Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Một số địa danh ở Quảng Nam-những điều thú vị

Ngô Văn Ban

Khi tìm hiểu về địa danh các huyện thị, thành phố trong tỉnh Quảng Nam qua ca dao Xứ Quảng, tôi thấy có những điều thật thú vị.
Về thành phố Tam Kỳ, chữ “Kỳ” theo nghĩa Hán Việt là “ngã rẽ”. Như vậy, Tam Kỳ là thành phố có 3 ngã rẽ. Đúng như vậy, vì có một thời, Tam Kỳ xưa trải theo chiều dài quốc lộ 1A chỉ toàn là ngã ba. Vì thế, có người gọi nơi đây là “thị xã của các ngã ba”, một cách gọi rất chính xác, vì mãi đến thập niên 80 của thế kỷ XX, chẳng có ngã tư nào ở phố Tam Kỳ. Chẳng rõ do tình cờ hay cố ý, ga xe lửa Tam Kỳ được xây dựng gần sát mốc cây số trung tâm của cung đường sắt Sài Gòn - Hà Nội. Do đó, có người cho rằng địa danh Tam Kỳ có thể xuất phát từ vị trí địa lý “nằm giữa ba kỳ”: Nam, Trung, Bắc.
Theo thực địa, Tam Kỳ có một số “ngã ba” được biết sau đây: - Bắt đầu từ phía bắc là “ngã ba Chiên Đàn” dẫn lên làng Chiên Đàn là lỵ sở của huyện Hà Đông xưa, nay thuộc huyện Phú Ninh - “Ngã ba Phương Hòa” còn gọi là ngã ba Cống Quẹo dẫn lên làng cổ Phương Hòa (nay thuộc phường Hòa Thuận). - Cách “ngã ba Hen” khoảng 500m về phía nam là ngã ba có nhánh rẽ lên phủ đường Tam Kỳ xưa. Phía đối diện, xưa có một lò mổ gia súc (Abattoir) do người Pháp xây dựng, do đó, người địa phương gọi là “ngã ba Ba Toa”. Khoảng sau năm 1963, lại có tên “ngã ba Bình Minh” vì gần đấy có một lò bánh mì mang tên ấy. Khi nhánh rẽ lên phía tây được đặt tên đường Tiểu La thì ngã ba này lại đổi tên thành “ngã ba Tiểu La” và tên ấy tồn tại mãi đến bây giờ (Tiểu La là hiệu của Nguyễn Thành (1863-1911), sĩ phu yêu nước, người huyện Thăng Bình, tham gia phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, bị Pháp bắt, đày Côn Đảo và mất tại đó). - Vào phía nam khoảng 150m nữa là ngã ba rẽ lên đường Huỳnh Thúc Kháng, người địa phương gọi đây là “ngã ba Chợ Mới”. Ngã ba này rẽ thẳng lên ga Tam Kỳ. - Tam Kỳ có một ngã ba không gắn với chợ mà gắn với “trường” được người địa phương quen gọi là “ngã ba Trường Tàu” (trường học dành riêng cho người gốc Hoa). – “Ngã ba bà Hòa” (gần cầu Tam Kỳ) rẽ xuống  làng Hương Trà, phường Hòa Hương. – “Ngã ba An Thổ” dẫn lên làng An Thổ là nơi từng có nhiều khu vườn đẹp nổi tiếng. – “Ngã ba Thư viện” nằm cạnh thư viện thị xã Tam Kỳ cũ. – “Ngã ba Thu Hương” (sát tiệm uốn tóc có tên Thu Hương). – “Ngã ba Nam Ngãi”, nơi đây là điểm nối quốc lộ 1A với tỉnh lộ lên các huyện miền núi Tiên Phước, Trà My … ([1]).
            Tên gọi “Tam Kỳ” cũng được định vị theo hình sông thế núi của vùng đất này, nơi có ba gò đất cao cùng ngã ba sông. Nhìn từ ngoài biển vào sẽ thấy 3 gò đất cao nhô lên thành hình tam giác: Núi An Hà, Quảng Phú và Trà Cai. Khi định vị từ 3 ngọn núi, thuyền sẽ vào cửa sông và gặp bến đò, nơi có ba ngã rẽ: sông Tam Kỳ, sông Trường Giang và sông Bàn Thạch. Tên sông Ba Kỳ được hiểu là nơi giao nhau giữa 3 con sông này. Có cụm từ “đò ba bến” đã từng là bến thương thuyền sầm uất nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn: đó là bến Hồng Kiều (huyện Duy Xuyên), bến Bàn Thạch (thành phố Tam Kỳ) và thương cảng Hội An. Ngoài ra, tại thành phố Tam Kỳ còn có tên “kênh Ba Kỳ” tức là dòng kênh dẫn nước về Tam Kỳ cung cấp nước tưới tiêu và nước uống cho người dân sinh sống ở thành phố này.
            Tên gọi Tam Kỳ lại còn thể hiện ở 3 ấp (sau này là thôn): Hà Quang, Hồ Côi, Ngọc Giáp là “tam ấp” ba làng gần nhau như câu ca dao:.
Tam Kỳ chuyển xuống ngã ba
Gần nơi cửa xẻ ấy là Hà Quang
Hồ Côi, Ngọc Giáp rõ ràng
Kia kìa tam ấp ba làng gần nhau
Riêng ấp Ngọc Giáp trước đây thuộc Tam Kỳ nay thuộc huyện Phú Ninh.
Tam Kỳ cũng có câu sau:
Đầu phồng đá lửa
Có chửa ka – ki
Chửa tại Tam Kỳ
Vô Bồng Sơn đẻ
Câu ca ra đời và truyền khẩu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Quảng Nam. Chính quyền Việt Minh lúc bấy giờ nghiêm cấm buôn lậu. Có những người đàn bà đi buôn lậu hồi đó lợi dụng thời trang mới du nhập, bới tóc cho phồng lên. Họ đã qua mặt các nhân viên tại trạm kiểm soát bằng cách giấu hàng buôn lậu là đá lửa dùng cho hộp quẹt trong búi tóc đó. Họ lại còn giấu hàng buôn lậu là vải ka ki trước bụng, mặc áo che cơi cao bên ngoài, giả người có chửa. Họ nói rằng họ có chửa ở Tam Kỳ, nay về huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định sinh nở. Thật sự, ai cũng biết mánh khóe của kẻ buôn lậu: chửa ở Tam Kỳ là mua và giấu vải ka ki tại Tam Kỳ và vô Bồng Sơn đẻ là vô bán lậu cho những con buôn tại huyện Bồng Sơn  tỉnh Bình Định.
Thời Pháp thuộc, tòa Công sứ của Pháp đóng tại Hội An, còn Nam triều đóng tại La Qua ở phủ Điện Bàn hồi đó. Qua địa danh La Qua, dân gian có câu:
          Con gái La Qua
    Qua đường qua chọc
    Qua bảo em rằng
    Đừng có la qua!
Bài trên thể hiện cách “chơi chữ” của người dân gian ta. Cái tên ‘La Qua’ vốn chỉ là một địa danh hành chính, tự nhiên trở thành ngữ động từ ‘la qua’ – tức “la mắng anh” (vì anh đã trêu chọc em). Từ “qua” còn có nghĩa là bước sang qua chỗ nào đó (qua đường, qua nhà bạn kề bên …) và lại còn có nghĩa là từ tự xưng một cách thân mật với người ở vai vế dưới mình (Người Việt có câu: qua nói hôm qua qua nhưng qua không qua được). Từ đó, qua nghệ thuật chơi chữ của dân gian, câu này có nghĩa là: người con gái ở La Qua, qua (ta, anh) qua đường, qua (ta, anh) chọc ghẹo, qua (ta, anh) bảo em rằng, đừng có la mắng qua (ta, anh).
Tại huyện Điện Bàn xưa, thị xã Diện Bàn ngày nay còn truyền tụng câu hò đối đáp giữa đôi nam nữ:
Nữ: Gặp anh hùng khiến hỏi anh hùng
Cầu mô đi mười hai tháng, phân cho cùng thiếp nghe?
Nam:  Kim Liên, Thủy Tú, Vĩnh Điện, Câu Lâu
Quảng Nam có mấy cái cầu dài thay
Ra sức đi chưa trọn nửa ngày
Lẽ mô có lẽ đi tày một năm
Bạn hỏi ta nghĩ lại cũng nhằm
Cầu chi đi mười hai tháng … có cầu Giáp Năm tê, bạn tề!
Trong đối đáp nam nữ, nữ hỏi cầu nào đi trong “mười hai tháng” tức là đi trong “một năm”, thật là khó cho người nam trả lời. Thật ra, không có cây cầu nào đi qua cầu trong thời gian 12 tháng cả. Các cây cầu trong tỉnh Quảng Nam, cầu dài đi nữa “ra sức đi chưa trọn nửa ngày” làm gì có cây cầu đi trong 1 năm. Đây là người con gái dùng câu đố cũng để “chơi chữ”. Chàng trai suy nghĩ, trong 1 năm, quay 1 vòng hết 12 tháng là “giáp năm”. Từ “giáp năm” làm chàng liên tưởng đến tên cây cầu có tên là cầu Giáp Năm.
Cầu Giáp Năm ở phường Điện An, thị xã Điện Bàn. Ngày xưa có thôn Ngũ Giáp. Ngũ Giáp (“ngũ” là số năm, “ngũ giáp” là “giáp năm”, đọc lên coi như “giáp một năm”) là tên gọi xưa của thôn Phong Ngũ thuộc xã Điện Thắng Nam. Ngũ Giáp cũng là tên một thôn trong 6 thôn: Nhứt Giáp, Nhị Giáp, Tam Giáp, Tứ Giáp, Ngũ Giáp và Lục Giáp. Sáu thôn này nằm từ bờ bắc sông Vĩnh Điện đến giáp bờ nam sông Thanh Quýt, ngày nay thuộc phường Điện An và xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì Ngũ Giáp, Lục Giáp được chép là tên của hai thôn thuộc xã Đồng Phong thuộc : “…huyện Lễ Dương (thị xã Điện Bàn ngày nay) chính 18 xã, 4 thôn: Đồng Phong xã (có bản chép là Chu Phong xã) Ngũ Giáp thôn([2]). Đại Nam nhất thống chí khi chép về các cầu ở Quảng Nam có ghi “Cầu khe Ngũ Giáp ở huyện Diên Phước (lúc đó thuộc phủ Điện Bàn) dài 3 trượng 4 thước (khoảng 25m)” ([3]). Như thế, chàng trai cũng đã dùng nghệ thuật “chơi chữ” để đối đáp lại bạn nữ: Chỉ có cầu Giáp Năm mới đi … trong mười hai tháng, tức là giáp 1 năm trời, mà thôi!
Địa danh cầu Giáp Năm cũng trong câu:
Kìa ai từ Phố ra Hàn
Đi qua Vĩnh Điện, nhớ đàng Giáp Năm
                                                 Giáp Năm, Thanh Quýt chớ lầm
                                     Giáp Năm vải, thuốc quanh năm mãn mùa
Tại huyện Quế Sơn, thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1 có chợ Bà Rén. Đặc biệt, đây là khu chợ heo lớn và nổi tiếng nhất miền Trung từ những năm 1970 nên đã từ rất lâu, người dân ở đây truyền miệng nhau bài ca vui về khu chợ này: Ai về Bà Rén ghé chợ heo/ Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo/ Heo ré, người xung vung bao chuyện/ Trưa tan buổi chợ đã lèo nhèo. và còn có câu: Bà Rén lắm heo.
Chợ tấp nập kẻ bán người mua từ lúc mặt trời chưa ló dạng. Nhiều chiếc rọ chứa đầy heo con (chợ chỉ bán toàn heo con) đã quy tụ người dân mua bán đông nghịt, dàn trải từ chân cầu Bà Rén cho đến bên trong khu trung tâm chợ. Tại chợ, có một nghề mưu sinh lạ lùng, đó là nghề bồng heo thuê của một số người không nghề nghiệp hay những người làm nông trong lúc nông nhàn. Do nhu cầu cân heo giống để bán cho khách hàng, chủ heo cần phải chuyển heo từ rọ này sang rọ khác, có khi còn bồng heo lên để người mua ngắm nghía, kiểm tra xem vừa ý rồi mới mua mang về. Chủ heo làm không xuể nên cần người giúp đỡ bồng heo, dần dần hình thành nên một đội ngũ chuyên "bồng heo thuê". Chợ ngày họp một lần nhưng heo vẫn bán rất "chạy" và luôn được mọi người tin cậy bởi đây là chợ đầu mối cung cấp heo giống lâu đời và lớn nhất miền Trung. Tại chợ, ngày cao điểm lên đến gần 500 con heo, các huyện lân cận đổ heo về, rồi lại được đưa lên xe phân tán khắp nơi.



[1] Theo bài :” Tam Kỳ và các ngã ba” của Phú Bình - Tạ Xuân Quang, Website:
http://tuoitrequangnam.com.vn/home/tan-man-quang-nam/tam-ky-va-c-c-nga-ba.htm.
[2] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, sđd,  trg.111.
[3] Quớc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch Phạm Trọng Điềm, sđd, trang.379.

Không có nhận xét nào: