Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Tri thức đi biển trong vè các lái

Ngô Văn Ban

Có một thể loại Vè gọi là vè Các Lái. Đó là bài vè chứa những kinh nghiệm đi biển lâu năm của những người lái ghe bầu chuyên chở hàng hóa, các sản vật đi buôn bán tại các cửa biển ven biển nước ta, từ Bắc vào Nam và ngược lại. Nội dung bài Vè chỉ rõ cho những người lái ghe bầu biết những nơi cần đến, những nơi nguy hiểm, những nơi cần ghé vào lấy củi nước, nghỉ ngơi, giải trí, trao đổi hàng hóa, ghé vào dân lễ vật cúng bái cầu an …,  trong thời kỳ khoa học kỹ thuật về hải trình chưa được phát triển. Có những bài vè kể ra (hay hát ra), có những bài vè kể vào (hay hát vào) theo những nhật trình đường biển nhất định: Nhật trình từ Kinh đô Huế (cũ) vào tận trong Nam, tỉnh Hà Tiên xưa, tỉnh Kiên Giang ngày nay và nhật trình từ Kinh đô Huế (cũ) ra tận phía Bắc đến tỉnh Quảng Yên xưa, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
Những bài vè Các Lái còn hàm chứa phong phú tri thức văn hóa dân gian về nghề đi biển biển, kỹ thuật lèo lái ghe thuyền … Những người lái ghe bầu từ Bắc vào Nam hay ngược lại, ai cũng thuộc nằm lòng những bài vè Các Lái này. Vì đó là những kinh nghiệm xương máu được đúc kết của những người đi trước “thành thạo” một cung đường, truyền cho đời sau, để họ biết rõ đường đi, tránh những nguy nan, bất trắc, tạo nhiều thuận lợi cho cuộc hành trình.
NHỮNG TRI THỨC CỦA NGƯỜI ĐI BIỂN TRONG CÁC BÀI VÈ CÁC LÁI
1.Tri thức về tên gọi giúp các lái nhận biết về các đơn vị hành chính tỉnh/thành, thôn xã ven biển nước ta mà các lái cần nắm để biết mình đi từ đâu đến đâu. Ngoài ra, những bài vè các lái cũng cung cấp cho các lái biết những tên của các cửa biển, tên đảo, tên hòn, tên vịnh, tên mũi, tên gành, tên lạch, tên bãi, tên rạn, tên cồn, tên tấn thủ đồn binh, tên núi, tên sông, tên đền, tên chùa, tên chợ  … và rất nhiều tên khác nằm ven biển nước ta. Các tên gọi này coi như những “mốc” giúp các lái biết mình đã đi đến địa điểm nào trong cuộc hành trình: - Có những tên gọi các hòn được lồng ghép trong câu ca dao để người lái ghe bầu dễ thuộc dễ nhớ, như các hòn trong quần thể đảo Cù Lao Chàm ở Quảng Nam:  Ra lao đón lụi thật dài/ Chờ mồ khô lá, xuống tai chực nồm. Đó là các hòn: Lao, Lụi, Dài, Mồ, Khô, Lá, Tai. - Có những tên gọi các vũng, hòn mang tên các loài thú, như vũng Trâu Nằm (Khánh Hòa) hay các hòn, đảo ở vùng biển Nghệ An: Trâu nằm ngoài cửa chầu vào/Chó thì vác mỏ trên cao khéo là/Cáo thì rón rén bắt gà/Một đàn thú vật xinh đà quá xinh… Ở cửa Lạch Trường Thanh Hóa có hòn đảo nhỏ mang tên là hòn Đầu Bò, bài Vè đưa địa danh này bằng câu nói vui: “Vào Trường ta đậu mua Bò ăn chơi” để người đi biển dễ nhớ địa danh này khi vào cửa Lạch Trường.
2. Tri thức về những nơi ghe bầu sắp đến: Giúp các lái nhận biết ghe bầu của mình sắp đến tỉnh/thành nào, đến Hòn nào, đảo, vịnh nào …căn cứ vào những dấu hiệu, cột mốc gì để nhận biết: - Lấy đèo làm mốc : – Ngoài cửa Chuồng mũi Đao là đó/Kìa đèo Ngang nọ nọ trông lên - đã gần với Cù Mông là cửa/Hai mũi đều chờn chở gie ra/Trên mũi Móm dưới mũi Rà/Qua hai mũi ấy vũng La đã gần.  - Lấy hòn núi đặc biệt nào đó làm mốc, - Ngó lên núi Ải rất cao/Ta sẽ lần vào Hố Chuối, Hang Dơi. - Vác mặt xem thấy Bàn Than / Ngoài thời lao Ré (đảo Lý Sơn) nằm ngang Sa Kỳ. - Lấy một sản vật nào đó đặc biệt ở địa phương để làm mốc, như rừng dừa Tam Quan, Bình Định: Vát ra khỏi mũi Sa Hoàng (Sa Huỳnh- Quảng Ngãi)/ Kìa kìa ngó thấy Tam Quan (Bình Định) nhiều dừa. - Cây kè, cửa Việt  càng cao/Viễn vông cứ đó ra vào làm tiêu.. – Còn ghe bầu vào cảng Hải Phòng: Phía đông hải cảng chăm nhìn phao tiêu/ Phao không số bắt đầu cửa Lạch/Một, hai, ba hướng vạch phân luồng/Xanh sâu, đỏ cạn chỉ đường/Chạy luồng Nam Triệu thẳng luôn Hải Phòng …(Ghe bầu trước khi vào cảng Hải Phòng, phải chăm nhìn phao tiêu. Phao tiêu có đánh số, “số không” là bắt đầu cửa Lạch, “số một, hai, ba” là hướng vạch phân luồng cho ghe thuyền khỏi chen nhau, khỏi lệch hướng. Phao tiêu cũng có sơn màu để chỉ độ sâu, độ cạn: Màu xanh báo cho biết lạch sâu, màu đỏ báo cho biết lạch cạn. Và ghe bầu chạy theo luồng Nam Triệu để thẳng luôn Hải Phòng. Luồng Nam Triệu là luồng nước di chuyển một chiều, luồng hàng hải của Thành phố Hải Phòng). - Ngoài ra: + Lấy mắt mà trông: - Gió tây ba cánh chan hòa/Ngó ra mù tít la đà hòn Ông. - Ngó lên Hòn Mắt thẳng dăng …-  Ngó vô cửa Khẩu thêm vui… - Kìa kìa lại thấy Ma Liên, Chớp Chài.  Chụt Đèn đèn ngó xuống chỉnh ghê/Ngó về Hòn Tý, dựa kề Cam Linh. - Đứng xa ngó dặm trông chừng/Phố Giày, Phan Thít đã gần Trạm Lung. - … ở ngoài bãi Sách trông lên/Mà trông Bang Trí buồm tiên qua rồi. - Trông ra hòn Lạn, hòn Nhồi/Thuyền bè san sát nhiều người mại thương. + Vị trí các Hòn: Ngoài Hòn La trong thì Hòn Cỏ. - La ngoài, Cỏ giữa hai bên/Mũi Ông trong bãi đất liền bò ra … - Dưới thì vũng Áng, ở trên Dinh Cầu. - Láp, Nồm kề cuối hòn Ngư. - Hay trông vào các ngọn hải đăng: Xa trông đã thấy mũi đèn ở kia…
3. Tri thức về những nơi nguy hiểm hay an bình, giúp các lái dè chừng, cẩn thận tránh nguy hiểm, hay vào tránh gió, nghỉ ngơi: - Sóng dâng địa tục càng cao/Xắc lèo kéo lái gần vào không nên.  - Qua cồn Thống Chế trước sau phải dè. - Hòn Gầm nghe sóng bổ vang/Đi bảy ngày đàng đến đầm Bà Gia (Khánh Hòa). … một ngày đến huyện Mộ Hoa/Mĩ Á cửa nọ thực là hiểm thay (Cửa biển Mỹ Á ở huyện Mộ Đức Quảng Ngãi hẹp và cạn, tàu thuyền không thể vào đỗ được dễ dàng, như câu ca dao: Đời ông cho chí đời cha/Đến cửa Mỹ Á thì ta chớ vào). - Mũi Lãi không thấp không cao/Các lái ra vào tránh lố khơi khơi …(“Lố” là nơi có đá ngầm, rạn san hô hay bãi cát nhô lên, dễ cho ghe thuyền bị va vào hay mắc cạn ở vùng biển tỉnh Quảng Trị, nên Các lái lỡ vời tăm tối phải coi…). - Hòn Hiền (Quảng Bình) là mẹ là cha/Ai đi đến đó cũng là bình yên. - Ngoài cù lao, trong đá cao như vách/Vui lòng người quán khách nghỉ ngơi (Cam Ranh)…
4. Tri thức về những nơi hoang vắng thường có nạn Tàu ô cướp biển cũng được nhắc nhở những người đi biển lưu ý, dè chừng: Dù ai lên xuống ra vô / Chạy ngoài phải giữ Tàu-ô cướp chừng.
5. Tri thức về những nơi có phong cảnh kỳ thú giúp các lái thưởng thức, quên đi những mệt nhọc: (...Kìa như nước biếc lại đèo non xanh. - Lạch Yên Hòa nước chảy trong veo/Nhìn xem phong cảnh cũng chiều/Trông nước nước biếc, trông đèo đèo cao. - Sa Kỳ cũng vịnh ra vào nghỉ ngơi/Chốn nghỉ ngơi nhiều nơi phong cảnh. - Trà Khúc Quảng Ngãi núi chi/Có hòn Thiên Ấn dấu ghi để đời.- Ngũ Hành Sơn nay đã dựa kề/Thấy chùa thờ Phật, Phật về thượng thiên.
6. Tri thức về những nơi ghe bầu có thể vào lấy củi, nước, vui chơi, bán buôn : + Vào lấy củi, nước: - Lấy neo trong Ngọc (Thanh Hóa) cho yên tấm lòng/Hái củi gánh nước vừa xong/Chực trời tốt gió ta hòng trẩy vô. - Ghé thuyền gạo củi rồi lui/Buồm dong ba cạnh thẳng vời chạy vô. + Vui chơi, giải trí, gặp mặt, mua bán: Nha Trang xuống Chụt (Khánh Hòa) bao xa/Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng/Anh em mừng rỡ lăng xăng/Người hỏi thăm vào, kẻ hỏi thăm ra/ Anh em chè rượu hỉ ha. Hay: Kẻ thời ăn uống vui chơi/Người thời lơi lả chơi bời nguyệt hoa/Người thời mua sóng thay là/ /Mua đệm cùng mấu lại ca mua ghè/Người thời mua hũ mua ve/Mua đường mua mật lại ca mua hèo/Kẻ thời mua máy buộc lèo/Người mua sóng lá đem theo xỏ tiền/Người mua thuốc lá thuốc viên/Người mua thuốc khúc để nguyên đem về.
7. Tri thức về những sản vật địa phương: - Thuyền qua Quảng Ngãi mía đường. - Vác ra ngoài mũi sa vàng/Kìa kìa lại thấy Tam Quan nhiều dừa (Bình Định). - Kìa mũi Tài Phú là nơi nhiều ghè (Bình Định). - Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng (Mua đệm tức là lá buôn để làm buồm và song mây làm dây cột buồm (chằng), Khánh Hòa nổi tiếng). - …Phú Hài, Phan Thiết đã gần Trà Lung/Nơi nước mắm lẫy lừng danh tiếng…- Cửa Tam Tân nhìn vô tươi mát/Rừng dầu “chai” xanh ngắt một màu.  - Dầu ai tìm thú vui chơi/Tới hòn Phú Quốc nhắm đời mà coi/San hô, hổ phách, đồi mồi/Đá huyển, đồn đột, đủ mùi kiếm ăn/Sơn lâm, hậu phác, hương trầm/Linh qui còn có sanh cầm thiếu chi/Xiết đâu kể hết tinh vi/Nói sao cho thấu những đồ thổ nghi... - Thái Bình cửa lạch là nơi/ Diêm Điền muối mặn, cá tươi tôm vàng
8. Tri thức về lịch sử, truyền thuyết: Nhiều địa danh từ Bắc vào Nam gắn liền với di tích lịch sử, các truyền thuyết dân gian ... đã được bài Vè ghi lại cho người đi biển hiểu biết thêm về non sông đất nước ta. Hay khi thuyền đi qua những nơi mà người đi biển cho là linh thiêng, cần ghé lại dâng lễ vật cúng bái cầu cho an bình trên đường đi và tạo cho người đi biển an lòng tiếp tục cuộc hành trình muôn vàn nguy hiểm trên biển cả đầy hiểm nguy đó : Kim ngân lễ vật cúng dường/Lâm râm khấn nguyện lòng thường chớ quên …Vụng Gầm (Thanh Hóa) thân dưới còn xa/Thờ đến thánh Độc (thần Độc Cước) trở ra bên ngoài/Nào ai buôn bán trong ngoài/Lấy vàng cúng tiến, cầu thời bình yên. - Đây vào lạch Bạng (Thanh Hóa) không sai/Đền thờ Tứ Vị hôm mai cúng chầu. - Đất Biện Sơn có đền Thánh Cả/Dâng lễ vào khỏe mạnh bình yên. - Nào hòn Ba Đọ (Hà Tĩnh) ở đâu /Kim ngân lễ vật trước sau phải tuyền.  Ngoài biển, hải phận huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh có các đảo được gọi là Cao Vọng, Bàn Độ, Sơn Dương với một truyền thuyết rất thú vị. Đảo Song Ngư ở Nghệ An cũng có một truyền thuyết về tên đảo này. Những người trên ghe bầu ngó lên Hòn Mắt thẳng dăng ở vùng biển Nghệ An ai cũng nhớ đến truyền thuyết về tên gọi hòn này. Ở Thanh Hóa có cửa Thần Phù: Lạch Sung thẳng tỏ trông lên Thần Phù …Qua đây ai cũng nhớ câu ca: Lênh đênh qua cửa Thần Phù/Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm và truyền thuyết về Áp Lãng Chân Nhơn do Hồ Nguyên Trừng kể trong Nam Ông mộng lục. Trên hành trình, ghe bầu đến vùng biển tỉnh Bình Định, biết được địa danh Kẻ Thử hay Cách Thử đế biết được một truyền thuyết về ngôi chợ người và ma buôn bán với nhau. Ghe bầu đến vùng biển Phú Yên, ngó lên thấy mả Cao Biền cũng cho ta biết được truyền thuyết về tướng Cao Biền đời Đường sang cai trị nước ta. Vào đến vùng biển Khánh Hòa, thấy Hòn Đỏ nằm ngoài khơi huyện Ninh Hòa: Cửa đò Hòn Khói xa xăm/Kinh ngoài Hòn Đỏ, kinh trong bãi Trầy. Nơi Hòn Đỏ này có tục thờ bà Lỗ Lường của ngư dân làm nghề lưới đăng với những lễ cúng mang tính phồn thực mà hiện nay vẫn còn. Tại vùng biển Bình Thuận có truyền thuyết về Thầy Thím: đầy tính chất huyền thoại, linh thiêng: Lệnh thiêng, Thầy Thím còn kia/Ai đi qua đó chớ mê làm giàu…Ghe bầu đến Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay được nghe truyền thuyết về Dinh Cô, về núi Tao Phùng, đến xã đảo Long Sơn nghe truyền thuyết về ông Đạo Trần. Ghe bầu vào Nam, không thể không nhớ câu: Nhà Bè nước chảy chia đôi/Ai về Gia Định Đồng Nai thì về để tìm hiểu truyền thuyết tên gọi Nhà Bè do Ông Thủ Huồng tạo lập. Về vùng biển Hà Tiên xưa, tỉnh Kiên Giang ngày nay nghe kể về Sân Chim của một thời, truyền thuyết về đảo Rùa, về bà Tống Thị thêu tượng Phật Quan Âm ở chùa Quán Thế Âm ở đảo Đại Kim…
9. Tri thức về Hòn Vọng Phu hay còn gọi Đá Vọng Phu, Đá trông chồng ở ven biển thì có ở cửa biển vùng Thanh Hóa, cửa biển Đề Di (Gi) Bình Định, vùng Ninh Hòa (Khánh Hòa) ...  Người đi thuyền ven biển có thể thấy được Hòn Vọng Phu này mà họ gọi là “Mẹ Bồng Con”. Như khi thuyền đến vùng biển Bình Định, anh em trò chuyện vui cười/Nhìn lên ngọn núi thấy “Người Bồng Con”/Ngắm trong non nước nước non/Trăng thu vằng vặc dạ còn như in.  Khi thuyền ngang qua, theo tục, phải làm lễ cầu Bà để thuận buồm xuôi gió: Bắt gà mà lễ một con/Lạy bà bà thổi nồm luôn đêm ngày.
Những địa danh trong các bài Vè Các Lái, đã cung cấp một lượng thông tin quý báu, chính xác, có giá trị lịch sử - văn hóa về các tên làng, tên đất, tên biển, về danh lam thắng cảnh v.v… của đất nước dọc miền duyên hải, đồng thời cho chúng ta biết người xưa đã làm chủ biển đảo ven biển nước ta, đã đặt tên, khai thác, định cư …thể hiện ý thức chiếm hữu của người Việt ta từ xa xưa ..., rồi còn vươn ra xa khơi nữa, đến Hoàng Sa  ... Trường Sa ... Có thể nói, nội dung Vè Các Lái đã xác định được chủ quyền biển đảo của ta từ thưở xa xưa trong dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt.
10. Tri thức về các đồn binh, tấn khẩu :- … Đà Nẵng cửa đặt Tuần Ty (có nhiệm vụ kiểm soát hàng hóa vận chuyển bằng đường sông, đường biển để thu thuế). - Lý Hòa, Đá Nhảy kề liền Linh Giang/Tấn đây có lũy có đồn.. - Chuyến đi muốn được an lành/Vũng Tàu đã đến phải trình sổ ra/Trình đồn rồi lại thẳng qua/Đồng Nai, Gia Định của ta lại về…
11. Tri thức về thời gian ghe bầu đi trên biển : Thời gian ghe bầu trong cuộc hành trình được tính bằng đơn vị: - Ngày (hay nhật trình (Đường đi trong một ngày), bán nhật trình (Đường đi trong nửa ngày - 1 buổi)): -Đại Chiêm cửa ấy phỏng đi một ngày. - Thuỷ hành phỏng độ nửa ngày/ Tột Bồng Sơn huyện, thực đây Sa Huỳnh. - Hòn Gầm nghe sóng bổ vang/Đi bảy ngày đàng đến đầm Bà Gia. - ... Đến Nha Trang một ngày chầy/Lại thêm nửa ngày đến Tiểu Nha Trang. - đến Ma Ly phỏng bán nhật trình …. - Canh (hay trống canh): Khoảng thời gian bằng một phần năm của đêm, được coi là đơn vị thời gian ban đêm ở Việt Nam ngày xưa: - Một canh Tiểu Hải bộ hành/Đại Nham ba trống (ba canh), thuỷ trình bao xa? . - Dặm đường: Thảnh thơi ba cánh thảnh thơi/Buông xuống Quảng Ngãi một thoi dặm đường. - Một thôi: một hồi liên tục trong khoảng thời gian tương đối dài: Ngọn từ Xã Thái  ồ ồ chảy tuôn/Một thôi  đến Nhật Lệ môn …- Một đỗi xa xa: Chạy lên một đỗi xa xa/Khỏi mũi Đá Nhảy, Lý Hòa quản bao/Gió Đông ba cánh chan hòa/Chạy xuống một đỗi đó là Cửa Gianh … - Một đoạn: Gió tây ba cách chan hòa/Chạy ra một đoạn đã là hòn Ông. - Nhắm chừng (hướng tới một đoạn đường được xác định tương đối, đại khái): Nhắm chừng vũng Lắm buông qua/Xuân Đài, mũi Yến chạy qua hố Trầu - Chạy hết …, lại sang …, tới … , hay Chạy khỏi …: ... chạy hết Cát Thắm lại sang Đồi Mồi... - Chạy hết bãi dài tới cửa Trà Nông…- ... chạy khỏi cửa Bé lánh thân Trâu Nằm...  - Chạy thẳng ngay đến ...:  Lòng Sông, mũi Chợ thẳng ngay La Ngàn …
12. Tri thức về luồng gió: Gió có ảnh hưởng nhiều đến việc đi ghe thuyền. Ghe bầu đi trên biển chạy bằng buồm, tức là nhờ buồm cản sức gió để thuyền lướt trên sóng nước.  Về gió có các loại gió: Gió bấc; gió nồm (còn gọi là gió nam, gió tống. Khi ghe bầu vào Vũng Rô (Phú Yên), dù gió nồm gió bấc cũng vào trú được: Vũng Ô Rô bốn mùa cũng khuất/Dựa mặt nồm mặt bấc cũng hay... vì Vũng Rô là nơi tránh gió rất tốt: …bịt bùng, chỉ một đường vô/ Dầu nồm, dầu bấc không xô phía nào. Còn đến Phan Thiết, Phú Hài, Phan Thiết lạ đời/Nồm nam dọa dẫm về nơi Bãi Thùng. Có lúc phải đợi gió bấc: Vụng Vơi chốn ấy đã yên/Chờ cho có bấc  thẳng miền Đồng Tranh. Khi gió thổi mạnh thì ghe bầu “giương buồm ba cánh” mà cho ghe chạy: Gió ù ù buồm giong ba cánh/Qua Hòn Bà thủng thỉnh đã an …Khi ghe bầu sắp đến La Gàn (Bình Thuận) thì có lời khuyên: Êm trời ta sẽ lần vào/ La Gàn có mũi thấp cao kia là. Hay là: Chờ cho thấy gió, trăng lên/Lên buồm mà chạy như tên thanh nhàn.
13. Tri thức về kỹ thuật lèo lái ghe bầu: Ghe bầu di chuyển bằng buồm xuôi gió, chỉ cần có gió động buồm là đi được, dù nhanh hay chậm. Những lúc thiếu gió hay gió hơi ngược họ có kỹ thuật “chạy vát” hay chạy “ganh” rất độc đáo, theo hình chữ “chi”. Tức là ghe bầu chạy ngược gió bằng cách kéo xiên xiên cánh buồm, nếu ghe nghiêng thì đặt một đòn dài qua thân ghe, dùng vật nặng đặt một bên làm đối trọng để giữ trọng tâm thuyền, gọi là chạy “ganh”. Tùy theo độ nghiêng của ghe mà người trong ghe chạy ra ngồi trên đòn ganh, nếu ghe nghiêng nhiều hơn thì cùng lúc hai, ba, bốn người ngồi. Đó là kỹ thuật lèo lái ghe bầu khi ghe chạy ngược gió. Nếu gió xuôi, ghe đi mất 10 phút, còn gió ngược thì đi mất 15-20 phút cho cùng một quãng đường.. Trong Vè Các Lái có nói về “chạy vát” này: - Có đêm phảng phất gió tây/Vát chày mà chạy lái ngay vững vàng. - Vát ra khỏi mũi Sa Hoàng/Kìa kìa ngó thấy Tam Quan nhiều dừa. - - Vũng Tàu kia đã đến rồi/Vát một hồi tỏ rạn Thùy Vân. Trong bài Vè ta có thấy từ “lèo”. Lèo, theo Đại Nam quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, là “dây gióng lá buồm, kéo lá buồm. Giữ lèo lái: Giữ lấy dây lèo, bánh lái. Nới lèo: Nới dây lèo ra cho dài hơn. Rán lèo: Rán dây lèo cho thẳng. Thả lèo: Thả dây lèo, buông dây lèo, có ý làm cho buồm hết bọc gió. Xả lèo: giống ý trên1. Như thế “dây lèo” “là dây điều chỉnh góc nghiêng của buồm so với trục dọc thuyền tức là điều chỉnh góc chém của gió vào buồm. Dây được buộc với thanh lèo. “Dây lèo thượng” là dây nối với đầu trên của “dây nẹp cạnh buồm” (Dây được khâu nẹp vào mép cạnh để gia cường cho buồm), rồi thít lại tại xà treo buồm, dùng để túm lại hay thả lỏng phần phía trên của buồm, không để phần trên của buồm bị dúm dó[1]. Người lái ghe thuyền, giữ dây lèo có trách nhiệm chỉnh lại buồm cho thuyền đi đúng hướng. Có lúc phải nới lèo, - ….nới lèo ráng lái mau mau/Châu Me, Lò Rượu sóng xao hòn Nhàn/Ngó vô thấy tháp xinh xinh/Nới lèo, ráng lái Bãi Dinh dậm dài. - Khe Gà nay đã đến nơi/Anh em làm lễ một hồi ta qua/Nới lèo xây lái trở ra …/ Hòn Lang, cửa Cạn ấy là Tam Tân…Có lúc phải rán lèo (trong bài Vè gọi là gò lèo) là kéo dây lèo cho ba cánh buồm căng ra để lái thuyền đi về một hướng nhất định : - Tắt mặt trời các lái ra đi/Nhắm chừng bãi lưới một khi/Tây phương chỉ mũi lái thì gác dông/Gò lèo  ba cánh thẳng dong/Cà Ná đã tới Khu Ông đã gần. Có khi phải xả lèo hay thả lèo: - Hải Môn Nhật Lệ nghênh ngang ra vào/Sóng dâng địa tục càng cao [2]/Xả lèo kéo lái gần vào không nên. Như trên đã trình bày, khi ghe thuyền chạy ngược gió thì có kỹ thuật “chạy vát”, lúc đó, người giữ lèo “phải chuyển lèo liên tục, lúc lèo phải khi lèo trái để tiến tới đích1. Việc “chuyển lèo” là việc điều khiển buồm để thay đổi hướng tác dụng của gió vào buồm, ví dụ như từ mạn phải chuyển sang mạn trái theo các bước: 1. Đang đi lèo phải, 2.quặt ngược gió để chuẩn bị chuyển lèo, 3. ngược gió, 4. chuyển sang lèo trái, 5. chạy lèo trái 2. Trong bài Vè có sử dụng từ “lăn buồm”. Cũng theo tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, “lăn buồm” là “cuốn buồm lại”, vì ghe thuyền được dòng nước đẩy đi: - Lăn buồm  mà dựa 3 cho yên/Ba Non thẳng lái chỉ ngay Cần Giờ. - Lăn buồm dựa Chụt đó là Nha Trang. Từ “bát” cũng được thấy dùng trong bài Vè. “Bát” là lái thuyền sang phải, trái với “cạy” là lái thuyền sang trái. Trong tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của có từ “bát cạy”: Thường nói về sự chèo ghe, khiến đi bên tay mặt, hay là bên cọc chèo mũi, thì kêu là bát, khiến đi bên phía tay trái hay là bên cọc chèo bánh, thì kêu là cạy”: Bát vào cửa Đại là nơi/Cồn cát giữa cửa vịnh vời mới thông. Ngoài ra, trong bài Vè ta còn thấy có từ “bát cao”, có nghĩa là lái thuyền rất nhiều sang phía bên phải: Mặc ai chèo nhặt bát cao/Giang hồ thương mãi hỏi nào Vũng Luông? (Vĩnh Luông là tỉnh Vĩnh Long). Có khi bờ biển đổi hướng nên người lái thuyền cho mũi ghe hướng về phía tây, còn lái quay ra phía đông, gọi là “gác đông”: Đè mặt trời gác lái chạy ra/Liệu chừng chốn ấy đã qua/Tây phương chỉ mũi lái đà gác đông/Thuận buồm ba cánh thẳng giong.
Những tri thức đi biển trình bày sơ lược trên qua các bài Vè Các Lái, cho ta thấy được những kinh nghiệm đi biển của người xưa lưu truyền cho các thế hệ sau có một giá trị nhất định. Nhờ những tri thức đó mà những các lái thế hệ sau lèo lái được ghe thuyền hành trình ven biển giữ được sự an toàn, nhận thức được những gì cần biết. Đó là những hướng dẫn quý báu, những “cẩm nang” cần thiết của người đi biển. Thế hệ của những người đi biển lâu năm, họ đã sáng tác bài Vè Các Lái, với mục đích qua rồi chép để hậu lai, luôn nhắc nhở thế hệ đi biển tiếp sau phải biết đêm ngày mà đi  và mong rằng nên thuộc bài Vè, trước là xem gió xem trời/Sau thì cho biết những nơi hiểm nghèo



1 Hùinh Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, NXB Trẻ tái bản, TP Hồ Chí Minh, 1998, trg.559-560.
[1] J.B.Piétri, Voiliers d’Indochine (Thuyền buồm Đông Dương), bản dịch của Đỗ Thái Bình, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2015, trg.199.
[2] Sóng biển dâng cao đập vào đất liền liên tục.
1 J.B.Piétri, Voiliers d’Indochine (Thuyền buồm Đông Dương), sđd, trg.197.
2 Theo Voiliers d’Indochine (Thuyền buồm Đông Dương), sđd, trg.198.
3 Dựa: Định hướng.

Không có nhận xét nào: