Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Âm nhạc dân gian trong sáng tác và tiến trình phát triển thành sân khấu nghệ thuật truyền thống Việt

Văn Thu Bích

Về ranh giới giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc đương đại, muốn phân định, cần phải biết đến sự tương đồng và khác biệt giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc đương đại, giữa diễn xướng dân gian và diễn xướng phi dân gian.
          I. Khái quát về sự tương đồng và dị biệt giữa loại hình nghệ thuật dân gian và phi dân gian
Trước khi đi vào nội dung chính của bài tham luận, tôi xin trình bày sự tương đồng và dị biệt giữa loại hình nghệ thuật dân gian và phi dân gian (còn gọi là bác học).
Loại hình nghệ thuật dân gian và phi dân gian đều là do con người lao động trí óc sáng tạo nên, đều lấy tư liệu từ cuộc sống và có những nội dung cụ thể nhất định, nội dung đều phản ánh thực trạng xã hội và mong ước của con người. Tuy nhiên vẫn có những khác biệt giữa 2 loại hình này:
1. Về tác giả sáng tác:
- Loại hình nghệ thuật dân gian: do tập thể sáng tác, không có tác giả cụ thể.  - Loại hình nghệ thuật bác học: do một hoặc nhiều tác giả cụ thể tạo nên, có xác định thời gian 
2. Về cách thức lưu truyền:
- Loại hình nghệ thuật dân gian: chủ yếu là truyền miệng từ đời này sang đời khác mà không biết tác giả là ai, vô danh hoặc khuyết danh, không xác định thờigian. - Loại hình nghệ thuật bác học: được lưu giữ dưới dạng văn bản, xác định thời gian sáng tác cụ thể.
3. Tính dị bản:
- Loại hình nghệ thuật dân gian: có tính dị bản cao do được truyền miệng từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác 
 - Loại hình nghệ thuật bác học: không có tính dị bản do được lưu truyền bằng văn bản (nếu có thì ít hơn rất nhiều so với nghệ thuật dân gian
4. Phong cách tác giả:
- Loại hình nghệ thuật dân gian: mang phong cách đại chúng và có nét đặc trưng vùng miền 
- Loại hình nghệ thuật bác học : mang phong cách đặc trưng, chủ quan của cá nhân tác giả dựa trên đặc trưng vùng miền.
            II. Âm nhạc dân gian và tiến trình nghệ thuật diễn xướng của người Việt.
Để có thể phân biệt rõ hơn về âm nhạc dân gian, diễn xướng âm nhạc dân gian với âm nhạc đương đại, diễn xướng sân khấu phi dân gian, tôi xin trình bày các nội dung liên quan sau đây:
1.    Về dòng âm nhạc dân gian – dòng âm nhạc đương đại
      Từ những khác biệt nêu trên dẫn đến trong lĩnh vực âm nhạc, có những trường hợp bị nhầm lẫn giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc đương đại. Âm nhạc dân gian gồm các làn điệu dân ca, dân nhạc do nhân dân sáng tạo nên và được lưu truyền từ lâu đời như: các điệu hò, lý, hát ru, đồng dao, chèo miền Bắc, ví dặm Nghệ Tĩnh, Hò lý Huế, tuồng (hát bội), bài chòi, miền Trung, đàn ca tài tử Nam bộ…các làn điệu âm nhạc dân gian đều vô danh, khuyết danh, là sản phẩm của tập thể. Về sau, các tác giả sử dụng chất liệu dân ca, dân nhạc đưa vào ca khúc, khi nói đến “ca khúc” là bản nhạc có tác giả sáng tác, trong âm nhạc dân gian không có ca khúc, mà chỉ có làn điệu đơn giản, ngẫu hứng, ngâm ngợi tự do, không cấu trúc theo khúc thức. Ca khúc được xem như bài hát đã được sáng tác theo khúc thức, điệu thức ảnh hưởng phương Tây rõ ràng song vẫn nghe vang lên âm hưởng dân ca nước Việt. Chẳng hạn như: Trồng cây lại nhớ đến người (Đỗ Nhuận), Đi tìm người hát lý thương nhau (Vĩnh An), Cô tấm ngày nay (Ngọc Châu), Thành phố miền Quan họ (Nguyễn Cường), Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Thăm bến Nhà Rồng (Trần Hoàn), Tình đất đỏ miền Đông (Trần Long Ẩn), Ngẫu hứng lý qua cầu (Trần Tiến),Qua lới nọ Hạ Long (Trương Ngọc Ninh), Trên đỉnh Phù Vân, Về quê (Phó Đức Phương), Người Quảng dáng nâu, Đôi mắt Sông Hoài (Phan Văn Minh). Riêng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác ca khúc Quảng Nam yêu thương dựa trên chất liệu lý tang tít - cải biên từ dân ca Nam Trung Bộ được biểu diễn trên sân khấu dân ca kịch bài chòi.
       Từ đó chúng ta cũng phân biệt được thể loại ca khúc sử dụng chất liệu dân gian và ca khúc dân gian đương đại. Dòng ca khúc dân gian đương đại là một cách nói của một số người trong và ngoài giới âm nhạc về thể loại ca khúc viết ở thời điểm hiện nay, trong giai điệu có phảng phất đôi nét âm hưởng, chất liệu dân gian đã có từ lâu đời, nhưng nếu không thận trọng khi dùng ngôn từ, thì theo thời gian cụm từ ca khúc dân gian đương đại, dễ biến thành khái niệm hay thuật ngữ. Lâu dần, sẽ tạo ra sự ngộ nhận cho các tác giả và gây nên sự nhầm lẫn đáng tiếc trong nhận thức của công chúng khi tiếp cận, thưởng thức, đánh giá cũng như cách phân chia các thể loại  âm nhạc.
            Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Nghị thì “Trong 10 năm qua, khi chúng ta đã quen với nền kinh tế thị trường, đồng thời, nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam có những chuyển biến khá phức tạp theo trào lưu. Sự phức tạp được thể hiện rõ trong các tác phẩm trên nhiều phương diện: phương thức, thủ pháp sáng tác, khả năng nhận thức và tiếp cận vấn đề của từng tác giả, thậm chí là cả sự quảng bá tác phẩm đến với công chúng.”.
Riêng đối với lĩnh vực âm nhạc, ở một đất nước ca nhạc phát triển như Việt Nam, nhất là trong điều kiện kinh tế đang phát triển thì sự bùng nỗ muôn mặt của âm nhạc là điều khó tránh khỏi. Thực tế cách đây không lâu, trong chương trình Bài hát Việt (phát trên sóng VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam), Hội đồng nghệ thuật có phân định ra các loại ca khúc thính phòng, ca khúc nhạc nhẹ, ca khúc dân gian đương đại...Phải chăng cụm từ ca khúc dân gian đương đại bắt nguồn từ đó mà lan rộng ra khắp cả nước. Đáng tiếc là Hội đồng nghệ thuật ấy vẫn có nhiều người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, được đào tạo chính quy. Nhưng khi đặt tên cho thể loại ca khúc dân gian đương đại bằng cách ghép từ sao cho ấn tượng mà không nghĩ đến tác dụng xã hội, gây nhận thức sai lầm trong định hướng thẩm mỹ âm nhạc đối với công chúng, tạo nên sự hoài nghi, nhầm lẫn về các thể loại âm nhạc được định nghĩa từ bên trong mái vòm nhạc viện đến bên ngoài xã hội.
Vậy thì, cách gọi ca khúc dân gian đương đại liệu có được phần lớn công chúng và các nhà nghiên cứu chấp nhận hay không? đó là điều chúng ta cần quan tâm làm rõ ranh giới giữa dân gian và đương đại để tránh ngộ nhận.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của ca khúc Việt trong mấy năm gần đây, giữa cái rộn ràng của tiết tấu và sự nhàm chán của ca từ thì người nghe vẫn thấy xuất hiện nhiều giai điệu đẹp mang đậm bản sắc Việt. Những ca khúc Giấc mơ trưa (Giáng Son - Thơ: Nguyễn Vĩnh Tiến), A í a, Quê tôi (Lê Minh Sơn), Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến), Con cò (Lưu Hà An)... trong chương trình Bài hát Việt là khá hiếm hoi nhưng thật đáng trân trọng và không thể phủ nhận.
Song, nếu gọi những ca khúc này bằng cái tên là ca khúc dân gian đương đại, thì chưa đúng. Có lẽ cách gọi này ảnh hưởng từ văn học và mỹ thuật: văn học đương đại, hội họa đương đại. Nhưng rõ ràng ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau. Văn học, hội họa đương đại, ít nhất nhóm từ này cũng phản ánh một trào lưu hay một bút pháp sáng tác mới đang diễn ra ở thời điểm hiện tại, còn ca khúc dân gian đương đại thì chỉ mang ý nghĩa về mặt thời gian, vì trong nền âm nhạc mới cũng từng có nhiều bài hát tương tự dạng nêu trên, Chẳng hạn ca khúc Chiếc khăn Piêu của nhạc sĩ Doãn Nho, khi được ca sĩ Tùng Dương hát với phong cách hoàn toàn mới thì bài hát nghe rất gần gủi với âm nhạc hiện đại.     
            Có một số bài hát như Bà tôi, Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến), rồi Con cò (Lưu Hà An), Đá trông chồng (Lê Minh Sơn)...thực ra về thủ pháp, bút pháp sáng tác không khác mấy so với nhiều bài hát của các nhạc sĩ ở những năm tháng trước đó. Thế thì, những ca khúc có tên dân gian đương đại, thực chất chúng là sự nối dài dòng chảy của một trong hai dạng trên.
Như vậy, ca khúc dân gian đương đại, thực chất là những bài hát mà giai điệu, nội dung hay lời ca có tiếp thu một số yếu tố của âm nhạc dân gian. Không thể phủ nhận giá trị nghệ thuật của những bài hát này trong bối cảnh âm nhạc hiện nay.
Theo NSND Trần Hiếu thì: thuật ngữ “Ca khúc dân gian đương đại” ngày càng được phổ biến. Nếu dịch ra tiếng Anh, dân gian đương đại là contempory folk, nhưng có lẽ không thể hiểu được đây là dòng nhạc gì. Bởi trên thế giới không hề có định nghĩa hay khái niệm này. Vì vậy, nếu chúng ta cứ cho rằng đây là ca khúc dân gian đương đại sẽ dễ gây hiểu lầm”.
Trên cơ sở chất liệu và âm hưởng âm nhạc dân gian Việt Nam các nhạc sĩ đưa vào ca khúc những giai điệu mang âm hưởng dân ca. Việc này đã có từ xa xưa, cứ qua từng thời kỳ thay đổi, con người lại cảm nhận những bài hát này theo một cảm nghĩ khác nhau nên cũng muốn thay đổi trong cách thể hiện để phù hợp với hoàn cảnh sống.
            Như bài dân ca Trống cơm. Xưa kia, được hát thật sâu lắng, dàn trải và trữ tình. Nhưng, trải qua nhiều thời kỳ của đất nước, bài dân ca này đã được hát một cách hoàn toàn khác, với tiết tấu nhanh, mạnh mẽ và dứt khoát, tính chất lạc quan. Cách hát này được lưu truyền cho đến ngày nay. Có thể nói, đây là một khúc dân ca nhưng được hát theo phong cách đương đại. Điều đó để thấy rằng việc hát bài ca dân gian theo phong cách đương đại hoàn toàn chấp nhận được theo thị hiếu của công chúng, mang hơi thở của âm nhạc thời đại. Tuy nhiên, khi hát Trống cơm theo phong cách rock thật khó chấp nhận. Nó làm mất đi cái hay, cái đẹp của cha ông ta. Điều này cho thấy, ca sĩ không chịu tìm hiểu cặn kẽ, thấu đáo về cội nguồn, lai lịch điệu hát dân gian, bắt chước hát mà không cần biết nó có phù hợp hay không. Nếu chịu khó tìm hiểu thì chắc chắn sẽ thành công và được công chúng đón nhận. Đơn cử, tại Đà Nẵng cách đây 4 năm có Đội nhạc Hải quân Mỹ khi tổ chức đêm văn nghệ giao lưu với nhân dân Đà Nẵng, họ đề nghị cung cấp cho họ một số bài dân ca, trong đó có bài Trống cơm, chỉ trong 2 ngày họ đã phối khí, hòa âm và luyện tập bài hát này với phong cách thể hiện âm nhạc đương đại, khi ban nhạc hòa tấu cùng nhóm ca sĩ, bài hát vẫn giữ được nét đặc trưng rất dân gian Việt Nam nhưng khá sôi động, trẻ trung và thu hút sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Bởi vì họ đã tìm hiểu kỹ tính chất làn điệu dân ca Bắc bộ khá phổ biến này.
            Thế nhưng, chính những ưu điểm ấy khiến cho một số người nông cạn đã quá lạm dụng, không còn để ý đến cốt cách của ca khúc. Kết hợp một cách tùy tiện. Có thận trọng trong sáng tác thì sự phối hợp dân ca với phong cách đương đại mới không lệch hướng.
      Tất nhiên, chúng ta nên hiểu rằng hát dân gian đương đại tức là hát ca khúc có chất liệu dân ca hay ca khúc mang âm hưởng dân ca theo phong cách đương đại, song không hề có dòng nhạc dân gian đương đại mà chỉ có bài hát mang âm hưởng dân ca, có chất liệu dân gian hoặc bài dân ca được hát theo phong cách đương đại.
2.    Từ diễn xướng âm nhạc dân gian đến sân khấu nghệ thuật diễn xướng chuyên nghiệp
      Việt Nam có nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng âm nhạc dân gian được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến nay như: Chèo, tuồng, bài chòi, cải lương, hát ví dặm…
      Hầu hết các loại hình nghệ thuật diễn xướng âm nhạc dân gian này đều bắt nguồn từ hình thức trò diễn dân gian, vừa hát vừa diễn nên gọi là diễn xướng. Về sau phát triển thành sân khấu kịch hát truyền thống chuyên nghiệp.
2.1 Chèo
            Theo sử sách ghi lại chèo có từ thế kỷ 11, thuở ban đầu xuất hiện ở các làng quê, hát các làn điệu chèo kết hợp với múa dân gian, diễn trên chiếu gọi là chiếu chèo. Dần dần thành phường chèo đi diễn ở các thôn làng. Mỗi phường chèo chỉ khoảng mười đến mười lăm người kể cả nhạc công, bộ gõ chiếm vị trí quan trọng. Người đóng trò gồm đào, kép, lão, mụ, hề. Có khi chỉ cần một đàomột kép, một hề xuất sắc là nổi đình nổi đám. Tính chất ước lệ của sân khấu chèo không chỉ thể hiện ở diễn xuất mà cả về trang trí. Chẳng có phông màn chỉ có một tấm vải nhuộm màu ngăn đôi buồng trò và sàn diễn. Hai chiếc chiếu trải ở giữa, khán giả ngồi vây ba mặt, đó là sân khấu chèo ở sân đình. Buổi diễn thường mở đầu và kết thúc bằng điệu hát dân gian.
             Sau này chèo tiến lên thành sân khấu kịch hát Chèo. Hiện có các Đoàn Chèo Trung ương, Nam Định…Chèo thuộc loại sân khấu tự sự (kể chuyện). Giữa người xem và người diễn có sự giao lưu khăng khít. Người xem dễ theo dõi. Cũng như sân khấu tuồng, ở đây trống chầu giữ vai trò đặc biệt. Trống chầu do một người có vai vế, uy tín hoặc tay sành sỏi điều khiển, để cầm trịch suốt buổi diễn, để tỏ ý thưởng phạt, giám định diễn xuất của đào, kép.
      Có thể nói từ chiếu chèo phát triển dần để có thể biểu diễn trên sân khấu, rồi trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu diễn xướng tiêu biểu của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ, địa bàn phổ biến từ Nghệ Tĩnh trở ra. Lúc này đã có tác giả kịch bản văn học, phục trang, hóa trang theo bài bản cụ thể nên chèo không còn là nghệ thuật diễn xướng âm nhạc dân gian mà đã trở thành sân khấu kịch hát Chèo chuyên nghiệp.
 2.2 Tuồng
            Tương tự như vậy, trước khi tuồng trở thành loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam thì khởi đầu bằng các làn điệu âm nhạc dân gian, động tác dân vũ kết hợp với các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời của người dân miền Trung Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ 18, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn, lúc này tuồng đã là loại hình kịch hát dân tộc truyền thống chuyên nghiệp. Tính dân gian chỉ còn trong các làn điệu dân ca, dân nhạc nguyên gốc, đôi khi có cải biên như lý tang tít, lý thượng….
            Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương... Tuồng thuộc dòng sân khấu tự sự phương Ðông. Tuồng có một hệ thống những điệu hát và những hình thức múa cơ bản mang tính chất mô hình, diễn viên tuồng căn cứ vào hoàn cảnh và tính cách nhân vật mà vận dụng linh hoạt những mô hình đó cho phù hợp. Ðặc trưng của khoa trương cách điệu còn được thể hiện trong âm nhạc, hoá trang, sự hình thành các kiểu mặt nạ hoá trang chủ yếu là sự khoa trương cách điệu đường nét trên khuôn mặt người.
            2.3 Bài chòi
            Xuất xứ bài chòi là một thể loại dân ca hát trong trò chơi dân gian đặc trưng ở vùng Nam Trung bộ còn gọi là "đánh bài chòi, một trong những trò chơi đắc ý nhất đối với cộng đồng vùng đất này, đó là trò chơi "đánh bài trên những mái chòi cao", xuất hiện từ khá lâu đời, phổ biến nhất là tại các vùng nông thôn khu vực Nam miền Trung vào khoảng giữa thế kỷ 20. Về sau nhằm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thưởng thức của công chúng, diễn xướng bài chòi được phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch. Sân khấu bài chòi được hình thành.
            Phạm vi nghệ thuật diễn xướng Bài chòi gồm 11 tỉnh, thành phố miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận (không bao gồm các tỉnh Tây nguyên). Hình thức và tính cách của trò chơi “Đánh bài chòi” rất độc đáo, đậm tính dân dã về mặt cấu trúc nội dung, từ hình vẽ đến chữ viết và tên gọi của mỗi lá bài trong một bộ bài gồm 3 pho, mỗi pho gồm 27 con bài có tên gọi riêng...
            Mỗi con bài đều có hình vẽ khác nhau rất bình dân để vui chơi, giải trí. Người ta vẽ các hoàng tử, công chúa, thái tử, tướng quân… hoặc hình đồng tiền, con gà, hoặc những hình tròn, những nét lăng quăng, có con bài vẽ rất thô tục mang chất dân gian quê mùa mà hài hước. Mỗi con bài đều có tên và có người "hô thai" con bài đó để cho người chơi bài đoán ra.
Ví dụ hô thai:           Một hai bậu nói rằng không
                       Dấu chân ai đứng bờ sông hai người?
                       (người chơi bài chòi đoán ra con bài Tứ Cẳng)
            2.4 Cải lương
            Cải lương là loại hình sân khấu kịch hát dân tộc ra đời vào đầu thế kỷ 20. Có nguồn gốc từ những bài đàn ca tài tử ở miền Tây Nam Bộ, được người dân hát lên như lời tâm tình, tự sự…hoặc với nhạc cụ dân gian tấu lên những làn điệu dân nhạc Nam bộ. Từ những hình thức ca nhạc dân gian, tiến tới cách diễn xướng, vừa hát, vừa biểu diễn bằng động tác để minh hoạ trên sân khấu, dần dần trở thành cây cầu nối giữa đàn ca tài tử và sân khấu kịch hát cải lương. Lúc này đã có kịch bản được các tác giả chuyên nghiệp sáng tác. Do đó cải lương trở thành loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát truyền thống, mà không còn là thể loại đàn ca tài tử trong dân gian nữa. Ngay cả trong dàn nhạc cải lương không dùng bộ gõ như Tuồng, Chèo mà có hai nhạc cụ chủ đạo là đàn nguyệt và đàn ghi ta phím lõm – một loại nhạc cụ phương Tây được chế tạo lại để phù hợp với việc đệm các làn điệu ngũ cung dân tộc cho người hát.
2.5.    Dân ca ví dặm
            Tương tự như vậy, cũng có dân ca ví dặm xứ Nghệ là thể loại âm nhạc dân gian của vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Về sau do nhu cầu thưởng thức của người dân, làn điệu ví dặm được đưa lên sân khấu chuyên nghiệp thành một loại hình sân khấu ca kịch đặc trưng của xứ Nghệ. Đây cũng là một trong những hướng bảo tồn và phát triển để loại hình dân ca này ngày càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt và nét đặc sắc.

             Là những người hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, trước hết, chúng ta nên hiểu tường tận và có trách nhiệm trong việc điều chỉnh, phân định ranh giới giữa văn hóa nghệ thuật dân gian và văn hóa nghệ thuật phi dân gian. Từ đó mới định hướng đúng cho xã hội, tránh để ngộ nhận lạc lối đáng tiếc./.

Không có nhận xét nào: