Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Đem xuân vẻ lại

Thu Sương

Năm Mỹ đánh phá Miền Bắc lần thứ hai, gia đình tôi sơ tán lên Tuyên Hoá, huyện tây bắc Quảng Bình. Ở gần hang Minh Cầm nên có lúc chúng tôi vào hang theo đường ray tàu lửa. Hang có cửa thông ra Rào Nậy, một nhánh của sông Gianh. Hang chứa nhiều súng đạn, máy bay Mỹ cứ nhè đó thả bom, phóng rốc-két. Bom dội vào núi đá, xuống sông. Núi toạc trắng hếu, nước dựng như thác, cá nổi trắng sông. Dân xóm sơ tán vào núi Cấm thế nhưng một bà già vẫn ở lại. Ả đào đó! Bà chủ nhà tôi bĩu môi. Ả đào sao chẳng biết chứ nhà bà già sạch sẽ, tinh tươm từng gốc cây, mùa nào quả ấy, lúc lĩu mời gọi. Nhiều buổi trưa, lúc giãn máy bay địch, chúng tôi phóng về tuốt ổi, quýt, muỗm bưởi rồi lủi. Sợ mẹ, sợ máy bay chứ bà già ấy lặng như bóng. Bà thường nằm võng nhìn ra Rào Nậy…mới ngày nào chửa biết cái chi chi…Ư…hừ…Lời xưa xắc mà vang vọng, lạc lõng và ma quái giữa không gian lặng tờ sau trận oanh tạc. Chỉ khi đã thấm nỗi đời tôi mới hiểu trong đấy buồn thương lẫn tự tại, chất chứa ước vọng quá khứ trở về. Tôi lục tìm sách xưa còn biết thời chống giặc Minh, có đào nương bằng tiếng hát của mình làm giặc mê mẩn, chờ chúng ngủ say rồi cùng nghĩa quân bí mật khiêng bỏ vào bao đem thả sông. Tiếng hát diệt giặc, ngân vang giữa không gian chết chóc…Phải chăng tiếng đàn Thạch Sanh cũng từ đó?
Ở miền của Ba lý, của bài chòi mà tôi cứ nhớ giọng hát lạc lõng giữa không gian lặng tờ. Cô bạn Vân Anh ở Hà Nội bảo: mời chị dự canh hát mừng sinh nhật câu lạc bộ ca trù Thăng Long. Chị sẽ gặp tứ đại đồng đường trong chiếu ca trù, sẽ gặp dân chơi xuyên tỉnh!
Chiều thứ Bảy, người đổ ra phố đông đặc. Hai lần hỏi tôi mới tìm được ngôi nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ trên đường Giang Văn Minh. Một cô gái tóc lá nhỏ nhẹ mời chúng tôi lên gác. Vân Anh đang trao đổi kịch bản với chị Phạm Thị Huệ, giảng viên khoa Nhạc cụ truyền thống của Nhạc viện Hà Nội và là đại diện Câu lạc bộ ca trù Thăng Long. Chị Huệ nói: chưa có trụ sở nên nhờ nhà bố mẹ. Dự án “Khôi phục và Truyền dạy vốn ca trù theo phong cách Ngãi Cầu” do Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam CEEVN tài trợ chỉ 70 triệu nhưng được sự giúp đỡ của Giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Khê, Gs.Ts Tô Ngọc Thanh, tiến sỹ Vũ Nhật Thăng, các nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, Bùi Trọng Hiền và sự ủng hộ nhiệt thành của các nghệ nhân. Các cụ đều có câu lạc bộ tại quê hương nhưng rất nhiệt tình. Tuổi cao sức yếu nhưng cứ tối thứ bảy đầu tiên của tháng lại lên xe về truyền dạy và hát. Các em học sinh khoa nhạc cụ truyền thống thu xếp, trang trí giúp.
Chúng tôi lên căn gác nhỏ. Ngay bậc cầu thang lên tầng trên, một cô gái tóc vàng cao lớn phe phẩy chiếc quạt giấy nhỏ trông rất ngộ. Trên chiếc sập gỗ sát tường, một ông cụ ngồi xếp bằng, kính trễ gọng, liu riu lắng nghe cậu thanh niên quất trống. Tôi nói “quất” vì dùi trống nhỏ và dài như chiếc roi. Tuy vậy cậu ta “quất” có hồi có chập: chát… tom… to..om… Dừng! Ông cụ nói: người cầm trống chầu đứng vị thứ cuối nhưng có quyền thưởng phạt. Hát hay thì đánh “chát” vào tang trống. Vì thế phải đánh trống thật chuẩn, phong lưu mà chững chạc. Thế này này: cầm roi nhẹ nhàng, ngửa bàn tay rồi đảo úp tay đập roi xuống. Tiếng trống phải thanh tao, rắn rỏi, tròn trĩnh. Tom… tom…chát… Cậu thanh niên cầm roi: tom… tom…chát… Cạnh ông cụ, một thanh niên đang hướng dẫn cô gái cách rung, vuốt dây cây đàn đáy: “vê” tức là tạo tiếng gió, “cáp” tức đàn thêm tiếng trong khuôn khổ...
Cô gái tóc lá bước lên đưa cho mỗi chúng tôi một quạt giấy. Khớp kịch bản xong, chị Huệ giới thiệu với tôi: cụ Đẹ là kép đàn thôn Cao La, xã Dân Chủ, Tứ Kỳ, Hải Dương. Tám tư tuổi, tóc mây da mồi nhưng cụ vẫn đi Hải Phòng, Quảng Ninh... Tám giờ tối mới hát nhưng cụ đến sớm để truyền dạy, sáng hôm sau về.
- Hai buổi xe cho hai giờ hát, cát-xê nào bằng? Vân Anh cười.
Chị Huệ chỉ chàng trai và cô gái ôm đàn đáy: Văn Tuyến, kép đàn giáo phường Lỗ Khê, Thu Thuỷ đào đàn trẻ của câu lạc bộ Thăng Long.
Trong phòng, chị Đỗ Quyên và Hải Phượng của câu lạc bộ ca trù Hải Phòng đang gói chiếc trống chầu bằng giấy bóng hoa. Quạt vù vù nhưng trán lấm tấm mồ hôi, chị Quyên nói hơn trăm cây số Hải Phòng lên không sao nhưng từ Gia Lâm sang sốt ruột quá, chốc lại đèn đỏ.
Một bà cụ đang ngồi với bốn cô bé. Chị Huệ bảo cụ Chúc 77 tuổi ở Ngãi Cầu, An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây, cháu nội Lan Anh, chắt nội Nguyễn Thị Nhung và Đoàn Linh Hương, đào nhí câu lạc bộ ca trù Thăng Long. Cụ Chúc bảo cô bé áo trắng bảng tên ghi “Huệ Phương, lớp 3D trường tiểu học Kim Đồng”: khó nhưng hay nhất ở chỗ ca nương nhấn nhá “ứ hự”,  phải thấy con chữ trong miệng mình mà nhả cho tròn trịa. Huệ Phương nâng phách: ư…ư…Hồ Tây… Cô bé vừa ngân vừa đưa mắt sang tôi. Cụ Chúc ra hiệu: nhìn thẳng, trước mặt là cảnh lời ca. Mồ hôi lăn dài, Huệ Phương nhịp phách: ư… ư…Hồ Tây sóng nước…
- Nói đứa trẻ 8 tuổi hát phải nhập tâm thì sao chúng hiểu được, cứ phải cầm tay chỉ lối - Cụ Chúc nói với tôi: nghe ca trù thưởng thức văn là chính, lời sâu sắc lắm. Thơ đường, lục bát hay tự do đều có thể hát ở một làn điệu nhất định nhưng phải diễn cảm hết tình thơ, ý thơ. Phải luyến chữ thật khéo, thật nhuyễn. Hát “cái lộc bình nó rơi” thì phải như nó đang rơi trước mắt người nghe! Hát phải thoát để người nghe thấy tâm mình là thật. Mỗi canh hát là một cuộc nghiệm. Tiếng hát ca trù như chiếc vòng quý, chạm trổ tinh vi từng nét. Ngoài tiếng hát, đào nương phải học đàn và phách. Đó là ba thứ bắt buộc. Đặc biệt là phách. Phách là tiếng hát thứ hai của đào nương. Tiếng hát đáng bậc thủ khoa mà phách nhụt thì hạ xuống á nguyên ngay. Phách phải quện với tiếng hát và đàn. Tuỳ ý thơ, tình thơ mà mau mà thưa, róc rách như suối reo, ríu ran như chim hót. Ví câu non xanh xanh, nước xanh ư…ư xanh…
Bốn cô bé cũng nhịp phách …non xanh xanh, nước xanh ư…ư xanh… Sớm tình, sớm tình, tình sớm, trưa tình tình trưa…
Mười hai tuổi nhưng Lan Anh, Nhung và Hương đã thành thạo điệu bắc phản, mưỡu, hát nói. Cụ Chúc nói, ca nương có “tủ” giọng. Bà Mùi luyến thật sâu chữ “say” trong câu “say mà  ai biết rằng say bao giờ”, bà Kim Đức có chữ “cảm” trong câu “Yên thuỷ mang mang vô hạn cảm”. Các bài hát đều do ca nương thể hiện trong khi người đàn, cầm trống chầu có thể nam hoặc nữ. Ca nương là chủ canh hát. Bởi lối hát kết hợp khí nhạc cổ với thơ về cây lá, núi sông, khí tiết con người mà trái với chầu văn hát cho người chết, ca trù là hát thờ người sống. Cụ Chúc cười móm mém: hát thờ người sống mà không tinh sao được?
Tôi hỏi: xe pháo về kinh có bõ công? Cụ Chúc lại móm mém: chỉ mong gặp được trò say hát, có sức khoẻ để truyền đạt. Cụ nhìn đồng hồ tường, giục trẻ vấn tóc thay áo. Bàn tay gầy guộc buộc lõi độn, vấn khăn thật cẩn thận. Nhìn cụ đứng trước gương chỉnh chuỗi cườm cẩm thạch, từng nếp áo trong ngoài, tôi cảm giác cụ sắp bước vào thánh lễ. Huệ Phương cũng áo dài năm vạt, trong lĩnh hồng ngoài sa đen. Tối hè, cô bé lấm tấm mồ hôi trán. Chị Huệ giục trẻ uống sữa. Chị nói, hát ca trù phải sử dụng nội lực rất nhiều để vận khí. Trong lúc cần năng lượng và tập trung tâm trí như các môn thể thao nhưng đào nương còn phải để bụng giữ hơi. Ăn thức nhẹ nhưng nhiều năng lượng, hát xong mới ăn chính.
Hải Phượng đính thiệp chúc mừng lên mặt trống. Vân Anh bước ra, khăn nhung trâm ngọc lúng liếng. Hoa chúc mừng nhiều nhưng hai bình sen đang độ vẫn ở vị trí trang trọng nhất. Đàn đáy dựng bên tường, giữa sập là cỗ phách ngay ngắn. Không micrô, Vân Anh nhẹ nhàng nhắc quan viên tắt di động và đèn flash để không ảnh hưởng canh hát. Cô giới thiệu nghệ nhân và khách mời các câu lạc bộ. Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ run run: thời gian của tôi không còn nhiều, hãy giữ lấy môn nghệ thuật quý giá này, còn người hát người nghe là ca trù sống mãi…
Mở đầu canh hát là điệu miễu Chơi Hồ Tây của đào nhí Huệ Phương. Tom… tom… tom…! Cụ Đẹ đánh ba tiếng trống gọi. Ca nương Phạm Thị Huệ nâng đàn. Gập chân một bên, sa đen trên vế phải lĩnh hồng vế trái, Huệ Phương nâng phách chào quan viên rồi tay phải hai lá phách dẹt, tay trái phách tròn …Mực in vách phấn đề thơ…ư…ư...thơ. Hồ Tây…ư…hồ Tây sóng nước ư… ư… hứ… bây… ư… bây giờ ư là đây…Giọng ca như nước ban mai giữa không gian đằm thắm sắc xưa.
Vân Anh hướng về quan viên: - Đàn đáy là một điểm độc đáo của ca trù. Đàn phải ghim với giọng hát nhưng tiết tấu phải đan chặt với phách. Chính vì vậy mà ca nương và kép đàn thường đi với nhau, rất hiếm khi đi với đàn lạ. Nhưng hôm nay trong sự ngẫu hứng, đào nương Đỗ Quyên của câu lạc bộ ca trù Hải Phòng và kép đàn Văn Tuyến của giáo phường Lỗ Khuê sẽ mời quý vị nghe điệu Chơi xuân.
…Đạp toang hai cánh càn khôn, đem xuân vẽ lại trong non nước nhà…Tôi nhẩm lời hát theo đàn phách rộn rã và nhớ không gian lặng tờ.
Cô gái tóc vàng rất thích thú khi Vân Anh mời quan viên cầm chầu bài Hỏi gió của Nguyễn Khuyến. Một thanh niên đưa tay. Theo giới thiệu của Vân Anh thì Minh là thính giả trẻ tuổi nhưng rất sành về âm luật và cầm chầu rất lãng tử. Minh ngồi xếp bằng, cầm roi đĩnh
 
        Một canh hát, ba thế hệ. Ảnh do đào nương Phạm Thị Huệ cung cấp
đạc: tom… tom… Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc so phách, cất giọng:
…Khoái tai phong dã! (Sướng biết bao, gió thổi đó)/ Giống vô tình cây đá cũng mê tơi/ Gặp gió đây ta hỏi một đôi nhời/ Ta hỏi gió quen ai mà phảng phất?... Phách khoan nhặt, đàn ngân và tiếng trống của người cầm chầu với dáng dấp hiện đại cho tôi cảm giác thú vị lạ. Một chị rót cho tôi ly nước nhưng hạ thấp ấm để tiếng nước không làm vỡ không gian dìu dặt phách đàn. Quạt giấy, nước vối thơm đẫm không gian xưa.
Đào nương Phạm Thị Huệ ca bài Trên vì nước, dưới vì nhà của Nguyễn Công Trứ: Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái (Chí vùng vẫy ngang dọc là món nợ của tài trai)…Một mình để vì non vì nước/ Cho kinh luân từ trước đến nghìn sau…
 Nhằm nâng cao khả năng cảm thụ ca trù và hiểu biết môn nghệ thuật dân tộc, chúng tôi mời quý vị đăng ký tham gia hội viên danh dự của Câu lạc bộ - Sau lời dẫn của Vân Anh, Thuỳ Chi, cô gái tóc lá ban chiều đưa cho tôi tờ phiếu: mời chị…
Sau bài Chiều lữ thứ của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói ca trù có từ thế kỷ 11, ở Hà Tĩnh. Ra đời sớm nhưng quy định rất chặt: ca trù ở làng xã gọi là giáo phường và thường là chồng đàn, vợ hát hoặc anh đàn em hát. Cuộc thi chỉ tổ chức ở làng khá giả, thường kéo dài một tháng. Tổ chức ở làng nào thì chức dịch làng đó cáo yết ngoài cửa đình và thông báo cho giáo phường làng biết. Giáo phường làng có trách nhiệm thông báo cho các giáo phường khác. Hoa trang trí canh hát thường theo mùa nhưng phải là thứ có hương như sen, cúc, hải đường… Các bô lão làm giám khảo. Cuộc thi qua ba vòng để chọn ba người: hát hay nhất, đức hạnh nhất và xinh nhất. Chọn xong thì bày cỗ. Một mâm cho hội đồng chức dịch, một mâm cho ba cô. Mâm cỗ đãi đào nương có cua bể, thịt ếch bởi theo kinh nghiệm dân gian, thịt cua ếch giúp giọng hát trong và bền. Vật chất không nhiều nhưng tính chuyên nghiệp, tính nhà nghề cao lại là cách thức của một đại hội liên hoan nghệ thuật cộng đồng nên người được giải rất vinh dự. Người nghe rất rành thơ phú, vì vậy trong lúc xã hội không chấp nhận con gái đi học nhưng đào nương phải học chữ, phải luyện đủ điệu để có thể hát ngay bài thơ mà quan viên vừa ứng tác. Canh hát ca trù là tổng hợp các quá trình: sáng tạo, thể nghiệm, thưởng thức tác phẩm văn chương. Nhiều đào nương không chỉ hát mà còn làm thơ rất hay về chất thơ lẫn trí tuệ, trở thành phi, hậu như Chế Thắng phu nhân, vợ vua Trần Duệ Tông. Triều Lý, Trần có nhiều vua giỏi âm luật ca trù. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chế tác điệu múa “Bài bông” nhân dịp vua Trần Nhân Tông cho dân mở hội “Thái bình diên yến” ba ngày ăn mừng chiến thắng quân Nguyên. Đây là điệu múa sang trọng bực nhất của ca trù, ca ngợi cảnh sắc đất nước vào Xuân, xưng tụng thanh bình sau ba lần đánh thắng quân Nguyên, tạo nên hào khí Đông A của vương triều nhà Trần. Thời Trịnh ca trù rất thịnh, điệu Thổng tương truyền là Trịnh Sâm soạn. Ca nương Phùng Ngọc Đài được Trịnh Tráng phong vương phi, Trịnh Cương lấy ca nữ họ Trương phong làm Quốc mẫu… Nổi tiếng trong mối tơ duyên văn nhân với ca nương là đào Cầm và Nguyễn Du. Tiếng ca của đào Cầm làm Nguyễn Du say đắm. Tương ngộ chưa lâu thì chiến tranh Trịnh Nguyễn. Sau mười năm ly tán, qua một canh hát mà Nguyễn Du nhận ra người cũ. Văn nhân quân tử xưa ai cũng yêu ca trù. Văn Cao nói “tiếng phách dồn lắng xa…”, là tiên nhạc vẳng từ tiên giới.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đã bỏ công điền dã sưu tầm ca trù mười bảy tỉnh và thành phố cho biết ở Yên Lý, Nghệ An có dòng họ Trần nhiều đời làm nghề ca trù, hiện còn lưu giữ gia phả và thần phả nghề tổ. Uy Viễn tướng công tìm ra lối hát ả đào ở làng Cổ Đạm. Thành ngữ “ca Cổ Đạm, phách Kỳ Anh” bởi Cổ Đạm có đền thờ ca trù mười hai xứ. Kỳ Anh có một xóm làm nghề ca trù là xóm Nhà Trò. Với các đề tài thiên nhiên, lịch sử, khí tiết con người, ca trù được coi là hát thờ người sống, là tinh hoa cổ nhạc Việt Nam nhưng thời chiến tranh và bao cấp nó bị cho là phù vân, điếm đàng, nhiều đình đền hát ca trù xưa bị tháo dỡ để làm nhà hộ sinh, nhà hợp tác. Tình yêu ca trù của các nghệ nhân đã vượt qua thời gian khắc nghiệt. Các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ca trù là môn văn hoá phi vật thể.
Cô gái tóc vàng có máy ghi âm nhưng vẫn ghi chép. Vân Anh lại hướng về quan viên: Thay lời kết, chúng tôi xin gửi tới quý vị tiết mục trình diễn của ba thế hệ với mong muốn ca trù sẽ mãi mãi lưu truyền trong tâm trí người dân Việt. Sau lời dẫn của Vân Anh, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cầm trống chầu, đào nương Phạm Thị Huệ đàn cho đào nhí Lan Anh ca điệu Gửi thư.

 Tôi xuống sân, những muốn nghe từ xa tiếng hát cùng phách đàn của ba thế hệ. Tình thư một bức ư…(tom…tom…). Hỏi ư…tình nhân …ư…(chát) rằng nhớ hay quên ư…(tom…tom… tom…)… Giọng ca trong vắt, phách đàn khoan nhặt và tiếng trống của người qua hơn nửa thế kỷ biến động vừa đằm thắm vừa phong lưu. Trăng rằm vằng vặc như soi như tỏ. Người xưa ơi, xin lắng nghe.

Không có nhận xét nào: