Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Đầu, đuôi, thủ "dĩ"

Phước Ninh

Thành tố “đầu đuôi  thủ dĩ”, một cụm từ trong dân gian để chỉ về đầu và đuôi của con heo. Tuy nhiên, điều lạ và thú vị ở chỗ là, đã đầu, mà lại thêm chữ thủ, đuôi, mà còn kèm theo tiếng vỹ nữa. Hai chữ thủvỹ trong Hán tự có nghĩa là đầu và đuôi. Nhưng tại sao cụm ngữ này vẫn được sử dụng trong dân gian một cách bình thường từ hồi nào đến giờ vậy? Tuy nhiên, trong thực tế, mỗi khi cúng bái, người chủ gia đình hứa tạ đầu heo, hoặc tạ đầu đuôi thủ “dĩ”, thì nó hoàn toàn khác nhau về chi tiết lễ vật.
            Mỗi năm, vào dịp cuối tháng Chạp, nhiều gia đình cúng tạ ơn đất đai viên trạch, người bán buôn tạp hóa được tài lộc, có đồng vào đồng ra, làm ăn khấm khá. Cửa hàng kinh doanh thương mãi thu nhập dồi dào, hoặc hộ tư nhân suông sẻ trong việc giao tiếp đối lưu…Họ thường bái vọng ơn trên, đất đai, cúng các bác – những người khuất mặt không nơi nương tựa….Tâm nguyện hứa có thể là tạ đầu heo, hoặc tạ đầu đuôi thủ vỹ. Ngoài ra, những khi khấn nguyện thần linh, thần hộ mạng…người khấn vái xin cho tai qua nạn khỏi, con cái thi đỗ, bệnh nặng phục hồi…, thì tùy theo lời đã hứa thiêng, mà sau này đạt được tâm nguyện, thì phải y tạ lễ vật. Sự khác biệt giữa hai hình thức dâng lễ bày biện như sau:
             Nếu hứa tạ đầu heo, thì người cúng tạ chỉ mua đầu heo đực chưa luộc. Khi nhang đèn bái vọng, đặt đầu heo xây ra (đầu heo xây ra, đầu gà xây vô), nghĩa là xây đầu heo đối diện với người đứng bái.
            Nếu tạ đầu đuôi thủ vỹ, thì yêu cầu phải đầy đủ lễ vật như sau:
1-        Đầu heo đực chưa luộc
2-        Đuôi heo phải còn một nhúm lông. Nếu quên chừa lại, người ta kèm riêng theo một ít lông heo 
3-        Bốn cái móng đất. Móng đất là phần chân phía dưới của đùi heo, vừa qua khỏi khớp xương
4-        Miếng tợ ba sườn. (Miếng xương sườn bằng cở 3 ngón tay người lớn)
5-        Đầy đủ bộ đồ lòng, mỗi thứ một ít (gan, phổi, tim, cật, ruột…) kể cả túi mật
6-        Miếng mỡ chài
7-        Một chén huyết đã luộc chin
8-        Bong bóng còn nước bên trong.
9-        Dậu heo
Như vậy có thể nói rằng, đầu đuôi thủ vỹ là một con heo thu gọn. Cách xếp đặt con heo ấy như sau:
1-        Đặt đầu heo trên một mâm tròn (đầu xây ra). Có thể thay bằng một cái nia. Vắt đuôi heo ngâm qua miệng.
2-        Trải trùm kín miếng mỡ chài lên đầu con heo
3-        Đặt bốn móng chân đất dưới đầu heo theo vị trí hai chân trước, hai chân sau thứ tự như dáng con heo thật.
4-        Các phần còn lại đặt một bên trong mâm/nia.
Việc cắt đầu heo cúng cũng phải khéo và chuyên tay nghề. Nếu cắt đầu heo sát về phía đầu, thì trông rất xấu; nhưng quá nhiều về phần nọng, thì cũng không đẹp. Người thợ mổ chuyên tay, họ chỉ cần nhìn bằng con mắt nghề nghiệp, đặt dao đúng vị trí, là có được một đầu heo đẹp. Người tay ngang áp dụng phương cách dân gian kinh nghiệm thú vị. Họ kéo tai heo gấp xuống đến chỗ nào, là đặt dao ngay chỗ đấy. Gọn gàng một thủ lợn tay nghề.
            Như vậy, đầu heo và đầu đuôi thủ vỹ là sự phân biệt rõ rang.
            Mỗi khi khấn tế tạ ơn đất đai, làm ăn lớn, khai trương nhà hàng…, tùy theo tâm nguyện dã hứa mà y lời, nhưng thường nhất, vẫn là vào dịp cuối năm, nhiều gia đình bái tạ ơn trên bằng lễ vật đầu đuôi thủ vỹ.

            Lệ làng, ơn đất, cội nguồn vẫn là muôn thuở  đất lề quê thói.

Không có nhận xét nào: