Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Chợ tết Bảo An xưa

Phan Thị Miều

Những năm trước 1945, chợ Bảo An là một chợ tương đối lớn so với các chợ trong vùng Gò Nổi. Lớn vì nhiều tiệm ngói, hàng hóa dồi dào, người mua bán đông đúc, lại có một chợ cá biển tươi ngon. Chợ nằm ở vị trí trung tâm của làng, trên trục đường công hương nối liền hai làng Xuân Đào và La Kham nên thu hút nhân dân từ nhiều ngã: Xuân Đài, Bàn Lãnh, Đông Bàn, La Kham, Van Lý, Tư Phú, Ben Đền. Cả đến bà con các làng Vĩnh Trinh, Thọ Sơn nay thuộc xã Duy Châu huyện Duy Xuyên cũng sang chợ này mua thực phâm hoặc các vật dụng cần thiết.
Ngày thường, chợ đông mỗi ngày hai buổi, nhưng ngày Tết cao điểm từ 25 đến 30 tháng chạp, chợ đông cả ngày, lúc nào cũng có người mua kẻ bán tấp nập. Hàng hóa ở các tiệm được bày ra nhiều hơn, đa dạng hơn, màu sắc cũng rực rỡ hơn. Ngày thường, những tiệm này chỉ bán vải tấm, hàng lụa dùng cho may mặc, vải sợi đê dệt, nhưng ngày Tết, họ bày ra tận cửa nào là độc bình, lọ cắm hoa, chân đèn, nồi hương, liễn đối màu sắc rực rỡ. Có tiệm còn bán nhiều loại pháo, cả loại pháo dây mà khi đốt lên, chỉ cháy xèo xèo một lúc rồi hết, bọn trẻ con rất thích. Trong chợ, còn có những người đàn ông bán dạo các thứ đồ chơi như lung tung, gà kéo, những con vật bằng bột xanh xanh đỏ đỏ, họ rao mời các bà, các mẹ mua về cho con cháu chơi ba ngày xuân nhựt. Gian hàng đồ vàng mả của bà Đống Quý treo la liệt quần áo, nón mũ, giày dép bằng giấy ngũ sắc cũng rất đông khách. Họ mua những thứ này để chiều 30 cúng rước ông bà, ông bà phải có quần áo để mặc Tet.
Các bà mẹ, bà chị còn lo sắm quần áo mới cho con trẻ, ít nhất mỗi cháu phải được một chiếc áo. Hồi xưa không có quần áo may sẵn như bây giờ, nên mua được vải rồi, còn phải nài nỉ chú thợ may. Chú Hương Nhì, thợ may khéo nhất chợ Bảo An đang tất bật trả hàng cho khách. Thấy một chị cầm vải đến nhờ đo, cắt may, chú nói:
-   “Chị ơi, chị đem qua tiệm ông Mười, chớ tôi còn cả đống vải, cả vợ cả chồng cắm đầu vô bàn máy, chưa lo được Tết nhứt chi hết!”
Bà khách năn nỉ: Tui may tiệm chi quen rồi, chú chịu khó giùm tui, chiều 29 tui tái lấy cho cháu nó mừng!
Nè khách quen, chú Hương cũng phải nhận xấp vải. Chú chép miệng:
“Rứa là tui phải may ban đêm mới kịp!
Bên cạnh tiệm may là tiệm hớt tóc của anh Huệ, chú Châu, hai tiệm đều đông khách, người đang được cắt, người phải ngồi chờ cho đến lượt mình.
Chợ Tết Bảo An còn có nét đặc biệt hơn các chợ là có một ngôi đình thị chuyên dùng đế các gian hàng bày bánh trái các loại bán cho khách mua về cúng quảy. Bánh này do các bà, các cô trong làng làm ra chứ không phải do thợ chuyên nghiệp nhưng cũng đủ loại, bắt mắt về hình thức và đảm bảo về chất lượng: Bánh thuẩn nở, bánh thuẩn dòn, bánh bò ba tai trắng mướt, bánh bò ngũ sắc, bánh in bột đậu, bánh in bột nếp, bánh nổ, bánh da, bánh bảy lửa.
Đến các ngày 28, 29, 30 còn có thêm hai loại bánh tổ và bánh tét. Đình thị chỉ độ năm mươi mét vuông, nên có vẻ chật chội. Người mua bánh đi lại tấp nập, có lúc phải chen lấn nhau để xem cho rõ bánh gì, và tìm hàng người quen mình đã mua Tết trước đế chọn bánh ngon bảo đảm chất lượng.
Khách mua phần lớn là các bà, các cô, nhưng thỉnh thoảng cũng có bóng nam giới. Các ông, các cậu này chỉ dạo xem chớ không mua gì. Có vài bà thầm thì với nhau: “Họ đi coi mắt vợ đó” rồi cười tủm tỉm. Các bà đoán vậy vì ở vài gian hàng bánh, người bán là mấy cô gái trẻ.
Trong chợ Tết, các hàng thịt nhiều gấp đôi ngày thường, nhất là ở các buổi chợ 29, 30. Trong dân gian có câu “Đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa”, nên dẫu nhà túng thiếu đến đâu cũng cố chạy vạy mua cho được miếng thịt ngon về cúng ông bà ngày Tết.
Không chỉ có thịt mà còn xương, lòng, giò, chả bày đầy sạp, rất bắt mắt khiến người mua khó bỏ qua.
Trong khoảnh đất rộng gần đình thị, có mấy dãy lều tranh thì trong phiên chợ Tết cũng đầy ắp các hàng mỳ bún, trầu cau, và các hàng khô khác. Các chị hàng trầu tay bửa cau thoăn thoắt, mời các bà: “Câu dày khô, ruột tận dừa, mợ mua ít chục về cúng mợ ơi!”
Hàng đồ gốm không còn lều, phải bày ra ngoài trời, nào là nồi, trả, vung đủ cỡ, cùng những chiếc bùng binh to nhỏ. Có bà cũng mua vài chiếc về cho con cháu bỏ tiền lì xì. Nồi trã đất cũng được người đi chợ Tết mua về để thay những cái cũ bị sứt mẻ hay vỡ nát. “Năm mới, cái gì cũng phải tử tế, nguyên vẹn thì làm ăn mới nên nỗi” đó là quan niệm xưa nay của ông bà ta.
Ngày Tết, ở quê tôi không có tục cúng cá, chỉ cúng thịt heo, thịt gà, nhưng năm nào trong phiên chợ Tết cũng có nhiều cá biển tươi ngon, toàn là cá thu, cá rựa, cá chim, cá hố. Cá thu rất to, người bán phải dùng dao thớt, cắt cá ra từng lát, vừa cắt vừa rao:
“Cá thu to đây, mời các bà các cô lại mua vài lát về cúng Tết!”
Có người đi lơ vì bận mua các thứ khác cần thiết hơn cho ngày Tết, có người thấy cá ngon và rẻ, cũng ghé lại mua vài lát. Trong khu chợ cá Bảo An, còn có hàng tôm cua tươi và rau sống Phố của một ông già và một bà già chuyên bán quanh năm. Hai người tuổi khoảng năm sáu mươi, nước da đen sẫm, thân hình rắn chắc, hầu như họ không vắng buổi chợ nào, trừ khi mưa lụt, bão bùng. Họ mua tôm cua, rau sống tại chợ Hội An, rồi đi ghé lên đến An Trường là gánh chạy bộ lên chợ, cùng lúc với những người buôn cá biển. Hầu như họ chỉ nghỉ Tết trong ngày mồng một, mồng hai. Ngày mồng ba, nếu ai đi chợ là đã thấy cặp đôi ấy có mặt ở chợ với rổ tôm cua và rổ rau sống Phố.
Chợ Tết từ bao đời nay là một nét đẹp của văn hóa người Việt nói chung, và Quảng Nam - Đà Nng nói riêng.
Đi chợ Tết không những chỉ để mua sắm hàng hóa, thịt thà, bánh trái đế về ăn Tết, mà còn đi xem thử chợ năm nay có gì khác chợ Tết các năm trước về mặt hàng, về giá cả không. Đi chợ Tết còn để ngắm nghía và tận hưởng cái hương vị mua sắm của bà con trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Đã đôi lần đi chợ Tết ở quê tôi, tôi có một nhận xét là người bán không nói thách mà chỉ bán đúng giá. Tôi cho rằng họ quý thì giờ, cái thì giờ của những ngày cuối năm không cho phép ta mặc cả nhiều, mà phải nhanh nhạy mới kịp thời gian.
Người bán không nói thách thì người mua vừa không mất thì giờ vừa không bị mua hớ. Đó là một nét đẹp.

Ngày nay, từ thôn quê đến thành phố, hàng hóa phong phú, đầy dẫy trong các chợ, không phải chỉ đợi Tết mới dồi dào. Tuy nhiên, dù sao, ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta vẫn còn những nét đẹp, những ý nghĩa thiêng liêng, làm chúng ta dù trẻ hay già đều vẫn ước ao một lần đi chợ Tết.

Không có nhận xét nào: