng được an toàn và khi quay về tôm cá đầy ghe.
Theo kinh nghiệm của ngư dân, trong ba loài Cá Ông nói trên thì Ngài Chuông và Ngài Kìm được sùng bái hơn Ngài Phướn.
1.2. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thống nhất đưa ra tên gọi Lễ hội cầu ngư, thảng trên các phương tiện truyền thông còn gọi là Lễ hội cầu ngư vùng / miền biển.
Lễ hội cầu ngư, một cách gọi chung các thành tố nối tiếp nhau theo một trình tự nhất định diễn ra trong lễ hội: Lễ Nghinh Ông, Lễ cúng Tiền Hiền – cúng Thần linh, Lễ tế cá Ông – Lễ Cầu ngư và kết thúc bằng nghi lễ dân gian hát bả trạo, trong đó Lễ tế cá Ông là lễ chính.
1.3. Trong dân gian miền biển, cư dân sống bằng nghề đánh bắt cá, tôm, thường gọi là Lễ tế Ông, hoặc Lễ cúng Ông. [[2]]
Trong lễ tế Ông phần chủ yếu là xin ông cho đánh bắt được nhiều cá, tôm,…quan trọng là cầu xin Ông cho trời yên, biển lặng để ra khơi được an toàn.
2. Sự hình thành và nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cá Ông
2.1.Theo truyền thuyết
2.1.1.Thần thoại người Việt
Trong dân gian vùng duyên hải miền Trung đặt ra những câu chuyện thần kỳ về cá Ông để tìm đến sự tín ngưỡng, ổn định đức tin của họ khi thờ cúng. Truyện còn lưu truyền một truyền thuyết về cá voi như sau: "Cá Ông vốn là một trong muôn mảnh vải của chiếc áo cà sa của Phật Bà Quan Âm, được xé ra và ném xuống biển mà thành. Với bộ xương đặc biệt của mình, Cá Ông có phép "thâu đường" (rút ngắn quãng cách), do đó Phật Bà Quan Âm ban cho Cá Ông nhiệm vụ tìm cứu người mắc nạn giữa biển khơi". Miền Trung, khu vực từ Núi Hải Vân trở ra đến Thanh Hóa, lăng thờ cá Ông không nhiều tại các làng chài ven biển. Tại Diêm Phố (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa); Quảng Bình có lăng tại làng biển Cảnh Dương, Thuận An, Mỹ Lợi; tỉnh Thừa Thiên-Huế có lăng tại làng biển Cảnh Dương. Từ thành phố Đà Nẵng trở vào đến Bình Thuận – Ninh Thuận có nhiều lăng thờ cá Ông.
2.1.2. Thần thoại người Chăm
Thần thoại Chămpa có một truyền thuyết nói về sự tích Cá Ông với nhiều tình tiết hấp dẫn, nhưng kết thúc vẫn nhấn mạnh về việc Cá Ông cứu người trong bão táp giữa biển rộng bao la như một đặc tính tự nhiên hiếm có của loài sinh vật biển này.
Do đó, mỗi khi một làng vạn chài gặp Cá Ông bị chết trên biển hay trôi dạt vào bờ thì họ cho đó là một điềm may cho vạn chài của mình sẽ có những vụ đánh cá bội thu.
            - Các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian cho rằng cầu ngư là hình thức văn hoá tiếp biến từ văn hoá của người Chăm sang người Việt. Trong quá trình cộng cư tại vùng đất miền Trung Việt Nam không thể không có sự giao thoa văn hoá diễn ra giữa Việt – Chăm. Tìm thấy hình thức tổ chức loại lễ hội này và lăng/miễu thờ cá Ông/voi có tại vùng đất Quảng Bình vào đến Kiên Giang – Phú Quốc. Nghĩa địa cá Ông tại Quảng Nam được cho là nghĩa địa lớn nhất nước. [[3]]
- Họ cũng cho rằng Lễ hội Cầu ngư là một sự tiếp biến văn hóa Chămpa, xuất hiện giai đoạn đầu vào thế kỷ XI, đến giai đoạn sau từ thế kỷ thứ XV (1471) và dần về sau, khi người Việt đến định cư ở Đàng Trong của Đại Việt, nên lễ hội này chỉ có mặt từ Đèo Ngang của Trung Bộ cho đến Cà Mau, Phú Quốc của Nam Bộ. “Nếu tìm về cội nguồn của tục thờ này, chúng ta thấy rằng ngay từ đầu người Chăm đã xem cá voi như Hải Vương. Chính qua quá trình tiếp xúc với họ mà người Việt mới bắt đầu chú ý đến động vật có vú to lớn này.
Những nghiên cứu thực hiện với các bộ tộc Chăm, lúc bấy giờ đang còn cư trú ở vùng duyên hải giữa Phan Rang và Phan Rí làm chúng ta nghĩ rằng những nghi lễ của dân tộc thiểu số có nguồn gốc Mã Lai – Indonesian này đã có từ xa xưa. Theo truyền thống truyền khẩu Chămpa liên quan đến loài cá voi phi thường này thì chúng ta hãy lưu ý rằng rằng khởi thuỷ, người Chăm luôn thần thánh hoá những gì họ cho là cao quý. Cũng chính vì thế mà gỗ đại bàng [[4]], thứ gỗ mà những người Bồ Đào Nha đầu tiên đã mua rất đắt, là một vật trong một truyền thuyết giải thích cho gốc tích thần tiên của họ” [[5]].
Cộng đồng ngư dân vạn chài ven biển như trước kia người Chăm coi cá voi như một vị thần của biển khơi, vị thần bản mệnh có liên quan đến sự hưng thịnh của vạn chài, đến đời sống hàng ngày của ngư dân, nên họ gọi cá voi là cá Ông. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của ngư dân vạn chài đánh cá biển trong nửa thiên niên kỷ qua. Cho nên cư dân ven biển lập lăng thờ cá Ông gọi là Lăng Ông, hoặc Miễu Ông. Huyền thoại của ngư dân Chăm vùng Nam Trung bộ Việt Nam, kể rằng: “cá voi là hoá thân của vị thần Cha – Aih – Va. Thần, sau một thời gian khổ luyện pháp thuật, do nôn nóng trở về xứ sở nên đã cãi lời thầy, tự ý biến thành cá voi, ra sông lớn rồi ra biển. Vì vậy, thần đã bị trừng phạt, các thuỷ tộc hành hình bị hoá thành thiên nga,…Sau đó lại được làm thần tự xưng là Po Riyak Thần Sóng. Từ đó thần là ân nhân của người dân bị đắm thuyền trên biển. Cứ nghe các thuyền nhân kêu cứu, thần lại hoá thành cá voi lập tức tới cứu” [[6]]. “Ngày xưa, chàng Eh Wa, xuất thân từ giai cấp nông dân nghèo đã trải qua sự áp bức bóc lột của bọn cường hào ác bá, nên quyết chí bỏ làng ra đi tìm thầy học đạo, mong giải thoát dân làng khỏi cảnh lầm than cơ cực, bởi những thành phần bất nhân bất nghĩa.
Trước lúc ra đi, chàng nhìn quê hương lần cuối nước mắt dàn dụa rồi bôn ba qua xứ Ả Rập, được một thầy ở thành La Mã nhận làm đệ tử. Qua bao năm tháng quyết tân giùi mài kinh sử, chàng đã thành tài nhưng lúc nào cũng nghĩ đến quê hương, nỗi đau của dân làng luôn canh cánh trong lòng chàng như lửa đốt.
Một hôm, chàng quỳ lạy thầy bày tỏ nỗi lòng của mình cho thầy nghe và xin phép thầy cho chàng trở lại quê hương để tìm cách giúp đỡ những nỗi thống khổ của dân làng ở xứ Chămpa.
Thầy gieo quẻ bấm độn số biết đó là mệnh trời đã định và chưa đến hạn nên dù bôn ba cũng không qua thời vận, thầy nghĩ: “Thiên cơ bất khả lậu” nên không cho đi. Nếu để làm liều sẽ mang tội với ông trời và thầy cũng vạ lây.
Chàng Eh Wa, ngày đêm bứt xúc ăn không ngon, ngủ không yên. Vào một đêm trăng sao sáng tỏ, trời mây êm ả đã đưa giấc ngủ của thầy vào giấc ngủ thần tiên. Thừa lúc này chàng Eh Wa lén lấy tấm ván trên gác kết bè rồi quỳ lạy từ biệt thầy ba lạy, liền xuống bè vượt sóng về cố hương.
Thầy thức giấc thấy vắng chàng Eh Wa, nhìn trên gác thì thấy mất tấm ván biết chàng đã trốn về quê hương. Trong cơn thịnh nộ, thầy nguyền rủa:
- Những tên học trò phản bội thầy thì thành khỉ, thành vượn.
Riêng Eh Wa cãi lời thầy, muốn cãi cả mệnh trời nên phải chịu sự trừng phạt thê thảm. Ông rủa tiếp:
- Hỡi Eh Wa người cãi lời ta nếu ngươi đi đường bộ thì bị rắn cắn, cọp vồ mất xác, nếu ngươi đi qua cây bị cây đổ đè chết; nếu ngươi đi qua hang động sẽ bị sập vùi lấp thây người xuống hố sâu vực thẳm. Nếu người đi đường biển sẽ bị sóng dập, cá mập, cá xà ăn tươi, nuốt sống ngươi.
Lời nguyền rủa của thầy thật màu nhiệm. Eh Wa vượt biển gần đến đất liền bỗng nhiên trời nổi phong ba bão tố, sóng thần nổi lên cuồn cuộn như thác đổ, đánh vỡ tấm bè. Eh Wa bị cá mập nuốt sống, hương hồn của Eh Wa hòa nhập vào cá Voi để cứu độ ngư dân khi bị nạn đắm thuyền bè. Eh Wa chết vì sóng người Chăm gọi là Riyak, nên dân gian truyền tụng gọi là Po Riyak (Thần Sóng)”. [[7]]
Mặc dù Eh Wa chưa thực hiện được lý tưởng của mình nhưng tấm lòng cao cả của ông đồng bào  Chăm kính phục được ghi vào hệ thống nhân thần. Ngày nay, hằng năm vào tháng hai, ba (lịch Chăm) ở các làng Chăm Bà-la-môn và Bàni tổ chức lễ hội để ghi nhớ công đức và sự hy sinh cứu độ của ông.
Po Riyakkhông những người Chăm thờ mà cả ngư dân vùng biển người Việt cũng lập miếu thờ (gọi là thần Nam Hải), hằng năm thường tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao cứu mạng của ông.

Người Chăm còn nói rằng: “Khi Hải Vương bơi, tất cả các loài cá đều nhanh chóng hộ tống ngài. Nếu có người ném đá trên đường đi của vị Hải Vương đầy sức mạnh này, họ sẽ trả giá đắt. Những căn bệnh trầm trọng nhất và vô phương cứu chữa sẽ đổ ập xuống đầu họ. Vua cá Ông có thể thả trôi bồng bềnh trên mặt đại dương như một tảng bùn có màu vàng nếu nhìn từ xa. Khi bão nổi lên, vua cá Ông sẽ biến thành thiên nga và đứng ở cửa sông. Các thuỷ thủ cầu khấn ngài phù hộ sẽ được cứu sống còn kẻ báng bổ ngài sẽ bị nhấn chìm”…“Ngài đi tuần đêm sẽ cứu những chiếc tàu sắp chìm” [[8]]
2.1.Theo sự công nhận của các vua triều Nguyễn
   - Dưới thời Nhà Nguyễn, danh sĩ Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825), trong chương Thành Từ Chí của sách "Gia Định Thành Thông Chí" đã viết vào dầu thế kỷ XIX về việc Cá Ông cứu người: "... Những lúc ghe thuyền bị phong ba giữa biển thường thấy cá voi đi kèm thuyền cho khỏi nghiêng đắm, giữ gìn cho người được bình yên. Nếu thuyền bị rủi chìm, cá voi có thể vực người lên bờ. Triều đình có ban sắc phong là "Nam Hải Tướng Quân Ngọc Lân Tôn Thần" và ghi vào Điển Lễ Thờ Tự".
   - Sách "Đại Nam Nhất Thống Chí" của Triều Nguyễn cũng đã tôn vinh Cá Ông khi viết: "Đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước ra, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi và hai vây như đuôi tôm, tánh từ thiện hay cứu cho người khi mắc nạn trên biển. Đầu niên hiệu Minh Mạng (1820) vua đặt tên cho là "Nhân Ngư", đầu niên hiệu Tự Đức (1847) đổi tên là "Đức Ngư". Loại cá này trong Nam Hải thì linh còn ở biển khác thì không linh".
Ghi vào Điển lễ để thờ từ thời vua Gia Long đã xác nhận có sự quan tâm của chính quyền đương thời công nhận từ loài cá voi đến thần/Ông và cho phép người dân các làng chài ven biển thờ tự, cho biết rằng hình thức tín ngưỡng cá Ông trở nên cần thiết cho những người sống bằng nghề đi biển. Và từ đó lớp cư dân này lập lăng / dinh để thờ Ông. Lễ tế cá Ông từ đó dần xuất hiện có quy mô.
Cá Ông được các vua nhà Nguyễn phong thần hay cứu người gặp nạn trên biển:
- Thời Gia Long phong tước hiệu là: Nam Hải cự tộc Ngọc Long tôn thần.
- Thời Minh mạng không những tôn thành thần mà còn đánh giá vị thần này: Cá voi lâu nay hay cứu người trên biển, chuẩn định từ nay hễ có cá voi chết giạt vào các cửa biển thuộc Kinh kỳ thì phủ Thừa Thiên phải đem chôn, cấp cho một tấm vải, mười quan tiền. Vua bảo thị thần: "Cá Voi là giống cá biển to, tính hay cứu người nên gọi là nhân ngư. Còn những tên gọi Ngọc Lân hay Hải Long là tục truyền lầm. Chỉ lạ là người ở hải phận nước ta truyền nhau rằng cá ấy phần nhiều thiêng, còn biển nam từ Hà Tiên trở vào Nam, biển bắc từ Quảng Yên trở ra Bắc thì lại không thế,..."
- Thời Tự Đức, gia tặng cá Ông mỹ tự Từ Tế Linh Chương Trợ Tín trừng trạm chi thần. Từ thời Tự Đức, lễ tế cá Ông lụy được điển chế hóa như là một đại lễ, có khi còn vượt ra khỏi quy mô, ranh giới của làng xã. Sử sách từng ghi chép rằng năm Tự Đức thứ 31 (1878), phủ Thừa Thiên có tờ thư tấu trình về việc xin cấp tiền tuất cho cá voi chết, nhà vua châu phê: "Về sau, phàm như thế thì ban cấp ngay, không nên chờ chỉ để quá trễ".
- Thời Duy Tân, cá voi được phong đến Thượng đằng thần, với các mỹ tự: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân, gia rặng: Từ Tế Linh Chương Trợ Tín Trừng trạm Phu ứng Hộ Quốc Tỷ dân hoằng hợp Thượng đẳng thần [9].
Ở xứ Quảng (vùng đất Ngũ Quảng xưa), từ các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Bình cho đến các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi và vào đến Bình Thuận, các làng chài ven biển đều có tiến hành lễ tế cá Ông một lần trong năm mà điển hình nhất là ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Trong tiến trình nghi lễ, người Việt miền Trung đã Việt hoá hình thức nghi lễ theo cách của mình cho phù hợp. Đôi khi họ không còn nghĩ rằng cầu ngư chính là tiếp biến từ hình thức thờ cúng cá Ông của người Chăm sang người Việt miền Trung.
3. Đặc trưng của tín ngưỡng thờ cá Ông nói chung và lễ hội cầu ngư nói riêng ở Đà Nẵng
   3.1. Nói chung vùng miền
- Lễ hội Cầu ngư còn được gọi là Lễ Tế Cá Ông, là một loại hình lễ hội dân gian truyền thống của cư dân vạn chài ở ven biển miền Trung nước ta sinh sống bằng nghề đánh cá biển.
   - Vì vậy, ngư dân đánh cá biển nước ta nhận thấy Cá Ông dù có thân hình to lớn, nhưng hiền lành và không bao giờ làm hại người, ngược lại còn cứu mạng họ khi bị tai nạn đắm thuyền trên biển, nên được họ coi như một vị thần của biển cả, mà ngư dân xứ Quảng gọi theo sắc phong thần của các vua nhà Nguyễn, tôn vinh là "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần".
- Khi Cá Ông sống, ngư dân đánh cá biển xứ Quảng gọi là Ông Sanh, khi Cá Ông chết thì gọi là Ông Lụy. Khi còn sống, Cá Ông là ân nhân cứu sống sinh mạng của họ, những khi bão to gió lớn trên biển, khi Cá Ông lụy thì họ chịu tang như đối với người thân của mình. Theo chúng tôi, tại Quảng Bình có các làng chài ven biển: Cảnh Dương, Quy Đức, Lý Hoà, Bảo Ninh, Hải Ninh, Lệ Thuỷ, Phú Bình, lễ hội không theo quy trình như lễ hội tại Quảng Nam trở vào mà thường nhân ngày Quốc Khánh mồng 2 tháng 9, hoặc nhân các ngày lễ lớn trong năm mới tổ chức. Dân các làng biển Quảng Bình cầu ngư, cầu vũ thuận phong điều, cầu quốc thái dân an,…nghĩa là có sự tích hợp với nhiều loại tín ngưỡng, lễ tế, không riêng cho cầu ngư. Tuy nhiên làng Cảnh Dương thuộc tỉnh Quảng Bình, do đó các nhà nghiên cứu cho rằng vùng từ Quảng Bình trở vào hằng năm có lễ hội cầu ngư là chấp nhận được.
3.2. Nói riêng ở Đà Nẵng
- Tại Đà Nẵng, các làng chài ven biển lập lăng/miễu thờ Ông có bộ hài cốt cá Ông/voi. Điều này cho biết rằng đối với người sinh sống bằng nghề đánh cá tôm trên biển, hằng năm tổ chức lễ hội cầu ngư hoặc lễ tế cá ông những mong Ông giúp cho trời yên, biển lặng để được yên tấm lòng.[[10]]. Xưa kia, đây là vùng đất của cư dân tiền trú với văn hóa Sa Huỳnh, sau người Chăm đến, kế là người Việt đã tạo nên sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa Đông Sơn – Sa Huỳnh, theo đó, chúng tôi thống nhất, rằng lễ hội cầu ngư các làng chài ven biển duyên hải miền Trung, người Việt tiếp biến từ tục thờ cá Ông của người Chăm sau khi người Việt vào miền Trung sinh sống [[11]].“…Những người Việt có máu phiêu lưu khi di cư vào phương Nam tìm đất sống đã nhận thấy ở vùng đất thần bí này cả một nghi lễ kỳ lạ nhưng hấp dẫn mà họ phải tính đến bởi nó là một bộ phận trong đời sống của những bộ tộc gốc Mã Lai – Indonesian này. Trong tiến trình di dân tất yếu về phương Nam bắt đầu ngay từ giữa thế kỷ XI (1044), người Việt đã không hề ngần ngại tiếp nhận một số tín ngưỡng của các bộ tộc nơi đây, thậm chí còn kết hợp với các vị thần của mình, trong đó có cá Ông” [[12]].
            4. Vai trò của lễ hội cầu ngư trong đời sống ngư dân đương đại như thế nào ?
            Đến những năm đầu của thế kỷ XXI, lễ hội Cầu ngư / lễ tế cá Ông vẫn còn được tổ chức dọc theo ven biển Đà Nẵng. Hằng năm, qua lễ tế, cầu xin Ông giúp đỡ, độ trì cho trời yên biển lặng, ngư dân ra khơi không gặp hiểm nguy, ngày quay về cá tôm đầy ghe, cuộc sống người dân thơ thới hơn. Họ luôn giữ mình tâm niệm: "Mắt lệ rưng rưng chiêm ngưỡng hình hài, đầu tựa đầu voi, mình như dòng sông xanh trên biển. Vốn xưa nay nhân gian trăm họ đều mang ơn cứu tử khôn cùng, nay mới được tận mắt ngưỡng trông, luôn tụng niệm tạ đức thế sinh, đã khiến cho tai qua nạn khỏi, được bình yên trở lại quê hương. Ân sâu này như bể rộng núi cao, có lời nào nói sao cho hết, có cách nào báo đáp tề ngay. Cảm đức ân mà giọt lệ sầu cảm, ai nấy đều đau đáu xót thương. Từ sâu cõi lòng thành thực, có mấy lời tạm gọi điếu văn. Chốn miếu đài tịch duyệt trang nghiêm, lòng thành tâm kính dâng trà rượu, cầu mong Ngài hiển ứng cõi linh, luôn trì độ chúng dân sở tại. Xin nguyện thờ mãi mãi tôn linh cho chúng dân muôn đời tài lộc".
Lễ hội Cầu ngư kết thúc bằng nghi lễ hát múa bả trạo, có nghĩa là hát nắm mái chèo (bả: nắm chắc, trạo: mái chèo), có nơi gọi là nghi lễ xin hát trò bả trạo, có nơi gọi là nghi lễ xây chầu bả trạo. Hát múa bả trạo còn gọi là hát múa bạn chèo. [[13]]

. Về việc mở rộng quy mô, nâng cấp lễ hội cầu ngư lên cấp thành phố, động viên ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, bám trụ ngư trường biển truyền thống.
1. Những năm đầu thế kỷ XXI, thành phố Đà Nẵng có 4 loại hình lễ hội đang còn tổ chức tại các địa phương:
- Lễ hội nông nghiệp (biểu hiện là Đình làng tại các thôn / làng huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu).
- Lễ hội ngư nghiệp (biểu hiện là lễ tế cá Ông / Cầu ngư tại quận Thanh Khê, Sơn Trà).
- Lễ hội văn hóa và tín ngưỡng dân gian dân tộc Cơ tu (biểu hiện là Lễ hội văn hóa dân tộc Cơ tu, xã Hòa Phú, òa Hhuyện Hòa Vang).
- Lễ hội tôn giáo (biểu hiện là Lễ hội Quán Thế Âm tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).
Trong các loại hình lễ hội trên, lễ tế cá Ông / Cầu ngư trước năm 1945, được chính quyền cấp huyện tổ chức, nay cấp quận tổ chức; lễ hội Quán Thế Âm, vào những năm đầu thế kỷ XXI đến nay, chính quyền cấp thành phố tổ chức, do lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội cấp quốc gia; lễ hội văn hóa dân tộc Cơ tu cấp huyện tổ chức.
Xem thế chỉ còn lễ hội nông nghiệp biểu hiện là đình làng là do mỗi làng tự tổ chức hằng năm.
Theo đó, việc mở rộng quy mô, nâng cấp lễ hội cầu ngư lên cấp thành phố, động viên ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, bám trụ ngư trường biển truyền thống là diễn trình tiếp biến từ trước tới nay, do:
Biển vẫn còn, nghề đánh bắt cá vẫn còn, ngư dân còn,
Môi trường xã hội về nghề đánh bắt thủy hải sản vẫn còn tồn tại,
Do đó, việc nâng cấp lễ hội Cầu ngư lên cấp thành phố sẽ đạt được các yêu cầu:
một là phát triển kinh tế biển;
hai là giữ biển, giữ ngư trường truyền thống, vì đây là lãnh thổ của ta, ngư dân ra biển là giữ biển đảo ta, thể hiện chủ quyền biển đảo của ta, đây là điều cần thiết, góp phần cùng cả nước đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững địa – chính trị – văn hóa của ta.
ba là giữ được làn điệu hò bả trạo và vũ đạo trong giới ngư dân.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thái Văn Kiểm, Le culte de la baleine, Bulletin de la Sociéte des Etudés Indochinoises. Dẫn theo Tập nghiên cứu văn hoá dân gian Thừa Thiên - Huế, 2008.
- Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển tây Nam bộ” Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, NXB Từ điển bách khoa, 2008.
- Nhận thức về miền Trung Việt Nam, hành trình 10 năm tiếp cận, Phân viện văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tại Huế, NXB. Thuận Hóa 2009. Chuyên đề: Cá Ông trong đời sống tinh thần của ngư dân biển ở miền Trung Việt Nam. Nguyễn Thăng Long.
- Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, Nguyễn Duy Thiệu, NXB. KHXH, 2002. Dẫn theo Tập nghiên cứu văn hoá dân gian Thừa Thiên - Huế, 2008.
- Tập tục lễ hội đất Quảng, Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng (chủ biên), NXB Đà Nẵng, 3. 2009.
- Tập tài liệu Văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận Sơn Trà, UBND quận Sơn Trà – Phong Văn hóa và Thông tin, Đà Nẵng, 2008.



[1] Cá voi – cá Ông – là một loài động vật có vú, sinh con, thở bằng phổi, thích nghi với đời sống ở biển ôn đới cũng như hàn đới, là một sinh vật lớn với thân hình đồ sộ, có thể trọng có thể đến 120 – 150 tấn. Vì thở bằng phổi nên 3–5 phút cá voi phải ngoi lên mặt biển để thở, hấp thụ ôxy đồng thời có tập tính hay bơi theo thuyền đánh cá của ngư dân, nhất là khi có sóng to gió lớn cho đến tận gần bờ mới rời thuyền bơi ngược lại ra biển khơi. Chính điều này có liên quan đến việc Cá Ông cứu người hay ghe thuyền bị nạn giữa biển khi có gió to và bão. Ngược lại, vì là một loài động vật có trọng lượng lớn, nên cá voi trở thành đối tượng đánh bắt hải sản của một số nước công nghiệp như Nhật Bản, Ốtxtralia v.v... mặc dù đã có Hiệp ước Quốc tế cấm đánh bắt cá voi.

[2] Hội, trong Lễ hội từ khi có Nghị quyết TW V (khóa 8) dần được đưa vào trong các lễ tế mang tính chất cộng đồng.
[3] Theo Nguyễn Thanh Lợi trong tài liệu "Tục thờ cá Ông ở Việt Nam" cho biết:
        Địa phương
       Số lượng lăng
Đà Nẵng, Quảng Nam
20 lăng
Phú Yên
20 (Hòa Tâm, Tuy Hòa có 3 lăng)
Khánh Hòa
50 lăng (Vạn Ninh: 13, Ninh Hòa: 15; TP. Nha Trang: 11; Cam Ranh: 11; (trong đó, các đảo 12 lăng). Mỗi xã/phường có 1 lăng, có nơi có 2,3,4 lăng (nhiều thôn trong một xã), phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang có 6 lăng).
Ninh Thuận
2 điểm  thờ tại thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước)
Bình Thuận
26 lăng, dinh, vạn, riêng đảo Phú Quý có 9 lăng

[4] Một loại gỗ không rõ, có thể là trầm hương hay kỳ nam. (VVH).
[5] Dẫn theo Tập nghiên cứu văn hoá dân gian Thừa Thiên - Huế, 2008.
[6] Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, Nguyễn Duy Thiệu, NXB. KHXH, 2002. Dẫn theo Tập nghiên cứu văn hoá dân gian Thừa Thiên - Huế, 2008.
[7] Theo: Truyện cổ dân gian Chăm, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chămpa, Nguyễn Thị Thu, Thập Liên Trưởng, Phạm Văn Thành, NXB. Văn hóa dân tộc, tr. 59 – 62.
[8] Thái Văn Kiểm, Sđd.
[9] Dẫn theo Nhận thức về miền Trung Việt Nam, hành trình 10 năm tiếp cận, Phân viện văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tại Huế, NXB. Thuận Hóa 2009. Chuyên đề: Cá Ông trong đời sống tinh thần của ngư dân biển ở miền Trung Việt Nam. Nguyễn Thăng Long, tr. 134,135.
Dưới triều Nguyễn, cấp độ phong tặng cá Ông cho biết:
- Nam hải cự tộc Ngọc Lân chi Thần (thời Minh Mạng); Từ Chế Chương Linh Trợ Tín Nam Hải cự tộc Ngọc Lân chi Thần (thời Thiệu Trị);  Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm nam hải cự tộc Ngọc Lân chi Thần (thời Tự Đức); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm nam Hải cự tộc Ngọc Lân chi Thần (thời Đồng Khánh); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần (thời Duy Tân).

[10] PGS. TS Nguyễn Xuân Đức trong bài viết: “Từ đền thờ đức Ông, đức Bà ở Cảnh Dương nghĩ về tục thờ cá voi của người Việt” trong sách “Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển tây Nam bộ” Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, 2008, tr.139 cho rằng tục thờ cá voi không chỉ ở Đàng Trong mà Đàng Ngoài cũng có thờ tự. "Sự hiện diện của một số đền, miếu thờ cá voi ở miền Bắc, nhất là ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng như những tư liệu có được từ đền thờ Đức Ông, Đức Bà  ở Cảnh Dương, một làng biển phía trong đèo Ngang, do lưu dân xứ Nghệ lập nên, đã khiến chúng tôi nghi ngờ những ý kiến cho rằng tục thờ cá voi chỉ có từ đèo Ngang trở vào – là vùng đất Chăm cũ, rồi từ đó suy ra tục thờ cá voi vốn của người Chăm được người Việt tiếp thu".
[11] Từ Quảng Bình vào đến tỉnh Thừa Thiên, Huế có hai làng Cảnh Dương, một của Quảng Bình và một của Thừa Thiên.
[12] Thái Văn Kiểm, Le culte de la baleine, Bulletin de la Sociéte des Etudés Indochinoises. Dẫn theo Tập nghiên cứu văn hoá dân gian Thừa Thiên - Huế, 2008.
[13] Việc trình diễn và hát múa bả trạo không hoàn toàn giống nhau ở các địa phương. Loại hát múa dân gian này được cộng đồng ngư dân các vạn chài tổ chức hàng năm chủ yếu vào dịp Lễ hội Cầu ngư – Lễ tế cá Ông, ngoài ra vào dịp Lễ cúng cá Ông (Lễ Nghinh Ông) hay vào dịp Lễ đưa tang cá Ông khi cá Ông lụy trôi dạt vào vùng biển địa phương. Theo phong tục đã Việt hoá, ngư dân nào là người đầu tiên phát hiện ra Cá Ông lụy được xem như là người được Cá Ông tín nhiệm và vinh dự được làm "trưởng nam", tức là thân chủ, thay mặt vạn chài bịt khăn tang bằng vải điều và phải chịu tang trong 3 tháng 10 ngày và tiến hành xây dựng Lăng Cá Ông bên bờ biển, mặt tiền hướng ra khơi, nằm gần sát vạn chài, có kiến trúc gần giống nhau, có quy mô không lớn, mặt nền hình chữ Đinh, phân chia thành tiền đường ở phía trước là nơi để cử hành tế lễ và hậu tẩm ở phía sau là nơi đặt hài cốt Cá Ông vào quách để thờ. Trong trường hợp gặp Cá Ông lụy nhiều, không thể thờ hết trong Lăng, nên hầu hết các vạn chài ở ven biển Quảng Nam – Đà Nẵng đều lập Nghĩa địa Cá Ông. Nghĩa địa này ở vạn chài Xuân Hải, xã Tam Quang, huyện Núi Thành có khoảng 70 hài cốt Cá Ông, ở vạn chài Thuận Hòa, xã Tam Hải, huyện Núi Thành có khoảng 300 hài cốt Cá Ông. Đây là một trong những Nghĩa địa Cá Ông lớn nhất của nước ta. Các lão ngư của vạn chài tự hào giải thích do bãi biển của vạn chài được thiên nhiên ưu đãi với nước biển xanh, yên sóng, cát mịn, nên Cá Ông thường dạt vào đây yên nghỉ. Trước đây, mỗi năm thường đón được hai Cá Ông lụy. Ở thị xã Hội An và các vùng lân cận, Lễ tế Cá Ông thường kết hợp với lễ Cầu mùa, lễ Cầu an vào trung tuần tháng hai âm lịch, mang tính chất tạ ơn thần thánh và cầu mong cho mùa màng bội thu, đời sống tươi vui: ở xã Cẩm An, lễ hội được tổ chức hai lần trong một năm là ngày 16–2 và ngày 16–8 âm lịch, ở xã Cẩm Kim là ngày 28–2 âm lịch. Ở huyện Duy Xuyên, xã Duy Vinh, lễ hội được tổ chức hai lần trong một năm là ngày 20–2 và 20–7 âm lịch, ở huyện Thăng Bình xã Bình Dương, lễ hội được tiến hành ngày 19–2 (mùa xuân) và ngày 16–8 âm lịch (mùa thu); ở xã Bình Hải, lễ hội tiến hành cùng lễ Xuống mùa đi biển vào ngày 15–3 và cùng lễ Tạ mùa kết thúc mùa đi biển vào ngày 20–12 âm lịch. Ở huyện Núi Thành, phần lớn các xã tổ chức lễ hội vào ngày 20–2 âm lịch, riêng ở làng chài Xuân Hải, xã Tam Quang, tổ chức lễ hội ngày 1–6 âm lịch lễ tế Cá Ông Đức Ngư ngoài các lễ hội Cầu Ngư và Cầu An hàng năm. Ở thành  phố Tam Kỳ, xã Tam Thanh tổ chức lễ hội ngày 1–4 âm lịch hàng năm và còn gọi là Lễ Cầu Bọt. Ở huyện Điện Bàn, xã Điện Dương tổ chức lễ hội ngày 24–4 âm lịch hàng năm.  Phần lớn Lễ hội Cầu ngư ở các xã  được tổ chức ở phía trước mặt Lăng Cá Ông, còn ở xã Tam Thanh thì lại được tổ chức tại cửa biển. Riêng ở xã Cẩm An, thị xã Hội An, lễ hội được tổ chức trên mặt nước ngay ở cửa biển. Ngư dân chuẩn bị lễ vật ở nhà rồi đem ra đặt trên hương án trước mũi thuyền chính để làm lễ tế. Tiếp sau đó phần hội là hát bả trạo cũng diễn ra ngay trên mặt nước bằng cách ghép các con thuyền lại với nhau. Trong những ngày Lễ hội Cá Ông, Lăng Ông được vệ sinh, quét vôi sạch sẽ, được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm, có kết hoa, chăng đèn. Các nhà trong vạn chài đều đặt hương án trước nhà, trên có nhang đèn, bánh trái, mâm xôi... ban đêm có treo đèn lồng. Các tàu thuyền của ngư dân trong vạn chài đều đậu ở bến, mỗi chiếc đều treo lồng đèn nhiều màu sặc sỡ, từ cột buồm đến mũi và lái đều chăng hoa. Đêm đến, trong suốt bãi bến thuyền đậu hiện ra một cảnh nhộn nhịp trong ánh sáng của đèn như một hội hoa đăng trong tiếng pháo  nổ rang. Mọi người trong vạn chài từ già đến trẻ đều ăn mặc đẹp đẽ. Trong quá trình tiếp biến văn hóa Chămpa có nguồn gốc Mã Lai – Đa Đảo, người Việt đã có những cải biến, thay đổi trong hình thức thể hiện mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc từ nghi thức tổ chức đám tang; những động tác hành lễ trong Lễ hội Cầu ngư, từ trang phục đến việc tiến hành đám rước, hát bả trạo, hệ thống vũ đạo bả trạo với cờ lọng, phướn, kiệu... hoàn toàn theo nghi thức dân tộc.


Không có nhận xét nào: