Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Tổng quan về bia hậu ở Quảng Nam - Đà Nẵng

Đinh Thị Toan

Bia được dịch từ chữ Hán , âm Hán Việt là “bi”. Theo như lịch sử cho biết thì bia xuất hiện từ thời Tây Chu ở Trung Quốc, nhưng ban đầu chỉ mang ý nghĩa là cột đo bóng mặt trời, hoặc là cột đá để buộc vật tế sinh, về sau mới có lệ khắc bài văn lên mặt bia. Ở Việt Nam, không rõ bia xuất hiện từ thời nào, nhưng trải qua các triều đại phong kiến, nó trở thành một nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt của nhân dân. Bia được dựng nhiều nơi như đình, chùa, đền, miếu, từ đường, nhà thờ tiền hiền, văn từ, văn chỉ, lăng, mộ…, thậm chí là ở chợ, cầu, bên cạnh đê, đập, sông, suối. Tùy vào nội dung văn bia mà địa điểm dựng được lựa chọn khác nhau. Ví như bia nói đến việc trùng tu chùa thì được dựng trong sân chùa, bia nói đến việc xây dựng lăng/mộ thì được dựng trước/trong lăng/mộ; hay như văn bia khắc việc tuyên dương người tốt việc tốt trong làng xóm thường được dựng ở đình làng, nơi được coi là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng làng xã…v.v. Có một loại bia mà tùy theo yêu cầu của cá nhân hoặc cộng đồng sẽ được dựng ở địa điểm nhất định. Đó là bia hậu. Vậy bia hậu được hiểu như thế nào?


1. Bia hậu và nội hàm khái niệm
Bia hậu mặc dù chiếm số lượng đáng kể trong khối lượng văn bia Hán Nôm Việt Nam, nhưng các công trình nghiên cứu về nó không nhiều. Các nhà học thuật cũng chưa có ý kiến thống nhất về nội hàm khái niệm của loại bia này. Có hai quan điểm: Một cho là bia hậu để chỉ loại bia mà nội dung nhắc đến việc bầu/lập/mua hậu Thần/Phật1. Quan điểm thứ hai cho rằng, bia hậu là để chỉ chung loại bia hậu Thần/Phật và bia gửi giỗ.
Phạm Thị Thùy Vinh trong bài viết “Lệ bầu hậu của người Việt qua tư liệu văn bia” khi giới thiệu một tấm bia gửi giỗ niên đại Hồng Đức thứ 10 (1479) đã bác bỏ rằng đây không phải bia hậu vì không có chữ hậu và không có những quy định của làng xã phải cúng tế họ như thế nào2. Trần Kim Anh, Dương Thị The, Phạm Thị Thoa trong những bài viết khác nhau cũng cho rằng bia hậu là định danh để chỉ loại bia khắc việc lập/bầu/mua hậu Thần/Phật3. Tác giả Trần Kim Anh khẳng định xét kỹ nội dung văn bia, có thể thấy hình thức gửi giỗ và hình thức lập hậu khác biệt nhau ở chỗ, thân chủ gửi tiền hoặc ruộng để nhà chùa sử dụng số tiền của đó làm giỗ lâu dài cho thân nhân họ, hoặc chính bản thân họ sau khi qua đời, chứ không đóng góp tiền của để làm công đức, họ không được tôn bầu là Hậu và chỉ được nhà chùa theo đúng ngày giỗ làm giỗ cho chứ không được hưởng các quyền lợi khác như Hậu, do đó loại bia này không thể được coi là bia hậu.
Thế nhưng trong dân gian, bia hậu được hiểu theo một cách khác có tính phổ biến hơn, nó là định danh để chỉ bao hàm những bia hậu Thần/Phật và cả loại bia gửi giỗ. Giáo sư Hà Văn Tấn trong “Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam” đã có đoạn diễn giải về tập tục gửi giỗ vào chùa như thế này: Một hình thức thờ tự khác gắn với các chùa Việt Nam là “thờ hậu”. Hình thức này có mối liên hệ với tập tục thờ cúng tổ tiên đã hình thành lâu đời ở người Việt Nam. Con cháu phải thờ cúng tổ tiên, và những người chết phải được con cháu đang sống thờ cúng. Thật đau khổ và bất hạnh cho những ai không có con cháu để thờ cúng mình sau khi chết. Vì thế, nhiều người không có con muốn được thờ cúng sau khi chết, đã tìm đến nhà chùa. Họ đóng góp cho chùa một số tiền hay ruộng đất và xin nhà chùa cúng lễ họ sau khi chết. Sự thờ cúng đó gọi là thờ “hậu” (hậu – có nghĩa là sau, tức thờ cúng sau khi chết, thay cho những người hậu tự, tức con cháu nối dõi). Ruộng đất của những người này cúng vào chùa được gọi là ruộng “hậu”. Trong nhiều chùa, có bàn thờ “hậu” – thường là một hành lang với những bát hương, đặt trước những tấm bia đá, gọi là bia “hậu”, trên đó khắc rõ tên tuổi, quê quán của những người, thường là cả vợ và chồng, cùng với số tiền hoặc ruộng họ đóng vào chùa và yêu cầu được thờ ở chùa. Những bài văn bia này mang tính chất những bản “hợp đồng”. Có nhiều chùa có rất nhiều bia hậu1.
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh cũng đề cập đến tục này trong công trình khoa học của mình: …còn có một thực tế là khá nhiều gia đình, hoặc chỉ đẻ toàn con gái, hoặc không có con. Đây là chuyện thuộc quy luật tự nhiên, con người không can thiệp được. Nếu những người con gái không giải quyết được vấn đề thờ tự, thì người ta có hai cách xử lý: một là nuôi con nuôi để có người nhang khói về sau (trong xã hội xưa nay, đã có nhiều nghĩa cử rất tốt về vấn đề này); hai là, người ta có phong tục gửi hậu, tức là: ông bà nào không có con, có thể xin làm một việc công ích nào đó cho làng hoặc gửi tiền hoặc gửi ruộng và làng sẽ có nhiệm vụ thờ cúng người đã khuất. Như vậy vẫn đảm bảo “ngọn khói chân nhang”. Như thế là không tuyệt tự2. Tập tục thờ hậu và bia hậu mà hai nhà nghiên cứu trên nhắc đến chính là hình thức gửi giỗ, đi kèm với nó là bia gửi giỗ. Chúng tôi cho rằng, bia gửi giỗ cũng là một hình thức của bia hậu, tất nhiên giữa nó với bia hậu Thần/Phật có những điểm tương đồng và dị biệt.
Bia hậu Thần/Phật thường có bố cục chung trước tiên là tên làng xã ở thời điểm dựng bia, sau đến họ tên, quê quán, công trạng của vị hậu, tiếp đến là những quy ước của làng với vị hậu, phần cuối là ngày tháng năm dựng bia; phía góc trái ghi họ tên người soạn, người viết, người khắc3. Tuy nhiên, thực tế có những bia chỉ ghi thông tin họ tên người được bầu hậu Thần/Phật mà thôi, ví dụ bia hậu Phật xã Lỗ Giao, tổng Cổ Lũy, huyện Đông Anh, tỉnh Phước Yên1; hoặc bia có nhiều mặt thì mặt trước trình bày theo công thức chung trên, còn mặt sau thông tin lại về danh tính vị hậu, như bia hậu thôn Nha Cưu, xã Lương Quán, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn2, bia hậu Phật thôn Cự Lộng, xã Lạc Đạo, tổng Lạc Đạo, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương[1]. Trong khi đó, bia gửi giỗ không có phần nêu công trạng của vị hậu cũng như cam kết cụ thể, rõ ràng về vấn đề kị giỗ, chỉ cho biết họ tên, ngày chánh kị (ngày giỗ chính thức). Nhiều bia thậm chí không thông tin cụ thể về ngày chánh kị.
Thứ nữa, ở văn bia hậu Thần/Phật, phần cam kết có thể được thực hiện khi họ còn sống. Tác giả Trần Kim Anh sau khi có sự tham cứu một số lượng lớn thác bản loại văn bia hậu này đã thấy rằng Nếu họ [tức vị hậu Thần/Phật – ĐTT] còn sống, mỗi khi làng có cúng tế, họ hoặc những người thân (tùy theo sự thỏa thuận và đồng ý của làng) sẽ được nhận phần biếu của làng theo quy định3. Điều này khác với văn bia gửi giỗ, việc cúng tế thờ tự chỉ được thực hiện khi người ấy đã mất đi.
Về địa điểm dựng bia hậu, bia hậu Thần/Phật được dựng ở đình, đền, chùa, miếu… Bia gửi giỗ cũng như thế, nhưng có điều, ngoài những cơ sở tín ngưỡng trên, bia gửi giỗ còn có mặt ở nhà thờ tộc, trong khi đó, bia hậu Thần/Phật không xuất hiện ở đây.
Dù khác biệt nhau ở vài điểm như chúng tôi đã nêu trên, nhưng suy cho cùng, mục đích cuối cùng của bia hậu Thần/Phật và bia gửi giỗ là ở chỗ bảo đảm việc thờ tự hương khói chẳng dứt, nói theo chữ nghĩa dân gian là “có hậu”. Cho nên, theo quan điểm cá nhân, chúng tôi cho rằng, bia gửi giỗ dù không xuất hiện từ “hậu” và không có cam kết thờ tự giữa nơi thờ và đối tượng được thờ, vẫn là một hình thức của bia hậu, bên cạnh bia hậu Thần/Phật.
2. Bia hậu ở Quảng Nam – Đà Nẵng
Theo thống kê của Nguyễn Ngọc Quỳnh về bia hậu thế kỉ XVII – XVIII ở một số địa phương miền Bắc4 thì bia hậu tập trung ở các tỉnh như Bắc Ninh (80 bia), Hải Dương (50 bia), Hà Đông (46 bia), Bắc Giang (30 bia), Hưng Yên (30 bia), Kiến An (24 bia) … Qua đây thấy được, tục lập bia hậu ở miền Bắc khá phổ biến.
Ở Quảng Nam – Đà Nẵng, bia hậu xuất hiện không nhiều. Về bia hậu Thần/Phật, hiện mới chỉ thấy có một bia hậu Thần dựng năm Minh Mệnh thứ 9 (1828). Nội dung văn bia cho biết, người dân châu Hà Trừng lập con ông này là Nguyễn Văn Thảo, tước Hiếu Tài hầu, vốn là một thái giám, cùng cha ông này là Nguyễn Văn Chất, tước Suất Thường hầu làm hậu Thần. Ông Nguyễn Văn Thảo tự xuất của cải, đất đai giao cho bổn châu chi dụng canh tác để cúng tế, phụng sự việc kị lạp hai cha con ông1.
Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý đến một bia khác có niên đại năm Ất Mùi niên hiệu Thành Thái thứ 7 (1895). Đây là bia xã Thắng Lộc, tổng An Lễ Thượng, huyện Duy Xuyên, nội dung nói về việc xã này từ xưa những người hào phú hiếu nghĩa, lạc quyên tài vật nhưng chưa từng được lưu danh hậu thế, nay ông hương thân họ Phan hiếu nghĩa, lạc quyên 2 mẫu 5 sào 7 thước 5 tấc tư điền, trị giá 235 quan tiền cho binh dân bổn xã chi dụng. Để cổ vũ tinh thần hiếu nghĩa của hậu thế, xã này nhất trí phối thờ bài vị ông này ở ban thờ hậu hiền sau khi ông mất2. Tuy không có cam kết rõ ràng như những bia hậu hiền khác ở miền Bắc, nhưng ở đây có thể thấy hơi hướng của một bia hậu hiền. Và đây là trường hợp chưa thấy ở một làng xã nào ở Quảng Nam – Đà Nẵng.
Riêng về bia gửi giỗ, hiện chúng tôi chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng con số đoán định không vượt quá 10 bia. Nguyễn Hoàng Thân trong luận án tiến sĩ “Nghiên cứu văn bia Hán Nôm tỉnh Quảng Nam” ở tiểu mục “Văn bia Hậu và tục bầu Hậu ở Quảng Nam – Đà Nẵng”3 có đưa ra con số “252 đơn vị văn bia có nội dung bàn đến vấn đề này”, nhưng theo chúng tôi, tác giả đã có sự lầm lẫn khá lớn khi đưa vào đây những bia liên quan đến tiền hiền, hậu hiền. Đành rằng ở phần chú thích, tác giả có nói hai chữ hậu hiền ở đây “khác với Hậu hiền gắn với việc thờ tự ở văn từ, văn chỉ của miền Bắc”4, nhưng nếu thế thì không thể đưa vào phần văn bia hậu được. Vì rõ ràng, bia hậu hiền với tư cách là bia hậu dùng để chỉ những bia có nội dung nói đến việc mua/lập/bầu người nào đó vào vị trí đứng sau các bậc hiền tài (trong cách hiểu của người miền Bắc) hoặc các bậc tiên hiền (trong cách hiểu của người miền Trung, bao gồm các vị tiền hiền và hậu hiền, những người có công quy dân lập ấp, phát triển, mở mang làng xóm).
Ở thành phố Đà Nẵng, hiện chúng tôi mới chỉ phát hiện thấy có một tấm bia gửi giỗ, hiện tọa lạc tại chùa Tam Thai (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) ở vị trí trên cổng tam quan, nơi ít người để ý thấy. Bia có kích thước cao 52 cm, rộng 38 cm, dày 12 cm, hình chữ nhật đứng, vát góc hai bên trán, không có hoa văn trang trí và chỉ khắc một mặt. Văn bia cho biết: Đệ tử Lại Thị Khuê, pháp danh Chơn Quế ở xứ Bà Bồi, châu Nhân Bồi, tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn phụng cúng tạo bia đặt việc tế tự tại chùa Tam Thai, giao 200 quan tiền mỗi năm kị tế vào hai kì xuân thu. Ngày 19 tháng 2 kị xuân, ngày mồng 6 tháng 8 kị thu (…) Ngày tháng 4 năm Kỷ Mùi, Hà Thị Tăng cúng 60 quan tiền, tổng cộng trước sau 260 quan, mua 1 sào 5 thước ruộng tại xứ cát trắng xã Quán Khái đặt làm ruộng tế tự tổ tiên. Những người được gửi giỗ bao gồm ông bà nội, cha mẹ, chú ruột, cô ruột, chị em ruột, con trai ruột và con nuôi của bà Lại Thị Khuê. Bia dựng năm Giáp Ngọ niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894). Qua văn bia này có thể thấy, gia đình họ Lại không có con trai lo liệu hương hỏa, những người con gái khác cũng đã mất, nên người còn lại là bà Khuê phải gửi giỗ vào chùa để khói nhang cho tiên linh nhà họ Lại.
Cũng là bia gửi giỗ riêng biệt của một gia đình, một tấm bia gửi giỗ hiện còn lưu tại chùa Chúc Thánh (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) ghi chép lại việc đặt tự tiên linh nhà họ Hà, có niên đại năm Tân Sửu (1961). Văn bia có nói rõ, gia đình này nguyên quán tại hương Thượng Kỳ, huyện Nam Hải, phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, nước Trung Hoa, nay sống tại phố Hội An. Ông Hà Nguyên Cầu và bà Lâm Thị Thanh Lâm sinh được một người con trai nhưng qua đời sớm, nên không có người nối dõi tông đường. Sau khi chồng và con trai mất, bà Lâm quy y vào phổ Liên Hoa, luôn nhớ đến tiên linh nên định gửi giỗ vào chùa, nhưng chưa kịp thực hiện mong muốn đó thì mất1. Con gái bà nối tiếp ý nguyện của mẹ, trí cúng ruộng đất, tiền bạc kị giỗ song thân và anh ruột. Đồng thời nguyện lập một sở phương trượng tây đường, lại dựng một khám thờ tiên linh nhà họ Hà và họ Lâm ở gian giữa để việc cúng tế thuận tiện. Ngoài việc cúng tế, hằng năm nhà chùa phải quét dọn mộ tháp của những vị này, mãi không được thay đổi1.
Tại chùa Chúc Thánh còn một tấm bia gửi giỗ khác chưa rõ niên đại chính xác, nhưng chắc chắn là dựng trước năm Tân Sửu 1961, bởi trong số những người gửi giỗ có tên bà Lâm Thị Thanh Lâm, gửi giỗ 50 đồng bạc cho chồng, kị vào ngày 18 tháng 11 hằng năm, tức là lúc này bà còn sống. Trong khi đó, con gái bà Hà Thị Tú lập bia gửi giỗ khác (tức là tấm bia chúng tôi mới nói ở trên) kị cha Hà Nguyên Cầu vào ngày 19 tháng 9, mẹ Lâm Thị Thanh Lâm ngày 15 tháng 2, anh ruột Hà Nãi Đường ngày 19 tháng 7, ngoài ra tế chung những người trên vào hai kì xuân thu ngày 15 tháng 2 và ngày 15 tháng 8 hằng năm. Điều đặc biệt của bia này là không khắc ghi riêng việc gửi giỗ của một gia đình, mà khắc chung nhiều người thuộc những gia đình khác nhau (với số lượng khoảng 36 nhà). Hơn nữa, mối quan hệ giữa người gửi giỗ và người được gửi giỗ cũng rất đa dạng, không giới hạn trong quan hệ thân thích ruột thịt mà còn mở rộng sang quan hệ bằng hữu. Ngay trong mối quan hệ ruột thịt cũng chia làm nhiều trường hợp khác nhau như gửi giỗ cho ông bà nội, ông bà ngoại, cha mẹ ruột (cha mẹ chồng/cha mẹ vợ), vợ/chồng, anh chị em ruột (có thể có thêm chị/em dâu), bác ruột, chú ruột, cô ruột, con ruột.  Hiện vật gửi cúng bao gồm ruộng đất, tiền bạc và đồ tự khí, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là gửi tiền bạc. Ngoài việc kị vào ngày chính thức, nhiều nhà còn gửi tài vật để tảo mộ, dựng khám thờ, siêu hồn, cúng tế vào các kì xuân thu. Mỗi người gửi giỗ tùy theo tình hình tài chính và đặc biệt là số lượng người cần tế giỗ mà gửi số tài vật khác nhau. Ví dụ: Hà thị, người làng Minh Hương, pháp danh Đồng Tâm đặt 1000 đồng bạc siêu hồn tiên linh, kị vào hai kỳ xuân thu ngày 11 tháng 2 và 15 tháng 8 (….) Diệp Ngọc Thi ở làng Hà My đặt 80 đồng bạc kị ông ngoại Trần Ngọc Xương vào ngày 15 tháng 5, kị bà ngoại Vương Thị Hoà vào ngày 15 tháng 8, kị cha vợ Lâm Văn Kỳ vào ngày 18 tháng 2, kị mẹ vợ Nguyễn Thị Nghĩa vào ngày mồng 2 tháng 12 (…) Nguyễn Thị Ngọ pháp danh Như Trung ở xã Hà My đặt 200 đồng bạc vào ngày 16 tháng 2 hằng năm kị mẹ ruột Nguyễn Thị Toái…2.
Ở Quảng Nam, ngoài hai bia gửi giỗ ở chùa tổ đình Chúc Thánh, còn có một tấm bia khác liên quan đến việc cúng tế tiên linh có niên đại sớm hơn, tạo khắc dưới thời Minh Mệnh năm thứ 14 (1833). Nội dung văn bia không cho biết ngày giỗ của những người được trí cúng mà chỉ liệt kê là bà Lương Thị Việt, người châu Đông Hoa Đông, tổng Đại An Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn trí cúng: Một ngôi nhà 3 gian 2 chái để tế tự tiền hiền họ Lương. Năm sào đất tại xứ Đồng Ninh Ghềnh Dồng, châu Phương Trạch Đông, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên dùng vào việc thờ tự người chồng đã mất là Hương lão Võ Văn Quý. Năm sào đất tại xứ Đồng Ninh Ghềnh Dồng, châu Phương Trạch Đông, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên dùng vào việc thờ tự con trai là tiền Hương chức Võ Văn Hóa. Sáu sào đất tại xứ Mục Giác (!), thuộc địa phận bổn châu dùng vào việc tảo mộ. Lưu lại bốn sào đất tại xứ Đá Bạc, thuộc địa phận bổn châu dùng vào việc tế tự người này [tức bà Lương Thị Việt]. Cuối văn bia có đoạn: vậy nên cầu xin bổn châu nội phủ giám trưng thành tích để việc khói hương được lưu giữ vạn đời1.
Bia gửi giỗ có niên đại sớm nhất ở Quảng Nam – Đà Nẵng phải kể đến tấm bia có kí hiệu 20400 được giới thiệu trong Tổng tập thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam2. Bia được khắc một mặt, cao khoảng 88,7 cm, rộng 33,3 cm. Phần đế bia có chiều cao 20 cm, rộng 34,6 cm. Dòng lạc khoản chỉ ghi năm theo can chi là Quý Hợi mà không cho biết niên hiệu vua/chúa, nhưng dựa vào phong cách trang trí hoa văn trên bia có thể đoán định, bia này được tạo lập cuối thời chúa Nguyễn. Cụ thể, trán bia trang trí hình hai con rồng cách điệu uốn cong người chầu vào búp sen ở giữa, hai đuôi ngoắc ngược lên trên đầu búp sen. Diềm bia chạy đường gờ, không có hoa văn. Đế bia chia thành hai phần, phần trên trang trí hình hoa sen nở, xung quanh là hình dây lá cách điệu, phần dưới tạo đường lượn hình cánh bướm. Chữ khắc trên bia nét mảnh, mặt bia lại bị mòn nhiều chỗ nên một số chữ bị mờ, không nhận diện được. Tuy nhiên, những thông tin chính yếu lưu lại khá rõ, giúp chúng ta xác định đây là bia gửi giỗ. Theo đó, bà Lương Thị Đáng, người châu Đông 0 Trung, tổng Phú Mỹ, thuộc Hoa Châu, phủ Thăng Hoa do tuổi cao sức yếu, lại góa bụa đơn thân, không có người lo hậu tự nên cúng 2 mẫu 1 sào đất trồng dâu cũ và 60 quan tiền cho bổn châu để lo việc cúng kị sau này của mình và chồng là Lê Văn Chánh. Ngoài ra, bà còn giao bổn tộc 4 sào ruộng đất để kị cha và 3 sào 7 thước 5 tấc ruộng đất để kị mẹ hằng năm.
Ngoài 5 bia gửi giỗ đã nói ở trên, chúng tôi chưa tìm thấy thêm một bia nào có liên quan đến việc gửi hậu. Qua những bia hậu chúng tôi đã trình bày, có thể rút ra vài nhận xét như sau:
Một là, với số lượng 7 văn bia hậu trong tổng số hơn 300 bia Hán Nôm Quảng Nam – Đà Nẵng còn bảo lưu tại địa phương và được giới thiệu trong Tổng tập thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, có thể nói tục mua/bầu/lập/gửi hậu cũng như bia hậu ở xứ Quảng không thịnh hành như ở miền Bắc.
Thứ hai, về niên đại bia, 1/7 bia có niên đại thời chúa Nguyễn, 6/7 dựng thời vua Nguyễn. Trong khi đó, bia hậu ở miền Bắc xuất hiện nhiều vào thời Hậu Lê, Mạc, đến thời vua Nguyễn thì giảm dần. Điều này có thể lý giải được, bởi xứ Quảng Nam – Đà Nẵng vốn là vùng đất của Chăm pa. Dù thời Lê Thánh Tông chính thức thuộc về Đại Việt, nhưng miền biên viễn này luôn có nhiều biến động, văn hóa Việt không in đậm được dấu ấn trên vùng đất này. Mãi đến khi chúa Nguyễn Hoàng đặt chân đến cai nhậm thì di dân người Việt mới thực sự làm chủ và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người Việt một cách mạnh mẽ trên cơ sở tiếp thu, dung hòa với nền văn hóa bản địa.
Thứ ba, về hình thức, bia hậu vùng Quảng Nam – Đà Nẵng khá đơn điệu. Thường là bia một mặt, không có tên (7/7 bia) và ít trang trí hoa văn (3/7 bia hoàn toàn không có hoa văn trang trí, 1/7 bia chỉ có mặt nguyệt trên trán bia, ngoài ra không trang trí gì thêm). Nếu có trang trí thì hoa văn đơn giản, ít cách điệu. Điều này khác hẳn với bia hậu ở miền Bắc: thường có từ hai mặt trở lên; đa phần đều có tên và được khắc bằng đại tự ngay phần trán, hoa văn trang trí cầu kì. Tuy nhiên, không chỉ bia hậu mà bia đá nói chung, ở các địa phương miền Bắc việc chạm khắc bia rất dụng công, không chỉ ở trán bia, thân bia mà còn ở cả phần đế, thay vì sử dụng những khối đá nguyên, người ta đã chạm khắc những hoa văn cách điệu chồng lớp lên nhau, hoặc tạo hình con rùa tạo cảm giác mềm mại, uyển chuyển.

Tài liệu tham khảo
            1. Vũ Ngọc Khánh (2007), Nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
            2. Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
3. Nguyễn Hoàng Thân (2014), Nghiên cứu văn bia Hán Nôm tỉnh Quảng Nam, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Đinh Thị Toan, “Bia hậu Thần duy nhất ở Quảng Nam – Đà Nẵng”, Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 7 (01/2016), tr.84-87.
5. Đinh Thị Toan, “Tấm bia gửi giỗ ở tổ đình Chúc Thánh”, Văn hóa Phật giáo, số 250 (6/2016), tr.11-13.
6. Đinh Thị Toan, “Thêm một tấm bia gửi giỗ ở tổ đình Chúc Thánh”, Văn hóa Phật giáo, số 253 (7/2016), tr.14 – 17.
7. Đinh Khắc Thuân (1996), Văn bia thời Mạc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
8. Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (2009), Tổng tập thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 21, Nxb Văn hóa Thông tin.
            9. Phạm Thùy Vinh, “Lệ bầu hậu của người Việt qua tư liệu văn bia”. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3 (359)/2006, tr.33.40.
10. Các trang web:
            http://www.daitangkinhvietnam.org/node/1745; ngày truy cập 21/8/2016.
            http://ngotoc.vn/Nghien-cuu-Trao-doi/Tim-hieu-ve-bia-hau-145.html; ngày truy cập 21/8/2016.



1 Ngoài bia hậu Thần, hậu Phật, còn có bia hậu hiền, hậu ngõ, hậu xóm, hậu giáp… nhưng để tiện, chúng tôi gọi tắt loại bia này là bia hậu Thần/Phật.
2 Trần Thị Thùy Vinh (2006), “Lệ bầu hầu của người Việt qua tư liệu văn bia”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3 (359)/2006, tr.33.40.
1 Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb  Hội nhà văn, Hà Nội, tr.192-193.
2 Vũ Ngọc Khánh (2007), Nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Giáo dục. Hà Nội, tr.357-358.
1 Tất cả các địa danh nêu trong bài được giữ nguyên như trong văn bia đã đề cập. Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (2009), Tổng tập thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, kí hiệu 20058, tập 21, tr 58.
2 Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (2009), tlđd, tr.27-28.
[1] Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (2009), tlđd, tr.173-174.
3 Trang web http://www.daitangkinhvietnam.org/node/1745, ngày truy cập 21/8/2016.
4 Thống kê này được thực hiện trên tổng số thác bản văn bia được in rập, giới thiệu trong Tổng tập thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam.
1 Xin xem thêm Đinh Thị Toan, Bia hậu Thần duy nhất ở Quảng Nam – Đà Nẵng, Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 7 (01/2016), tr.84-87.
2 Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (2009), tlđd, tr.407.
3 Nguyễn Hoàng Thân (2014), Nghiên cứu văn bia Hán Nôm tỉnh Quảng Nam, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.147.
4 Nguyễn Hoàng Thân (2014), tlđd, tr.148.
1 Văn bia nói bà chưa kịp thực hiện ý nguyện gửi giỗ tiên linh vào chùa thì mất, nhưng thực tế trước đó bà đã gửi giỗ cho chồng rồi.
1 Đinh Thị Toan, “Tấm bia gửi giỗ ở tổ đình Chúc Thánh”, Văn hóa Phật giáo, số 250 (6/2016), tr.11-13.
2 Đinh Thị Toan, “Thêm một tấm bia gửi giỗ ở tổ đình Chúc Thánh”, Văn hóa Phật giáo, số 253 (7/2016), tr.14 – 17.
1 Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (2009), tlđd, tr.376.
2 Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (2009), tlđd, tr.401.

Không có nhận xét nào: