Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Đi đò dọc

Thanh Minh

Trước năm 1945, không chỉ ở quê tôi là làng Bảo An, mà ở một số địa phương ven sông Thu Bồn  đều có đò dọc chỡ khách đi xuôi, tức là đi Hội An, còn gọi là đi Phố. Đò dọc là phương tiện rẻ tiền nhất, mà cũng thuận lợi nhất, an toàn nhất. Hồi đó cũng đã có ô tô khách, nhưng loại xe nhỏ, ít chỗ ngồi, chạy từ La Tháp xuống thị trấn Nam Phước, nếu đón giữa đường, xe cũng đã chật ních, nên ở quê tôi, không mấy ai chọn phương tiện này. Đò dọc thường nhổ sào vào quãng bảy giờ tối. Vì từ các xóm ra bến chỉ hơn một cây số nên vào giờ ấy, ai nấy đều có mặt ở bến sông, nơi chiếc ghe đậu sẵn.
             Khách phần lớn là các ông bà có tiệm buôn ở chợ Bảo An, họ đi để mua sỉ háng hóa về bán lẻ lại. Một số đi công việc riêng như khám bệnh ở nhà thương Phố, đi lãnh thư bảo đảm ở Bưu điện, học sinh đi học,...
            Chủ đò dọc là ông bà Kiểm Lài, lúc này cũng đã dọn dẹp, lau chùi khoang ghe sạch sẽ. Nếu mùa đông là khoan được trải chiếu để khách nằm nghỉ. Mùa hè, mấy tấm ván láng bóng, vừa đặt mình xuống, khách đã nghe mát rợi.
            Đi đò dọc còn được tận hưởng cái thú trăng thanh gió mát về mùa hè nóng nực, được nghe những lời hò khoan ý vị giữa đêm khuya vang vang trên dòng sông rộng:
                            ...Hò ơ... ơ...
                            Gió nam thổi xuống lò vôi
Ai đồn với bạn ta có đôi (mà) bạn buồn ơ...ơ...
Kể từ ngày bước xuống ghe buôn,
Sóng bao nhiêu dợn, dạ chàng buồn bấy nhiêu... hò...ơ ơ...
Đi đò dọc thuận tiện, an toàn và thú vị như thế, tại sao lại có câu hát:
Trồng trầu thả lộn giây tiêu
Con đi đò dọc, mẹ liều con hư.
            Con đây là con gái. Ta hiểu câu hát này là lời người mẹ dặn dò, nhắc nhở con gái phải cảnh giác. Đi đò dọc có tiện lợi, có thú vui, nhưng cũng có những điều bất tiện cho các cô gái, nhất là các cô gái mới lớn còn ngây thơ, hồn nhiên giữa cuộc đời. Đó là đi đò dọc phải ngủ đêm suốt trong chuyến đi. Đò dọc thường được thiết kế hai khoang, một khoang dành cho nam, một khoang dành cho nữ, nhưng giữa hai khoang không có vách ngăn, chỉ là cao thấp hơn nhau độ vài mươi phân.
            Con gái tuổi ấy, thường đặt mình nằm xuống là ngủ say như chết. Nếu trong đám khách nam có một tay càn quấy nào đó lợi dụng tình thế ấy, giữa đêm khuya gây ra sự lộn xộn, không ai lường được, thì người gánh hậu quả phải là cô gái trẻ - khách đi đò.
            Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, câu ca dao này không thực tế. Không phải hễ cứ con gái đi đò dọc là con gái hư, mà còn tùy người, tùy trường hợp, tùy điều kiện. Và nói “mẹ liều con hư” chứng tỏ người mẹ không còn biện pháp gì ngăn chặn hay sao mà để “liều” cho con hư hỏng. Như vậy, câu ca dao:
                            Trồng trầu thả lộn giây tiêu,
                         Con đi đò dọc mẹ liều con hư.
Là một câu có ý nghĩa tiêu cực và không hợp lý.


Không có nhận xét nào: