Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Kết quả kiểm kê, nghiên cứu Lễ hội cầu ngư ở thành phố Đà Nẵng

Hồ Tấn Tuấn-Phan Thị Mai

Đối với Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, biển chứa nhiều nguồn tài nguyên quí giá cho hành trình hội nhập và phát triển hôm nay. Gắn với vùng ven biển là nhiều cộng đồng ngư dân sinh sống, chuyên nghề đánh bắt thủy hải sản. Những cộng đồng này không chỉ có vai trò quan trọng trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của biển cũng như góp phần lớn vào việc giữ vững chủ quyền lãnh hải mà còn để lại những dấu ấn về văn hóa khá độc đáo của mình trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt, tín ngưỡng, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể. Do đó, việc nghiên cứu về biển và cộng đồng dân cư ven biển là một việc làm mang tính khoa học, thực tiễn, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học các chuyên ngành trong và ngoài nước.
Hơn thế nữa, Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung Ương khóa X của Đảng Cộng Sản Việt Nam họp ngày 15 đến 24/1/2007 tại Thủ đô Hà Nội đã thông qua Nghị Quyết hết sức quan trọng về việc xây dựng một Chiến lược biển toàn diện. Nghị quyết đã chỉ rõ: Đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công 
nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Việt Nam phải trở thành Quốc gia mạnh về
 
biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển. Việc thực hiện
 
và triển khai Chiến lược biển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đóng vai
 
trò vô cùng to lớn do những yêu cầu của xu thế phát triển cũng như những thách
 
thức của thời đại. Sự nghiệp này đã và đang được thực hiện
 
đồng bộ trên mọi lĩnh vực: phát triển chính trị, phát triển kinh tế, hợp tác quốc
 
tế, phát triển khoa học kĩ thuật… mà một trong những vấn đề đó là nhu cầu bức
 
thiết để nâng cao ý thức về biển và văn hóa biển trên cơ sở triển khai việc xây
 
dựng một hệ thống các công trình nghiên cứu, đề xuất những giải pháp phát
 
triển văn hóa biển. Từ đó, hoàn thiện hệ thống học thuật về văn hóa
 
biển, góp phần giáo dục, tuyên truyền ý thức bảo vệ chủ quyền dân tộc, nâng
 
cao tinh thần yêu nước, mà trong đó cơ tầng văn hóa biển là không thể tách rời.
 
Việc thực hiện đề tài nghiên cứu “Lễ hội cầu ngư ở thành phố Đà Nẵng” lần này sẽ chỉ ra sự tồn tại cũng như sức chi phối
 của các yếu tố văn hóa biển trong đời sống tâm linh của ngư dân vùng biển Đà Nẵng và đây cũng có thể xem là sự nỗ lực của chúng tôi trong tinh thần chung ấy của toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân Việt Nam trước những thách thức và yêu cầu mới của thời đại. 
Ngoài ra, Lễ hội cầu ngư – một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển miền Trung Việt Nam, gắn với đời sống tinh thần của những con người mà cả đời gắn bó với bà mẹ trùng dương. Xa hơn nữa, nó được nhìn nhận là một cổ tục phản ánh nguyên vẹn chân dung của diễn trình giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa Việt trên dãi đất miền Trung đầy nắng và gió, cũng như thái độ ứng xử hòa hiếu, mang đậm chất nhân văn của tổ tiên chúng ta trong quá trình Nam tiến.
Lễ hội cầu ngư là một sinh hoạt văn hóa thường niên của cộng đồng ngư dân ven biển Đà Nẵng, là nét văn hóa vừa mang tính phổ biến trong bức tranh văn hóa dân gian Việt Nam, vừa mang sắc thái riêng của vùng văn hóa xứ Quảng, đặc biệt là Đà Nẵng.
Chính vì những lẽ đó mà Sở VH,TT&DL Đà Nẵng đã chỉ đạo TTQLDSVH thực hiện việc lập hồ sơ/ công trình nghiên cứu khoa học “Lễ hội cầu ngư ở thành phố Đà Nẵng”.
            I. KẾT QUẢ KIỂM KÊ DI SẢN LỄ HỘI CẦU NGƯ Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
            Cho đến nay, công tác kiểm kê, thu thập tư liệu về “Lễ hội cầu ngư ở thành phố Đà Nẵng” đã cơ bản hoàn thành. Đội ngũ kiểm kê đã tiến hành điền dã, khảo sát toàn bộ các quận (huyện) trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu ở các quận ven biển Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu.
1.      Nhận diện bước đầu di sản Lễ hội cầu ngư ở thành phố Đà Nẵng
Qua công tác kiểm kê và xử lý số liệu, chúng tôi đã có những nhận diện bước đầu không chỉ về khối lượng, số lượng, thực trạng của di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội cầu ngư mà còn nhằm xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò, ý nghĩa của di sàn này trong đời sống đương đại
a)      Về không gian văn hóa
            Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chúng tôi khảo sát được có 11 lăng thờ cá Ông có giá trị về mặt kiến trúc, cảnh quan, góp phần tạo nên một quần thể di sản kiến trúc tín ngưỡng mang đặc tính của biển. Các lăng thờ cá Ông phân bố chủ yếu ở các quận ven biển: Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn. Điều này đã phản ánh sự sùng bái, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự hiển linh của thần Nam Hải để bảo vệ ngư dân, xóm làng trong ý thức sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân cư.
            Mỗi lăng thờ cá Ông ở thành phố Đà Nẵng là một công trình kiến thúc tín ngưỡng mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao, bố cục và đường nét được thể hiện sinh động. Một số công trình như lăng Ông Xuân Hà ở quận Thanh Khê, lăng Ông Nam Ô ở quận Liên Chiểu, lăng Ông làng Tân Lưu ở phường Hòa Hải…được xây dựng mang phong cách kiến trúc điển hình của thời Nguyễn. Đây là những công trình kiến trúc tín ngưỡng có giá trị được công nhận, bảo vệ.
             b) Lễ hội cầu ngư
            Gắn liền với không gian văn hóa lăng Ông là hoạt động lễ hội. Theo lệ cũ để lại và còn duy trì đến nay, thường niên, các làng biển đều tổ chức hai lễ tế thần là lễ tế Xuân và lễ tế Thu. Trong đó, lễ tế Xuân được đặc biệt coi trọng, tổ chức lớn.
Tiết Xuân tế thường được tổ chức từ trung tuần tháng Giêng hoặc tháng Hai âm lịch. Nghi thức cúng tế nhìn chung tương tự nghi thức cúng đình hàng năm.
Hiện nay, ở Đà Nẵng còn duy trì được 12 lễ hội cầu ngư. Hầu hết, địa phương nào có lăng Ông thì nơi đó vẫn còn duy trì lễ hội cầu ngư hàng năm, tùy theo kinh tế mà tổ chức lớn hay nhỏ.
Để đo đạc giá trị, thực trạng tồn tại của hiện tượng văn hóa phi vật thể này, ngoài sử dụng mẫu số 1 của Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chúng tôi đã tiến hành thao tác hóa cấu trúc của Lễ hội cầu ngư bằng các chỉ báo sau:
Có không gian văn hóa hay không? Có hiểu biết về vị thần biển được suy tôn hay không? Có tổ chức nghinh ông hay không? Có tế hay không? Tế bằng chữ Hán hay chữ Quốc ngữ? Có múa hát Bả trạo hay không? Có bát âm hay không? Có nghi thức xây chầu hát bội (tuồng) hay không? Còn lễ vật nào dâng thần đặc biệt không? Còn các trò chơi dân gian đặc trưng văn hóa biển trong lễ hội hay không?
Và tiêu chí đánh giá như sau:
- Loại đặc biệt đạt 10/10 thành tố
- Loại A: có 6/10 thành tố
- Loại B: không có rước
- Loại C: không có hội
- Loại D: không có rước lẫn hội
Sau khi xử lý các thông tin, chúng tôi nhận thấy có 07 lễ hội cầu ngư thuộc loại A, 03 loại C, 02 loại D.
Như vậy, có thể thấy, đa số lễ hội cầu ngư đều được tiến hành rất chu đáo, bài bản, giữ được truyền thống và có nhiều nét tương đồng với lễ hội cầu ngư của các tỉnh/thành Nam Trung Bộ khác. Đây có thể coi là một điểm mạnh.
c) Về loại hình diễn xướng dân gian gắn liền với lễ hội
- Hát Bả trạo
Hiện nay, ở thành phố Đà Nẵng không còn nhiều người biết hát Bả trạo và chỉ có duy nhất 01 đội hát Bả trạo không chuyên của ông Phạm Văn Đủ ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà là còn duy trì hoạt động thường xuyên.
- Hát bội (hát tuồng)
Theo kết quả kiểm kê, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 01 nhà hát và 02 đoàn hát, nhóm hát tuồng bán chuyên nghiệp với khoảng gần 50 nghệ nhân, nghệ sĩ.
2.      Các tài liệu thu thập, sưu tầm
Chúng tôi đã sưu tầm được:
- 07 bài văn cúng Cô hồn;
- 09 bản nhạc lễ;
- 06 bản văn tế cầu an, cầu ngư;
- 06 bản hát bả trạo;
- Cùng gần 600 ảnh khảo tả và hơn 200 phút phim thô.
3. Những nghiên cứu bước đầu và mấy vấn đề tồn nghi cần trao đổi về di sản văn hóa Lễ hội cầu ngư ở thành phố Đà Nẵng
            Từ những nghiên cứu bước đầu về tài tiệu thư tịch cũng như qua kết quả đợt khảo sát điền dã, Trung tâm đã nhận thức, giải quyết được nhiều vấn đề căn bản về Lễ hội cầu ngư như quá trình tồn tại và phát triển, diễn trình tổ chức phần lễ và phần hội...Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề băn khoăn, bỏ ngỏ chưa có đủ cứ liệu để xác tín, cần có những ý kiến đóng góp khoa học từ phía những nhà nghiên cứu, những người nắm giữ và thực hành di sản. Đó là: 
            a) Vấn đề tên gọi
            Ngoài cái tên Lễ hội cầu ngư, di sản này còn có thể được định danh như              thế nào?
            b) Sự hình thành và nguồn gốc của Tín ngưỡng thờ cá Ông
            Tín ngưỡng thờ cá Ông được hình thành khi nào và như thế nào? là câu hỏi đến nay vẫn chưa được trả lời thấu đáo.
           Nhiều ý kiến thừa nhận đây là một cổ tục của người Chăm trước đây; song cũng có một số ý kiến khác cho rằng đây là tục thờ của người Việt với dẫn              giải riêng.
Nhà nghiên cứu Thái Văn Kiểm cho rằng: “Nếu tìm về nguồn cội của tục thờ này, chúng ta thấy rằng ngay từ đầu, người Chăm đã xem cá voi như Hải Vương. Chính qua quá trình tiếp xúc với họ mà người Việt mới bắt đầu chú ý đến động vật có vú to lớn này ” [1]
Trong Nouvelles Rechercher, A. Cabaton nói rằng: “người Chàm trong nguồn tín ngưỡng của mình, đã coi Cá Ông là thần Sông và Lễ cầu ngư được tiến hành một cách đặc biệt, mà Bình Nam Đồ thời Hồng Đức (Lê Thánh Tôn) khi bình nam về đã ghi chép lại, xác nhận một hội lễ quan trọng của người Chàm, sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Sách nhắc tới địa điểm phồn thịnh nghề đánh cá lúc đó là Phố Hải có tháp Chàm được vẽ cao 8 tầng như tháp Việt, có hình ba con cá Voi ở ngoài biển quay vào, với ghi chú hằng năm vào tháng 5, cá quay về tháp [2].
Trong Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hoà, tác giả Lê Quang Nghiêm cũng thừa nhận rằng, tục thờ cá Ông xuất phát từ người Chiêm Thành và người Việt, đã tiếp nhận nó trong quá trình di cư về phương Nam. “Có thuyết cho rằng khi xưa dân Việt Nam còn ở miền Bắc, chưa tràn xuống miền Nam, thì chịu ảnh hưởng lễ giáo, văn hoá Tàu không thờ cá ông vì người Tàu không có tục này. Ngư phủ Tàu ở đảo Hải Nam và miền Nam Trung Hoa chuyên nghề săn cá ông. Đến khi dân Việt Nam di cư vào đất Chiêm Thành (từ Thanh Hoá, Nghệ An đến tỉnh Bình Định, Phan Thiết hiện thời) thì chịu ảnh hưởng của phong tục Chiêm Thành, mới có tục thờ cá ông (cá voi) theo người Chàm và sau này gọi là ông Nam Hải... [3].
Tiếp nối, kế thừa quan điểm của những người đi trước, rất nhiều nhà nghiên cứu sau này mà tiêu biểu là Nguyễn Thanh Lợi đã khẳng định trong các công trình nghiên cứu về tục thờ cá Ông của mình về nguồn gốc hình thành của tín  ngưỡng này bắt nguồn từ tục thờ thần sóng Po Riyak của người Chăm bản địa, người Việt tiếp thu và từng bước Việt hoá hoàn toàn thành tín ngưỡng của mình.
Đặc biệt, trong một khảo sát về Lễ cúng cá Ông ở Quảng Nam, tác giả Sandra Lantz cho rằng, nguồn gốc của tín ngưỡng này phổ biến ở một số nước Đông Nam Á, những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi nền văn hoá Ấn Độ: “Truyền thống cá ông cũng có thể có gốc của đạo Hindu trước đây, bởi vì người ta nói rằng người Khmere và người Campuchia cũng tin cá Ông và họ mang nguồn gốc văn hoá Chàm” [4]
 Nhưng, mặc khác, cũng có một số nhà nghiên cứu lập luận rằng tục thờ cá đã có trong tâm thức người Việt cổ.
Trong công trình Xứ Đông Hải nhìn từ Kẻ Chợ, Trần Quốc Vượng đã cho rằng “tục thờ cá voi sau này chỉ là sự phát triển của tâm thức đó chứ không phải vay mượn của người Chăm” [5]. 
Ngoài ra, tác giả Nguyễn Xuân Đức với nghiên cứu “Từ đền thờ đức ông, đức bà ở Cảnh Dương nghĩ về tục thờ cá Voi của người Việt” cũng có cùng nhận định trên “tục thờ cá Ông xuất phát từ người Việt, không kế thừa của người Chăm”[6]. Trong công trình của mình, Nguyễn Xuân Đức đã đưa ra nhiều tư liệu về tục thờ và đền thờ cá Ông ở vùng biển như Hoằng Hoá, Sầm Sơn (Thanh Hoá), Diễn Châu, Nghi Lộc (Nghệ An), Thạch Hà, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Cảnh Dương (Quảng Bình) để chứng minh tục thờ cá voi của người Việt ở đây có từ lâu đời.
Vậy, câu hỏi được đặt ra là quan điểm nào chính xác nhất? Vì sao?
            c) Đặc trưng của tín ngưỡng thờ cá Ông nói chung và lễ hội cầu ngư nói riêng ở Đà Nẵng?
            Tín ngưỡng thờ cá Ông là một trong những biểu hiện đặc thù của văn hóa biển miển Trung Việt Nam. Ở các địa phương ven biển này đều có phổ biến một hằng số chung về quan niệm, nhận thức, cũng như cách thức biểu hiện đức tin, sự ngưỡng vọng về vị thần biển mang hình hài loài cá. Tuy nhiên, biểu hiện cụ thể tại từng địa vực cư trú lại mang những sắc thái khác biệt đáng lưu ý, phản ánh chính xác dung mạo của riêng từng vùng đất.
            Vậy, đặc trưng của tín ngưỡng thờ cá Ông nói chung và Lễ hội cầu ngư nói riêng ở Đà Nẵng có những nét gì tương đồng và dị biệt với những địa phương ven biển khác?
            d) Vai trò của Lễ hội cầu ngư trong đời sống đương đại như thế nào?
            Tại Đà Nẵng, lễ hội cầu ngư là một hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian được tổ chức thường niên và thu hút được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo bà con nhân dân, chứ không riêng gì những người làm nghề chài lưới. Tuy nhiên, liệu trong cơn bão hội nhập văn hóa ngày nay, lễ hội này có nguy cơ bị biến đổi theo chiều hướng phai nhạt và dần quên lãng hay không? Vai trò, chỗ đứng của nó hiện nay như thế nào trong đời sống văn hóa, tinh thần người dân? Vì sao lại có thực trạng trên? Làm thế nào để lễ hội này giữ được vị thế của mình trong cuộc sống hiện đại?
            e) Mở rộng quy mô, nâng cấp của Lễ hội cầu ngư
            Trong suốt chiều dài lịch sử, Lễ hội cầu ngư có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần và tâm linh của ngư dân ven biển. Hơn thế nữa, trong bối cảnh chính trị - xã hội nhạy cảm như ngày nay, vai trò của nó quan trọng hơn bao giờ hết. Rõ ràng sự hiện hữu của nó là nguồn sử liệu, là những bằng chứng vật chất và tinh thần xác thực về kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam. Nó đã khẳng định cả hàng trăm năm qua, dân tộc ta đã có tầm nhìn thoáng mở, luôn hướng và tiến ra biển, đã khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và đồng thời vẫn luôn trọn vẹn khát vọng vươn khơi, bám biển, bám ngư trường để làm chủ vùng biển Đông của Tổ quốc. 
            Do vậy, bảo vệ và phát huy giá trị Lễ hội cầu ngư có ưu thế rõ rệt đối với việc phát huy giá trị văn hóa biển đảo trong sự nghiệp phát triển và đổi mới toàn diện đất nước, tích cực góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyển đất nước trên biển. Chính vì lẽ đó mà chúng ta cần phải xác định đây là một nhiệm vụ chính trị lớn, cấp thiết, đòi hỏi sự tham gia giải quyết của toàn Đảng toàn dân, từ cấp Trung ương đến địa phương.
            Từ nhận thức trên, chúng tôi đề xuất phải chăng nên phục dựng, tổ chức một lễ hội cấp thành phố vừa mang tính chất cầu ngư, cầu an đầu năm và vận động ra quân đánh bắt hải sản với đầy đủ, bài bản các nghi lễ, trò diễn dựa trên nền truyền thống và bản chất vốn có của nó? Và tất nhiên, nhân dân vẫn sẽ là chủ thể chính của lễ hội, đảm bảo hội cầu ngư này là của dân, do nhân dân bảo tồn, duy trì và phát triển.
            Mặc khác, xét trên phương diện kinh tế, nếu tổ chức được một lễ hội dân gian như thế này, thành phố Đà Nẵng sẽ có thêm một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của du khách không kém gì Lễ hội tôn giáo Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Lễ hội đương đại – Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế.
Hơn thế nữa, Lễ hội cầu ngư nếu được nâng cấp, được khuyếch trương, quảng bá một cách khoa học thì nó không chỉ mang lại thương hiệu văn hóa – du lịch cho thành phố mà còn đem lại những lợi ích rất rõ ràng trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và cộng đồng:
- Có nguồn thu ổn định ở những dịp lễ hội, ít nhất họ cũng cân đối được khoản kinh phí mà họ phải chi cho tổ chức lễ hội (từ các nguồn: Thu phí xe máy, xe ô tô, cho thuê địa điểm dịch vụ ăn uống và giải trí và một số nguồn tài trợ khác). Nhân dân ở các cộng đồng này có công ăn việc làm. Qua đó, ý thức bảo tồn không gian văn hóa và lễ hội của cộng đồng được nâng cao hơn.
- Là cơ hội tốt để huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm trong việc bảo tồn và phát huy di sản.
- Dĩ nhiên, lợi ích lâu dài nhất là quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng – một thành phố nhân văn đáng sống.



[1]    Thái Văn Kiểm, 1971, “Le culte de la baleine”, tlđd tr. 12.
[2]    Dẫn theo Nguyễn Thăng Long, Cá ông trong đời sống tinh thần của cư dân biển ở miền Trang Việt Nam, Phân viên Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, tr.133.
[3]    Lê Quang Nghiêm (1970), T ục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hoà, Trung tâm Văn bút Việt Nam, tr. 35-36.
[4] Sandra Lantz (2007),“Lễ cúng Cá Ông”, www.diva-portal.org/diva/getDocument?urn nbn se hig diva-459-1 filltext.pdf
[5] Dẫn theo, Đinh Văn Hạnh, Sự phát triển tín ngưỡng của người Việt trong quá trình di cư về phương Nam nhìn từ tục thờ cúng cá Ông, http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-to-chuc-doi-song-ca-nhan/1046-dinh-van-hanh-su-phat-trien-he-thong-tin-nguong-cua-nguoi-viet.html
[6] Dẫn theo Nguyễn Thanh Lợi, Nói thêm về tục thờ cúng cá Ông,  http://www.anthdep.edu.vn/?frame=newsview&id=120

Không có nhận xét nào: