Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Ngói âm dương

Nguyễn Thị Pháp

Sáng nào cũng vậy, khi tôi trở mình thức giấc, mở đôi mắt trong veo nhìn qua cửa sổ thì đã thấy cha và ông thức dậy từ bao giờ. Tôi nói từ bao giờ là vì đã thấy những giọt mồ hôi dài đang thi nhau chảy ướt cả tấm lưng trần đen nhẫy của người rồi. Cha và ông tôi làm công việc gì mà mỗi sáng sớm đã đẫm mồ hôi vậy ?
Họ đang làm đất sét để mẹ, bà đúc ngói âm dương đó! Chắc bạn đọc hơi lạ lẫm về công việc này. Đó là nghề truyền thống của người dân quê tôi tự bao đời. Đó là vùng quê  mà ngày nay được mệnh danh là “Phố cổ Hội An”. Một thành phố mà các mái nhà giữa phố đã rêu phong cổ kính, có những cây rêu xanh mọc ngoằn ngoèo. Du khách thấy mái lợp của nhà như thế thì ngạc nhiên thích thú, muốn khám phá. Các mái lợp của khu phố cổ này là “ngói âm dương”.
Vì sao gọi là “ngói âm dương”, cách làm ngói âm dương như thế nào và tác dụng của những ngôi nhà lợp ngói âm dương … là tất cả những điều trong ký ức tuổi thơ tôi hiểu và muốn gửi gắm đến bạn đọc.
Trước hết, là công đoạn làm ra đất sét để in ngói âm dương. Đất sét là đất thiên nhiên được lấy từ trong lòng đất sâu, đất dẻo, màu vàng rất đẹp. Người ta dung mai (một dụng cụ có lưỡi dài bằng sắt, bén) để xén từng cục đất vuông vức, to từ dưới lòng đất lên và mang về chất thành từng đống. Sau đó lại dung mai xén từng cục đất to ấy ra thành từng lát mỏng nhỏ như bánh tráng nướng được bẻ vụn, đoạn tưới nước đều vào đống đất sét vụn ấy rồi dùng hai chân ra sức đạp mạnh cho đất dẻo mịn ra. Cứ thế lớp đất này mịn thì lại bỏ lớp đất khác lên, tưới nước rồi dùng hai chân đạp đều mãi cho đến khi đất cao dần lên như ngọn nấm khổng lồ. Người ta làm đất rất khéo, không có khuôn mẫu nào mà ụ đất cứ tròn vo rất đẹp. Để cho ụ đất càng mịn hơn thì người làm đất thực hiện công đoạn cuối cùng là lấy dây cung cắt từng lát đất mỏng quanh ụ đất rồi lại vứt mạnh vào ụ đất, cứ thế, cứ thế ụ đất càng căng tròn, mịn màng cứ như đôi má phính trẻ con.
Lúc nhỏ thấy những ụ đất sét như thế này, lũ trẻ nhỏ chúng tôi chơi trò xòe bàn tay bé xíu của mình ra ấn mạnh vào ụ đất sét ấy để in lại rõ nét từng dấu vân tay bé xíu mà thích thú vô cùng.Trẻ con vô tư quá, đâu có biết rằng để có được những ụ đất như những cây nấm khổng lồ này, ông cha mình đã đạp, giẫm hì hục thót bụng, thót gan cả ngày. (Nói điều này tôi hình dung tới cái bụng nhiều múi của ông, cha lao động ngày ấy, tôi đâu biết đó là cái đẹp mà ngày nay các bạn tập Gym, tập thể hình hằng mong ước).
Sau công đoạn làm đất sét là công đoạn in đất thành ngói âm dương. Công việc này là của bà, của mẹ (nói chung là của phụ nữ). Bà, Mẹ lấy cái khuôn gỗ hình vuông mỗi cạnh độ 20cm, đáy khuôn bịt kín, chiều cao khuôn độ gần 10 li. Họ cắt một cục đất sét nặng độ 2 đến 3 kg, nhồi lại thành hình tròn  rồi vứt thật mạnh  vào cái khuôn đã có rải một  lớp cát mịn, thổ lại cái khuôn có đất sét ấy cho đất đều đầy khuôn, rồi dùng cung cắt sát mạnh vào mặt khuôn để bỏ lớp đất sét thừa. Sau đó đem cái khuôn có lớp đất sét vừa được in đó đổ ra sân phơi nắng. (Như vậy có nghĩa là trời mưa thì không in ngói được).
Tôi kể lể dài dòng chi tiết về công đoạn in ngói âm dương vì tôi hiểu đây là một việc làm thủ công tốn nhiều công và đầy nghệ thuật. Ngó thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được đâu. Phải quen tay, cẩn thận, bền bỉ. Người in ngói âm dương vừa dang nắng cả ngày, vừa phải cúi khom mình cả ngày, vất vả lắm! Thế mà có nhiều người in từ sáng sớm đến tối được cả năm sáu trăm viên, bằng những động tác lặp đi lặp lại như một cái máy thật là đáng phục.
Để có được 1 tấm ngói âm dương, phải còn các công đoạn tiếp theo nữa. Đó là phơi ngói, khi ngói được phơi “héo héo” (ngôn ngữ của người làm ngói) có nghĩa là hơi khô khô thì người ta xếp ngói lại từng tập độ mười tấm như học sinh xếp vở rồi cho chúng hơi so le ở hai đầu cự li độ 10 – 15 li, rồi để lên một khuôn gỗ dài độ 4,5 tấc, mặt lưng khuôn có độ cong cỡ 30 độ, dùng bàn là bằng gỗ gõ nhẹ lên khuôn cho đều rồi xếp thành từng hàng, từng hàng để cho đến khi chúng  khô hẳn (khoảng 4, 5 ngày). Khi hàng chục ngàn  viên ngói đất này đã khô cứng thì chúng được mang xếp ngay hàng thẳng lối vào một cái lò đất kín to bằng cái nhà 30 – 40 mét vuông bịt kín. Sau đó dùng gốc củi dương liễu khô đốt liên tục trong khoảng 30 – 40 tiếng đồng hồ sao cho những viên ngói có đất sét màu vàng ấy chuyển sang hồng. Nung ngói chín hồng cũng là một nghệ thuật “nấu nướng”. Không được nung quá lửa, ngói sẽ méo mó, bị chuyển sang màu xanh đen thì hỏng. Vậy phải nung sao cho độ nóng cao, thấp tùy từng thời điểm, thời gian bao lâu thì hạ lửa, rồi tắt lửa, đóng lò!. Nói chung là cả một vấn đề không phải chỉ có “quen tay” và phải có nghệ thuật cao nữa.!
Sau khi đóng lò (tắt hết lửa) phải để cho lò nguội đến 3 – 4 ngày mới mở lò. Mở lò ngói nung cũng hấp dẫn không kém như người ta chơi xổ số vậy! Một màu hồng tươi roi rói tỏa khắp gian lò, đó chính là sự thành công của lò ngói, những tấm ngói gõ kêu “boong, boong” là tốt. Lúc đó, những tiếng cười giòn tan của ông bà, của người lớn, trẻ con vang khắp xóm (chính là mừng sự được mùa). Còn ngược lại “ngói hỏng” màu xanh đen thì coi như cả sự nghiệp gian lao vất vả hàng tháng trời của tập thể lao động tan tành mây khói, phải dọn lò đem ra sông đổ.
Vất vả nọ chồng chất vất cả kia, gian lao này kéo theo gian lao khác mới có được tấm ngói đỏ âm dương.
Nhưng khi tấm ngói được lợp lên mái nhà thì cả là một niềm tự hào khôn xiết. Ngày xưa nhà có điều kiện lắm mới lợp được ngói âm dương. Ngói âm dương người ta thường lợp ở đình, chùa, miễu làng. Lợp ngói âm dương cũng hết sức công phu, rường nhà phải bằng những nẹp gỗ tốt, phải chừa nẹp đúng theo tỉ lệ yêu cầu của ngói. Khi lợp người ta xếp thành từng hàng ngói dày, đều. Cứ một hàng ngói lật ngửa, thì hàng tiếp theo song song phải úp, cứ lợp đều như vậy cho đến hết mái nhà. Cách lợp viên úp, viên ngửa như vậy nên người ta gọi là ngói âm dương!. Tên gọi của ngói có lẻ được mô phỏng từ cách lợp ngói này.
Công đoạn làm và lợp ngói âm dương quả thật là công phu, còn khi sử dụng ngôi nhà được lợp ngói âm dương này thì như thế nào?
Trước hết phải nói đến độ bền, như các bạn thấy đấy, những ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương đã thách thức cùng năm tháng. Chúng có phủ rêu phong theo thời gian mưa nắng nhưng những tấm ngói hãy còn nguyên vẹn! Ngôi nhà lợp ngói âm dương cũng sang và đẹp hơn nhiều, tác dụng của nó lại rất hữu ích cho sức khỏe, hợp thời tiết: mùa đông ấm, mùa hạ mát.

Thật khen cho người sáng tạo ra ngói âm dương. Họ đã lùi vào quá khứ nhưng những mái ngói rêu phong hãy còn theo cùng năm tháng và mãi là niềm ngưỡng mộ của những ai một lần ghé thăm phố cổ, ghi lại vài pô hình của mái nhà rêu phong có những hàng cây rêu mọc trên đấy. Ngói âm dương !

Không có nhận xét nào: