Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Thơ lục bát-hành trình từ cổ truyền đến đương đại

Võ Văn Hòe

1. Thơ lục bát ?
            Thơ lục bát là loại thơ mà đơn vị nhỏ nhất là hai câu, một câu sáu tiếng và một câu tám tiếng. Thơ có thể dài mấy cũng được, nhưng kết thúc phải là câu tám chữ.
            Trong quyển Từ điển Thuật ngữ Văn học [[1]] định nghĩa: một thể câu thơ cách luật mà các thể thức được tập trung thể hiện trong một khổ gồm hai dòng với số tiếng cố định: dòng 6 tiếng (câu lục) và dòng 8 tiếng (câu bát)...vừa gieo vần chân, vừa theo vần lưng, tiếng cuối câu lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu câu bát, tiếng cuối câu bát gieo vần xuống tiếng cuối câu lục tiếp theo. Mô thức:
                                    Câu 6: b   b   t   t   b   b
                                    Câu 8: b   b   t   t   b   b   t   b
            (Chữ in nghiêng không nhất thiết phải theo đúng luật. Câu thơ lục bát người Việt tuân thủ theo luật: nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục, phân minh).
            Lục bát của người Việt là thể thơ do người Việt sáng tạo nên, theo đó, xưa nay các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng thơ lục bát là thể thơ dân tộc. Và là thể thơ dân tộc nên mang đậm phong vị ngôn ngữ dân tộc Việt. Trong lời nói thường ngày đã mang hơi hướm của loại thơ này. Cho nên thơ lục bát dễ nhớ và dễ thuộc do tiết tấu và vần điệu của thơ cho phép lắng vào lòng người một cách tự nhiên.
                        Câu thơ sau đây là một biểu hiện của sự hồn nhiên, sâu lắng:
                                    Bỗng như một sự vô tình
                                    Ru con, anh phải đi tìm lời ru
                                    Lời ru nép giữ trang thư
                                    Phôi phai nét chữ ngỡ như hững hờ
                                    Bao nhiêu buồn giận bâng quơ
Bao nhiêu thương nhớ bây giờ là đây....[[2]]
Hoặc như:
            ...Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
            Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh:
            Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
            Sè sè nắm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
            Rằng: “Sao trong tiết thanh minh,
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà ?”…[[3]]
Trong bài viết đăng trên ấn phẩm Diệu Âm [[4]], tác giả Võ Long Tê có bài “Quan điểm lịch sử và thẩm mỹ về thể thơ lục bát" đặt vấn đề, rằng: thể lục bát có phải là một thể thơ tiêu biểu cho thi pháp Việt Nam hay không? Và bài viết tìm về nguồn gốc thể lục bát. “Các học giả không đồng ý kiến về nguồn gốc thể lục bát. Có người chủ trương thể lục bát xuất xứ từ thi pháp Trung Hoa, có người nhận xét đó là một thể thơ chung cho nhiều dân tộc ở Đông Nam Á, nhưng phần nhiều đều quả quyết đó là một thành tích sáng tạo của dân tộc Việt”. Và bài viết cho rằng những người chủ trương thể thơ lục bát là một thi điệu Trung Hoa chưa từng nêu ra một thi phẩm nào của Trung Hoa làm bằng chứng mà chỉ viện dẫn mấy câu trong Kinh dịch và Tống sử [[5]]. Có ý kiến cho rằng câu trong Kinh dịch gượng ép mà thành thể lục bát “theo lối cú điệu xưa nó tách rời ra thành từng câu chứ không đọc liền một hơi như lối đọc lục bát” [[6]]. 
Người Trung Hoa lấy làm ngạc nhiên trước thể thơ lục bát của Việt Nam, điều này đã được Nguyễn Huy Ánh viết trong tập Nhật trình Bắc sứ bằng tiếng Hán. Theo lời Phạm Đình Toái trong bài tựa sách dịch thiên Nguyệt Lãnh trong Kinh Lễ nói rằng “người Trung Hoa tới chơi nước ta lấy đọc thì không ai không khen phục” [[7]]. Như thế, để biết rằng người Việt đã sáng tạo ra thể thơ lục bát được xem là thể thơ dân tộc thì đã rõ.
2/ Từ cổ truyền...
2.1. Thơ ca lục bát dân gian
Gắn liền với dân tộc Việt, thơ lục bát xuất thân từ ca dao, dân ca dân tộc, nên cũng gọi loại thể thơ lục bát cổ truyền là thơ ca dân gian.
Thơ ca dân gian mang tính nguyên hợp, hình thành từ trong môi trường lao động, trong quan hệ xã hội, quan niệm tâm linh. Thơ ca dân gian có nhiều điểm tương đồng với dân ca và thường thể hiện gắn với âm nhạc và múa dân gian. Văn học dân gian phần thơ ca, cuộc sống đời thường của người dân được phản ảnh trong những câu ca dao dưới hình thức thơ lục bát. Ở đó thơ mang đậm tâm tư tình cảm con người, những triết lý về cuộc nhân sinh. Và để thể hiện cung bật của thể loại thơ này vào quần chúng nhân dân, câu lục bát dần uyển chuyển tải đi các làn điệu dân ca: lời ru, hát lý, các điệu hò, mà ta thường nghe phảng phất trong cuộc sống. Điều đó đã gắn liền với đời sống lao động của người dân. Bởi xét cho cùng thơ là loại hình văn học bao gồm nhiều thể loại: thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, hoặc thơ Đường luật, thơ ngũ ngôn,…; ca là ca lời thơ thành những làn điệu mang cung bậc khác nhau. Do đó, thơ ca dân gian thường được diễn xướng trong môi trường dân gian. Thơ lục bát thời kỳ đầu của sự phát triển, hẳn đã tồn tại trong dân gian và bắt nguồn từ trong ca dao dân tộc Việt. Và vì trưởng thành trong môi trường dân gian nên ca dao lục bát là những bài thơ do quần chúng bình dân sáng tạo nên và được ca lên bằng những làn điệu với nhiều cung bậc khác nhau, biểu hiện tình cảm của tầng lớp bình dân. Với cách hiểu này, chúng tôi khảo sát thơ ca lục bát dưới góc nhìn văn học, phần âm nhạc dân gian, tức phần ca, chúng tôi tách ra khảo sát trong các làn điệu dân ca ở một dịp khác. Ví dụ:
   Lời thơ dân gian:
                        - Trèo lên dốc ngược nhọc nhằn
                        Mưa tuôn nắng cháy, vững bền vượt lên.
               Lời ca/hò dân gian:
                        - Khoan ơ khoan. Khoan hò khoan
                        Trèo lên / khoan hò khoan / dốc ngược / khoan hò khoan / nhọc nhằn / khoan hò khoan
                        Mưa tuôn / khoan hò khoan / nắng cháy / khoan hò khoan / vững bền / khoan hò khoan vượt lên / khoan hò khoan / là hố.
            Hoặc, lời thơ dân gian (biến thể):
                        - Con nghé xe
                        Mình chằm ngược cho gắt
                        Bắt ngược cho hay
                        Lên bằng mà nghỉ con hè ?
            Lời ca dân gian:
                        - Con nghé xe
                        Mình chằm ngược cho gắt
                        Bắt ngược cho hay
                        Lô lô chằm lô
                        Lên bằng mà nghỉ con hè ?
            Từ môi trường thơ ca dân gian, thơ lục bát thể hiện thành công nội dung và nghệ thuật, từ đó, thơ lục bát thoát ra môi trường dân gian, mang theo tâm tư tình cảm của người dân để khẳng định mình là một thể loại thơ lục bát, tồn tại với tư cách là một thể loại thơ có truyền thống dân tộc trên văn đàn đương đại.
2.2. Thơ lục bát chuyển tiếp
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn học cho rằng thơ lục bát trước khi trở thành thể loại tồn tại trong văn đàn đương đại, đã trải qua giai đoạn chuyển tiếp, được xếp vào giai đoạn thơ ca trung đại.
            Những câu thơ lục bát sau đây, thể hiện sự chuyển tiếp từ lục bát ca dao sang thời kỳ của các truyện nôm ra đời, được xem tồn tại giai đoạn trung đại trước khi phát triển thành thơ lục bát đương đại ngày nay. Câu thơ lục bát thời kỳ này thể hiện trong các tác phẩm: thơ thầy Thông Chánh, Phạm Công Cúc Hoa, truyện Phan Trần, Bích câu kỳ ngộ,… thời kỳ này về nghệ thuật vẫn còn mang tính chất quần chúng, phản ảnh hoạt động của họ  thông qua ngôn ngữ bình dân. Tuy nhiên không phải không có trau chuốt cho câu thơ nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển biểu đạt được tình cảm, đằm thắm, kết hợp giữa lãng mạng và hiện thực trong thơ. Đây là bước tiếp nối từ lục bát nôm lên thơ lục bát.
            Đoạn lục bát trong Bích câu kỳ ngộ: [[8]]
                                    Thành Tây có cảnh Bích câu
                        Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao
                                    Đua chen thu cúc, xuân đào
                        Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông
                                    Xanh xanh dãy liễu ngàn tông
                        Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều
                                    Một vùng non nước quỳnh giao
                        Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa,
                                    Triều Lê đương hội thái hòa,
                        Có Trần công tử, tên là Tú Uyên…

            Đoạn lục bát trong thơ thầy Thông Chánh:
                                    Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra,
                        Chép làm một bổn để mà coi chơi.
                                    Trà Vinh lắm kẻ kỳ tời,
                         Có thầy Thông Chánh, thiệt người khôn ngoan.
                                    Đêm nằm nát ruột, nát gan,
                        Ôm thù Biện lý chẳng an trong lòng.
                                    Chừng nào tỏ nỗi đục trong,
                        Giết quân Biện lý trong lòng mới thanh …[[9]]
            Trong số truyện thơ như vậy, đỉnh cao là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vào thời đó, Tố Như vẫn sử dụng lục bát ca dao trong thơ mà sau này có nhiều câu thơ trong Kiều đã bước khỏi trang sách trở về với ca dao như là sự đương nhiên phải vậy. Và có những câu đã ca dao hóa, lặng vào cuộc sống đời thường của người bình dân. Nhưng thơ lục bát trong Truyện Kiều là những sáng tạo vượt xa ca dao lục bát. Câu thơ có sáng tạo, ngoài niêm luật nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh, câu thơ đôi khi bỏ nhịp chẵn 2/2 mà tạo ra nhịp lẻ 1/5, 3/3, 4/4, 2/1/3, 3/3/2,…vậy mà người đọc vẫn thấy hay, đọc không vấp váp, nhất là câu thơ dù thế vẫn chuyển tải nỗi niềm đắm thắm, thiết tha, vẫn mượt mà theo cách riêng của thơ lục bát. 
Làn thu thủy / thấp xuân sơn,
Hoa ghe thua thắm / liễu hờn kém xanh.
            Một đôi / nghiêng nước / nghiên thành,
Sắc đành đòi một / tài đành họa hai.
            Thông minh / vốn sẵn / tính trời
.Pha nghề thi họa / đủ mùi ca ngâm.
Cung thương / làu bậc / ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt / Hồ cầm một trương [[10]]
3/ …Đến đương đại.
Trên văn đàn đương đại, thơ lục bát vẫn còn mang theo trên mỗi câu thơ chất dân gian lục bát. Đây là điều cho chúng ta ngày nay biết rằng, sự tiếp biến từ ca dao lục bát đến thơ lục bát đương đại – từ cổ truyền đến đương đại –  cơ bản vẫn không có sự thay đổi lớn, kể cả vỏ âm thanh, niêm luật và nội dung biểu đạt. Bởi lục bát chính là thể loại thơ ca dân tộc. Ngày nay, người làm thơ, không một thi sỹ nào không làm thơ lục bát.
                        Em giờ tóc gió thôi bay
            Phấn quỳnh đêm cũ sang ngày còn hương
                        Gót hài vang khúc Nghê Thường
            Nghiêng khoe vóc liễu màu sương chưa nhòa…
                        …Em giờ tóc gió buồn hiu
            Bồng bềnh sợi nắng dặt dìu hồn thơ
                        Nghe chăng dưới bến sông chờ
            Ai hong tóc rối, nhạt bờ môi xưa ? [[11]]
              Ở bất cứ thời điểm nào, vào giai đoạn nào của lịch sử dân tộc, thơ lục bát vẫn vang lên, bằng ký tự La-tinh, (chữ quốc ngữ, tiếng nước ta,…), không chỉ nhẹ nhàng, êm ái, lãng mạng đến nao lòng mà còn hào hùng trong những lần ra trận, hành quân giữ nước. Thơ lục bát đương đại ở đâu và lúc nào cũng mang đầy nhuệ khí, cái cần phải thể hiện nhuệ khí. Tâm hồn dân tộc đa dạng và phong phú biết chừng nào ! Khi cái biểu đạt được đưa vào thơ để thể hiện nội dung tư tưởng không làm cho người đọc cảm thấy trục trặc trong từng câu thơ, như thế là đã đạt đến cái cần biểu đạt, nghĩa là đã đạt hiệu quả nghệ thuật trong sáng tác của các nhà thơ.
                                    Thôi từ biệt nhé, Bến Tre
Những ngày chiến đấu say mê, hào hùng…
Đánh xe, phá ấp, công đồn
Rạch Dầu, Phú Túc mãi còn khắc sâu
            Giã từ đất ấm chiến hào
Con kinh “kháng chiến” nhịp cầu “đấu tranh”            
            Giã từ Minh Đức Kiên gan
Bốn lần giặc chiếm, bốn lần vùng lên
            Mặt trời đang xé bóng đêm
Bót tan rồi, lại sáng đèn chợ khuya.[[12]]

                                    …Tiếc rằng trước lúc chia ly
                        Con chưa được thấy dáng đi của Người
                                    Hẳn trong đôi mắt sáng ngời
                        Còn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam
                                    Con qua Cẩm Lệ, sông Hàn
                        Ngũ hành Sơn đứng mơ màng bóng cha
                                    Hỡi người những đất cùng hoa
                        Tấm thân bao cuộc xông pha trường kỳ...[[13]]
            Cho vài ví dụ nữa của Tản Đà, đinh hùng, ...chế lan viên.tố hữu...
            Hành trình từ cổ truyền đến đương đại, câu thơ lục bát dần vào phương Nam đã có sự cách tân, bắt đầu trong lục bát ca dao để biểu đạt cái có thể. Đến lượt câu thơ lục bát phải tự mềm dẻo, thay đổi hình thức để có thể chấp nhận được trong lòng người dân lao động, cả những nhà thơ đương đại. Vần, niêm luật đã được dịch chuyển, nới rộng biên độ câu chữ, nhịp điệu để thể hiện cái có thể. Nhưng câu thơ phải mềm mại, dễ đọc, đọc lại dễ nghe, câu thơ lục bát vẫn phải giữ lại trang bị của mình bằng yếu tố vần và nhịp – cái làm nên sự xô đẩy trong tiết tấu của thơ lục bát – làm cho ý trước không thể không xuất hiện ý liền kề trong một quan hệ ngữ đoạn, liên kết với ý dưới một cách có nghĩa, đằm thắm, chấp nhận được mà người đọc quên đi, hay không phát hiện ra gieo vần, bỏ luật không theo thể thức nhất tan ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh.
Câu thơ lục bát như thế đã là câu thơ hay của mọi thời đại.
            Khảo sát một câu thơ biến thể từ lục bát, điều có thể nhìn thấy rằng để tồn tại cùng với quá trình phát triển lịch sử – văn hóa dân tộc, vùng miền, thơ lục bát luôn có sự thích nghi, đôi khi lục bát tạo sự khác biệt để cùng năm tháng, đi theo các sự kiện lịch sử - văn hóa diễn ra trong một vùng cư trú. Trong trường hợp đó, câu thơ lục bát đã có sự thay đổi để trở thành người cùng đường với ca dao dân tộc trong văn đàn thi ca vùng miền. Để biến hóa, câu thơ lục bát tự dung nạp, hay cần phải tạo ra yếu tố ngôn ngữ dư (phá luật), trong câu thơ,đặc biệt tạo ra khả năng lựa chọn ngôn ngữ để biểu đạt mà không (đôi khi) phải giữ lại luật, thể hiện ở vần lưng – một cái vần khó chịu trong thơ lục bát. Để hiệp vần với câu lục, đến lượt câu bát không thể sử dụng phương thức kết hợp ngôn ngữ mà phải thực hiện thao tác lựa chọn. Chính đó câu lục bát, đôi khi phải tự phá vỡ niêm luật, tạo nên sự hy sinh về luật để đạt được khía cạnh biểu đạt, cái có thể biểu đạt khi cuộc sống của những người khai sơn phá thạch vào phương Nam sinh sống. Bấy giờ cuộc sống đang dập dồn lao nhanh về phía trước, thơ lục bát cần phải ghi lại và phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của con người, câu thơ theo đó phải thích ứng, phải tự cắt bỏ bớt niêm luật (khi cần thiết). Chính vì có khả năng dịch chuyển thanh, vần tại cái vần lưng khó chịu kia mà câu lục bát khi hành trình vào Nam thể hiện được tính hiện thực, cái cần hiện thực cụ thể để văn đàn đưa tay thường xuyên tiếp nhận “đi cùng năm tháng” với quần chúng nhân dân trong quá trình phát triển văn hóa – lịch sử của mình. Đấy là sự biến thể của thơ lục bát.
                        Tay anh cầm cần câu trắc, ống câu trúc
                                                lưỡi câu thau
                        Muốn câu con cá biển chớ con cá bàu thiếu chi.
Từ đó, câu thơ lục bát trên hành trình vào phương Nam luôn tìm được cách thể hiện riêng không chỉ làm hài lòng con người nơi đây mà còn giữ được cho mình một khả năng biểu đạt không bao giờ bị sử dụng đến cạn kiệt khả năng thích ứng để có thể sẽ phải lặp lại chính bản thân câu thơ lục bát hoặc do bị “cạn” nên dễ rơi vào vùng lõm của văn đàn, tức thì có nguy cơ bị bỏ quên ngay trên mảnh đất mà lục bát có thế mạnh. Chính chỗ đó, cho thấy rằng thơ lục bát bước vào thời đương đại đôi khi giống thể loại anh em – ca dao lục bát – biến tấu thành những câu dài ngắn khác nhau không tuân thủ niêm luật lục bát như bản thân lục bát vậy mà vẫn phục vụ được bao người, vẫn thấy hài lòng, vẫn có cái nhìn mềm mại, chan chứa tự tình dân tộc.
Đấy là biến thể, một cách thơ lục bát vừa tiếp biến từ ca dao lục bát, vừa tự đổi mình.
                                    ...Nắng mưa đã trải ngàn ngày
                        Đôi dòng sông hóa đôi tay chiến trường
                                    Thương sông thương tự ngọn nguồn
                        Thương em từ thưở đưa xuồng anh qua
                                    Dịu hiền như khúc dân ca
                        Thẳm sâu chung thủy như là đất quê
                                    Sáng như một ánh sao khuê
                        Tiễn anh đi, đón anh về tháng năm.[[14]]
            Tuy thơ lục bát đương đại, gieo vần có thể biến tấu nhưng ngôn ngữ vẫn hàm chứa lời ăn tiếng nói của người bình dân, điều đó cho hay rằng, dù cách tân, hiện đại đến thế nào, câu thơ lục bát vẫn gần gũi với người bình dân. Cho nên thơ lục bát vẫn tồn tại đi cùng dân tộc.
                                    ...Sang năm ra ở riêng rồi
                        Vợ tôi dệt lụa, tôi ngồi làm thơ.
                                    Lụa may áo, bán còn thừa
                        Tôi đem thay giấy viết thơ chung tình.
                                    Giăng câu này dưới mái gianh:
                        “Nhà cô thôn nữ, vợ anh học trò. [[15]]
Hoặc: Một đoạn thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính như lời nói thường mà đọng lại bao suy tư, hoài cảm:
                                    ...Trời mưa ướt áo làm gì ?
                        Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng
                                    Người ta pháo đỏ rượu hồng
                        Mà trên hồn chị một vòng hoa tang
                                    Lần đầu chị bước sang ngang
                        Tuổi son sông nước đò giang chưa tường
                                    Ở nhà em nhớ mẹ thương
                        Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ
                                    Mẹ ngồi bên cửi xe tơ
                        Thời thường nhắc: “chị mày giờ ra sao ?” [[16]]

            Hoặc bài thơ Thời trước cũng của Nguyễn Bính:
                                    Sáng trăng / sáng cả vườn chè,
                        Một gian nhà nhỏ / đi về có nhau
                                    Vì tằm / tôi phải / chạy dâu,
                        Vì chồng / tôi phải / qua cầu đắng cay. [[17]]
                                   
Hoặc bài thơ Chiều  của Xuân Diệu: [[18]]
                        Hôm nay trời nhẹ lên cao
            Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...
                        Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn,
            Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.
                        Phất phơ hồn của bông hường
            Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng
                        Nghe chừng gió nhớ qua sông
            E bên lau lách thuyền không vắng bờ
                        Không gian như có dây tơ
            Bước đi sẽ đứt / động hờ sẽ tiêu.
                        Êm êm / chiều ngẩn ngơ chiều
            Lòng không sao cả / hiu hiu khẽ buồn...



[1] Từ điển thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, NXB Giáo dục, 1992, tr. 131.
[2] Những bức thư không gửi, thơ Bùi Công Minh.
[3] Truyện Kiều bản 1866, Nguyễn Du. Theo bản Liễu Văn Đường – Nghệ An, Nguyễn Quảng Tuân, phiên âm, khảo dị, NXB Văn học & Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2004.
[4] Diệu Âm, Đặc san của chùa Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, NXB. Đà Nẵng 4-2011.
[5] Trong Kinh dịch: Lục tam: hành chương khả trinh / Hoặc tòng vương sự vô thành hữu chung. (Hào sáu ba: ngậm vẻ sáng đẹp có thể chính bền/Kẻ theo việc nhà vua, không nên công cũng được trọn vẹn. Theo Bửu Cầm: Ca dao, nền tảng văn học dân tộc. Nội san Viện khảo cố, số 2, Sài Gòn, tháng 3-1956, bản in roneo. Trong Tống sử: Đế vị Thái Xác hữu công/Sử chi tông sự Triết tông miếu đường. (Vua bảo rằng Thái Xác có công/. Cho được thờ chung ở miếu vua Triết tông. Theo Lam Giang: Khảo luận luật thơ. Tân Việt, Sài Gòn, 1958.
[6] Thử tìm cái đẹp trong ca dao, Sơn Tùng, Tiểu thuyết Thứ bảy, loại mới, số 10, Hà Nội, 4.6.1949.
[7] Đại Nam quốc sử diễn ca, Hoàng Xuân Hãn, Trường Thi xuất bản lần ba, Sài Gòn 1956.
[8] Bích câu kỳ ngộ, Thi Nham Đinh Gia Thuyết, đính chính chú thích, NXB Tân Việt, 1964.
[9] Thầy Thông Chánh bắn Biện lý Jaboin là ngày Chánh Chung (tức Quốc khánh Pháp ngày 14/7 thực tế ngày bắn là ngày 14/5 năm 1893.
[10] Truyện Kiều bản 1866, Nguyễn Du. Theo bản Liễu Văn Đường – Nghệ An, Nguyễn Quảng Tuân, phiên âm, khảo dị, NXB Văn học & Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2004.
[11] Theo màu tóc gió, thơ Nam Giang.
[12] Giã từ Bến Tre, thơ Giang Nam.
[13] Gởi lòng con đến cùng cha, thơ Thu Bồn (1935 – 2003).
[14] Trước nhà em sông Vu Gia, thơ Thanh Quế.
[15] Nhà cô thôn nữ, thơ Nguyễn Bính.
[16] Lỡ bước sang ngang, thơ Nguyễn Bính.
[17] Thời trước, thơ Nguyễn Bính.
[18] Chiều, thơ Xuân Diệu tặng Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà), in trong Thơ thơ năm 1938.

Không có nhận xét nào: