Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Tản mạn về "cái nận"

Nguyễn Thị Pháp

Cái nận” là cái tên mà người vùng quê làng gốm âu yếm đặt cho tôi! Tên tôi có lẽ được mô phỏng từ dáng hình và công việc tôi làm để phục vụ con người. Trước hết tôi xin có đôi lời về nguồn gốc ra đời của tôi. Rất đơn giản, cái nận tôi ra đời từ lòng đất mẹ. Thoạt đầu tôi chỉ là một cục đất sét nằm sâu trong lòng đất mẹ, người làm đồ gốm mang đất sét về nhồi thật nhuyễn rồi đem chuốc thành  hình trụ có chiều cao khoảng 25 – 30cm, đường kính độ 18 – 20cm, mặt đáy bịt kín , sau đó đem phơi khô rồi đem vào lò nung chín đỏ. Quá trình ra đời của một chiếc nận tôi cũng trải qua nhiều công đoạn: từ nhào nặn, phơi khô đến nung đỏ thì quả là truân chuyên. Biết được con người lắm vất vả để có được “nận tôi”, nên từ khi ra lò cái nận bắt tay ngay vào công việc trường chinh vạn dặm.
Thoạt tiên, cái nận tôi theo đôi gánh của bà, của mẹ ra chợ. Đến chợ, người vất tôi nằm lăn lóc, tắm mưa gội nắng giữa chợ để chờ ngày đẹp trời được theo chân ai đó về nhà họ mà làm cái “thiên chức” người cần. Nằm lăn lóc giữa chợ, anh em nhà họ nận tôi ngẫm nghĩ: mình chẳng khác gì các cô gái đẹp tuổi xuân thì phơi phới mà không biết số phận mai kia sẽ về đâu… Bất giác nận tôi ngâm nga:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Rồi một ngày, từng anh em trong đống nận tôi cũng phải chia tay ở xóm chợ mà theo chân người về từng làng thôn, ngõ xóm xa xôi để giúp ích cho người. Một lần nữa nận tôi hồi hộp chờ đợi sự phân công của con người mà không hề có được một lời cho sự chọn lựa. Nận tôi lại cám cảnh:
Thân em như giếng giữa đàng
Kẻ thanh rửa mặt, người phàm rửa chân
Thật vậy, cùng một sự “ra lò” như nhau nhưng nận tôi có đứa thì được người tiêu dùng trọng vọng, nó được dùng để đựng nước giếng trong, nước mưa để uống, để rửa mặt… Chính vì thế, nận được đặt ở chỗ cao ráo, sạch sẽ, lại còn được con người lau rửa, kỳ cọ hằng ngày nên da cái nận lúc nào cũng sạch trơn, đỏ au, xinh đẹp như lúc mới ra lò. Ôi thật là diễm phúc !
Có bạn nận khác thì rơi vào tay cậu bé, cậu bé sử dụng nận để đựng nước sông chơi cá con, cá cảnh… Chú bé bỏ cá đầy lòng nận, các chú cá tha hồ bơi lội ngày đêm, cựa quậy trong lòng nận khiến có lúc cũng vui mà đôi lúc cũng bực mình vì “mất ăn, mất ngủ”. Rồi một ngày nọ, cậu bé chán chơi cá, bỏ quên nận tôi ở sau hè, cá chết, rêu phủ đầy, nận tôi xuống cấp thảm hại.
Còn đây là tâm sự của một bạn nận khác nữa. Bạn được về với gia đình nọ nhưng ngày ngày phải nằm sâu dưới gầm giường, nghe cụ già trở mình rên rỉ, rồi phải gồng mình đón nhận “bài tiết” của cụ. Ôi thôi đoạn trường sao kể xiết! Bù lại nận có niềm vui khi mỗi sáng mỗi chiều, nận được cậu bé hiếu thảo  vào thăm ông rồi mang nận đi đổ, lau chùi. Bàn tay bé xinh xinh vuốt ve lau chùi thân tôi cẩn thận, nhẹ nhàng khiến tôi đỡ tủi lòng. Phải chăng cậu bé “tri ân” tôi vì đã giúp ông mình ? Tôi thầm nói với cậu bé rằng: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai!” Cũng như cậu bé đấy thôi! Ông cậu có rất nhiều con cháu, nhưng sao cậu cứ là người ngày ngày đi làm công việc “lau chùi” cái nận này?! Phải chăng ngoài sự ý thức trách nhiệm, cậu còn có cả một “núi” tình yêu dành cho ông mình!
Chỉ là cái nận đến từ đất sét nung thôi nhưng sao tôi yêu biết bao cuộc sống này. Cái nận tôi tự hào được ra đời, bởi sự khéo léo của thợ gốm và sự sáng tạo năng động của con người khi sử dụng tôi. Đặc biệt, nận tôi cũng biết “thiên biến vạn hóa” trong phục vụ con người và con người cũng biết tận dụng cái nận tôi trong đời sống, “lành làm thúng, lủng làm mê, xề hốt rác” vậy đấy. Dẫu bây giờ công nghệ phát triển chóng mặt, con người dùng nhiều đồ thiếc, nhôm, nhựa … đồ gốm như cái nận tôi “lỗi thời”, con người dần xa. Nhưng tôi chắc chắn rằng cái nận tôi đã có một thời làm hài lòng người sử dụng bởi sự chất phác, dung dị, sạch sẽ, tiện ích..

Bây giờ có ai còn chợt nhớ đến chiếc nận này chăng? May thay vẫn còn đó những chiếc nận vượt thời gian, vượt tất cả để còn nằm đâu đó trong xó bếp, đầu hè, hay lăn lóc trong đống đồ gốm cũ, hay nằm lặng sâu dưới đáy sông làm chỗ trú ẩn an toàn cho lũ cua càng … lặng lẽ nghe thời gian trôi đi rồi tiếc nhớ một thời vang bóng.

Không có nhận xét nào: