Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Bến chiều




Bến chiều
   Dương Văn Thường
       Có rất nhiều những dòng sông, mà dòng sông nào dù qua bao thác ghềnh và bình nguyên, cuối cùng cũng về với biển. Có rất nhiều những cuộc đời, mà dù qua nhiều hay ít khổ đau hoặc hạnh phúc, cuối cùng rồi cũng  về với đất. Nơi dòng sông đi qua có những bến sông, trên mỗi bến sông có nhiều cuộc đời neo đậu. 
                                             “Dang tay ra.
                                                Lúa có hoa,
                                                Thì gạo rẻ.
                                                Cười lên nhé.
                                                Đồng của ta,
                                                 Cấy mà ăn.
                                                Giếng nước nhà,
                                               Múc mà uống.”
        Ông lão đi giữa, tay xách một giỏ cá đầy, xung quanh là đàn trẻ con chăn trâu vừa tung tăng chạy theo vừa nghêu ngao hát đồng dao, đứa bé nhất nắm chặt bên tay ông lão mà nhảy chân sáo. Cứ chiều chiều thuyền ông về bến là bọn trẻ đã đứng chờ. Không hiểu chúng chờ ông hay chờ những con tôm càng, những con cua mà ông vẫn hay nướng ở bếp củi đầu bến cho chúng. Trong khi chờ mấy con tôm cua đồng chín tới, ông lại tập cho chúng hát, những bài hát do ông nghĩ ra và học được không biết tự bao giờ. Ông lão ê a hát, lũ trẻ chăn trâu lại đồng thanh hát theo. Tiếng hát vang lên rồi theo gió xốn xang cả bến chiều. Mắt ông chiều nay cũng rưng rưng.
Ông lớn thế rồi mà cũng khóc à?
Không phải đâu, khói bay vào mắt ông, lớn rồi ai mà khóc. 
  Đêm xuống, ông lão thả thuyền ra giữa dòng mà uống rượu, ông nhấp từng ngụm, từng ngụm mà như nuốt cả những đắng cay dồn nén vào lòng. Ông đã từng là lính, trở về sau cuộc chiến, dồn sức lực và thương yêu cho người vợ và đứa con gái. Được chẳng bao nhiêu năm, vợ ông bị bạo bệnh mà đi mất để lại hai cha con ông lão, côi cút nuôi nhau. Rồi đứa con của ông cũng lớn, buồn vì thi trượt đại học, con bé đi làm ăn ở miền Nam, rồi lấy chồng ở luôn trong đó. Nhiều khi nhớ con đến đứt ruột, ông lão đọc đi đọc lại những lá thư từ miền Nam gửi ra. Nó kể ở đó sông và đồng rộng lắm, người làm đồng thường nghêu ngao những khúc dân ca của đồng bằng. Vợ chồng nó làm ăn  không được may mắn. Ông nói một mình:
Chắc buồn lắm phải không con, xa nhà xa quê ai mà không nhớ.
Con bé dặn ông giữ gìn lấy thân, đừng ham việc mà  cực, nó đi rồi trái gió trở trời ai lo cho cha. Đã mấy lần vợ chồng nó bàn với ông là vô trong đó ở với con với cháu. Ông muốn lắm nhưng ngẫm nghĩ lại thấy thắt lòng. Biền biệt xa quê đi chiến đấu mấy chục năm, những mong đất nước giải phóng mà trở về được cày cuốc trên mảnh đất quê hương như có một nhà thơ đã bảo “... Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành/Trong cơn mơ thơm ngát lúa đồng xanh…”. Giờ đã già, cũng chẳng mấy lúc nữa mà về với đất là “Vui vẻ chết anh nông dân sung sướng…”, được đất quê ủ ấm là sướng lắm rồi. Đồng đội ông chẳng phải đã bao người gửi thân nơi đất lạ đó sao. Có người chẳng có lấy một chỗ đất, mà còn nằm dưới sông, dưới suối, sống với đại ngàn rồi chết gửi thân cho đại ngàn hun hút. Mình còn sống mà về với quê là nhờ máu của nhiều người. Thôi con cái lấy chồng xa là duyên phận của nó, ông lão bảo với con: “gắng mà lo cho chồng, cho con đặng sống cho hạnh phúc thế là cha vui, cha ở đây còn có xóm có làng”. Ông vẫn hằng đêm khấn khứa với trời đất là cho ông chịu khổ thêm đặng để con gái ông được an nhàn. Ông từng nói:
Muốn có hạnh phúc phải có hi sinh, người được hạnh phúc là do bản thân mình biết hi sinh và nhiều người hi sinh cho mình.
Chẳng phải là vợ ông mỏi mòn chờ đợi, hi sinh tuổi xuân cho ông, rồi đồng đội đã nằm lại chiến trường cho ông về đó sao.
       Buồn quá ông lấy sáo ra thổi, tiếng sáo rải dọc dòng sông đêm, rót ra những nỗi buồn vui mà ông đã rót vào cùng rượu đắng. Nương theo tiếng sáo những bài ca dân dã quê nhà vang ra thánh thót, chỉ là những làn điệu dân ca quê nhà thôi mà dìu dặt lòng ông. Bạn bè, chắc đồng đội ông và vợ ông sẽ ở cùng ông. Những người ở ven sông vẫn bảo nhau rằng ông già thổi sáo chẳng biết là bài gì mà nghe hay lắm. Có người già khó ngủ thì kể rằng:
        - Đêm nghe ông già thổi sáo mà nước mắt mình cứ chảy ra, chợt thấy thương cho một đời cơ cực của mình mà cũng thương cho ông ấy. Vẳng lên trong gió hình như là “Quê tôi chẳng có bóng thuyền/Mong gì có được những miền xa khơi”, hình như tiếng sao nói với nhau là vậy! Và đôi khi ông lại thổi lên trời cao một câu, “Làm nhà ở dựa bực sông/Đêm nghe con cá quậy ngày trông con chim gù”. Quê hương là vậy đã đi vào lòng ông, sung sướng biết bao!
        Dân làng phục tài ông lắm, họ kể rằng, ông chèo thuyền đi nhìn mặt sông là biết chỗ nào có cá, ông lão vung chài là nhất định có cá to. Ông lão cứ như có phép ấy, bảo năm nay nắng to là y như rằng trời đại hạn, ông bảo ba hôm nữa trời mưa thì quả là có mưa. Ông còn biết năm nào được mùa lúa, năm nào lụt to... Dân làng ai có chuyện buồn cứ đến nói chuyện với ông là thấy lòng được nhẹ hơn. Bọn trẻ trong làng cứ mặc nhiên xem ông như là ông nội, ông ngoại của chúng. Ông cho chúng khi là con cua khi thì con tôm, dạy chúng hát, kể chuyện cho chúng nghe, mà bọn trẻ nói với nhau rằng:
              - Ông kể nhiều chuyện lắm, mà chuyện nào cũng hay!
  Thời gian cứ qua đi, dân làng cứ hết vụ chiêm  đến vụ mùa tần tảo làm ăn. Bọn trẻ cũng dần lớn lên. Quê nghèo, nhiều đứa cũng như con gái ông đi làm ăn xa, có đứa thì về quê tiếp tục làm ruộng, có đứa lấy vợ lấy chồng và rồi cũng ở xa. Bọn trẻ cũng có đứa vào được đại học, học hành xong là ở lại phố phường. Dòng sông thì vẫn thế, ghe nan của ông vẫn thế, vẫn một đời quê, mùa lụt thì nước đỏ, mùa nắng thì nước xanh, những ngày mùa thu thì hơi nước bốc lên lảng bảng như mây, bến sông ông lão vẫn thường đi về và ở bến chiều bọn trẻ con vẫn cùng ông lão hát.
        Nhưng rồi ông lão cũng về với đất như những người già. Nghe người làng kể: “Trước khi đi ông ra bến sông quê chơi với lũ trẻ, lần đó ông đã khóc, mắt cứ vời vợi trông về phương nam, bọn trẻ dỗ dành ông như cách mà ông vẫn thường dỗ chúng mỗi khi có đứa khóc”.  Con gái ông chẳng kịp về với ông. Ông lại nghĩ, có lẽ con gái ông cũng từng đêm chong ngóng người thân: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Và chắc lòng con gái ông lấy chống xa cũng “Đêm đêm ra đứng hàng ba/Ngó về quê mẹ mà đau đớn lòng”. Hôm ông mất, cả làng ai cũng đi đưa ông, mà bọn trẻ trong làng thì buồn lắm. Mộ ông ở gần làng, bọn trẻ chăn trâu vẫn hay hái hoa rừng đặt lên mộ.
        Dân làng nhắc tên ông bớt dần đi, họ cũng đã quen với dòng sông đêm không còn tiếng sáo của ông già. Bọn trẻ con chiều chiều cũng không còn ra bến đợi ông nữa.
        Thế rồi, một đêm trên khúc sông ông vẫn hay thổi sáo, có bóng một con thuyền và người ngồi trên thuyền cũng thổi sáo. Tiếng sáo ngân nga trôi trên dòng sông rải ánh trăng lấp loáng. Những người ở gần bến sông bảo nhau: “Chắc hồn của ông nhớ làng, nhớ bến, nhớ sông nên ông về”. Người già thì bảo: “ Tiếng sáo nghe không như tiếng sáo của ông già.” Họ nhẩm tính ngày ông mất, rồi thầm thì: “ mới đó mà đã ba năm !”
        Người thổi sáo trên sông đêm ấy là một trong những đứa trẻ vẫn chờ ông lão ở bến chiều. Nó là đứa hay hỏi ông lão rất nhiều câu hỏi như: “làm sao ông biết trước năm nào nắng to? năm nào lụt to? Sao ông biết được mưa? Có phải ông có phép không?”. Ông lão vuốt tóc nó nhìn nó rất lâu. Giọng ông nhỏ nhẹ:
        - Con thông minh lắm, con trai à. Ta chẳng có tài phép gì đâu. Thế này nha. Năm nào bắt cá lóc mà thấy đầu to, đập đầu nó mà không chảy máu thì năm đó nắng to. Nhìn cây măng mọc vào giữa bụi tre thì có bão, tổ ong vò vẽ làm thấp thì lụt nhỏ, làm cao thì nước lụt to, ốc bươu nhiều thì mưa lớn. Làm thịt con ếch thấy xương đùi đen thì biết có mưa, đen trên thì mưa đầu tháng, đen ở giữa thì mưa giữa tháng, đen ở dưới thì mưa cuối tháng. Năm nào cau được mùa, mồng chín tháng chín ta mà không mưa thì lúa kém... Con chịu khó nhìn xung quanh thì sẽ biết thôi.
        Ngày nó đậu đại học, ông lão chèo thuyền đưa nó đi suốt buổi trên sông. Ông và nó cùng thổi sáo. Tiễn nó đi ông lão đưa một cái phong bì nâng niu cài lên túi ngực áo nó. Ông bảo:
        - Bay đi con - cánh chim của bến sông - bay thật vững vàng con nhé! Hãy đi mà ăn học cho thành tài, tất cả chúng ta sẽ rất nhớ con, nhớ thật nhiều con trai ạ! Dân làng, ông và lũ trẻ đều tự hào về con.
        Nó đi cũng đã lâu rồi, ở bến chiều lớp trẻ nhỏ hơn lại thay thế lớp trẻ đã lớn, chiều đến vẫn đứng chờ ông lão. Cho đến khi ông lão mất, từ đó bến vắng dần bọn trẻ.
        Chiều hôm sau ở bến sông, dân làng ngạc nhiên thấy bọn trẻ con vừa vỗ tay vừa nghêu ngao hát:
                                                “Đói thì ăn,
                                                 Cơm tuỳ ý.
                                                Mệt thì ngủ,
                                                Đất là giường.
                                                Vui thì thổi,
                                                Sáo không lỗ.
                                                Khát uống kìa,
                                                Nước thênh thang.”  
        Nhiều người bảo: “hình như ông già về với bọn trẻ”.
        Những người già thì nói với nhau: “ông ấy vẫn còn!”.

Không có nhận xét nào: