Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Nghệ thuật đặc tả địa danh qua ca dao, dân ca dân gian

Hoàng Hương Việt

Khó mà nhớ và thuộc hết đại loại các bài ca dao, dân ca, vè, diễn ca nói về địa danh ở một số vùng đất, làng quê, tỉnh thành trong cả nước. Có thể, chúng ta nghe qua đâu đó hoặc đọc qua đâu đó rồi quên.  Nhưng những câu, đơn vị ca dao, dân ca, bài vè về địa danh luôn là những "tác phẩm" độc đáo, đặc sắc về nhiều mặt. Đặc sắc nhất là nghệ thuật ngôn ngữ cô đọng trong vài câu ngắn gọn, vần vè chắc nịch, có khi thô ráp, có khi mượt mà, bóng bẩy, mà đặc tả, lột tả được những nét đặc thù, tiêu biểu nhất về địa danh nào đó.
1. Có hai loại ca dao, dân ca, vè, diễn ca. Một là cách nói trực diện, tức là mô tả thẳng về địa danh mà mình muốn đề cập. Nói tổng quát, nói nhiều việc về địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, đời sống, tâm tư, tình cảm như giải bày "quảng bá" hình ảnh quê hương, xứ sở mình. Các "tác giả" cá nhân hay tập thể dân gian khuyết danh ấy không những tài tình mà tinh tế trong từng câu chữ, ý tứ, có khi "triết lý" một cách lô-rít về quan điểm, thái độ công dân một cách chân tình, rõ ràng, khẳng định nơi, chốn sinh thành lẫn tình cảm của mình.
Như các câu sau đây về đất Quảng:
Quảng Nam là đất quê mình
Núi, sông, đồng, biển rành rành từ lâu
Thương yêu đùm bọc trước sau
Cùng trong Đại Việt chung nhau dư đồ [1]
Sự tồn tại và phát triển của cộng đồng dân tộc ở đất Quảng là những lưu dân, cư dân bản địa cộng cư trong việc khai canh, khai cư lập nghiệp trong đời
sống, sinh hoạt, tập tục; là chủ nhân sáng tạo nên đặc trưng, cốt cách văn hóa vật thể, phi vật thể cả trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, mang bản sắc truyền thống của một vùng đất rất riêng, khá đặc biệt. Trong đó, văn hóa và đời sống văn hóa tinh thần được thể hiện rõ nhất, quán xuyến từ cái ăn, ở, học hành, lao động, vui chơi; cách sống, lối sống, ngôn ngữ giao tiếp, phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng... thoát thai từ chiếc nôi Đại Việt có trên 4.000 năm văn hiến còn thấm đẫm và hằn sâu cùng thời gian và ký ức con người qua trường kỳ lịch sử dân tộc.
Chúng tôi đọc lại một bài dân ca, như đã nói, không rõ xuất xứ và thời điểm ra đời, nhưng được lưu hành và truyền tụng lâu đời ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Cũng cho thấy do truyền khẩu, nên đôi chỗ câu chữ khác nhau, nhưng toàn bộ nội dung không sai lệch, không khó hiểu. Cũng nói về cội nguồn xứ Quảng, (tôi dẫn một đoạn trong một bài có 60 câu) sau đây:
Quảng Nam là đất Chiêm Thành
Trần, Lê thuở trước đành rành đã lâu
Triều ta mở hội năm châu
Từ vua Gia Dũ[2] khởi đầu khai cơ
Tây Sơn giáp ngũ[3] dựng cờ
Cao Hoàng[4] khôi phục cõi bờ về tay
Đặt làm dinh, trấn[5] những ngày
Sau đặt làm tỉnh đổi  thay mấy lần...
(Khuyết danh)
Đây là cách kể chuyện tài tình đầy sáng tạo, giàu tri thức lịch sử, tôn trọng sự thật diễn ra vào những thời điểm đầy biến động của xã hội phong kiến đương thời. Khi ai đó hỏi về đất Quảng, xứ Quảng, muốn tìm hiểu các sự việc, con người và bối cảnh lịch sử ở đây, thay vì trình bày khúc chiếc, có khi dài dòng, không đầy đủ, thiếu chính xác, nhưng chỉ qua mấy vần điệu câu ca trên đây như một sự tổng hợp, tổng kết, tóm tắt, rút gọn khá chỉnh chu, dễ nghe, dễ hiểu. Cho thấy chức năng văn học (dù là văn học dân gian, bình dân), vẫn là sự thông tin, thông báo tinh tế, mang tính thẩm mỹ cao, sử dụng điển tích, cố sự căn cơ trong nhiều nội dung, vấn đề, sự kiện, con người, xã hội, mà ca dao, dân ca chuyển tải là vậy.
2. Loại thứ hai, người làm ca dao, dân ca, vè không nói đích danh địa danh, mà có cách nói xa, nói gần, nói lách, hoặc nói thật gọn, hoặc thói quen thường nhật, như lời ăn tiếng nói chân quê dân dã trong sinh hoạt:
Dậm chân xuống đất kêu trời
Chồng tôi vô Quảng biết đời nào ra.
(Có một cụm từ "dị bản": biết ngày nào ra)

Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành
(Có một cụm từ "dị bản": mấy cô gái Huế chân đi không đành)

Cũng một cách nói như thế, nhưng kín đáo hơn, diễn đạt được cả ý và tình, gởi gắm trong đó tất cả sự sắt son, nổi niềm cố quận, lòng tự hào, tự tình dân tộc, mỗi khi đọc lên ai cũng biết là đang nói về địa danh đất Quảng và cũng chỉ ở đất Quảng, mới có xuất xứ mấy câu này:
Một nghìn bốn chục xã dân
Ai ai cũng có một phần giang sơn.

Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi
Thương cha nhớ mẹ thời về
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thời đừng!

Giang sơn ở đây là đất nước. Một đất nước bao la, rộng dài. Và "một nghìn bốn chục xã dân" của đất Quảng, người nào thời ấy cũng tự hào là mình có "một phần" trong cái địa danh đất Việt mến yêu ấy. Giang sơn gấm vóc Việt Nam bao giờ cũng quần tụ, ôm ấp các tỉnh, thành, như một phần máu thịt của mình, làm nên sự cố kết bền vững như "cây có cội, nước có nguồn".
hoặc: 
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào[6] chưa nhấm đà say
Bạn về nằm nghỉ gác tay
Hỏi nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng đây!

Đất ở đây là để nói đến cái tình, sự ơn nghĩa sâu nặng giữa người với người, như giọt mưa thiên nhiên mềm mại, như giọt rượu nhẹ tênh, dù tình cờ, hay mong muốn đều có thể đón nhận và bền chặt, miễn có lòng tin! Ở một khía cạnh khác, trong một câu ca dao, dân ca lâu đời được lưu truyền ở địa danh Đà Nẵng, lại là sự tố cáo bọn giặc "Tây", bóc trần tội ác, cảnh báo cho mọi người biết đến bản chất thâm độc của kẻ thù; đồng thời cũng là tiếng kêu, tiếng thét bi phẫn, tủi nhục của người dân nô lệ ở mảnh đất này:
Đứng bên ni Hàn[7]
Ngó bên kia Hà Thân[8] nước xanh như tàu lá
Đứng bên Hà Thân
Ngó về Hàn phố xá nghênh ngang
Từ ngày Tây lại cửa Hàn
Đào sông Câu Nhí[9], bòn vàng Bông Miêu[10]
Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu
Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau!

Ca dao, dân ca, vè nói về địa danh (hoặc địa danh qua ca dao, dân ca đất Quảng còn nhiều, như trong một đề tài sưu tầm, nghiên cứu của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban ở Khánh Hòa có viết nhưng không phân tích, dẫn giải gì nhiều). Có dịp trở lại vấn đề này rất phong phú và thú vị.
3. Chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ vùng miền nào trên đất nước chúng ta, đại loại đều có những câu ca dao, dân ca đặc tả, xâu chuỗi những đặc trưng, đặc điểm, cốt cách, phong tục, tập quán đọc lên, nghe tới đều ấn tượng, dễ nhớ, được truyền tụng từ đời này sang đời khác, lan tỏa rộng rãi, sâu đậm trong cảm thức mọi người. Lâu dần, những câu ca dao, dân ca "địa danh" như một nhát cắt "đại diện" để chỉ về nơi, chốn nhất định nào đó lan tỏa rộng rãi.
Dù ở cách nói, cách thể hiện có khi trực diện, hoặc không trực diện, những câu ca dao, dân ca, vè dân gian ấy đạt đến mức vi diệu, tinh tế và tài hoa, đẫm "chất thơ ca" và nghệ thuật diễn đạt điêu luyện.
Khi nói về Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội xưa, có nhiều câu, nhưng được nhớ nhiều nhất, và biết ngay địa danh ấy là đâu:
Không thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An[11].

Còn Sài Gòn, Bến Nghé (thành phố Hồ Chí Minh) ngày nay, không ai không biết mấy câu hò rặt Nam Bộ được lưu truyền không những trên sông nước bềnh bồng, mà trong những bài vọng cổ da diết:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Bến Nghé, Đồng Nai thì về.

hoặc:          
                        Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu...
Anh về....
Chín trăng cũng đợi, ba thu em cũng chờ.

Với Huế, đất đế đô Thần Kinh muôn năm cũ, thì có nhiều câu ca Huế trữ tình, nhưng có một câu "tả cảnh" đặc sắc nhất:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong.

Về Bình Định xứ dừa "Đất võ trời văn" có nhiều giai thoại truyền nhân, vì là vùng đất của anh hùng áo vải Tây Sơn, Nguyễn Huệ đầy nghĩa khí, lừng lẫy một thời, có những câu ca dao đặc thù, dí dỏm:

Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi.
hoặc:          
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi[12], đi quyền.

Cũng như Lạng Sơn, vùng đất cực Bắc của Tổ quốc, núi non điệp trùng, sông suối giăng mắc trung du, đồng bằng đẹp như tranh vẽ. Nơi biên ải hiểm trở lại có nhiều di tích, thắng cảnh đi vào lịch sử:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị[13], có chùa Tam Thanh
Em lên xứ Lạng cùng anh...

Các câu ca dao, dân ca ấy không đề cập về lịch sử, nếu có cũng là sự điểm xuyết sự vật, con người vốn có, còn hầu hết có nội dung xung quanh các sự tích, giai thoại, truyền thuyết, cổ tích, địa danh mang tính đặc thù. Mục đích có lẽ nằm ở chỗ, khi đọc lên là nhận biết ngay xứ sở đó, và cũng chỉ có nơi chốn đó mới cố kết, sáng tạo dân gian nên câu ca như một sự mặc định cho riêng mình.
Ca dao, dân ca, vè, diễn ca về địa danh, hay ngược lại là nghệ thuật đặc tả, mô tả có sự chắt lọc, tổng hợp cao, chỉ trong một vài câu, hay một đoạn, nhưng lại là mẩu mực của học thuật dân gian dân tộc, có sức sống lâu bền và sự tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm mọi người. Đặc biệt các câu ca dao, dân ca ấy đã đi vào văn học sử dân tộc, như một nét son đẹp qua suốt nhiều trăm năm.



[1] Có người cho đoạn ca dao, dân ca, diễn ca này (trọn bài 54 câu) theo truyền miệng là của Tiến sĩ Phạm Liệu, một trong "Ngũ phụng tề phi" cũng đỗ đạt của Quảng Nam, viết trước năm 1904. Nhưng cũng có người bảo tác giả bài này là của Cử nhân Trương Trọng Hữu ở huyện Duy Xuyên sáng tác. Không rõ đúng sai, chủ yếu chỉ nghe truyền miệng là chính.
[2] Gia Dũ: Tức Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1524 - 1613)
[3] Giáp ngũ: Tính theo Tây Lịch là năm 1774, thời Tây Sơn
[4] Cao Hoàng: Tức vua Gia Long (1762 - 1820)
[5] Dinh, Trấn: Tên gọi các vùng đất. Ví dụ như Quảng Nam dinh, hoặc trấn Quảng Nam...
[6] Rượu Hồng Đào: Cho đến nay chưa biết chính xác, rượu được  nấu, chế biến bằng gì, màu sắc ra sao và mùi vị thế nào. Nhưng chỉ có ở Quảng Nam vang danh thứ rượu "chưa nhấm đà say" đó.
[7] Hàn: Là thành phố Đà Nẵng
[8] Hàn Thân: Một làng, thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng ngày nay.
[9] Câu Nhí: Còn gọi là sông Vĩnh Điện (Điện Bàn) thông ra với sông Cổ Cò, Đà Nẵng.
[10] Bông Miêu: Có tên Bồng Miêu, có mỏ vàng khai thác thời Pháp thuộc. Nay thuộc huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
[11] Tràng An: Là tên gọi Thăng Long, Hà Nội xưa, nay là Thủ đô Hà Nội ngàn văn văn vật của đất nước.
[12] Roi: Là cây gậy, côn khúc. Bỏ gậy đánh võ (còn gọi là quyền cước).
[13] Nàng Tô Thị: Truyền thuyết về người vợ lên núi chờ ngóng tin chồng đi xa. Cuối cùng không gặp được nhau, lâu ngày nàng hóa thành tượng đá. Cũng như ở tỉnh Phú Yên có hòn vọng phu, có tượng đá mẹ bồng con nhìn ra biển chờ chồng trở về. 

Không có nhận xét nào: