Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Trong không gian văn hóa Hà Giang

Cẩm Lệ

Trong cuộc hành trình có đến hàng trăm cây số trên vùng không gian văn hóa dân gian Hà Giang, một vùng núi đá. Đây quả là một cuộc ngao du lộng gió mà thú vị không lường. Theo quốc lộ 14C - là con đường Hạnh Phúc - từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên Đồng Văn để được nghe những câu chuyện hấp dẫn bất ngờ.
Hà Giang, vùng đất địa đầu cực Bắc của Việt Nam, nơi có những ngọn núi cao lưng trời và nhiều sông suối. Phía Bắc tỉnh Hà Giang giáp Trung quốc dài 274 km, phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, tây giáp Yên Bái và Lào Cai, phía nam giáp với Tuyên Quang. Từ trên cao nhìn xuống, Hà Giang chia làm ba khu vực:
 Khu núi cao phía bắc giáp chí tuyến bắc, núi khu vực nầy có độ dốc rất lớn, có dãy như dựng đứng, các thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều do cấu tạo đá vôi dễ bị xói mòn. Khí hậu vùng rẻo cao mang tính chất của ôn đới chia làm hai mùa mưa và khô ứng với tiết đông và xuân của trời đất. Chuyến đi nầy chúng tôi quyết một phen lên Lũng Cú, bước chân xuống Đồng Văn tìm vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ, mềm mại mà khô xốp như những tầng đá chẻ tai bèo. Lên một lần cho biết. Đồng Văn là một huyện vùng cao của Hà Giang, là một huyện biên giới. Đây là miền biên viễn xa xôi, độ cao cách nước biển 1000 mét, cao nguyên chỉ toàn là núi đá. Từ Hà Giang lên Đồng Văn phải mất 146 km theo đường quốc lộ 4C, nhưng hãy đi thì biết, giao thông rất khó khăn, rằng xa vạn dặm. Huyện có 19 xã thì có 9 xã giáp đường biên giới với Trung Hoa. Mùa đông có lúc xuống đến 10 C, mùa hè nóng nhất chỉ 240 C. Bầu trời quanh năm mưa và mù nên nơi đây người Mông thường nói: Thấy nhau trong tầm mắt / Gặp nhau mất nửa ngày / hoặc: Đất không ba bước bằng / Trời không ba ngày nắng
mới thấy hết được vùng cực Bắc nầy như thế nào rồi. Đồng Văn có điểm cực Bắc là Lũng Cú. Người ta nói rằng nếu chưa lên Lũng Cú là chưa đến Đồng Văn, bởi Lũng Cú là “nóc nhà” của Việt Nam, nơi mà: Cúi mặt sát đất / Ngẩng mặt đụng trời.
Bạn hãy lên Lũng Cú một lần sẽ rõ! Đồng Văn nổi tiếng trái ngon: đào, mận, lê, táo, hồng... cây dược liệu thì có: tam thất, thục địa, hồi, quế... Đồng Văn còn nổi tiếng về phong cảnh đẹp, núi non hùng vỹ, hang động nên thơ, những thảm hoa rừng đủ màu sắc rung rinh dưới nắng và còn những thảm ruộng bậc thang không thua Mù Căng Chải của Yên Bái là mấy... Chính nơi đây đã tạo nguồn cảm hứng cho các nghệ sỹ sáng tác nên những tác phẩm hội hoạ, nhiếp ảnh có một không hai trên thế giới về thiên nhiên và hơn thế cả con người trên vùng đất địa đầu nầy nữa.
            Lên Đồng Văn - Lũng Cú là thử lòng can đảm của bạn chút thôi, bởi đèo cao, vực thẳm. Không gì vui hơn khi bạn có được những ngày đắm mình với thiên nhiên hùng vỹ, trong không gian dân gian sâu lắng, sống bên những con người còn nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy niềm tin yêu và hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn hãy thả hồn thưởng thức tiếng khèn cao vút và trầm hùng, tiếng sáo trong veo cao như núi và trầm như đáy sông Lô. Biết đâu tất cả sẽ làm bạn ngẩn ngơ khi phải chia tay với Đồng Văn - Lũng Cú.
            Tôi đến Đồng Văn - Quản Bạ, bỏ lại phương Nam, miền Trung cái nóng oi nồng của xứ sở quanh năm nắng nóng, mưa dầm mà níu áo đồng đội tìm cách lang thanh bao núi, bao rừng nhẹ gánh như không. Tại Quản Bạ một buổi sáng sương giăng lành lạnh, chạy một hơi qua bao đèo núi lên đồng Văn không phải qua ngã Mã Pí Lèng nên không lên được Mèo Vạc. Đấy là nơi hiểm trở nhất của Hà Giang!
            Anh Triệu Minh ở Hà Giang, kể chuyện:
            -Anh vượt cả ngàn cây số đến đây để leo ngược lên Cổng Trời, lên Lũng Cú vào một ngày hè như thế nầy thì tuyệt lắm. Tôi sẽ đi cùng anh trong chuyến nầy đây! Quê tôi tận Tuyên Quang, thấy Hà Giang đẹp nên lên và ở lại nơi đây, có thế mới gặp anh tại chốn xa xôi nầy. Ta hãy thử lòng can đảm nhau thôi!
            Vậy đấy, ba năm trước, từ thành phố biển nắng gió, mưa nhiều tôi níu áo bạn bè lang thang dọc miền biên giới Đông Bắc rồi lên Việt Bắc, nhìn xem phong cảnh thiên nhiên nơi đây còn đẹp hơn tranh. Cứ gọi là những chuyến đi thực tế, là những cuộc du ngoạn dài ngày, triền miên trên vùng núi đá vôi biên giới. Đi đến đâu gặp gì tôi viết nấy! Ở Lạng Sơn với mấy cô con gái lang thang tại chợ Kỳ Lừa lại viết Đi chơi chợ Kỳ Lừa, rồi có Đêm Cao bằng, Chiều biên giới. Đến Cao Bằng gặp cô nàng bán nước với ngô rang lại có Gặp em... Lần này lang thang lên Bắc Cạn, đi thuyền trên hồ Ba Bể lại có Chiều Ba Bể. Và nay, lên tận Hà Giang ai rũ đi chơi nhấm nháp chút rượu dân gian nấu với men lá cây rừng thì uống. Vô tư! Đi trên một lớp đèo miền Tây bắc nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm, nhìn xuống cả mấy nghìn thước là mất thở như chơi. Dòng sông Nho Quế dưới xa uốn lượn như một dải lụa giữa hai vách núi cheo leo, một bên là sườn dựng đứng, một bên là bờ vực thẳm sâu đến ngợp người. Đường qua đất Thục chắc chi bằng! Tây du ký có sánh được không ? Phong cảnh ở đây đẹp đến mỏi mắt, lịm người, núi non biên giới có nơi đâu sánh được với nơi này. Đã có lần tôi đến vùng ba biên giới ở Kon Tum giữa Việt Nam-Lào-Campuchia nhưng không thể có núi non trùng điệp như thế này được. Nơi đây-Hà Giang-những quả đồi hoang vắng, nở nang chờ đợi như những hình ngực đàn bà hoang sơ, tê dại, mở ra thoáng đãng như đón nhận một cơn giông, tưởng như tất cả đất trời xanh tươi, nẩy nở vẫn tươi trong và nguyên vẹn phơi trần dưới ánh nắng chói chang của Đồng Văn, Quản Bạ. Từ con đường móc ngược cheo leo treo trên núi nhìn xuống thung sâu, đôi khi thấy cả những tấm ruộng bậc thang trải từng cấp trên đồi. Tại Đồng Văn, đi qua những dãy nhà dài dáng dấp kiến trúc Việt, Hoa nét tạo hình dân gian, đan xen nhau trong từng chi tiết, những viên ngói thủ công mới tuyệt làm sao, có ngói ống nằm trên mái như những vảy cá đều tăm tắp. Nhìn đấy, bạn đã có cảm tưởng sự hoà nhập của văn hoá Nam - Bắc ở đây rồi. Lại dạo quanh một vòng nơi chợ Đồng Văn, đây là chợ lớn nhất cao nguyên Đồng Văn - Quản Bạ đấy - một anh bạn Hà Giang bảo thế - Đan xen với những hàng cột đá dài ngã sang màu xám xỉn thời gian là những phụ nữ H’Mông với xiêm y sặc sỡ, đặc trưng của cao nguyên Tây bắc. Những lò rèn cho ra đời các loại dụng cụ thô sơ nhưng hiệu quả cho lao động làm ăn, lửa lò hừng lên đã trăm năm rồi làm cho những cột đá trở màu. Thêm, khói nấu những nồi thắng cố cuộn cuộn, quyện lẫn vòng vèo trong các dãy nhà chợ đã góp phần làm cho buổi chợ Đồng Văn thâm trầm sắc màu biên giới. Chuyện vãn với một cụ già trong chợ, được biết chợ lập nên do người H’Mông và người Pháp, và thời gian chợ mọc lên đến nay đã lâu lắm không còn ai nhớ. Nhưng người ta còn nhớ vào một ngày Tết nguyên đán năm 1923, lửa đã cướp đi ngôi chợ vùng cao Đồng Văn ngay trong những ngày xuân tươi đẹp. Vậy đấy, rồi người ta lại xây dựng lại chợ, các thổ ty người H’Mông, người Tày sang Tứ Xuyên bên Trung Quốc mời thợ về giúp nhau làm chợ. Chợ Đồng Văn lại đông đúc thâm trầm trong hình chữ U kín đáo.
            Lần nầy có đến Khâu Vai được không để chuyện vãn về phiên chợ H’Mông. Ai đã trèo lên Mã Pi Lèng hoặc băng qua Cổng Trời với ngọn nắng xiên ngang mới biết cánh đây gần 60 năm, cả ngàn thanh niên các dân tộc Hà Giang chẻ đá làm đường. Tháng 9 năm 1959, một con đường Hạnh Phúc được mở ra xa có đến trên 180 km đường núi đá tai mèo, nối liên Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc. Để có con đường người H’Mông nơi đây kể rằng mồ hôi của ngàn thanh niên xung phong lên đào đá làm đường đã đổ xuống nơi này để có con đường ngoạn mục thế chứ đâu phải chuyện dễ.  Và họ đã treo một con đường dài mấy trăm cây số trên sườn núi dựng. Từ đồng bằng lên đây đi trên con đường treo ngược mới hay không có đường đèo nào ngoạn mục dài hơn và đẹp hơn con đường Hạnh Phúc từ Thị xã Hà Giang lên cao nguyên Đồng Văn – Quản Bạ. Đi một lần trên con đường Hạnh Phúc ấy mới thật là sung sướng! Ở đây, cả một ngày mới nhận ra được ngày trông thoáng đãng, thiên nhiên đẹp mà bình lặng đâu ngờ, yên tĩnh đến run người. Rồi đêm, tôi có cảm giác hiểm nguy ở sát bên người, không chỉ đèo heo hút gió mà còn sự hoang vắng cũng có thể làm cho người ta tê dại. Nhưng bạn ơi! Để tìm đến vẻ đẹp hùng vĩ run người, đến hiểm nguy tê cứng của đêm nơi đây phải mất cả ngàn cây số đường xa mới có được. Đâu, bạn dễ tìm, cho dù ở Đà Nẵng có leo lên đến tận đỉnh Bà Nà cao 1482 mét vẫn không thể tìm ra đôi ba lần mất thở khi xe của bạn ngoặc qua một cái cua mà bờ vực như nằm ngay trước mũi giày của bạn. Tôi không cường điệu chút nào. Nhưng bịa có, thật có! Hãy đến mà xem!
            Những cô gái H’mông phơi những chiếc váy dệt bằng thổ cẩm từ đôi tay khéo léo ở cái làng bé tẹo trên lưng chừng núi, mây chập chùng vắt từng mảng vô tư. Chả phải thực nữa rồi mà siêu thực tế! Ai đã một lần nhìn chiếc váy Mông phơi trên đá tai bèo đen xỉn, xoè ra như một chiếc hoa dã quỳ phơi dưới nắng ở Tây nguyên? Thảo nào mà bướm không vỗ cánh bay theo! Và từ cái váy chao ôi là truyền thuyết. Có một loài hoa Tam giác mạch mọc đan xen trên đá cao nguyên, hoa Tam giác mạch bừng nở trong ánh nắng sau một vài trận mưa đổ xuống, màu hoa lung linh hồng đào chụm lại như đỉnh nón, ở giữa là một hạt mạch. Hoa Tam giác mạch là loài hoa xem là đặc biệt của cao nguyên đá Đồng Văn. Và vì loài hoa này nên bạn nhìn ra trên trang phục của người phụ nữ Lô Lô, chen giữa hoa văn hình vuông, hình tròn, hình ngôi sao, bạn nhận ra rồi lại có hình tam giác. Phải chăng hoa văn là biểu tượng tượng trưng của loài hoa Tam giác mạch. Cô gái Lô Lô đi chợ kể cho tôi - một khách lạ đường xa - nghe một hơi như vậy trên đoạn đường hai bên toàn là đá tai mèo đen xĩn chụm đầu lại như thì thào chuyện của gái trai. Và bạn đã một lần nhìn đắm đuối những cô gái H’Mông đi chợ Khâu Vai, váy rung rinh úp mở, để trần đôi chân trắng như hai cái ức của con cừu thoáng ẩn, thoáng hiện trong đám cỏ giăng quanh thì thích, phải bén gót men theo và mắt của bạn để yên ở đấy lâu đến chừng nào không? Chỉ mấy ngày thôi mà tôi đã từ Quản Bạ, chui qua Cổng Trời nhìn xuống thung lũng Yên Minh chìm dưới những đám mây mờ ảo và bắt gặp được một thoáng bồi hồi như thế. Chỉ một ít thôi cho bao điều vừa mới...! Một cô gái trong đoàn chắc miệng:
            - Ôi, như một biển trời chứ đất đai đâu nữa!
            Tôi cười:
            - Đất hay đá ?
            Nàng che miệng mỉm cười trong gió Đồng Văn:
            - Ờ, mà đá chứ anh!
            Đúng là đá vôi đen, khô khấp.
Giữa buổi, chúng tôi đứng trên một rẻo cao (đã chót vót đâu, Mã Pi Lèng mới là điểm cao chót vót), không thấy đất đâu chỉ toàn là đá. Đá, đá và đá! Một cao nguyên Đồng Văn toàn đá, điệp trùng, (Đồng Văn trước đây bao gồm: Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc) lô nhô như tai mèo, lởm chởm như mảnh chai, khô cằn kiệt nước như...đá.  Lại cô gái đứng bên tôi giả vờ ngơ ngác:
- Đồng Văn, Mèo Vạc phải không anh ?
- Đúng rồi, mà sao ?
- Ôi, đá chứ sao, đá đen hút tầm nhìn, trông lâu choáng ngợp và nín thở phải không anh!
Đứng ở Cổng Trời nhìn thung lũng Yên Minh không thể không nghĩ rằng khi mùa mưa về thì nước sẽ chạy đi đâu cho yên ổn. Dòng Nho Quế của sông Thao (sông Lô) ầm ào là thế vẫn không gánh hết nước thượng nguồn đổ xuống để đến nỗi lũ tràn qua các xóm thôn yên lành mà một đời người sinh ra trên đá và chết cũng nằm trên đá phải hứng chịu. Đoạn đường chúng tôi qua lũ phá nát một khúc chưa sửa được, năm nay lũ đã sắp về. Biết sao!
Anh Triệu Minh nói:
- Người H’mông - Dao sinh ra trên đá, suốt đời vật lộn trên đá để tồn tại. Trước đây, thời phong kiến cũ, họ thuộc nằm lòng loại cây (kể cả cây ngón) mà tên của nó rất hay: Anh túc - hoa Anh túc - vào tháng 3 hoa nở, cả Đồng Văn nầy như một tấm lụa tím hồng mượt mà, đẹp lắm. Dân rẻo cao gọi chúng là cây thuốc phiện. Trái của nó khi chín lại ngã sang màu đà lì lợm mà đẹp không ngờ như quả trứng vịt cắm trên chiếc đũa đong đưa trong gió. Vậy mà nguy anh ạ! Cứ nhìn vào đá thì rõ, người Mông, Dao phải bụm từng bụm đất bỏ vào hốc đá rồi trồng vào đấy một cây. Cây gì đây! Xã hội từ trước tới nay chưa bao giờ công nhận cây thuốc phiện là một cây nghiêm túc. Thời trước cách mạng Tháng Tám 1945, Vương Mèo cai quản một vùng rộng lớn của cao nguyên Đồng Văn, có dạo Vương Mèo còn có ảnh hưởng đến tất cả vùng Tây Bắc. Những mâu thuẫn chung quanh các dòng họ, và nhùng nhằng quyền lợi trên màu khói thuốc phiện mà dấy lên giữa các bản làng như trong Chuyện Tây Bắc của Tô Hoài đã kể. Nay thì khác, theo cơ cấu chuyển đổi cây trồng con vật nuôi, người M’mông đã cắm cây ngô vào đấy. Nhưng anh ạ, ngô cũng chỉ một mùa do nắng không quá ba ngày, đất bằng không quá ba bước chân, thế là thiếu nắng nên chỉ được một mùa ngô trong năm, năng suất lại không cao thì làm sao đủ cho người nơi đây qua 12 tháng. Diện tích đất đai canh tác ở đây có đến tám mươi, chín mươi phần trăm là đá – là đá tai mèo – anh thấy không. Những miếng ruộng bậc thang thì năng suất đấy, nhưng diện tích đâu nhiều. Khí hậu có nơi đâu khắt nghiệt như nơi này, hạn hán kéo dài 7 tháng trong năm không hứng được giọt mưa. Cho nên hốc đá cũng mọc được ngô. Khó là chỗ đó. Để có được món đặc sản mèn mén đủ chất từ bột ngô phải ăn với đậu tương, nên đậu tương phải được trồng xen cho có chất, chỉ ngô thôi lại thiếu. Khó là chỗ đó! Lần nầy lên tận Đồng Văn - Lũng Cú mới biết rằng người H’mông vật lộn với cuộc sống cùng với những bụm đất là thế nào! Khó là chỗ đó!
Nhưng nay đã khác rồi anh ạ. Chuyện tôi kể anh nghe là chuyện của ngày xưa đấy, của những ngày trước Cách mạng tháng Tám đấy anh.

Ngày tôi cùng bạn bè lên Lũng Cú đường cái đã dẫn xe chạy đến chân ngọn núi, nghe đâu trước đây phải đi bộ cả mấy ngày đường. Ngước cổ nhìn lên Lũng Cú, lá cờ Tổ quốc 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em phấp phới tung bay trên đỉnh đầu Tổ quốc, trong gió biên thuỳ. Phải leo lên 282 bậc tam cấp mới lên đến chân cột cờ. Một công trình to lớn! Lên đến đây mới nghe được câu chuyện: Lũng Cú hay Long Cư chính là đất của rồng, nơi rồng ở. Vào một ngày kia bỗng dưng rồng bay về trời, tuy vậy mà rồng vẫn còn ngoái lại thương người dưới trần thiếu nước để dùng nên rồng để lại đôi mắt của mình. Về sau hai con mắt của rồng chính là hai cái hồ nước long lanh hình bán nguyệt một tại bản Thèn Phả của người H’Mông và một nữa tại Lô Lô Chải của người Lô Lô. Từ thuở có hai hồ nước, lạ lùng thay trời dù có hạn hán đến mấy nhưng hai hồ nước vẫn long lanh không bao giờ cạn được.
Đi từ Hà Giang, hẹn nhau lên Quản Bạ lót lòng bữa sáng, gặp các anh Quản Bạ, các anh bảo rằng: từ Hà Giang lên Quản Bạ đã thấm vào đâu, chỉ là món tráng miệng thôi mà. Tôi thầm nghĩ: Thật là nhẹ gánh như không! Cô gái Mông công tác tại Uỷ ban nhân dân huyện Quản Bạ đưa mắt sang tôi:
- Quê em là thế, nó là điểm đỉnh. Người H’mông là thế như đất đai sông núi, không có chuyện trung bình, lưng chừng hay dùng dằng gì cả. Hoặc là điểm đỉnh như Mã Pí Lèng vời vợi với mây trời, hoặc là trầm sâu như dòng Nho Quế anh ạ. Không có chuyện giữa chừng. Nơi em sôi nổi, nhiệt tình, thiết tha, khát vọng và trọn vẹn. Em mời anh ly rượu ngô men lá, không có chuyện giữa chừng. Anh có hiểu không?
Mời rượu mà như thế, làm sao không uống cạn chén cho được!
Quản Bạ chào đón chúng tôi tử tế quá chừng, không chỉ con người mà thiên nhiên cũng đón chúng tôi cả ngàn cây số đường dài. Ôi, tuyệt vời là núi nàng Tiên ngay bên ngoài thị trấn một khúc đường. Chà, một cặp vú hay đồi hay cặp núi, thật lạ, dựng đứng như một cặp thanh nữ, gọi mời và thách thức. Tôi, người mới đến lần đầu mà tất cả núi sông đã trở thành kỷ niệm như là của tôi mà trời cho tất cả, giành phần bí hiểm cho khám phá của Tiên bịn rịn trần gian mà gởi lại, cho mời mọc một thiên đường, cho những trang bút ký nầy lung linh huyền ảo. Ai mà chẳng dữ dội, quằn quại, tha thiết, va đập trăm năm cho dục vọng trữ tình lai láng như dòng sông Lô lênh láng, như sông Thao bất tận đến chẳng thể cạn dòng và như dòng sông Nho Quế thấm sâu vào những số phận người Mông trên cao nguyên Đồng Văn, Quản Bạ.
Có lên được Mèo Vạc không? Ai hỏi từ phía sau xe vọng lên. Đúng anh tài Thắng của Hà Giang bảo:
- Lên Mèo Vạc ! Thử một chuyến xem nào! Lên mà đi chợ chứ mấy anh. Chợ bây giờ họp phiên vào ngày chủ nhật.
Cô gái ngồi cạnh tôi lên tiếng:
- Không lên Mèo Vạc được đâu, trời chiều rồi.
Tôi chen vào cho có chuyện:
- Nhưng em hãy ngửa cổ lên mà nhìn Lũng Cú, nhìn lên Mã Pí Lèng – là cái mũi ngựa đó em – và nhìn lên Mèo Vạc, không có cái gì là trung bình hết, cao vút, trầm sâu, không có cái gì nửa chừng đâu em, phải là điểm đỉnh. Phải lên, lên nữa lên cho đến tận cùng của cao nguyên nầy thôi. Cô gái Mông đã nói thế với em ở Quản Bạ, quên rồi sao. Anh nhắc lại này: không có chuyên lừng khừng, người Mông nói thế. Cố lên thôi! Mệt đứt hơi, mất thở phải không ?. Kệ nó! Phải lên cực điểm và xuống tận cùng như dòng Nho Quế - sông Thao, trầm sâu và bình lặng. Từ 2000 mét này, em hãy nhìn xuống dòng sông Nho Quế như một đường kẽ uốn lượn qua núi đồi trùng điệp. Đẹp chứ ! Có vậy, anh và em và mọi người mới đứng ở Đồng Văn, Quản Bạ nầy được chứ.
Cô gái dùng dằng:
- Vâng, em đã ngửa cổ và nhìn lên Lũng Cú, phải mất 282 bậc đá mới lên tận đây, là xao động trước cảnh trời mây non nước và trong cái tình em đã nhóm lên. Anh không thấy sao! 282 bậc đá mà em dừng lại những ba lần giữa gió.
- Và, từ độ cao mây gió nầy, em hãy nhìn quanh, có nhận ra không thấp thoáng trong lưng núi là những mái nhà Mông lơ lửng, đơn côi. Em, hãy trả lời anh đi này như có người đã nói rằng: sao người ta lại phiêu lưu còn hơn cả đùa giỡn nữa, ai lại lên tận trên mây mà ở, yêu đương và sinh con đẻ cái, nối nghiệp vào đời. Em hãy nói đi!
Cô gái ngúng ngoảy nhìn xa về thung lũng Yên Minh:
- Em có biết đâu anh. Hãy cứ cho như thế là chuyện của người Mông vậy!
Rẽ mây đến với Cổng Trời, tôi hỏi anh Triệu Minh về phiên chợ Khâu Vai, anh bảo:
- Phiên chợ bây giờ không còn như xưa nữa, chợ truyền thống chưa bị lãng quên nhưng những gì của phiên chợ trước đây đã được thay đổi cả, đã khác. Không còn nơi người ta bán xôi vàng, không còn nơi bán mèng méng, cũng không còn ngửi được mùi khói vây quanh một lùm cây khi người Mông đến chợ nấu ăn món thắng cố. Còn chăng chỉ là chiếc ô cô vợ mang theo - hay đôi tình nhân, có thể - đôi khi có dắt theo con ngựa hoặc đi bộ, đàn ông thời nay đi chợ không cầm khèn theo nữa. Chợ bây giờ là thế. Nhưng anh Cẩm Lệ ơi, vẫn còn những chiếc váy H,Mông rung rinh úp mở, nhưng lại vắng rồi các đôi trai gái say nhè, con trai thổi khèn lò cò nhảy trên bãi cỏ, con gái cầm dù quay vòng đi quanh líu lo hát những khúc dân ca H’mông dìu dặc mênh mang len vào núi rừng dừng lại, rồi họ dìu nhau vào một góc đá tai mèo nào đó tiếp tục cuộc tình và say mê đến tối.
Tôi chắc lưỡi ra vẻ tiếc, anh tiếp:
- Thời hiện đại mà, người ta bỏ dần tục cũ.
- Còn món ăn thắng cố là sao?
- Đây là đặc sản của người Mông. Tôi không chuyện trò cùng anh về món ăn dân dã này vì cả tôi là người Tày nhé và anh là Kinh đều không có loại thức ăn như thế. Vâng, đấy là món mà người Mông nấu thịt trâu, hay ngựa, bò, dê trong chảo. Họ lóc thịt ra kể cả gan, tim, phổi, cật, ruột để nguyên vậy cho tất cả vào chảo thêm gia vị bằng muối và rau lá thảo quả có sẵn trên rừng, nấu sôi lên cho chín. Xong, người ta dùng một cái muỗng bằng gỗ trắc mọc trên núi đá vôi múc vào bát, cứ vậy, họ vui vẻ húp, nóng môi vẫn húp mới ngon và uống với rượu ngô men lá.  Phải uống rượu bằng bát và để thưởng thức món nầy, người Mông ngồi bệt xuống đất mà tìm lý thú dân gian để lại. Họ xì xập. Họ rưng rưng. Họ la đà say. Họ hát. Đôi khi họ ôm nhau mà hát hết cả phiên chợ mới thôi. Anh biết nhé, như vậy là điểm đỉnh, trầm sâu và cao vút, không có chuyện lưng chừng, không có chuyện một nửa. Uống say, phải say và say thì nằm chợ, nằm đường, cột ngựa vào bìa rừng rồi ngủ. Vợ cầm ô che cho mà ngủ. Tỉnh ra họ lại dắt nhau về. Đấy, trầm sâu và cực điểm anh hiểu không. Vui chứ! Tôi kể thế là chuyện xưa anh nhé.
Và nhiều chuyện nữa được nghe trên cao nguyên đá Đồng Văn, Quản Bạ, chuyện về lễ xuống đồng, về múa khèn, về phiên chợ Khâu Vai trên Mèo Vạc. Hay nghe:
Chợ ở Khâu Vau – Mèo Vạc mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Chuyện rằng: ngày xưa có một đôi trai gái thuộc hai bộ lạc yêu nhau. Người con gái rất xinh đẹp, bộ lạc của cô không muốn cô lấy chồng sang bộ lạc khác; còn bộ lạc bên chàng trai lại muốn cô về làm dâu bộ lạc của mình. Chính vì vậy mà hiềm khích giữa hai bộ lạc xảy ra. Mối thù của hai bộ lạc càng nhân lên khi tình yêu của họ càng thắm thiết. Một ngày kia, khi người con trai đang ngồi với người yêu của mình trên núi thì nhìn thấy cảnh tượng hai bộ lạc đang đánh nhau rất quyết liệt ở dưới. Họ biết tình yêu của họ là nguyên nhân chính. Để tránh đổ máu giữa hai bộ lạc, hai người đau đớn quyết định chia tay nhau và hẹn sẽ gặp nhau mỗi năm một lần đúng vào ngày ấy. Nơi gặp nhau vẫn là nơi họ thường hò hẹn - Khâu Vai. Dần sau đó, Khâu Vai trở thành nơi hò hẹn chung cho tất cả những đôi thanh niên nam nữ yêu nhau trong vùng.
Chợ Khâu Vai ban thời kỳ đầu không có người mua, người bán. Họ đến chợ chỉ để nhìn hình bóng mà lòng mình đã trao thương gửi nhớ. Nếu gặp lại người xưa thì trò chuyện cho thoả lòng nhớ mong; nếu chưa biết thì quen, kết bạn. Họ mang đến chợ thức ăn làm sẵn, khi đến bữa mời nhau cùng ăn gói cơm nếp, củ sắn, trái ngô, miếng bánh... tất cả đều là sản phẩm tự làm mang đi từ nhà. Những bữa ăn như vậy cho họ có thêm giờ phút hạnh phúc bên nhau. Là người ở xa, họ đến chợ từ chiều hôm trước để sáng hôm sau có mặt. Họ chờ ngày hai mươi bảy tháng ba âm lịch suốt một năm nên sáng sớm là lúc họ tìm nhau. Người tìm được bạn rồi thì trò chuyện với nhau. Người chưa tìm được bạn thì bồn chồn ngóng đợi, chờ mong. Những người đến chợ lần đầu tìm bạn lại nôn nao, hồi hộp, e dè. Khi có bạn rồi cũng là lúc … đến tối mịt mới chia tay. Và thật buồn cho những ai đến chợ mà không tìm được cho mình một người bạn tình nào cả, còn day dứt nào hơn.
Chừng mười lăm năm trở lại đây, do nhu cầu cuộc sống nên ngày họp chợ ngoài việc hẹn hò, tìm bạn, gặp gỡ người xưa, người ta còn mang cả hàng hoá đến bán ở chợ. Do vậy, nay bạn đến chợ Khâu Vai sẽ cảm nhận những hoài niệm về một địa danh, một kiểu họp chợ, một thời gắn liền với câu chuyện truyền đời đã đi vào huyền thoại H’mông.

Và thế cũng là chuyện xưa chép lại đấy bạn. Bây giờ Đồng Văn – Quản Bạ đã khác xưa rồi. Hãy đến mà xem!. 

Không có nhận xét nào: