Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Cái thuở ban đầu hớt tóc ngắn

Thy Hảo Trương Duy Hy

Từ xa xưa cho mãi đến đầu thế kỷ XX, nam nữ nước ta đều để tóc dài bắt đầu từ lúc thiếu niên – khi tóc dài quá thì bới thành búi tóc đằng sau gáy. Người có tóc rậm thì búi tóc to, người sưa tóc thì búi tóc nhỏ, nhất là đàn ông, có người búi tóc chỉ bằng củ tỏi đính sau ót ! Năm 1945 gia đình tôi tản cư về quê Bến Đền, tôi còn gặp nhiều cụ ông còn tòn teng sau ót một củ tỏi tóc bạc.Còn đàn bà như mẹ tôi, các dì, các chị tôi thì khỏi nói, ai cũng bới tóc cả và cảnh ấy chẳng còn ai bận tâm để ý đến, nó trở thành truyền thống.
            Truyền thống nầy có cơ sở để giải thích, đó là ông bà ta hầu hết  theo Khổng giáo và giáo dục nho gia truyền từ “Vạn thế sư biểu” Khổng Phu Tử có lắm điều được xem như khuôn vàng thước ngọc, với đấng nam nhi thì giữ lấy “ Tam cương” ( vua tôi, cha con, chồng vợ) và “Ngũ thường” (Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), còn nữ giới phải khiêm cung giữ lấy “Tứ đức” (công, ngôn, dung, hạnh) và “Tam tòng” (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), còn như việc giữ búi tóc trên đầu thì căn cứ vào lời dạy của Ngài , được ghi đầy đủ trong “Minh tâm bửu giám” : “Thân thể phát phu thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương hiếu chi thủy dã” (Mình vóc tóc da là của cha mẹ tạo ra không dám làm hư nát, đó là đức hiếu thứ nhất vậy). Ngài đã dạy như vậy thì còn ai dám cắt tóc ngắn để mang lấy tiếng “bất hiếu chi tử !?).
            Chính vì thế mà búi tóc cứ bám riết sau ót của nam nữ cả mấy ngàn năm không một chút biến cải. May sao, đầu thế kỷ XX, có những nhà cách mạng chủ xướng cắt bỏ búi tóc sau ót với những lý lẽ sát thực không cãi vào đâu được....nhưng thực hiện quả là việc vô cùng khó khăn và chỉ có thể dùng từ “cách mạng” dứt bỏ búi tóc nhỏ sau ót mới thật là thích đáng. Người dám đứng lên hô hào đó là chí sĩ Phan Châu Trinh của đất Quảng  quê ta và sự kiện nầy sẽ không khiên cưỡng khi nói rằng “Quảng Nam – Đà Nẵng là cái nôi  khởi xướng phong trào hớt tóc ngắn “ mà cụ Phan Khôi hơn một lần đánh giá vào năm 1906.Nhưng có vị hô hào thì phải có kẻ hưởng ứng quyết liệt chứ ? Đằng nầy chỉ có một số năng nổ nhiệt liệt hưởng ứng nhất ban đầu là những bà con chống thuế cự sưu hồi ấy. Cho nên ngày nay các nhà nghiên cứu sử học nhập hai sự kiện cắt tóc và xin xâu vào một,gọi chung một cách chính xác là “ Phong trào cắt tóc, xin xâu Quảng Nam năm 1908...”.
            Tìm hiểu sâu rộng  tại Quảng Nam Đà Nẵng – theo thứ tự thời gian thì lần lượt có ba nhân vật hưởng ứng phong trào cắt tóc nầy một cách tích cực nhất, mỗi vị có suy nghĩ và hành động tuy khác nhau nhưng sau khi thấy được chân lý liền ứng dụng ngay trên đầu mình, bản thân mình, rồi cổ xúy mọi người cùng làm như mình, bằng thơ ca, bằng
những bài diễn thuyết hô hào trước công chúng. Ba vị đó là :
Mộ Tú Quỳ
 
            1) Tú Quỳ : Tên thật là Huỳnh Quỳ sinh ngày 15-5 Mậu Tý (1828) qua đời ngày 5-5 Bính Dần (1926). Sinh quán làng Giảng Hòa Duy Xuyên, nay là xã Đại Thắng thuộc Đại Lộc. Ông là nhà nho có tâm huyết nhưng “bất phùng thời” nên ông thường dùng những vần thơ phúng thích, nhất là ông không xu nịnh, rất thương dân nghèo, chính ông từng ngầm đứng ra quyên tiền của bà con góp hỗ trợ vụ Đông du của cụ Phan Bội Châu .Khi quê hương Quảng Nam rộ lên việc hớt tóc, ông nông nhiệt hưởng ứng ngay bằng một bài đường thi:
HỚT TÓC
        Thân thể phát phu chữ thọ chi (*)
        Bấy lâu quấy rối bởi vì mi
        Phất phơ trên trốt hoa râm điểm
        Hiếu thảo ngoài da cóc mốc xì
        Nở để rộn ràng cơn gió bụi
        Thà rằng mát mẻ dấu từ bi.
        Chẳng lo chí cắn lo ai bắt(**)
        Mặc sức ăn no mặc ngủ khì
                                                  TÚ QUỲ
            Rõ ràng nội dung bài thơ chỉ vỏn vẹn có 64 từ với giọng trào phúng nhẹ nhàng bỗng trở thành lời kêu gọi bà con nên cúp tóc để giữ vệ sinh, chứ hiếu thảo chi ở cái búi tóc đó. Ông là nhà nho nhưng không thể chấp nhận tính hủ lậu sùng bái thánh nhân một cách mù quán. Tại thời điểm chưa đến hồi chế độ phong kiến cáo chung mà ông dám bày tỏ ý kiến của mình “ Hiếu thảo ngoài da cóc mốc xì” kể cũng gan thật. Và cũng từ đó dân chúng quanh vùng ông dần dần giác ngộ, họ vui vẻ đi cúp tóc như ông.
            2) Tú Khôi: Tức Phan Khôi hiệu Chương Dân, biệt hiệu Tú Sơn, Khải Minh Tử.Ngoải ra còn nhiều bút danh khác. Sinh ngày 20-8-1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.Qua đời tại Hà Nội ngày 19-1-1959 (8 tháng chạp Mậu Tuất )
            Năm 1905 đỗ Tú tài Hán học (18 tuổi). Ông là người trí thức yêu nước, tham gia phong trào duy tân từ ấy. Bản tính nhạy cảm, rất thông minh, đã tự tạo cho mình một  uy tín lớn trên nhiều lĩnh vực : báo chí, tranh luận  văn học, khởi xướng làm thơ mới, dịch nhiều bộ sách chữ Hán, dịch toàn bộ kinh thánh đạo Tin Lành, viết tiểu thuyết bằng Hán văn... Bàn tính rất cương trực, không a dua, nịnh bợ bất cứ ai dù kẻ đó có quyền uy tuyệt đỉnh.
            Trong thởi buổi phong trào hớt tóc rộ lên, nhưng không dễ gì mọi người đều nhất tâm đưa đầu cho thợ cắt trụi tóc trên đầu . Hồi đó Báo Phụ Nữ Tân Văn dành một đoạn thay lời dẫn về “tự sự chuyện Phan Khôi với lịch sử tóc ngắn” như sau :
            “Cách đây trên ba mươi năm “cuộc cách mệnh” nhóm ở tâm trí một số người muốn đổi mới dân ta về hình thức. Sự đổi mới bắt đầu từ... cái đầu. Và cuộc cách mệnh có một lý tưởng lớn lao này : hô hào cắt bỏ cái búi tóc cổ cựu. Bạn đọc báo ít người ngờ rằng có một cuộc hành động có tính cách như thế, và hẳn cũng muốn biết lịch sử cái đầu húi tóc gọn gàng mới mẻ, mà chúng ta sẵn lòng sửa gọt và chải chuốt nhất là trong dịp vui vẻ này.
            Dưới đây trong một bài “tự truyện” kỳ thú vì những hình thức và hương vị xưa, ông Phan Khôi thuật lại cho chúng ta biết những trường hợp đượm chút vẻ khôi hài của lịch sử cái đầu tóc ngắn An Nam kể từ 1906.”
Lời tòa soạn Phụ Nữ Tân Văn.
           
“Hớt tóc là một cái biểu hiện mới của dân An Nam bắt đầu có từ 30 năm nay. Vào khoảng 1906 về trước, đàn ông chúng ta vẫn để tóc dài và búi lại ở đằng sau thành cái đùm, đến từ Huế đỗ vô đàn bà cũng búi tóc, gia dĩ kiểu quần áo cũng chẳng khác nhau là mấy, nên nhiều lúc xem sau lưng, đàn ông, đàn bà cũng có thể lẩn lộn được.
            Ngày nay hầu hết đàn ông chúng ta không còn có tóc dài nữa. Con trai từ đầy tuổi tôi là hớt thẳng cho tới lớn tới già  Bới đó, hớt tóc cũng trở thành ra cái nghề. Không nói ở thành phố lớn, nghề ấy phát đạt ra sao; cứ kể trong một làng, nhỏ như làng tôi, hiện có tới 12 tiệm hớt tóc và phỏng độ sáu bảy mươi thợ vừa làm nghề ở làng, vừa đi ra ngoài. Quả thật một việc bày ra đã giúp ích cho chúng ta nhiều phương diện : vệ sinh, mỹ thuật, lại kinh tế nữa, ích lợi biết bao !
            Thế nhưng hồi kỳ thủy, một bọn người gây ra sự cải cách ấy cho thành một phong tục, cũng khó khăn lắm, đáng ghi chép để làm sử liệu.
            Chúng ta không nên quên rằng giữa lúc cả thần dân An Nam đương còn để tóc dài ấy thì vua Thành Thái đã cắt cụt lâu rồi. Ngài chẳng những tự làm cụt tóc mình, mà còn bắt ép các cận thần như thị vệ, cẩn tín đều phải làm như mình nữa. Dù vậy, đối với các hành vi của vua, người trong nước chẳng ai cho là phải và bắt chước. Trái lại họ chế. Năm 1905 giá ngự vào Quảng Nam, khi vua mặc đồ Tây dùng ba tông đứng chống nạnh trên chiếc ghe câu đi qua đò Phương Trà để lên làng Chiêm Sơn, có một bọn sĩ phu đi coi, xầm xì nói với nhau rằng : “ Vọng chi bất tợ !”. Bởi thời đại chưa đến, phong khí chưa mở nên sự vua Thành Thái hớt ót đáng lẽ có ảnh hưởng lắm, lại hóa ra chẳng có ảnh hưởng chút nào hết đến xã hội Việt Nam.
            Hớt tóc mà thành ra một việc có ý nghĩa hay cũng có thể gọi được một cuộc vận động, là từ năm 1906 đến 1908 giữa lúc mọi người đều biết có ông Phan Bội Châu ở Nhựt Bổn và trong nước dấy lên cái phong trào “xuất dương du học”.
            Nói riêng về trong tỉnh Quảng Nam chúng tôi. Bấy giở làng Gia Cốc cũng có một nhóm người, bọn các ông Học Tốn, Ấm Đôn hớt tóc rồi, nhưng họ làm mà không rủ người khác cùng làm, nên cũng không ai để ý đến họ.
            Mùa đông năm 1906, thình lình ông Phan Châu Trinh đi với ông Nguyễn Bá Trác đến nhà tôi. Đã biết tin ông Phan mới ở Nhật về, tiên quân tôi chào mừng một cách thân mật với câu bông đùa nầy “Cửu bất kiến quân, quân dĩ trọc” khiến tôi để ý xem ngay đầu ông Phan , thấy không đến trọc, nhưng là một mớ tóc bờm xờm trong vành khăn nhiễu quấn.
            Ở chơi nhà tôi ba hôm, lúc đi, ông Phan Châu Trinh và ông Nguyễn Bá Trác rủ tôi cùng đi sang làng Phong Thử, nơi hiệu buôn Diên Phong, là nơi cơ quan của các đồng chí chúng tôi lúc bấy giờ mới lập được mấy tháng, Tôi có gặp thêm ông cử Mai Dị nữa, rồi 4
người tôi cùng đi thuyền lên Gia Cốc, thăm ông Học Tốn, ông này có mở một tiệm buôn và một sở vườn trồng quê, trồng chè ở làng An Chánh gần đó, nhân thể mời chúng tôi đến chơi.
            Một nếp nhà chòi đóng sơ sài ở trên đồi, bốn phía cây cối um tùm, giữa mùa đông lạnh và vắng vẻ. Vào nhà rồi, một điều nhận thấy lấy làm lạ mắt nhất, từ chủ đến người làm công, kẻ tôi tớ, cả nhà hết thảy chừng 20 đầu người, đều không có tóc dài như ba chúng tôi.
            Giữa bữa cơm sáng đầu tiên, khi ai nấy đã có một chén hoặc ít hoặc nhiều, ông Phan mở đầu câu chuyện nói:
            - Ngoài đời nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tính rụt rè, không dám làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ tránh truất, có khi họ nói : Việc nhỏ không xứng đáng. Trong ý, họ đợi đến việc lớn kia. Nhưng nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ việc nào cũng sẽ là nhỏ cả, thành thử cả đời họ không có việc mà làm !...
            Ông Phan lúc đó gặp ai cũng hay diễn thuyết, những câu chuyện luân lý khô khan như thế, mấy hôm sau ông đem ra nói với bọn tôi hoài, thành thử khi nghe mấy lời nói trên đó của ông, không ai để ý cho lắm, cứ tưởng là ông phiếm luận,
            Thong thả ông nói tiếp :
            - Nếu lấy bề ngoài mà đoán một người là khai thông hay là hủ lậu thì trong đám chúng tôi ngồi đây có ba anh – vừa nói ông vừa chỉ ông Trác, ông Dị và tôi – là hủ lậu hơn hết, vì hai anh còn có cái đùm tóc đàn bà.
            Cả mâm đều cười hé môi. Ba chúng tôi bẽn lẽn. Ông Phan lại nói :
            - Nào ! Thử cúp đi có được không ? Đừng nói việc nhỏ, việc nầy mà các anh không làm được, tôi đố các anh còn làm được việc gì !
            Câu sau đó ông nói với giọng rất nghiêm, như muốn gây với chúng tôi vậy.
            Ông Mai Dị đỏ mặt, tía tai :
            - Ừ thì cúp chớ sợ chi !
            - Thì sợ chi !
            - Thì sợ chi !
            Ông Trác rồi đến tôi phụ họa theo. Khi ấy trong mâm cơm cười ầm lên, mỗi người như có sự đắc ý gì lớn lắm. Ông Học Tốn cầm ve rượu rót thêm cho ba chúng tôi và mời : Uốn nữa! uống nữa! Mấy kẻ ở nhà dưới tưởng có việc gì xảy ra, chạy lên xem thấy cười, họ chẳng biết đầu đuôi chi, cũng cười mà trở xuống.
            Bữa cơm xong đã đứng trưa, trời vẫn mưa phùn, ông Học Tốn bảo người nhà mở cửa nhà trại đạp lúa, rủ bức mành che bớt gió, và đặt ở đấy mấy cái ghế cho chúng tôi. Người em ruột ông Ấm Đôn cầm kéo, ông Phan Châu Trinh ngồi một ghế như thị thiềng...Ông Mai Dị được hớt trước  rồi đến hai chúng tôi. Mỗi người đều đầy ý quả quyết và tin nhau lắm, chẳng hề sợ ai nửa chừng thoái thác. Hớt xong những tóc của ba cái đầu bỏ đầy một thùng, có mấy người đàn bà ở cạnh đến tranh nhau xin về làm chang, về sau tôi mới biết ra rằng lần hớt tóc này thiệt vụng quá, chỉ cắt ngắn đi thôi, chứ không theo kiểu mẫu gì cả ! Thế mà lúc đó ông Phan trầm trồ khen mãi “ Cúp khéo đấy ! Coi đẹp đấy!”.
            Tối hôm đó còn ở lại An Chánh một đêm, ví đêm tôi ngủ chẳng yên cứ trở mình, mở mắt, chốc chốc lại mó lên đầu, trong lòng thổn thức.
            Chuyến đi chơi nầy chỉ đi chơi trong mấy hôm rồi còn về nhà, chứ không phải đi
bỏ xứ ! Vè nhà mà mang cái đầu này về, dễ chịu làm sao! Nhà mình còn có cha, có bà nội – sao mình tự tiện quá thé này? Nhưng không làm thế này sao được “ Minh là người định làm việc lớn kia mà ! Thế mà trước mắt các ông đi Nhật Bản về kia, mình không làm nổi
việc nhỏ thì bé lắm ! Đó là những điều trao trở qua lại trong đầu tôi trong đêm ấy và luôn mấy đêm sau, trước khi về đến nhà, có một điều tỏ ratooi thật thà và ngây thơ quá, nghĩ gì thì nghĩ, chứ không hề nghĩ đến mình làm việc ấy là bị khích bởi ông Phan.
            Ở Gia Cốc về, tôi chưa về nhà vội, còn định trú lại Diên Phong mấy ngày. Ở đó chúng tôi yêu cầu các ông Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư cũng làm như chúng tôi, luôn với năm sáu mươi người vừa người làm, người học trò đều cúp trong một ngày. Rồi hễ có vị thân sĩ nào đến chơi là chúng tôi cao hứng lên diễn thuyết cổ động khuyên họ cúp thảy cả. Trong số đó có ông tiến sĩ Trần Quý Cáp, thầy chúng tôi và các ông Tú Hữu, Tú Bôm, Tú Nhự có nhiều không kể hết, iwts hôm sau, ông Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Đông ra cũng cúp tại đó. Chính tay ông Lê Dư cầm kéo hớt cho ông Huỳnh dù ông Lê chưa hề biết qua nghề hớt tóc là gì !
            Hôm ở Diên Phong về nhà tôi phải viện ông Lê Dư đi về với. Thấy hai chúng tôi, cả nhà ai nấy dửng dưng. Trước, tôi mảng tưởng về nhà chắc bị quở dữ lăm, nhưng không, thấy tôi tảng lờ đi, bà tôi càng lạnh lùng hơn nữa, chỉ ba chặp lại nhìn cái đầu tôi mà chặt lưỡi. Dò xem ý bà tôi, hẳn cho rằng tôi đã ra như thế là quá lắm, không còn chỗ nói !...
            Người làng đối với việc tôi làm đó, phần công kích nhiều hơn phần tán thành. Đến bọn đàn bà trẻ con thì lại cười nhạo ra mặt, mỗi khi gặp tôi đi đường, chúng công nhiên chỉ trỏ và nhe răng ra với nhau. Có đưa chê tôi dội cái vung lên đầu. Tôi mặc kệ tất cả, cứ hằng ngày cổ động thêm, nhiều người phản đối rồi cũng chịu hớt. Trong làng bấy
 giờ có người tên là Biện Nghệ bắt đầu sắm dao, kéo, tông đơ hớt tóc lấy tiền.
            Qua năm 1907 trở đi, thôi thì cả tỉnh chỗ nào cũng có những bạn đồng chí về việc ấy. Ở đâu có trường học theo lối mới thì ở đó là cái ổ cúp tóc. Năm ấy trường Diên Phong cũng mở rộng, học trò đông thêm, người kiểm khán tên là Lê Văn Đoan vừa làm kiểm khán vừa làm thợ cúp tóc. Lúc này không còn phải cổ động nữa mà hằng ngày có những người ở đâu không biết, mang cái búi tóc to tướng đến xin hớt cho mình. Bởi một ý đùa, tôi đặt một bài ca dao cho Đoan để mỗi khi hớt cho ai thì ca theo dịp đó:
                                                Tay trái cầm lược,
                                                Tay phải cầm kéo.
                                                Cúp hể, cúp hề !
                                                Thẳng thẳng cho khéo !
                                                Bỏ cái hèn mầy
                                                Bỏ cái hèn mầy,
                                                Cho khôn cho mạnh
                                                Ở với ông Tây ! v.v...

            Giữa lúc đó có lời phao đồn ở Diên Phong, chúng tôi hay cưỡng bách người ta hớt tóc, đến nỗi khuyên không nghe mà rồi đè xuống cứt đi thì thiệt là thất thực, không hề có
thế bao giờ. Sự cưỡng bách ấy nếu ta có trong vụ “xin xâu” năm 1908 là do những kẻ cầm đầu đoàn dân thi hành. Tôi vắng mặt trong vụ ấy, nhưng sau nghe nói lại rằng, mỗi một đoàn dân kéo đi, giữa đường nếu có ai xin gia nhập thì đêu buộc phải hớt tóc*, hoặc khi đoàn dân nghỉ ở một cái chợ thì người cầm đầu đứng ra diễn thuyết, bắt đàn ông trong chợ đều phái hớt tóc rồi mới cho nhập bọn đi theo mình. Cũng nhờ vậy mà sau vụ này, thấy số người cắt tóc tăng gia rất nhiều.
            Hớt tóc cũng là một cớ buộc tội trong vụ án năm 1908 ở mấy tỉnh Trung kỳ. Làm người không có việc gì cả, chỉ đã hớt tóc mà cũng bị ghép vào mặt luật bất ứng vi trọng, phải 18 tháng tù. Lại cuộc phiến loạn năm 1908 ấy, trong các ký tài của người Pháp cũng gọi là “Cuộc phiến loạn của bọn hớt tóc
            Cũng năm 1908, tôi ở Hà Nội thấy bọn ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Dư Tốn đã mặc âu phục rồi, nhưng rất nhiều người đàn ông ở thành phố còn có tóc dài. Thì ra, duy ở Trung kỳ có lần vận động ấy mà đến bây giờ cái tục hớt tóc mới mới lan khắp cả dân gian ; còn Băc kỳ, Nam kỳ cũng vậy, vì chưa hề có một phong trào như thế, nên ngày  nay trong chốn thôn quê vẫn còn nhiều cái búi tóc.
                                    (Ngày Nay số 147 ngày 15-2-1939)

3) Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa : Tên thật là Huỳnh Thị Thái, Bút hiệu Huỳnh Thị Bảo Hòa,  hay Bảo Hòa. Sinh năm 1896  – Qua đời ngày 8-5-1982 tại Đà Nẵng. Bà là phụ nữ thông minh, tiến bộ nhất trong nữ giới Đà Nẵng (xem thêm ấn phâm Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa do Thy Hảo biên soạn, Nxb Văn Học, 2003. Nxb Đà Nẵng tái bản 2008).
            Từ ngày rời quê hương theo chồng, nhằm vào thời điểm phái đàn ông hô hào cắt tóc ngắn chứ phái nữ thì chưa ai nói đến, bởi đàn bà còn lệ thuộc rất nhiều cấm đoán khắc khe của tục lệ , nhất là đàn bà hồi đó xem việc tham gia công tác  xã hội, làm việc ở công sở, không phải là bổn phận cùa mình. Bổn phận của nữ giới sinh ra là để  chăm lo cha mẹ, chăm lo chồng con, quanh quẩn trong nhà mà thôi ! Vì thế , việc cắt tóc ngắn không liên hệ gì với người phụ nữ nên cả nước hồi ấy, phụ nữ cứ việc để tóc dài  không ai có ý kiến gi.
             Riêng tại Đà Nẵng, bà Huỳnh Thị Bảo hòa – một phụ nữ nhạy cảm trước tư duy đổi mới, tư duy duy tân, bà cảm nhận việc làm nầy của phái đàn ông là đúng và đúng luôn cả với giới quần thoa. Thế là bà tự tìm tòi, nghiên cứu những chứng lý biện minh giới phụ nữ muốn tiến bộ cũng phải hớt tóc... Rồi bà thực hiện ngay trên đầu bà, cắt phăng búi tóc sau ót rồi đăng đàn diễn thuyết nhân cách người phụ nữ với nội dung hô hào chị em trong nước tự cải tiến đời sống và đặc biệt bà đã có bài “Trả lời phỏng vấn” của báo chí về hành động hớt tóc của bà.
            Dưới đây, tôi xin ghi lại nguyên văn  bài trả lời đó trên báo Phụ Nữ Tân Văn và được báo Nam Phong tái đăng sau đó, phục vụ  quý bạn đọc:
 Trả lời phỏng vấn :
VÌ SAO TÔI CÚP TÓC ?
            (Lời dẫn : Đây, bài trả lời của bà Huỳnh Thị Bảo Hòa trước câu phỏng vấn của đại biểu báo Phụ Nữ Tân Văn là cô Nguyễn Thị Kiêm và ông Nguyễn Đức Nhuận đi du lịch và khảo sát hiện tình Phụ nữ Trung kỳ tháng Mai 1934. Đến tháng Juin 1934, tạp chí Nam Phong đánh giá cao nội dung trả lời của bà nên đã  chọn, tiếp tục  đăng trong quyển 34 trang 390-392 mặc dù bài nầy đã được đăng trước đó một tháng  với lời giới thiệu  trân trọng dưới đây– SG -).
            Bản chí tiếp được bài “Vì sao tôi cúp tóc?” của bà Huỳnh Thị Bảo Hòa ở Tourane gởi ra cho. Bài này bà Huỳnh Thị Bảo Hòa trả lời cuộc phỏng vấn của báo Phụ Nữ Tân Văn Sài Gòn về cớ sở dĩ vì sao mà bà cúp tóc . Trong bài bà giải bày đủ mọi điều lợi ích cho nữ lưu ta về sự cúp tóc, ích lợi về tinh thần, về vệ sinh, về vận động về mỹ thuật. Bà Huỳnh thị có nói đại ý việc cải tạo phụ nữ ta hiện thời không những quyền lợi về trí thức, mà về hình thức cũng phải quan tâm cải cách. Song những việc còn phải thỉnh cầu thì còn phải đợi, chi bằng những việc thuộc về quyền tự do của cá nhân ta nên làm trước. Bà Huỳnh thị nói thế là đã biết cái phương pháp cải cách. Chúng tôi rất lấy làm chú ý về chỗ đó.
            Chúng ta phải sống với thời gian, thời gian thay đổi ta cũng phải thay đổi. Nhưng đổi thay cũng phải tùy tự sức ta có thể làm được thì làm mới có hiệu quả. Vậy về nữ giơi cũng như về nam giới, về hình thức cũng như về tinh thần, cái gì đổi mới mà có ích lợi thật và có thể làm sớm được, thì ta đều nên kịp thời mà làm đi.
            Bà Huỳnh thị là nhà nữ học có giá trị ở Trung kỳ, đã có bài diễn thuyết về “ nhân cách phụ nữ “ đăng ở bản chí số 191, nay bài “ Vì sao tôi cúp tóc “ này là một vấn đề có ảnh hưởng về cuộc cải cách của nữ lưu. Vậy bản chí có mấy lời giới thiệu cùng độc giả.                                                                                                           N.P
            Tôi khởi sự cúp tóc từ đầu năm 1933, đến nay đã hơn một năm rồi, nhưng tôi chưa hề có đem sự này ra nghị luận, cổ động lên các báo chí. Vì bản ý tôi muốn tự khiêm, và có ý để cho chị em nữ giới ta có mắt thấy, có tai nghe, có trí phán đoán điều ích lợi phải trái, mà phê bình, mà thi hành, không cần phải ai bàn bạc cho thêm rườm nữa. Vả sự cắt tóc cũng có nhiều trường hợp. Cũng có người vì chán cuộc đời mà cắt tóc rồi tự đem mình vào am thanh cảnh vắng tu luyện lấy một phần riêng, hạng người cắt tóc như vậy thiết tưởng không ai phải quan tâm. Chí như người cắt tóc như tôi vì có ý nghĩa và có thể gọi là cắt tóc để vào đời (đời cải tạo), mục đích có khac với người cắt tóc chán đời, vì lẽ có khác nên có người chất vấn, đã có người chất vấn, tất phải có lời đáp lại, ấy là lẽ tất nhiên.
            - Vì sao mà tôi cúp tóc ?
            - Cúp tóc ngắn có hai điều ích lợi :
            1) Thực hành một phần hình thức về vấn đề phụ nữ cải cách.
            2) Cho được tiện lợi cả tinh thần và vật chất, hợp phép vệ sinh và không kém về phương diện mỹ thuật.
            Việc cải tạo phụ nữ ta hiện nay không những là chuyện về mặt quyền lợi và trí thức mà thôi, song le về đường hình thức và vật chất cũng phải quan tâm lắm nữa, quyền bình đẳng, quyền tham chính tất có ngày phải đạt đến mục đích, nhưng hiện nay các quyền ấy vẫn còn trong thời kỳ lý tưởng, vả các quyền đó mà có thực hành được thì cũng phải nài xin, phải thỉnh cầu, vì quyền đó ở người, mà người ta có cho thì mới được. Đến như sự cải cách về hình thức đây mới thực là quyền tự do của cá nhân, ta không phải khó nhọc mà xin ai cho mới được. Vì vậy cho nên, không những là một việc cúp tóc ngắn mà thôi, đến như các món thể thao, đi xe đạp và cải cách về phục sức như áo mặc, giày đi, hiện nay tôi cũng đang tìm cách sửa đổi cho hợp thời. Xin ai chớ hiểu lầm rằng tôi làm thế cốt để tô điểm cho dung nhan , nhưng thực thì tôi muốn thay đổi cho công thương kỹ nghệ được tiến bộ, nhưng đây tôi chỉ giải nghĩa việc ích lợi riêng về sự cúp tóc như quý báo Phụ nữ đã phỏng vấn.
                        Kinh nghiệm những sự thiệt hại về tóc dài
            Lúc tôi còn để tóc dài, trước khi ra đường phải mất thì giờ chải, gỡ và bới vấn đầu tóc cũng mất một giờ đồng hồ, mà có mau lắm cũng mất nửa giờ mới xong. Khi tắm gội thật là phiền phức và chải gỡ khó nhọc hơn hết, vì thế mà sự tắm gội ít lắm, thành thử hóa ra người không được sạch sẽ. Khi đau ốm, lúc lâm sản không thể gội chải được, chậm trong ít bữa rồi tóc rối mù và sinh ra chấy, gàu khôn xiết kể. Chị em thử tưởng tượng mà xem, sự cực khổ vì đầu chấy, tóc rối không thể nói được.
            Còn đang khi vào bếp núc, làm bánh trái hoặc là bồng ẳm con thơ, rủi vô ý để tóc xổ xuống, thì làm cho lúng túng bận bịu hết sức, tay nào vấn tóc, tay nào bế con ?
            Ra làm nghề nông đi cày cấy gồng gánh,bưng đội mà đầu tóc vướng víu thì khổ biết bao?
            Làm thợ thuyền trong xưởng máy móc, nếu tóc dài vô ý vướng vào máy thì khôn toàn tính mạng. Tập thể thao, đánh tennis, chơi ping pong, cởi xe đạp, nếu tóc dài lở xổ xuống thì làm ngăn trở  ngượng nghịu biết bao?
            Khi đấu sức với ai lở bị người ta nắm tóc thì thất thế vô cùng. Tóc bới ra đằng sau ót, khi nằm ngồi cấn, vướng khó chịu, nếu vấn tóc bằng khăn như chị em Bắc kỳ thì nặng nề và bực bội lắm. Vì đầu tóc làm bận bịu, lắm lúc tinh thần vì bực bội mà sinh ra ủ rủ. Rồi có thể vì đó mà sinh ra bệnh hoạn nữa.
            Tôi suy nghĩ mãi, tự hiểu việc để tóc dài lượt thượt đã không có ích, mà có thể làm ngăn trở sự sinh họat của ta luôn luôn.
            Vả hiện thời phụ nữ các nước văn minh trong thế giới đều để tóc ngắn tất cả. Nay phụ nữ ta lẽ nào còn ngần ngại không dám quả quyết? Không có can đảm làm một việc cải cách rất có ích, rất hợp thời như vậy sao ?
            Còn một điều ngăn trở lớn về phương diện luân lý buộc phải để tóc phòng sau khi báo hiếu trong lúc tang ma, nhưng tôi nghĩ sự hiếu là tự tâm chứ tóc dài hay ngắn thì can hệ chi ? Nhưng còn dư luận người đời dị nghị thì sao ? Ỏ một nước bán khai như nước ta, trực tiếp với một xã hội, nhất là xã hội phụ nữ chưa tiến hóa như ngày nay, mà trước khi muốn cải cách một việc gì về tinh thần hay là hình thức, thì cũng phải trải qua bao nhiêu sự trở lực có thể làm sờn lòng, rủn chí. Vậy ta cần phải có đủ can đảm và nghị lực để mà đối phó mà chiến đấu, cái lợi khí để chiến đấu với trở lực là lòng tự tin, chí quả quyết. Khi tôi đã nhất định rồi liền đem món tóc dài mượt đành cống hiến lưỡi kéo sắc xén đi cho gọn gàng và  không để ý qua những lời dị nghị, những con mắt trô trố, nhìn chòng chọc vào cái đầu tóc ngắn của mình, mà thực hành cho đạt ý chí. Ngày nay quý báo phỏng vấn, tôi rất vui lòng mà giải bày mọi đều ích lợi đáp lại quý báo và trả lời chung cho các bạn phụ nữ.
                                    Ích lợi sau khi cúp tóc ngắn
            Sau khi tôi hớt tóc ngắn rồi, thấy mình được gọn gàng mát mẻ, dễ gội, dẽ chải, tinh thấn khoan khoái, thân thể tỉnh tươi, đến nổi chị em quen biết bảo rằng tôi để tóc ngắn làm cho người thêm trẻ và dung nhan lại bội phần tăng tiến. Nhưng sự thật thì tóc ngắn, tiện cho khi đau ốm, lúc sản dục, khi làm lụng lúc nằm ngồi đều khỏi những sự phiền phức, năng gội chải hợp phép vệ sinh. Tóm lại thì cúp tóc ngắn có ích mà không có hại. Giả như các bà quý phái và các cô con gái khuê các thiên về phương diện mỹ thuật, nếu để tóc ngắn thì tiện bề trang sức lắm, vì tóc ngắn dễ chải, và muốn rẽ cách nào cũng tiện, cũng đẹp, có thể tôn thêm vẻ kiều diễm hơn món tóc dài mà búi vậy. Nếu chị
em ai muốn uốn tóc quăn thì cũng hoàn mỹ lắm. Nhưng theo ý tôi nghĩ thì để tóc suôn tự nhiên là hơn, vì uốn tóc quăn làm cho mất bản chất thiên nhiên và tốn nhiều thì giờ vô ích.
            Khi trước cũng có nhiều người quá lo về sự cúp tóc ngắn, vì sợ tốn nhiều tiền trang sức, điều này không quan hệ gì, vì tốn tiền nhiều hay ít là tự mình, chứ không phải tự tóc ngắn mà tốn hơn. Có nhiều chị em thấy tôi tóc ngắn mà răng nhuộm đen thì lấy làm khó hiểu mà hỏi ? Tôi trả lời rằng tôi vôn không có ý phản đối sự để răng trắng và tán thành việc nhuộm răng đen đâu. Đen trắng gì cũng vô hại cả, nhưng để răng trắng thì có lẽ hợp thời hơn, răng tôi vì đã chót nhuộm từ thuở còn thơ ấu theo lệ cũ, nay đem cạo đi có hại không ích gì. Cứ như lý thuyết nhà y học cho rằng lấy acide tẩy răng làm cho lớp men ngoài răng hư đi mau rụng. Vả răng đen nhờ có thuốc nhuộm mà răng ít bị sâu ăn, vả răng đen cũng có phần giản tiện, vì vậy nên tôi không sửa đổi đó thôi.
            Tóm lại, việc tôi cúp tóc ngắn là có một tôn chỉ rất quang minh, có lợi ích rất mật thiết đến sự sinh hoạt, các hạng phụ nữ quý phái và bình dân ta đáng lưu tâm
            Vả hiện nay Đức đương kim Hoàng hậu Việt Nam ta là người đáng làm gương cho hết thảy chị em nữ quốc dân noi theo. Vì ngài cũng trang sức bằng mái tóc ngắn
HUỲNH THỊ BẢO HÒA.
(Ngày Nay số 147 ngày 15-2-1939)
                                                                        &
            Qua ba bài hưởng ứng “cúp tóc ngắn” mà nay ta có thể xem là tiêu biểu của ba giới : lão niên, trung niên và phụ nữ. Cả ba đã phô bày tư duy và hành động của giới mình khá sắc sảo, trung thực. Có điều qua nội dung của ba bài và cách thực hiện của ba giới trên, có lẽ bà Huỳnh Thị Bảo Hòa, vị đai diện cho nữ giới Đà Nẵng có nét đặc biệt là tìm hiểu lợi ích của hớt tóc xong là thực hiện ngay, không e ngại tứ thân phụ mẫu rầy la, quở trách, không đặt vào tai lời chỉ trich nông cạn của người bàng quan. Chẳng những thế, lại đăng đàn diễn thuyết ngay tại  Tourane – đất nhượng địa, hô hào phụ nữ cùng thực hiện với niềm tự tin son sắc, mong cho báo chí hỗ trợ phổ biến những gì bà đã công bố trước quần chúng. Thời ấy phụ nữ như bà cả nước chỉ có một !



(*) Câu này đã lý giải trên.
(**) Cũng cùng nghĩa “Trọc đầu khó bắt”

Không có nhận xét nào: