Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Khỉ trong văn hóa dân gian Việt Nam

Bùi Văn Tiếng

1. Ông cha ta xưa có vẻ không mặn mà lắm với khỉ, bằng chứng là thế giới nghệ thuật của truyện cổ dân gian rất ít khỉ. Không những thế, tư duy suy nguyên còn hình dung khỉ như là hiện thân của cái xấu/cái ác bị trừng phạt. Sự tích con khỉ kể rằng: “Ngày xưa có một người con gái đi ở với một nhà trưởng giả. Nàng phải làm việc quần quật suốt ngày, lại bị chủ đối đãi rất tệ. Cái ăn cái mặc đã chả có gì mà thỉnh thoảng còn bị đánh đập chửi mắng. Vì thế, cô gái tuổi mới đôi mươi mà người cứ quắt lại, trông xấu xí bệ rạc hết chỗ nói” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi). Với bản tính tốt bụng thương người, nàng được đức Phật - trong vai cụ già nghèo khổ lang thang cơ nhỡ - giúp trở thành một cô gái xinh đẹp: “Phật bảo nàng lội xuống giếng, hễ thấy bông hoa nào đẹp mút lấy thì sẽ được như nguyện. Khi xuống nước, cô gái chỉ mút mấy bông hoa trắng. Tự nhiên lúc lên bờ, nàng trở nên trắng trẻo xinh xắn” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi).

2. Rồi theo một diễn biến vừa tương tự như trong cổ tích Cây khế vừa tương tự như trong cổ tích Cây tre trăm đốt, cả họ nhà trưởng giả đã bị trừng phạt về sự bạc ác của mình: “Khi cô gái quảy gánh nước trở về, cả họ nhà trưởng giả vô cùng kinh ngạc. Nàng xinh đẹp đến nỗi họ không thể nào nhận ra. Nghe cô gái kể chuyện, ai nấy cũng muốn cầu may một tý. Họ lập tức đổ xô cả ra bờ giếng mong gặp lại đức Phật để được trẻ lại và đẹp ra Phật cũng bảo họ lội xuống giếng và dặn họ y như dặn cô gái lần trước. Dưới giếng lúc đó đầy hoa đỏ và hoa trắng. Ai nấy đều cho màu đỏ là đẹp nên khi lội xuống giếng đều tìm hoa đỏ mút lấy mút để. Nhưng không ngờ lúc lên bờ, họ không phải trẻ lại mà già thêm ra: mặt mũi nhăn nheo, người trông quắt lại, lông lá mọc đầy người, đằng sau lưng là cả một cái đuôi” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi). Sự tích con khỉ còn kể về việc cả họ nhà trưởng giả sau khi hóa thân thành khỉ đã bị dân làng cô lập vĩnh viễn khỏi cộng đồng dân cư - cho nên mới có thành ngữ “Khỉ ho cò gáy” để chỉ những nơi hoang vắng, heo hút không có bóng người.
3. Trong ngôn ngữ thường nhật, người Việt hay dùng nhiều câu nói/cách nói dân gian liên quan đến khỉ - mà đa phần là hàm nghĩa chê trách. Chẳng hạn như hay nói “Đồ khỉ” hoặc “Khỉ gió” để mắng ai đó thiếu đứng đắn. Ngay nhà thơ Tú Xương bực mình vì thi mãi không đỗ cũng từng kéo khỉ vào thơ: “Thi ơi là thi/ Khỉ ơi là khỉ”. Rồi muốn ám chỉ những kẻ không có tài năng mà vẫn chiếm được vị trí cao trên quan trường/trong xã hội, người ta thường dùng câu “Khỉ ngồi bàn độc”… Đáng chú ý là người Việt xưa hay mượn một số câu nói/cách nói dân gian liên quan đến khỉ để nhắc nhở nhau về những điều nên tránh, chẳng hạn dùng câu “Nuôi ong tay áo/ Nuôi khỉ dòm nhà” hàm ý khuyên không nên trông chờ nhờ cậy không đúng người/không đúng đối tượng, hay dùng câu “Rung cây nhát khỉ” hàm ý khuyên không nên làm điều vô bổ không có hiệu quả, hoặc dùng câu “Hứa hươu hứa vượn” hàm ý khuyên không nên hứa suông, hứa cho qua chuyện…
4. Người tuổi Thân cầm tinh con khỉ - con giáp thứ chín trong mười hai con giáp. Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Cung Thông cho rằng chữ Thân chính là biến âm từ chữ Khỉ trong tiếng Việt cổ, dẫu rằng biến âm th - kh rất hiếm. Nhận định này thú vị nhưng có lẽ cần kiểm chứng thêm, chỉ biết là có nhiều câu ca dân gian mượn khỉ để mà thể hiện sự thương cảm với số phận được xem là vất vả của người tuổi Thân, chẳng hạn “Tuổi Thân con khỉ lao chao/  Nhảy qua nhảy lại té ào xuống mương”, hay “Tuổi Thân con khỉ ở lùm/ Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông”, hoặc “Tuổi Thân con khỉ ở lùm/ Cuốc không lo cuốc lo giùm cho ai”… Vất vả thế nên nhiều người tuổi Thân thường than thân: “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi/ Mà sao tôi lại ngậm ngùi tuổi Thân”. Và đến nay vẫn tồn tại một cách giải thích về ý nghĩa của hai tượng khỉ Chùa Cầu rằng đây là cách người Hội An ghi nhớ thời điểm khởi công - năm Thân, giống như hai tượng chó đặt ở đầu cầu bên kia là cách ghi nhớ thời điểm hoàn thành công trình kiến trúc được xem là biểu tượng của thành phố bên sông Hoài - năm Tuất. Cách giải thích này có thể không thuyết phục lắm về mặt khoa học nhưng lại thể hiện một kiểu tư duy dân gian luôn gắn con khỉ với tuổi Thân…

5. Thực ra khi xây dựng Chùa Cầu, người Nhật đã tạc tượng hai con khỉ và hai con chó nhằm trấn yểm thủy quái Namazu. Chó và khỉ đều được người Nhật - và không chỉ người Nhật - xem là linh vật. Cách đây gần 400 năm, người ta thấy một bức phù điêu ba con khỉ trên vách đền Toshogu ở Nikko. Nhà điêu khắc người Nhật Hidari Jingoro (1594-1634) đã thể hiện rất sống động hình ảnh một con khỉ lấy hai tay che mắt tên là mizaru - tiếng Nhật mizaru có nghĩa tôi không thấy điều xấu, một con khỉ nữa lấy hai tay bịt tai tên là kikazaru - tiếng Nhật kikazaru có nghĩa tôi không nghe điều xấu, và con khỉ thứ ba lấy hai tay bịt miệng tên là iwazaru - tiếng Nhật iwazaru có nghĩa tôi không nói điều xấu. Ý tưởng của Hidari Jingoro về bộ ba mizaru - kikazaru - iwazaru có nguồn gốc từ tượng thần Vajrakilaya ở Ấn Độ cách đây vài ngàn năm về trước - vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng. Có thể nói trong quá trình giao lưu văn hóa với các nước, nhất là với Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, người Việt ngày càng cảm thấy thân thiết hơn với khỉ, và không phải ngẫu nhiên mà ở Nam Bộ, những cây cầu dân dã bắc tạm qua sông rạch được gọi là cầu khỉ - tên gọi mang màu sắc dân gian này hoặc xuất phát từ cách hình dung chỉ có khỉ hay leo trèo mới có thể qua cầu được, hoặc bắt nguồn từ liên tưởng giữa dáng người lom khom khi qua cầu với dáng đi quen thuộc của khỉ. 

Không có nhận xét nào: