Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Nghề xứ Quảng với vua chúa xưa

Hoàng Hương Việt

Trong quá trình tham gia biên soạn bộ Tổng tập Văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng (05 tập) có độ dày 3.000 trang, là thời gian, điều kiện và dịp tôi được đi (điền dã), đọc để tra cứu và ghi chép tư liệu. Càng đọc, tìm hiểu, càng thú vị đến kinh ngạc về xứ sở mình. Chỉ một mảng, lĩnh vực ngành nghề thủ công thôi, Quảng Nam Đà Nẵng đã cuốn hút, hình thành một lực lượng làm nghề, trong đó, nhiều nghệ nhân lừng danh làm ra các sản phẩm, vật phẩm tinh xảo bằng bàn tay và khối óc dân gian, dân giả lao động để kiếm sống dưới sự cai trị của các triều đại phong kiến. Các sản phẩm "cây nhà lá vườn" là nguồn tài nguyên, nguyên  liệu của đất Quảng đã thu hút người tiêu dùng trong và ngoài nước yêu chuộng tìm đến trao đổi, mua bán.
Điều đặc biệt, các đời vua chúa lại để mắt, phát hiện, quan tâm, sức dân, sử dụng tay nghề, khai thác không sót một ngành nghề nào và đặt ra các đạo dụ, sắc luật, chỉ dụ, sắc phong, thưởng phạt bài bản, chi tiết đến từng cây, con, mùa vụ, kỷ, mỹ thuật... mà sử sách ghi lại không thiếu một nghề nào.
· Nghề dệt vải, đủi, lụa, lãnh, tuýt-xo..: Quảng Nam, có nhiều thợ dệt tay nghề cao, có thể dệt ra nhiều loại vải tơ lụa "đẹp và khéo không khác gì hàng của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc", người ta chỉ chọn mua ở hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn.
Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), thợ dệt Quảng Nam được tuyển về kinh để dạy cho thợ ở kinh đô nghề dệt vải cải hoa (vải lụa có hoa), được cấp cho nhiều lạng bạc nhằm khen thưởng và khích lệ sự tận tâm truyền nghề của họ. Triều đình còn đem tơ sống ở kho giao cho thợ Quảng Nam dệt ra trừu, lụa, trả công cho thợ mỗi tấm trừu (dài 18 thước ta)  1 quan 3 tiền; mỗi tấm lụa (30 thước) 3 quan tiền. Theo "Đại Nam thực lục chính biên", vào năm Tự Đức thứ 18, một số thợ tay nghề cao ở Quảng Nam được rút khỏi các ngạch lính, riêng thợ ở thôn Nam An, Đông Phú, Khương Đông, Phú Trường, Lộc Đông có hàng trăm thợ sung vào các hộ dệt lụa, sa, trừu mỏng, trơn. Các hộ trưởng được phong hàm cửu phẩm, các đinh trong hộ được miễn sai dịch.
· Từ trước đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (con chúa Nguyễn Hoàng), ở hai phủ Điện Bàn, Thăng Hoa đã có nghề tằm tơ. Đất Duy Xuyên bấy giờ là vùng trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng. Ở đây có dinh thờ Bà Chúa Tằm Tang, hàng năm có tế lễ trang trọng, là từ câu chuyện có người con gái nhà họ Đoàn, nhân đêm trăng sáng đi hái dâu ở bãi sông, ngắm trăng và hát: "Tai nghe chúa ngự thuyền rồng / Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa!", đang lúc chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (còn là Thế tử) trên đường tuần du Quảng Nam, dong thuyền đi câu nghe được, tìm đến gặp nàng và sau đó đưa nàng về tiềm để (nơi Thế tử ở), kết duyên, phong làm hoàng hậu. Bà là người đề xuất và chăm lo nghề tằm tang ở xứ sở nầy cho đến cuối đời.
Dưới thời Minh Mạng, nhà vua rất khuyến khích nghề tằm tang. Ngay trong công sảnh tỉnh đường Quảng Nam có nhà nuôi tằm, kéo tơ do một vị quan phụ trách, có các tàm phụ, tàm mẫu giúp việc. Minh Mạng năm thứ 14, quan tỉnh Quảng Nam là Đỗ Khắc Thư dâng 100 cân tơ lên vua. Vua khen thưởng và bảo với các triều thần rằng: "Lệnh cho các địa phương làm lễ chăn tằm. Các quan đầu tỉnh phải thân hành làm việc hướng dẫn nhân dân. Quảng Nam thu được tơ nhiều như thế, thật là do quan tỉnh gia công khuyến khích nhân dân thừa hành...".
· Có hai nghề khác là thêu và nhuộm, thì ở Quảng Nam có nhiều thợ khéo rất được trọng dụng. Theo "Hội sự điển lệ", hai người nổi tiếng về thêu được chọn mỗi tháng một lần thay đổi nhau ra kinh đô Huế làm việc. Hằng năm triều đình tuyển mộ hầu hết là thợ nhuộm và thêu từ đầu năm đến tháng 7 thì về.
· Nấu và chế biến đường, nhất là đường cát lúc bấy giờ được làm nhiều ở huyện Lễ Dương (Thăng Bình), Hà Đông (Tam Kỳ) được triều đình đặt mua hàng năm từ 20 đến 90 vạn cân. Còn mật thô (đường nước đổ ghè) thì các năm Gia Long thứ 11, 12 mua hàng vạn cân, Minh Mạng năm thứ 16, mua trên năm ngàn cân. Minh Mạng đời thứ 6 đến đời thứ 9, chọn ba thợ giỏi nhất về kinh làm việc, cấp lương hàng tháng 2 quan tiền, 1 phương gạo (khoảng 30 cân). Vua Tự Đức năm thứ 18, lập thêm một hộ làm đường tại Quảng Nam  (50 người), mỗi người một năm đóng thuế 40 cân. Hộ trưởng được phong hàm cửu phẩm.
Đường có nhiều loại, do nông dân trồng được nhiều mía tốt, cất trại, xây lò, che ép mía do trâu, bò hoặc dùng sức người kéo. Từ đường non được nấu trong chảo gang to, lọc kỷ rồi chế biến thành đường bát (có màu đen, nâu), đường cát (vàng, hoặc trắng), đường phèn, đường phổi. Đường phổi tên chữ là "phổ đăng" sản xuất ở Điện Bàn nhiều hơn.
· Nghề chạm khắc đá. Làng Quán Kháí (Ngũ Hành Sơn, huyện Diên Phước), là nơi triều đình Huế qui định thành luật lệ: Con trai khi đến 18, 19 tuổi phải đăng vào sổ thợ ở kinh đô, không được tự ý đi làm việc ở nha môn khác, để khi cần tuyển mộ thì đáp ứng đủ.
Theo "Hội điển sự lệ", Minh Mạng năm thứ 12 (1831) truyền lệnh cho Quảng Nam căn cứ các mẫu tượng các quan văn, võ, lính thị vệ, voi, ngựa đá để chế tác đệ về kinh đem bày ở lăng Thiên Thụ, (tức Lăng Gia Long). Chỉ có tay nghề thợ Quán Khái mới có khả năng chạm khắc được các loại tượng bằng đá sa thạch, cẩm thạch ở Non Nước, Ngũ Hành Sơn, là loại đá quý có nhiều màu sắc. Đá cẩm thạch làm hàng mỹ nghệ đa dạng như vòng đeo tay, chuỗi cườm trang sức, chim, cá, cảnh, các loài thú lớn nhỏ, được các nước trong khu vực ưa chuộng đặt mua quanh năm.
·  Nghề còn tồn tại đến ngày nay ở Quảng Nam là nghề đúc đồng làng Phước Kiều, huyện Diên Khánh (Điện Bàn). Đặc biệt các nghệ nhân có kỹ thuật đúc cồng chiêng thẩm âm, đạt chuẩn âm thanh chính xác theo yêu cầu của bà con các dân tộc Tây Nguyên cho cả một dàn chiêng vài chục chiếc. Ngoài ra còn có các nghề nấu, đúc các loại đồ dùng bằng đồng, sắt, chì, kẽm, vàng, bạc nổi tiếng cả nước. Vua Thiệu Trị năm thứ 13 (1843) ban lệnh: "Phàm thợ nấu kim khí Quảng Nam có người đi làm ăn xa đều phải rút về nguyên quán để bổ vào ngạch thợ", khi ra kinh chia vào các ban làm việc, mỗi tháng được phát 1 quan tiền và 1 phương gạo.
Tự Đức năm thứ 20 (1867) cho lập thêm một Sở đúc vàng tại Quảng Nam (chung cho các tỉnh Nam, Nghĩa, Bình, Phú) chọn một thợ giỏi nhất cử làm Tượng mục, phong trật tòng cửu phẩm. Làng nào cũng có lò rèn sản xuất các công cụ sản xuất cho người lao động nông tang và các ngành nghề khác. Ở các chợ lớn, thị trấn thì có người làm nghề chế tác vàng, bạc. Nguồn Chiên Đàn, Thu Bồn có thợ làm nghề đào đãi vàng... Ở Bồng Miêu (Bông Miêu) có mỏ vàng được phát hiện và khai thác mạnh nhất vào thời Pháp thuộc.
· Cũng theo "Hội điển sự lệ",  nghề mộc (đồ gỗ) ở Quảng Nam vừa khéo, vừa tinh xảo, nhiều thợ giỏi, đặc biệt là thợ mộc làng Kim Bồng, huyện Diên Phước. Các tốp thợ làm nghề riêng lẽ tại gia đình, nhưng thường được gọi về kinh đô để phục dịch. Trong thời gian tiến hành xây dựng kinh thành Huế, rồi trùng tu, xây dựng lăng miếu, cung điện, vua Gia Long cho điều hàng trăm thợ làng Kim Bồng ra làm việc suốt nhiều năm. Các đời vua sau, cùng phủ đệ của vương công, quận chúa thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn cũng tiếp tục chọn thợ Quảng Nam.
Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) lập Cục thợ mộc thuộc Sở kho gỗ ở kinh đô, định ngạch 471 thợ lành nghề đều lấy người Quảng Nam. Riêng phố cổ Hội An (có 300 năm từ ngày ra đời, 1553, Ô châu cận lục của Dương Văn An ghi là làng Hoài Phố, Cẩm Phô), toàn bộ các ngôi nhà cổ đều do các tay thợ Kim Bồng và một số nơi khác ở Quảng Nam xây dựng.
· Ở làng Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam), có nghề làm đồ gốm nổi tiếng. Đất làm gốm lấy ngay ở quê, than nung lò nhận từ nguồn Thu Bồn xuống. Toàn bộ các khâu làm ra sản phẩm đều bằng tay và thẩm mỹ là tự nghĩ ra hình dáng, góc cạnh với một màu đất nung đậm nhạt tùy loại.
Dưới thời Minh Mạng, triều đình đã cử quan vào đặt mua các mặt hàng như bát (chén) ăn cơm kiểu chữ Phước, Lộc, Thọ, kiểu Trúc Điểu (cành trúc và chim), kiểu Long Ẩn (rồng ẩn trong mây); các bộ đồ uống trà kiểu Phước, Lộc, Thọ, Ngư tiều (câu cá, đốn gỗ), kiểu Sơn Điển Thính (chim nhí nghe đàn); các loại đôn sứ, chậu hoa, siêu đất, hoa văn... Thời Tự Đức, có thợ gốm Võ Văn Ba, người làng Thanh Hà, từng được gọi ra Huế phục dịch ở lò gốm Long Thọ, cử làm hướng dẫn kỹ thuật.
Từ đời Gia Long năm thứ 6 (1807) khi bắt đầu xây dựng Kinh  thành Huế, đã lập ở kinh đô hai Sở ngói, lấy 600 thợ Quảng Nam ra làm việc. Theo "Đại Nam thực lục", đời Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), lập lệ chọn thợ nung ngói, xây gạch và thợ lợp nhà cũng chọn thợ giỏi Quảng Nam.
· Nghề dệt chiếu lác (cói). Trong "Phủ biên tạp lục" có ghi: Ở làng Hoa Sơn, huyện Tân Phước (tên huyện thời Lê - Trịnh ở phủ Điện Bàn, nay là thôn Yến Nê, huyện Hòa Vang và làng Bàn Thạch (Duy Xuyên), có nghề dệt chiếu đẹp và tốt nhất. Các hộ dân làm chiếu phải nạp chiếu thay cho thuế thân và được miễn lao dịch.
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, Quảng Nam phải thu nộp 35 đôi chiếu lác mềm, 4 đôi chiếu mềm khổ nhỏ, 8 đôi chiếu cù du (thảm lông), 1 đôi chiếu sạp dài, 4 đôi chiếu sạp ngắn, 1 đôi chiếu bạch liên (lác trắng) để bài trí tại văn miếu, 1 đôi chiếu cù du (thảm lông) cạp lụa huyền, tổng cộng 50 đôi. Còn phải nộp 75 đôi chiếu trắng khác cho công đường các phủ, cùng chùa miếu ở các địa phương. Riêng chiếu hoa (gồm các chữ Phước, Lộc, Thọ; Điểu, Mai, Cúc, Trúc; Rồng, Cá....) cũng bằng cây đay, lác nhuộm dệt thành, hoặc in nhiều màu các hình mẫu nói trên. Loại chiếu Hoa Đằng (mây hoa và Giai văn trắng, nhẹ, mềm) theo lệ định chiều dài 5 thước, 4 tấc (thước ta), chiều ngang 4 thước để trải nền nhà, lối đi sân chầu tại cung đình trong các dịp lễ trọng.
*
          *  *
Như từ đầu của trang tư liệu sao lục nầy, tôi đã viết: Càng đọc để hiểu biết chút ít, hay một phần rất nhỏ về Xứ Quảng mình. Phần nhỏ ấy là "Ngành nghề Quảng Nam" có liên quan đến các triều đại vua chúa phong kiến, nhất là các đời vua Nguyễn. Tôi vừa tự hào, sung sướng vừa cũng ngạc nhiên, ngỡ ngàng về vùng đất của các thế hệ cộng đồng cư dân xứ Quảng. Cái vùng đất xứ Đàng Trong, từ thuở khai thiên lập địa, nơi đầu sóng ngọn gió đến "con chim kêu cũng sợ/ con cá vùng cũng kinh", mà lại có những con người tài hoa xuất chúng ở mọi ngành nghề dân dã. Cái sức sáng tạo phi thường đó, sự lao động không mệt mỏi đó đã tác động trực tiếp và hé mở bao tiềm năng về sức người, về tinh hoa, tiềm năng, về của cải đến các triều đình vua chúa đã cuốn hút những "cái đầu" nắm quyền cai trị người dân, vừa khai thác, bòn rút nguồn tài nguyên thiên nhiên, sản vật quí hiếm và sản phẩm hoàn hảo về kinh, làm giàu cho cả dòng họ thế tộc, quan gia của họ, vừa quảng bá, rao bán và quản lý người và của một cách tinh vi.
Nhưng cũng may, có những vị vua vì biết được giá trị của nghệ nhân, của tay nghề hiếm ở đâu có được như ở Quảng Nam, đã gia công tính toán, đề ra luật lệ, trả công, ban thưởng và cũng có phần nễ trọng tài năng mà chú ý xây dựng, đắp bồi cho vùng đất nầy để phát triển, gìn giữ, lưu truyền; kể cả gìn giữ các ngành nghề truyền thống thuần Việt ấy ở kinh đô xa hoa, tráng lệ lúc bấy giờ.
Lần theo từng trang sự kiện, chỉ một lĩnh vực "nghề"  trong một vài bộ sách xưa, sách cổ đã được dịch in lưu hành như: Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Việt sử thông giám cương mục, Phủ biên tạp lục, Ô châu cận lục, Minh Mạng chính yếu... Đặc biệt, sách QN-ĐN qua các triều đại phong kiến của Nguyễn Minh Triều (Tôn Thất Trân) và nhiều tư liệu khác. Đây quả thật là điều may mắn cho chúng ta ngày nay. Nếu không thì căn cứ vào đâu, lấy đâu "mà nói có sách, mách có chứng" về Quảng Nam chúng ta trong tất cả các lĩnh vực địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, có trên 500 năm qua, được sử sách ghi lại.
Đọc lại một đôi câu chuyện xưa (chưa đầy đủ tình tiết, chương mục), nhưng cũng là điều thú vị và có ích. Biết đâu, chuyện xưa, có cái ngày nay còn phải nghiên cứu, học hỏi và làm. Phải chăng?.

Không có nhận xét nào: