Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Kho tri thức dân chúng, vài khái niệm

Hoàng Hương Việt


Di sản
            1.Di sản văn hoá dân tộc là tài sản vô giá của cộng đồng các dân tộc trên đất nước ta nói chung và ở mỗi địa phương, vùng miền, là một bộ phận di sản văn hoá nhân loại, hiểu theo nghĩa rộng. Nó không ngừng được thừa kế, phát triển và phát huy vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta qua hàng ngàn năm lịch sử. Có một nhà nghiên cứu đã nhận định: "Di sản văn hoá là trục định vị của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong đại dương của toàn cầu hoá về văn hoá". Nói rộng ra, bản sắc, cốt cách của từng con người, của từng dân tộc có được hôm nay là do kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hoá tốt đẹp nhất được gìn giữ, lưu truyền bồi đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khi trở thành tinh hoa, tinh tuý, mang bản sắc dân tộc, thể hiện dưới nhiều hình thức, thể loại, thì sản phẩm văn hoá tự nó đã là tài sản quý báu của toàn nhân loại.
2
            Là loại hình văn hoá phi vật thể, văn hoá dân gian dân tộc là một bộ phận cấu thành nền văn hoá Việt Nam, được gọi là sản phẩm tinh thần có giá trị về lịch sử, văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, được nhân dân hun đúc, sáng tạo trong quá trình tiếp cận với đời sống xã hội, môi trường tự nhiên, thực tiễn lao động, chiến đấu, đấu tranh để sinh tồn và ý thức tư tưởng, bãn lĩnh dân tộc trong nguồn cội lịch sử. Những câu chuyện kể, những áng thơ văn, ca dao, dân ca, hò vè, tục ngữ, lễ hội, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, bí quyết ngành nghề thủ công... được lưu giữ bằng trí nhớ, bằng ngữ văn truyền miệng là một kho tàng "phi vật thể" vô giá mà nhân dân ta luôn nâng niu, khai thác và sử dụng nó vào mọi mặt đời sống xã hội, với tất cả tấm lòng trân trọng vốn quý tinh thần của cha ông ta để lại.
            Ngày nay có lẽ không ai còn xa lạ với thuật ngữ văn hoá dân gian (Folklore). Lần đầu tiên vào năm 1846, nhà khoa học người Anh, William J.Thoms, trong một bài viết đã dùng thuật ngữ này (Folk: là dân chúng, nhân dân. Lore: trí khôn, tri thức) - dùng để chỉ nền văn hoá vật chất (di tích, hiện vật), nhưng chủ yếu là để chỉ những giá trị văn hoá tinh thần của nhân dân lao động như phong tục, luật tục, đạo đức, việc cúng tế, lễ hội, những câu hò, điệu hát, những câu ca dao, tục ngữ, những truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn, truyện cười, truyện trạng trong nhân gian.
            3
            Trong nhiều công trình nghiên cứu, nhiều tài liệu và trên diễn đàn hội thảo, toạ đàm ở cấp quốc gia, khu vực, địa phương, các nhà nghiên cứu và hoạt động văn hoá đã từng bàn nhiều về khái niệm: bản sắc văn hoá dân tộc, bản lĩnh dân tộc, màu sắc dân tộc, sắc thái dân tộc, bản sắc dân tộc của văn hoá, bản sắc văn hoá của dân tộc, ... Mỗi khái niệm trên đều có hàm nghĩa riêng, nhưng lại có nét tương đồng, bản sắc dân tộc luôn luôn gắn liền với văn hoá và thường được biểu hiện thông qua văn hoá, Vậy chúng ta có thể coi bản sắc dân tộc là bản sắc văn hoá của dân tộc.
            Vậy bản sắc văn hoá của dân tộc là tổng thể những giá trị văn hoá bền vững, những tinh hoa văn hoá vật chất và tinh thần làm nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc trong lịch sử và trong phát triển. Như vậy, bản sắc văn hoá dân tộc gồm giá trị văn hoá tinh thần (mặt cốt lõi bên trong) thể hiện cái nét riêng biệt, độc đáo dân tộc trong nghệ thuật, phong tục tập quán, trong đời sống, tư tưởng, tình cảm, trong đời sống sinh hoạt. Tóm lại, bản sắc bao gồm cả hệ giá trị tinh thần và nét đặc sắc riêng của văn hoá.
            Ở đây có thể dễ nhận thấy trong các loại hình, thể loại văn hoá dân gian truyền thống như vừa nêu trên, vừa có vị trí trong toàn bộ nền văn hoá Việt Nam "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" vừa có tác động trực tiếp đến ý thức tâm linh của cộng đồng dân tộc lâu bền.
            4
            Người dân xứ Quảng không ai không tự hào về mảnh đấy văn vật có truyền thống văn hoá tốt đẹp, nơi đã sản sinh ra biết bao anh hùng liệt sĩ, biết bao danh nhân tài cao học rộng, nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa và một cộng đồng nhân dân thuần hậu, sống trong truyền thống nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Một bài vè, một câu ca dao, một điệu hò khoan, một điệu lý trữ tình trên những ruộng lúa, nương dâu, hay ngân vang trên sông nước; những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, những lễ hội tưng bừng nhiều màu sắc của ngày xưa, những đêm kể chuyện của già làng bên bếp lửa nhà sàn trong không khí huyền thoại..., đều khiến ta xúc động, đều khơi dậy trong ta lòng yêu quê hương thiết tha, và chính tình yêu đó sẽ là nguồn sức mạnh vô tận của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước hôm nay, nuôi dưỡng và khơi dậy niềm tự hào qua nhiều thế hệ.
            Khi nói đến vai trò văn hoá dân gian là nói đến những điều thật đơn giản như thế. Trải qua bao cuộc bể dâu, chiến tranh tàn phá, người già cả qua đời, Nhà nước chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến việc chấn hưng văn hoá, văn nghệ dân gian, nhưng bất kỳ ở làng quê nào cũng vẫn còn những câu chuyện kể vẫn còn những người thầm lặng ghi chép, vần còn người hò hát, ngâm vịnh những vốn liếng ca dao, dân ca xưa, vẫn còn người, gia đình, tộc họ coi gia phả, hương ước, ngày giỗ kỵ, tế lễ và đình chùa, nhà thờ miếu mộ là phần cốt lõi của tâm linh, tinh thần miên viễn. Văn hoá, văn nghệ dân gian vẫn sống trong đời sống tinh thần của người dân, gần như máu thịt, khó phai nhạt, một khi nhắc đến một kỷ niệm, ký ức nào đó trong đời người.
            5
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ người Việt Nam đã dành nhiều công sức, tâm huyết để giữ gìn những giá trị tài sản văn hoá của từng dân tộc, từng địa phương; đồng thời trong quá trình vận hành của văn hoá, có giao thoa, tiếp biến để bổ sung cho kho tàng văn hoá dân gian ngày thêm phong phú. Người ta thường nói: "Mất văn hoá là mất tất cả. Mất dân gian là mất hồn dân tộc". Cha ông ta đã thông minh sáng tạo, nhạy cảm giữ gìn và chuyển giao cho chúng ta di sản văn hoá dân gian được bồi đắp, thăng hoa, bất chấp mọi biến thiên, biến động lịch sử. Ngày nay, chúng ta với bản lĩnh văn hoá mới, có điều kiện kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới, tạo nên nền văn hoá dân tộc vốn có truyền thống, góp phần phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
6
Để văn hoá dân gian đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, không có con đường nào khác là phải chuyển mạnh nhận thức trong cộng đồng về giá trị của văn hoá  dân gian. Chúng ta có điều kiện thuận lợi để làm việc đó bằng nhiều hình thức như phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện một kế sách sưu tầm, nghiên cứu nhất quán, khoa học, đồng bộ. Có kế hoạch bảo tồn di sản phi vật thể như phổ biến truyền dạy cho thế hệ trẻ về các loại hình văn hoá cổ truyền dưới dạng nguyên gốc, có chọn lọc, trong hệ thống trường  học, tổ chức đoàn thể, sinh hoạt gia đình, hoặc trong môi trường giao lưu, hội nhập ngày càng phát triển, là điều kiện để quảng bá, giới thiệu rộng rãi ra thế giới.
Vai trò văn hoá, văn nghệ dân gian trong viêc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là một chủ trương lớn, cho thấy các hoạt động văn hoá, các giá trị tinh hoa văn hoá dân tộc chỉ phát huy phần lớn tác dụng, khi chúng trở thành tế bào sống trong nền văn hoá truyền thống đương đại của chúng ta.
Dân gian
Vài thuật ngữ, cố gắng Việt hoá, dịch nghĩa từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt cho dễ hiểu. Nhưng xung quanh một số thuật ngữ như Folk, lore, Folklore, Folk culture (dân chúng, trí thức, trí tuệ, dân gian, văn hoá dân gian) còn nhiều cách lý giải, cách hiểu. Trên cơ sở ý kiến của học giả đi trước, cộng với nghiên cứu tìm hiểu thêm, chúng tôi cung cấp và nêu lại mấy cách giải thích có hệ thống sau đây1:
1.Văn hoá dân gian
Thuật ngữ văn hoá dân gian ở Việt Nam  được khởi xướng và sử dụng nó tương đương với thuật ngữ quốc tế folklore từ những năm dầu thập kỷ 80 2.
            Còn từ folklore do nhà nghiên cứu văn hoá người Anh là Ambrose Merton (còn gọi là William Jonh Thoms) sử dụng lần đầu tiên vào năm 1846, vốn được xây dựng trên cơ sở kết hợp 2 từ xa-xông (Saxon - một bộ tộc ở nước Anh thời trung cổ) là FolkLore. Folk nghĩa là dân chúng, lore nghĩa là trí thức, trí tuệ. Vậy folklore theo nghĩa từ nguyên là kho tri thức của dân chúng. Nhưng về sau, từ folklore không còn hạn chế theo nghĩa từ nguyên như vậy nữa, mà nó đã được các học giả trên thế giới đưa ra hàng chục giới thuyết khác nhau.
            Thực ra, nếu thuật ngữ quốc tế tương ứng với từ văn hóa dân gian thì phải là từ folk culture. Folk culture thường được hiểu là toàn bộ nền văn hoá vật chất và  văn hoá tinh thần của dân chúng. Còn folklore dầu được hiểu theo cách nào thì phạm vi ngữ nghĩa của nó cũng có phần hẹp hơn folk culture. Có cách hiểu folk-lore chỉ là văn hoá tinh thần của quần chúng. Có cách hiểu hẹp hơn nữa, chỉ coi folklore là văn nghệ dân gian, thậm chí chỉ là ngữ văn dân gian. Khi hiểu folklore là văn hoá dân gian tức là theo nghĩa hẹp của từ này, thì cũng đồng nghĩa với từ folk culture tức văn hoá dân gian theo nghĩa rộng được tiếp cận từ giác độ thẩm mĩ. Hoặc nói cách khác, tất cả những gì trong trong folk culture, tức văn hoá dân gian theo nghĩa rộng mà có liên quan với cảm xúc thẩm mĩ thì đều có thể coi là những hiện tượng thuộc phạm vi folklore. Sở dĩ Giáo sư Đinh Gia Khánh cho rằng folklore là folk culture, được tiếp cận dưới giác độ thẩm mĩ, chính là vì ông quan niệm rằng folklore cái phần, có tính chất thẩm mĩ của folk culture, rằng folklore là một nghệ thuật.
              Như vậy, thuật ngữ văn hoá dân gian theo quan niệm tương đối là tương ứng với cả hai thuật ngữ quốc tế folk culturefolklore, với ý nghĩa rộng hẹp khác nhau. Ở dây, điều đáng băn khoăn ở chỗ, sự chuyển dịch từ thuật ngữ quốc tế folklore sang thuật ngữ văn hoá dân gian đã thực sự phù hợp hay chưa mà thôi.
Còn cái gọi văn hoá dân gian thì không chỉ là khái niệm trừu tượng, mà hiển nhiên nó vẫn là một thực tế văn hoá đã tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử dân tộc. Trong tác phẩm "Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam", tác giả Trường Chinh đã viết: "Bên cạnh văn hoá chính thống của thời đại, có cả một nền văn hoá nhân dân còn lưu lại trong phương ngôn, ngạn ngữ, ca dao, truyện cổ tích, tranh gà lợn, v..v. Văn hoá này tả sự phấn đấu của người lao động (làm ruộng, làm thợ, đi buôn, v.v...). Lòng mơ ước của nhân dân trong tương lai tươi sáng, hay là chí phản kháng của họ đối với bọn quyền quý; chế giễu hủ tục, mê tín dị đoan hoặc khuyên răn làm điều thiện, tránh điều ác. Đó là một kho tàng rất phong phú mà các nhà văn học, sử học, khảo cổ học nước ta còn phải dày công tìm tòi, nghiên cứu mới tìm hiểu hết được"1. Nền văn hoá được tác giả nêu lên ở đây chính là nền văn hoá dân gian (folk culture). Đó là bộ phận văn hoá do nhân dân lao động các thời đại sáng tạo nên, nó cũng tồn tại song song với bộ phận văn hoá chính thống, văn hoá bác học (Learned culture) là sản phẩm của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có học vấn.
            Điều khác biệt cơ bản giữa văn hoá dân gian văn hoá bác học là ở chỗ, trong khi văn hoá bác học đã phân hoá thành các bộ môn độc lập thì văn hóa dân gian vẫn tồn tại như một tổng thể nguyên hợp (Ensemble syncrétique). Phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, tri thức dân gian, văn hoá nghệ thuật dân gian tất cả các thành tố đó đều gắn bó hữu cơ với nhau trong các hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng của nhân dân. Tất nhiên, nói như vậy chỉ cốt nhằm nhấn mạnh tới một đặc trưng cơ bản của văn hoá dân gian, chứ không có nghĩa là tuyệt đối hoá tính nguyên hợp của nó. Mặc dù chưa có sự phân hoá rõ rệt và triệt để giữa các bộ phận, các thành tố của văn hoá dân gian, song trong quá trình phát triển lịch sử, do nhu cầu của đời sống văn hoá - xã hội, một bộ phận, hành tố nhất định như mĩ nghệ dân gian, ngữ văn dân gian, v.v... cũng dần dần được phân hoá thành những bộ phận độc lập tương đối trong văn hoá dân gian.
            Trong hơn một thập kỷ qua, thuật ngữ văn hoá dân gian dần dần trở nên quen thuộc trong giới khoa học và công chúng Việt Nam.
            Trải qua trường kỳ lịch sử, văn hoá dân gian Việt Nam những hình tượng nghệ thuật mang tính thẩm mĩ cao và đậm đà bản sắc dân tộc, trong các tác phẩm của các thành tố như nghệ thuật tạo hình dân gian, nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghệ thuật ngữ văn dân gian, cùng với lối ứng xử đôn hậu, thuần phác, đầy nghĩa tình, với những thuần phong mĩ tục trong các sinh hoạt văn hoá dân gian, lễ hội dân gian... đã góp phần rất lớn vào việc hun đúc những truyền thống tích cực trong phẩm chất con người Việt Nam. Mặc dù hiện nay xã hội đã phát triển cao theo hướng hiện đại hoá, song kho tàng văn học dân gian  phong phú đa dạng cùng với tinh hoa của nó vẫn luôn luôn là một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá mới, con người vừa hiện đại vừa dân tộc. Điều đáng chú ý ở đây là không chỉ có văn hoá dân gian truyền thống còn phát huy tác dụng, mà ngay cả một số thành tố nhất định của nó như truyện cười, ca dao, tục ngữ mới... cũng vẫn tiếp tục sinh thành và phát triển trong xã hội hiện đại.
            2. Văn học dân gian
            Văn học dân gian là thuật ngữ chủ yếu được dùng từ những năm 50 trở lại đây. Thuật ngữ này ở nước ta còn gọi là văn chương bình dân, văn chương truyền khẩu, văn chương truyền miệng, văn học dân gian truyền miệng. Ở Trung Quốc, thuật ngữ văn học dân gian cũng rất thông dụng; trước đây vào thời kỳ Ngũ Tứ (4/5/1919), tên gọi văn học bình dân cũng được dùng để chỉ văn học dân gian. Ở Nga, các tên gọi văn học dân gian, văn học dân gian truyền miệng, thơ ca dân gian đều dùng để chỉ khái niệm sáng tác thơ ca dân gian; bên cạnh đó, thuật ngữ folklore, cũng được dùng để chỉ  nghệ thuật thơ ca dân gian1.
            Văn học dân gian ra đời từ thời xa xưa, từ rất lâu trước khi có chữ viết và văn học viết. Quy luật chung của nhiều nền văn  học trên thế giới đã cho thấy  văn học dân gian là cội nguồn, là cha đẻ của văn học bác học. Cả văn học dân gian và văn học đều thuộc nghệ thuật ngôn từ, dầu sử dụng chất liệu ngôn từ làm phương tiện biểu hiện nội dung tư tưởng - thẩm mĩ của tác phẩm; song sự vận dụng những phương tiện nghệ thuật trong văn học dân gian và trong văn học lại không hoàn toàn giống nhau. Chẳng những thế, xét về phương diện là tác phẩm ngôn từ thì giữa văn học dân gian với văn học (còn gọi là văn học bác học, văn học viết, văn học thành văn....) còn có sự khác biệt cơ bản ở phương thức sáng tác và lưu truyền của nó. Nếu tác phẩm văn học thể hiện rõ cá tính sáng tạo của tác giả, được sáng tác bằng chữ viết cố định trên giấy, thường có thời gian sáng tác và xuất xứ rõ ràng thì trái lại, tác phẩm văn học dân gian bao giờ cũng được sáng tác, lưu truyền bằng miệng và vô danh. Tác phẩm văn học dân gian chắc chắn lúc đầu được sáng tạo bởi những cá nhân riêng biệt có tài năng về nghệ thuật ngôn từ, có khả năng ứng tác lanh lợi, và nắm được những truyền thống tư tưởng - nghệ thuật của nhân dân, nên những công trình sáng tạo của họ luôn luôn dành cho toàn thể nhân dân, và do đó toàn dân sử dụng, lưu truyền rộng rãi. Cứ như thế tác phẩm văn học dân gian  được tiếp nhận và ghi nhớ tập thể; rồi trong quá trình lưu truyền diễn xướng bằng miệng, mỗi người trong đó lại vô tình hay hữu ý, tự do ứng tác thêm, nên họ đều trở thành đồng tác giả của người sáng tác đầu tiên. Ở dây, tính vô danh, tính tập thể đã trở thành nguyên lý đặc biệt quan trọng của văn học dân gian, mà từ đó làm nảy sinh một cách hợp quy luật cái gọi là tính biến dị của chúng. Mỗi tác phẩm văn học dân gian đều không có văn bản ổn định, cố định như  hầu hết các tác phẩm văn học bác học. Qua các thời đại khác nhau, ở các địa phương khác nhau, tác phẩm văn học dân gian đã trường tồn trong nhân dân với rất nhiều dị bản phù hợp với tâm lý, tư tưởng và quan điểm thẩm mĩ đương thời. Đương nhiên các dị bản đều có vai trò ngang nhau, nhưng có giá trị hơn vẫn là dị bản nào đầy đủ nhất và hoàn thiện nhất về mặt nghệ thuật.
            Một đặc điểm độc đáo nữa của văn học dân gian, bắt nguồn từ thời nguyên thuỷ là sự gắn bó giữa các hoạt động thực tiễn của nhân dân, cũng như mối liên hệ mật thiết của nó với các loại hình nghệ thuật dân gian khác nhau như âm nhạc, ca hát, nhảy múa, diễn xướng..., khi ấy những hình thức nghệ thuật dân gian  còn chưa chia tách một cách rõ ràng mà chúng thường hoà trộn trong một chỉnh thể thống nhất có tính nguyên hợp. Bởi vậy, việc tìm hiểu một tác phẩm văn học dân gian chỉ đạt hiệu quả cao khi được gắn chặt với việc tìm hiểu nghệ thuật diễn xướng trong sinh hoạt văn hoá dân gian tổng thể.
            Trong quá trình phát triển lịch sử, văn học dân gian Việt Nam về cơ bản được chia làm ba loại: tự sự, trữ tình và sân khấu dân gian - Nhóm các thể loại tự sự dân gian gồm: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, vè, sử ca dân gian, tục ngữ câu đố... - Nhóm các thể loại trữ tình dân gian gồm: ca dao, dân ca... - Nhóm các thể loại sân khấu dân gian gồm: tích trò và phần ngôn từ văn học dân gian trong các trò diễn, múa rối, hát chèo...
            Các thể loại văn học dân gian sở dĩ có những hình thức dị biệt, chính là bởi chúng đã được hình thành trong các điều kiện  lịch sử - xã hội khác nhau trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Mỗi thể loại đều có vai trò và ý nghĩa  vượt trội trong từng thời điểm lịch sử nhất định. Song nhìn chung, các hình thức thể loại ấy đều đã góp phần quan trọng để làm nên sự phong phú đa dạng cho bức tranh toàn cảnh của văn học dân gian Việt Nam.
Vật thể, phi vật thể
            Trong những năm gần đây cụm từ "văn hoá phi vật thể""văn hoá vật thể" được dùng rộng rãi, nhất là trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu về các loại hình, thể loại văn hoá văn nghệ dân gian. Khái niệm "vật thể" được dùng nhưng chưa được bàn đến nơi đến chốn1, chưa phân biệt rạch ròi ranh giới, giới hạn giữa hai thể loại, để từ đó nhận biết và khẳng định được loại hình văn hoá cụ thể, nhằm vào việc nghiên cứu, khảo sát, khai thác, bảo tồn và sử dụng có hiệu quả.
            1
Ngày  nay ai cũng hiểu  khái niệm đại thể, văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử; những hoạt động của con người nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần bằng sự sáng tạo của mình. Đó là nền văn hoá của một thời kỳ lịch sử được xác định trên cơ sở một tổng thể những đặc điểm khác nhau, hoặc giống nhau, biểu hiện trình độ văn minh, kiến thức khoa học và ý thức cao trong sinh hoạt xã hội. Vật, chỉ những hiện vật có hình khối, tồn tại trong không gian, thời gian có thể nhận biết được. Vật thể, vật cụ thể, về mặt nào đó có những thuộc tính vật lý nhất định (nặng, nhẹ, vuông tròn, dáng dấp...)
Như vậy, vật thể, cái hiện diện trông thấy được như lăng tẩm, đình chùa, miếu mộ, tượng đài, nhạc cụ, các loại chạm khắc bằng kim loại, gỗ, đá... Và phi vật thể, cái mà ta chỉ nghe biết, đọc như ca dao, dân ca, tục ngữ, hò vè, đối liễn, luật tục... bằng truyền khẩu, hoặc thành văn... đều mang yếu tố văn hoá và thật sự là giá trị văn hoá vật chất và tinh thần do con người và cho con người trong quá tình sáng tạo, phát sinh, phát triển và tồn tại.
2
Tuy nhiên, có những khái niệm vật thể chồng lấn và được nhìn nhận là "đồng nghĩa" hay "nước đôi", đều là hai mặt của một vấn đề, phải được hiểu không máy móc về nội hàm của sản phẩm văn hoá đó. Ví như chiếc áo dài Việt Nam, với tư cách là loại trang phục truyền thống dân tộc, được liệt vào "văn hoá phi vật thể", bởi nó là sự sáng tạo, biến tấu không ngừng, phô diễn tất cả những nét đẹp, màu sắc, hoa văn, mặc dầu nó là "vật thể" được làm ra bằng chất liệu vải vóc, tơ lụa, có hình dạng sờ nắm được. Tương tự cái đình, cái chùa, cuộc đua thuyền, chèo thuyền nào đó là những "vật thể", song không gian tín ngưỡng lâu đời tồn tại nơi chúng toạ lạc hoặc diễn ra gắn với nội dung lễ nghi, văn tế, liễn đối, hô hát lại rất trừu tượng và mang ý nghĩa "văn hoá phi vật thể". Ngay như các loại đàn (có những bộ sưu tập quý giá), nó là "vật thể", nhưng tiếng đàn với cung bậc, âm thanh đa dạng, đầy sắc thái và những bản nhạc bất hủ là thể loại"phi vật thể" v.v...
Rất nhiều những trường hợp hi hữu như vậy cần được tiếp tục nghiên cứu, thẩm định để có lý lẽ vững chắc khi gọi đích danh các di sản văn hoá đó là thuộc loại hình, thể loại nào. Điều nghe đơn giản, nhưng lại rất cần cho những người làm công tác văn hoá nghệ thuật, du lịch, ngoại giao, làm báo... nói riêng và cho tất cả chúng ta đang sống và quản lý một gia tài di sản văn hoá đồ sộ trải ra khắp mọi miền đất nước.
3
Để cụ thể hoá hai khái niệm và phân biệt hai loại di sản văn hoá "vật thể" và "phi vật thể" có những khía cạnh nêu trên, nhằm cung cấp tương đối đầy đủ kiến thức và sự nhận diện cần thiết. Mới đây không lâu, Nhà nước ta đã có nghị định nêu rõ trong từng điều khoản. Chúng ta coi đây là những điều mới mẻ và bổ ích cho tư duy rộng lớn hơn, trong quá trình tham gia vào việc thực thi tốt sự nghiệp Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta có cơ sở để tham khảo nắm bắt được sự phân biệt đó như sau:
"Di sản "văn hoá phi vât thể" bao gồm: Tiếng nói, chữ viết. Tác phẩm văn hoá, nghệ thuật và khoa học. Ngữ văn truyền miệng bao gồm thần thoại, tục ngữ, ngạn ngữ, thành ngữ, câu đố, ngụ ngôn, ca dao, truyện thơ dân gian, sử thi, trường ca, văn tế, lời khấn và các hình thức ngữ văn truyền miệng khác. Diễn xướng dân gian bao gồm âm nhạc, múa, sân khấu, trò chơi, trò nhại, giả trang, diễn thời trang, diễn người đẹp, hát đối và các hình thức khác. Lối sống, nếp sống thể hiện qua khuôn phép ứng xử, đối nhân xử thế. Luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ trong ứng xử với tổ tiên, ông bà, với cha mẹ, với thiên nhiên, ma chay, cưới xin, lễ đặt tên, hành động và lời chào, cùng các phong tục, tập quán khác. Lễ hội truyền thống bao gồm: Lễ hội có nội dung đề cao tinh thần yêu nước, yêu thiên nhiên, lòng tự hào dân tộc, chống ngoại xâm. Nghề thủ công truyền thống. Tri thức văn hoá dân gian bao gồm tri thức về y dược cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về thiên nhiên và kinh nghiệm sản xuất, về binh pháp, về kinh nghiệm sáng tác văn nghệ (học thuật), về trang phục truyền thống, về đất nước, thời tiết, khí hậu, tài nguyên, về sông, biển, núi, rừng và các tri thức dân gian khác.
Di sản "văn hoá vật thể" bao gồm di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia1...
Với những quy định cụ thể như trên, quả di sản văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng, nó tiềm ẩn và hiện diện trong mọi ngóc ngách đời sống con người và xã hội. Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới sớm đưa khái niệm di sản văn hoá phi vật thể vào văn bản luật của Nhà nước. Trong năm 2003 này, lần đầu tiên thể loại "Nhã nhạc cung đình" ở Huế, "Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên", được tổ chức UNESCO, Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản văn hoá nhân loại. Càng tự hào về đất nước ta có đến 6 di sản văn hoá thế giới đã và đang thu hút các giới nghiên cứu và du khách năm châu, bốn biển đến tham quan, tìm hiểu.
Trong xu thế đổi mới và phát triển của đất nước và từng vùng, miền, di sản văn hoá vật thể, phi vật thể càng được quan tâm nghiên cứu, sưu tầm giữ gìn và phát huy tốt bản sắc truyền thống vốn có, đồng thời ngăn ngừa và xoá bỏ những tập tục, tệ nạn lạc hậu phi văn hoá làm vẩn đục môi trường xã hội hiện tại. Đây là những vấn đề đặt ra vừa cấp bách vừa lâu dài vì một nền văn hiến Việt Nam đã và đang toả sáng hơn 4000 năm./.



1 Theo Hỏi - Đáp Folklore - Tap chí VHNT.
2 Ở Trung Quốc, thuật ngữ văn hoá dân gian  cũng là một danh từ được sử dụng rộng rãi trên báo chí và các công trình khoa học trong mấy thập kỷ gần đây. Hội văn nghệ dân gian Thượng Hải có cả một "tùng thư" mang tên "Trung Quốc dân gian văn hoá", đã xuất bản được nhiều tập.
1 Nxb Sự thật, Hà Nội, 1974 ( trang 34, 35)
1 Theo Nguồn sáng dân gian, số 2, năm 2004.
1 Ý của nhà báo Giao Hưởng
1  Điều 2, Nghị định 92/2002 của Chính phủ.

Không có nhận xét nào: