Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Cá rầm...âm thầm nỗi nhớ

Hương Thu

Sau tiết Bạch Lộ - sương trắng, cái “nắng tháng Tám rám trái bưởi” không còn nữa, khí trời đã chuyển thay, bắt đầu cho mùa mưa gió. Ngoài chợ nhìn thấy trái Nam Trân là nhớ đến câu ca “lụt nguồn trôi trái lòn bon”. Quanh trước Trung thu vài ngày, trời thường đổ mưa. Thời tiết vào thời điểm này dường như tôi nhớ rất rõ, bởi nó gắn với ngày 13/8 âm lịch là ngày kị của một người trong gia đình. Có năm, những người thân phải bơi ghe đến nhà để dự lễ cúng. Cũng mùa này là thời điểm thiên nhiên đã ban tặng cho người dân quê những vật sản của suối nguồn, đồng bãi thuần chất tự nhiên, là thời nào thức nấy, là miếng ăn nhớ đời. Đó là những dế cơm trên đồng, cá gáy đầu nguồn, cá rễ tre mùa lụt, trứng cá vàng tươi… Có một thứ mà tôi đeo bám suốt thời phổ thông trong cái gió lạnh mưa dầm, chân tay nheo-trắng bởi ngâm lâu trong nước, là hương vị cá rầm trong mùa lụt.
Khi nhà trường thông báo cho học sinh nghỉ học để về nhà sớm tránh mắc lụt là tôi chạy ù về nhà. Ra sau hè, hạ bộ tủ (trũ/vó) đầy bụi bặm suốt gần tròn năm trên gác trơ trọi. Không cần phủi bụi. Cứ thế vác chạy ra bến sông Ái Nghĩa ở đầu Thủy lợi, nơi có trạm bơm Đại Phước (nay là công viên Ái Nghĩa). Sở dĩ chọn địa điểm này là vì đây là ngã ba nước, cá từ trong sông Thủy lợi theo ra sông lớn, cá từ nguồn xuôi dòng xuống đây rồi ngược vào sông Thủy lợi để vào đồng ruộng tìm nơi đẻ trứng. Kéo rút 4 gọng tủ, căng màn tủ vào 4 đỉnh gọng theo cách thắt cổ chó. Dùng hết sức nhấc cần tủ để đưa bộ tủ ra mép sông. 4 đỉnh gọng đã chìm xuống nước, nhưng màn tủ ở giữa vẫn bập bềnh không chìm hẳn do để lâu ngày và giờ chưa thấm đều nước. Nhưng rồi nước lũ chảy mạnh hơn so với dòng chảy hiền hòa thường ngày nên cũng đã làm chìm màn tủ xuống sát đáy nước. Cứ chặp chặp 3 - 5 phút là kéo tủ lên để bắt cá. Cá bắt được bỏ vào vịt tre mắc trên cái cọc cắm bên cạnh. Giữ được cá sống đến lúc mang về nhà. Cứ khoảng 15 - 20 phút hoặc có lúc ít hơn, phải lùi cả người cả tủ về phía sau một đoạn, bởi nước “lớn” dần. Đồng loạt mười mấy người cùng tịnh thoái.
Trong khoảnh khắc để tủ dưới mặt nước, tôi hay nhìn ra giữa dòng. Nước sông trở nên đục vàng, nổi bọt, cuộn xoáy, khắc hẳn ngày thường. Thỉnh thoảng lềnh bềnh những đám rều đang ào ào trôi theo dòng nước, có số mắc lại ở các chân cầu. Hay những lúc tôi ngước lên nhìn những đám mây đen đang ùn ùn từ phía Đà Nẵng bay lên nguồn. Cứ nhìn những đám mây ấy là có thể đoán được lụt to hay lụt nhỏ. Hoặc có lúc tôi nhìn thẳng về phía cầu trước mặt để ngắm người qua lại. Có lần nhìn thấy bóng dáng cô bạn học cùng lớp đi trên cầu mà lòng xốn xang như những vòng xoáy trên mặt sông. Trong một mùa lụt khác, tôi thả tủ ở cầu Phốc, cũng nhìn thấy hình ảnh cô ấy đang đi tới, tôi cứ cúi lì mặt nhìn xuống dòng nước chảy dưới chân. Tôi muốn màn mưa và bóng nước che thân tôi như Chử Đồng Tử vùi mình trong cát để lánh mặt Tiên Dung.
Vì tủ có diện nhỏ, lòng nông, nên chỉ có thể bắt được những loại cá chỉ vừa ngón tay. Nhưng thỉnh thoảng cũng được vài con cá dưng to đến 3 - 4 ngón tay. Cảm giác cất tủ mà được những “em” này vô cùng thích thú. Nó nghiêng mình lướt mạnh quanh màn tủ, vẽ nên những “đường trắng” trong màu nước vàng đục. Có khi nó phóng mạnh thoát ra khỏi tủ, lòng ngẩn ngơ. Người quen thả tủ bên cạnh cười tiếc rẻ. Người ta bảo, nhất chạng vạng nhì rạng đông. Mọi người được nhiều cá đã về trước, tôi còn tham tiếc ở lại đến chặp tối. Những đường lượn trắng của cá trong tủ làm tôi liên tưởng sợ hãi. Và rồi cũng vội vã tháo tủ vác về.
Mớ cá thu hoạch này đem chế biến làm thức ăn mặn cho những ngày mưa lụt. Cá mùa này hầu hết đều đầy ắp bụng trứng. Thức ăn mùa mưa lũ dồi dào nên nhìn còn nào cũng “mập chắc”. Những loại cá nhỏ như cá bống, cá mương, cá cấn, cá rễ tre, cá ngạnh… cùng với tôm tép đem kho mặn với lá nghệ. Những loại cá sặt, cá thác lác thì bằm nhỏ làm chả cá để dành nấu canh chua. Con dưng con diếc thì nấu ngọt với rau răm để làm canh. Những con rô đồng trong sông Thủy lợi đem nướng than rồi dầm mắm gừng để cảm nhận vị thơm, béo, ngọt tự nhiên.
Nếu chỉ ăn những loại cá ấy thôi thì chưa đủ cảm nhận hết đặc sản mùa lụt. Mà cũng đâu cần phải đợi đến thời điểm này. Chỉ khi nào thưởng thức được hương vị cá rầm kho lá nghệ thì mới trọn vẹn hương đồng vị sông được nuôi dưỡng từ suối nguồn. Cây lụt trước, cá trên nguồn về ngược vào đồng ruộng tìm chỗ đẻ trứng. Đến những cây lụt sau, những đàn cá con - mà dân quê gọi là cá rầm - theo dòng nước giựt mà ra lại sông để ngược về nguồn. Cá là loài sinh sản ra rất nhiều cá bột, cho nên cá rầm sau mùa lụt nhiều vô kể. Việc bắt nó hết sức dễ dàng. Nội tôi kể, hồi trước chỉ cần đem cái sàng ra đầu ngõ, tấn hứng theo dòng nước chảy là có thể bắt được rất nhiều cá rầm. Nghe bảo có năm nhiều phải đem làm mắm để dành, nhưng tôi không biết mắm đó để được bao lâu, hương vị thế nào. Ngoại tôi thì dùng hàng chục cái nhá có bỏ mồi nhử vào trong rồi đem ra cắm đầy trên đồng ruộng. Nhá là dụng cụ bắt/bẫy cá đan bằng những cọng tre to bằng que xiên, dáng thon thon thoi thoi hình hạt xoài, đường kính giữa thân khoảng chừng 15 cm, cao khoảng 20 - 25 cm, có hom ở giữa phần thân. Mồi nhử làm băng cơm trộn với mè rang cùng giã nhuyễn, rồi vò lại thành từng nắm gần bằng quả trứng. Chạng vạng tối đặt nhá, sáng sớm hôm sau ra dở nhá và thu hoạch. Tôi thì quen với việc thả tủ để bắt cá rầm.
Khi nước lụt bắt đầu giựt, nước trên đường cái ra trường Mĩ Hòa ngang đầu gối là thời điểm tôi vác tủ ra “tác nghiệp” ở chỗ Thạch Bộ. Nơi đó vô cùng đắc địa. Phía trên là một vùng đồng ruộng bao la của Đại An, Đại Hòa, phạm vi dòng nước băng qua đường cái rất hẹp nên đặt tủ “hứng” cá phía dưới con đường rất thuận tiện và dễ dàng. Mỗi lần cất tủ lên, một đàn cá to bằng đầu đũa và đều tăm tắp nhoi nhoi trên mặt tủ. Cảm giác cầm gáo dừa xúc cá bỏ vào giỏ vịt như đong gạo vào hũ. Liên tục đều tay. Chỉ vài tiếng là nước không còn băng qua đường, đổi vị trí đặt tủ lên phía trên, nhưng lúc này cá có vẻ ít dần. Giỏ vịt cũng đã đầy rồi, thu gom đồ bỏ lên xe đạp đi về nhà.
Cá đem về rửa lại nước sạch, để ráo nước trong rổ rá. Sau đó ra vườn cắt tầm chục lá nghệ non. Đem vào tước theo thớ lá, bỏ cọng. Đem phần lá đó rửa sạch, rảy khô, cuộn lại rồi xắt chỉ như người ta xắt thuốc rê. Khử thơm dầu phụng rồi cho cá vào, đun nhỏ lửa, cho mắm muối gia vị. Trông chừng cá gần chín rồi thì rải lá nghệ lên, đun thêm một chút nữa rồi nhắc trã xuống. Dạng cá bột nên ăn rất mềm và giàu chất dinh dưỡng. Hèn chi trong ẩm thực Việt Nam, người ta thường chọn thức ăn còn non - dạng “bao tử”: trứng lộn, nhộng, heo sữa, thịt bê, thịt nghé, bồ câu ra ràng, dế non, đuông…; giá, cốm, măng… Đến lửa thứ 2 thứ 3, con cá kho càng thêm đậm đà. Người ta bảo “có cá đổ vạ cho cơm”, lại thêm mùa mưa lạnh nên tốn cơm vô cùng. Bụng đã căng tròn nhưng vẫn cố, bởi một năm chỉ có một mùa.

4 năm sinh viên Huế, nhớ quay quắt vị cá rầm kho nghệ trong những mùa mưa lụt. Sau này về Đà Nẵng làm việc, cứ mỗi mùa cá rầm là má kho một nồi đất nhỏ gửi ra để dành ăn dần. Cô bạn gái xứ Nghệ phải lòng hương vị thổ sản này mà về làm dâu Đại Lộc. Tình cảm mẹ chồng nàng dâu trở nên “ngọt - bùi, mềm mại” như chất vốn có của loại cá rầm, bởi mỗi mùa như vậy, con dâu nhờ mẹ chồng gửi cho một nồi cá rầm kho nghệ. Mấy năm rồi, quê không còn lũ lụt nữa, bởi những công trình thủy điện, nên cá rầm cũng chẳng thấy đâu. Trong những ngày mưa bão, lòng nhớ về hương vị cá rầm như gió cứ giật liên hồi. Không biết từ “cá rầm”, “nhá” đã được liệt kê vào từ điển tiếng địa phương của Quảng Nam hay chưa?

Không có nhận xét nào: