Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Thợ rèn

Nguyễn Thị Pháp

Gấp trang giáo án và cái cảm giác lâng lâng sung sướng đang tràn ngập trong lòng tôi khi đã giúp các em tiếp cận được trích đoạn thật hay, đầy tính nhân văn của nhà văn Pháp nổi tiếng ở thế kỷ XIX (1850 – 1893). Đó là trích đoạn “Bố của Xi-Mông”. Đoạn truyện kể rằng: Bác thợ rèn Phi-lip, từ lòng yêu thương, quan tâm đến con trẻ (thấy Xi-Mông ngồi bên bờ sông khóc, bác Phi-lip an ủi, rồi sự việc ấy đã mang đến cho bác Phi-lip một hạnh phúc bất ngờ. Bác Phi-lip được làm bố, Xi-Mông có bố… Qua trích đoạn truyện “Bố của Xi-Mông”, Mô-pa-xăng muốn gửi đến bạn đọc thông điệp về lòng yêu thương bè bạn, mở rộng ra là lòng thương yêu con người. Kết thúc bài học, các em hớn hở vì từ nay Xi-Mông đã có bố Phi-lip thợ rèn. Hình ảnh bác Phi-lip thợ rèn có lòng thương người đã để lại ấn tượng đẹp đẽ trong các em.
Trống đánh hết giờ, tôi chào các em toan bước ra khỏi lớp, bỗng có một giọng học sinh rụt rè:
- Thưa cô, bác Phi-lip làm công nhân thợ rèn là làm nghề gì vậy ạ?
Câu hỏi của em học trò nhỏ đã đưa tôi về ký ức tuổi thơ…. Tôi nghe như đâu đây văng vẳng lời mẹ dặn:
- Mày chơi ở đâu thì chơi, chứ đừng vào lò rèn nguy hiểm nghe con!
Cái từ “nguy hiểm” được mẹ nhấn mạnh, kèm theo ánh mắt “nghiêm trọng” của mẹ khiến tôi rất sợ, dù không biết nó nguy hiểm như thế nào. Cái lò rèn ấy nằm ở giữa xóm tôi. Tôi nhớ như in nó giống như cái chòi, mái lợp tranh, bốn bên vách trống. Chính vì thế mỗi lần đi học ngang qua đó, tôi không dám nhìn vì sợ “nguy hiểm” nhưng cũng thấy hết mọi hoạt động ở cái lò rèn ấy.
Này nhé! Trong cái chòi ấy có một bác ngồi trên cái ghế đẩu cao tít, hai tay kéo lên, kéo xuống hai cái cây trong hai cái ống tôn to, vang ra âm thanh “khò, khò” khiến đống than dưới đáy ống đỏ cháy lên. Lại có một bác khác ngồi bệt dưới đất, cạnh đống than đỏ, tay cầm 2 cái que dài đẩy tới, đẩy lui mấy thanh sắt đang nung đỏ ở đống than. Xem chừng thấy thanh sắt đỏ hồng đều rồi, thì bác gắp ra để lên một cục sắt to rộng dài đặt kiên cố trên nền đất cạnh chỗ bác ngồi (sau này tôi mới biết đó là cái đe). Rồi hiểu thêm thành ngữ “trên đe dưới búa” là gì, và có lẽ thành ngữ này cũng bắt nguồn từ việc làm vất vả của bác thợ rèn!. Khi thanh sắt nung đỏ được để trên đe thì có một bác đứng sẵn bên cạnh cầm cái búa sắt to nện xuống liên hồi, nhịp nhàng vào thanh sắt nung đỏ. Bác ngồi thì cứ đỡ lấy thanh sắt đỏ lật qua, lật lại cho bác kia đập. Đập một lát thì bác lại bỏ vào lò than đỏ nung. Cứ thế bác thì thổi than, bác thì nung sắt, bác thì giũa sắt, âm thanh trong lò rèn cứ vang lên “chát chát” nghe chói tai, mồ hôi các bác thợ rèn rơi thánh thót, thánh thót. Các bác suốt ngày cứ cặm cụi, hì hục, thổi, đập, rèn.
Có lần tôi được mẹ dẫn vào tận lò rèn ấy để mẹ sửa con dao xắc chuối. Lúc đó tôi mới hiểu được bác thợ rèn hì hục, cặm cụi làm cái việc nhọc nhằn đó để cho ra đời các sản phẩm bằng sắt dùng để cắt, chặt, hái lượm, cày, cuốc (dao, rựa, liềm, lưỡi cày, lưỡi cuốc…) Thì ra nếu không có sự nhọc nhằn ngày đêm của bác thợ rèn thì bà, mẹ tôi, và cả những người dân lao động trong làng lấy đâu ra dụng cụ để lao động sản xuất? Nghĩ vậy mà tôi thầm cảm ơn bác thợ rèn. Nhưng sao mẹ lại không cho mình đến đây chơi nhỉ? “Nguy hiểm” mãi về sau tôi mới hiểu được lò rèn là nơi có lửa dễ bị bỏng, búa đập chan chát liên tục, ồn ào “nguy hiểm” trẻ con không được vào là đâu có sai!. Tôi càng hiểu thêm nghề rèn không chỉ nhọc nhằn vất vả mà còn có cả sự hiểm nguy nữa!.
Cái nghề rèn này, tôi không biết bắt nguồn từ đâu, có tự bao giờ mà ở Pháp (đất nước văn minh sớm) thế kỷ XIX, Mô-pa-xăng vẫn nhắc đến nghề thợ rèn trong nhân vật bác Phi-lip: “nắm lưỡi búa nện xuống đe cùng một nhát đập…”
Trong miên man suy nghĩ, tôi nói với học trò nhỏ rằng: nghề thợ rèn là một nghề thủ công vất vả nhiều nhưng nếu không có sự nhọc nhằn của những “bác Phi-lip thợ rèn” thì người dân sẽ không có công cụ lao động sản xuất phải không các em?!

Và tôi lại nghĩ, chúng ta đã bước sang thế kỷ XXI rồi, không biết bây giờ, nơi đâu ở những làng quê trên đất nước mình còn có cái lò rèn thủ công này nữa nhỉ!? Hãy mách cho tôi được một lần đến đó để hồi tưởng, tri ân một ngành nghề mà ông cha ta đã một thời gắn bó nhọc nhằn để duy trì phát triển cho sự sống hôm nay.

Không có nhận xét nào: