Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Bàn thêm một số vấn đề về truyện Thủ Thiệm

Đinh Thị Hựu

I. VẤN ĐỀ TIỂU SỬ CỦA THỦ THIỆM
            Thủ Thiệm là tên gọi dân gian của một người có tên là Nguyễn Tấn Nhơn. Thủ Thiệm được nhân dân suy tôn như là một nhân vật Trạng trong kho tàng Văn học dân gian Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
          Theo Nguyễn Văn Bổn trong bài giới thiệu của tập sách Truyện cười Thủ Thiệm thì năm sinh và năm mất của Thủ Thiệm chưa được xác định rõ ràng, cả trên bia mộ cũng không thấy ghi. Đến năm 2007 trong sách "Thủ thiệm tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng" Nguyễn văn Bổn lại ghi: "Ông sinh năm 1854 (năm Giáp Dần, đời Tự Đức thứ 7), mất vào năm 1920 (tức năm Canh Thân, khải Định thứ 5, tại quê nhà" . Nhưng theo một tài liệu khác của sinh viên Nguyễn Thị Kim Nguyệt ghi trong luận văn tốt nghiệp đại học Khoa học Huế ngành ngữ văn, 1996 có viết: Ông sinh năm 1843 (năm Nhâm Dần) mất ngày 23/3/1920 (Năm Kỷ Mùi) Năm sinh và năm mất của Thủ Thiệm được tác giả luận văn căn cứ vào lời kể của ông Nguyễn Tấn Đại sinh năm 1913, cháu đích tôn của Thủ Thiệm. Ông Đại kể rằng: Khi ông Đại được 7 tuổi thì ông nội (tức Thủ Thiệm) chết, lúc đó ông nội thọ 77 tuổi, đến nay gia đình ông Đại vẫn lấy ngày 23/3/ Âm lịch hằng năm để làm ngày giỗ cho ông Nội. Theo chúng tôi phải chăng ở đây tác giả luận văn đã có sự nhầm lẫn giữa ngày âm lịch và ngày dương lịch?
            Theo một tài liệu mới nhất do ông Huỳnh Vũ Khoa, cán bộ thông tin văn hóa xã Tam Hòa, Núi Thành cung cấp (Dựa vào Phiếu khảo sát di tích khi dời mộ Thủ Thiệm năm 2011), Thủ Thiệm sinh vào khoảng những năm 50 của thế kỷ  XIX (1853-1920)1. Thủ Thiệm quê ở Bình Đình, An Hòa, Hà Đông (nay là thôn 5, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam).
             Sở dĩ có tên Thủ Thiệm vì ông được nhận chức thủ sắc1 của làng khoảng bảy ngày. Sau đó ông từ chức, nhưng danh vị đó lại theo ông suốt đời và truyền lại mãi cho đến ngày nay. Gia đình Thủ Thiệm trước làm nghề biển tương đối khá giả. Do đó, cha mẹ cho ông ăn học tử tế. Nhưng Thủ Thiệm không hề có tham vọng tiến thân bằng con đường khoa cử. Ông có ra Kinh ứng thí nhưng trong lòng ông đi thi chỉ là một dịp để được ngao du đây đó. Trong  truyện kể "Chuyện đi thi" chúng ta đã thấy bước đầu khuynh hướng chống Triều đình Phong kiến của ông. Cuộc đời ông có nhiều khúc quanh, mỗi khúc quanh đều bộc lộ tính cách của con người ông: Tinh nghịch, thông minh, tài trí và ông đã đem cái thông minh, tài trí của mình đề đánh vào giai cấp phong kiến và bọn thực dân. Chính điều này đã đưa ông đứng vào hàng ngũ những nhân vật Trạng của kho tàng Văn học dân gian Việt Nam.
            Thủ Thiệm sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử quê hương và đất nước có nhiều biến động. Khi Thủ Thiệm hơn mười tuổi ông đã chứng kiến tiếng súng xâm lược Pháp bắn vào Đà Nẵng (năm 1858). Tiếp theo những năm sau triều đình nhà Nguyễn đã không chống chọi lại được gót giày xâm lược Pháp nên đã dần cắt đất cho Pháp và ký nhiều hòa ước rất bất lợi cho với dân tộc. Trong hoàn cảnh nước nhà loạn lạc, quê hương bị quân thù giày xéo, nhiều phong trào yêu nước đã nổi lên chống Pháp. Ở Quảng nam có phong trào Nghĩa Hội (1886) nổi lên rất mạnh mẽ. Rồi vụ "Xin xâu chống thuế" nổ ra đầu tiên ở Đại Lộc, sau lan dần ra Quảng Nam và cả Trung Kỳ. Ở Quảng Nam bấy giờ có nhiều sĩ phu yêu nước tham gia phong trào chống Pháp như Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Phiên...
            Nhân dân ta đã ý thức sâu sắc việc nước mất nhà tan nên cũng  hưởng ứng mạnh mẽ nhiều phong trào yêu nước. Là một người có học, có tâm huyết, bản thân Thủ Thiệm cũng ý thức sâu sắc trách nhiệm đối với quê hương đất nước "Ông đã hăng hái tham gia phong trào Duy Tân. Về sau khi đã già ông còn tham gia việc cướp chiếc tàu thương chánh của Pháp. Việc bại lộ, một người tên Đội Tám bị bắt, bảy người khác trong đó Thủ Thiệm bị xử quản chế. Trong lúc tham gia phong trào yêu nước ông có sáng tác một số bài thơ Nôm bày tỏ lòng yêu nước hoặc bày tỏ thân thế cảm hoài. Tiếc rằng, cho đến nay không ai còn nhớ hoặc giữ được những văn bản ấy"1.
            Sống trong cơn bão táp của lịch sử, lại trưởng thành ở một vùng đất mới nên tính cách, tâm hồn của Thủ Thiệm cũng mang nhiều điểm đặc biệt. Trong hoàn cảnh bấy giờ, Thủ Thiệm là người có tâm huyết nên ông đã chọn cho mình một thái độ sống. Ông nhìn đời bằng cái nhìn bông đùa trào lộng. Dưới mắt ông, xã hội đương thời chỉ là một tấn trò đời không hơn không kém. Vì thế, ông đã bỡn cợt với tất cả chuyện đời!
            Thủ Thiệm có óc hài hước, thông minh sắc sảo, đặc biệt là tài linh hoạt trong ứng xử. Thủ Thiệm đã nhiều phen làm cho bọn tai to mặt lớn trong làng, trong phủ phải bẽ mặt. Với bản chất bộc trực thẳng thắn ngang tàng, Thủ Thiệm đã thể hiện đầy đủ tính cách của con người Xứ Quảng: lạc quan, yêu đời, ham đấu tranh, giàu nghĩa khí.
II. VẤN ĐỀ XÁC ĐỊNH THỂ LOẠI CỦA TRUYỆN THỦ THIỆM     
Việc xác định thể loại của truyện Thủ Thiệm ý kiến của các nhà nghiên cứu Folklore Việt Nam đến nay vẫn chưa thống nhất. Tựu trung có các ý kiến như sau:
            1. Tác giả Nguyễn Văn Bổn trong sách Văn nghệ Dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng (tập II) 1985 và trong sách: “Truyện cười Thủ Thiệm” Nguyễn Văn Bổn với sự cộng tác của Tôn Thất Bình, Trương Giảng đã xếp truyện Thủ Thiệm vào thể loại truyện cười. Tuy trong bài viết giới thiệu của tập sách tác giả không nêu rõ quan điểm xếp loại của mình nhưng với nhan đề của tập sách các tác giả này đã mặc nhiên xếp truyện Thủ Thiệm vào thể loại truyện cười.
            Năm 2007, trong tập sách"Thủ Thiệm, tiếng cười dân gian độc đáo Xứ Quảng" Nguyễn Văn Bổn đã nói rõ hơn :"Truyện kể về một nhân vật đã để lại nhiều giai thoại vui cười, châm biếm trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam từ trước đến nay"... (tr. 12).( Phải chăng ở đây Nguyễn Văn Bổn chưa phân biệt rõ giai thoại và truyện cười?)
            Sau đó, cũng trong nghiên cứu này, Nguyễn Văn Bổn lại viết tiếp:  "Chúng ta có thể kể đến Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Ba Giai, Tú Xuất ở miền Bắc, Xiển Bột ở Thanh Hóa, Ba Phi ở Nam Bộ... và thật là thiếu sót nếu chúng ta không tìm hiểu và giới thiệu một cách tương đối cặn kẽ cai cười thông minh, sâu sắc và vô cùng độc đáo của một nhân vật dân gian quê hương Xứ Quảng: Thủ Thiệm và các truyện cười Thủ Thiệm" (tr.12).  ( Phải chăng ở đây Nguyễn Văn Bổn chưa phân biệt rõ truyện Trạng và truyện cười?).
            2. Nhiều tác giả khác đã xếp truyện Thủ Thiệm vào cùng hệ thống với các truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Ba Giai - Tú Xuất, truyện Ba Phi, truyện Ông Ó… và gọi chung là truyện Trạng. “Truyện Trạng là truyện nói về Trạng, lấy Trạng làm nhân vật trung tâm”. Trạng ở đây là Trạng do nhân dân phong, danh hiệu Trạng là danh hiệu được nhân dân vinh danh để chỉ những người tài trí, thông minh, chống giai cấp thống trị phong kiến.
            Tuy nhiên, việc xếp Truyện Trạng vào thể loại nào trong văn học dân gian các nhà nghiên cứu cũng còn nhiều ý kiến bàn cãi, chưa thống nhất. Cụ thể có các ý kiến như sau:
            2.1. Truyện Trạng thuộc truyện cười: Trong các nghiên cứu của mình các tác giả: Văn Tân, Hà Châu, Lương Ngọc, Lê Khả Kế, Đinh Gia Khánh… xếp truyện Trạng vào thể loại truyện cười. Đinh Gia Khánh có ý kiến: “Trước hết đáng lưu ý là hệ thống truyện cười được lưu hành rộng rãi như truyện “Trạng Lợn”, truyện “Trạng Quỳnh”, truyện “Ba Giai - Tú Xuất”. Những hệ thống truyện này phục vụ đắc lực cho mục đích của nhân dân là đánh vào chế độ phong kiến và “Truyện Trạng Lợn, Trạng Quỳnh” ít nhiều đã là đại biểu cho lý tưởng thẩm mỹ trong truyện cười dân gian lý tưởng gắn với sự phê phán những mặt trái của giai cấp thống trị, của xã hội cũ đang tàn tạ”. Như vậy Đinh Gia Khánh đã đánh đồng lý tưởng của truyện cười và lý tưởng của truyện Trạng là một. Trên thực tế, lý tưởng thẩm mỹ “Phê phán những mặt trái của xã hội cũ đang tàn tạ” là lý tưởng của truyện cười. Còn lý tưởng của truyện Trạng phong phú hơn: “Là tiếng cười thỏa mãn trí tuệ - thẩm mỹ, nó không chỉ là tiếng cười vui vẻ đưa ma những cái thấp hèn, tàn tạ, lỗi thời, lố bịch… xuống mồ mà chủ yếu nó khẳng định cái cao thượng đang lên, cái chân chính”.
            Trong nghiên cứu của mình Nguyễn Đăng Na đã viết: Truyện Trạng  mang tư tưởng thời đại: “Tự do, phóng túng, cùng khát vọng vươn lên mang tính trí tuệ - cái tạo nên “chất Trạng” độc đáo của thể loại tự sự này”.
            Ý kiến trên của Nguyễn Đăng Na là rất chính xác nhưng rất tiếc tác giả chưa căn cứ vào sự đối chiếu giữa lý tưởng thẩm mỹ. Trong truyện cười chủ yếu là phê phán, còn truyện Trạng chủ yếu là đấu tranh và cuộc đấu tranh này quyết liệt nhiều hơn. Nếu so sánh chúng ta sẽ thấy lý tưởng thẩm mỹ của truyện cười chủ yếu là phê phán, chế diễu cái cũ lố bịch, cái xấu, cái hài còn thẩm mỹ của truyện Trạng là đấu tranh quyết liệt để khẳng định cái mới, mang tính trí tuệ cao. Do lý tưởng thẩm mỹ khác nhau nên cũng dẫn đến các yếu tố khác ít nhiều khác nhau.
            Bùi Mạnh Nhị lại có ý kiến mang tính khẳng định “xếp truyện Trạng vào hệ thống truyện cười dân gian là chấp nhận được”.
            Trong sách “Lịch Sử văn học dân gian” Hoàng Tiến Tựu lại xếp truyện Trạng vào truyện cười kết chuỗi để phân biệt với truyện cười không kết chuỗi và ông nhận xét: “Đó là những chuỗi, những hệ thống truyện cười xoay quanh một nhân vật trung tâm như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Ba Giai, Tú Xuất, Xiển Bột, Thủ Thiệm, Ông Ó, Ba Phi…”Xét về nhiều phương diện... bộ phận này xứng đáng được coi là bộ phận quan trọng nhất và giá trị toàn diện nhất của truyện cười dân gian Việt...” Với nhận xét này Hoàng Tiến Tựu đã thấy được dấu hiệu biệt lập của truyện Trạng về mặt thi pháp nhưng chưa đứng trên góc độ đặc trưng thể loại để xem xét truyện Trạng.
Tác giả Nguyễn Hồng Phong đã có đưa ra luận chứng, luận cứ để khẳng định truyện Trạng thuộc truyện cười nhưng không phải truyện Tiếu Lâm. Đặng Văn Lung và Hoàng Văn Trụ khi diễn giải quá trình hình thành truyện Trạng có viết: “Thế rồi từ truyện cười đơn lẻ đến truyện cười được xâu chuỗi bởi cái tên của nhân vật để trở thành loại truyện cười lại là một quá trình dài nữa…”. Cùng với ý kiến xếp truyện Trạng vào truyện cười còn có Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi. Ý kiến đó là “có thể  chia truyện cười Việt Nam thành hai nhóm chính: Truyện khối hai kết chuỗi và truyện khôi hải không kết chuỗi”. Lê Chí Quế lại cho rằng: Bên cạnh những truyện cười đơn lẻ còn có hàng loạt truyện cười liên hoàn như truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn (ở miền Bắc) Truyện Thủ Thiệm ở Quảng Nam - Đà Nẵng, truyện Ông Ó ở Bến Tre, truyện Ba Phi ở Ninh Hai”...
            Phạm Văn Bình quan niệm truyện Trạng là truyện cười mà nhân vật có tên cụ thể. Nguyễn Trung Hiếu lại có nhận xét cụ thể hơn nhưng lại có phần mâu thuẫn: “ Truyện Trạng là thể loại có phương pháp sáng tác riêng nhưng rất gần gũi với truyện cười dân gian. Do đó có thể công nhận truyện Trạng là bộ phận đặc thù của truyện cười Việt Nam”.
            Nhìn chung, các nhà nghiên cứu trên chủ yếu là căn cứ vào yếu tố gây cười để xếp truyện Trạng vào truyện cười. Thật ra, nếu chúng ta chỉ chú ý đến  yếu tố gây cười mà không chú ý đến các yếu tố khác trong truyện Trạng như: chức năng, đặc trưng thể loại, nội dung tư tưởng, thẩm mỹ, đặc điểm thi pháp... của loại truyện này là chưa thỏa đáng.
            2.2. Truyện Trạng thuộc giai thoại
            Đứng đầu quan niệm này là Lê Bá Hán, Vũ Ngọc Khánh. Lê Bá Hán cho rằng: “Truyện về những ông Trạng có yếu tố gây cười nên được xếp chung vào truyện cười nhưng có tính chất khác với truyện cười dân gian thông thường nên có thể  được tách riêng thành một loại khác gọi là giai thoại dân gian”.
            Trong công trình nghiên cứu của mình Vũ Ngọc Khánh viết: “Phần thứ ba dành cho những mẩu truyện về Trạng dân phong. Hầu hết đây là giai thoại”.
            Trong luận văn tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế, Khoa Ngữ Văn của tác giả Nguyễn Thị Kim Nguyệt do thầy Tôn Thất Bình hướng dẫn năm 1996 với đề tài “Giai thoại về Nguyễn Kinh và Thủ Thiệm”. Cùng quan niệm truyện Trạng là giai thoại các tác giả trên đã căn cứ vào tính chất tài trí, thông minh của các Trạng, nhân vật trung tâm của truyện Trạng, để xếp truyện Trạng vào giai thoại.
            Thật ra, giữa khái niệm truyện Trạng và khái niệm giai thoại có một khoảng cách xa về đặc trưng thể loại. Giai thoại là những câu chuyện hay, lý thú. Nhân vật trong giai thoại chủ yếu kể về những người tài giỏi, thông minh, những ứng xử tài tình, thú vị, những việc làm lạ lẫm nhưng họ không sử dụng tài trí ấy để đấu tranh chống giai cấp phong kiến, chống cái xấu trong xã hội như trong truyện Trạng.
            Nhân vật của truyện Trạng đại diện cho lý tưởng thẩm mỹ của nhân dân, của thời đại, tiến hành cuộc đấu tranh chống phong kiến bằng tài năng và trí tuệ của mình. Thiết nghĩ, việc xếp truyện Trạng vào giai thoại là chưa hợp lý.
            2.3. Truyện Trạng là một thể loại độc lập
            Tiêu biểu cho ý kiến này là Hoàng Thị Bạch Liên, Trương Sĩ Hùng và Nguyễn Chí Bền.
            Trương Sĩ Hùng có ý kiến: “Phải chăng nên coi truyện Trạng như một thể loại tồn tại tương đối độc lập cũng như các thể loại thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười”. Các thể loại ra đời sau thường mang dấu ấn của các thể loại đi trước.
            Truyện Trạng lấy thủ pháp gây cười, dựng truyện từ những sự việc diễn ra hàng ngày và phát triển theo một phương pháp mới... Từ các thể loại tự sự dân gian trước nó truyện Trạng đã tạo ra phương pháp sáng tác cho mình.
            Nguyễn Chí Bền viết: "Ở truyện trạng âm điệu phê phán giữ vai trò đáng kể, nó làm chất xúc tác làm nổi bật lên tiếng cười trào lộng. Nhưng quan trọng hơn, đằng sau những câu chuyện hài hước, những yếu tố trào lộng còn hàm chứa một tư tưởng tự do, phóng túng, cùng khát vọng vươn lên mang tính trí tuệ - cái tạo nên chất độc đáo của thể loại tự sự này". Càng về sau tác giả càng khẳng định truyện trạng là một thể loại: "Rõ ràng trong thời gian, không gian, truyện trạng với tư cách là một thể loại văn học dân gian Việt Nam luôn có sự vận động từ nhân vật trạng, tình huống có vấn đề đến lời nói của nhân vật chính đều có sự thay đổi. Sự vận động ấy rõ ràng tạo cho mỗi hệ thống truyện trạng một diện mạo riêng, đặc sắc mà không phá vỡ được đặc điểm thể loại".
            Qua các ý kiến trên các tác giả đã chú ý đến một số đặc trưng của truyện trạng đề khẳng định truyện trạng là một thể loại độc lập trong văn học dân  gian Việt Nam. Chúng tôi thấy đây là một quan niệm có nhiều ưu điểm, chúng ta cần nghiên cứu thêm để có đủ cơ sở lý luận ủng hộ cho quan niệm này.

III. VẤN ĐỀ PHÂN LOẠI TRUYỆN THỦ THIỆM
            1. Cách phân loại của Nguyễn Văn Bổn
            Trong sách Truyện cười Thủ Thiệm xuất bản 1987 tác giả Nguyễn Văn Bổn (với sự cộng tác của Tôn Thất Bình và Trương Giảng) có đưa ra một cách phân loại cụ thể như sau:
             1. Loại truyện nhằm đối tượng là quan lại, chức sắc địa phương.
             2. Loại truyện nhằm đối tượng là các thói hư tật xấu trong xã hội.
             3. Các câu truyện cười về những người thân thuộc trong gia đình và bản thân của chị, đây là loại truyện phản ứng bất chợt, trêu nghịch của Thủ Thiệm.
            Năm 2007 với những tư liệu trong tập sách cũ, Nguyễn Văn Bổn lại viết tập sách mới với nhan đề: "Thủ Thiệm tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng". Trong bài nghiên cứu ở phần đầu tác giả không đưa ra một cách phân loại rõ ràng, nhưng trong phần sưu tập truyện Thủ Thiệm tác giả đã sắp xếp tác phẩm theo các mục như sau:
           1. Những truyện thể hiện ý trí cường quyền (gồm 31 truyện).
           2. Những chuyện thể hiện ý trí chống lại những suy đồi của xã hội (19 truyện).
           3. Những chuyện bày tỏ thái độ tự trào và đùa cợt chế diễu bạn bè, người thân (25 truyện).
            Không kể việc tác giả dùng chưa nhất quán khái niệm truyệnchuyện trong cách phân loại. Việc phân loại như trên cũng là một cố gắng lớn của tác giả Nguyễn Văn Bổn nhưng theo chúng tôi cách phân loại này còn có nhiều chỗ cần phải bàn thêm:
            - Rằng Nguyễn Văn Bổn không đề cập đến nội dung chủ đề chống thần quyền chống thực dân Pháp trong truyện Thủ Thiệm.
            Trong kho tàng truyện Thủ Thiệm đã sưu tầm được (đã công bố 75 truyện), chúng tôi nhận thấy có khoảng 09 truyện phản ánh chủ đề chống thần quyền rất rõ nhưng Nguyễn Văn Bổn lại xếp vào các chủ đề khác. Ngoài ra, chúng tôi còn sưu tầm được một truyện mang chủ đề chống Pháp rất rõ.

            2. Cách phân loại của Đinh Thị Hựu:
            Trong đề tài nghiên cứu "Truyện Thủ Thiệm" (Đề tài đăng ký với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), Đinh Thị Hựu có đề xuất một cách phân loại.
            Căn cứ vào nội dung, chủ đề của tác phẩm Đinh Thị Hựu tạm chia truyện Thủ Thiệm ra làm 05 loại:
            1. Các truyện chống thần quyền:
Gồm những truyện:
1). Cúng ghe cầu được mùa;
2). Không đốt vàng mã1[1] ;
3).Ông rể quý hóa;
4). Chày đứng;
5). Câu đối cúng ông chuồng;
7). Cúng ai;
8). Khuynh Thiên.
9). Tuổi Thân của chị.
            Trong các tác phẩm của Thủ Thiệm chúng ta thấy có 09 truyện mang tư tưởng chống thần quyền, coi thường thần linh, không tin vào tướng số. Trong quá trình phát triển nhận thức của con người việc coi thường thần linh, báng bổ thần linh là một mốc quan trọng trong việc đánh giá sự phát triển trong nhận thức của con người.
            2. Các truyện chống giai cấp thống trị phong kiến:
            Đây là chủ đề chính trong các tác phẩm của Thủ Thiệm (khoảng 30 truyện) hầu hết là đánh vào giai cấp thống trị phong kiến cấp thấp ở địa phương:
1) Quan huyện giả
2) Ở truồng lên trình quan huyện
3) Giam đầu chớ không giam đít
4) Bầy gà chấm phẩm
5) Vuốt râu hùm
6) Chia bánh cho Lý Hương
7) Vất ở đâu?
8) Còn chi mà thiệt, giả
9) Đợi một xí
10) Thịt heo ăn với chi ngon?
11) Bớ cha chạy bớ cha!
12) Góp nửa tiền xây đình
13) Trét phân lên tay Lý trưởng
14) Đánh Lý trưởng
15) Ăn vỏ bỏ ruột
16) Khoai lang leo giàn ra củ
17) Con ở tui
18) Che miệng thế gian
19) Thủ Thiệm đánh cá
20) Thủ Thiệm đóng hề
21) Thủ Thiệm hát hò khoan
22) Câu đố của Thủ Thiệm
23) Nhận kèn, chiêng đưa đám ma vợ
24) Chữa bệnh bằng roi mót
25) Dóng chiêng mà không hát
26) Đi giặt râu cái đã
27) Biết ý quan
28) Con của tui
29) Nhất Thiện
30) Áp giải tù
            Trong truyện "Áp giải tù"1 Thủ Thiệm đã nghĩ ra cách chọc ghẹo cả triều đình nhà Nguyễn. Những biên lai nợ ấy không gì khác hơn là để nhằm hạ uy tín của triều đình nhà Nguyễn.

            3. Truyện chống thực dân Pháp:
            Gồm các tác phẩm:
            1) Thủ Thiệm cõng lính Tây lội sông
            Truyện kể rằng khi thực dân Pháp chiếm đóng ở quê Thủ Thiệm bọn chúng thường ức hiếp dân lành. Bấy giờ, bọn lính Tây mang giày bót, đi tất nên lội sông sợ ướt giày bắt dân ta phải cõng. Thủ Thiệm thấy một thằng Tây cao to mà lại bắt dân ta gầy gò cõng đi, Thủ Thiệm ức lắm. Một hôm Thủ Thiệm nghĩ cách, tự nguyện xin được cõng lính Tây lội sông lên bến đò. Nửa đường Thủ Thiệm quăng thằng Tây xuống nước rồi bỏ chạy. Thằng Tây nọ bị một phen uống nước không chỉ ướt giày mà còn ướt cả người. Sau đó bọn chúng truyền tai nhau không còn dám ức hiếp bắt dân ta cõng lội qua sông nữa2.
            2) Bài thơ nói về thuốc Bắc
            Chốn y viện tháng ngày thong thả
            Thuốc linh đơn còn để chờ chi
            Gặp ông Biển Thước một khi
            Ra tay quốc thủ, phò trì chơn nguyên
            Lòng phải giữ thập toàn bổ chánh
            Sau lại đều thông thánh phòng phong
            Làm cho khí huyết lưu thông
            Sau rồi ta sẽ hiệp công ngoại tòa
            Kim cung độc ngân ba thất lý
            Phố chơn âm phụ tử ôn trung
            Muốn cho tốc tốc thành công
            Kim ngân đừng tiếc, sâm nhưng phải tìm
            Cay đắng mấy đừng thèm rên rỉ        
            Lành mạnh rồi mặc sức vui chơi
            Tài danh đức ví ơn trời
            Tuy là phước chủ cũng nhờ thầy hay.
            Bài thơ tuy nói về thuốc bắc nhưng chính là bày tỏ tâm tư và lòng yêu nước chống giặc Pháp của Thủ Thiệm.
            Bài thơ này đã được Nguyễn Văn Bổn sưu tầm và ghi trong 2 tập sách "Truyện cười Thủ Thiệm" "Thủ Thiệm tiếng cười dân gian Xứ Quảng" nhưng không được tác giả đưa vào chính văn mà chỉ ghi ở phần chú thích và chưa được xếp loại.
            Ngoài ra, tương truyền rằng Thủ Thiệm còn làm nhiều bài thơ nôm thể hiện tâm tư, tình cảm của Thủ Thiệm đối với quê hương, đất nước trước vận nước mất nhà tan. Tiếc rằng những bài thơ này đến nay thất lạc không còn một ai nhớ kể cả con cháu của ông.
            3. Những truyện đánh vào thói hư tật xấu trong xã hội
            Thói hư tật xấu mà Thủ Thiệm thường chú ý là thói chanh chua, đanh đá, ngoa ngoắt, hách dịch của các mụ góa. Đánh vào sự xảo trá của các mụ bán hàng, thói hám danh hám địa vị, thói tham ăn, thói keo kiệt, tham lam của con người:
1) Mua quần
2) Mua tôm
3) Cho thầy bói ngủ bàn thờ
4) Dấu chân đi lùi
5) Tắm biển mừng đám cưới
6) Bằm nghiến nấu cháo
7) Làm thơ tặng bạn học
8) Chu cha, hung hè
9) Con rồng...tre
            5. Những truyện đùa tinh nghịch:
            Thủ Thiệm vốn thích tinh nghịch, bỡn cợt nên trong sinh hoạt ông thường để lại một số những truyện mang tính cách bỡn cợt mua vui, không nhằm đánh vào một đối tượng nào, chẳng hạn các truyện: "Hôn một lúc tám cô", "Thủ Thiệm hớt tóc", "Mèo ăn trứng", "Mặt thằng rể đây", "Phân thằng cu Thiệm", "Đến chết Thủ Thiệm vẫn là Thủ Thiệm"...
            Việc phân loại như trên cũng chỉ là một cố gắng mang tính tương đối vì trong các tác phẩm của Thủ Thiệm có những truyện cùng một lúc có hai chủ đề đan xen vào nhau. Chẳng hạn, truyện: "Không đốt vàng mã" . Truyện kể rằng, sinh thời Thủ Thiệm không bao giờ đốt vàng mã ông cho rằng đây là một thói quen mà dân ta ảnh hưởng từ bọn phong kiến phương Bắc không phải là phong tục của nhân dân ta. Ông nói rằng: "Tụi Tàu nó khôn, nó chở qua nước mình một tàu giấy (vàng mã) mà lại chở về một tàu gạo. Chỉ có ai là dại làm theo chúng nó". Chính vì thế mà bản thân ông, cả đời ông không bao giờ đốt vàng mã. Trước khi mất ông còn căn dặn con cháu, sau này, khi ông qua đời thì con cháu cũng không được đốt vàng mã1. Như vậy chúng ta thấy rằng trong truyện này Thủ Thiệm vừa có tư tưởng bài ngoại, chống phong kiến phương Bắc, vừa có tư tưởng không mê tín dị đoan. Việc không mê tín dị đoan của ông là xuất phát từ lòng yêu nước, tư tưởng bài ngoại. Thật là một tư tưởng tiến bộ!
            Từ Thủ Thiệm ngoài đời đến Thủ Thiệm trong hệ thống truyện trạng là cả một quá trình sáng tạo của văn hóa dân gian xứ Quảng. Thủ Thiệm thật tài trí thông minh và ông đã đem cái tài trí thông minh của mình để đấu tranh cho sự tiến bộ của xã hội. Trong những mẩu chuyện ấy, ông vừa là tác giả vừa là nhân vật chính hoặc nhân vật trung tâm. Với sự hợp tác của nhân dân có thể nói không ngoa rằng Thủ Thiệm là đại biểu xứng đáng cho tài năng và trí tuệ dân gian của con người xứ Quảng.

IV. MỘT VÀI Ý KIẾN ĐỀ XUẤT
Trong lần đi điền dã, tháng 7 năm 2016 chúng tôi có gặp ông Nguyễn Tấn Cự (thứ tôn của Thủ Thiệm), ông tỏ bày:
            - Cho đến nay Thủ Thiệm vẫn chưa được thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam công nhận là danh nhân văn hóa Quảng Nam.
            - Mộ của Thủ Thiệm đã được dời đến một chỗ cao ráo và xây dựng quy mô hơn, nhưng đường vào mộ và sân trong khuôn viên mộ, đến nay cỏ vẫn còn mọc um tùm.
            - Nguyện vọng của Tộc họ và gia đình là sớm được các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để xây dựng khuôn viên mộ Thủ Thiệm được khang trang, đẹp đẽ hơn
            Nhân đây, chúng tôi cũng xin được chuyển lời đề nghị của gia đình, người thân Thủ Thiệm về nguyện vọng của tộc họ và gia đình Thủ Thiệm, rất mong Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa và công nhận ông là danh nhân văn hóa Quảng Nam./.
           
Tài liệu tham khảo

1.     Nguyễn Văn Ái - 101 Truyện cười dân gian Việt Nam, Sở văn hóa thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, 1990.
2.     Nguyễn Chí Bền, Thanh Phương, Mai Hương Truyện Trạng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội 1996.
3.     Nguyễn Chí Bền, Tìm hiểu hiện tượng Văn hóa Dân gian ở Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội 1997.
4.     Tôn Thất Bình, Nụ cười xứ Huế,  Sở Văn hóa thông tin Thành phố Huế, 1992.
5.     Phạm Văn Bình,  Truyện cười Việt Nam, Nxb Hải Phòng ,1997.
6.     Nguyễn Văn Bổn,  Văn nghệ Dân gian Quảng Nam- Đà Nẵng, Tập II Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam - Đã Nẵng, 1984.
7.     Nguyễn Văn Bổn, Tôn Thất Bình, Trương Giảng Truyện cười Thủ Thiệm, Sơ văn hóa thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng, 1987
8.     Cao Thị Giản, Phân loại Truyện Trạng hài Dân gian người Việt Luận án Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm, 1999.
9.     Nguyễn Thị Kim Nguyệt, Giai thoại Nguyễn Kinh và Thủ Thiệm, Luận văn tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học khoa học Huế, 1996.
10.   Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Hoàng Ngọc Hiến, Thuật ngữ nghiên cứu Văn học, 1975.
11.   Nguyễn Đức Hiến 40 truyện Trạng Quỳnh, Nxb Thanh Hóa, 1997.
12.   Vũ Ngọc Khánh, Kho tàng truyện cười Việt Nam,  Nxb Văn hóa thông tin. H, 1995.
13.   Phạm Nguyên Thảo, Nguyên Vũ, Từ điển Văn hóa Dân gian, Nxb Văn hóa Thông tin H. 2002.
14.   Bùi Mạnh Nhị (chủ biên), Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Văn học dân gian những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, TP. HCM 1990.
15.   Đặng Văn Lung, Hoàng Văn Trụ, Truyện trạng cười Việt Nam, Nxb văn học H. 1991.
16.   Nguyễn Hồng Phong, Truyện Tiếng cười Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội H. 1990.
17.   Nguyễn Văn Phú (Sưu tầm và phân tích) Truyện Trạng Lợn và Truyện Trạng Quỳnh, H. 1984.
18.   Trọng Tam,  Ba Giai Tú Xuất và vài nhân vật hài hước, Nxb Đồng Nai 1989.
19.   Hoàng Tiến Tựu, Văn học Dân gian, Tập I, Nxb Giáo dục, 1990.
20.   Hoàng Tiến Tựu, Mấy vấn đề về phương pháp nghiên cứu giảng dạy Văn học Dân gian, Nxb Giáo dục, 1983.
21.   Trần Hữu Thung (st) Truyện Trạng Xứ Nghệ,  Nxb Nghệ Tĩnh, 1987.
22.   Nghiêm Huyền Vũ, Trương Phan Việt Thắng,  Trào phúng và hài hước, Nxb Thế giới, 1992.
23.   Võ Xuân Trang, Truyện Trạng Vĩnh Hoàng, Nxb Bình Trị Thiên, 1984.
24.   Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Một thế kỷ sưu tầm nghiên cứu Văn hóa Văn nghệ Dân gian, Nxb văn hóa Thông tin H. 2001.
25. Viện Văn hóa dân gian, Những phương pháp nghiên cứu, Nxb Khoa học xã hội, 1989.
26.   Viện Văn hóa dân gian, Những lĩnh vực nghiên cứu, Nxb Khoa học xã hội, 1989.
27.   Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, Văn hóa Quảng Nam Những giá trị đặc trưng, kỷ yếu hội thảo 2001.
28.   Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, Văn hóa Quảng Nam (5 năm Tạp chí Văn hóa Quảng Nam 1997 - 2002).
29.   Tài liệu Văn học dân gian Quảng Nam- Đà Nẵng, Sinh viên Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, sưu tầm ở Tam Kỳ, Núi Thành từ 1988 - 1990.



1 Tài liệu do Đinh Thị Hựu điều tra vào tháng 7/2016
1 "Thủ sắc": là chức danh của người giữ sắc phong vua ban cho làng ngày trước. Chức danh này thường được giao cho một người có học và có uy tín trong làng.
1 Ghi theo điều tra của Nguyễn Văn Bổn (sđd, tr.7)
[1] Truyện "Cúng ghe cầu được mùà" và "Không đốt vàng mả" do Đinh Thị Hựu sưu tầm, ghi theo lời kể của ông Nguyễn Tấn Cự (Thứ tôn của Thủ Thiện) hiện đang sống tại thôn 2,Tam Hòa, Quảng Nam.

1 Nguyễn Văn Bổn (Sách đã dẫn) xếp truyện này vào loại chuyện đối phó bất chợt và những trò đùa tinh nghịch theo tôi là không hợp lý.
2 Truyện do ông Nguyễn Tấn Cự (thứ tôn của Thủ Thiệm) cung cấp, Đinh Thị Hựu sưu tầm tháng 1 - 2016.
1 Ông Nguyễn Tấn cho biết rằng Tộc họ ông đến nay đã 3 đời không đốt vàng mã. Tài liệu điều tra và sưu tầm của Đinh Thị Hựu.

Không có nhận xét nào: