Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Chợ quê

Nguyễn Hữu Cảnh

Trong cộng đồng dân tộc Việt, có nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đáng trân trọng. Chợ là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống đó. Chợ hay chợ búa, là nơi mà mọi người đến để buôn bán, trao đổi hàng hóa. Tên chợ thường gắn liền với địa danh riêng của một địa phương như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Lệ Trạch, chợ Miếu Bông , chợ Túy Loan…Ngoài ra, chợ còn gắn liền với một mặt hàng buôn bán nào đó như chợ cá, chợ gốm, chợ vải ,chợ trâu hoặc lãng mạn như chợ tình. Có những chợ lớn nổi tiếng trong cả nước, bên cạnh đó, trên khắp mọi làng quê Việt Nam luôn tồn tại một loại chợ quen thuộc gần gũi đó là chợ quê.
            Quê tôi nằm ở vùng hạ lưu sông Hưng Yên, thấp trũng nên vào mùa mưa thường úng ngập, lũ lụt. Làng nhỏ bao bọc bởi bốn bề sông nước nên việc giao lưu hàng hóa ngày xưa gặp không ít khó khăn. Giao thông chủ yếu là phương tiện đường thủy. Vì vậy chợ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế gần như tự cung tự cấp của bà con quê tôi. Chợ quê tôi không chỉ là nơi sinh hoạt kinh tế, buôn bán trao đổi sản phẩm, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, đôi khi cả tâm linh nữa. Người dân quê tôi hiền lành chất phác, khung cảnh làng quê thanh bình êm ả. Ban ngày, mọi người hầu hết tập trung ra đồng tất bật chuyện đồng áng, chỉ khi chiều đến, không khí trở nên náo nhiệt sôi nổi hẳn lên. Chợ mọc lên ở trung tâm khu vực gần đường cái quan thuận tiện cho việc giao thông đường bộ cũng như đường thủy.
            Chợ An Thới nấp dưới bóng mát của lũy tre xanh,tọa lạc trên đất làng Yến Nê , xã Hòa Tiến. Chợ thưa thớt những túp lều tranh, các sạp hàng bằng tre nứa tạm bợ. Đó là nơi buôn bán của các chủ hàng khô, hàng tạp hóa, còn những mặt hàng khác bày luôn ra mặt cỏ vệ đường. Tuy không qui định nhưng người bán hàng cũng tự giác ngồi thành từng dãy , từng hàng chỉnh tề trật tự . Vào lối đi chính giữa chợ là các sạp bày bán các mặt hàng bách hóa thu nhỏ, nào kim chỉ, gương lược, hương đèn…hầu như thứ gì cũng có, kể cả quần áo may sẵn cũng bày bán la liệt cho dễ chọn.
            Phía sau khu hàng bách hóa là dãy hàng bày bán hoa quả, rau xanh, lương thực… Những sản phẩm này chủ yếu thu hoạch từ vườn nhà của bà con các vùng quê tôi. Họ trồng ra không phải để bán nhưng vì dùng không hết nên đem ra chợ trao đổi các nhu yếu phẩm khác cần thiết thế thôi . Người mua không hề bận tâm mặc cả, đắn đo lo sợ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người bán cũng chẳng biết nói thách là gì. Người mua, kẻ bán thật thà định lượng giá trị qui đổi sản phẩm đúng với công sức lao động mà mình làm ra, chẳng hề đôi co chèo kéo mà thân thiện chân tình …Còn nhớ năm hôm mươi ngày, mẹ tôi nhặt nhạnh, thu hoạch các sản phẩm từ vườn nhà như cắt các tàu lá chuối non bó lại gọn gàng, buồng chuối chát xanh, mớ rau, quả bầu , quả bí mẹ bỏ vào giỏ cẩn thận. Bắt con gà, con vịt xem chừng đã hết lớn mẹ đem ra chợ bán để trao đổi những thứ mà gia đình còn thiếu.
             Chợ quê phục vụ cho một bộ phận dân cư hẹp trong làng xã, tuy nhiên không gian chợ  đã bắt đầu hình thành các phường hội, sản phẩm của làng nghề truyền thống các địa phương. Gian hàng chiếu Cẩm Nê, nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, sợi lát mịn, sáng, mình chiếu dày, dùng bền,  hoa văn phong phú tinh xảo được các nghệ nhân trong làng làm ra sánh cùng với chiếu Bàn Thạch, Duy Vinh, Quảng Nam làm nên thương hiệu chiếu thời bấy giờ. Gian hàng sản phẩm làm từ tre nứa do các nghệ nhân làng Yến Nê  được bày bán trên lối đi vào chợ. Những nong nia, thúng mủng, rổ rá, đồ dùng  sinh hoạt lao động hằng ngày được các nghệ nhân tài hoa sáng tạo nhiều kiểu đan khác nhau rất bền đẹp.Bằng chất liệu tre nứa trong làng nhưng các nghệ nhân đã thổi hồn vào nó , tạo thành những sản phẩm gia dụng giàu tính thẩm mĩ. Những chiếc nón lá làng La Bông bày bán xếp chồng như ngọn tháp, cô thôn nữ duyên dáng mời chào, nụ cười tươi như hoa giữa chợ…
            Đất nước đang thời kỳ chiến tranh, nhưng gian hàng cá cũng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng quê tôi. Cá đồng đánh bắt từ sông ngòi địa phương, còn sống, bơi lội trong thau chậu. Cá biển được vận chuyển bằng đường thủy theo sông Cẩm Lệ lên. Để lo cho mùa đông tháng giá, mẹ tôi thường đổi lúa lấy cả thúng cá giò, cá cơm tươi ngon về làm mắm. Những vò mắm to được mẹ tôi buộc kỹ đậy nắp cẩn thận để trong nhà nâng niu như của quí, đúng ngày ,đúng tháng mới được mở ra. Những ngày mưa lũ, ngăn sông cách đò không đi chợ được, chỉ với mớ rau khoai, rau muống, chén mắm cá giò, mẹ tôi nấu nồi canh ngon, bữa ăn đạm bạc mà có chất tươi bổ dưỡng cho cả gia đình.
            Lũ trẻ chúng tôi rất thích theo mẹ đi chợ. Ngày ấy bánh kẹo không được phong phú như bây giờ. Thật sung sướng làm sao khi được mẹ mua cho dăm cây kẹo ú, mớ bánh tai heo hay vài cây kẹo nu ga, đôi khi là xâu quả bồ quân ngọt chát, những con tò he thích mắt…Viên kẹo ú có lớp bột mì trắng mịn bao bọc bên ngoài, tôi không dám nhai sợ mau hết, chỉ biết ngậm trong miệng bao giờ tan mới thôi !.. Ôi, niềm hạnh phúc tuổi thơ mỗi lần theo mẹ đi chợ biết bao giờ lặp lại !..
    Một tháng đôi lần khách phương xa đến chợ biểu diễn khí công ,võ thuật quảng cáo thuốc gia truyền, “kê đơn hoàn tán, thuốc dán, nhị thiên đường”. Bọn trẻ chúng tôi vòng trong, vòng ngoài xem tràn cả lối đi vào chợ. Chẳng biết từ khi nào chợ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng quê tôi. Nhà nào trong vùng có con thi đỗ đại học, dựng vợ gả chồng, tân gia , hiếu hỷ, từ chợ lan truyền khắp nơi trong vùng, niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia sẻ…Đôi khi một nghĩa cử đẹp, hành vi xấu cũng được bình phẩm khen chê, góp ý điều chỉnh. Chợ còn là nơi trai thanh gái lịch trong vùng quê tôi gặp nhau giao lưu trò chuyện vì thế mà bao cặp được nên vợ, nên chồng.
                      Chợ chiều hẹn chuyến đò ngang
                Trai làng cùng với gái làng sang sông
                      Ngập ngừng câu chuyện lông bông
                 Hôm sau thành vợ, thành chồng với nhau.
    Cuộc sống thanh bình của phiên chợ quê đôi khi bị xáo trộn, đó là lúc giặc càn lên đốt phá. Phiên chợ quê tan tác, các sạp hàng chỏng chơ đen sạm nhuộm màu khói súng, nhưng rồi chợ lại mọc lên cứng cáp vững chải hơn xưa…
            Ngày nay, theo xu hướng đổi mới của cơ chế thị trường, nhiều chợ ở nông thôn đã được trào lưu đô thị hóa làm thay đổi bộ mặt đáng kể. Cùng với đó là những thay đổi về cung cách bán buôn , hệ thống siêu thị bán lẻ mọc lên để đáp ứng sự văn minh chuyên nghiệp của việc buôn bán trao đổi hàng hóa.  Nhiều ngôi chợ hiện đại đã được xuất hiện. Tuy nhiên, không những vì thế mà vẻ đẹp của các chợ quê truyền thống bị lỗi thời hoặc mất đi, mặc dù vẫn chịu khá nhiều thách thức của lối sống hiện đại và cung cách làm ăn mới. Theo chúng tôi được biết, trên khắp cả nước không ít chợ quê đã được chính quyền địa phương chuyển dời vị trí, đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, với kinh phí hàng vài chục tỉ đồng nhưng vẫn không có người đến mua bán, đành để hoang phế, lãng phí. Thế mới biết vai trò của yếu tố văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của người dân là vô cùng quan trọng. Cũng có những chợ quê thiếu may mắn, do nằm trên vị trí đắc địa trong khu vực dân cư mà các cấp chính quyền phải xóa sổ để khai thác giá trị đất đai phù hợp với yêu cầu đổi mới. Như vậy, vấn đề đặt ra là sự lựa chọn giữa việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống với việc tăng nguồn thu ngân sách là điều khiến chúng ta quan tâm suy nghĩ ?!..
            Mặc dù có thay đổi thế nào đi chăng nữa, những phiên chợ quê một thời trong chiến tranh, hay những năm đầu thời kỳ hòa bình đổi mới, vẫn có sức ám ảnh sâu đậm trong tâm hồn người dân quê tôi. Những ai đi xa, nhớ về chợ quê trong lòng không khỏi bồi hồi cảm xúc, thức dậy bao tình cảm ngọt bùi ân nghĩa, tình cảm gia đình, quê hương hòa quyện trong những phiên chợ quê tha thiết giản dị mà sâu lắng mặn nồng !...

   Cuối cùng, năm khỉ đến, có một bài học sâu sắc từ … con khỉ:

Con khỉ hái một trái chanh
Ngỡ rằng trái chín trên cành thì ngon
Ruột chua loát vỏ bồ hòn
Cắn rồi liền nhả, lăn tròn trái chanh
Ê răng, khỉ mới dặn mình
Phải dò trong ruột, chớ  tin bề ngoài.

Không có nhận xét nào: