Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Hình ảnh con khỉ trong tục ngữ, ca dao người Việt

Ngô Văn Ban

Dựa vào tính cách của con khỉ là leo, bò, nhảy, đu thoăn thoắt trên cây, liến lắc, ưa chọc ghẹo, trững giỡn, phá phách, động đậy không yên .. nên dân gian mới đưa tiếng khỉ vào tiếng trách mắng những ai đó có hành động, tính cách giống khỉ: Khỉ! Con khỉ! Đồ khỉ! Đồ khỉ khọn! Rõ khỉ! Mẹ khỉ! Khỉ quá! Đồ khỉ già! Đồ khỉ mốc! Đồ khì cùi! Đồ khỉ gió! Ngoài ra khi trách ai chẳng làm được, làm nên việc gì, không có gì hết sau công việc thì cũng bị mắng: Nó có khỉ gì đâu? Nó chẳng có khỉ khô, khỉ mốc gì! Còn khi bị mắng đồ trơ như khỉ gỗ là người đó cứ trơ trơ ra, không phản ứng gì như con khỉ làm bằng gỗ, chỉ trơ mắt khỉ mà ngó. Nhưng khi nhảy nhót, liến lắc không yên thì cũng bị mắng đồ khỉ mắc phong! Làm trò khỉ, làm khỉ làm khọn gì đó? … Còn làm tuồng mặt khỉ nữa chứ!
Như thế từ khỉ hình như chỉ dùng để mắng chửi, thật là oan ức tội nghiệp cho loài có vú này. Con người lại còn coi từ khỉ là từ xấu, đem lại sự xui xẻo cho con người nên đầu năm Tết, ai cũng tránh từ khỉ này. Từ khỉ như vậy được coi là từ … độc địa, tuy con vật này được coi là thủy tổ của loài người.
Loài khỉ có tập tục sống từng bầy, từng đàn trong rừng, chuyên leo trèo, đu từ cây nọ sang cành kia, thoăn thoắt như khỉ leo cây. Tuy sống với con người không nhiều, không gần gũi con người như các loài gia súc khác, ngoài một số người bắt chúng để ăn nhậu, để làm thuốc, loài khỉ vẫn được con người mượn hình dáng, tính nết chúng để ví von, chỉ trích, phê phán một bộ phận người không tốt trong xã hội. Như chuyện khỉ leo cây, chẳng ai dạy khỉ leo cây cả. Nhưng con người được chỉ trích là kẻ dạy khỉ leo cây là kẻ đó đã dạy cho người khác những thói hư tật xấu  …
Loài khỉ cũng như loài vượn coi cây cành là nơi trú ẩn, sinh hoạt thường ngày của mình. Do đó, bày trò rung cây nhát khỉ là trò dọa không phải cách, không có tác dụng gì
Khỉ ít khi nằm, nếu không leo trèo, chuyền cành, nhảy nhót thì khỉ thường ngồi. Khỉ ngồi nhiều nên mông khỉ thành chai, ít lông mọc ở đó và có màu hơi đỏ, gọi khỉ đỏ đít là thế! Nên khỉ chê khỉ đỏ đít là chê kẻ khác xấu, kém thì mình chẳng tốt đẹp gì. Cũng như: Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm? Hay: Con chó chê khỉ lắm lông/ Khỉ lại chê chó ăn dong nằm dài.
Và cũng nói đến khỉ ngồi, ta lại nhớ đến đôi tượng khỉ và chó đặt ở hai đầu cầu chùa Cầu ở thành phố Hội An (Quảng Nam). Lúc đầu tượng làm bằng gỗ mít, sau này làm bằng đá với tư thế ngồi chầu với miếng vải điều phủ qua đầu, trước mặt có bát nhang. Người dân Hội An có câu: Hội An có bốn nàng tiên/ Hai nàng tuổi Tuất, hai nàng tuổi Thân. Hai con vật đó đặt ở hai đầu cầu, có người cho rằng cầu khởi công năm Tuất và hoàn thành vào năm Thân. Còn người Nhật cho rằng Chó và Khỉ, theo tín ngưỡng của họ, đó là những vật tổ linh thiêng, có vai trò khống chế kỳ diệu đối với con thủy quái gây ra động đất ở Nhật Bản. Về tượng khỉ đó, người Quảng Nam còn có câu: Chầu hầu như khỉ chùa Cầu.
Ở Nam Bộ, cảnh khỉ khọt trên bưng, dưới sông sấu lội trong rừng cọp um, hay: Chiều chiều én liệng trên trời/ Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây là cảnh thường thấy thường nghe của thuở đầu mở nước vùng sông nước này. Cũng có những nơi khỉ ho cò gáy thì thật là quái đản, vùng đất ít ai biết, đúng là nói về vùng đất xa xôi, hoang dã, vắng vẻ nào đó, ít người qua lại, là vùng đất không đủ điều kiện có thể sinh sống được.
Có người nuôi khỉ giữ nhà. Ngoài việc giữ nhà, nuôi khỉ ở phía trước nhà như làm cảnh, cho nó làm trò khỉ vui cửa vui nhà. Khi có ai đến nhà, khỉ báo động bằng tiếng khọt khẹt, nhảy nhót lung tung, và lẽ dĩ nhiên là con khỉ này phải được cột lại trên một cây nào đó trước nhà, chứ không phải như chó có thể thả rông. Nhưng có người không thích như thế, vì cũng như nuôi ong tay áo, áp rắn vào ngực, con khỉ nuôi trước nhà cứ lom khom nhìn vào nhà như cố tình xoi mói, rình rập gì đó, nuôi khỉ dòm nhà, như người đời thường nói. Tính khỉ là như thế, cũng như mình nuôi dưỡng, chứa chấp kẻ xấu trong nhà thì đồ vật quý giá gì ở đâu cũng được người đó biết chỗ hết, và có ngày sẽ bị …. bay mất. Do đó, cần biết rõ người khác hơn, như cầm khỉ một ngày biết khỉ múa. Và cũng lưu ý nhiều những kẻ bụng bí rợ, ăn như bão, làm như khỉ. Tuy thế, có lúc ta cũng gặp cảnh khinh khỉ lại mắc dộc già. Dộc là loài khỉ lớn con, lại hung dữ nữa. Tránh, sợ khỉ vì cái trò khỉ của nó thì lại gặp con khỉ dữ tợn hơn, như tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tránh hùm gặp hổ, chê khinh thứ này xấu xa, cuối cùng lại gặp thứ khác còn tệ hơn.
Con khỉ cũng được anh chàng mới lấy vợ ví von một cách rất tội nghiệp: Thân anh như trống mới bưng/ Vợ anh như khỉ trong rừng mới ra. Thân anh như cái trống mới bịt da trâu, còn mới, không biết trống đánh có vang không. Còn vợ anh như con khỉ trong rừng mới ra đồng bằng, như người con gái mới lấy chồng, xa nhà cha mẹ, rời quê ra thành thị còn rất nhiều bỡ ngỡ, lạ lùng. Cả chồng lẫn vợ mới lấy nhau còn xa lạ với cuộc sống, cần nhiều thời gian và nỗ lực. Hình ảnh con khỉ được ví von như thế cũng rất phù hợp và cũng thật tội nghiệp.
Tuy thế cũng có lúc: Nực cười con khỉ đeo hoa/ Con heo đội mão, con gà nhuộm răng. Đó là “mốt” rất quái dị mà một số giới trong xã hội học đòi. Dù khỉ có theo “mốt” gì thì khỉ lại là khỉ, cũng như mèo vẫn hoàn mèo.
   Người tuổi Thân cầm tinh con khỉ. Con khỉ trong trong bài Vè 12 con giáp được miêu tả: Tuổi Thân con khỉ ở lùm/ Trèo qua trèo lại, lọt ùm xuống sông. Người mang tuổi Thân có khi buồn, vì: Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi/ Anh đây thân phận ngậm ngùi tuổi Thân. Tuổi Thân hay tủi cho thân phận không lấy được người yêu vì tập tục coi tuổi trong hôn nhân xưa? Nhưng người tuổi Thân vẫn có điều an ủi nếu sinh vào giờ Dần: Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân/ Sinh vào giờ Dần vẫn sướng như tiên. Lại còn: Sinh đúng giờ Dần, vẫn cứ làm vua. Giờ Dần thao giờ âm lịch từ 3 giờ đến 5 giờ sáng, lúc bóng đêm từ từ lui dần, lúc đó cọp sau một đêm bắt mồi, giờ rút vào rừng sâu, hang động nghỉ ngơi … Và đó cũng là giờ đẹp nhất trong, xóa đi những tăm tối của cuộc đời để cuộc đời sáng sủa hơn … Thôi thì đừng tủi thân con khỉ ở lùm nữa.
   Cuối cùng, năm khỉ đến, có một bài học sâu sắc từ … con khỉ:

Con khỉ hái một trái chanh
Ngỡ rằng trái chín trên cành thì ngon
Ruột chua loát vỏ bồ hòn
Cắn rồi liền nhả, lăn tròn trái chanh
Ê răng, khỉ mới dặn mình
Phải dò trong ruột, chớ  tin bề ngoài.

Không có nhận xét nào: